Vô Ngã là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Vô Ngã là gì

Vô Ngã là một trong những yếu nghĩa mang tính nền tảng của Phật pháp. “Vô” nghĩa là không, “Ngã” có nghĩa là chủ lễ, là riêng có tự tướng của mình. Như thế Vô Ngã nghĩa là không có Tự Tướng.

Ngã là tên giặc cướp cầm đầu đám lâu la tham, sân, si. Bạn học Phật, muốn diệt trừ tam độc ắt phải hiểu rõ về tên đầu đảng gian ác này. Và pháp để hàng phục được nó có tên gọi là Vô Ngã!

Vô Ngã được chia làm hai thứ:

  1. Nhân vô ngã: Nghĩa bản chất của con người không có tự tướng. Nếu thấu suốt được nghĩa này thì phá trừ được si mê chấp ngã, đoạn được phiền não chướng.
  2. Pháp vô ngã: Nghĩa là bản chất các Pháp cũng không có tự tướng. Nếu thấu suốt được nghĩa này thì phá trừ được Pháp chấp, đoạn diệt được Sở tri chướng.

Người học Phật phá được ngã chấp và pháp chấp, là đoạn trừ được phiền não chướng và sở tri chướng. Khi ấy sẽ chứng được hai quả thù thắng là: Bồ đề và Niết bàn.

Pháp vô ngã lý rất sâu, chẳng lợi lạc cho người sơ cơ, nên nội trong bài chỉ nói về Nhân vô ngã. Xin trích dẫn bài giảng về Vô ngã rất hay và dễ hiểu của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa cho bạn đọc cùng tham khảo.

  • Vô thường là gì.
  • Quả báo tội bất hiếu.
  • Quả báo tội ngoại tình tà dâm
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm
  • Từ Bi là gì.
  • Chánh kiến là gì.
  • Sự hiểu lầm tai hại về Nhất tâm bất loạn.
Vô Ngã là gì
Vô Ngã là gì

Vô Ngã là gì

Thực ra hiểu một cách bình dân nhất thì Ngã chính là cái mà chúng ta thường gọi là “tôi”, là “ta”. Và lý Vô ngã nghĩa là vạn vật trên thế gian, từ bé như hạt bụi cho đến lớn như vũ trụ đều do nhân duyên hợp thành. Bởi vạn vật do nhân duyên mà hợp thành nên cái Ngã chỉ là hư giả hay nói đúng hơn vạn vật đều Vô ngã vậy!

Như con người chúng ta chẳng hạn: Nó được hình thành bởi nhân duyên của thần thức, nhóm họp với tinh cha huyết mẹ và Tứ đại mà thành. Một mai chết đi, tứ đại trở về với cát bụi, thần thức theo nghiệp luân hồi trong sáu nẻo. Như thế, cái “ngã” hay cái “tôi” là giả tạm, là không thật. Mà giả tạm và không thật, nếu không phải vô ngã thì gọi là gì?

*

” Người ta thường chấp các pháp đều có tự tướng của người, vật có tự tướng của vật; thế giới có tự tướng của quốc gia, xã hội có tự tướng của xã hội. Ðã chấp có tự tướng của mình, tất nhiên thấy có tự tướng của người khác. Ðối với tự tướng của một vật, hễ về mình thì không về người khác, còn về người khác thì không về mình. Do đó, sinh ra tâm niệm nhân, ngã, bỉ thử, quý trọng, khinh rẻ, tranh chấp, đấu tranh trong xã hội.

Song, xét ra cho kỹ thì các pháp nào phải thật có “tự tướng”. Nói về lục trần thì sắc đối với không, động đối với tịnh, sanh đối với diệt… nào có cái gì riêng một mình thật có tự tướng đâu! Trần đối với căn mà có hình tướng, căn đối với trần mà có tác dụng, ngoài trần không có căn, ngoài căn không có trần.

Như thế, thì biết tất cả các pháp, dù căn, dù trần cũng đều không có tự tướng. Trong kinh Lăng Nghiên có câu: “Nhân duyên hòa hợp, hư vọng hữu sanh, nhân duyên biệt ly, hư vọng hữu diệt”. Nghĩa là: Các nhân duyên nhóm họp thì giả dối có sanh; các nhân duyên chia rẽ, thì giả dối có hoại diệt. Vậy thì biết: Tất cả các pháp làm nhân duyên cho nhau, in tuồng là có, chứ không có tự tướng. Không có tự tướng, tức là “vô ngã”.

*

Ví như trong giấc chiêm bao, vì nhân duyên chiêm bao hiện ra thấy có cảnh nầy cảnh khác. Ðương khi ấy, người chiêm bao, cũng lầm tưởng là thật có. Đến khi thức dậy, mới nhận ra đó là cảnh giả dối trong chiêm bao.

Chúng ta cũng thế, vì mê lầm nên không nhận ra được sự giả dối của sự vật. Trong khi tâm duyên với cảnh, cảnh duyên với tâm, vạn pháp hiện ra giữa vũ trụ, chúng ta tưởng là thật có. Thật ra, các pháp đều không tự tướng, đều là “vô ngã”. Chúng ta không biết lý “pháp vô ngã”, cho nên ngoài bị hoàn cảnh kích thích, trong bị phiền não lay động, quay cuồng theo sự múa rối của giả cảnh.

Vì thế, tuy muốn tự tại mà chưa lúc nào chúng ta được tự tại. Muốn an vui mà chưa lúc nào được an vui. Muốn thường trụ mà vẫn phải trôi lăn trong vòng sanh tử. Nếu chúng ta chứng được pháp vô ngã rồi, thì một thể vô ngã trùm khắp cả pháp giới. Cảnh cũng vô ngã, tâm thức cũng vô ngã, thì còn cái chi mà ghét, mà thương, mà chịu sanh tử luân hồi nữa.

Pháp vô ngã là lối tu giải thoát rốt ráo. Nếu ai ai cũng biết tu hạnh vô ngã một đôi phần thì đâu có sự ích kỷ hại nhân; và cảnh tượng thế giới hòa bình đâu phải là điều không thể thực hiện được?

*

Hầu hết người đời đều tin rằng: Mỗi người từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến chết và cả sau khi chết nữa, đều có một linh hồn duy nhứt; nó bất biến làm chủ tất cả ý nghĩa, hành động của mình. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thì tin như thế gọi là “ngã chấp” – Nghĩa là tin có một ngã riêng biệt, tồn tại bất biến…

Từ cái ngã chấp ấy, mà sinh ra “ngã ái”, nghĩa là thương yêu, chăm sóc, gìn giữ cái ngã, bất chấp phải trái, hay dỡ; ngã mạn, nghĩa là ngạo mạn, cho “cái ta” của mình là cao quý, tốt đẹp hơn bao nhiêu “cái” khác, đối lập với tất cả những gì không phải là ta hay trái ý với ta.

Do sự chấp ngã ấy mà cuộc sống đáng lẽ phải rộng rãi vô biên, trường tồn bất diệt, lại bị ngăn cách chia xẻ, giam hãm trong những cái vỏ cứng là “cái ta” riêng biệt; và người đời, hay nói rộng hơn, tất cả chúng sinh đều phải sống, chết, quay cuồng, điêu cứng, khổ đau vì cái ta riêng biệt mà họ tưởng là thuần nhất, bất biến ấy. Nhưng thật ra, có một cái “Ta”(Ngã) như thế không? Nếu có, thì cái Ta ấy ở đâu? Trong sáu căn hay trong sáu trần, hay trong sáu thức?

Tại Sao Vạn Pháp đều Vô Ngã

Muốn hiểu rõ Vô ngã một cách tường tận, chúng ta phải quán Giới phân biệt là một trong Ngũ đình tâm quán. Quán Giới phân biệt: Giới có ý nghĩa là giới hạn, là phạm vi phân chia phần này với phần khác, bộ phận này với bộ phận khác. Chẳng hạn như trong vật chất người ta phân chia ra nhiều loại: loại màu sắc, loại âm thanh, loại mùi vị v.v… Hay trong con người, các bộ phận tiếp xúc với ngoại cảnh, như mắt, tai, mũi, lưỡi… là những giới riêng biệt.

