Xá lợi là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Xá lợi là gì

Xá lợi là gì? Tổ Ấn Quang dạy: “Xá lợi là tiếng Phạn, Hán dịch là “thân cốt” (xương nơi thân), hoặc dịch là “linh cốt” (xương thiêng), do sức Giới – Định – Huệ của người tu hành tạo thành, chứ chẳng phải do luyện Tinh – Khí – Thần mà được. Đấy chính là biểu tượng tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật vậy, chẳng phải chỉ chết đi đem thiêu mới có, mà ngay khi còn sống xương, thịt, tóc nơi thân đều có thể biến thành xá-lợi cả.

Xưa có vị cao tăng nhân tắm gội mà được xá-lợi. Ngài Tuyết Nham Khâm thiền sư cạo đầu, tóc biến thành xá-lợi. Lại có người chí tâm niệm Phật, trong miệng có xá-lợi. Lại có người khắc in sách Long Thư Tịnh Độ, tìm được xá-lợi trong bản khắc. Lại có người thêu hình Phật, thêu kinh, nơi mũi kim đâm xuống liền được xá-lợi. Lại có người chết đi, đem thiêu, xá-lợi vô số, môn nhân ai nấy đều được; có một người đi xa chưa về kịp, đến lúc trở về cúng quải trước tượng, cảm khái đau buồn, liền nhặt được xá-lợi trước tượng.

Ngày thiêu hóa Trường Khánh Nhàn thiền sư, trời nổi trận gió lớn, khói tỏa xa ba, bốn mươi dặm. Khói bay đến đâu, chỗ đó đều có xá lợi, nhặt gom lại được hơn bốn thạch. Nên biết rằng xá-lợi do đạo lực cảm thành, kẻ luyện đan chẳng biết nguyên do cứ ức đoán lầm lạc là do Tinh – Khí – Thần cảm thành.”

*

Xá Lợi có hai loại:

  1. Xá lợi Phật: Tức là xá lợi từ chính kim thân của đức Phật. Khi Ngài nhập Niết Bàn, chư Thánh chúng trà tỳ và phân chia xá lợi của Phật để muôn nơi được cùng thờ cúng, chiêm bái. Nếu là Xá lợi của Phật thì thường phóng hào quang, có khả năng biến hiện, cứng như kim cương bất hoại, không gì có thể làm tổn hại được. Xá lợi của chư Tăng hay Phật tử thì không được như vậy! Xá lợi Phật cực hiếm, lại tùy theo căn tánh và phước đức từng người mà hóa hiện. Người có biệt duyên chiêm ngưỡng mỗi người tự thấy to nhỏ, mầu sắc khác nhau, chẳng ai giống ai.
  2. Xá lợi của người tu hành: Tức xá lợi của Chư Tăng và Phật tử. Loại xá lợi này tùy vào đạo hạnh của người tu mà cảm nên hình dáng và màu sắc khác nhau: Như xá lợi của Tổ Huệ Năng là Toàn Thân Xá Lợi, ngàn năm không hư nát; Xá lợi của Hòa Thượng Tuyên Hóa và Tổ Ấn Quang có cả loại ngũ sắc và nhiều màu khác nhau; Xá lợi của Bồ Tát Thích Quảng Đức là trái tim không hoại….

Về màu sắc thì xá lợi Phật không có màu sắc nhất định, tùy theo đức hạnh của mình mà mỗi người tự nhìn thấy các màu khác nhau. Thông thường Xá lợi có ba màu: 1. Nếu từ xương cảm thành thì có màu trắng sáng. 2. Nếu từ tóc cảm thành thì có màu đen đậm. 3. Nếu từ thịt cảm thành thì có màu đỏ hồng.

*

Những hạt xá lợi mà ngày nay chúng ta thấy phần lớn đều là xá lợi của người tu hành, không phải xá lợi Phật. Bởi Xá lợi Phật vô cùng hiếm và bạn phải có phước duyên đặc biệt lắm mới được chiêm ngưỡng. Nếu thân tâm không từ bi thanh tịnh, dù có tháp thờ xá lợi ngay trước mắt cũng không cách chi mà nhìn thấy được!

Về phước đức khi chiêm bái, thờ cúng xá lợi Phật thì theo Kinh Đại Bi: “Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với A nan: Sau khi Ta diệt độ. Nếu có người thậm chí cúng dường Xá lợi của Ta dù chỉ bằng hạt cải. Ta nói người này nhờ tất cả thiện căn này đều đạt được cảnh giới Niết bàn. Nếu có ai tạo lập hình tượng tháp thờ, tâm nghĩ đến công đức của Phật. Ta nói người này nhờ tất cả thiện căn này đều đạt được cảnh giới Niết bàn.”

  • Cách chữa khóc Dạ đề linh nghiệm nhất.
  • Cách đi lễ Chùa đúng pháp.
  • Sự thật về Cầu cơ.
  • Âm đức là gì.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Xá lợi Phật là gì
Xá lợi Phật là gì

Xá lợi Phật là gì, được hình thành thế nào?

Xá Lợi Phật là xá lợi mà chư Thánh chúng thâu được khi trà tỳ kim thân của đức Phật. Khi đức Phật nhập Niết Bàn, do thân của Ngài là thân kim cang, lửa thế gian và lửa trong Tam giới đều không thể nào đốt được, cứ hễ đến gần kim thân của Phật đều bị tắt cả. Về sau, do sức Từ Bi của Như Lai, muốn lưu lại xá lợi cho chúng nhân thiên được cúng dường nên thân Ngài tự phát ra lửa Tam Muội để trà tỳ.

Bạn thân mến! Bạn hãy ngồi ngay ngắn, giữ thân tâm thanh tịnh để đọc: “Phẩm Trà Tỳ thứ hai mươi tám – Kinh Đại Bát Niết Bàn”. Đọc kinh, bạn sẽ biết rõ mọi điều về sự hình thành của Xá lợi Phật.

Phẩm Trà Tỳ thứ hai mươi tám – Kinh Đại Bát Niết Bàn

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh.

*

“Lúc đó tất cả nhân dân  nam nữ trong thành Câu Thi Na hỏi ngài A Nan pháp tắc trà tỳ đối với Đức Như Lai.

Ngài A Nan thuật lại lời Phật nên theo pháp tắc Chuyển Luân Thánh Vương.

