Xuất Gia Là Chuyện Vô Cùng Hệ Trọng – Khai Thị Của HT Tuyên Hóa
Pháp Giới 5 tháng trước

Xuất Gia Là Chuyện Vô Cùng Hệ Trọng – Khai Thị Của HT Tuyên Hóa

Xuất gia là chuyện vô cùng hệ trọng, không phải việc của hạng phàm phu. Một bậc chân tu bảo tôi: “Mạt pháp ngày nay, nếu chắc chắn rằng mình có thể giữ giới tinh nghiêm, chỉ một tâm độ sanh không màng danh lợi, thề không thối chuyển thì hẵng nên xuất gia. Bằng không thì ở nhà niệm Phật cầu vãng sanh là tốt nhất.”

Về sau tôi đọc Khai Thị, thấy Tuyên Hóa Thượng Nhân nói về chủ đề này rất chi tiết nêntrích đăng những điều trọng yếu nhất vào đây. Mục đích là để cảnh tỉnh và lợi lạc nhất cho những ai đang quan tâm đến chủ đề Xuất Gia. Trước khi đọc tiếp, xin trích lời dặn của Hòa Thượng Tuyên Hóa để cảnh tỉnh thế gian. Dù bạn có tin Phật, có tin nhân quả hay không, nhất định phải biết rằng:Nghiệp hủy báng Tam bảo vô cùng kinh khủng. Trong các nghiệp hủy báng ấy, báng Tăng là tội nặng nề bậc nhất!” 

  • Người xuất gia và ý nghĩa Xuất gia trong Đạo Phật.
  • Dấu hiệu người đắc quả A La Hán.
  • Bốn Cảnh giới của Thiền định
  • Chánh kiến là gì.
  • Chánh Ngữ là gì.
  • Dấu hiệu người đắc quả Tu Đà Hoàn.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.

 

Xuất Gia Là Chuyện Vô Cùng Hệ Trọng – Khai Thị Của HT Tuyên Hóa
Xuất gia-Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị

Xuất Gia Là Chuyện Của Bậc Ðại Trượng Phu

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: Xuất Gia là chuyện của bậc Ðại Trượng Phu. Ðại trượng phu là kẻ có tinh thần kiên nhẫn không thối lui, khắc phục hết mọi gian khổ.

Ở đời, xuất gia là chuyện hết sức hy hữu, cũng là chuyện con người khó thấu đáo. Vì sao xuất gia thì nhất định phải chịu khổ? Bởi vì xuất gia thì không còn làm chuyện nam nữ luyến ái, không được khiêu vũ, và cũng không được ăn uống chơi bời nhậu nhẹt. Phàm nếu muốn trở thành bậc xuất chúng anh tài thì phải nhẫn chịu những điều người khác không thể nhẫn chịu được, phải chấp nhận nổi khổ mà người khác không thể nhận nổi. Chỉ có tu luyện như vậy mới thành thân kim cang bất hoại. Cho nên nói:

Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,

Chẩm đắc mai hoa phổ tỷ hương?

Nghĩa là:

Không qua một lần lạnh thấu xương,

Sao đặng hoa mai nở ngát hương?

*

Người xuất gia tâm cần chuẩn bị: Xuất gia là vì muốn liễu sinh thoát tử; muốn vĩnh viễn không còn thọ nổi khổ của sinh tử luân hồi. Dù đối diện với đủ thứ khổ ải vẫn không lo sợ, càng khổ càng tốt. Khi đụng đến đau khổ chớ đầu hàng, cải biến ý hướng ban đầu, tìm cách trở đầu thối chuyển. Mình cần phải có tinh thần kiên nhẫn, bất thối, phải khắc phục mọi khổ sở gian nan, đó mới là bậc đại trượng phu. Cho nên xuất gia không phải là chuyện mà mọi người ai cũng làm được, dù là tướng tá chưa chắc đã làm đặng.

Do đó nói rằng: “Xuất gia là chuyện của thần thánh,” không phải là chuyện của những thứ ruồi muỗi tép riêu. Có câu rằng:

Thọ khổ tức liễu khổ, hưởng phước thị tiêu phước.

Nghĩa là:

Chịu khổ mới hết khổ, hưởng phước là tiêu phước.  

Quý-vị coi các vị cao tăng đại đức thời xưa đều do tu khổ hạnh mà giác ngộ. Không vị Tổ-sư nào do sự hưởng thọ sung sướng mà khai ngộ cả. Quý-vị lùng khắp bộ Ðại Tạng Kinh cũng không tìm được vị nào cả.

*

Chúng ta cần phải có tâm nhẫn nại thì mới được lợi ích nơi pháp hỷ sung mãn. Phải có tâm khắc khổ thì mới đắc trí huệ giác ngộ. Không thể đi ngược lại với Phật-đạo. Mình phải luôn luôn nhiếp tâm chuyên ý dụng công, đem tâm niệm thu hồi trở lại, không có vọng tưởng vẫn vơ, đó chính là quản thúc “tâm như ngựa, ý như khỉ.” Ðừng để tâm mình chạy theo ngoại cảnh.

Khi xuất gia tu Ðạo thì trước hết phải trừ khử lòng tham, phá bỏ sân hận, diệt đi si mê. Tận trừ sạch sẽ ba thứ độc đó thì trí huệ tự nhiên hiện tiền. Làm sao có thể quét sạch những thứ đó một cách triệt để? Tức là dùng Giới, Ðịnh, Huệ (tam vô lậu học) để làm công cụ. Giới thì trị được tham, Ðịnh thì trị sân, huệ thì trị si. Cho nên người xuất gia gọi là “Sa-Môn.” Sa-Môn dịch ra nghĩa là “Cần Tức,” tức là “Cần tu Giới, Ðịnh, Huệ, tức diệt tham, sân, si.” Tức là siêng năng giữ Giới, Ðịnh, Huệ, trừ diệt tham, sân, si. Nếu mọi người ai cũng hết tham sân si, thì thế giới sẽ hòa bình.

Người Xuất Gia Phải Tụng Ba Bộ Kinh

Nếu bạn lý hội cảnh giới ba bộ kinh này thì mới không uổng làm tín đồ Phật-giáo. Ba bộ kinh đó là gì? Ðó là Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, và Kinh Pháp Hoa. Ba bộ kinh nầy là do Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật kim khẩu nói ra, Ngài A-Nan Tôn Giả thuật lại, sau đó viết lên lá bối hầu lưu truyền trong thế gian, trở thành bộ kinh điển mà người Phật-giáo đồ phải học và tụng.

Người xuất gia và tại gia ở Vạn Phật Thánh Thành đều phải học tụng thuộc ba bộ kinh nầy. Tối thiểu là thuộc Kinh Lăng Nghiêm, hoặc là hai bộ hoặc là ba bộ, đó là điều lý tưởng. Nếu như liễu giải kinh nghĩa, không thể chỉ ở trên mặt chữ thôi, nếu như không cầu sự thâm giải thì không ích lợi gì. Nếu như bạn có thể lý hội được cảnh giới của ba bộ kinh nầy thì mới không uổng làm một tín đồ Phật-giáo.

*

Lúc Phật ba mươi tuổi thì Ngài ngồi dưới cội bồ-đề đắc thành chánh giác. Suốt hai mươi mốt ngày nhập định, Ngài vì Pháp Thân Ðại-sĩ mà thuyết bộ Kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm; bộ kinh nầy bao quát tam tạng mười hai bộ, thuyết rõ cảnh giới viên dung vô ngại của vạn sự vạn vật trên vũ trụ này, cũng có thể gọi là “Cảnh giới của nhất chân Pháp-giới.”

Lúc Phật sáu mươi hai tuổi, Tôn-giả A-Nan do quá chú trọng đến học vấn, đa văn, xao lãng chuyện tu trí nên Tôn-giả không may bị cô con gái của bà Ma Ðăng Già dùng chú của trời Phạm Thiên làm khốn, thiếu chút nữa là phá giới thể. Phật phải dùng thần Chú Lăng Nghiêm cứu Ngài A-Nan thoát khỏi nữ nạn, rồi thuyết Kinh Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm cho Ngài A-Nan. Kinh nầy là kinh khai trí huệ, hiển minh đạo lý. Nếu khai triển chân lý trong kinh, nhất định trí huệ của ta sẽ bao la, rộng lớn như biển cả.

*

Lúc Phật bảy mươi hai tuổi thì Ngài ở trên núi Linh Sơn trong Hội Pháp Hoa, vì các bậc đại A-La-Hán, đại Bồ-tát, diễn thuyết đạo lý “Một Phật Thừa”, cũng là đạo lý làm thế nào thành Phật. Lúc bấy giờ do những người theo pháp Tiểu-thừa bỏ tâm hướng nhỏ hẹp đổi ra chí hướng rộng rãi, được chư Phật thọ ký tương lai thành Phật, nên Kinh Diệu Pháp Liên Hoa được xem là Kinh dạy thành Phật.

Nếu kẻ tu bắt chước học sinh, hết lòng chăm chỉ đọc sách, thì Tam-tạng mười hai bộ kinh rất dễ học thuộc. Song sau khi xuất gia có kẻ tưởng rằng mình đã đầy đủ rồi, rằng niệm Phật, tham thiền, học Giáo, trì giới, trì chú là đủ rồi, do đó không học hỏi kinh điển, bởi vì họ xem nhẹ tính chất trọng yếu của chuyện học kinh. Nên kẻ đời sau thì không bằng người đời trước; tạo thành tập quán biếng nhác. Ðó chính là điều bất hạnh của Phật-giáo. Nếu như mình không cấp thời chỉnh đốn lại quan niệm sai lầm đó, thì tiền đồ Phật-giáo không biết sẽ đi về đâu.

Tham Hưởng Thọ Thì Cần Gì Xuất Gia

Ðừng cố tình nói dối, đừng làm những chuyện như “bịt tai mà ăn cắp chuông.” Người xuất gia nhất định phải có một nền tảng tu hành cho vững vàng. Nền tảng vững vàng là gì? Tức là nghiêm thủ giới luật. Người xuất gia phải cần học thuộc lòng “Tứ Phân Luận” tức là Luật Sa-di, Luật Tỳ-kheo, Luật Tỳ-kheo-ni, Kinh Phạm Võng, v.v… rồi nghiên cứu tường tận, thì mới đủ tư cách làm người xuất gia.

Nếu nền tảng không vững vàng, suốt ngày hết nghĩ đến tiền bạc lại nghĩ đến sắc dục thì “thân tuy xuất gia, nhưng tâm không nhập đạo.” Như thế thì xa cách đạo trăm ngàn dặm. Những người xuất gia nầy ở trong Phật-giáo làm chuyện bại hoại, không thể thừa nhận họ là người xuất gia đặng.

Người xuất gia không được đi phan duyên cái nầy, đi phan duyên cái khác, cũng không được đơn độc đi ở một ngôi chùa nhỏ, kêu cư sĩ lại hộ pháp. Ðơn độc tiếp thọ đồ cúng dường, hành vi như vậy không hợp với qui luật của đức Phật chế định. Nếu như mình có những hành vi nầy, thì phải mau mau sửa đổi, bởi vì:

*

Thí chủ nhất lạp mễ, trọng nhược Tu Di Sơn.

Thực liễu bất tu Ðạo, bì mao đãi giác hoàn.

Nghĩa là:

Hạt gạo thí chủ cho, nặng bằng núi Tu Di.

Ăn xong chẳng tu Ðạo, đeo sừng, đội lông trả.

Thuở xưa người chân chính tu đạo, ở nhà tranh, tự mình cày ruộng, tự mình ăn; tuyệt đối không nhờ vào ngoại duyên. Vì mục đích diệt lòng tham, nên họ ở nhà lá mà tu hành. Hoặc giả họ bế quan, vì muốn làm cho học vấn và đạo đức mình được chắc thật. Nếu như chân chính tu Ðạo, thì có thể ở một mình đơn độc, nhưng không thể đơn độc tiếp thọ sự cúng dường của cư sĩ. Làm vậy là đem Chính-pháp biến thành Mạt-pháp, cũng là phá hoại Phật-giáo.

Hiện tại người tu hành thích đơn độc tu ở nơi tịnh xá. Tại sao vậy? Bởi vì nếu họ không giữ giới luật thì chẳng có người nào thấy, phạm qui củ cũng không có ai biết được, có thể tùy tâm sở dục, muốn làm gì, chẳng có ai quản thúc, được tự do tự tại, có thể nói rằng không có ràng buộc gì cả. Hoặc giả có kẻ khác thì ở trong tịnh xá của mình chiêu tập một số cư sĩ, lại nói là làm pháp này hội nọ, nhưng thực tế chỉ là mượn áo nhà Phật, nhờ vào danh Phật để kiếm miếng ăn mà thôi.

*

Có những người xuất gia, không dùng tiền cúng dường của cư sĩ vào những việc Phật sự, ngược lại lợi dụng tiền đó đi mua những vật xa xỉ, xe hơi, làm những điều ích lợi riêng tư. Hoặc giả là mua T.V., rồi ngày ngày coi T.V., quên lãng cả việc tụng kinh sớm tối. Hoặc giả là mua tủ lạnh để chứa những thức ngon vật lạ. Nói tóm lại, họ đắm trước sự hưởng thụ, tham đồ vật, tham sung sướng. Phong khí hiện tại chính thật là như vậy. Họ đem tính chất khổ hạnh của Phật-giáo hoàn toàn biến cải, thật là cô phụ sự khổ tâm của Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật xưa kia vậy!

Có người nói: “Sinh ra trong thời đại nầy, mình cần phải coi T.V., cần phải biết tin tức quốc tế, nếu không thì là đui mù, câm điếc không biết gì cả.” Bạn biết những chuyện ngoài đời rồi thì sao? Biết được chuyện ngoài đời, đến lúc chết có tránh được chăng?

*

Có người lại nói: “Người tu hành có thể tránh được cái chết hay sao?” Bạn tu hành, tới khi chết cũng phải chết, song trước khi chết tâm mình sáng suốt, tuyệt đối không phiền não, không rối ren, an nhiên mà chết. Nếu mình không tu hành, tới lúc chết thì cũng chết vậy; nhưng chết một cách hồ đồ, mơ màng, mê muội. Không nhớ nam, cũng nhớ bắc, lòng không thanh tịnh, ôm hận mà chết. Ðó là chỗ khác biệt, quý-vị có biết chăng?

Ðối với người tu hành chân chính, lúc chết tâm họ rất sáng suốt, biết mình từ đâu tới và sẽ đi về đâu; rõ ràng không có mơ hồ gì cả, không quên đi bản lai diện mục của mình. Người không tu hành lúc tới thì mơ màng, khi đi thì lại càng hồ đồ, cả một đời mê muội. Họ không biết gì lý do gì mình tới, rồi vì sao đi. Cũng không biết từ đâu lại, rồi đi về đâu. Hoàn toàn mù mịt.

*

Mục đích xuất gia là liễu sinh thoát tử, không phải vì hưởng thụ. Nên khi đã đi tu rồi cần gì tham lam vật chất hưởng thụ? Có lòng tham hưởng thụ thì cần gì xuất gia? Tôi chủ trương rằng bất luận ai muốn đơn độc trụ một ngôi chùa nhỏ để tìm cách hưởng thụ, thì chi bằng hoàn tục cho rồi. Bởi vì sao? Bởi vì hoàn tục so với đơn độc trụ một chùa nhỏ tốt hơn nhiều, không tạo nên những tội nghiệp vừa kể. Ðiểm đó hy vọng quý-vị đại chúng chú ý.

Nói rằng người tu hành đơn độc trụ nơi một chùa nhỏ mục đích không phải là để tu hành mà tại tham đồ hưởng thụ cúng dường, câu nói đó nhất định có nhiều người không muốn nghe. Tôi không cần biết quý-vị có muốn nghe hay không, tôi vẫn nói vì nghĩ đến tiền đồ của Phật-giáo. Nên chi nói ra, khiến người khác khó chịu. Thêm một lần nữa: “Phàm là người xuất gia thích hưởng thụ, không có sự tu trì, thì bất quá chỉ đội lốt thầy tu thôi.” Hy vọng các đạo hữu khuyến khích lẫn nhau, nhắc nhở lẫn nhau, đừng cố tình nói dối, đừng làm chuyện như “Bịt tai mà ăn cắp chuông.” Lấy vải thưa che mắt thánh.

Xuất Gia Hoàn Tục Sẽ Đọa Lạc

 Người người đều muốn thành Phật, nhưng thành Phật cũng cần phải có điều kiện. Ai nấy muốn làm người tốt, nhưng làm người tốt thì phải trải qua thời gian dài thử thách mà không đổi chí nguyện của mình. Cũng như lúc nào chúng ta cũng làm tất cả điều lành, không làm chuyện ác, như thế mới đủ tư cách để làm người tốt.

Trong tâm chúng ta thì muốn làm người tốt, nhưng lại có những hành vi không chịu hợp tác với mình. Như không có điều ác nào mà không làm, còn dù có chuyện thiện đi nữa cũng không chịu làm. Nếu tâm và hành động không hợp nhất với nhau, vậy chúng ta làm sao có thể bàn đến chuyện làm người tốt cho được? Lúc mới phát nguyện, chúng ta rất nghiêm chỉnh, nhưng thời gian lâu dần lại sanh tâm giải đãi, không lười biếng thì cũng là sống cho qua ngày tháng, rồi quên hết bao ý nguyện của thuở ban đầu mới phát tâm.

Như nói về người xuất gia chúng ta, thời gian mới xuất gia, chúng ta rất có tâm đạo và nỗ lực tinh tấn. Nhưng từ từ ý nguyện thuở ban đầu của chúng ta thay đổi, không biết tiến lên, mà bắt đầu làm những chuyện trái với lương tâm. Rốt cuộc chúng ta chẳng những không được thành Phật, mà lại còn bị đọa địa ngục nữa.

*

Có người xuất gia được vài năm, nhưng không chịu nổi các khảo nghiệm thử thách. Vì bị hoàn cảnh chuyển biến, lại không đủ định lực, thế là họ hoàn tục ra đời. Từ đó họ làm những chuyện theo ý họ. Hoặc là họ sẽ phát tài lớn, hoặc sẽ làm quan to; bất quá các việc đó chỉ là những thứ huyễn hóa trước mắt. Nhưng quả báo của họ thì lại như bóng theo hình, khó mà trốn tránh.

Hôm nay tôi thành thật nói cho quý vị biết. Phàm hễ người xuất gia nào muốn hoàn tục, nhất định sẽ bị đọa lạc và chịu khổ không ngừng. Đó là sự thật và tôi cũng không khách sáo chút nào khi nói về điều nầy. Một niệm lúc mới ban đầu là xuất gia thành Phật và một niệm sau rốt là hoàn tục để làm quỷ. Đây là hai con đường mà quý vị phải lựa chọn, sự quyết định là ở trong tay quý vị đấy.

Chuyện thế gian nếu không tốt thì là xấu, không thành tức là bại, không thịnh tức là suy. Cho nên nói: “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt,” người quân tử đi lên, kẻ tiểu nhân đi xuống. Quý vị hướng thượng đi lên là đến bốn quả vị Thánh; quý vị muốn tuột đi xuống thời đọa trong ba đường ác, gọi là: “Thiện ác hai đường, tu thì tu, tạo thì tạo.”

*

Người có căn sâu dầy thì tu theo đường lành, người mang nghiệp nặng thì tạo đường ác. Nếu chúng ta nói những lời thành thật với họ, họ sẽ không tin. Trái lại, nếu chúng ta nói lời giả dối thì họ lại tin ngay. Vì sao? Bởi vì nghiệp chướng của họ nặng nề. Chúng ta học Phật đã nhiều năm, mà không hiểu rõ đạo lý trên, thật đáng thương thay! Tôi vốn không muốn nói về đạo lý nầy, vì nghĩ rằng quý vị đều đã biết rõ hết rồi. Nhưng giờ đây tôi mới biết là mọi người chưa hiểu rõ một cách triệt để; và vẫn còn lẩn quẩn ở ngã tư đường vì đã thất lạc phương hướng.

Bây giờ tôi sẽ nhắc lại cho mọi người nghe là: Con người chúng ta đang sống trong cái biển lớn sanh tử, nếu không nổi lên được thì chỉ có chìm xuống thôi.

Tục ngữ có câu: “Trèo cao, té nặng!” Hướng thượng muốn thành Phật, nhưng chúng ta không đi lên thì không thành Phật được; còn nếu té ngã xuống thì sẽ đọa địa ngục, vĩnh viễn khó mà thoát ra.

*

Có người hỏi: “Rốt cuộc là có địa ngục hay không?” Tôi xin nói với quý vị rằng, như con người đang sống đây là đang ở trong địa ngục đấy. Quý vị xem, có số người phiền phiền não não, tranh cãi láo nháo không bao giờ ngừng dứt. Như thế không phải giống như ở địa ngục sao? Con người sống như thế thì có ý nghĩa gì? Lại còn có hỏa tai, phong tai, chiến tranh và những tai họa do con người gây ra; vậy cũng như là sống trong địa ngục trần gian thôi!

Hãy nhìn xem, khi người mang bệnh tật trên thân thì khổ không thể nói; như lúc chứng ung thư hoành hành, họ đau đớn đến nỗi không còn muốn sống. Như thế há không phải là địa ngục sao? Nhưng người ta vẫn không nhìn thấy, buông không được, bỏ không đặng; cứ lo tham luyến cố chấp, lại không có tâm từ bi; thấy lợi quên nghĩa, thừa nước đục thả câu. Cho nên cuối cùng họ vẫn là quanh quẩn trong vòng luân hồi, không bao giờ ngừng dứt.

Thôi được rồi, tôi sẽ không nói nữa, nếu không thì mọi người sẽ sợ hãi mà bỏ chạy hết!

( Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời & Đạo nghiệp linh dị, kỳ đặc bậc nhất!

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog