Vô Minh trong Phật giáo là như thế nào
Pháp Giới 12 tháng trước

Vô Minh trong Phật giáo là như thế nào

Tánh linh của hết thảy chúng sanh nguyên lai đều trong sáng, bởi một niệm vô minh khởi lên mà lọt vào sanh tử luân hồi. Vô minh trong Phật giáo là một khái niệm rất phổ biến, nhưng bởi nó sâu rộng và chẳng có hình tướng nên vô cùng khó hiểu. Nó là đầu mối khởi ra sanh tử luân hồi và là cửa ải cuối cùng cần phải phá để viên thành Phật đạo.

Bởi vậy nên chư Tổ đều dạy: “Ngoài đức Phật ra, từ Đẳng Giác Bồ tát trở xuống đến Bích Chi Phật, A la hán, đều còn vô minh.” Triệt Ngộ Đại Sư cũng bảo: “Từ bậc Thất Địa Bồ Tát trở về trước, đều tu hành ở trong mộng. Đến như đối với mộng lớn vô minh, thì bậc Đẳng Giác vẫn còn say ngủ. Duy riêng chư Phật mới có thể tôn xưng Đại Giác, là những bậc hoàn toàn thức tỉnh mà thôi.”

  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm
  • Từ Bi là gì.
  • Chánh kiến là gì.
  • Đại lược về Nhân quả
  • Đại lược về luân hồi
  • Lục căn, lục trần và lục thức.
  • Sự hiểu lầm tai hại về Nhất tâm bất loạn.
Vô Minh trong Phật giáo là như thế nào
Vô minh trong Phật giáo

Vô Minh trong Phật giáo là gì

Vô minh bao hàm vô lượng nghĩa, nhưng hiểu một cách đơn giản nhất thì: Vô là không, minh là sáng. Như thế, Vô minh nghĩa là không sáng, là tối tăm, mê mờ và si mê.

Định nghĩa sâu hơn thì có hai cách giải thích:

  1. Không tỏ ngộ chân tâm gọi là vô minh. Cách này rất phổ biến trong nhà Thiền.
  2. Hiểu biết các pháp không đúng như thật (hiểu sai lầm), nên gọi là vô minh”, ví như: Vô ngã mà chấp thật ngã, vô pháp mà chấp thật pháp v.v…

Vô minh lại phân ra hai loại: Căn bản vô minh và Chi mạt vô minh. Như trong mười hai nhân duyên, cái “Vô minh” đầu là căn bản, vì nó là gốc sanh ra các vô minh sau. Còn “ái, thủ, hữu” là chi mạt vô minh. Trong tứ hoặc, thì kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc là chi mạt vô minh; Còn vô minh hoặc là căn bản vô minh. Trong ngũ trụ địa, thì kiến nhất xứ trụ địa, dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa và hữu ái trụ địa là chi mạt vô minh. Còn vô minh trụ địa là căn bản vô minh.

Nói chung lại, tất cả phiền não, hoặc thô, hoặc tế, có tánh cách làm cho chân tâm bị ẩn, gương trí tuệ lu mờ thì gọi là vô minh.

Giảng giải về Vô minh trong Phật giáo 

Vô minh trong Phật giáo hàm nghĩa sâu rộng và khó hiểu. Hai từ nầy nếu bậc Chứng đạo giảng cho chúng ta thấu được e phải tính bằng năm chớ không phải bằng tháng. Vì sao lại nói thế? Bởi năm xưa Ngài Trí Giả Đại Sư giảng có một chữ Diệu mà hơn 90 ngày mới xong. Hàng Phật tử sơ cơ bọn ta nắm chút nghĩa căn bản bên ngoài cũng tốt rồi. Nếu muốn đào sâu hơn, duy có bậc Thượng Thượng Căn mới kham nổi!

Về chủ đề này, Hòa Thượng Trí Tịnh có bài giảng khá dễ hiểu về vô minh, nay xin trích đăng lên cho bạn đọc cùng tham khảo:

Vô Minh là căn bản của Phiền não

“…Vô minh chính là căn bản của phiền não. Nó chính là  phần chủ chốt và chỗ dựa của phiền não. Không có cái gì tự nhiên mà có, phải có từ đâu. Phiền não cũng vậy, trong kinh nói nó có từ vô minh bất giác.

Chúng ta ai cũng có tánh thể, thường gọi là tâm hay tâm tánh. Bổn lai của tánh thể là gì? Phàm phu chúng ta không ai biết được điều này, nên gọi là bất giác, là vô minh. Vô minh là không sáng biết, bất giác là không biết. Chính cái không biết tánh thể sẵn có của mình, không biết được cái có của mình là đầu mối sanh ra tất cả phiền não. Từ phiền não đó sanh ra cái nghiệp hữu lậu, nghiệp vô lậu để kết thành nguyên nhân của tất cả cái lành dữ, mà có ra quả báo khổ vui.

Hay nói theo chiều ngược lại thì tất cả quả báo do nghiệp nhân, nghiệp nhân do đầu mối phiền não mà phiền não dựa trên vô minh bất giác. Nói về vô minh bất giác, trong kinh luận phân ra rất phức tạp. Vì phức tạp nên phân chia các bực Bồ tát, từ sơ phát tâm Bồ tát, rồi thập Tín, thập Trụ, thập Hạnh, thập Hồi hướng, thập Địa cho đến Đẳng giác, Diệu giác thành Phật. Để dứt trừ vô minh bất giác, nghĩa là không nhận biết được tâm tánh bổn lai sẵn có của mình, phải tu tập từ bực như vậy, không đơn giản.

*

Gộp chung lại, từ vô minh đến tư hoặc, câu sanh phiền não, kiến hoặc, phân biệt phiền não, tất cả như vậy vô cùng vô tận. Do đó mới nói phiền não vô tận. Phiền não vô tận như vậy, nhưng Bồ tát cũng quyết dứt trừ cho hết. Phiền não vô cùng vô tận mà không phát thệ nguyện, nhất định là không làm tới nơi tới chốn được. Phải nhờ thệ nguyện làm nền tảng, chỗ dựa vững vàng để không bị thối lui.

Dứt trừ phiền não không dễ dàng, nếu không có đại nguyện, đại lực thì không thể dứt trừ được nó. Hoặc có dứt trừ chăng nữa thì đến phần nào mệt mỏi rồi dừng lại ở đó, không dứt trừ sạch được. Muốn dứt trừ sạch phiền não, phải có chỗ đứng thật vững, đó là đại thệ nguyện. Cho nên thệ nguyện rộng lớn thứ hai của Bồ tát là dứt trừ phiền não, dù nó có vô tận vô biên.

Vô Minh Bất Giác

Tôi xin nhắc sơ qua về vô minh bất giác để hiểu dễ hơn. Khi đọc luận Khởi Tín phân chia rõ như thế này. Từ nơi bất giác mới có vọng động. Bất giác là chẳng thấy biết tâm tánh bổn lai của mình. Đừng nghĩ là vô lượng kiếp trước hay lúc nào, mà ngay hiện tại, rõ ràng là mình không thấy biết nó khởi lên cái vọng động.

Vọng động có phần năng và phần sở. Có vọng động thì có đối tượng. Có đối tượng thì có bên đây, bên kia là phần năng, phần sở. Từ phần năng, phần sở, mới có sự phân biệt nối tiếp không ngừng. Nếu cái phân biệt đó không nối tiếp chẳng ngừng thì mình dễ dàng trở lại cái tánh bổn lai của mình. Vì có sự nối tiếp không ngừng đó mới có sự nắm lấy. Do nắm lấy sanh ra hành động. Có hành động thì có kết quả của nó là quả khổ.

Nếu từ hành động tính ngược lại về trước, thì đó là cái nghiệp. Nắm lấy là chấp thủ, tức chấp ngã câu sanh hay chấp ngã phân biệt. Trong sự nấm lấy có sự nối nhau không dứt, gọi là tương tục. Cái nối mãi không ngừng là do phân biệt, trong luận gọi là trí. Tại sao gọi là trí? Vì nó đứng trước cái nốì luôn, nắm lấy cùng với hành động. Nếu nó đứng dưới cái nối luôn, nắm lấy hành động thì nó là sai lầm, gọi là thức, không gọi là trí nữa.

*

Phần trên đã nói cái trí do năng sở mà có và năng sở thì từ vọng động mới có. Vọng động từ nơi bất giác là chẳng thấy biết tâm tánh bổn lai của mình. Thiền tông đi tắt, nhất quyết thấy được tâm tánh mà thôi. Cái đầu mối mà được thì các cái dưới mất hết, cái đầu mối mất thì các cái dưới không có giá trị gì nữa. Do đó người ta gọi là đi tắt. Nhưng làm sao mình tâm kiến tánh?

Nó rõ ràng vậy đó, nhưng các huynh đệ đừng nghe vậy mà ham, phải ghi nhớ là hàng đại căn đại trí mới có thể chỉ trong một đời này mà mình tâm kiến tánh được. Còn người tầm thường không hiểu tới nơi tới chốn, rồi khởi sanh phiền não, khởi nghiệp tạo tội, thiện ác phải lẩn quẩn trong sanh tử luân hồi mãi mà thôi. Không phải dễ dàng được đâu, vì thứ bực đi quá xa như vậy.

Từ tư hoặc, kiến hoặc là từ chỗ nào? Từ chỗ phân biệt, đến nối tiếp, đến nắm lấy, mới hành động, dẫn đến kết quả. Kiến hoặc, tư hoặc nằm ở chỗ nắm lấy. Và phần đầu mối là vọng tưởng bất giác là phần vô minh hoặc. Phân rõ như vậy rồi, mình nhất quyết tu, vì bổn tâm của mình, đâu phải của ai mà tự nơi chính mình. Điểm đầu tiên rõ ràng đơn giản lắm là mình có tánh thể, tạm thời dùng ngôn ngữ như vậy để phân tích.

*

Tánh thể đó là bổn tâm, bổn tánh của mình mà mình không nhận biết được, không thấy được của mình. Nếu cố gắng mình có thể thấy, vì bổn tâm đó là cái sẵn có của chính mình. Muốn thấy bổn tâm của mình, như trong kinh Lăng Nghiêm Phật nói rằng mở gút, có nhiều gút quá rồi thì mình phải lần lần gỡ mà thôi. Phật thí dụ có 9 gút, nếu huynh đệ nghiệm ra sẽ thấy đúng vậy.

Từ bất giác, không biết sanh ra vọng động, có năng sở, có phân biệt, có nối luôn, rồi có nắm lấy (chia ra câu sanh và phân biệt). Do nắm lấy mà có hành động, do hành động mà có kết quả. Như vậy có phải là 9 gút không? Sợi đây cột 9 lần, không thể mở gút thứ nhất ở trong được, phải mở gút thứ 9 ở chót đây trước. Mở được gút thứ 9, rồi thứ 8, rồi thứ 7…, rõ ràng vậy.

Do đó, biết quả khổ của mình, rồi nhàm chán; đó là mình cố gắng mở gút thứ 9. Rồi lần qua gút thứ 8, mình ngăn nghiệp, không cho xảy ra, rồi tới phần thứ 7 là kiến hoặc trừ đi, rồi thứ 6 là tư hoặc phải dứt bỏ. Gỡ lần lần cho đến gút thứ nhất cũng được mở tung thì bất giác không còn nữa; lúc đó là đại giác ngộ, thành Phật.

*

Rõ ràng như vậy. Phật nói pháp vì mình, vì chúng sanh. Phật dùng Phật nhãn thấy rõ tất cả mọi chúng sanh đều có khả năng thành Phật như Ngài, chỉ tại mình không cố gắng mà thôi. Vì ai cũng có bản tánh đó cả, có thể được như vậy cả, nên đại chúng phải hết sức cố gắng siêng tu. Muốn ngăn nghiệp quả thì giới hạnh làm đầu, rồi tu tập pháp môn, phải niệm Phật, phải tham thiền, để mình trừ phân biệt, kiến hoặc, tư hoặc.

Phải có định huệ mới trừ được, lần lần tuần tự lên. Từ phàm phu tới Thánh không phải dễ dàng được, mà không chịu từ khởi điểm này để tu để bước tới thì vẫn đứng lại hay sụt lùi mà thôi. Nếu không có bước đầu tiên, thì làm sao có bước cuối cùng; huống nữa là từ phàm bước lên bực hiền thánh, mỗi từng bực như vậy đều có cảnh giới mình hưởng thụ cả.

*

Vì vậy, đừng nghĩ rằng thành Phật thì lâu xa, khó khăn. Nếu chưa thành Phật, mà rời được phần nào phàm phu sanh tử của mình thì cảnh giới cũng là phi phàm, phi thường lắm, vì nó trên phàm phu này. Nhưng cần nhứt là đừng tham đắm, trụ lại, cứ đi mãi đi mãi, không ham dừng lại. Chúng sanh trong sanh tử luân hồi có thân là chánh báo, cảnh là y báo; mà thân và cảnh đều khổ, nó ở trong vòng vô thường. Vô thường là có sanh có diệt. Cảnh có đó rồi mất đó, thay đổi luôn. Thân cũng vậy, có rồi mất, ở trong vòng lẩn quẩn mà thay đổi sanh diệt như vậy. Vì vô thường, thay đổi, có sanh có tử, có rồi mất, từ đó gây ra cái khổ.

Lộ trình Phá Kiến Hoặc, Tư Hoặc đến Vô Minh

Kiến hoặc là cái lầm thuộc về mê lý, do vọng chấp (chấp sai) phân biệt của ý thức sanh ra. Kiến hoặc phiền não chia ra 88 thứ. Kiến hoặc phiền não này do nơi đâu? Do vì không thấy được tánh lý chân thật mà có quan niệm sai lầm (quan niệm sai lầm có 88 thứ). Như vậy, nếu thấy tánh lý chân thật thì 88 thứ ấy sẽ mất. Vì vậy, hoặc phiền não này do thấy tánh lý chân thật mà mất.

Thấy là kiến, nói tắt là kiến; nói cho đủ là thấy tánh lý chân thật, trong kinh gọi là đế (đế nghĩa là chân thật). Nhờ thấy được tánh lý chân thật, nên các phiền não này mất, gọi là kiến sở đoạn hoặc. Khi dứt được kiến sở đoạn hoặc thì mới có thể đụng chạm đến những món hoặc khác sâu hơn thường được gọi là tư hoặc hay tu hoặc.

Nhờ sự suy tư tu tập dày công theo pháp môn Phật dạy mới có thể dứt các phiền não này; chứ không phải đơn giản như trên là thấy tánh lý chân thật. Các thứ phiền não này do tư duy tu tập mà dứt, nên gọi là tư sở đoạn hoặc (tư là tư duy tu tập). Trong các phiền não do tư duy tu tập dứt được, có loại ở dục giới, gọi là dục giới tư hoặc; có loại do sắc giới tư hoặc mà dứt, nghĩa là phải trụ ở thiền định sắc giới mới dứt, không phải do tán tâm này mà trừ được nó.

Phá Tư Hoặc ở đâu

Tư hoặc nằm ở các vị có báo thân ở cõi Sắc, gọi là tứ thiền. Có những tư hoặc của những vị có báo thân ở cõi Vô sắc thì phải tu tập từ định vô sắc là pháp của Phật mới dứt được nó ở cõi Vô sắc. Có 3 loại tư hoặc: tư hoặc ở cõi Dục, tư hoặc thuộc cõi Sắc và tư hoặc ở cõi Vô sắc; cộng với kiến hoặc là 4 loại. Chủ chốt nhất Phật nói là vô minh hoặc, cái hoặc phiền não mà tên nó là vô minh.

Đến đây phải tu quán hạnh của các đại Bồ tát, tuần tự mới dứt được nó; phàm phu sanh tử hay nhị thừa không thể động đến nó được. Như vậy, phải đi suốt qua quan ải kiến hoặc và 3 quan ải khó khăn nữa của tư hoặc, mới động đến phần vô minh hoặc này.

Nếu kiến tư hoặc còn nguyên, không lay động được, là còn phàm phu thì làm sao dụng đến vô minh hoặc này được. Phải là Bồ tát đại thừa, tức đại Bồ tát mới đối trị được vô minh hoặc. Theo kinh nói, vô minh hoặc có nhiều phẩm, nhiều từng. Hễ dứt được một từng thì đó là một bực của Bồ tát.

Các tầng bậc Bồ Tát

Như trong kinh Lăng Nghiêm Phật phân tích rõ từng bực của Bồ tát và mỗi từng bậc thì cảnh giới tu tập như thế nào. Với bực Bồ tát Càn huệ địa, rồi bước lên là các bực Bồ tát là: 10 bực Tín, 10 bực Trụ, 10 bực Hạnh, 10 bực Hồi hướng. Rồi lướt qua 4 bực gia hạnh với 10 bực Địa, gọi là Thập Địa Bồ tát; và cuối cùng là bực Đẳng giác Bồ tát. Qua bực này mới là Phật hoàn toàn.

Qua mỗi từng như vậy, phải dứt được một tầng vô minh, cả vấn đề lớn, không phải thường. Cho nên khi vào bực Đại thừa Bồ tát rồi, không phải phàm phu như mình, thời gian không kể được.

Từ bực Bồ tát đến Phật, phải trải qua a tăng kỳ kiếp, không phải thời gian tầm thường như mình. A tăng kỳ là vô số. Nói vô số vậy, nhưng thực nó có con số. Quý vị chịu khó mở phẩm A tăng kỳ của kinh Hoa Nghiêm, ta thấy rõ hơn con số a tăng kỳ bao nhiêu vạn… na do tha… rồi đến a tăng kỳ.

*

Theo Phật nói năm tháng thế gian của mình, cứ lấy 100 năm làm 1 tuổi thọ của con người để lượng định con số. Lấy số 84.000 là tuổi thọ cao nhất của loài người. Cứ 100 năm giảm 1 tuổi; giảm lần đến còn 10 tuổi thọ, gọi là kiếp giảm. Từ 10 tuổi thọ tăng lên 100 năm thì thêm 1 tuổi thọ lên đến 84.000 tuổi thọ, gọi là kiếp tăng.

Một giảm, một tăng là 1 tiểu kiếp. 20 lần tiểu kiếp là 1 trung kiếp. 4 lần trung kiếp là 1 đại kiếp. Đại kiếp là 80 lần giảm, 80 lần tăng. Nếu trong kinh nói tắt là “kiếp” thì đó phải là đại kiếp; nếu nói”trung”là trung kiếp; nói”tiểu”là tiểu kiếp. Phàm phu mà vào được Bồ tát vị là việc không đơn giản.

Như mình đây, biết chừng nào vào được Bồ tát vị. Từ Bồ tát vị cho đến Phật, tính bằng A tăng kỳ kiếp, không phải tính bằng số thường. Từ vô minh hoặc phải trải qua thời gian tính bằng A tăng kỳ. Nếu trong kinh nói vị nào vượt thời gian để thành Phật, thì không phải vị đó thành liền, không cần mất thời gian.

*

Nói như vậy là không đề cập đến thời gian tu tập, mà chỉ nói thời gian thành công thôi. Nói tốn ít thời gian nhằm sách tấn người tu không bị chán ngán, vì thấy thời gian lâu dài quá; thực ra phải tuần tự tu như vậy. Nếu vượt thời gian thì làm sao có 57 bực như kinh Lăng Nghiêm nói.

Qua mỗi từng bực phải dứt cái gì, thành công cái gì, được tam muội gì, được Đà la ni nào, phát được trí huệ thế nào, rồi mới dứt được phần vô minh nào, lên bực Bồ tát nào, mà tới 57 bực Bồ tát như vậy. Không phải bực cầu thang của mình mà bước đi liền liền được!

*

Lên một bực được bao lâu rồi, rèn luyện thế nào rồi, thành công thế nào; rồi bước lên nữa đến năm mươi mấy bực vào Bồ tát địa thì có Càn Huệ địa; 10 Tín, 10 Trụ, 10 Hạ­, 10 Hồi hướng, 4 Gia hạnh, 10 Địa, Đẳng giác, Phật. Tất cả là 57 bực. Quý vị thấy thời gian như thế nào, không phải xa như vậy rồi chán ngán. Được Càn huệ địa Bồ tát là quý lắm rồi.

Như Ngài Thiên Thai Trí Giả là vị Tổ Pháp Hoa tông. Khi ngài sắp lâm chung, Ngài nói: Đáng lẽ tôi vào vị Thập tín. Nhưng vì tôi lãnh đạo chúng sớm quá, làm lợi cho người mà mình bị thiệt. Vì lãnh đạo chúng thì công phu tu tập thiền định phải gián đoạn; lo lắng mọi việc, tạo tượng, làm chùa này, chùa kia, đủ thứ hết; rồi lo điều hòa chúng như thế nào…nên tôi chỉ đến bậc Càn huệ địa mà thôi.

Kinh Pháp Hoa nói ở bực Càn huệ địa thì lục căn thanh tịnh, từ đó lên bực Sơ tín. Càn huệ địa hiện thân Phật ở 100 thế giới không có Phật, cũng hiện 8 tướng thành đạo và thuyết pháp như Phật…”

(Theo Thích Trí Tịnh Toàn Tập) 

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Thiền định là gì

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog