Trong bài viết “ Nhìn các cảm xúc với con mắt vô thường”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết: “Lý do khiến cho ta điên rồ đủ để làm khổ chính mình và người bạn ta, chỉ vì ta quên rằng cả hai người đều vô thường hết. Ngày nào chết đi, ta sẽ mất tất cả: của cải, quyền lực, gia đình và tất cả mọi thứ khác. Tự do và an lạc trong lúc này là điều quan trọng nhất mà ta có được. Nhưng khi không có chánh niệm về vô thường, chúng ta không thể có hạnh phúc…”. Vậy vô thường mà thầy muốn nhắc tới ở đây là gì?
Quan điểm vô thường trong Phật giáo
Vô thường là một trong những học thuyết nền tảng của Đạo Phật, được đề cập trong Tam pháp Ấn: Vô thường – Khổ – Vô ngã.
“Vô” trong “vô thường” tức là “không” hoặc “không thật”. Còn từ “thường” trong vô thường tức là “bền vững” hoặc “thường còn”. Hiểu về mặt từ ngữ thì vô thường là không bền vững.
Kinh điển Phật giáo nhắc tới thuyết vô thường rất nhiều, điển hình như câu nói “đời là vô thường”. Phật giáo khẳng định rằng toàn bộ sự sống đều không bền vững, không có gì tồn tại mãi mãi, không có ngoại lệ, mọi thứ từ vật chất đến tinh thần đều chịu sự chi phối và ảnh hưởng bởi thời gian.
Một ví dụ: Giáo lý Phật giáo đã đề cập rằng con người ai cũng sẽ phải trải qua 4 tiến trình Thành – Trụ – Hoại – Không, hay Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Không một người nào, không một thứ thuốc trường sinh nào có thể giúp con người thoát khỏi quy luật trên.
Giải thích về vô thường, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một ví dụ rất gần gũi. Theo thầy, vô thường có nghĩa là mọi sự đều sẽ thay đổi, sẽ không thể có sự vật nào bất biến tại hai thời điểm nối tiếp nhau được. Mọi sự đều thay đổi mỗi phút giây nên không thể có mô tả chính xác lúc này nó giống hay khác so với lúc trước như thế nào. Ví như dòng sông mà ta tắm hôm nay liệu có còn là dòng sông cũ hay không?
Cũng giống như câu nói nổi tiếng “ Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” của triết gia Heraclitus. Dù vẫn là một con sông đó nhưng bản chất là nước sông của ngày hôm nay đã khác với nước sông của ngày hôm qua. Đức Khổng Tử đứng nhìn con sông cũng đã phải thốt lên rằng “Thệ giả tư phù, bất xả trú dạ!” – tức “ Ôi, nước sông trôi chảy ngày đêm, không bao giờ ngưng nghỉ sao!”
Ý nghĩa khi giác ngộ được vô thường
Theo thầy Thích Nhất Hạnh, khi có sự giác ngộ về vô thường sẽ giúp bản thân ta thoát ra khỏi các ý niệm về sự giống – khác nhau, sự đi – đến. Giác ngộ được vô thường, khi nhìn dòng sông ta sẽ hiểu dòng sông hôm nay tại sao không giống cũng chẳng khác hôm qua; Ngọn nến ta thắp tối hôm nay cũng sẽ chẳng là ngọn nến đang cháy vào buổi sớm ngày mai. Sự sống là thay đổi liên tục trong từng giây, từng phút và bất cứ ai cũng đều nằm trong tiến trình vô thường.
Nhiều người thấy đời vô thường, sự sống vô thường thì lại sinh ra tâm lý đau khổ, buồn rầu, buông xuôi… bởi, có gì là tồn tại mãi mãi đâu? sẽ luôn có mất mát, lụi tàn… vậy thì cố gắng để làm cái gì?
Thế nhưng, đạo Phật đã chỉ ra vô thường luôn có ý nghĩa tích cực của nó. “Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội, đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu. Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con gái quý vị không thay đổi thì nó không thể lớn lên để trở thành một phụ nữ. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời…” – Trích từ “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của thiền sư Nhất Hạnh.
Nhờ sự sống là vô thường, nếu chúng ta nhận ra nó, chúng ta sẽ biết thương quý giây phút hiện tại. Nhờ có vô thường, nỗi đau ngày hôm nay tưởng như có thể bóp nghẹt con tim, trí óc và hơi thở của bạn rồi tới một ngày cũng sẽ qua đi. Và khi nhìn lại ta thấy mình đã mạnh mẽ biết bao để vượt qua nó, có một tâm thế bình an, vững vàng như ngày hôm nay. Nhờ có vô thường, sự sống mới hiện diện. Cây cối đâm chồi nảy lộc ra hoa rồi kết trái. Con cái chúng ta được sinh ra rồi chúng lớn lên tiếp tục hành trình cuộc đời chúng…
Khi đã thấy rõ vô thường, quán chiếu vô thường hàng ngày, hàng phút giây, ta sẽ ý thức được sự quý giá của thời điểm hiện tại, những thứ mà ta đang có, những người ở bên cạnh ta.
Thực tập vô thường cũng sẽ giúp ta bớt tuyệt vọng, chán nản trước những điều bất như ý. Khi biết mọi thứ là vô thường, ta sẽ càng cần sống hết mình với hiện tại, cố gắng từng chút một để được chuyển hóa, tạo ra thành tựu tốt hơn trong tương lai.
Thực tập quán chiếu vô thường hàng ngày cũng sẽ giúp ta diệt trừ sân, si. Bởi khi biết mọi điều là vô thường, ta sẽ cảm nhận mọi thứ bằng tuệ giác, không bị phụ thuộc, không bị si mê, giảm ham muốn chiếm hữu của cá nhân.
Làm sao để thực tập vô thường?
Nhận ra và hiểu vô thường bằng trí óc thì ai cũng làm được. Nhưng để hiểu sâu tới tận cùng ngữ nghĩa về vô thường thì trí óc thôi lại không thể làm được. Bởi, theo giáo lý Nhà Phật, trí não không đưa con người tới giải thoát.
Vậy làm sao để thực tập vô thường?
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, để có thể thực tập vô thường, trước hết ta cần có một tâm thế vững chãi, có sự kiên định, rồi sau đó ta cần thực tập nhìn sâu.
Nhìn sâu để thấu hiểu về bản chất của vô thường. Khi đã thấu hiểu ta mới có thể quán chiếu hiểu biết sâu sắc về vô thường và biến cái hiểu này thành một phần của chúng ta và hàng ngày ta đều phải thực tập quán chiếu hiểu biết này.
Thầy Nhất Hạnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc duy trì sự giác ngộ về vô thường để có thể sống với vô thường trong mọi khoảnh khắc của đời sống. Hãy xem vô thường như một đối tượng để thực tập thiền về nó, nuôi dưỡng tri giác về nó. Chỉ khi được duy trì sự thấu hiểu, tu tập hàng ngày thì tri thức về vô thường sẽ trở thành một “chiếc chìa khóa” mở ra cánh cửa của chân lý thực tại.
Ngược lại, nếu chỉ giác ngộ về vô thường trong chốc lát rồi để đấy, không tiếp tục nhìn sâu, hiểu sâu hơn nữa thì trong cuộc sống ta sẽ dễ dàng quên mất vô thường, rồi lại tiếp tục nhìn mọi sự vật, sự việc thường hằng bất biến như ta chưa từng có nhận thức về vô thường. Đó là lý do vì sao nhiều cha mẹ, con cái đối xử với nhau như thể họ sẽ sống cùng nhau mãi mãi. Có nhiều khi trong cuộc sống ta quên mất hoặc không nghĩ tới việc chỉ vài năm nữa thôi, con cái sẽ lấy vợ lấy chồng và có gia đình riêng của chúng. Hoặc vài năm nữa thôi, ba mẹ già yếu bệnh tật cũng không thể mãi ở bên chúng ta. Nhưng trong hiện tại ta vẫn chưa biết trân quý thời gian được ở bên nhau, được nhìn thấy nhau và còn được yêu thương nhau. Và còn trong rất nhiều mối quan hệ khác nữa: vợ chồng, bạn bè, anh em họ hàng… Liệu rằng trong vài năm, vài chục năm nữa hay vài ngày, vài tuần nữa họ sẽ có còn ở bên cạnh ta?
Thực tập về vô thường vừa khó vừa dễ. Điều quan trọng là ta cần duy trì sự thực tập về nó hàng ngày, hàng giờ. Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay!
Tài liệu tham khảo:
- https://phatgiao.org.vn/vo-thuong-la-gi-d48973.html
- https://phatgiao.org.vn/su-doi-vo-thuong-ai-biet-ngay-sau-se-gap-ai-d45939.html
- https://vuonhoaphatgiao.com/phat-phap/giao-phap/vo-thuong-kho-vo-nga/hieu-cho-dung-nghia-vo-thuong-cua-dao-phat/
- https://thientruclam.info/ht-thich-thong-phuong/con-duong-giac-ngo/2the-gian-vo-thuong