Tất cả nhân dân buồn khóc rơi lệ trở vào trong thành làm kim quan dùng thất bảo trang nghiêm, cùng lo sắm ngàn bức bạch điệp vô giá, vô số bông đâu la miên mềm nhuyễn, vô số chiên  đàn, trầm thủy, hòa hương hương thủy, hương nê, phan lọng hoa hương v.v… Sắm sửa xong, cùng nhau đến trước Phật rơi lệ nghẹn ngào mà dâng lên cúng dường.

Lúc đó đại chúng buồn thương cung kính dùng bạch điệp tốt che tay đỡ Như Lai vào trong kim quan đổ đầy dầu thơm, nắp kim quan liền đóng kín lại.

Nhơn dân trong thành Câu Thi Na vì tham phước lành, không muốn cho đại chúng trời người khiêng kim quan của Phật, họ sai bốn đại lực sĩ thỉnh kim quan của Phật vào trong thành để cúng dường. Bốn đại lực sĩ nầy vận dụng hết sức mình mà vẫn không động được kim quan. Trong thành lại sai tám đại lực sĩ, rồi đến mười sáu đại lực sĩ, nhưng vẫn không khiêng nổi.

*

Ngài A Nâu Lâu Đà thong thả bảo các lực sĩ rằng: “Dầu cho tất cả nhơn dân trong thành cũng không khiêng nổi kim quan, huống là các ông. Các ông phải thỉnh đại chúng cùng chư thiên trợ lực các ông mới khiêng kim quan vào thành được.

Lúc đó Thiên Đế Thích cùng chư thiên cầm lọng thất bảo lớn cùng vô số hoa hương phan lọng các thứ âm nhạc, khóc lóc rơi lệ ở giữa hư không giăng che cúng dường kim quan của Phật. Lục dục thiên cùng sắc giới thiên cũng đồng cúng dường kim quan như Đế Thích.

Đức Đại Bi của Thế Tôn muốn cho thế gian được tâm bình đẳng đồng được phước, kim quan liền từ rừng Ta La tự bay lên hư không cao bằng một cây Đa La.

Nhơn dân trong thành Câu Thi Na và tất cả đại chúng trời người, vì không được khiêng kim quan nên tự cảm thương kêu khóc.

Chư thiên đem hoa hương châu ngọc rải trước kim quan, vần vũ quanh kim quan. Đồng than thở xướng to rằng : Khổ thay ! Khổ thay ! Chúng ta vô phước chẳng đặng khiêng kim quan.

Lúc đó kim quan của Phật bay trên hư không, từ rừng Ta La bay chậm chậm vào cửa Tây thành Câu Thi Na, Tất cả nhơn dân đại chúng trời, người, Bồ Tát, Thanh Văn, hoặc đi dưới đất, hoặc đi trên hư không, theo sau kim quan buồn khóc than thở nghẹn ngào rơi lệ.

*

Thành Câu Thi Na mỗi phía rộng bốn mươi tám do tuần. Kim quan của Phật bay chậm chậm trên hư không vòng ra cửa Đông hữu nhiễu vào của Nam, rồi vẫn bay chậm chậm trên hư không mà ra của Bắc, lại tả nhiễu vào cửa Tây. Bay nhiễu đủ ba vòng như vậy, kim quan bay chậm chậm trên không vào cửa Tây rồi ra cửa Đông, tả nhiễu vào cửa Bắc lại ra cửa Nam, hữu nhiễu trở lại vào cửa Tây, bay như vậy đủ bốn vòng.

Lúc kim quan của Phật bay vào thành, vô số đại chúng mang vô số gỗ thơm, chiên đàn, trầm thủy, tất cả hương báu cùng vô số phan lọng hương hoa chuỗi ngọc đến chỗ trà tỳ.

Tứ Thiên Vương cùng chư thiên cũng đem những thứ hương thượng diệu cõi trời đến chỗ trà tỳ.

Chư thiên cõi trời Đao Lợi nhẫn đến chư thiên cõi trời Tha Hóa cũng đều đem vô số thứ hương thượng diệu cõi trời và phan lọng hoa hương chuỗi ngọc gấp bội trời Tứ Thiên Vương đến chỗ trà tỳ.

Chư thiên cõi sắc, cõi vô sắc chỉ đem hương hoa đến chỗ trà tỳ.

Ngài A Nâu Lâu Đà, lệ đầy mắt chẳng xiết buồn thương, khất gỗ thơm chiên đàn trầm thủy cõi trời đủ sáu ngàn cây đem đến chỗ trà tỳ.

*

Lúc Đức Thế Tôn mới thành đạo, bờ phía Bắc sông Hằng mọc lên một cây chiên đàn, lớn như bánh xe, cao bằng bảy cây Đa La. Hơi thơm bay tỏa khắp nơi Thọ Thần của cây chiên đàn nầy sanh đồng thời với cây, thường đem hương của cây nầy đến cúng dường Phật. Giờ Phật nhập Niết Bàn, cây chiên đàn nầy liền chết nhánh lá khô rụng, Thọ Thần nầy cũng chết  theo cây. Các vị thần khác đem cả cây chiên đàn đã chết khô nầy đến chỗ trà tỳ để cúng dường.

Nơi đây là chỗ trà tỳ của tam thế chư Phật. Nơi đây có vô lượng tháp báu của chư Phật quá khứ. Nơi đây là chỗ đất Kim cang cứng chắc.

Lúc đó kim quan của Phật bay chầm chậm trên không hữu nhiễu tả nhiễu bay quanh thành Câu thi Na đủ bảy vòng, rồi từ từ hạ xuống trên giường thất bảo, trong thời gian đó trải qua bảy ngày.

Nhơn dân đại chúng trời người, Thanh Văn, Bồ Tát cầm phan lọng hoa hương buồn khóc rơi lệ theo sau kim quan trọn bảy ngày.

Do thần lực của Phật, tất cả đại chúng đều không đói khát, không một ai nghĩ đến ăn uống, chỉ thành tâm cung kính mến luyến  Đức Như Lai.

*

Vì đã đủ bảy ngày sắp đem Như Lai ra khỏi kim quan, đại chúng kêu khóc chấn động thế giới, dùng bạch điệp mịn nhuyễn che tay cung kính phò thân Kim Cang bất hoại đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Như Lai an lành ra khỏi kim quan để trên giường thất bảo.

Đại chúng càng thêm buồn thương than khóc, đem hoa hương, trổi âm nhạc cúng dường Như lai.

Mọi người mắt đầy lệ, miệng nghẹn ngào, dùng vô số hương thủy, cung kính tắm rửa thân Như Lai từ đầu đến chân. Cũng rửa kim quan trong ngoài sạch sẽ.

Tắm rửa thân Như Lai xong, đại chúng lại đem vô số hương hoa phan lọng buồn thương khóc lóc, cúng dường như Lai. Dùng vô số bông đâu la miên mịn màng bao bọc thân Kim Cang của Như Lai từ đầu đến chân. Rồi lấy bạch điệp vô giá tuần tự quấn ngoài bông đâu la miên đủ một ngàn bức.

Đại chúng lại khóc than cúng dường rồi lấy bạch điệp che tay cung kính phò thân Như Lai vào trong kim quan, đổ đầy dầu thơm, nắp kim quan liền đóng lại.

Đại chúng lại buồn than khóc lóc trổi âm nhạc dưng hương hoa cúng dường kim quan.

*

Sau đó đại chúng chất gỗ thơm chiên đàn trầm thủy thành lầu hương lớn, bốn phía treo giăng những lọng báu phan đèn, chuỗi ngọc, dây vàng. Mùi gỗ thơm bay tỏa khắp thành.

Sau khi dâng hoa hương, trổi âm nhạc thương khóc cúng dường, đại chúng trời người dùng bạch điệp che tay cung kính khiêng kim quan để lên lầu hương.

Đại chúng lại than khóc, nhiều người ngất xỉu. Khi tỉnh lại đồng kêu rằng: Khổ thay! Khổ thay! Nào ngờ cuối cùng không chỗ nương cậy! Than xong nghẹn ngào rơi lệ lại rải hương hoa, treo phan lọng, trổi âm nhạc cúng dường Như Lai.

Lúc đó sắp sửa nổi lửa trà tỳ, đại chúng lại kêu gào than khóc chấn động cõi đại thiên trần thiết cúng dường kim quan của Phật.

Mọi người vừa khóc lóc lệ đầy mắt, đều cầm đuốc hương lớn cả ôm, cháy sáng cả vùng, đem đến châm vào lầu gỗ thơm. Khi đến gần lầu gỗ thơm, tất cả ngọn đuốc đều tự nhiên tắt. Đại chúng lại thay vô số đuốc khác ném vào dưới lầu hương, tất cả ngọn đuốc cũng đều tắt.

Trăm ngàn Hải Thần đem đuốc lớn thất bảo đến châm vào lầu hương, những đuốc nầy cũng đều tắt.

Đại chúng chẳng biết cớ gì trà tỳ chẳng được, đây có lẽ Đức Như lai còn có nhơn duyên gì chưa xong.

*

Lúc đó ngài Ma Ha Ca Diếp cùng năm trăm Tỳ Kheo ở tại núi Kỳ Xà Quật cách thành Câu Thi Na năm mươi do tuần, đương nhập Tam Muội, bỗng nhiên tim nhảy thân rung, liền xuất định thấy núi cây đều chấn động, biết rằng Đức Như Lai đã nhập Niết Bàn. Ngài bảo các Tỳ Kheo: Đức Đại Sư Thế Tôn của chúng ta đã nhập Niết Bàn bảy ngày rồi, hiện đã vào trong kim quan.

Khổ thay! Khổ thay! Chúng ta phải mau đến chỗ Đức Như Lai, sợ rằng đã trà tỳ rồi chẳng còn được thấy sắc thân chơn tịnh ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Đức Phật.

Ngài Ma Ha Ca Diếp vì lòng kính trọng Phật nên chẳng dám dùng thần thông bay đi, bèn dắt các Thầy Tỳ Kheo đi bộ bảy ngày mới tới thành Câu Thi Na.

Trên đầu đường cửa Đông, ngài Ma Ha Ca Diếp thấy một Bà La Môn tay cầm một nhánh thiên hoa đi ngược chiều, liền hỏi: “Ông từ đâu mà đến đây?”

Bà La Môn đáp: “Đức Phật đã nhập Niết Bàn, tôi vừa ở chỗ trà tỳ về”.

– Ông đương cầm đó là hoa gì?

– Tôi ở chỗ trà tỳ được cành hoa trời nầy.

Ngài Ma Ha Ca Diếp ngỏ ý xin hoa ấy.

Bà La Môn nói: “Không được! Tôi muốn đem hoa nầy về cho thân tộc tôi cúng dường trong nhà.”

*

Ngài Ma Ha Ca Diếp bèn mượn cành hoa, hai tay cung kính để lên đầu mình, liền ngất xỉu té xuống đất. Giây lậu tỉnh lại suy nghĩ rằng:  Ở đây than khóc, chẳng thấy được sắc thân huỳnh kim của Như Lai cũng không ích gì.

Nghĩ xong, liền cùng các Tỳ Kheo đi gấp vào cửa Bắc thành Câu Thi Na, ghé vào một tăng phường thấy các Tỳ Kheo đang hội họp.

Các Tỳ Kheo nầy bảo ngài rằng: Xem các ông dường như từ xa mới đến, có lẽ nhọc nhằn đói khát, nên ngồi nghỉ chờ đến giờ ăn.

Ngài Ma Ha Ca Diếp nói: Đấng Đại Sư đã nhập Niết Bàn, chúng tôi còn lòng nào ở yên đây chờ ăn.

– Đại Sư là ai?

– Khổ thay, đau đớn thay! Các Thầy chẳng biết ư? Đấng Đại Giác Thế Tôn nay đã nhập Niết Bàn.

Các Tỳ Kheo nầy nghe rồi vui mừng lắm, nói rằng: “ Sướng lắm! Sướng lắm! Đức Như Lai còn tại thế cấm răn chúng ta, đặt ra giới luật nghiêm tuấn, chúng ta chẳng chịu nổi. Nay đã nhập diệt, những giới luật nghiêm tuấn ấy cũng phải bỏ. Các ông thong thả chờ ăn uống, có gì phải vội gấp.”

Đức Phật dùng thần lực bít tai chư thiên và các Tỳ Kheo theo ngài Ca Diếp. Những Tỳ Kheo nầy cùng chư  thiên đều chẳng nghe những lời ác của các Tỳ Kheo vừa nói. Chỉ một mình ngài Ma Ha Ca Diếp nghe thôi.

*

Lúc đó, ngài Ca Diếp dắt các Tỳ Kheo rời tăng phường vội vã đến chỗ Phật. Vừa đi vừa suy nghĩ chúng tôi làm sao được có những đồ cúng dường, để khi đến chỗ Phật dâng lên cúng dường ?

Ngài Ma Ha Ca Diếp lại suy nghĩ: Tôi vốn sanh trưởng ở trong thành nầy, nay xin đồ cúng dường có lẽ cũng được.

Ngài liền dắt các Tỳ Kheo ghé từng nhà để xin, được ngàn bức bạch điệp tốt, vô số bông đâu la miên, cùng rất nhiều hương hoa, hương nê,  hương thủy, hương du, phan lọng, hàng màu, chuỗi ngọc.

Xin đồ cúng dường xong, các ngài lật đật mang ra cửa Tây. Từ xa nghe vẳng tiếng đại chúng than khóc ở chỗ trà tỳ. Nghe đại chúng hỏi Thiên Đế cúng dường đã xong làm sao có lửa để đốt lầu hương? Nghe Thiên Đế đáp rằng đại chúng nên chờ, ngài Ma Ha Ca Diếp sắp đến.

Tất cả đại chúng đương buồn khóc thấy ngài Ma Ha Ca Diếp cùng năm trăm Tỳ Kheo vừa đi, vừa khóc mà đến, liền tránh đường nhường chỗ cho ngài Ma Ha Ca Diếp đi thẳng vào lầu hương. Ngài Ma Ha Ca Diếp dắt các Tỳ Kheo vòng lên kim quan mà lễ bái kêu khóc ngất xỉu, giây lâu tỉnh lại nước mắt tuôn rơi, hỏi đại chúng rằng: “Làm sao để được mở kim quan của Phật?”

*

Đại chúng đáp: “Phật nhập Niết Bàn đã trải qua hai thất, sợ có tổn hoại chăng?”

Ngài Ma Ha Ca Diếp nói: “Thân của Như Lai là thân Kim Cang thường, lạc, ngã, tịnh, không thể có sự hư rã, thân Phật thơm tho ngào ngạt như núi Chiên Đàn.”

Nói xong các ngài liền đến bên kim quan than thở khóc lóc.

Lúc đó Đức Như  Lai Đại Bi bình đẳng vì ngài Ma Ha Ca Diếp nên kim quan tự nhiên mở nắp. Ngàn trương bạch điệp cùng bông đâu la miên đều tự tháo tung, lộ bày thân huỳnh kim ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.

Vừa thấy kim thân của Phật lộ ra, các ngài liền ngất xỉu té xuống, giây lâu tỉnh lại nghẹn ngào than khóc, nước mắt chảy tuôn đem hoa hương phan lọng hàng màu chuỗi ngọc của mình xin đặng dâng lên cúng dường, rồi lấy hương nê hương thủy tắm rửa kim thân của Như Lai, đốt hương rải hoa khóc lóc cúng dường.

Sau đó các ngài đem bông  đâu la miên của mình bao trùm kim thân kế lấy bông đâu la miên cũ bao ngoài. Lại lấy ngàn bức bạch điệp của mình tuần tự quấn ngoài bông đâu la miên, kế đó lấy ngàn bức bạch điệp cũ cũng theo thứ tự quấn ngoài bạch điệp mới. Sau khi quấn bạch điệp xong nắp kim quan liền đóng lại.

*

Ngài Ma Ha Ca Diếp cùng các Tỳ Kheo khóc lóc rơi lệ đi nhiễu kim quan bảy vòng, quỳ gối chắp tay nói kệ than thở :                                

Khổ thay, khổ thay, đấng Đại Thánh

Nay tôi đau đớn như cắt lòng

Thế Tôn diệt độ sao quá sớm

Đại Bi chẳng thể nán chờ tôi.

Trong thiền định ở núi Xà Quật,

Tôi khắp tìm Phật đều chẳng thấy,

Nhìn lại thấy Phật đã Niết Bàn,

Thoạt vậy thân tâm tôi kinh động.

Bỗng thấy mây đen khắp thế gian,

Lại thấy núi cây đều chấn động,

Liền biết Như Lai đã Niết Bàn,

Chúng tôi vội đến chẳng được thấy.

Thế Tôn Đại Bi chẳng đến tôi,

Khiến tôi chẳng thấy Phật nhập diệt,

Chẳng được nghe một lời dạy bảo,

Tôi nay côi cùng biết nương đâu!

Thế Tôn ôi! Tôi quá đau đớn,

Rối loạn tinh thần tâm mê muội

Nay tôi cúi lạy đầu Thế Tôn,

Và cũng kính lạy ngực Thế Tôn,

Kính lễ hai tay của Đại Thánh,

Và cũng kính lễ lưng Thế Tôn,

Cung kính đảnh lễ rún Thế Tôn,

Thâm tâm kính lễ chân của Phật.

Khổ thay chẳng thấy Phật Niết Bàn,

Xin hiện bày chỗ tôi kính lễ.

Như Lai ở đời chúng an vui,

Nay nhập Niết Bàn đều rất khổ.

Buồn thay buồn thay quá đớn đau,

Đại Bi hiện bày chỗ tôi lễ.

Lúc ngài Ma Ha Ca Diếp khóc than nói kệ rồi, đấng đại bi Thế Tôn liền hiện hai bàn chân thiên bức luân tướng ra ngoài kim quan. Từ thiên bức luân phóng ngàn tia sáng chiếu khắp tất cả thế giới ở mười phương.

*

Ngài Ma Ha Ca Diếp cùng các Tỳ Kheo thấy chưn Phật, đồng thời cúi lạy tướng thiên bức luân. Vì quá cảm động, các ngài mê muội ngất xỉu, giây lâu tỉnh lại nghẹn ngào kêu khóc, đi nhiễu bảy vòng rồi lại đảnh lễ chưn Phật buồn khóc nói kệ rằng:                                        

Như Lai tâm Đại Bi trọn vẹn,

Từ quang bình đẳng không phân biệt,

Chúng sanh có cảm đều ứng hiện,

Cho tôi được thấy tướng túc luân.

Nay tôi  thâm tâm quy mạng lễ,

Đấng hai chân thiên bức luân tướng,

Trong thiên luân phóng ngàn tia sáng,

Chiếu khắp cõi Phật ở mười phương.

Nay tôi quy y cúi đầu lạy,

Thiên bức luân tướng phóng ánh sáng,

Chúng sanh được chiếu đều giải thoát,

Tam đồ bát nạn đều lìa khổ.

Tôi lại quy y cúi đầu lạy,

Ánh sáng khắp cứu các ác thú.

Thuở xưa Thế Tôn từ nhiều kiếp,

Vì chúng tôi siêng  tu khổ hạnh,

Ngày nay chứng được thân kim cang,

Do đây dưới chưn ngàn tia sáng.

Buồn thương cúi đầu quy mạng lễ,

Thiên luân an lạc các chúng sanh.

Phật tu công đức vì tất cả,

Dưới cội đạo thọ hàng bốn ma,

Bốn ma hàng rồi dẹp ngoại đạo,

Nhơn đây chúng sanh được chánh kiến.

Cung kính quy y cúi đầu lạy,

Chưn sáng khiến chúng được chánh kiến,

Phật là cha lành của tất cả,

Chưn sáng bình đẳng độ chúng sanh.

Tôi lại quy y cúi đầu lạy,

Chưn sáng bình đẳng cứu thoát khổ,

Tôi gặp chưn sáng thiên bức luân,

Buồn mừng xen lộn đau đớn lòng.

*

Tôi lại khóc than cúi đầu lạy,

Tướng sáng thiên luân có cảm ứng,

Quy y cúi lạy ánh sáng chưn,

Nương thừa rốt ráo ra ba cõi.

Kính lễ chưn trời người quy y, 

Ánh sáng khắp soi ba cõi khổ,

Chúng sanh chưa được giải thoát khổ,

Thảy đều quy mạng chưn thiên quang.

Chúng tôi luân hồi chưa ra khỏi,

Cớ sao chưn Phật lại bỏ rơi,

Thương thay, thương thay cho chúng sanh.

Tia sáng thiên luân mãi chẳng thấy,

Sám hối với đấng Đại Từ Bi, Đ

ảnh lễ chưn vàng ngàn tia sáng.

Buồn thay nay gặp tướng Thiên Luân,

Từ đây lúc nào được thấy lại!

Ngài Ma Ha Ca Diếp cùng các Tỳ Kheo nói kệ trên đây rồi, lại ngất xỉu mê muội, giây lâu tỉnh lại nghẹn ngào buồn thương không dằn được.

Hai chân Kim Cang thiên bức luân tướng của Đấng Đại Giác Thế Tôn tự rút vào kim quan đóng kín như cũ.      

Tất cả nhơn dân đại chúng trời người ngó thấy ngài Ma Ha Ca Diếp càng thêm sầu khổ đấm ngực kêu gào, tiếng khóc than vang động cả thế giới, đem lễ vật nghẹn ngào dâng cúng.

*

Lúc đó trong thành Câu Thi Na sai bốn lực sĩ đeo chuỗi ngọc trang nghiêm nơi thân, tay cầm đuốc lớn như bánh xe ngọn lửa chói sáng, đến đốt lầu hương để trà tỳ Như Lai. Vừa đến lầu hương lửa đuốc liền tắt. Trong thành lại sai tám lực sĩ, lần lượt sai đến ba mươi sáu đại lực sĩ, mỗi lực sĩ vác đuốc lớn đến châm vào lầu hương để đốt. Tất cả lửa đuốc đều tắt.

Ngài Ma Ha Ca Diếp bảo các lực sĩ cùng mọi người rằng kim quan của Phật, lửa trong tam giới không thể đốt cháy được. Đại chúng nên biết rằng giả sử tất cả những lửa trên trời cùng nhơn gian đều không thể trà tỳ kim quan của Như Lai. Mọi người chớ gắng gượng luống đốt nhọc nhằn.

Đại chúng nghe lời trên đây càng thêm buồn khổ đồng nhau đảnh lễ cúng dường đi nhiễu kim quan bảy vòng, tiếng khóc than vang động cả mười phương.

Lúc bấy giờ Đức Như Lai dùng sức Đại Bi, từ nơi ngực phóng ngọn lửa ra ngoài kim quan, lần lần đốt cháy lầu hương trải qua bảy ngày mới cháy hết.

Tất cả đại chúng trời người cùng nhân dân nam nữ trong thành cũng buồn than khóc lóc trọn bảy ngày không dứt tiếng, đồng thời chẳng ngớt cúng dường đảnh lễ.

*

Lúc đó Tứ Thiên Vương đều nghĩ rằng: Tôi dùng nước thơm rưới tắt lửa, gấp lượm lấy Xá Lợi đem về cõi trời cúng dường. Nghĩ xong, Tứ Thiên Vương liền mang bình vàng đựng đầy nước thơm, lại đem bốn cây cam nhũ, bốn cây nầy mọc ở trên bốn triền núi Tu Di, mỗi cây cao trăm do tuần, lớn một ngàn ôm, đồng đến chỗ trà tỳ. Thiên Vương trút nước thơm trong bình, bốn cây tuôn nước cam nhũ tưới trên ngọn lửa. Tưới xong, thấy lửa càng mạnh không tắt.

Lúc đó Hải Thần cùng Ta Già La Long Vương và Giang Thần, Hà Thần thấy Tứ Thiên Vương tưới nước thơm chẳng tắt lửa, đều nghĩ rằng: Chúng ta đem nước thơm tưới tắt lửa thâu gấp Xá Lợi đem về cúng dường tại chỗ của chúng ta. Nghĩ xong, mỗi thần cầm bình báu đựng vô lượng nước thơm mang đến chỗ trà tỳ đồng thời tưới trên lửa, thấy lửa như cũ không tắt chút nào.

*

Ngài A Nâu Lâu Đà hỏi Tứ Thiên Vương cùng các Thần: “Các ông tưới nước thơm, có phải muốn lửa tắt để lấy Xá Lợi về cúng dường tại chỗ ở của các ông chăng ?”   

– Thưa ngài A Nâu Lâu Đà! Đúng như vậy.

Ngài A Nâu Lâu Đà bảo Tứ Thiên Vương: “Các ông lòng quá tham! Nếu tất cả Xá Lợi đều theo các ông về thiên cung, người ở địa cầu làm sao  lên trời được để cúng dường?

Ngài lại bảo các Thần: “Các ông ở trong biển lớn dưới sông sâu, nếu các ông đem Xá Lợi của Đức Như Lai về chỗ ở của các ông, thời người trên mặt đất nầy làm sao đến đó để cúng dường ?

Tứ Thiên Vương cùng chư Thần đều sám hối.”

Xá Lợi Phật được Phân chia thế nào?

Theo Kinh A Dục Vương: “Sau lễ trà tì. Tám vị Quốc vương tranh giành Xá lợi Phật đều dấy binh gây chiến. Thiên Đế Thích tự mình đi đến bảo rằng nên dùng chĩnh vàng mà phân chia. Vua A Xà Thế đếm tổng cộng tất cả được 84.000 hạt Xá lợi Phật. Ngoài ra có một xá lợi là sợi ria mép của Phật không người nào dám lấy. Bởi vì Vua A Xà Thế đến đầu tiên nên được Xá lợi và sợi ria mép. Ông ta trở về rất hoan hỷ, tấu nhạc vang lừng Trời đất.

Nan Đầu Hòa Long vương hóa làm thân người đi đến nơi Phật Niết bàn. Trên đường đi gặp vua A Xà Thế, ông nói với nhà vua rằng: Có thể mang một phần có được chia cho tôi chăng?

Nhà vua nói: Không thể được!

Long vương nói: Tôi là Nan Đầu Đà Hòa Long vương, có thể đem cả quốc độ của ông ra chà nát thành bột.

Vua A Xà Thế kinh sợ liền tặng cho sợi ria mép của Phật. Long vương liền trở về dưới núi Tu di dựng lên tòa tháp bằng thủy tinh, cao tám vạn bốn ngàn dặm. Xây xong tòa òa tháp thủy tinh lưu ly ông ta đem Xá lợi Phật an trí phụng thờ.

*

Vua A Xà Thế mạng chung, về sau vua A Dục chiếm được đất nước ấy. Lúc ấy có vị Đại thần thưa với vua A Dục rằng: Nan Đầu Hòa Long vương trước kia khinh thường vua A Xà Thế mà lấy mất sợi ria mép của Phật.

Vua A Dục nghe rồi vô cùng giận dữ, lập tức truyền cho các quỷ thần làm lưới giăng bằng sắt, giăng khắp nơi trong nước ở núi Tu di để bắt Long vương.

Loài Rồng vô cùng kinh hãi bèn cùng nhau tính kế rằng: Vua A Dục tin thờ Phật. Nên chờ khi nhà vua ngủ ta mang cung điện chuyển đến đặt trong nước dưới núi Tu Di. Long Vương nghe lời bèn sai loài Rồng bưng lấy cung điện của vua A Dục. Nhà vua tỉnh giấc không biết là ở nơi nào. Trông thấy tòa tháp thủy tinh cao tám vạn bốn ngàn dặm, trong lòng vừa mừng vừa sợ.

Long vương xuất hiện tạ lỗi rằng: Vua A xà Thế tự mình tặng cho tôi sợi ria mép của Phật, chứ tôi không chiếm đoạt. Lúc Đức Phật tại thế ban cho tôi lời quan trọng rằng: Sau khi nhập Niết bàn đến thời kỳ kiếp thọ không còn. Tất cả kinh giới và cà sa bình bát, ta giao cho ông nên giữ lấy đưa vào cất giữ trong tháp này. Đợi đến lúc Di lặc xuất thế hãy mang ra.

Vua A Dục nghe nói lời này vô cùng cảm ơn, oán giận tiêu tan. Long vương liền sai các rồng mang cung điện nhà vua trở về đặt vào chỗ cũ”.

*

Theo A Dục Vương Truyện Ký, thì vua đã khải phát kho tàng của A Xà Thế Vương. Lấy ra được 84.000 viên xá lợi Phật. Sau đó dùng các bảo vật hòa với nhiều thứ danh hương, tạo ra 84.000 ngôi bảo tháp. Ngài lại nhờ Da Xá Tôn giả dùng thần lực phóng 84.000 tia sáng. Rồi sai các Quỷ thần mỗi vị bưng một bảo tháp theo chiều hướng mỗi tia sáng mà bay đi. Đến chỗ cuối cùng của ánh quang minh, thì an trí bảo tháp nơi lòng đất.

Các ngôi bảo tháp ấy được đặt để ở khắp châu Nam Thiệm Bộ. Riêng về xứ Trung Hoa có được 19 chỗ. Nhưng vì phước đức chúng sanh kém, nên chỉ có hai nơi hiện lên: Một ở núi Ngũ Ðài, một ở chùa A Dục. Bảo tháp ở Ngũ Ðài Sơn được bao trùm trong ngôi tháp lớn. Còn bảo tháp ở chùa A Dục tại huyện Cần, tỉnh Ninh Ba, hiện nay vẫn còn. Xá lợi Phật ở tháp chùa A Dục Vương có nhiều điểm linh dị vô cùng.

Tùy theo biệt nghiệp. Cũng một xá lợi Phật ấy mà những người đến chiêm bái đều thấy khác nhau: Hoặc lớn hay nhỏ, hoặc một hay nhiều viên, hoặc màu nầy màu kia. Hoặc hình nầy hình khác, hoặc di động hay đứng yên.

Hòa Thượng Hư Vân lễ xá lợi Phật ở chùa A Dục

Theo tự truyện, Hòa Thượng Hư Vân kể: “Tôi được sanh ra mà không gặp mẹ, chưa từng thấy dung mạo bà. Lúc còn ở nhà có thấy hình thờ. Mỗi lần nhớ đến thì tâm cang liền đau nhức. Xưa kia có nguyện rằng sẽ đến chùa A Dục Vương lễ xá lợi của Phật, rồi đốt ngón tay cúng Phật, cầu siêu độ mẹ hiền. 

Tôi lễ xá lợi từ sáng sớm canh ba đến chiều tối. Trừ khi ở ngoài điện đường, còn thì không dùng bồ đoàn, tọa cụ. Mỗi ngày lễ ba ngàn lạy. Tối nọ, đang lúc ngồi thiền nhập định, như mộng mà không phải mộng. Thấy trên không có một con rồng vàng, bay vào điện xá lợi trước hồ Thiên Trì, thân dài cả mấy mươi thước, sắc vàng chiếu sáng.

*

Tôi leo lên lưng, rồng liền bay đến một nơi núi sông hùng vĩ, cây cỏ hoa trái xanh xanh u mịt, lâu các cung điện, trang nghiêm kỳ diệu. Thấy mẹ mình đang đứng trên lầu các xem cảnh, liền gọi: “Mẹ ơi! Thỉnh mẹ lên lưng rồng. Rồng sẽ đưa mẹ qua cõi Tây Phương.” Rồng lập tức bay xuống. Ngay lúc ấy liền giật mình tỉnh giấc. Thân tâm cảm giác thanh tịnh trong sáng, cảnh giới rõ ràng. Đây là lần thứ nhất mộng thấy mẹ mình.

Từ đó, mỗi ngày nếu có người đến xem xá lợi, tôi đều tham gia. Cách nhìn xá lợi của mỗi người đều khác biệt nhau. Tôi được xem nhiều lần. Ban đầu thấy hạt xá lợi lớn như hạt đậu, màu tím đen. Giữa tháng mười, sau khi lễ lạy hai đại tạng kinh Nguyên Thủy và Đại Thừa xong, lại xem lần nữa. Thấy hạt cũng lớn như lần đầu, nhưng biến thành hạt châu màu đỏ. Tôi lễ lạy thêm nữa. Vì gấp rút cầu chứng nghiệm nên toàn thân đều đau nhức. Xem lần nữa, thấy hạt lớn hơn hạt đậu vàng, màu sắc nửa trắng nửa vàng. Đến lúc ấy, tin chắc rằng hạt xá lợi Phật tùy theo căn tánh của mỗi người mà hiện…”

Chuyện Ngài Khương Tăng Hội cầu xá lợi Phật

Năm thứ tư niên hiệu Xích ô thời Ngô Tôn Quyền, có Sa môn Khương Tăng Hội( Tổ là người Việt Nam) là người nước khác. Đến Trường Giang thiết lập kinh tượng làm nơi hành đạo. Người nước Ngô cho là chuyện lạ lùng mê hoặc lòng người. Bởi vì nghe tình trạng ấy, Tôn Quyền cho gọi Tăng Hội đến hỏi: – Phật có điềm lành linh thiêng gì?

Đáp rằng: – Dấu tích linh thiêng sâu xa của Đức Phật để lại Xá lợi ứng hiện khắp nơi.

Tôn Quyền nói: – Ở đâu?

Đáp rằng: – Dấu tích thần kỳ của Đức Phật cảm ứng tất cả thì cầu khấn có thể đạt được.

Tôn Quyền nói: – Nếu có được Xá lợi thì sẽ xây dựng chùa tháp.

Ngài Tăng Hội về chùa lập đàn cầu Xá lợi, trải qua hai mươi mốt ngày chí thành thỉnh cầu, liền có được Xá lợi trong bình. Sáng sớm trình lên cho Tôn Quyền thấy, ánh sáng chiếu rọi tỏ cung điện.

*

Tôn Quyền cầm bình đổ vào khay đồng, Xá lợi rơi xuống chạm vào khay đồng lập tức vỡ tan. Tôn Quyền rất kinh sợ, lạ lùng trước điềm lành hiếm có. Tăng hội tiến đến nói rằng:

– Xương cốt linh thiêng của Phật, như Kim Cang bất hoại, lửa đốt không cháy, chày giã không vỡ.

Tôn Quyền sai lực sĩ dùng hết sức đánh vào, chày cối đều lõm xuống mà Xá lợi Phật không tổn hại gì, ánh sáng chiếu rọi khắp nơi làm lóa mắt người nhìn. Lại dùng lửa đốt thì ánh sáng vút lên trên cao làm thành đóa hoa sen to lớn. Tôn Quyền vô cùng tin phục, mới dựng ngôi chùa tên gọi là kiến sơ, đổi địa danh cư trú gọi là xóm Phật Đà.

Về sau con trai của Tôn quyền nối ngôi không tin Phật. Ông ta có ý định trừ bỏ Phật pháp, đốt kinh phá tháp. Có vị quan sùng kính can ngăn rằng: Tạm thời độ lượng một chút. Nếu biết là không có gì thần nghiệm thì loại trừ cũng không muộn. Tôn Hạo nghe theo lời can gián, gọi Tăng Hội đến nói rằng: Nếu có thể linh nghiệm hiện rõ ra thì giúp cho thầy phát triển. Nếu như không thì sẽ loại trừ mà còn xử tội chết.

*

Tăng Hội nói: Phật dùng duyên ứng hiện mà cảm được thì nhất định thông suốt. Đã mong muốn cảm ứng thì nhờ vào hiệu lực thỉnh cầu không khó. Tôn Hạo cho kỳ hạn trong ba ngày.

Lúc ấy chúng Tăng hơn một trăm người cùng tập hợp trong chùa. Tôn Hạo dàn quân bao quanh chùa tay lăm le dao gậy, đến kỳ hạn thì đập phá giết chóc. Tăng chúng sợ rằng không linh ứng nên có nhiều người muốn tự thắt cổ chết. Tăng Hội nói với mọi người rằng: Phật lưu lại Xá lợi chỉ vì ở thời thế bây giờ. Trước đã có linh nghiệm thì lẽ nào bây giờ không có ư?

Vừa đến kỳ hạn thì có được kết quả. Ngài đem trình lên cho Tôn Hạo và nói rằng: Đây là xương cốt Kim Cang của Như Lai, chí thành nhất định đạt được. Cho dù dùng chày nặng trăm cân đánh vào cũng không mảy may hư hoại.

Tôn Hạo nói: Vàng đá có thể mài mòn thì xương khô lẽ nào cứng chắc. Sa môn chính mình lừa dối thì chỉ mau chết mà thôi. Thế là đem đặt trên đe sắt, dùng chày vàng đánh xuống. Đe sắt chày vàng đều lõm xuống mà Xá lợi vẫn như cũ. Lại lấy nước trong để tiến hành thử nghiệm, Xá lợi tỏa sáng rực rỡ chiếu rọi khắp nơi trong cung điện. Tôn Hạo mới hớn hở tin phục, chí thành thay đổi tâm tính.

Xá lợi Phật cảm ứng chuyện

1.

Trong thành Lạc Dương thời Ngụy Minh Đế vốn có ba ngôi chùa. Ngôi chùa nằm phía Tây của Hoàng cung, cứ mỗi lần gắn Xá lợi Phật vào cờ phước treo trên nóc chùa, nhất định là nhìn thấy rõ trong cung. Hoàng đế lo sợ nên muốn phá hủy ngôi chùa.

Lúc ấy có Sa môn người nước khác ở trong chùa, mới bưng cái khay bằng vàng chứa nước, nước tích trữ Xá lợi. Ánh sáng năm màu tỏa ra rực rỡ không dứt. Hoàng đế trông thấy ca ngợi rằng: Không phải là thần hiệu làm sao có được như vậy? Thế là ở phía Đông cung thành làm ra chùa viện rộng cả một trăm gian, gọi là Quan Phật Đồ Tinh Xá.

2.

Trúc Trường Thư đầu thời nhà Tấn may mắn có Xá lợi Phật. Ông ta có con làm Sa môn tên là Pháp Nhan, muốn hoàn tục nên cười và nói rằng: Xá lợi là cát đá mà thôi, đâu đủ để đáng quý trọng. Người cha đưa vào trong nước, Xá lợi tỏa hào quang ngũ sắc sáng rực vút cao mấy thước. Nhan trông thất kinh quỳ xuống sám hối, không muốn hoàn tục nữa.

Khi Trường Thư sắp chết, người con lại phát khởi ý niệm hoàn tục thì mắc bệnh. Về sau đem Xá lợi an trí trong tòa tháp ở vùng Giang hạ.

3.

Trong thời Tấn Đại Hưng, ở vùng Tiềm Đổng rất sùng đạo. Vùng này có pho tượng bằng gỗ ban đêm có ánh sáng phát ra. Sau đó bên cạnh tượng phát ra tiếng động. Mọi người tìm thì thấy một hạt Xá lợi. Đem Xá lợi vào chậu nước sạch thì phát hào quang năm màu chiếu rọi rực rỡ. Về sau Sa môn Pháp Thường trông thấy, Xá lợi liền bay lên cao rơi vào trong lòng Pháp Thường.

Pháp Thường nói: Nếu như khiến Pháp thường xây dựng chùa chiền thì lại cho thấy uy thần. Xá lợi lại vọt lên cao phóng hào quang rực rỡ. Nhân đó Pháp Thường tiến hành xây dựng chùa tháp. Người ở vùng Tiềm Đổng cảm sự linh dị của Phật pháp, quy y đông không kể xiết.

4.

Năm thứ nhất thời Tấn Nghĩa Hy. Có người ở vùng Lâm Ấp may mắn có một hạt Xá lợi. Mỗi khi đến ngày trai thì phát ra ánh sáng. Sa môn Tuệ Thúy đi theo Sử Quảng Châu là điêu Quỳ về phía Nam. Nhìn thấy ánh sáng đó nên muốn đến thỉnh cầu. Sư chưa kịp mở lời mà Xá lợi tự phân làm hai.

Điêu Quỳ nghe chuyện trong lòng rất vui mừng. Ông ta thỉnh cầu để thờ kính, Xá lợi tiếp tục phân làm ba. Điêu Quỳ muốn phỏng theo pho tượng ở Trường Can, nhưng chủ chùa cố chấp không đồng ý. Đêm ấy chủ Chùa mộng thấy người cao mấy trượng nói rằng: Pho tượng quý báu nên truyền rộng ra lợi lạc chúng sanh. Hôm sau chủ Chùa liền báo cho Điêu Qùy đồng ý phỏng theo. Tượng hoàn thành, Điêu Quỳ đem Xá lợi đặt vào trong búi tóc pho tượng. Xá lợi liền phóng hào quang sáng rực cả một vùng.

5.

Năm thứ sáu thời Nguyên Gia nhà Tống. Giả đạo Tử đi Kinh Châu, thấy đóa sen mới nở bèn hái mang về nhà. Nửa đêm nghe trong hoa sen có tiếng động. Ông cảm thấy kỳ lạ liền tìm kiếm thì thấy có một hạt Xá lợi trắng như trân châu. Ông ta đem bỏ vào ly nước sạch thì Xá lợi phóng hào quang chiếu rọi khắp căn nhà. Ông thấy vậy liền cung kính đặt vào trong hộp treo lên tường.

Một hôm có khách đến chơi. Do khách không biết, lại nhân trời nóng nên trước Xá lợi cởi áo ngoài. Đêm liền mộng có người quở trách: Ở đây có chân thân của Đức Thích Ca. Các Thánh đến lễ kính, sao ông làm điều bất kính? Tội này chết vào trong địa ngục, hết kiếp lại sinh ra làm hạng tôi tớ. Sao có thể không sợ hãi? Người đó vô cùng kinh sợ, không bao lâu bị dịch bệnh mà chết. Có năm, Xá lợi trong nhà mọc ra tám cành hoa sen, sáu tuần mới khô. Những điều linh dị không kể xiết.

6.

Năm thứ tám thời Nguyên Gia nhà Tống. Ở Cối Kê có người tên An Thiên Tái, trong nhà thờ Phật. Một đêm nghe có tiếng gõ cửa. Ông mở ra thấy hơn mười người mặc áo đỏ chuyển vật liệu xếp vào trong cổng nói rằng: Quan sai làm tháp Phật, rồi biến mất. Hôm sau ông ta đến chơi nhà người. Trong cơm chay gặp được một hạt Xá lợi màu vàng tía, chày đập không vỡ. Đặt vào trong nước thì ánh sáng chiếu ra, liền tự dựng tháp phụng thờ.

Cũng năm ấy Lâm Xuyên Vương trấn giữ vùng Giang Lăng thỉnh được một hạt Xá lợi về mà thờ. Xá lợi này thường có hào quang rực rỡ phát ra. Quan lại và Sa môn xem Xá lợi đều thấy không giống nhau. Mỗi người thấy hình dạng và màu sắc không đồng. Vương nâng bình bát chú nguyện, thì thuận theo tiếng cầu nguyện phát ra ánh sáng

Một đêm Vương thấy hơn trăm người đi vòng quanh ngôi nhà. Họ an trí Xá lợi thắp hương cầm hoa giống như lúc Đức Phật xuất thế. Liên tục như vậy đến Trời sáng thì người và Xá lợi đều không còn.

7.

Năm thứ mười lăm thời Nguyên Gia nhà Tống. Lưu Ngưng ở Nam Quận ẩn cư trong Hoành Sơn không tin Phật pháp. Một đêm ông ta mộng thấy người cao lớn giảng kinh cho nghe. Tỉnh giấc bỗng nhiên tỏ ngộ, sớm chiều chí thành lễ Phật. Nửa năm sau chợt thấy trên đầu có ánh sáng màu tím. Ông tìm kiếm thì có được hai hạt Xá lợi, đưa vào nước thì hào quang phóng ra.

Năm thứ 19 thời Nguyên Gia nhà Tống, Từ Xuân ở vùng cao Bình đọc kinh, đến khi ăn gặp được hai hạt Xá lợi, cất giữ trong hũ gốm. Sau đó xem dần dần tăng lên cho đến hai mươi hạt. Sau ông ta gửi cho Lưu Phức là Huyện Lệnh Quảng Lăng. Lưu Phức lén mở xem thì thấy hũ gốm trống không.

Xá lợi ứng hiện thì người gặp được rất nhiều, đều là cung kính mà có được, khinh mạn thì mất đi.

(Xá lợi là gì – Theo Pháp uyển châu lâm)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   10 điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.

15 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog