Không ít thi hài của các vị cao tăng khi hỏa táng để lại những hạt nhỏ với nhiều hình dáng độc đáo. Chúng được gọi là hạt xá lợi Phật và có rất nhiều điều bí ẩn xoay quanh những hạt này.
Xá lợi Phật là gì?
Xá lợi Phật hay xá lị, là tên gọi được phiên âm theo tiếng Phạn (sarina). Chúng là những hạt nhỏ có dạng tròn trông giống như hạt ngọc trai hay pha lê. Những hạt xá lị này được hình thành sau khi thi thể được hỏa táng, chủ yếu thường gặp đối với thi hài của các vị cao tăng Phật giáo.
Trong cuốn kinh Đại Bát Niết Bàn thì hạt Xá lợi Phật của Đức Phật còn được gọi là dhātu. Những hạt xá lị sau khi được phát hiện sẽ được lưu giữ với mục đích để tỏa ra phước lành hay sự ân sủng. Đây có thể coi là một kiểu sùng tín trong tâm trí của những người có liên hệ với người đã khuất. Hạt Xá lợi Phật cũng được tin rằng là có khả năng xua đuổi tà ma quỷ dữ theo truyền thuyết Phật giáo Himalaya.
Nguyên nhân hình thành các hạt Xá lợi Phật
Hiện nay khoa học vẫn chưa thể lý giải được chính xác nguyên nhân hình thành nên các hạt Xá lợi Phật. Những giả thuyết về sự hình thành có thể kể đến bao gồm như:
1. Nguyên nhân hình thành Xá lợi Phật theo quan điểm đạo Phật
Theo quan điểm tâm linh của đạo Phật thì cho rằng, Xá lợi Phật được tạo ra là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện vất vả của quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện, đặc biệt là các cao tăng.
Ngoài ra đạo Phật còn có một giả thuyết khác hợp lý hơn. Xá lợi Phật được tạo ra nhờ sự tôi luyện dẫn dắt chân khí qua quá trình ngồi thiền. Các cao tăng tu luyện nhập thiền đến mức hoàn hảo có thể dẫn dắt chân khí đi một cách đều đặn, luân chuyển khắp cơ thể, từ đó có thể tạo ra các xá lị. Vậy nên không nhất thiết phải là các cao tăng mới có thể tạo ra các hạt Xá lợi Phật mà chỉ cần người bình thường nhưng có sự tập luyện thiền đến mức độ cao siêu cũng có thể đạt được.
2. Nguyên nhân hình thành Xá lợi Phật theo góc nhìn khoa học
Một số nhà khoa học cho rằng, có thể hạt Xá lợi Phật được hình thành là do một hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật,… Giả thuyết này được xem là thiếu hợp lý nhất, bởi các viên sỏi thận, sỏi mật không hề có hình dạng tròn đều và màu sắc lấp lánh như nhiều viên xá lị khác có được. Mặt khác, các chứng bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang có nhiều người mắc phải thế nhưng thi hài của họ khi hỏa táng lại không hề có Xá lợi Phật, ngược lại nhiều cao tăng Phật giáo đến khi viên tịch vẫn không hề mắc các chứng bệnh trên, thế nhưng thi hài của họ lại có các hạt xá lị.
Bên cạnh đó, theo ba nhà vật lý nổi tiếng thế giới là Holden, Phakey và Clement thuộc đại học Monash, Melbourne, Úc đăng trên tạp chí Khoa học pháp y quốc tế số tháng 6/1995, họ công bố kết quả nghiên cứu rằng trong quá trình tinh thể hóa xương do hỏa táng, các tinh thể hình dạng khác nhau sẽ được hình thành nếu quá trình hỏa táng ở nhiệt độ thích hợp.
Từ đó các nhà vật lý học đã theo dõi quá trình tinh thể hóa xương đùi của những người từ 1 tới 97 tuổi trong dải nhiệt độ 200 – 1.600 độ C trong khoảng thời gian 2, 12, 18 và 24 giờ. Kết quả là sự tinh thể hóa các khoáng trong xương bắt đầu xuất hiện từ nhiệt độ 600 độ C với nhiều hình dạng khác nhau như hình cầu, lục giác, hạt nhỏ và hình dạng không đều khác. Các hạt nhỏ đó có thể kết tinh thành các khối lớn hơn trong khoảng 1.000 – 1.400 độ C. Khi nhiệt độ đạt tới 1.600 độ C, các khối tinh thể bắt đầu tan chảy. Như vậy, nếu điều kiện hỏa táng thích hợp, các hạt Xá lợi Phật có thể xuất hiện do quá trình tinh thể hóa các khoáng chất vốn có rất nhiều trong xương người.
3. Một số nguyên nhân khác
Các nhà sư do thói quen ăn chay, họ đã thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng. Từ đó quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn rất dễ tạo ra các muối photphat và cacbonat. Những tinh thể muối này sẽ được tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng sẽ biến thành các hạt Xá lợi Phật. Tuy nhiên, giả thuyết này có phần không hợp lý cho lắm vì có rất nhiều người ăn chay trên thế giới dù không theo đạo Phật, hoặc nhiều Phật tử cũng ăn chay thế nhưng thi hài của họ lại không hề có các hạt Xá lị như các cao tăng Phật giáo.
Tác dụng của Xá lợi Phật theo góc nhìn của Phật giáo
Trong kinh Kim Quang Minh có ghi: “Xá lợi Phật là vật được huân tu bởi giới, định, tuệ cho nên rất khó mà có được, chúng là phước điền tối thượng”. Nếu những ai có nhân duyên và có công đức tu hành tốt đẹp thì sẽ được gặp xá lị. Đặc biệt nếu ai tôn thờ xá lị một cách thành tâm thì chúng sẽ lớn dần và tự sản sinh ra nhiều viên khác trong cơ thể.
Sự tín ngưỡng và tôn thờ xá lị cũng là cách mà người tu hành dùng tấm lòng đại bi, minh triết của Phật giáo để soi chiếu lại bản thân mình. Việc này giúp cho người tu hành có thể thăng tiến trên con đường tu tập, có người tôn thờ Xá lợi Phật, tín ngưỡng của chúng như tôn thờ Đức Phật sanh tiền, thế nên họ rất tinh tấn tu hành và thêm phần phước huệ rất cao lớn.
Nhờ đó, việc tôn thờ Xá lợi Phật sẽ làm cho thân tâm nhẹ nhàng thanh tịnh, phước huệ trang nghiêm, thọ mạng miên trường, gia đình được vô lượng an lạc. Tâm an ổn, trong sáng thì mọi việc sẽ trở nên hanh thông, đạo nghiệp thuận lợi. Đó là phước đức vô lượng mà người tu hành có thể đạt được.
Những Xá lợi Phật xuất hiện trong lịch sử Việt Nam
Xá lợi Phật cũng được ghi chép trong lịch sử Việt Nam khi xưa. Theo quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, đệ tử là Pháp Loa tuyên bố “thiêu được hơn ba ngàn hạt xá lị mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư.” Theo Thánh đăng ngữ lục và Tam tổ thực lục, xá lị của Điều ngự được Trần Anh Tông chia làm ba phần, tôn trí vào ba nơi: lăng Quy Đức (phủ Long Hưng), bảo tháp Huệ Quang tại chùa Hoa Yên (Yên Tử) và chùa Phổ Minh (Thiên Trường).
Ngô Sĩ Liên đã giải thích về các hạt Xá lợi Phật trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển II thời Lý Thái Tông như sau: “Thuyết nhà Phật gọi xá lị là tinh túy do tinh khí tụ lại, khi đốt xác, lửa không đốt cháy được cho nên gọi là bảo. Tương truyền người nào học Phật thành thì thân hóa như thế. Có lẽ vì sự đoạn tuyệt tình dục thì tinh khí kết lại thành ra như thế ấy. Người đời không thường thấy, cho là lạ, có biết đâu là tinh khí dương tụ lại mà thành thôi.” Do đó, Ngô Sĩ Liên cho rằng Xá lợi Phật được tạo nên là do việc kiêng tình dục ở các vị cao tăng, tuy nhiên cách giải thích này ngày nay được cho là không hợp lý, bởi nếu đúng như vậy thì lẽ ra các thái giám cũng phải có xá lị vì họ không thể quan hệ tình dục được.
Hiện nay tại nhiều nơi ở Việt Nam còn lưu giữ toàn thân xá lợi (nhục thân không bị hủy hoại) của các vị cao tăng, có thể kể đến như chùa Đậu có toàn thân xá lợi của 2 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, chùa Tiêu có toàn thân xá lợi của thiền sư Như Trí,…
Năm 1963, để chống lại chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Mỹ Diệm, hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu. Thi hài của ông được hỏa táng sau đó, nhưng trái tim của ông không hề bị thiêu cháy mà vẫn còn mềm, nóng, rồi mới nguội dần và cứng lại, biến thành một viên Xá lợi Phật vô cùng lớn, màu nâu thẫm. Khoảng 100 đệ tử có mặt trong lễ hỏa táng đã tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó. Đây cũng là một hiện tượng kỳ lạ mà đến nay chưa ai giải thích được. “Trái tim xá lợi” của ông đã được thỉnh về chùa Xá Lợi rồi mang sang chùa Việt Nam Quốc Tự để bảo vệ, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.