Kinh Tối Thắng Phật Đảnh Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Thần Chú
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 8.000 vị đại Bhikṣu [bíc su] ở Đạo tràng Trúc Duẩn, tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.
Tất cả đều là các vị đại Ứng Chân mà ai cũng quen biết. Tên các ngài là: Tôn giả Thu Lộ Tử, Tôn giả Đại Thải Thục Thị, Tôn giả Đại Ẩm Quang, Tôn giả Vô Diệt, và các vị đại Thanh Văn khác như thế làm thượng thủ.
Lại có vô lượng chư đại Bồ-tát. Tất cả đều trụ không thoái chuyển và có vô lượng công đức dùng để trang nghiêm. Tên các ngài là: Quán Tự Tại Bồ-tát, Diệu Cát Tường Bồ-tát, Đắc Đại Thế Bồ-tát, Từ Thị Bồ-tát, Thắng Liên Hoa Tạng Bồ-tát, Tịnh Trừ Nhất Thiết Chướng Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, và chư đại Bồ-tát khác như vậy; là những bậc thượng thủ của 32.000 vị Bồ-tát đến dự Pháp hội.
Lại có 10.000 vị vua ở cõi Phạm Thiên, với Đại Phạm Thiên Vương và Thiện Kiến Thiên Vương làm thượng thủ, cùng với hàng Phạm chúng của họ đến dự Pháp hội.
Lại có 12.000 thiên tử, với Năng Thiên Đế làm thượng thủ, cùng với vô lượng trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, quỷ úng hình, quỷ hút tinh khí, người và phi nhân đến dự Pháp hội.
Lúc bấy giờ bốn chúng đệ tử vây quanh Thế Tôn, cung kính chiêm ngưỡng và nhất tâm nghe Pháp.
Khi ấy, chư thiên ở trời Tam Thập Tam hội họp tại Giảng đường Thiện Pháp. Trong đó có một vị thiên tử tên là Thiện Trụ.
Đương lúc du hành trong cung điện báu lớn, có thiên nữ theo hầu, vây quanh ở trước sau, và cùng vui chơi với các thể nữ, thì vào khoảng cuối đêm, hốt nhiên vị thiên tử này nghe trên không trung có tiếng bảo rằng:
“Thiện Trụ Thiên Tử! Bảy ngày từ bây giờ, ngài sẽ xả báo thân, rồi đọa làm bảy loại động vật ở châu Thắng Kim và luôn ăn đồ ô uế bất tịnh. Tiếp đến ngài sẽ đọa địa ngục để chịu thống khổ. Trải qua nhiều kiếp sau ngài mới được thân người. Tuy được thân người nhưng lúc sanh ra thì hai mắt đã mù, lùn xấu gớm ghiếc, các căn không hoàn chỉnh, hơi thở thường hôi hám, luôn thiếu thốn miếng cơm manh áo, bần cùng hạ tiện, và bị người xa lánh.”
Khi nghe lời đó rồi, Thiện Trụ Thiên Tử kinh hãi hoảng sợ, lông khắp toàn thân dựng đứng, và ưu sầu không vui. Liền lập tức, ngài cùng với đoàn tùy tùng trang nghiêm, cầm theo hương hoa và phẩm vật cúng dường đi đến chỗ của thiên đế.
Sau khi đã quỳ xuống và đảnh lễ với trán chạm sát chân của thiên đế xong, ngài òa khóc bi ai và thưa với thiên đế rằng:
“Xin hãy nghe con trần thuật.
Giữa lúc con cùng với các thiên nữ và chư thiên chúng đang vui chơi ở trong Giảng đường Thiện Pháp, hốt nhiên trên không trung có tiếng gọi tên của con mà bảo rằng:
‘Bảy ngày từ bây giờ, ngài sẽ xả báo thân, rồi đọa làm bảy loại động vật ở châu Thắng Kim và luôn ăn đồ ô uế bất tịnh. Tiếp đến ngài sẽ đọa địa ngục để chịu thống khổ. Trải qua nhiều kiếp sau ngài mới được thân người. Tuy được thân người nhưng lúc sanh ra thì hai mắt đã mù, lùn xấu gớm ghiếc, các căn không hoàn chỉnh, hơi thở thường hôi hám, luôn thiếu thốn miếng cơm manh áo, bần cùng hạ tiện, và bị người xa lánh.’
Thưa thiên đế! Con phải làm thế nào để thoát khỏi?”
Khi nghe những lời này, Năng Thiên Đế hết sức kinh ngạc và liền tư duy:
“Thiện Trụ Thiên Tử đã gieo nhân tích phước gì ở đời trước mà nay được sanh lên trời để thọ hưởng vui sướng đến nhiều kiếp? Lại do nghiệp ác gì mà khi thọ hết phước báo cõi trời mà phải thọ sanh làm bảy loại động vật ở châu Thắng Kim và sau đó còn bị đọa địa ngục để chịu đau đớn, rồi sanh làm người mù lòa và chịu đủ mọi khổ ách?”
Khi đã tư duy như thế, Năng Thiên Đế lại suy nghĩ rằng:
“Thiện Trụ Thiên Tử sẽ phải thác sanh vào những loại động vật gì?”
Thế là ngài liền dùng thiên nhãn quán sát nghiệp báo đó. Chỉ một thoáng trong định, thiên đế thấy Thiện Trụ Thiên Tử sẽ thọ sanh làm bảy loại động vật. Đó là heo, chó, dã can, khỉ, mãng xà, quạ, kên kên, và chúng luôn ăn đồ ô uế bất tịnh.
Khi thấy việc ấy rồi, ngài hết sức ưu sầu khổ não, bi cảm thương xót, và cõi lòng đau nhói.
Ngài lại suy nghĩ như vầy:
“Ta chỉ thấy một phần nhỏ của nghiệp báo lãnh thọ, còn những việc sâu xa của các nhân duyên chiêu cảm thì ta chẳng thể suy lường. Duy chỉ có biển Chánh Biến Tri của Như Lai mới có thể biết nhân duyên thiện ác của những việc như vậy. Ta nên đến thưa hỏi Phật về việc đó. Với lòng đại từ, Thế Tôn sẽ nói rõ cho chúng ta và có thể sẽ giúp Thiện Trụ Thiên Tử thoát miễn khổ báo này.”
Lúc bấy giờ, Năng Thiên Đế liền sắc lệnh các thiên chúng, rằng họ cùng với đoàn tùy tùng trang nghiêm hãy mang theo vòng hoa, xâu chuỗi anh lạc, cùng đủ mọi hương xoa, hương bột, hương đốt, và thiên y để rải trùm khắp mà làm cúng dường.
Sau đó, Năng Thiên Đế dẫn theo hàng quyến thuộc và cấp tốc đi đến Tinh xá Kỳ Viên. Lúc đến nơi, ngài đảnh lễ Phật, đi nhiễu bên phải bảy vòng, và phụng hiến phẩm vật để làm cúng dường rộng lớn ở trước Thế Tôn.
Khi đã làm Pháp sự xong, ngài đứng qua một bên, rồi nương uy thần của Phật mà thưa rằng:
“Thưa Thế Tôn! Giữa lúc Thiện Trụ Thiên Tử cùng với các thiên nữ và chư thiên chúng đang vui chơi ở trong Giảng đường Thiện Pháp, hốt nhiên trên không trung có tiếng bảo rằng bảy ngày sau, thọ mạng trên trời của Thiện Trụ Thiên Tử sẽ hết và sẽ thọ sanh làm các loài động vật, rồi sau đó đọa địa ngục, khi được làm người thì các căn không hoàn chỉnh và phải trải chịu nhiều khổ ách.”
Khi đã kể rõ tường tận những việc như đã nói ở trên, thiên đế bạch Phật rằng:
“Kính mong Thế Tôn vì bốn chúng đệ tử và chúng con mà giải thích nhân duyên đời trước của Thiện Trụ Thiên Tử vào thuở xa xưa, đã tu phước nghiệp gì mà được sanh lên trời để thọ hưởng vui sướng đến nhiều kiếp?
Lại do nhân duyên gì mà khi mạng chung, Thiện Trụ Thiên Tử phải đọa làm bảy loại động vật như đã nói ở trên và chúng đều ăn đồ bất tịnh; sau đó còn đọa địa ngục để chịu thống khổ và trải qua nhiều kiếp sau mới được thân người; tuy được thân người nhưng lúc sanh ra thì hai mắt đã mù, lùn xấu gớm ghiếc, các căn không hoàn chỉnh, hơi thở thường hôi hám, luôn thiếu thốn miếng cơm manh áo, bần cùng hạ tiện, và bị người xa lánh?
Lại do tu phước gì mà cảm ứng trong hư không có tiếng bảo cho biết nghiệp báo ở vị lai của Thiện Trụ Thiên Tử?
Cúi xin Thế Tôn từ bi cứu vớt Thiện Trụ Thiên Tử và cũng như thương xót chúng con mà giải thích cội nguồn của các nhân duyên và báo ứng này, để khiến Thiện Trụ Thiên Tử được thoát miễn.”
Khi ấy Thế Tôn bảo Năng Thiên Đế rằng:
“Thiện nam tử! Ông vì lòng đại từ nên mới có thể hỏi về những việc nghiệp báo của nhân duyên thiện ác mà Thiện Trụ Thiên Tử đã làm vào thuở xưa.
Ông nay lại có thể cầu thỉnh Ta giúp Thiện Trụ Thiên Tử thoát miễn khổ ách đó. Lành thay, lành thay! Lắng nghe, lắng nghe! Ta sẽ phân biệt và giảng giải cho ông.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn phóng đại quang minh từ trên đỉnh đầu, chiếu khắp tất cả Phật độ khắp mười phương. Ánh sáng đó có năm màu–xanh, vàng, đỏ, trắng, đen–hỗ tương chiếu sáng và xoay vòng uyển chuyển bên phải. Sau đó, chúng bay trở về chỗ của Phật, nhiễu Phật ba vòng, và vào trong miệng của Phật.
Khi đã thu nhiếp hào quang, Đức Phật liền mỉm cười và bảo Năng Thiên Đế rằng:
“Lắng nghe, lắng nghe! Vào thuở quá khứ vô lượng vô số kiếp về trước, lúc ấy có Đức Phật, hiệu là Thắng Quán Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Sau khi nhân duyên giáo hóa ở thế gian đã hết, Ngài vào Cứu Cánh Tịch Diệt. Bấy giờ ở trong thời Tượng Pháp, có một vương quốc gọi là Lộc Dã. Trong đó có một Phạm Chí. Vào ngày đứa con trai duy nhất của ông chào đời thì ông cũng từ trần. Thế là người mẹ nghèo một mình phải đi xin ăn khắp nơi để nuôi con. Năm tháng trôi qua, đứa con khôn lớn và ra đồng làm việc.
Quá giờ cơm trưa của một ngày nọ, đứa con đói khát nên khởi lòng nóng giận mẹ mình mà thốt ra lời ác rằng:
‘Sao hôm nay không mang cơm đến!’
Trong lúc bực bội và oán hận, nó lại thốt ra lời giận dữ đến ba lần như vầy:
‘Mẹ của ta ngay cả loài động vật cũng không bằng. Ta thấy loài heo, chó, dã can, khỉ, mãng xà, quạ, và kên kên thương yêu nuôi con. Tuy là động vật mà chúng còn không hề tạm rời xa và không để cho con của chúng phải đói khát. Tại sao đến giờ mà mẹ ta chưa thấy đến? Ta đói khát như vầy mà lại không mang cơm đến đây!’
Giữa lúc đứa con ôm lòng oán hận thì chẳng bao lâu, người mẹ xin được thức ăn và vội vã mang đến, rồi bà an ủi con mình để làm cho nó vui vẻ.
Lúc vừa ngồi xuống để dùng cơm, họ bỗng nhiên thấy một vị Độc Giác trong hình tướng của bậc Đạo Nhân, bay từ phương nam lên hướng bắc giữa bầu trời. Khi đứa con nhìn thấy, tâm sanh kính ngưỡng, rồi liền đứng dậy, chắp tay, đầu đảnh lễ sát đất, và thỉnh mời giáng lâm.
Bấy giờ vị Độc Giác tiếp nhận lời mời. Với lòng hân hoan, đứa con trải tòa cỏ tranh màu trắng, phụng hiến diệu hoa thanh tịnh, và lấy một phần thức ăn của mình để dâng lên. Khi thọ thực xong, vị Bhikṣu thuyết giảng Pháp yếu và chỉ dạy những điều lợi ích an vui.
Về sau, đứa con đó lại có thể xuất gia và được giao nhiệm vụ quản lý công việc trong chùa. Cũng vào thời điểm ấy, có một vị thí chủ thuộc dòng dõi Phạm Chí tạo lập chỗ ở cho chư Tăng. Lại cũng có những vị thí chủ khác cúng dường rất nhiều bơ và dầu. Bấy giờ có những vị Tăng từ nơi khác đang dùng cơm tại chùa. Khi vị Tăng tri sự thấy vậy, tâm sanh keo tiếc, khởi lòng sân hận, và ghét cay ghét đắng họ. Bơ, dầu, và những món ăn khác đều chẳng lấy cho họ dùng.
Có một vị khách Tăng lên tiếng:
‘Những vật này là của thí chủ cúng dường cho hiện tiền Tăng. Sao phải cất giữ làm gì mà không lấy ra ăn?’
Vị Tăng tri sự với tánh ác độc xấu xa liền mắng chửi:
‘Bọn khách Tăng các người sao không ăn phân và uống nước tiểu đi, mà lại hỏi bơ với dầu hả? Bộ mắt các người đui rồi sao mà thấy ta cất giấu chúng hả?'”
Phật bảo Năng Thiên Đế:
“Con của Phạm Chí thuở đó, nay chính là Thiện Trụ Thiên Tử.
Do nói lời sân hận mà so sánh mẹ mình như loài động vật, nên hiện tại chiêu cảm phải tự làm thân động vật bảy lần.
Do đương lúc làm vị Tăng tri sự mà thốt lời bảo ăn phân uế, nên nghiệp cảm khiến phải luôn ăn đồ bất tịnh.
Do keo tiếc thức ăn đối với những vị khách Tăng, nên phải đọa địa ngục thọ khổ.
Do mắng chửi những vị khách Tăng như kẻ đui, nên phải thọ không có mắt suốt bảy trăm lần sanh, luôn ở nơi tăm tối rất lâu, và chịu thống khổ khôn xiết.
Này thiên đế! Nên biết rằng, gây nhân gặp quả của nghiệp tội như thế sẽ không bao giờ sai lệch.
Lại nữa, thiên đế! Thiện Trụ Thiên Tử được sanh lên trời là do vào thuở quá khứ đã trải tòa dâng hoa, cung kính cúng dường thức ăn cho vị Độc Giác, và công đức nghe Pháp, nên nay luôn được thọ hưởng phước trời thù thắng diệu lạc đến nhiều số kiếp.
Lại đương lúc vị Độc Giác bay trên không, đứa con hướng lên không trung mà thành tâm chắp tay cung kính và đầu đảnh lễ sát đất. Do bởi công đức này, nên nay giữa hư không có tiếng của thần mách bảo. Người mách bảo chính là vị thần canh giữ cung điện của Thiện Trụ Thiên Tử.”
Lúc bấy giờ Thiện Trụ Thiên Tử nương lời dạy của Phật nên lập tức biết tất cả nghiệp duyên ở đời trước, và liền ở trước Phật mà hối lỗi tự trách:
“Do quá khứ con đã giận dữ trù rủa mẹ và keo tiếc mắng chửi chư Tăng, nên khiến con phải chịu lấy nghiệp tội thâm trọng ở vị lai. Con nay nương thánh chỉ của Phật mà chí thành sám hối.”
Thiện Trụ Thiên Tử liền quăng mình xuống đất, máu chảy lai láng toàn thân, và ngất xỉu đến một hồi lâu sau mới tỉnh dậy. Rồi Thiện Trụ Thiên Tử gào khóc, lệ tuôn như mưa, và bi ai chẳng thể tự kiềm chế.
Phật bảo Thiện Trụ Thiên Tử và Năng Thiên Đế:
“Trong nghiệp duyên của mười nghiệp ác, nói lời ác đứng đầu. Phải biết rằng, mắng chửi ác độc còn mạnh hơn cả lửa dữ. Trong khi lửa dữ chỉ thiêu đốt tài bảo bảy báu và đồ vật tiêu khiển của thế gian, nhưng lửa dữ của nói lời ác có thể thiêu đốt Bảy Pháp Tài. Nó có thể thiêu sạch, diệt tận tất cả công đức để lìa khỏi thế gian và vụt nhanh chiêu cảm quả báo ác.
Do bởi Thiện Trụ Thiên Tử đã thốt ra lời giận dữ mẹ mình cùng mắng chửi chư Tăng, nên việc đó đốt sạch phước trời và khiến Thiện Trụ Thiên Tử phải đọa địa ngục.
Này thiên đế! Phàm là cha mẹ của mình và chư Tăng thì không nên khinh miệt hay hủy báng. Thay vào đó, hãy nên tôn trọng, cung kính cúng dường, dùng lời nhu hòa để xưng tán, và luôn tưởng niệm ân đức của họ. Lòng thương yêu và từ mẫn ở trong ba cõi, chỉ có đến từ cha mẹ của mình mà thôi. Phước điền ở trong ba đời, gieo trồng phước điền nơi chư Tăng là hơn hết. Như có ai cúng dường cho 8 bậc chân Tăng hoặc 12 bậc hiền thánh thì công đức đó sẽ không bao giờ tiêu mất. Giả sử muốn cầu ra khỏi thế gian thì nó cũng có thể giúp họ thành Đạo. Do bởi lẽ này thì làm sao có thể thốt lời khinh khi đối với chư Tăng?
Công lao của cha mẹ sanh đẻ và nuôi nấng thật khó nhọc biết dường nào. Mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, và phải chịu muôn vàn gian nan để dưỡng dục dạy bảo. Họ mong mỏi con mình trưởng thành và tài nghệ hơn người. Họ lại kỳ vọng con mình sẽ xuất gia và vượt khỏi sanh tử. Ân đức của cha mẹ như trời cao lồng lộng, thật khó mà báo đáp.
Cho nên Ta đã từng bảo Thị giả Khánh Hỷ rằng, ‘Giả sử có người, vai trái vác cha, vai phải vác mẹ, rồi đi vòng quanh núi Diệu Cao suốt trăm ngàn vòng cho đến khi máu chảy ngập cả đôi mắt cá chân, thì vẫn còn không thể báo đáp hết thâm ân một ngày bú mớm của cha mẹ.’ Do bởi lẽ này thì làm sao có thể khởi niệm ác mà thốt lời sân hận và khinh miệt đối với họ?”
Phật bảo Năng Thiên Đế và Thiện Trụ Thiên Tử:
“Do nay đã thấy Ta, nên ông sẽ được Năm Nhãn thanh tịnh. Lại do sám hối triệt để, nên nghiệp tội của ông cũng diệt trừ.”
Bấy giờ Phật nhìn Thiện Trụ Thiên Tử và bảo rằng:
“Ông thôi đừng khóc nữa. Ta có một Pháp môn tên là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú. Ai thọ trì chú này sẽ có thể khiến họ giải thoát khỏi khổ ách.
Này Thiện Trụ! Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú này của Ta cũng đã được tỷ ức chư Phật tuyên thuyết. Ta nay sẽ tuyên thuyết thần chú này. Ở trong chư Phật đảnh, thần chú này là tối tôn tối thắng. Nó có thể diệt trừ tất cả nghiệp chướng và chuyển thành thanh tịnh, có thể cứu vớt chúng sanh ra khỏi địa ngục, bàng sanh, cõi giới của Diêm Vương, và có thể bạt trừ hết thảy sanh tử khổ não của chúng sanh.”
Đức Phật lại bảo thiên đế rằng:
“Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, Bhikṣu, hay Bhikṣuṇī [bíc su ni] nào có thể thọ trì đọc tụng Thanh Tịnh Phật Đảnh Tối Thắng Thần Chú này, thì do bởi công đức ấy, mười nghiệp ác và năm tội ngỗ nghịch của họ đã tạo trong một tỷ kiếp đều được tiêu trừ. Người ấy sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Họ sẽ đắc Túc Mạng Thông mà không cần phải chuyển sanh. Người ấy sẽ từ một cõi Phật này vãng sanh đến một cõi Phật khác. Họ sẽ luôn được Phổ Hiền Bồ-tát, Diệu Cát Tường Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, và Đắc Đại Thế Bồ-tát lấy tay xoa đỉnh đầu để thọ ký Bồ-tát cho họ. Người ấy sẽ thường ở tại Đạo Tràng lắng nghe cùng thọ trì Chánh Pháp, và sẽ chứng Nhất Thiết Trí.
Lại nữa, thọ mạng của họ sẽ gia tăng, thân ngữ ý thanh tịnh, và không bị chết oan. Khắp thân thể của họ thơm sạch, cảm giác xúc chạm phơi phới sung mãn, và được vui sướng khinh an ở mọi lúc mọi nơi.
Nếu khi lâm chung mà tụng chú này, họ sẽ liền được vãng sanh về các quốc độ của chư Phật.”
Khi nghe Phật tuyên dương và tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, Năng Thiên Đế vui mừng khôn xiết.
Ngài nhất tâm khát ngưỡng và thưa rằng:
“Thưa Thế Tôn! Kính mong Như Lai hãy thương xót Thiện Trụ Thiên Tử cùng chúng con, và cũng như chúng sanh ở Mạt Pháp vị lai, mà tuyên thuyết Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú này. Con sẽ tu hành và nguyện làm cho hết thảy chúng sanh vĩnh viễn lìa xa khổ ách của tám nạn.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn vì thiên đế cùng Thiện Trụ Thiên Tử và bốn chúng đệ tử mà liền nói chú rằng:
|| namo bhagavate trailokya-prati-viśiṣṭāya buddhāya bhagavate tadyathā
|
| oṃ viśuddhāya viśuddhāya asamasama samanta-avabhāsa spharaṇa-gati-gahana
|
| svabhāva-viśuddhe abhiṣiñcatu māṃ sugata vara-vacana-amṛta-abhiṣekair
|
| mahā-mantra-padairāhara-āhara-āyus saṃdhāraṇi śodhaya śodhaya
|
| gagana viśuddhy-uṣṇīṣa vijaya viśuddhe sāhasra-raśmi saṃcodite
|
| sarva-tathāgata-avalokani ṣaṭ-pāramitā paripūraṇi mati-daśa-bhūmi pratiṣṭhite
|
| sarva-tathāgata-hṛdaya-adhiṣṭhāna-adhiṣṭhita mahā-mudre vajra-kāya-saṃhatana viśuddhe
|
| sarva-āvaraṇa-apāya-durgati pari-viśuddhe pratinivartaya
|
| āyuś śuddhe samaya-adhiṣṭhite maṇi maṇi mahā-maṇi tathatā bhūtakoṭi pariśuddhe
|
| visphuṭa buddhi śuddhe jaya jaya vijaya vijaya smara smara
|
| sarva-buddha-adhiṣṭhita śuddhe vajre vajra-garbhe vajraṃ bhavatu mama śarīraṃ
|
| sarva-sattvānām ca kāya pariviśuddhe sarva-gati pariśuddhe
|
| sarva-tathāgata siñca me sama-āśvāsayantu sarva-tathāgata sama-āśvāsa-adhiṣṭhite
|
| bodhyā bodhyā vibodhyā vibodhyā bodhaya bodhaya
|
| vibodhaya vibodhaya samanta-pariśuddhe
|
| sarva-tathāgata-hṛdaya-adhiṣṭhāna-adhiṣṭhita mahā-mudre svāhā ||
❖
|| nam mô, ba ga qua te, trai lô ki a – bờ ra ti – vi si sờ ta da, bu đà da, ba ga qua te, ta đi a tha
|
| ôm, vi su đa da, vi su đa da, a sa ma sa ma, sa man ta – a va ba sa, sờ pha ra na – ga ti – ga ha na
|
| sờ qua ba qua – vi su đe, a bi xin cha tu, mâm, su ga ta, va ra – va cha na – am ri ta – a bi se cai ri
|
| ma ha – man tra – ba đai ra ha ra – a ha ra – a dệt, sâm đa ra ni, sô đa da, sô đa da
|
| ga ga na, vi su đi, u sờ ni sa, vi cha da, vi su đe, sa ha sờ ra – ra sờ mi, sâm cô đi te
|
| sa qua – ta tha ga ta – a va lô ca ni, sách – ba ra mi ta, ba ri bu ra ni, ma ti – đa sa – bu mi, bờ ra ti sờ thi te
|
| sa qua – ta tha ga ta – hê ri đa da – a đi sờ tha na – a đi sờ thi ta, ma ha – mu đờ re, va chờ ra – ca da – sâm ha ta na, vi su đe
|
| sa qua – a va ra na – a ba da – đưa ga ti, ba ri – vi su đe, bờ ra ti ni qua ta da
|
| a dệt, su đe, sa ma da – a đi sờ thi te, ma ni, ma ni, ma ha – ma ni, ta tha ta, bu ta cô ti, ba ri su đe
|
| vi sờ phu ta, bu đi, su đe, cha da, cha da, vi cha da, vi cha da, sờ ma ra, sờ ma ra
|
| sa qua – bu đà – a đi sờ thi ta, su đe, va chờ re, va chờ ra – ga be, va chờ râm, ba qua tu, ma ma, sa ri râm
|
| sa qua – sách toa nâm, cha, ca da, ba ri vi su đe, sa qua – ga ti, ba ri su đe
|
| sa qua – ta tha ga ta, xin cha, me, sa ma – a sờ qua sa dan tu, sa qua – ta tha ga ta, sa ma – a sờ qua sa – a đi sờ thi te
|
| bô đi a, bô đi a, vi bô đi a, vi bô đi a, bô đa da, bô đa da
|
| vi bô đa da, vi bô đa da, sa man ta – ba ri su đe
|
| sa qua – ta tha ga ta – hê ri đa da – a đi sờ tha na – a đi sờ thi ta, ma ha – mu đờ re, sờ qua ha ||
Phật bảo thiên đế rằng:
“Thanh Tịnh Chư Thú Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú này của Ta có thể tịnh trừ tất cả nghiệp chướng, và có thể tịnh trừ tất cả khổ ách của ba đường ác. Thần chú này đã được chư Phật nhiều như 88 ức số cát sông Hằng cùng tuyên thuyết, tưởng nhớ thủ hộ, và tùy hỷ tán thán. Chú này được ấn khả của hết thảy Như Lai, do bởi nó có thể tịnh trừ mười tội ác của tất cả chúng sanh, có thể cứu chúng sanh ra khỏi địa ngục, bàng sanh, và cõi giới của Diêm Vương.
Giả sử có chúng sanh nào mà phước nghiệp suy giảm và lẽ ra phải chịu đoản mạng, xấu xí tàn tật, thấp kém bần tiện, mù điếc câm ngọng, hoặc đáng phải đọa địa ngục hoặc bàng sanh để chịu các khổ não, nhưng nếu họ nghe được Ta nói tên của thần chú này, thì quả báo xấu ác sẽ tiêu diệt và họ liền được giải thoát. Cho dù chúng sanh nào gây tạo nhiều nghiệp ác, như là mười nghiệp ác và năm tội ngỗ nghịch, thì tất cả tội chướng nặng nhẹ của họ thảy đều tiêu trừ. Họ sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vĩnh viễn lìa xa tất cả khổ nạn, vĩnh viễn lìa xa chốn bàng sanh, cõi giới của Diêm Vương, cho đến phi thiên, quỷ tiệp tật, quỷ bạo ác, quỷ xú uế, quỷ cực xú uế, và quỷ điên cuồng. Họ thảy đều được thoát khỏi các đường ác như vậy.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Nếu ai lại có thể thọ trì chú này, thì kể từ khi thọ trì cho đến mãi về sau, họ vĩnh viễn lìa xa đường ác và sẽ luôn cùng với mười phương chư Phật đồng ở một nơi. Người ấy sẽ luôn sanh vào nơi có Bồ-tát làm thắng lữ của họ, hoặc sanh vào dòng dõi Phạm Chí hay quý tộc . Họ sẽ thường ở Đạo Tràng trong tịnh độ của chư Phật, cho đến thành tựu Đạo vô thượng và thành tựu thân giải thoát ở trong biển Chánh Biến Tri của Như Lai.”
Phật bảo thiên đế và Thiện Trụ Thiên Tử:
“Thanh Tịnh Chư Thú Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú này của Ta có đại uy thần, quảng đại vô biên, và đầy đủ đại công đức. Nó như vầng mặt trời cát tường, cũng như bảo châu, và thanh tịnh vô cấu như hư không. Nó chiếu sáng thế gian như ánh sáng của bảy báu tối thắng. Tất cả chúng sanh, bao gồm các quốc vương, vương tử, mẹ của vương hậu, tể tướng, và bách quan–phàm ai thấy qua, thì họ vui thích không chán mỏi, do bởi diệu bảo này chẳng bị nhiễm ô làm dơ bẩn.
Này thiên đế! Thần chú đó cũng lại như vậy. Nếu có ai thọ trì đọc tụng và biên chép cúng dường, thì do công đức tu hành, tất cả thiên long bát bộ sẽ quý trọng người ấy như diệu bảo kia và mắt của họ sẽ không muốn rời một thoáng.
Vì sao thế? Bởi thần lực của thần chú này có thể khiến các trọng tội của tất cả chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, và bàng sanh thảy đều tiêu diệt.
Lại nữa, bởi thần lực của thần chú này có thể làm cho người thọ trì sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Phật bảo thiên đế và Thiện Trụ Thiên Tử:
“Nếu có quốc vương, thái tử, vương tử, mẹ của vương hậu, tể tướng, bách quan, cùng các vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, thiện nam tử, hay thiện nữ nhân nào mà biên chép thần chú này để cúng dường, rồi an trí trong tháp bảy báu, trên tòa sư tử báu, trong đài kim cang, trong tháp có xá-lợi, hay đặt ở trên chóp tràng phan. Giả sử có chúng sanh nào sanh ra từ bốn loại, hoặc Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, hay Thanh Tín Nữ nào đã tạo các trọng tội–như là mười nghiệp ác, năm tội vô gián, và bốn giới nghiêm trọng–lẽ ra phải sanh vào cõi giới của Diêm Vương, cho đến tùy nghiệp mà lưu chuyển trong sáu đường để thọ khổ. Tuy nhiên, nếu các tội nhân như vậy đi đến bên tháp có thần chú này và giả sử có hạt bụi nào trên tháp rơi vào thân của họ, thì các tội như trên đều được diệt trừ. Hoặc có gió thổi qua tháp đó, rồi dù chỉ thổi nhẹ qua thân người ấy, thì liền được sanh lên trời để thọ hưởng an vui thù thắng vi diệu, hoặc tùy theo ý của họ mà vãng sanh tịnh độ.
Nếu có ai thọ trì thần chú này mà đương lúc người ấy múc nước rửa tay, giả sử có loài kiến hay những côn trùng nào chạm vào nước từ lòng bàn tay của họ chảy xuống đất, thì chúng sẽ liền được sanh lên trời.
Cho nên, nếu có những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, hoặc nam tử nữ nhân nào mà có thể ăn chay và trì giới thanh tịnh, rồi ngày đêm sáu thời tụng trì thần chú này không gián đoạn, thì tất cả trọng tội đã tạo của người ấy ở đời quá khứ và hiện tại, như là mười nghiệp ác, năm tội vô gián, và bốn giới nghiêm trọng đều sẽ diệt trừ.
Lại nữa, chư Bồ-tát và chư Như Lai sẽ lấy tay xoa đỉnh đầu của họ, rồi thọ ký Bồ-tát mà nói rằng:
‘Thiện nam tử! Do ông có thể thọ trì Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, nên vào đời vị lai ông nhất định sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.'”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Nếu lại có ai ở giữa ngã tư đường mà có thể xây các tháp báu hoặc dựng tràng phan để an trí Kinh Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú này, rồi lại dùng muôn thứ hương hoa, xâu chuỗi anh lạc, đồ vật bảy báu trang nghiêm, y phục quý hiếm, và ẩm thực thuốc thang mà làm cúng dường, họ sẽ được vô lượng vô biên công đức. Phước đức và trí tuệ của người ấy thật chẳng thể tính kể. Họ chính là đại Bồ-tát, là đệ tử chân chánh của Phật.
Vì sao thế? Bởi họ sẽ cứu giúp vô lượng chúng sanh nào đi dạo qua lại ở dưới tháp kia.”
Lúc bấy giờ là ở cuối đêm, Diêm Vương Thiên Tử dẫn theo hàng trăm vạn ức ngàn quyến thuộc. Họ cầm theo hương hoa và muôn loại phẩm vật trang nghiêm đi đến chỗ của Phật. Sau đó, họ dâng lên cho Đức Phật, rồi đi nhiễu bên phải bảy vòng.
Tiếp đến, họ đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi cúng dường hương hoa và thưa rằng:
“Thưa Thế Tôn! Con nghe được Thế Tôn đang diễn nói Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú. Thế nên, con nay đến nghe, thọ trì thủ hộ, và tùy thuận lời Phật dạy.”
Khi ấy còn có Hộ Thế Tứ Thiên Vương, Năng Thiên Đế của trời Tam Thập Tam, cùng những vị thiên vương đến từ các cõi trời trú trong hư không, như là trời Thiện Thời, trời Hỷ Túc, trời Nhạo Biến Hóa, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Đại Phạm, và những cõi trời khác. Mỗi vị dẫn theo hàng quyến thuộc và cầm muôn loại hương hoa và xâu chuỗi anh lạc đi đến chỗ của Phật để cúng dường.
Họ đi nhiễu bên phải bảy vòng và thưa rằng:
“Kính mong Thế Tôn hãy thuyết giảng Pháp yếu để thọ trì Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, như thế chúng con sẽ biết làm sao để cúng dường được thành tựu.”
Phật bảo Hộ Thế Tứ Thiên Vương, Đại Phạm Thiên Vương, Diêm Vương, và những vị khác rằng:
“Lắng nghe, lắng nghe! Ta sẽ nói rõ cho các ông.
Nếu có chúng sanh khổ nạn nào trót tạo tội cực trọng và không người cứu hộ, họ nên tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo thanh tịnh, và thọ trì Tám Giới Quan Trai vào ngày rằm của đêm trăng sáng. Với gối phải quỳ ở trước tượng của bậc giác ngộ, họ chánh tâm tụng chú này đủ 1.080 lần, tất cả tội và nghiệp chướng của người ấy đều sẽ tiêu trừ. Họ sẽ đắc tổng trì, biện tài vô ngại, và thanh tịnh giải thoát.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Dù có ai tuy chưa tụng trì, nhưng nếu người ấy nghe được âm thanh của thần chú này thoáng qua tai, thì liền có thể gieo trồng chủng tử Phật ở tạng thức của họ.
Đây ví như một hạt vi trần của chất kim cang rơi xuống đất. Mặc dù lòng đất rất dày, nhưng cũng không thể ngăn cản. Nó liền có thể đâm thủng và xuyên mãi cho đến khi đến cốt lõi thì mới dừng.
Cũng tương tự như vậy, hễ ai nghe chú này thoáng qua tai chừng một lần, nó liền có thể huân tập căn tánh của họ để sớm thành chánh giác; phiền não tuy trọng nhưng không thể chướng ngại. Giả sử người ấy bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, hay bàng sanh, thì họ sẽ không bị các nghiệp báo khiến phải trầm luân vĩnh viễn. Bằng vào thần lực của chú này, họ sẽ thăng tiến mãi cho đến khi thành Phật.
Này thiên đế! Giả sử có chúng sanh nào sanh ra từ bốn loại mà nghe qua thần chú này một lần, thì ở đời hiện tại họ sẽ không còn mắc bệnh tật hoặc phải thọ lấy những việc khổ não trầm trọng. Họ cũng không còn thọ sanh từ bào thai. Ở mọi nơi sanh ra, người ấy hóa sanh từ hoa sen, vĩnh viễn đoạn trừ các lậu và kết sử. Họ có Năm Nhãn thanh tịnh, đắc Túc Mạng Thông, và cứu cánh sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Nếu có ai tụng 21 lần của thần chú này vào một nắm đất màu vàng [hoàng thổ], rồi rải lên thi thể của người mới chết hoặc hài cốt của người đã chết từ lâu, thì vong nhân đó sẽ liền được vãng sanh về tịnh độ ở mười phương.
Giả như thần thức của người mạng chung đã đọa địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, hay cõi giới của Diêm Vương, một khi đất được trì chú chạm lên xương của vong nhân thì họ liền được giải thoát, xả bỏ đường ác, và sanh lên trời.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Giả sử có chúng sanh nào biết mình sẽ đoản mạng và muốn cầu trường thọ, họ nên tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo thanh tịnh, và ăn chay trì giới vào ngày rằm của đêm trăng sáng, rồi hãy nhất tâm tụng thần chú này đủ 1.080 lần. Như thế sẽ khiến cho những ai có thọ mạng ngắn ngủi trở thành trường thọ; tất cả nghiệp chướng của người ấy đều sẽ tiêu trừ.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Nếu lại có người tụng thần chú này thoáng qua tai của loài bàng sanh dù chỉ một lần, do căn tai của loài bàng sanh đó nghe được thần chú như vậy nên khi hết báo thân ấy, chúng sẽ không còn phải thọ thân bàng sanh nữa. Cho dù loài bàng sanh đó lẽ ra phải đọa địa ngục, nhưng do thần chú nên khiến chúng liền được thoát miễn.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Nếu ai đang mắc bệnh ngặt nghèo và phải chịu đau đớn, mà nghe được thần chú này thì liền xa lìa khổ ách và tội chướng tiêu trừ. Cho đến nếu có chúng sanh nào sanh ra từ bốn loại mà nghe được chú này, họ đều sẽ thoát khỏi bệnh khổ. Họ sẽ hóa sanh từ hoa sen và không còn sanh ra từ bào thai. Ở mọi nơi sanh ra, họ sẽ luôn biết những việc của đời trước và nhớ mãi chẳng quên.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Nếu có ai từ lúc sanh ra cho đến nay đã tạo mười nghiệp ác, năm tội ngỗ nghịch, hoặc phạm bốn giới nghiêm trọng, thì phải biết rằng, do nghiệp ác của chính mình gây ra nên sau khi mạng chung, họ nhất định sẽ đọa Địa ngục Vô Gián để chịu thống khổ khôn xiết đến nhiều kiếp. Sau khi đã thọ hết các kiếp đó, họ còn phải đọa vào chốn bàng sanh để làm các loài cầm thú khác nhau và tuần hoàn trong đường ác mà chẳng được cứu hộ.
Vào ngày rằm của đêm trăng sáng, nếu người ấy thọ giới Bồ-tát và ăn chay trì giới thanh tịnh. Lại dùng đồ đựng bằng vàng hoặc bạc và trong đó đựng một lít nước thanh khiết, rồi đặt trong Pháp đàn ở trước tượng của bậc giác ngộ. Hãy đứng ở góc phía tây của Pháp đàn và mặt hướng về tượng ở phía đông. Sau đó thắp hương lễ bái, rồi gối phải quỳ, và với chánh niệm mà chí thành khải bạch. Tiếp đến, hãy tụng thần chú này liên tục và trọn đủ 1.080 lần. Đương lúc tụng chú, hãy rưới nước ở bốn hướng, trên dưới, và nguyện cho tất cả chúng sanh đồng được thanh tịnh.
Do các nghiệp ác đã tạo như ở trên, đáng lẽ họ phải đọa địa ngục, ngạ quỷ, hay bàng sanh. Nhưng khi đã thực hành Pháp này xong, họ liền được giải thoát. Hết thảy tội báo thảy đều tiêu trừ. Các trưởng ty của Diêm Vương chẳng những không nổi giận trách mắng, mà trái lại còn sanh tâm hoan hỷ, cung kính chắp tay, và tùy hỷ tán dương công đức của họ.
Sau khi xả báo thân ở nơi đó, họ sẽ sanh về cõi Phật thanh tịnh và tùy theo ý nguyện mà đi đến các quốc độ trong mười phương.
Lại vào ngày rằm của đêm trăng sáng, người trì chú có thể tụng 1.080 lần của thần chú này lên các lá lốt có bôi mật ong, rồi lấy cho người đã lỡ tạo nghiệp ác ăn. Khi người kia ăn xong, tất cả nghiệp tội, như là mười nghiệp ác và năm tội ngỗ nghịch, thảy đều tiêu trừ và họ cứu cánh sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Những ai muốn làm Pháp đàn này, thì vào ngày rằm của đêm trăng sáng, hãy đổ nước hương vào đất màu vàng và phân bò, rồi trộn chung và trát lên khu đất sạch. Pháp đàn này hình vuông, mỗi cạnh là bốn khuỷu tay, và được bọc ở xung quanh bằng ba lớp đá báu năm màu từ núi Bảo Danh. Có một cạnh phụ bằng lớp đá báu màu trắng từ núi Bảo Danh để làm ranh giới ở bốn cạnh của Pháp đàn. Hãy rải các loại hoa ở trong Pháp đàn và đặt bốn bình nước ở trên mỗi hoa sen được vẽ ở bốn góc. Kích cỡ của các bình nước cần phải bằng nhau. Sau đó, hãy hòa ngưu hoàng vào bình xá-lợi và cung kính đặt ở chính giữa trên hoa sen.
Lại ở trong Pháp đàn hãy rải muôn loại hoa; hãy đốt muôn thứ hương, như là hương long não, hương uất kim, và hương trầm thủy; hãy thắp muôn thứ đèn, như là đèn bơ, đèn dầu và các đèn dầu thơm. Hãy đặt các thứ ẩm thực ở trong hộp đựng bảy báu, như là cơm, sữa, sữa đặc, bơ, dầu, đường mật, cùng hai loại nước ép trái cây: nước nho và nước trái lựu, rồi đặt ở trong Pháp đàn để phụng hiến.
Bấy giờ người hành trì Pháp này cần phải thọ giới Bồ-tát để luật nghi thanh tịnh, và chỉ ăn ba loại thức ăn trắng [sữa, sữa đặc, và cơm trắng]. Hành giả mặc áo tinh sạch và đứng ở phía tây của Pháp đàn. Sau khi đã chắp tay khấn niệm, gối phải quỳ, trước tiên hãy kết ấn Phật Hộ Thân, rồi lập Phật tâm Pháp đàn, bằng cách tụng Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú này 1.080 lần. Khi hoàn mãn, tất cả nghiệp ác, như là mười nghiệp ác cùng những nghiệp tội khác của họ thảy đều tiêu trừ và họ sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chư Phật và Bồ-tát sẽ đích thân xoa đảnh thọ ký cho họ sẽ thành Phật. Giả như người ấy muốn đến thăm trú xứ của Bồ-tát, thì Bồ-tát liền dẫn họ đến cung điện của các ngài và du hành theo sau Bồ-tát để đến các Phật độ trong mười phương.”
Phật bảo thiên đế rằng:
“Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú này đây, nếu có những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, cùng quốc vương, thái hậu, vương hậu, mẹ của vương hậu, vương phi, thái tử, vương tử, bách quan, tể tướng, người và phi nhân, thậm chí bất cứ loài chúng sanh nào hiểu được ngôn ngữ, hay người nào có thể thực hành Pháp đàn–họ lấy đất, nước, hoặc nước hương mà trộn với phân bò và trát lên khu đất sạch để trang nghiêm, rồi thắp hương rải hoa, treo tràng phan, lọng che, thắp đèn, hoặc dùng đủ mọi trân bảo và ẩm thực để cúng dường. Đây gọi là Bố Thí Độ.
Trong lúc lập đàn, họ không khởi phiền não và sân hận. Đây gọi là Nhẫn Nhục Độ.
Họ dũng mãnh tinh tấn thực hành Pháp đàn mà không lười biếng. Đây gọi là Tinh Tấn Độ.
Họ chuyên chú tuân thủ Pháp tắc với nhất tâm bất loạn. Đây gọi là Thiền Định Độ.
Khi họ bố trí các đồ vật theo thứ tự và ngay thẳng, biết đâu là đúng, đâu là sai. Đây gọi là Diệu Tuệ Độ.
Này thiên đế! Nếu ai y theo lời giảng dạy đó mà kiến lập Pháp sự, thì liền đầy đủ Sáu Độ. Vì thế, ông hãy nên triển chuyển những lời khai thị ấy đến tất cả chúng sanh để họ được nhiều lợi ích và khiến họ thành Phật.”
Khi Phật thuyết Kinh này xong, Năng Thiên Đế và Thiện Trụ Thiên Tử trở về thiên cung của mình. Bấy giờ Thiện Trụ Thiên Tử y giáo trì tụng. Sau bảy ngày, Thiện Trụ Thiên Tử tự thấy tội báo của mình đều diệt sạch và còn được thọ mạng cõi trời tăng thêm vô lượng.
Lập tức, Thiện Trụ Thiên Tử và Năng Thiên Đế dẫn theo các thiên chúng. Họ cầm muôn loại hương hoa trang nghiêm và thiên y anh lạc thù diệu mà đi đến cúng dường Phật, rồi cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật. Họ tán dương lòng đại từ bi của Phật, vui mừng hớn hở, và đi nhiễu cả ngàn vòng.
Lúc bấy giờ Thế Tôn duỗi cánh tay sắc vàng mà xoa lên đỉnh đầu của Thiện Trụ Thiên Tử.
Ngài lại vì Thiện Trụ Thiên Tử mà thọ ký Bồ-tát và nói lời như vầy:
“Kinh này tên là Tối Thắng Phật Đảnh Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Thần Chú. Các ông và bốn chúng đệ tử hãy nên thọ trì.”
Khi ấy bốn chúng đệ tử, chư đại Bồ-tát, cùng thiên long bát bộ, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, quỷ úng hình, quỷ hút tinh khí, người và phi nhân, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sanh tâm đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành, rồi đảnh lễ Phật và cáo lui.