Chánh kiến là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Chánh kiến là gì

Chánh là chân chánh, kiến là thấy, chánh kiến là cái thấy biết chân chánh. Chánh kiến là Pháp đầu tiên và cũng là nền tảng trọng yếu của Bát chánh đạo. Theo Đức Phật giải thích, chánh kiến có hai phần quan trọng:

  1. Hiểu được lý Nhân quả.
  2. Hiểu được Lý Vô thường.

Mọi sự vật hiện hữu trên thế gian đều do nhân duyên sinh, không trường tồn và sẽ biến diệt. Khi hiểu được Nhân quả và Vô thường, ta sẽ có sự hiểu biết và cái nhìn sáng suốt. Cái nhìn chân chánh này giúp ta sống trong tỉnh thức, không bị mê lầm, điên đảo. Người có chánh kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy. Không thay đổi trắng đen, không kỳ thị xấu tốt, không phê phán hay dở.

  • Tam giới là gì.
  • Lục căn, lục trần và lục thức là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Chánh kiến là gì
Chánh kiến là gì

Chúng ta lầm lạc như thế nào khi không có Chánh kiến

Chánh kiến là sự thấy biết chân chánh, không bị tập quán, thành kiến, dục vọng hay tâm phân biệt, ngăn che và làm sai lạc. Các ví dụ sau đây sẽ cho ta thấy sự quan trọng của chánh kiến.

Chiếc điện thoại thông minh.

Chiếc điện thoại thông minh bạn cầm trên tay. Dù giá 1 triệu hay 40 triệu, nó vốn cũng chỉ là một phương tiện. Với đa phần người dùng, nó chỉ có tác dụng: Liên lạc và giải trí.

Người có chánh kiến chỉ nhìn chiếc điện thoại đơn giản như thế. Tâm không khởi phân biệt xấu đẹp, nhanh chậm, hoặc sang hay cùi.

Người không có chánh kiến sẽ khởi tâm phân biệt đủ thứ: Điện thoại phải thời trang, phải có tốc độ nhanh; Phải có cấu hình mạnh và được sản xuất bởi một thương hiệu danh tiếng…vv và vv…

Điều nguy hại mà ta không hề nhận ra là mình bị cái nhìn sai lệch này sai sửa. Nó khiến ta phải mất tiền cho những điều rất vô bổ và phi lý, kiểu như: Cần phải mua chiếc điện thoại model mới nhất mới đẹp; Làm lụng tích cóp cả năm chỉ để thay một chiếc điện thoại mới để chơi tết; Tệ hơn, đã có người bán cả thận của mình chỉ để mua một chiếc I phone; Hoặc một số cô gái trẻ thậm chí bán thân để có một chiếc điện thoại đắt tiền.

Chiếc điện thoại chỉ là một phương tiện. Nó không làm bạn sang hơn cũng chẳng khiến bạn hèn hơn. Nó cũng chẳng làm bạn đẹp hơn hay nổi trội hơn… Vì thế chẳng có lý do gì để bạn phải sanh phiền não chỉ vì một chiếc điện thoại. Có dùng là được rồi, quan tâm làm chi đến xấu, đẹp, sang, hèn? Giá trị của bạn nằm ở tâm hồn chứ không phải ở những thứ phù phiếm bên ngoài. Đó gọi là có chánh kiến.

Ông hàng xóm

Ta đang thả hồn bên ly cà phê nhìn trời ngắm đất. Chợt thấy ông hàng xóm chạy xe ngang qua, đằng sau có chở một cô gái trẻ đẹp, ăn mặc thời trang.

Người có chánh kiến chỉ thấy một việc vô cùng đơn giản: Ông hàng xóm chở một cô gái.

Người không có chánh kiến nhìn cảnh đó tâm khởi đủ điều xấu ác: A, cha này mấy hôm nay vợ đi công tác nên tranh thủ bồ bịch. Mà cha ấy già khọm sao kiếm được em bồ trẻ thế, ngon thế? Rồi thì: Đúng là đời chẳng biết đâu mà lần, bình thường thấy đạo đức thế cơ mà? Mấy năm nay thấy khá hoành tráng, chắc tiền bạc rủng rỉnh nên rửng mỡ đây…

*

Rồi với cái nhìn sai lệch ấy, ta bắt đầu quy chụp: Hạng bồ bịch ấy sớm muộn gì cũng bị vợ biết. Gia đình tan nát cho bõ ghét cái thói đạo đức giả, hay đi khuyên nhủ người…Rồi thì: Tội nghiệp, vợ đẹp, hai đứa con rõ ngoan mà chẳng biết quý trọng gia đình. Rồi thì bla…bla…các loại chửi rủa khởi lên trong tâm dẫn dắt ta. Cho nến khi ta nhận ra mình đang miên man với những suy nghĩ xấu ác thì ly cà phê cũng đã nguội ngắt rồi.

Ta hân hoan với những suy nghĩ bậy bạ, về sự phát hiện chân thực ấy cho đến một ngày ta xấu hổ khi biết rằng: Thực sự thì ngày hôm đó, ông hàng xóm chỉ chở một đứa cháu ra bến xe! Đấy, bạn thấy không? Sự sai lệch của cái nhìn nó kinh khủng như thế đó. Chỉ một chuyện bé tẻo teo thôi mà nó dẫn ta tới không biết bao suy nghĩ xấu ác.

Làm thế nào để có được Chánh kiến

Muốn có được chánh kiến ta phải tin hiểu sâu nhân quả và sự vô thường. Bởi khi ta hiểu rõ vạn pháp là vô thường, vạn sự đều nằm trong vòng nhân quả, tà kiến sẽ không thể nẩy sinh. Khi ấy mọi sự thấy biết của ta mới tạm gọi là Chánh kiến.

Chánh kiến và nhân quả

Chúng ta ai ai cũng biết: “Gieo nhân nào gặt quả nấy”. Một hạt dưa gieo xuống đất, gọi là “nhân”. Nước tưới, ánh sáng, phân bón… gọi là duyên. Ngày sau cây dưa ấy lớn mạnh cho chúng ta quả ngọt. Đây gọi là “quả”.

Ta trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Không thể gieo hạt gai góc mà có được quả gạo nếp thơm ngon..Không bao giờ có quả mà không có nhân. Có mây mới có mưa, có lửa mới có khói, gieo gió mới gặt bão. Người ta vô cớ chửi mắng hai làm tổn hại mình cũng đều do ta hoặc kiếp này hoặc kiếp khác làm tổn hại họ, nay đến ngày đền trả. 

Nhận rõ quả báo của hành vi, ngôn từ và ý niệm của chính mình như vậy, chúng ta sẽ không oán trách trời người. Ta nhận ra mọi thứ đều bởi nhân quả, tự mình làm tự mình chịu. Không có trời đất hay thánh thần nào có thể can thiệp được vào số mệnh của ta. Sự thấy hiểu chân chánh này giúp ta tránh được tệ mê tín dị đoan. Và ta nhận ra việc bói toán, cầu cúng, cho đến dâng sao giải hạn đều là giả dối. Vì thế muốn có chánh kiến, trước phải tin sâu nhân quả:

*
  • Ta hay ốm đau tật bệnh, bởi kiếp trước gieo nghiệp giam nhốt, đánh đập chúng sanh.
  • Người đoản mạng vì bất cứ nguyên nhân gì, đều bởi kiếp này hoặc kiếp trước gieo nghiệp sát sanh quá nặng.
  • Người nghèo túng nhiều hơn người giầu có, bởi thế gian ít người biết bố thí mà ra.

Hiểu thế rồi thì dù có việc tệ hại gì xảy ra chăng nữa, ta cũng chẳng oán trách chi ai. Chỉ trách mình nghiệp sâu chướng nặng, từ đó thay thay đổi mà làm lành lánh ác. Rồi hoặc niệm Phật hoặc trì chú; Hoặc tụng kinh để tự giải nghiệp cho mình. Rốt cuộc sẽ đến một ngày nghiệp tiêu trí rạng. Hoặc cuộc sống tốt đẹp hơn; Hoặc ngộ đạo mà vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Tin hiểu nhân quả rồi, lại cần phải tiến thêm lên nấc mới: Hiểu nhân quả là phải phải hiểu ở khía cạnh nhân quả ba đời. Bởi nhân quả trùng trùng lớp lớp. Nhiều chuyện nếu không tường tận nguyên nhân tất dễ nảy sinh tà kiến. Rồi bởi không lý giải được nên quay lại bài nhân bác quả. Gieo nhân địa ngục rồi trầm luân mãi nơi sáu nẻo luân hồi.

*

Việc này sinh ra do việc kia đã sinh ra. Không có chuyện gì xảy ra, dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay bình thường, mà không do có chuyện khác xảy ra trước đó. Thí dụ như chúng ta có cái bánh để ăn, nguyên do trước đó có bột, có đường và có công thợ, dĩ nhiên cũng do chúng ta có tiền mua. Thí dụ như: Cơ thể phát phì nguyên do ăn uống quá độ. Nghèo túng nguyên do làm biếng. Bệnh tật nguyên do thiếu vệ sinh. Con cái không có tình thương đậm đà nguyên do cha mẹ không thường xuyên chăm sóc, gần gũi. Thiên hạ thù ghét nguyên do lời nói khó nghe. Vợ chồng lục đục nguyên do thiếu sự cảm thông, thiếu sự hiểu biết, thiếu sự hòa hợp.

Muôn sự muôn vật trên thế gian này đều do nhân duyên sinh. Mọi sự mọi việc không do ông trời, không do một đấng tạo hóa đầy quyền năng nào tạo ra cả. Bởi giàu sang hay nghèo hèn, khỏe mạnh hay ốm đau…Cho đến dân tộc này giàu sang sung sướng, dân tộc khác nghèo nàn khổ cực… Thảy đều do Nghiệp của chúng sanh chiêu cảm mà nên.

Chánh kiến và vô thường

Hòa thượng Thích Chân Tuệ giảng: “Chúng ta ai ai cũng biết: “Có sinh ắt có diệt”. Nghĩa là muôn sự muôn vật trên thế gian này đều không tồn tại vĩnh viễn. Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Nghĩa là bất cứ vật nào có hình tướng, nhìn thấy được bằng cặp mắt thường, lớn như quả núi, tòa nhà, nhỏ như tấm thân chúng ta, như hạt cải, hạt cát, tất cả đều hư vọng, đều trải qua bốn giai đoạn: “sinh, trụ, dị, diệt”.

Mọi vật sinh ra, trụ thế một thời gian ngắn dài, rồi cũng biến dị và cuối cùng cũng bị diệt mất! Thí dụ như: Cây bông hồng từ hạt giống trong đất sinh ra, mọc lên, trổ hoa. Hoa hồng khoe hương sắc, ít ngày sau héo úa, tàn lụi, trở thành phân bón cho bông hồng khác sau này. Cuộc đời cứ như thế tiếp diễn không ngừng, đạo Phật gọi là “sự luân hồi”, cũng như bánh xe quay mãi, quay mãi vậy.

  • Vô thường là gì

Có chánh kiến như vậy, khi của cải vật chất, xe hơi đồ đạc bị mất mát hư hao, khi con cái lỡ tay đập bể hay làm hư hại vật gì, dù quí giá đến đâu, thậm chí khi người thân đến lúc qua đời, chúng ta sẽ không khổ đau nhiều. Hiểu được như vậy, khi gặp một việc tai biến, một sự bất trắc, một chuyện bất như ý, thậm chí tán gia bại sản, người thân biến thành kẻ thù, chúng ta cũng sẽ không đau khổ nhiều.

Chuyện gì rồi cũng sẽ qua, có gì tồn tại mãi mãi đâu mà cố chấp, tranh đua hơn thua, cái mạng sống này còn không giữ được nữa, huống là thứ gì khác trên đời này? Có ai sống mãi không chết? Có ai trẻ mãi không già? Có ai khỏe mãi không đau? Ðó là lý vô thường. Có câu: Bèo hợp rồi tan, trăng tròn rồi khuyết. Cuộc đời cứ như thế xoay vần đổi thay, không bao giờ dừng. Thường xuyên quán chiếu, tin sâu “Lý Nhân Quả” và “Lý Vô Thường”, cuộc đời của con người sẽ an lạc và hạnh phúc hơn.”

(Chánh kiến là gì)

Tuệ Tâm 2021.

 

Xem Thêm:   Ngày mai, 14-9-2024 sẽ diễn ra “Đêm hội trăng rằm” - Tết Trung thu tại Việt Nam Quốc Tự

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog