Vì sao chúng ta trôi lăn trong nhân quả luân hồi
Pháp Giới 5 tháng trước

Vì sao chúng ta trôi lăn trong nhân quả luân hồi

Nhân quả luân hồi là gì? Con người từ đâu sanh ra? Chết rồi đi về đâu? Tại sao giữa đời lại có những kẻ giàu, nghèo, sang, hèn, đẹp, xấu, trí, ngu sai biệt? Tại sao có người hiền lành mà thường gặp việc khổ sở không may, kẻ hung ác lại được an vui phát đạt? Mối nghi nan này nếu không có lý thuyết về nhân quả luân hồi thì vô phương giải đáp.

Chúng ta sanh ra rồi chết đi, hết kiếp này qua kiếp khác luân chuyển trong vòng lục đạo luân hồi. Điểm chính yếu của thuyết nhân quả luân hồi là chỉ rõ nguyên nhân xoay vần của chúng sanh trong sáu nẻo và phương cách để thoát khỏi sự chi phối của luân hồi, ra khỏi vòng sanh tử. 

  • Hội Long Hoa là gì.
  • Thiên Ma là loại ma gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Âm đức là gì.
  • Sáu nẻo luân hồi.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
Vì sao chúng ta trôi lăn trong nhân quả luân hồi
Nhân quả luân hồi là gì
 

Nhân quả luân hồi là gì

Nhân quả và luân hồi là hai sự kiện tương quan. Chúng ta có nghiệp trái của nhân quả thiện ác nên mới bị luân hồi. Nếu không có nghiệp tất đã chứng quả Thánh, không còn bị chi phối bởi sanh tử. Và sự luân hồi khổ vui trong sáu nẻo, đều do ảnh hưởng tốt xấu của nhân quả thiện ác.

  • Về nhân quả, có thể gồm chung trong ba nghiệp, chung một nơi phát sanh từ: Thân, khẩu, ý. Nhân nào quả ấy, trạng thái vô cùng!
  • Còn luân hồi là sự xoay vần quanh sáu nẻo: Trời, Người, A Tu La, Ngạ quỷ, Súc sanh và Địa ngục. Tóm tắt lại thì không ra ngoài hai lối khổ, vui.

Từ xưa đến nay, cảnh đời trải biết bao cuộc bể dâu diễn biến. Người đời mãi tranh đua ganh ghét tàn hại nhau vì mối danh, lợi, sắc, tài. Chúng sanh có bao nỗi khổ là bởi gây nhiều tác nghiệp. Mà sở duyên của nghiệp, lại từ nơi vọng tâm mê hoặc chấp lấy cái ta. Nếu biết trở lại nguồn chân, chặt dứt cội gốc Vô minh ngã chấp. Thì cành lá của nghiệp và bông trái của khổ phải điêu tàn.

Thời mạt pháp, muốn đi đến cảnh chân lạc bên miền bỉ ngạn nầy, cần phải triệt để nương vào Bản nguyện niệm Phật của đức từ phụ A Di Đà. Bền chí niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật, vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc Quốc. Ngoài lối này để thoát khổ ra, tuyệt không còn lối nào khác để thoát khỏi nhân quả luân hồi!

Đại cương về Nhân quả luân hồi

Chúng sanh tùy nơi nghiệp thiện ác mà trầm luân trong nhân quả luân hồi. Chúng sanh sở dĩ bị sống chết xoay vần, là bởi còn có tâm chấp ngã. Nếu dứt trừ ngã chấp, sẽ trở về tánh bản chân thanh tịnh, thoát khỏi luân hồi.

Vĩnh Gia đại sư đã bảo: “Quả báo vui khổ đều do tâm tạo ra.

  • Tâm nóng giận, tà dâm, độc ác là nghiệp Ðịa ngục.
  • Tâm tham lam, bỏn sẻn là nghiệp Ngạ quỷ.
  • Tâm ngu si, hôn ám là nghiệp Bàng sanh.
  • Tâm ngã mạn, cống cao là nghiệp A Tu la.
  • Giữ tròn năm giới là nghiệp Người.
  • Tinh tu mười điều lành là nghiệp Trời.
  • Chứng ngộ nhơn không là nghiệp Thanh Văn.
  • Rõ pháp nhân duyên là nghiệp Duyên Giác.
  • Tu hành sáu độ là nghiệp Bồ Tát.
  • Lòng chân từ bình đẳng là nghiệp Phật.

Nếu tâm trong sạch thì hóa sanh về  Tịnh độ, ở nơi bảo các, hương đài. Tâm dơ nhiễm thì gởi chất nơi uế bang, ở cõi núi gò hầm hố. Muôn cảnh đều do tâm tạo, lìa nguồn tâm ra không có hình thể chi. Vậy muốn hưởng quả lành, phải tu nhân tịnh!”

Lời của Vĩnh Gia đại sư trên, tuy vắn tắt, nhưng đã tổng quát nguyên lý luân hồi trong sáu nẻo, và nhân quả của mười pháp giới. Cho nên nhân quả và luân hồi là hai mặt của một vấn đề, không thể tách rời nhau. Bởi luân hồi là nhân quả liên tục biến hiện, chi phối lẫn nhau từ kiếp nầy sang kiếp khác. Duy những bậc đã chứng quả thánh mới thoát khỏi vòng chi phối đó mà thôi.

Luận về mối tương quan mật thiết của Nhân quả – Luân Hồi

Hòa Thượng Thích Thiện Hoa giảng: “Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sinh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp lực dắt dẫn tinh thần đến chỗ đó thọ quả báo không sai. Nếu tạo nhân tốt, thì luân hồi đến cảnh giới giàu sang, thân người tốt đẹp. Còn tạo nhân tội ác thì luân hồi đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa, đen đúa, hoặc tàn tật, khi thăng khi giáng, lúc bỗng lúc trầm… Sanh ở một cảnh nào, không phải sẽ ở luôn cảnh giới ấy.

Nhân có hạn thì quả cũng có chừng. Như người nắm trái banh liệng lên hư không, khi trái banh đi hết cái sức của nó, tất sẽ rơi xuống đất lại. Chúng sinh ở cõi trời, hay cõi súc sanh, địa ngục cũng thế, hễ nghiệp quả hết thì nghiệp nhân bắt đầu trở lại. Trong khi hưởng quả tốt, nếu không gấp rút tiếp tục gây nhân lành thì đời sau chắc sẽ không còn ở trong cảnh giới tốt đẹp nữa.

Cho nên vấn đề chính là phải luôn luôn cố gắng vượt lên mình, nếu muốn mình được vươn lên cao hơn cảnh giới hiện tại. Một điều mà chúng ta không bao giờ nên quên là: mỗi chúng sinh là một tay thợ tự xây dựng đời mình trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Dưới đây là những cảnh giới mà một chúng sinh có thể bị hay được nhập vào tùy theo nghiệp nhân mà mình đã tạo.

Nhân quả Luân hồi trong sáu cõi Phàm

1.- Địa ngục: Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người, phải luân hồi vào địa ngục, chịu đủ điều khổ sở.

2.- Ngạ quỷ: Tạo nhơn tham lam, bỏn xẻn, không biết bố thí giúp đỡ người. Trái lại, còn mưu sâu kế độc, để cướp đoạt của người, sau khi chết luân hồi làm ngạ quỷ.

3.- Súc sinh: Tạo nhân si mê, sa đọa, theo thất tình lục dục, tửu, tài, sắc, khí, không xét hay dở, tốt xấu, chết trồi luân hồi làm súc sinh.

4.- A tu la: Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sái quấy cũng không tránh, vừa cang trực, mà cũng vừa độc ác. Mặc dù có làm những điều phước thiện, nhưng tánh tình hung hăng nóng nảy vẫn còn, lại thêm tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ luân hồi làm A tu la, gặp vui sướng cũng có mà buồn khổ cũng nhiều.

*

5.- Loài người:

  • Biết giữ gìn lòng nhân từ, không sát nhân hại vật, không làm những điều đau khổ cho người.
  • Không tham lam trộm cướp tiền của, từ vật lớn như ngọc, ngà, châu báu đến vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ.
  • Không trêu hoa ghẹo nguyệt, dâm loạn vợ con, phá hoại gia đình của người.
  • Không nói lời dối trá, xảo quyệt, thêm bớt, đâm thọc, không nói lời cộc cằn, thô tục.
  • Không rượu trà say sưa, không làm những điều lầm lỗi. Tu nhân ngũ giới như vậy, đời sau sẽ luân hồi trở lại làm người, cao quý hơn muôn vật

6.- Cõi trời: Bỏ mười điều ác: không sát sinh, hại vật, không trộm cướp, tà dâm, không nói lời đâm thọc, hung ác, dối trá, thêu dệt, không tham dục, giận hờn và si mê. Trái lại, còn làm mười điều lành là: phóng sinh, bố thí, giữ hạnh trinh tiết, nói lời chắc chắn, đúng lý và nhu hòa, trau giồi đức hỷ xả, từ bi và trí huệ. Tu nhơn thập thiện như vậy, thì sau khi chết được sanh lên cõi trời, nhưng nên nhớ cõi trời này cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sinh tử Luân hồi. Muốn thoát ra ngoài cảnh sinh tử luân hồi và đến bốn cõi thánh thì phải tu nhân giải thoát.

Những giải đáp thắc mắc nghi vấn về Nhân quả Luân Hồi

Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ trình bày những điểm chính của giáo lý Nhân quả Luân hồi, mà không đi sâu vào chi tiết, và để sự trình bày được rõ ràng, có mạch lạc, chúng tôi đã tạm gác lại tất cả những thắc mắc, nghi vấn có thể hiện ra nhiều lần trong đầu óc quý vị, khi đọc các đoạn trước. Đến đây, sau khi trình bày xong xuôi những nét chính của giáo lý Nhân quả Luân hồi, chúng tôi xin lần lượt giái đáp những thắc mắc, hay nghi vấn trong vấn đề này:

Giải đáp thắc mắc về Nhân quả Luân Hồi: 1.

Có người hỏi rằng: Nhân quả là một luật tự nhiên rất công bằng đứng đắn, sao có người cả đời hiền từ, mà lại gặp lắm tai nạn, khổ sở, trái lại những người hung ác sao lại vẫn an lành?

Đáp: – Chắc quý vị chưa quên trong chương nói về nghiệp, chúng tôi đã trình bày rằng xét về thời gian, nghiệp có chia ra làm ba thứ:

Hiện báo:

Quả báo hiện tiền, như mình đánh người, bị người đánh ngay; hay ăn cơm thì no, uống nước liền đỡ khát.

Sanh báo:

Đời nay tạo nhân, qua đời sau mới thọ quả báo, như làm một tội ác gì, ngay khi ấy không ai biết mà bắt, đến lâu sau việc ấy mới tiết lộ và người làm ác mới đền tội.

Hậu báo:

Đời nay tạo nhân, mà các mấy đời sau mới chịu quả báo. Như ngài Ngộ Đạt quốc sư, đời trước làm quan tên là Viên Áng. Vì giết Triệu Thố, mà đến mười đời sau mới chịu quả báo. Vậy nếu có người trong đời hiện tại, làm việc hung ác, mà được an lành là do kiếp trước họ tạo nhân hiền từ; còn cái nhân hung ác mới tạo trong đời hiện tại, thì trong tương lai hay qua đời sau, họ sẽ chịu quả báo. Cũng như người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ, là nhờ năm rồi họ có làm, có tiền của để dành vậy. Cái nhân ăn chơi, không làm năm nay thì sang năm họ sẽ chịu quả đói rách.

Còn người dữ đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở là do đời trước, họ tạo những nhân không tốt. Cái nhân hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưởng quả vui. Cũng như có người tuy năm nay siêng năng làm ruộng, mà vẫn thiếu hụt là vì nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay, sang năm họ sẽ hưởng quả sung túc. Do đó, cổ nhân có nói: Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì. (Nghĩa là: Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi).

Giải đáp thắc mắc về Nhân quả Luân Hồi: 2.

Có người hỏi: Người đã có phước mới được giàu sang. Vậy tại sao trong số người giàu sang ấy vẫn có người ngu si, chết yểu; hoặc đui, điếc, ngọng, lịu v.v… (ngu, si, ám, ả, gia hà phú). Trái lại, người vô phước mới nghèo nàn; vậy sao trong số những người này, vẫn có người thông minh, đẹp đẽ, trường thọ v.v… (trí huệ, thông minh khước thọ bần).

Đáp: – Người đời nay giàu có là trước tạo nhân giàu có, nhưng họ chỉ tạo nhân giàu có mà không tạo các nhân khác như trường thọ, trí tuệ v.v… nên đời nay họ chỉ giàu mà thôi, chứ không sống lâu, không thông minh v.v… Trái lại, có người kiếp trước chỉ tạo nhơn trường thọ, trí tuệ mà không tạo nhân giàu có, nên kiếp này được hưởng quả trường thọ và trí tuệ mà không hưởng được quả giàu có.

Nhân nào mình có tạo mới có quả ấy, còn nhân nào mình không tạo thì làm sao có quả được? Nên trong kinh nhân quả có nói: “Nhân quả báo ứng như ảnh tùy hình” (nhân quả trả nhau, như bóng theo hình. Hình ngay thì bóng thẳng, hình vạy thì bóng cong).

Giải đáp thắc mắc về Nhân quả Luân Hồi: 3.

Có người hỏi: Theo luật nhân quả thì ai làm nấy chịu, cha làm tội con không thể thay thế được; con làm tội, cha không thể thay thế được. Sao thấy có những việc: Cha làm con phải chịu liên can, con làm cha phải chịu ảnh hưởng?

Đáp: – Trong kinh Phật dạy nhân quả Nghiệp báo có hai thứ: Biệt nghiệp và cộng nghiệp.

a. Biệt nghiệp: Là nghiệp báo riêng của mỗi chúng sinh. Như mình có học nhiều thì mình biết nhiều; mình ăn thì mình no; mình siêng năng thì mình dễ thành công; mình nhác lười thì mình thất bại.

b. Cộng nghiệp: Là nghiệp báo chung cho nhiều chúng sanh cùng sống trong một hoàn cảnh. Như người Việt Nam sống trên mãnh đất chữ S này. Trong giai đoạn chiến tranh Việt – Pháp vừa qua, thì giàu, dù nghèo, dù trí thức, dù bình dân đều chịu ảnh hưởng chung của chiến tranh; như sanh ở một nước tiên tiến thì mọi người đều được hưởng một đời sống vật chất đầy đủ hơn ở một xứ bán khai.

Đã chung sanh trong một gia đình, một xứ sở hay một dân tộc, cố nhiên cái nghiệp quả phải có liên can với nhau. Sách có nói: “Nhứt nhơn tác phước, vạn thọ hương.” (Một người làm phước, ngàn người đều được ảnh hưởng; một cây trổ hoa, muôn cây chung quanh đều được thơm lây).

Giải đáp thắc mắc về Nhân quả Luân Hồi: 4.

Có người hỏi: Đã gọi là cộng nghiệp thì tất nhiên phải chịu những nghiệp quả giống nhau; đã sinh trong một hoàn cảnh thì tất chịu chung một ảnh hưởng; mặc dù có biệt nghiệp, nhưng những biệt nghiệp ấy dù sao cũng chỉ có tính cách sai biệt tiểu tiết mà thôi (đại đồng, tiểu dị). Vậy tại sao trong đời, thấy có những người sống chung trong một hoàn cảnh mà lại trái hẳn nhau. Thí dụ như: Có người hiền lành lại sanh trong một gia đình hung ác; có người hung ác lại sanh trong gia đình hiền lương?

Đáp: Trong đoạn phân loại về các thứ nghiệp, đã nói rằng có bốn loại nghiệp là: – Tích lũy nghiệp. – Tập quán nghiệp. – Cực trọng nghiệp. – Cận tử nghiệp. Trong các loại nghiệp ấy, cực trọng nghiệp có tác động mạnh mẽ nhất sau khi chết. Nếu khi sống, cá nhân nào đó tạo nhân cực trọng nghiệp về loại thiện; như triệt để áp dụng những phương pháp tu hành có hiệu quả như tứ đế, thập nhị nhân duyên … thì sau khi chết, được hưởng kết quả tốt đẹp vô cùng. Trái lại, như giết cha mẹ, sát hại người tu hành v.v… thì khi chết phải đọa vào địa ngục vô gián.

Nhưng cực trọng nghiệp không phải người nào cũng có: Nếu không tạo nhân cực trọng, như không tu hành hay không phạm tội ngũ nghịch, thì tất nhiên không có nghiệp cực trọng.

*

Trong trường hợp không có cực trọng nghiệp, thì cận tử nghiệp là cái nghiệp có một tác động mạnh mẽ trong vấn đề dắt dẫn đi đầu thai. Trong nhiều trường hợp, thì cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp, tập quán nghiệp cùng đồng một tính chất giống nhau; nghĩa là trong những đời trước và đời hiện tại có gây những việc thiện và khi lâm chung, cũng có những hành động hay ý nghĩ việc thiện; hay trái lại, trong nhiều đời trước và hiện tại có tạo những nhân ác; và khi lâm chung cũng làm hay nghĩ đến những việc ác.

Trong trường hợp này, thì cận tử nghiệp sẽ dắt dẫn đi đầu thai một cách tự nhiên; đến một hoàn cảnh thích hợp với cả ba thứ nghiệp là tích lũy nghiệp, tập quán và cận tử nghiệp. Chẳng hạn như một người, trong đời quá khứ đã tạo những nhân hiền lành thì sau khi chết, đầu thai vào một gia đình cũng hiền lành; và những người ở trong gia đình ấy cũng không có trái ngược nhau.

*

Nhưng có một vài trường hợp mà cận tử nghiệp không đồng một tính chất với tích lũy nghiệp và tập quán nghiệp. Chẳng hạn như một người trong đời quá khứ và hiện tại, phần nhiều đều gieo nhân lành, đều có nhiều hành động thiện. Nhưng khi lâm chung, vì một lý do nào đó, có những ý nghĩ, hành động bất thiện; nghĩa là tạo một cận tử nghiệp bất thiện, như tham đắm, giận dữ v.v… thì cận tử nghiệp này sẽ dắt dẫn đến một hoàn cảnh bất thiện; như sanh vào một gia đình tham đắm, hay giận dữ v.v…

Nhưng nghiệp chính của người này là thiện thì trong đời sau này, người ấy sẽ hưởng quả thiện, mặc dù sống trong gia đình ác. Hay trái lại, tích lũy và tập quán nghiệp của người ấy là ác; nhưng khi lâm chung, người ấy biết ăn năn hối cải, tha thiết nghĩ đến điều thiện; và nhờ những người chung quanh hộ niệm chú nguyện cho, nên tạo ra một cận tử nghiệp thiện. Nghiệp này sẽ dắt dẫn đầu thai vào một gia đình thiện.

Nhưng nghiệp chính của người này trong quá khứ là ác; cho nên sau ít lâu sống trong gia đình ác ấy, các nghiệp quả ác lại xuất hiện. Do đó mới có những trường hợp cha mẹ ác có con thiện, hay cha mẹ thiện có con ác.

Giải đáp thắc mắc về Nhân quả Luân Hồi: 5.

Có người hỏi: Nếu có luân hồi thì khi chết rồi, một người chỉ sanh ra một người thôi; tại sao trên thế giới này, khi mới khai thiên lập địa chưa có người, mà cứ mỗi ngày nhân loại mỗi thêm đông? Vậy do đâu mà có nhiều người thế?

Đáp: – Trong đoạn luân hồi, chúng tôi đã nói: Chúng sinh luân hồi trong trong sáu cảnh giới là: thiên, nhân, a tu la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Chúng sinh ở cảnh giới này có thể đầu thai qua cảnh giới khác, đắp đổi cho nhau, khi lên khi xuống; chứ không phải chỉ có người mới đầu thai làm người mà thôi. Những loài thú có những tâm trạng giống người có thể đầu thai làm người được; cũng như những người có tâm trạng lang sói sẽ trở thành sói lang.

Hơn nữa, trong đoạn trước, chúng tôi cũng có nói rằng trong các kinh Phật dạy: Thế giới trong vũ trụ này nhiều như cát sông Hằng. Đâu phải chỉ một quả đất này là trung tâm điểm của vũ trụ và có người? Các nhà bác học cũng công nhận mỗi ngôi sao là một thế giới. Trong hằng hà sa số thế giới ấy, cũng có biết bao nhiêu là thế giới, có hoàn cảnh giống như quả đất nhỏ bé chúng ta đang ở đây!

*

Thế giới đã nhiều như thế, thì nhân loại đâu phải ít? Tại sao chúng ta không thể tin được rằng thế nào cũng có sự luân chuyển, sự lưu thông; sự trao đổi về phương diện tinh thần, về cái nghiệp giữa thế giới này với thế giới khác?

Mỗi một thế giới sắp hoại thì chúng sinh ở thế giới ấy tản cư, mỗi thế giới đã thành, thì chúng sinh ở các thế giới đồng cảnh chung quanh tựu đến. Trong kinh Địa Tạng có nói: “Thử giới hoại thời, hoàn ký tha phương … (thế giới này hoại, thì gởi qua thế giới khác, thế giới khác hoại lại gởi đến thế giới khác nữa …) Thí dụ như dân chúng ở các thành phố lớn nhiều hay ít là do người ở các nơi tụ đến hay tản đi. Trong thế giới hiện nay nhân loại nhiều hay ít cũng như vậy.

Đứng về phương diện tổng thể mà nói, thì không có mất còn, sạch nhớp, thêm bớt, đầy vơi (bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm). Chỉ vì chúng ta có quan niệm hẹp hòi, chia cắt, khu biệt, đóng khung trong một cảnh giới nên mới thấy loài này, loài khác, thế giới này, thế giới khác hoàn toàn cách biệt nhau.

Giải đáp thắc mắc về Nhân quả Luân Hồi: 6.

Có người hỏi: Người và thú vật hoàn toàn khác nhau, làm sao người có thể tái sanh thành thú vật và thú vật thành người được?

Đáp: Người ta thường có quan niệm sai lầm rằng: Người có linh hồn người, thú vật có hồn thú vật. Linh hồn người hay hồn thú, tuy người ta chưa hề thấy bao giờ; nhưng người ta tưởng tượng hễ linh hồn người thì có bóng dáng như người; hễ hồn chó, mèo thì có bóng dáng như chó mèo; và bất biến, dù chết hay sống, vì tưởng tượng như thế nên người không thể công nhận rằng: Chết rồi linh hồn người lại chui vào thân hình chó, mèo chẳng hạn; và hồn chó mèo lại nằm lốt thân hình người.

Thật ra, nghiệp không phải là linh hồn mà là một năng lực có nhuốm tính chất những hành động của mỗi chúng sinh. Vì tính chất riêng biệt ấy mà nghiệp lực nhập vào một hình thức này hay một hình thức khác; do cái luật hấp dẫn “đồng sanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. “Thay vì nói người kia trở thành thú hay trái lại, thú kia trở thành người. Đúng hơn nói rằng: Nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người hay dưới hình thể thú”.

Có hai người đạo sĩ: một người tên Punna tu khổ hạnh theo lối sống của loài bò, một người tên Seniya tu khổ hạnh theo lối sống của loài chó. Hai người này đến hỏi đức Phật về kiếp vị lai của họ.

*

Đức Phật trả lời: “Trong đời này, một gã kia thực hành trọn vẹn không thối chuyển những thói quen, những tâm trạng những tính cách của chó; gã ấy đã sống theo thói thường của chó, sau khi chết sẽ tái sanh trong loài chó”. Đức Phật cũng giải thích rằng: Kẻ nào tu khổ hạnh theo bò, cũng sẽ tái sanh trong loài bò.

Thí dụ trên chứng minh một cách hùng hồn: Nghiệp lực có thể dắt dẫn đi đầu thai bất luận trong loại nào, cảnh giới nào. Không cần phải đợi đến đời vị lai, phải trải qua kiếp này đến kiếp khác; ngay chính trong tâm niệm, trong từng hoàn cảnh của cuộc đời hiện tại, con người cũng trải qua trạng thái của sáu loài:

Khi con người sanh lòng giận dữ chém giết, thì cảnh A tu la hiện khởi; khi con người ung dung tự tại sống trong nhung lụa huy hoàng thì cảnh giới thiên đàng hiện khởi; khi con người sống trong cảnh chiến tranh bom đạn; trong cảnh kềm kẹp giam cầm, tra khảo dã man, nào bị treo ngược, nào bị đổ nước sôi v.v… thì đó là cảnh giới địa ngục.

Ngay trong loài người, nếu xét về phần vật chất thì có nhiều người sống một cuộc đời đế vương sáng lạn như ở cõi thiên đàng; có người lại sống chui rúc trong hang trong hố, ăn lông ở lỗ như thú vật. Xét về phần tinh thần, thì có người thông minh tài trí, đức hạnh như thánh nhân; có kẻ tâm địa lại tối tăm, độc ác, xấu xa như lang sói.”

Kinh nhân quả luân hồi 

Đức Phật bảo: Nầy A Nan! Muôn vật giữa đời đều có túc duyên. Người được quả báo hào quý làm bậc quốc vương, trưởng giả: Từ nơi nhân lễ kính, phụng sự Tam bảo mà đến. Người được quả báo giàu có, của cải vô hạn: Từ nơi nhân bố thí mà đến. Người được quả báo sống lâu, không đau bịnh, thân thể mạnh khoẻ cao lớn: Từ nơi nhân giữ giới mà đến. Người được quả báo đoan trang xinh đẹp, nước da trắng tươi sáng rỡ, ai thấy cũng đều ưa thích mến chuộng: Từ nơi nhân nhẫn nhục mà đến.

Người tánh nết siêng năng mau mắn, ưa làm việc phước thiện: Từ nơi nhân tinh tấn mà đến. Người dáng điệu an nhàn, lời và hạnh đều có suy nghĩ, chừng mực, chắc chắn: Từ nơi nhân thiền định mà đến. Người thông minh tài trí, hiểu suốt thâm pháp: Từ nơi nhân tu huệ mà đến. Người được tiếng nói thanh thao rõ suốt, ai cũng ưa nghe: Từ nơi nhân tụng kinh, ca ngợi Tam bảo mà đến. Người dáng vẻ sáng sạch hiền hòa, không đau yếu, ai thấy cũng mến: Từ nơi nhân từ tâm mà đến.

Thế nào là Từ Tâm

Ngài A Nan thưa:  Bạch Thế Tôn! Sao gọi là “từ tâm”? Ðức Phật bảo: “Từ tâm có bốn điều:

1- Thương tất cả chúng sanh như mẹ thương con.

2- Thấy chúng-sanh khổ, xót xa muốn cứu độ.

3- Thấy chúng sanh hiểu đạo, biết làm lành, hướng về nẻo giải thoát, sanh lòng vui mừng.

4- Thường ái hộ chúng sanh, chẳng những săn sóc giữ gìn thân mạng, mà còn không có lời vô ý làm cho người bất mãn, buồn rầu. Ấy là những tướng trạng của từ tâm.

Lại nầy A-Nan! Kẻ nào thân thể cao lớn: Là do nhân ưa lễ bái, khiêm nhường, cung kính tất cả mọi người. Kẻ nào lùn thấp, là do nhân khinh mạn, tự cao. Kẻ nào dung mạo thô xấu, là do nhân giận hờn, nóng nảy. Kẻ nào sanh ra ngây ngô kém hiểu biết, là do nhân không thích học hỏi. Kẻ nào ngu si, là do nhân không chịu dạy dỗ người. Kẻ nào câm ngọng, là do nhân khinh ngạo, chê bai người. Kẻ nào đui điếc là do nhân hủy báng Tam bảo, không chịu nghe chánh-pháp.

Kẻ nào làm thân tôi đòi là do nhân mắc nợ không trả, hoặc không kính lễ Tam bảo. Kẻ nào thân hình đen xấu, là do nhân che ánh sáng của Phật. Kẻ nào sanh ra ở nước Lõa hình: Là do nhân ăn mặc hở hang vào tinh xá, hay đến trước chỗ Phật. Kẻ nào sanh vào nước Mã đề (thân người, bàn chân ngựa): Là do nhân mang giày dép đi trước chỗ Phật. Kẻ nào sanh ở nước Xuyên hung (mọi người đều xoi hông): Là do nhân bố thí làm phước mà sanh lòng hối tiếc.

*

 A-Nan! Chúng sanh nào làm loài hươu nai: Là do kiếp trước ưa làm cho người sợ hãi. Chúng sanh nào sanh làm loài rồng: Là do kiếp trước ưa bỡn cợt và giận hờn, làm cho người phiền muộn. Kẻ nào nơi thân bị bịnh lác, ghẻ độc làm cho đau nhức khó chịu, chữa trị không lành: Là do kiếp trước ưa đánh đập chúng sanh.

Kẻ nào mọi người trông thấy đều vui mừng cảm mến: Là do kiếp trước khi thấy người, niềm nở vui mừng cảm mến. Kẻ nào mọi người trông thấy đều chán ghét: Là do kiếp trước khi thấy người, rẻ rúng chán ghét. Kẻ nào thường bị gông cùm tù ngục: Là do kiếp trước hay trói buộc hoặc giam nhốt chúng sanh trong lồng chậu, khiến cho nó không được tự do. Kẻ nào bị rách miệng sứt môi, là do kiếp trước ưa câu cá.

– A-Nan! Kẻ nào trong hội thuyết pháp không để ý lắng nghe, lại nói trái ngược làm loạn ý người khác: Kiếp sau sanh làm con lừa tai dài, hoặc loài chó xụ tai. Kẻ nào kiêu căng bỏn sẻn tham lam, thích lén ăn uống, chỉ hưởng thụ riêng một mình không đoái hoài đến người thân sơ, hạng nghèo khổ. Lúc chết rồi bị đọa vào Địa ngục, kế làm loại Ngạ quỷ. Khi được sanh làm người thì nghèo hèn đói khát, mặc chẳng kín thân, ăn không no bụng. Kẻ nào thường ăn riêng thức ngon, cho người món dở, kiếp sau bị đọa làm loài chó, lợn, bọ hung.

*

Kẻ nào thường tách mai, đánh vảy, lột da loài vật: Đời sau làm sanh vật bị quả báo y như hành động của mình kiếp trước. Kẻ nào ưa giết hại, kiếp sau sẽ bị đọa vào Tam đồ, cho đến làm con phù du trên mặt nước, sớm sanh chiều chết. Kẻ nào trộm cướp, kiếp sau sẽ làm thân tôi tớ, hoặc trâu bò, lừa, ngựa để trả nợ người.

Kẻ nào hay nói dối, nói đâm thọc, mắng chửi, nói lời cay độc, bêu rêu việc xấu của người, khi chết sẽ sa xuống Địa ngục. Bị rót nước đồng sôi vào miệng, hoặc bị cắt lưỡi, cày lưỡi. Sau lại làm thân ác điểu, người nghe tiếng kêu đều kinh sợ bảo là điềm quái gở, nguyền rủa muốn cho nó chết. Kẻ nào quyến rũ dâm loạn vợ chồng con cái người, khi chết đọa vào Địa ngục. Nam ôm cột đồng lửa, nữ nằm giường sắt nóng. Sau lại làm loài thú đa dâm, hoặc làm loài ngỗng, vịt.

Kẻ nào ưa uống rượu, phạm nhiều tội ác, lúc chết bị đọa vào Địa ngục. Sau sanh làm loài dã nhơn, khi được thân người lại ngu si khờ dại. Kẻ nào vợ chồng không biết nhường nhịn hòa thuận, thường hay tranh cãi, nặng lời xua đuổi nhau: Kiếp sau đọa làm thân chim cưu (tu hú), chim bồ câu. Kẻ nào ưa lạm dụng sức người, kiếp sau sanh làm loài voi, bị người dùng sức lại.

*

Nầy A-Nan! Trừ những vị làm quan, y theo pháp luật, hạch hỏi xử phạt một cách công minh, thì không tội. Nếu hạng quan liêu ỷ quyền thế xâm đoạt tài sản của dân. Hoặc ăn hối lộ dung túng kẻ ác, tra tấn, gông cùm, xử hiếp người vô tội hay không đáng tội. Khi chết sẽ bị đọa vào Địa ngục chịu thống khổ ngàn muôn kiếp. Sau lại sanh vào loài trâu bò bị xỏ mũi, đánh đập, mang kéo nặng nề để đền tội trước.

Lại nữa, A-Nan! Người nào từ thân thể đến cách ăn ở, lôi thôi không sạch sẽ, do từ loài lợn mà đến. Người nào tham lam bỏn sẻn không ưa bố thí, do từ loài chó mà đến. Người nào ngược ngạo, tự tung tự tác không chịu nghe lời ai, do từ loài dê mà đến. Người nào tánh lao chao, gặp việc không nhẫn nại, do từ loài khỉ vượn mà đến.

Người nào có tâm độc ác ngầm, do từ loài rắn rết mà đến. Người nào thích ăn ngon, hung dữ, ưa khủng hại chúng sanh, không có tâm lành, do từ loài cọp, sói, mèo, chồn mà đến…”( Kinh Chuyển Luân Ngũ Đạo)

Chuyện nhân quả luân hồi

Cách đây mấy mươi năm, ở Thủ Ðức có một nữ Phật tử tu tại gia. Vì vợ chồng cô là tín đồ thuần thành, trọng Phật kính Tăng. Các sư thường đến ghé thăm, có khi được mời nghỉ đêm tại nhà. Thời đó, ảnh hưởng chánh pháp chưa được lan rộng. Tuy cô đã thọ quy giới nhưng chưa hiểu rõ về đạo, nên trong nhà cũng có nuôi heo để thêm rộng rãi cho cuộc sống.

Chuyện Nhân quả Luân hồi: 1. Đọa làm Heo để trả nợ

Khi nọ, có một vị Hòa thượng đến nghỉ đêm tại nhà cô. Nửa đêm Hòa thượng chợt thức giấc khi nghe tiếng động dưới bộ ván mình nằm. Có giọng nói nho nhỏ rằng: “Tụi bây không biết, chớ tao tên là Nguyễn Thị Hòa. Bởi có thiếu bà chủ nhà nầy một số tiền, nên phải đầu thai ra thân súc vật để trả nợ”.

Hòa thượng nghe xong lấy làm lạ, lén nhẹ nhàng cúi xuống rình xem. Ông thấy một heo nái nói chuyện với mười hai heo con đang bú. Sáng ra, Hòa thượng hỏi người tín nữ:

– Lúc trước có cô Nguyễn Thị Hòa thiếu cô một số tiền như thế, có phải không?

– Dạ thưa đúng như vậy. Nhưng cô ấy nghèo và bây giờ đã qua đời, nên con kể như bỏ luôn.

Ủa! Mà chuyện nầy chỉ riêng mình con với cô ấy biết, ở nhà con cũng không hay. Tại sao thầy lại hiểu rõ ràng như vậy?

*

Hòa thượng đem chuyện đêm hôm thuật lại. Cô chủ nhà cả kinh, vội đem bán heo mẹ lẫn mười hai heo con thì thêm một việc lạ: Số tiền thu được đúng với tiền cô Nguyễn Thị Hòa đã thiếu mình khi trước. Trải qua sự nầy, cô tín nữ càng tin việc luân hồi nhân quả hiển nhiên là có thật.

Từ đó cô tu hành thêm tinh tấn và cải gia vi tự, thành ra ngôi chùa Phước Trường hiện giờ. Tại chùa nầy, hiện nay linh vị thờ cô vẫn còn. Tiên đức đã bảo: “Súc sanh bản thị nhơn lai tố. Nhơn súc luân hồi cổ đáo kim!”. (Súc sanh kia trước là người. Xưa nay người, súc luân hồi đổi thay!) Việc trên đây là một chứng minh nhân quả luân hồi không phải là hư dối vậy. (Thuật theo lời Hòa Thượng Thanh Từ, khi Ngài đến diễn giảng và thăm chùa Phước Trường ở Thủ Ðức).

Chuyện Nhân quả Luân hồi: 2. Ba kiếp làm vợ trong một đời

Nước Trung Hoa, đời vua Thuận Trị nhà Thanh, có một học giả danh tiếng ở huyện Tế Ninh, là Thiệu Sĩ Mai. Ông đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, tự nhớ kiếp trước mình vốn người ở huyện Thê Hà, tên là Cao Ðông Hải. Bà vợ của Thiệu Sĩ Mai chết lúc tuổi hãy còn trẻ, khi lâm chung trối dặn chồng rằng:

“Tôi có nhân duyên làm vợ anh ba đời. Kiếp nầy là một. Ðời sau tôi sẽ  sanh vào nhà họ Ðông ở huyện Ðào. Ngày kia anh bãi chức, về ngụ nơi chùa Tiêu xem kinh Phật. Nhớ tìm tôi ở ngôi nhà thứ ba tại khúc quanh sông Tân thuộc vùng ấy”.

Hơn mười năm sau, Sĩ Mai đổi về làm Giáo thọ ở phủ Ðăng Châu, gần huyện Thê Hà. Một hôm nhân rảnh rỗi, ông đến viếng chỗ ở kiếp trước, thì nhà của Cao Ðông Hải đã không còn. Hỏi thăm tìm được đứa cháu nội của Ðông Hải. Ông giúp tiền cho gầy dựng ruộng nhà. Kế đó ông thuyên chuyển làm Tri huyện ở Ngô Giang, rồi cáo bịnh về nghỉ.

Nhân lúc vô sự, Sĩ Mai đến thăm người bạn đồng niên ở huyện Ðào và ngụ tại chùa Tiêu. Chùa nầy có bộ Ðại tạng kinh, trong khi vắng vẻ ông thường mượn để duyệt lãm. Một hôm, bỗng nhớ lại lời người vợ trước đã dặn bảo. Ông ra Tân Giang đi dọc theo mé đến một khúc quanh tìm hỏi, quả thật có họ Ðông ở ngôi nhà thứ ba ven sông.

*

Ông vào thăm thì nhà nầy có đứa con gái chưa gả. Nhân đó thuật lại  duyên cớ trước, xin cầu hôn, liền được gia chủ ưng thuận. Cưới vợ được mấy năm, cô gái họ Ðông lại qua đời. Khi lâm chung, lại dặn chồng rằng: “Lần giã biệt đây, tôi sẽ tái sanh nơi nhà họ Vương ở Tương Dương. Ngôi nhà nầy cũng ở ven sông, trước cửa có hai cây liễu. Sau anh đến tìm tôi tại nơi đó. Cuộc tái hợp lần cuối cùng nầy, tôi sẽ sanh cho anh hai đứa con”. Thiệu Sĩ Mai nhất nhất đều xin ghi nhớ.

Về sau sự việc diễn tiến quả đúng y như lời người vợ đã nói. Năm Kỷ Mùi đời vua Khang Hy, Thiệu Sĩ Mai ở tại kinh sư, đã đem việc nầy thuật lại rõ ràng với những bạn đồng niên như Vương Ngư Dương, Phan Trần Phục… Việc của Thiệu Sĩ Mai trên đây, thật đã đúng với hai câu thi: “Lưỡng thế đốn khai sanh tử lộ. Nhất thân tằng tác cổ kim nhơn” (Một thân từng diễn người kim cổ. Ðôi kiếp mở liền lối tử sanh). Cuộc thế bể dâu, thân người huyễn mộng, xem việc nầy, những ai có mối thâm tư, chi khỏi sanh niềm cảm khái.

(Nhân quả luân hồi –  Theo Phật học tinh yếu)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   La Hầu La Tôn Giả – Con trai của đức Phật

10 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog