Nghe bản audio trên youtube

Cùng là nhìn ngắm một bông hoa nhưng tại sao có người rộn ràng niềm vui, tán dương tác phẩm tuyệt đẹp của tạo hóa trong khi kẻ khác thì lại không cảm thấy gì đặc biệt ngoài một bông hoa? 

“Thức” – tức là cái biết, cái ta nhận thức được. Khi đứng trước một đối tượng (con người, sự vật, sự việc), chúng ta vận dụng tất cả các kết nối của các giác quan và tri thức của mình để tạo ra sự nhận thức, tình cảm về đối tượng đó. Trong Duy Thức học (một môn tâm lý học của Phật giáo Đại thừa) đã nhắc đến khái niệm “thức” với 8 hình thái khác nhau, hay còn gọi là “bát thức tâm vương”. Vậy, bát thức tâm vương có nội dung là gì? 

Bát thức tâm vương

**Trong bài viết có thể xuất hiện một số quảng cáo tự động từ Google, nếu quan tâm xin bạn hãy click để ủng hộ website. Nếu không quan tâm, bạn hãy bỏ qua nó, tôi rất xin lỗi vì sự bất tiện này!

Bát Thức Tâm Vương là gì?

Trong kinh Pháp Cú, Đức phật nói “Tâm là chỉ của tất cả các pháp”. Có thể hiểu, tất cả mọi sự đều được biểu hiện từ tâm mà ra. Quan điểm của Duy Thức học cho rằng, trong mỗi cá nhân tồn tại 8 loại tâm thức được gọi là tám tâm vương – bát thức tâm vương.

Có thể hiểu cả chữ “tâm” và chữ “thức” ở đây đều được dùng với ý nghĩa là “biết, nhận thức”. Còn “tâm vương” được hiểu là “vị vua”. 

“Bát thức tâm vương” – 8 loại tâm thức có trong mỗi con người hoạt động như một khối, vừa có sự độc lập (vị vua) nhưng vừa có sự chứa đựng nhau, bổ trợ cho nhau trong việc nhận thức về đối tượng.

Bát thức tâm vương gồm những gì?

Tâm vương bao gồm 8 thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt-na thức và A-lại-da thức.

Trong đó, 5 thức đầu tiên bắt nguồn từ chính 5 giác quan của cơ thể hay còn gọi là tiền ngũ thức. Mỗi thức có một khả năng nhận thức và phân biệt khác nhau. Nói một cách dễ hiểu theo tâm lý học hiện đại thì 5 thức này tương ứng với 5 cảm giác là: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. 

Nhãn thức

Tức là cái ta thấy (nhìn), cái ta biết nhờ vào việc “mắt thấy”. Đối với một đối tượng mắt ta thấy, nhận thức nó, phân biệt nó bởi màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng…), hình dạng (cao, thấp, vuông, tròn…), trạng thái (đi, đứng, nằm, ngồi…)…

Nhĩ thức

Tức là cái ta nghe thấy, cái ta biết nhờ vào việc “tai nghe”. Đối tượng phân biệt ở đây là âm thanh với đặc điểm về âm điệu, cường độ, âm sắc…

Tỷ thức (cũng có nơi đọc là tị thức)

Tức là cái ta ngửi, cái ta biết sinh ra khi mũi tiếp xúc với mùi hương. Mùi hương có thể là: Hương thơm, hương hôi hay hương trung tính (không thơm – không hôi).

Thiệt thức

Tức là cái ta nếm, sinh ra khi lưỡi tiếp xúc với thức ăn, nước uống (vị giác). Vị ở đây có 6 loại là: Chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi.

Thân thức

Tức là cảm xúc – cảm giác sinh ra khi thân thể tiếp xúc với mọi vật. Cảm giác ở đây có thể là: mềm mại, thô nhám, nóng, lạnh, nặng, nhẹ…

Năm thức kể trên chỉ thuần túy là những “cảm giác”, chúng không có khả năng phán đoán, ước lượng. Hay nói theo Đức Phật thì 5 thức này là 5 thức “không có suy nghĩ”. Nói một cách dễ hiểu, bản thân các thức này được gọi tên và đại diện cho chính chúng chứ không có khả năng phân biệt hay đánh giá. 

Ví dụ: Mắt ta nhìn thấy màu xanh thì nó chỉ thuần túy là nhìn thấy màu xanh, còn để gọi tên được màu xanh đó thì cần phải có tri thức về màu xanh đó rồi. Giống như việc đứa trẻ nhìn một đồ vật màu xanh, nó chỉ đơn thuần là nhìn chứ chưa nhận biết được, người lớn chỉ vào vật đó nói và dạy cho đứa trẻ “đây là màu xanh” thì nó mới nhận thức được đó là màu xanh. Như vậy, chỉ khi có ý thức tác động thì chúng mới được phân biệt, ước lượng về tính chất, mức độ.

Bát thức tâm vương

Ý thức

là tâm thức thứ sáu tồn tại trong một con người, hình thành khi ta tiếp xúc với một đối tượng nhận thức nào đó. “Ý thức” có căn là “ý” và “đối tượng” là “các pháp” – tất cả những sự vật, sự việc, hiện tượng ta cảm giác được hoặc chỉ có trong tâm thức (tưởng tượng) của ta.

Hòa thượng Thích Thiện Hoa có đưa ra một ví dụ về ý thức như sau: “ Trong khi chúng ta, mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, miệng không nếm, thân thể không chạm xúc; nói cho gọn hơn, là trong lúc năm giác quan không tiếp xúc với trần cảnh, mà ý thức vẫn phân biệt tính toán: nhớ những cảnh đã qua, suy xét những điều chưa đến. Cái biết như thế, thuộc về “Ý thức”… chính vì thế cho nên “Cái Ý thức này, công dụng của nó lợi hại vô cùng. Nếu nó suy nghĩ tính toán những việc hay, tốt, thì thân chúng ta sẽ làm điều lành, miệng nói những lời phải, đều có lợi ích cho mình và người”.

Phạm vi nhận diện của ý thức được gói gọn qua hai hình thức:

  • Một là khi “ý thức” được dùng bổ trợ với 5 thức trước (nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ): Cái biết sinh ra từ năm thức trước đơn thuần chỉ là “cảm giác”, khi được ý thức tác động thì nó sẽ tạo ra tri giác. Ta gọi sự liên hiệp của 6 thức này là “ngũ câu ý thức” hay “tri thức thuần túy”. Trong đời sống, mọi “cái biết” đều được hình thành từ các giác quan và đều được ý thức làm cho sáng tỏ. Trong “Duy thức tam thập tụng” gọi chung 6 thức này là “liễu biệt cảnh thức” – tức là “cái biết” phân biệt rõ ràng về mọi mặt.
  • Hai là ý thức đơn độc (độc đầu ý thức): Trạng thái này để chỉ ý thức tồn tại, hoạt động hoàn toàn độc lập và nó không có mối quan hệ với 5 thức trước. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì “ý thức” này được gọi tên là các hoạt động diễn ra trong tưởng tượng, hồi tưởng, suy tư, phán đoán trước… được gọi chung là “tán vị ý thức”; hoặc ý thức cũng có thể xuất hiện khi ta nằm mơ (mộng trung ý thức), ý thức của người điên loạn (loạn trung ý thức), ý thức trong lúc ta thiền định (định trung ý thức).

Tóm lại, ý thức không chỉ giúp ta phân biệt được các hiện tượng, sự vật, sự việc trong nhân gian mà nó còn “phác họa” những cái không chắc là có thật (con số, khái niệm trừu tượng, quan niệm, quá khứ, tương lai…). Ý thức giúp con người phân biệt được đối tượng bên ngoài (khách thể) và cả tâm thức bên trong (trong lòng ta nghĩ).

Nhờ có ý thức nên con người khác biệt so với những loài động vật khác, nhờ có ý thức mà có người thông minh có người lại ngu muội. Ý thức là nền tảng khởi phát điều hay, lẽ phải nhưng ý thức cũng là nguồn cơn sinh ra phiền não, khổ đau.

Mạt-na thức

Là thức thứ bảy trong 8 thức của con người. “Mạt-na” có nghĩa là “tư lương” hay “ý” – tư duy so lường.

Trong cuốn “Luận thành duy thức” có giải thích như sau: “Tư” – tức là suy nghĩ; “lương” – tức là đo lường. Như vậy, bản chất của Mạt-na thức tức là luôn luôn (thường hằng) suy nghĩ, tính toán, suy xét. 

So với thức thứ 6 – ý thức, mặc dù ý thức cũng có tính suy nghĩ, đo lường nhưng ý thức lại có tính gián đoạn. Hoặc khi so sánh với 5 thức trước thì 5 thức này lại hoàn toàn không có tính phân biệt (không có ý thức) và cũng bị gián đoạn (chỉ tồn tại trong một thời điểm xác định).

Theo cách giải thích về Mạt-na thức của Hòa thượng Thích Thiện Hoa thì có thể hình dung dễ hiểu hơn về thức này như sau: Thức Mạt-na là “gốc” của ý thức (thức thứ 6). Vì thức thứ 6 cũng có khi bị gián đoạn (ví dụ khi ta ngủ sâu, hôn mê không còn biết gì cả thì “ý thức” không còn tồn tại nữa). Lúc này, ý thức của chúng ta ở đâu? Khi ý thức mất đi không phải là mất hẳn mà nó chỉ tạm thời không có mặt ở đó. Trong trạng thái đó, ý thức trở về cái gốc của nó – đó chính là thức thứ 7 (Mạt-na thức). 

Vậy ý nghĩa tồn tại của thức thứ 7 là gì? Theo Phật giáo, Mạt-na thức là sự “khẳng định” của cái ta (cái tôi) của bản thân. Đây là thức phân biệt giữa ta (bản thân ta) và người (kẻ khác). Mạt-na thức cũng được xem là “tâm gây khổ đau”. Tức là khi chúng ta đau buồn, hạnh phúc thì cũng đều hiện diện “cái ngã” tồn tại và “cái tôi” gắn chặt với mọi sự xung quanh. Một cách dễ hiểu, khi đau khổ ta nói “tôi đau khổ”, khi hạnh phúc, ta nói “tôi hạnh phúc”. Nghĩa là “cái tôi” của bản thân ta luôn luôn hiện diện trong không gian, thời gian.

A-lại-da thức

Đây là thức thứ 8 trong tám thức của con người. Trong tiếng Phạn, A-lại-da có ý nghĩa là kho chứa, tích chứa. Có nhiều cách gọi khác của A-lại-da thức như: Tàng thức, Đệ bát thức, căn bản thức…

Bát thức tâm vương

Thức thứ 8 này được coi là thức căn bản và là nền tảng của tất cả 7 thức vừa nêu trên.

Trong cuốn “50 bài tụng Duy Biểu thời nay” có nhắc tới 3 nhiệm vụ của A-lại-da thức như sau:

  • Nhiệm vụ 1: Chứa đựng, bảo tồn tất cả những “hạt giống” ta đã trải qua. Trong đó, “hạt giống” ở đây được hiểu là tất cả những hành động ta đã làm, tất cả những nhận thức ta đã có, tất cả những kinh nghiệm ta đã tích lũy được.
  • Nhiệm vụ 2: A-lại-da thức (tàng thức) bản thân cũng chính là các hạt giống. Bản thân tàng thức không chỉ là “kho chứa hạt giống” mà chính nó cũng có thể là những hạt giống trong kho. Ví dụ: Cái bát chứa cơm – ta gọi là bát cơm. Nhưng khi không còn cơm trong bát thì ta không thể gọi là bát cơm được nữa. Như vậy, thức thứ 8 vừa có thể là chủ thể nhưng cũng có thể vừa là đối tượng.
  • Nhiệm vụ 3: Chứa đựng những luyến ái (tình cảm, nhận thức) về cái tôi. Nhiệm vụ này được sinh ra do mối liên hệ giữa A-lại-da thức và Mạt-na thức. Mạt-na thức được sinh ra từ tàng thức, nhưng Mạt-na thức cũng ôm lấy tàng thức và coi đó là một cái “ta” riêng biệt của nó. Theo Phật giáo, đa số những khổ đau của con người đều là kết quả của việc Mạt-na thức ôm lấy tàng thức để tạo ra một “cái ta” riêng biệt của chính nó.

Có một ví dụ về sự hoạt động của cả 8 thức như sau: Khi ta ngủ, 5 cơ quan cảm giác không tiếp nhận thông tin nhưng chúng vẫn tiếp nhận những “tín hiệu ngầm” từ thức thứ 8. Từ đó, trong giấc mơ ta nhìn thấy bản thân mình, ta nghe thấy âm thanh, ta tiếp xúc với cảnh vật trong giấc mơ y hệt như ta đang thức vậy. Từ những nhận thức tạo ra trong tâm của ta từ giấc mơ đó sinh ra cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, yêu thương, căm ghét, đau khổ, sợ hãi… Tất cả những thứ kể trên đều chỉ là một “tưởng tượng” do tâm ta thêu dệt mà thành.

Xem Thêm:   Tiểu sử thầy Thích Nhật Từ chùa Giác Ngộ là ai? Tổng hợp những bài giảng hay nhất

Tài liệu tham khảo:

  1. https://thienphatgiao.org/tam-thuc-bat-thuc/
  2. https://www.chuatulam.net/a1131/duy-thuc-hoc-nhap-mon
  3. http://www.thuongchieu.net/index.php/phatphapcanban/3116-tamvuong
  4. http://daibaothapmandalataythien.org/phat-phap-ung-dung-giao-phap/bat-thuc-tam-vuong
  5. https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/duy-bieu-hoc-hieu-su-van-hanh-cua-tam/chuong-1-tang-thuc/

———————

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Tiểu sử thầy Thích Pháp Hòa sinh năm bao nhiêu? Cuộc đời và sự nghiệp
  • Tiểu sử thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mất là ai? Có vợ con không? Cuộc đời và sự nghiệp
  • Tiểu sử Hòa thượng Thích Thanh Từ là ai? Bị bệnh gì? Hiện còn sống không?
  • Tiểu sử sư cô Giác Lệ Hiếu tên thật là gì? Bao nhiêu tuổi, sinh năm nào? Ở chùa nào?
  • Tiểu sử thầy Thích Chân Quang bao nhiêu tuổi? Ở chùa nào? Những bài giảng pháp hay nhất
  • Tiểu sử thầy Thích Minh Niệm – Tác giả cuốn “Hiểu về trái tim” là ai? Cuộc đời và sự nghiệp tu hành
  • Tiểu sử thầy Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng là ai? Lùm xùm truyền vong báo oán
  • Tiểu sử thầy Thích Nhật Từ chùa Giác Ngộ là ai?
  • Tiểu sử thầy Thích Tâm Nguyên là ai? Tổng hợp những bài giảng pháp mới và hay nhất
  • Tiểu sử Pháp sư Tịnh Không là ai? Viên Tịch, Vãng Sanh vào ngày nào?
  • Đức Đạt Lai Lạt Ma là ai? Tiểu sử cuộc đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Những đóng góp và tác phẩm nổi bật

Xem ngay trên Youtube