Trong thế giới Ta Bà gồm những vật hữu hình và vô hình này, mặc dù có thiên hình vạn trạng, nhưng theo triết lý của đạo Phật, thì có thể chia ra làm mười tám giới (loại, phạm vi). Vận dụng trí tuệ để quan sát, nhận định từng phạm vi, từng giới một trong mười tám giới ấy, để xét xem thử có một cái ngã trường tồn bất biến, duy nhất hay không, đó tức là quán Giới phân biệt.

  • Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức là gì.(18 Giới)
1. Sáu căn là Vô Ngã

Trước tiên, chúng ta hãy xét bản chất của sáu căn là gì? Chính là một khối xương da máu thịt, hợp lại có trật tự, có tổ chức, chứ không gì khác. Mà đã là thịt da, xương máu thì không có gì là bền bỉ, thuần nhất. Từ “khi trắng răng đến thuở bạc đầu”, thử xem con người đã mấy lần thay đổi. Và sau một trăm năm, thử hỏi thể xác ấy sẽ còn lại gì, ngoài “nắm cỏ khâu xanh rì”?

Giả sử có một cái ngã ở sáu căn, thì thử hỏi:

– Nếu cái ngã ở nơi mắt, thì năm căn kia không phải là ngã. Nếu cái ngã ở nơi tai, thì năm căn kia không phải là ngã. Lần lượt xét cả sáu căn, chúng ta không thể nói được cái ngã ở một phần nào trong sáu căn.

– Nếu cho rằng sáu căn đều là ngã, thì thành ra con người có đến sáu cái ngã. Nói thế chắc không ai công nhận được.

– Còn nếu bảo rằng: Do sáu căn hòa hợp mà có cái ngã, thì với trái với định nghĩa về cái ngã, là thuận nhất, bất biến. Vả lại khi đã cho rằng cái ngã do nhiều thứ hợp lại, thì cũng phải công nhận luôn là cái ngã ấy là không thật, là giả hợp. Do đó, Duy thức học bảo “nhân vô ngã”.

2. Sáu trần là Vô Ngã

Trần với căn không khác gì mấy. Căn đã không tự tại trong cuộc sinh tồn, thì trần làm sao đứng vững; còn giả sử “ngã” nằm trong sắc, thì trên thế giới này phải không có sự đổi trắng, thay đen. Như hoa nở rồi tàn, hết ngày rồi đêm; bãi bể biến thành vườn dâu, cuộc đổi thay đã bày rành rành ra trước mắt.

Vậy “ngã” nằm trong thanh chăng? Cũng không có lý. Thanh không bao giờ tự nhiên mà có. Nếu có không do vật hữu tình phát ra, thì cũng do sự va chạm của những vật vô tình mà có. Như thế, thanh rõ ràng là một pháp hữu vi, có tạo tác. Mà đã là hữu vi, thì thế nào cũng vô thường.

Vả lại, vật sinh ra nó là sắc kia đã là vô ngã, vô thường, thì nó không thể nào thường, là ngã được. Cho đến hương, vị, xúc, pháp cũng đều là vô thường, vô ngã như sắc, thanh cả. Chúng chỉ như làn gió thoảng qua, như màn sương phảng phất; đã vô hình lại bất định, nên sự vô ngã của chúng lại càng rõ rệt hơn sắc, thanh nhiều.

3. Sáu thức là Vô Ngã

Như đoạn trên đã nói, thức là sự nhận biết do căn và trần đối nhau mà có. Ðiều ấy đã chứng minh rằng thức không thật có. Nói một cách đơn giản thì thức là do căn và trần đối nhau mà thành. Nhưng nếu chia chẽ một cách rốt ráo theo duy thức học, thì thức sở dĩ có được còn là nhờ nhiều nhâ duyên khác nữa. Chẳng hạn như nhãn thức, sanh khởi được là nhờ chín duyên sau đây:

– Không: là khoảng trống không, cách biệt giữa căn và cảnh vật.

– Minh: là ánh sáng soi chiếu bởi mặt trời, trăng, sao, hay đèn đóm.

– Căn: là chỗ nương tựa của thức.

– Cảnh: là các sự vật mà căn duyên được.

– Tác ý: là sự mong muốn được thấy.

– Phân biệt y: là chỗ nương để phân biệt, tức là ý thức, hay thức thứ sáu.

– Nhiễm tịnh y: là thức thứ bảy hay là tiềm thức.

– Căn bản y: là thức thứ tám.

– Chủng tử: bản năng sẽ được phát sinh.

*

Ðể có một ý niệm rõ ràng hơn về nhãn thức, chúng tôi xin giảng giải chín duyên trên ra như sau:

Khi mắt ta thấy một vật gì, nó phải ở cách vật ấy gần hay xa (không); khi thấy là ban ngày, hay ban đêm, có trăng, sao, hoặc pha đèn (minh). Sự thấy ấy dĩ nhiên là phải từ con mắt mà có (căn); và đồng thời, lúc đó phải có vật gì mới thành sự thấy (cảnh).

Trước lúc thấy, ta đã có ý muốn ngó rồi (tác ý). Tác ý đây lại do ý thức đã khởi động trước (phân biệt y). Ý thức lại phải nương thức thứ bảy, vì là căn của nó (nhiễm tịnh y). Thức thứ bảy lại luôn luôn và chấp thức thứ tám là ngã (căn bản y). Thức này lại là nơi dung chứa các thức chủng tử. Chủng tử là cái nhơn chánh để có ra sự vật.

*

Xét từ trong đến ngoài, từ duyên đầu đến duyên chót, nhãn thức đã không có mảy may gì là chơn thật cả. Các thứ kia như nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức cũng như vậy cả; nhưng ít duyên hơn, như nhĩ thức thì chỉ có tám duyên (vì không có Minh: nghe không cần có ánh sáng). Còn tỷ, thiệt và thân thức, thì chỉ bảy duyên (vì không cần có Minh và Không). Ý thức thì chỉ có năm duyên, là: căn, cảnh, tác ý, căn bản y, chủng tử.

Xem thế thì đủ rõ sáu thức đều là không thật, nghĩa là cũng vô ngã như sáu căn và sáu trần. Tóm lại, từ căn thân cho đến thế giới, gồm trong mười tám giới, đều không thật có, không thật ngã. Hành tướng do nhân duyên hòa hợp thì có, những thật thể thì hoàn toàn không.

 Vô Ngã Vô Ưu

Pháp quán giới phân biệt có công năng phá tan cái ngã không còn manh giáp. Cái ngã đã bị tấn công đủ mọi mặt, từ ngoài vào cho đến tận sào huyệt; và cuối cùng, bị phân tán, chia xẻ, phanh phui cho đến mảy mún.

Từ trước đến nay, cái ngã chấp sỡ dĩ hoành hành được là nhờ núp vào bóng tối của si mê. Từ nay phán quán giới phân biệt như là một ngọn đèn pha chiếu sáng cả vòm trời u tối; làm cho cái hình bóng giả dối là cái ngã cũng tan biến như mây khói. Ngã chấp đã không còn, thì ngã ái, ngã mạn cũng không biết nương tựa vào đâu để tồn tại.

Nói một cách khác, phiền não, ác nghiệp, khổ đau, do ngã chấp mà sanh. Nay ngã chấp đã bị diệt, thì phiền não khổ đau cũng sẽ hết. Phiền não, khổ hết thì an vui, tự tại tức thời hiện ra. Ðó là cái kết quả chắc chắn thật đầu tiên của pháp quán giới phân biệt. Rồi từ sự an vui, tự tại tương đối ấy, hành giả sẽ cố gắng tiến dần trên đường đạo.

*

Càng tiến, hành giả càng sáng suốt thêm, càng nhận rõ thêm chân lý. Hành giả sẽ dần dần chứng được các quả vị Tu đà hoàn… A La Hán. Nhưng hành giả cũng không dừng lại ở các quả vị ấy. Hành giả không cố chấp ở quả vị đã chứng được của mình; do đó sẽ giải thoát được tam giới, làm bực Thanh văn, Duyên giác.

Nếu hành giả cố gắng tu thêm, đến khi không còn chấp trước các pháp mình tu, mà chỉ coi đó như là ngón tay chỉ mặt trăng, như liều thuốc trị bệnh, chỉ cần trong lúc đau, nếu cố gắng tu được như thế, thì hành giả sẽ đến bực “Vô trí, vô đắc”, tức là chứng được đạo quả vô thượng Bồ đề.

Chúng ta đã thấy rõ công năng, diệu dụng và hiệu quả tốt đẹp của pháp giới phân biệt. Những thấy được, mặc dù đã là quý, mà làm được mới thật là quý hơn. Ở trên, chúng tôi đã hai ba lần nhấn mạnh ở những chữ “nếu cố gắng…”. Thật thế, nếu không cố gắng thì đâu sẽ hoàn đó; và cái ngã, mặc dù giả dối, vẫn còn tồn tại mãnh liệt và tác oai, tác quái như thường. Cái chấp ngã được tạo dựng và củng cố từ muôn ngàn kiếp; mỗi khi một ít, những lâu ngày trở thành rắn chắc; như những vỏ nghêu, vỏ ốc bám vào mõm đá.

*

Ngày nay chúng ta được may mắn đức Bổn sư chỉ bày pháp quán giới phân biệt, để cho chúng ta thấy được cái giả tướng của nó. Những đâu phải chỉ quán năm bảy lần, hay vài ba chục lần là thành tựu? Cái ngã được bồi đắp lâu đời lâu kiếp, thì công phu tu luyện để phá trừ nó cũng cần phải nhiều thời gian, qua nhiều giai đoạn.

Lý trí có thể chấp nhận dễ dàng không có thật ngã, nhưng tình cảm đâu có chấp nhận dễ dàng như thế? Từ trước đến nay ta đang tin tưởng quý chuộng, cưng dưỡng cái ngã; bỗng hôm nay có người bảo rằng nó không có, nó không thật; thì thế nào tình cảm cũng nổi dậy phản dối, bịt tai không muốn nghe, bịt mắt không muốn thấy. Ta phải cần nhiều kiên nhẫn lắm, may ra mới thuyết phục được tình cảm.

Nhưng trận giặc chiến đấu với cái ngã, đến giai đoạn này, đâu phải đã chấm dứt! Cái ngã chưa đầu hàng mà lui vào sào huyệt sâu kín nhất, vào “mật khu” nguy hiểm nhất là tiềm thức hay nói theo danh từ Duy thức học là thức thứ bảy.

*

Sự chấp ngã ở đây có một hình thức toàn diện, vô cùng bén nhậy. Như trong mật khu của mỗi người dân, từ trẻ đến già, từ đàn ông, đàn bà đến con nít, là một chiến sĩ; và khoảng đất, mỗi lùm cây mỗi cành lá là một cạm bẫy, làm trở ngại rất lớn cho sự chiến đấu chống cái ngã.

Sự chấp ngã của tiền thức hay vô thức diễn ra trong mỗi cử chỉ mỗi hành động: Trong thức cũng như trong khi ngủ, trong khi lành mạnh cũng như trong khi mê sảng; trong khi sống cũng như trong khi chết (theo thần thức và đi đầu thai).

Lực lượng của địch (chấp ngã) mạnh mẽ và hùng hậu như thế đấy. Chúng ta cần phải hiểu rõ trước khi chiến đấu. Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng. Chúng ta không bao giờ được phép khinh địch. Phải chuẩn bị đầy đủ trước khi chiến đấu. Và trong khi chiến đấu phải quyết tâm và kiên nhẫn.

Với hai điều kiện căn bản ấy, chắc chắn hành giả sẽ thành công trong cuộc chiến đấu, dẹp tan cái ngã tên giặc nguy hiểm nhất trong mỗi chúng ta, và cầm đầu các tên giặc khác là: tham, sân, si. Trừ được tên đầu đảng này là hành giả đã hoàn toàn thành công trong trận giặc chống phiền não, khổ đau và bắt đầu bước lên đài giải thoát.”

(Vô Ngã là gì – Theo Hòa Thượng Thích Thiện Hoa)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Nhất Thiết Duy Tâm Tạo là gì

15 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog