Vì sao câu khởi đầu Kinh luôn là: “Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật…”
Pháp Giới 11 tháng trước

Vì sao câu khởi đầu Kinh luôn là: “Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật…”

“Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật…” là cụm từ bắt đầu cho bất kỳ bản kinh Phật nào. Nhiều người đọc kinh Phật, nhưng ít người biết được tại sao lại luôn phải bắt đầu như thế?! Bạn có biết tạo sao không?

Khi đức Phật sắp nhập Niết bàn, Tôn giả A Nan bạch hỏi:  “Khi kết tập kinh điển, mở đầu văn kinh nên dùng chữ gì làm tiêu biểu cho tất cả kinh tạng?”

Đức Phật trả lời: “Khi kết tập kinh tạng, hãy dùng bốn chữ “Tôi nghe như vầy” (Như thị ngã văn) để mở đầu cho tất cả các bộ kinh.

Vậy tại sao đức Phật lại dạy như thế? Ta hãy xem Ngài Tuyên Hóa giảng:

  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách sám hối tại nhà.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Cầu siêu thế nào là đúng chánh pháp.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Vì sao câu khởi đầu Kinh luôn là: “Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật…”
Tôi nghe như vầy một thời đức Phật – HT Tuyên Hóa giảng.

Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật

“Như vầy” hay “như thị”, vốn là từ “chỉ pháp”; Ngụ ý rằng pháp như vậy thì tin được, còn pháp không như vậy thì không đáng tin. Hiện tại, pháp này gọi là pháp “như thị” – đây là thứ pháp đáng tin cậy. “Như thị” cũng là từ “ấn khả”, khẳng định rằng (Pháp) đích thực là như vầy, tuyệt đối không được sửa đổi.

Tôi nghe như vầy

“Tôi nghe như vầy” chính là lời dạy của Ðức Phật cho một trong bốn vấn đề mà Tôn Giả A Nan đã thỉnh vấn trước khi Phật nhập Niết Bàn.

Tôi nghe như vầy. “Tôi nghe” là nghe (văn) thành tựu, “tôi” là ai ? Tôi gồm có cái tôi giả, và thần ngã của ngoại đạo. Cái “tôi” này là tôi giả, chẳng phải tôi thật. Sao lại nói “tôi nghe” mà không nói “tai nghe”? Vì lỗ tai chỉ là một bộ phận của thân thể, chẳng phải gọi chung cho toàn thân thể. Cho nên Ngài A Nan nói “Tôi nghe”. “Như vầy” là tin thành tựu. Pháp như vầy mới có thể tin, chẳng phải pháp như vầy, thì không thể tin.

Tất cả Kinh điển, trước hết đều bắt đầu bằng câu: “Tôi nghe như vầy”.

“Tôi nghe” là Ngài A Nan nói: “Pháp như vầy là tôi A Nan thân tự nghe Ðức Phật nói, chứ chẳng phải tôi tự bày vẽ tạo ra”.

“Như vầy” là từ chỉ pháp, tức là nói bộ Kinh này, gọi là tin thành tựu, bạn tin tức là như vầy, không tin thì chẳng phải như vầy.

“Như” là bất biến (không thay đổi), tùy duyên là “vầy”. “Như vầy” tức là tùy duyên không thay đổi, không thay đổi mà tùy duyên – Tức cũng là như như bất động, liễu liễu thường minh. Và “như vầy” là một sự ấn khả, tức là nếu bạn làm đúng khế hợp với tâm của Phật tức là như vầy. Nếu trái với tâm của Phật thì chẳng như vầy.

*

Ngài A Nan ít tuổi hơn đức Phật rất nhiều. Khi đức Phật ba mươi tuổi thành đạo, thì cũng lúc ấy Ngài A Nan ra đời. Ngài A Nan hai mươi lăm tuổi mới xuất gia, vậy hai mươi lăm năm về trước, Kinh điển của Phật nói, Ngài cũng chẳng nghe qua, sao Ngài lại đi kết tập Kinh điển?

Ngài A Nan là em bà con chú bác với Ðức Phật, tuy hai mươi lăm tuổi mới xuất gia, nhưng Ngài thỉnh cầu đức Phật nói lại hết những Kinh điển đã nói lúc trước. Do đó, Phật dùng sức thần thông, nói lại hết những Kinh điển đã nói lúc trước cho Ngài A Nan nghe. Sức trí nhớ của Ngài A Nan tốt vô cùng, một khi lọt vào tai thì vĩnh viễn không bao giờ quên.

Cho nên nói: “Phật pháp như biển cả, chảy vào tâm A Nan”. Hơn nữa Ngài A Nan cũng là đại quyền thị hiện. Trong quá khứ tất cả chư Phật nói Kinh điển, cũng đều do Ngài A Nan kết tập. Hơn nữa mỗi vị Phật thuyết pháp cũng đều như nhau, cho nên Ngài A Nan khai ngộ rồi, đều nhớ lại tất cả pháp tạng của tất cả Chư Phật đã nói trong quá khứ. 

Lúc bấy giờ, sau khi hay tin Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Niết Bàn; Tôn Giả A Nan khóc đến nỗi đầu váng mắt hoa, tâm trí bấn loạn, quên bẵng hết mọi việc. Trong khi đó, Tôn Giả A Na Luật, nhục nhãn tuy không còn, song Thiên Nhãn rất sáng tỏ, thì lại hết sức trầm tĩnh. Ngài căn dặn Tôn Giả A Nan phải thỉnh vấn Phật về bốn việc:

*
  1. Khi kết tập kinh điển, mở đầu văn kinh nên dùng chữ gì làm tiêu biểu cho tất cả kinh tạng?
  2. Khi Phật còn tại thế thì các đệ tử đều an trú cùng một nơi với Phật. Vậy sau khi Phật nhập Niết Bàn thì họ phải sống với ai?
  3. Khi Phật còn trụ thế thì Phật là Thầy, vậy sau khi Phật nhập Niết Bàn thì nên tôn ai làm Thầy?
  4. Nên đối phó như thế nào với các Tỳ Kheo có tánh tình xấu ác?

Khi Ngài A Nan thưa thỉnh, Ðức Phật trả lời rằng:

– Thứ nhất: Khi kết tập kinh tạng, hãy dùng bốn chữ “Tôi nghe như vầy” (Như thị ngã văn) để mở đầu cho tất cả các bộ kinh;

– Thứ hai: Hãy nương theo Tứ Niệm Xứ mà an trú. Tứ Niệm Xứ chính là Thân, Thọ, Tâm và Pháp – Quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.

– Thứ ba: Khi Phật còn tại thế thì Ðức Phật là Thầy. Khi Phật nhập Niết Bàn rồi thì lấy Giới làm Thầy – Tức Giới là Thầy của tất cả Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni;

– Thứ tư: Hãy dùng phương pháp “mặc tẫn” để đối phó với các Tỳ Kheo tánh ác. “Mặc” nghĩa là làm thinh, không nói chuyện với họ; Còn “tẫn” là làm lơ, không để ý đến họ nữa.

Diệu dụng của “Tôi nghe như vầy”

Câu “Tôi nghe như vầy” được dùng nhằm xóa tan mọi nghi vấn trong lòng đại chúng. Lúc Ðại Hội Kết Tập Kinh Tạng khai mạc, Tôn Giả A Nan không được mời tham dự. Sau đó, khi đã chứng được Tứ Quả A La Hán; Lại vì không có ai mở cửa cho vào, Tôn Giả A Nan bèn đi xuyên qua cửa và tiến vào hội trường để tham gia Ðại Hội Kết Tập Kinh Tạng. Những người tham dự cuộc kết tập kinh tạng tuy đã chứng quả, nhưng trí nhớ của họ đều không bằng Tôn Giả A Nan.

Ngài A Nan là “Đại quyền thị hiện” – Giấu thật hiện quyền, thị hiện thiện xảo phương tiện. Vì sao thế? Vì Tôn Giả A Nan đã từng làm thị giả cho tất cả chư Phật xuất thế trong quá khứ; Được thân cận hết thảy chư Phật. Khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật, Tôn Giả A Nan cũng xuất thế để làm thị giả cho Phật; Và vị thị giả ấy chính là người được chuẩn bị cho công cuộc kết tập kinh tạng sau này.

Vì sao lại dùng câu “Tôi nghe như vầy”

Câu “Tôi nghe như vầy” được dùng bởi bốn nguyên do:

1. Dứt lòng nghi của đại chúng:

Khi Ngài A Nan kết tập Kinh điển, ban đầu lên pháp tòa, tướng tốt trang nghiêm như đức Phật, do đó đại chúng khởi lên ba điều nghi.

Ðiều nghi thứ nhất là: Các vị đại A La Hán trong pháp hội, cho rằng Ðức Phật chưa vào Niết Bàn, còn đến giảng Kinh thuyết pháp.

Ðiều nghi thứ hai là: Ðại chúng cho rằng, vị Phật này từ phương khác đến.

Ðiều nghi thứ ba là: Ðại chúng nghi ngờ cho rằng Ngài A Nan đã thành Phật. Bởi nếu không sao Ngài lại có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp của đức Phật. Nhưng khi Ngài A Nan lên pháp tòa, nói “Tôi nghe như vầy”, thì lập tức cả đại chúng chẳng còn hoài nghi gì nữa. Tất cả đại chúng đều biết Ngài A Nan đang nói: “Pháp như vầy là tôi A Nan thân tự nghe được những gì Ðức Phật nói, chứ chẳng phải tôi tự tạo ra”.

2. Tôn trọng sự phó chúc của Phật.

Khi Ðức Phật vào Niết Bàn, thì phó chúc cho Ngài A Nan: “Khi bắt đầu tất cả Kinh điển đều nên dùng “Tôi nghe như vầy”. Vì tôn trọng sự chỉ thị của đức Phật, cho nên khi kết tập Kinh điển, Ngài A Nan trước hết nói “Tôi nghe như vầy”.

3. Dứt tranh luận.

Khi kết tập kinh tạng, ngài A Nan tuổi vẫn còn rất trẻ. Một người trẻ tuổi mà đứng ra chủ trì việc kết tập kinh tạng thì e rằng những bậc Trưởng Lão như Tôn Giả Ca Diếp, Kiều Trần Như, Tu Bồ Ðề sẽ nói: “Ông còn trẻ người non dạ như thế thì đã có kinh nghiệm, kiến thức gì đâu mà đòi kết tập kinh điển?”

Nếu Ngài A Nan nói kinh điển là do chính Ngài tự viết ra thì sẽ không tránh khỏi sự tranh luận: “Những điều ông nói hoàn toàn không đúng, Ðức Phật không hề nói như vậy!” Nhưng khi Ngài A Nan tuyên bố “Tôi nghe như vầy,” thì mọi người đều không tranh cãi; Vì sao? Vì bốn chữ ấy ngụ ý rằng tất cả những gì Ngài A Nan sắp sửa nói ra chỉ là tuyên thuyết lại những điều mà chính Ngài đã được nghe từ kim khẩu của Ðức Phật; Chứ hoàn toàn không phải do Ngài bịa đặt; Nhờ thế mà chấm dứt mọi tranh luận!

4. Khác với ngoại đạo.

Ngoại đạo dùng hai chữ “A, Hạ” để bắt đầu Kinh điển của họ. “A” là không, “Hạ” là có. Vì ngoại đạo nói tất cả vạn pháp chẳng phải có thì là không, chẳng phải không tức là có. Kinh điển của Phật nói, dùng: “Tôi nghe như vầy”, để bắt đầu Kinh điển, để khác với ngoại đạo.

Để khác biệt với ngoại đạo (Dị ngoại đạo): Lý thuyết mà các Luận Sư ngoại đạo thường dùng là: “Tất cả vạn pháp của thế gian đều không ngoài hai chữ ‘hữu (có), vô (không)’.”

Nếu nói “có,” tức là vạn pháp đều hiện hữu; Còn nói “không,” tức là vạn pháp đều không hiện hữu. Bởi họ cho rằng hết thảy các pháp đều nằm trọn trong một chữ “có” và một chữ “không”; Nên kinh điển ngoại đạo dùng hai chữ “A, Hạ” làm mở đầu cho văn kinh. “A” có nghĩa là “không”, và “hạ” nghĩa là “có”.

Do đó, nhằm phân biệt với ngoại đạo, Ðức Phật dạy phải dùng bốn chữ “Tôi nghe như vầy” để mở đầu cho văn kinh, ý nói rằng: “Chính tôi, A Nan, từng được nghe Phật nói Pháp như thế này”.

Một thời đức Phật

Phàm kinh điển do Phật thuyết đều hội đủ sáu điểm để thành tựu cho toàn Kinh, gọi là Sáu Loại Thành Tựu. (Lục Chủng Thành Tựu):

1. Tin cậy (Tín).

“Như vầy” biểu thị Tín thành tựu.

2. Nghe (Văn).

“Tôi nghe” biểu thị Văn thành tựu. Vì sao không nói “tai nghe” mà lại nói là “tôi nghe”? Vì “tôi” là từ tổng xưng cho một thân thể, cho nên dùng “tôi” để tiêu biểu cho cả sáu căn.

3. Thời điểm (Thời).

“Một thời” (một thủa nọ) biểu thị Thời thành tựu. Tại sao không nói rõ là Phật thuyết Pháp vào ngày nào, tháng nào, năm nào, mà chỉ nói chung chung là “một thời”? Bởi vì quốc tế lịch số không đồng nhất – Có khi nơi này là tháng chạp thì nơi khác lại đang là tháng hai; Ở nước nọ là tháng giêng thì ở nước kia lại đang là tháng ba hoặc tháng tư… – Cho nên trong kinh điển của Phật chỉ nói là “một thuở nọ” (hoặc một thời )mà thôi. Có một thời điểm như thế này, thì đây là Thời thành tựu.

“Một thời” là thời thành tựu. Cho nên không nói rõ ngày tháng chính xác, là vì muốn tránh nhà lịch sử học, truy tìm khảo chứng gốc rễ không có ý nghĩa. Một thời này, tức là lúc Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói Kinh, tức là vào lúc đó

4.Chủ.

“Ðức Phật” biểu thị Chủ thành tựu. Phật thì tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bởi tam giác viên mãn, vạn đức đủ đầy, nên gọi là “Phật”. “Ðức Phật” này chính là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo Chủ cõi Ta Bà.

Thật ra, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật từ vô lượng kiếp về trước; Nhưng vì nhận thấy chúng sanh ở cõi Ta Bà – Nam Thiệm Bộ Châu – cơ duyên đã thành thục. Cho nên Ngài đến thị hiện thành Phật, hầu khiến tất cả chúng sanh cũng đều thành Phật, thoát khỏi sanh tử. Giáo pháp mà Ðức Phật thuyết giảng đều là chân thật, không hư dối; Tất cả chúng sanh chúng ta cần phải trân trọng thọ lãnh.

Nếu chúng ta xem những lời giáo huấn của Ðức Phật như “gió thoảng qua tai”; Vào tai này rồi ra tai kia, ắt sẽ không được chút lợi ích nào cả. Do đó, chúng ta cần phải thực sự áp dụng, chân chánh thực hành đúng theo giáo pháp; Không được có một mảy may hư dối dù nhỏ như đường tơ kẽ tóc – Nhất định phải hoàn toàn chân thật.

*

“Ðức Phật” là chủ thành tựu. “Phật” là nửa tiếng Phạn, nói đầy đủ là Phật Ðà Gia”. Phật dịch là “giác”. Giác thì có: 1. Bổn giác, 2. Thủy giác, 3. Cứu Kinh giác.

1. Bổn giác: Tức là giác ngộ Phật tánh vốn có sẵn, không cần phải trải qua sự tu hành, mà vẫn đầy đủ sự giác ngộ.

2. Thủy giác: Mới bắt đầu giác ngộ. Chúng ta phát tâm muốn học Phật pháp, nghiên cứu Kinh điển giáo lý, đó gọi là thủy giác.

3. Cứu Kính giác: Bắt đầu giác ngộ rồi, thì ngày càng tinh tấn, ngộ hiểu Phật pháp, cho đến khi hoàn toàn minh bạch Phật pháp thành Phật, đó gọi là cứu kính giác.

*

Lại có lối nói khác:

1. Tự giác : Tự giác ngộ chân lý. Như hàng nhị thừa (Thanh Văn, Duyên Giác) chỉ tự giác, mà không thể giác tha, cho nên gọi là người tiểu thừa.

2. Giác tha: Mình giác ngộ rồi, cũng phải đem chân lý phát dương quang đại, giáo hóa chúng sinh, khiến cho tất cả mọi người cũng đều giác ngộ. Bồ Tát thì tự độ độ tha, tự lợi lợi tha. Người tiểu thừa chỉ biết lợi mình mà không biệt lợi người, chỉ muốn làm tự liễu hán. Cho nên, Phật trách người tiểu thừa là tiêu nhạ bại chủng, không thể hoằng dương Phật pháp quảng đại.

3. Giác hạnh viên mãn : Ðó là sự viên mãn của Phật. Của Đức Phật thì ba giác tròn vạn đức đầy. Vị Phật này là chỉ ai? Tức là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, sinh ra tại Ấn Ðộ, thái tử của vua Tịnh Phạn, tên là Tất Ðạt Ða. Mười chín tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo; Thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng Kinh hơn ba trăm hội.

5. Nơi chốn (Xứ)

Tức là địa điểm mà đức Phật thuyết một bộ kinh. Như “Cung trời Ðao Lợi” là nơi Ngài Thuyết Kinh Địa Tạng.

6. Chúng

Tức là chúng hội, nơi đức Phật vì “họ” mà thuyết pháp”.

(Câu khởi đầu của Kinh: “Tôi nghe như vầy” – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)

Tuệ Tâm 2021.

 

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chữ Hiếu trong đạo Phật có ý nghĩa như thế nào?

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog