Vạn Sự Tùy Duyên nghĩa là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Vạn Sự Tùy Duyên nghĩa là gì

Vạn Sự Tùy Duyên là câu cửa miệng của không chỉ riêng hàng Phật tử, khi gặp những chuyện không thể giải quyết được. Phần đông chúng ta không hiểu hết nghĩa của chữ duyên, nên chữ Tùy duyên khi nói ra thường mang hàm ý tiêu cực: Buông xuôi mọi việc, đến đâu thì đến!

Người thế gian chẳng hiểu nghĩa của Tùy duyên nên phàm khi gặp việc, tuy miệng bảo là Vạn sự tùy duyên, nhưng tâm bị sân si điên cuồng thiêu đốt, tối ngày sầu thảm, ăn không ngon, ngủ cũng chẳng yên, chập chờn hôm sớm, tay vắt nơi trán mà lắt lay cùng thế cuộc…Khổ hải thế nào vẫn y nguyên như thế. Vậy vạn sự tùy duyên nghĩa là gì?

  • Tứ chủng thanh tịnh minh hối là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Từ bi là gì.
  • Chánh kiến là gì.
  • Chánh nghiệp là gì.
  • Chú Đại bi tâm đà ra ni.
  • 10 điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Vạn sự tùy duyên nghĩa là gì
Tùy Duyên nghĩa là gì

 

Vạn Sự Tùy Duyên nghĩa là gì

Chữ “Tùy” ở đây mang hàm ý là tùy thuận, Duyên nghĩa là Nhân duyên. Như thế, Vạn Sự Tùy Duyên nghĩa là vạn sự ở trên đời, dù thuận hay nghịch, khó hay dễ, thành hay bại, được hay mất…đều do nhân duyên chi phối. Ta tùy thuận tuân theo sự vận hành ấy thì thân được thảnh thơi, tâm được an yên.

Hiểu rõ được lý này rồi thì tâm ta luôn tịch tĩnh, không bị loạn động bởi thế cuộc bên ngoài. Bởi như Tổ Ấn Quang dạy: “Mọi sự vinh nhục, thành bại, được mất…của thế gian, vốn đều có nhân duyên từ trước. Tuy nói là do người này người khác mà xảy ra việc ấy, nhưng thật ra tất cả đều là nghiệp nhân đã gieo từ trước của mình.”

Hiểu được lý này sẽ khiến chúng  không còn khổ bởi tâm sân hận, si mê, không còn bị dày vò bởi sự bất lực trước nghịch cảnh. Ta sẽ bình thản mà đối mặt với mọi khổ hải trong kiếp sống nhân sinh. Bởi mọi thứ hôm nay đến với ta, dù có thế nào đi chăng nữa, vốn đều là tự mình làm tự mình chịu.

Lý của tùy duyên còn mang hàm ý lớn lao khác mà gần như rất ít người biết đến: Bởi vạn sự tùy duyên, do duyên, cho nên ta có thể nhờ tu tập mà chuyển hóa nghiệp lực, khiến cuộc sống của mình luôn được chào đón bởi thiện duyên và cũng bằng tu tập ta ngăn chặn sự xuất hiện của ác duyên, khiến nghiệp ác không thể trổ thành quả. Nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta luôn được bình an.

Đây cũng là một trong những mục tiêu căn bản của người học Phật: “Tốt đời đẹp đạo” hay “đời đạo đều được an vui” vậy!

Vạn Sự Tùy Duyên: Với Gia đình và xã hội

Chúng ta vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Trong mỗi kiếp sống ấy, dù sanh ra trong chủng loài nào, cõi giới nào, cũng có đôi có bạn. Ngày nay do nhân duyên và nghiệp lực đưa đẩy mà tụ họp nhau, là bởi chung một cộng nghiệp mà nên. Như thế, Cha mẹ, Vợ chồng, con cái, và bạn bè được gói gọn trong bốn nhân duyên:

  1. Báo ân
  2. Báo oán
  3. Trả nợ
  4. Đòi nợ

Nếu hiểu được tất cả chỉ là nhân duyên. Nếu biết sống một cách tùy duyên tùy phận, thì trong gia đình hay ngoài xã hội, mọi sự  luôn được an yên. Còn như ngược lại thì hết thảy rối như nồi canh hẹ. Không chuyện này đến thì chuyện khác cũng xảy ra. Đơn cử một vài chuyện làm minh chứng:

*

1. Anh tự thấy cuộc đời mình hạnh phúc, vợ đẹp con khôn, chẳng giầu nhưng không khó. Thiên hạ nhận xét anh là người sống tình cảm, chuẩn mực. Đôi khi anh cũng tự thấy mình may mắn, tuy chẳng hơn ai, nhưng khối kẻ cũng chẳng bằng mình.

Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến một ngày chẳng đẹp trời, anh phát hiện ra một chuyện kinh thiên động địa: Vợ ngoại tình! Trong thoáng chốc anh thấy mọi thứ xung quanh mình sụp đổ. Sau một thời gian dài chìm đắm trong cãi vã, khổ đau, dày vò, uất hận, anh quyết định tha thứ: Bởi hai đứa con còn nhỏ, chúng cần có cả cha lẫn mẹ.

Tuy từ đó trở đi chị quay đầu, nhưng vết sẹo trong tâm anh không cách chi liền da được. Họ cứ lầm lũi bên nhau, âm thầm dày võ lẫn nhau, trong vỏ bọc hạnh phúc ở bên ngoài như sương khói….

*

2. Ta với bạn chơi thân với nhau từ thủa còn thơ bé, nay hai đứa tóc cũng đã đổi màu. Mọi vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống, không gì chẳng thể chia sẻ được với nhau. Thân thiết nghĩ còn hơn ruột thịt.

Một ngày đẹp trời bạn có việc nên hỏi mượn một khoản tiền kha khá. Ta không chút đắn đo rút khoản tiền tiết kiệm đưa cho bạn…Một tháng, hai tháng, rồi đến sáu tháng sau ngày bạn hẹn trả, ta vẫn chẳng thấy tiền đâu.

Lúc đầu gọi cho bạn còn mềm mỏng lịch thiệp. Lần hồi về sau thêm chút nặng nhẹ. Sau nữa thì nịnh nọt có, mắng chửi có, cốt sao đòi cho được tiền. Cứ vậy cho đến khi lấy lại được hết tiền thì tình nghĩa bao năm cũng trôi sông, trôi biển.

Bao nhiêu năm bằng hữu, ngoảnh mặt lại nhìn như một giấc mơ. Đấy là ta còn may lấy được hết tiền, chớ nhiều kẻ cho vay xong tiền mất, bạn cũng mất luôn.

*

Chuyện thứ nhất là điển hình trong cuộc sống gia đình hôm nay. Nó điển hình đến mức ngày nay mô hình “gia đình hạt nhân” đã hoàn toàn bị phá vỡ. Cứ nhìn nơi nơi, nhà nghỉ mọc như nấm sau mưa thì biết!

Câu chuyện thứ hai cũng là một điển hình trong mối quan hệ xã hội hôm nay. Nơi vinh nhục, được mất, dối gian và lừa lọc đang chà đạp lên các chuẩn mực đạo đức.

Vậy người học Phật, hiểu vạn sự tùy duyên, nhìn nhận và xử lý những việc này như thế nào?

*

Ta đều biết vạn vật trên thế gian này không gì ra khỏi nhân quả.Bạn đời phản bội ấy là do kiếp này hoặc kiếp trước ta trót lỡ gieo cái nhân ngoại tình, phụ bạc. Bạn mượn tiền gây cho ta bao nhiêu phiền não, cũng bởi không kiếp trước thì kiếp này, ta đã gieo cái nhân não hại người mà ra…

Từ những chuyện này cho đến vạn sự trên thế gian đều chung một nghiệp nhân như thế cả. Bởi trước gieo nhân nên đủ duyên phải đền trả quả. Nếu an nhẫn được thì chuyện gì rồi cũng sẽ qua. Nếu chẳng an nhẫn được thì nghiệp như chiếc thòng lọng, ta càng quẫy đạp bao nhiêu nó càng siết chặt bấy nhiêu.

Người biết Phật pháp mà hành trì. Nhờ phước đức vô lậu mà chuyển được ác nghiệp đã gieo nên: Hoặc sạch nghiệp nên không phải chịu trả quả báo; hoặc chuyển nghiệp nặng thành nhẹ nên quả báo 10 phần chỉ phải chịu một hai.

Ngay cả khi việc đã xảy ra rồi ta mới biết đến Phật pháp, thì cũng biết vạn sự tùy duyên nên chỉ an nhẫn sám hối, rồi tu trì mà nhờ Phật lực gia bị cho sớm qua chướng nạn. Tâm thức nhờ đó cũng không đến nỗi cuồng loạn trong nghịch cảnh.  Đây cùng là ý nghĩa đích thực của Vạn sự tùy duyên, chớ không phải Vạn sự tùy duyên là buông xuôi, bỏ mặc hết mọi thứ.

Luận về Sống Tùy Duyên

Trong Vô ngã vô ưu, Hòa Thượng Thanh Từ có một bài viết khá hay về chủ đề này, Ngài bảo:

“….Trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo bằng văn Nôm của vua Trần Nhân Tông. Ở phần kết thúc Ngài viết bốn câu kệ bằng chữ Hán thế này:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Chỉ bốn câu thôi mà ý nghĩa thật tuyệt diệu. Ở đời vui đạo hãy tùy duyên là sống giữa cõi trần tục, tức ngay giữa lòng đời, chúng ta vẫn vui với đạo. Làm sao để được vui? Ngài dạy phải khéo tùy duyên. Tùy duyên thế nào? Đói đến thì ăn mệt ngủ liền, dễ quá phải không? Ai cũng bằng lòng như thế. Nhưng thưa đừng hiểu lầm chỗ này. Ai không đói ăn mệt ngủ. Nhưng bốn chữ đói ăn mệt ngủ này mang tính chất cụ thể của ý nghĩa tùy duyên. Cụ thể thế nào?

*

Bởi vì vạn sự tùy duyên là khi nhu cầu đến chúng ta giải quyết ngay nhu cầu đó, đừng băn khoăn, đừng lo liệu, đừng sợ hãi. Đói ăn, mệt ngủ tức là những nhu cầu trong sinh hoạt bình thường của chúng ta. Tùy theo hoàn cảnh mà mình giải quyết, đừng tính toán băn khoăn hay trông đợi gì cả, đó là tùy duyên.

Nếu chúng ta băn khoăn, tính toan, lo sợ v.v… trước hoàn cảnh hiện tại, cứ do dự mãi nên không giải quyết được gì cả, đó là chưa biết tùy duyên. Nghĩa là khi nào có sự việc xảy đến, chúng ta cứ ngay đó giải quyết, không nghĩ đây là việc to rồi hồi hộp sợ hãi; không nói đây là lợi tâm sanh vui mừng, hoặc đây là hại nên bực bội tức tối.

Tùy duyên giải quyết, việc gì đến thì làm một cách an nhàn tự tại, đó là sống tùy duyên. Còn giải quyết bằng cách cau có bực bội là chưa biết tùy duyên. Muốn sống giữa cõi đời mà vẫn vui với đạo thì phải biết ý nghĩa tùy duyên ấy. Nếu gặp việc thuận thì mừng, việc nghịch thì giận là chưa tùy duyên. Người như thế không thể tìm nguồn vui của đạo ở trong lòng cuộc đời.

*

Hai câu này đã nói lên một pháp tu rồi. Tu cả đời cũng chưa xong nữa. Làm sao trong cuộc sống này mọi việc xảy ra đều được như ý chúng ta hết. Phần nhiều sự việc như ý ít mà việc bất như ý thì nhiều. Nếu mình không biết tùy duyên, gặp việc bất như ý buồn khổ năm bảy ngày, như vậy một đời người chúng ta lăn lộn trong cõi trần chịu khổ đến bao nhiêu? Làm sao vui với đạo được!

Nhờ biết tùy duyên, sự việc đến chúng ta bình thản giải quyết, không lo lắng sợ sệt. Cũng như khi đói gặp cơm thì ăn. Có gì ăn nấy không đòi hỏi món này món nọ, không chê khen ngon dở. Khi mệt nằm xuống liền ngủ, không nghĩ xa nghĩ gần, không toan tính việc gì cả.

Người sống như vậy là tùy duyên. Chớ đừng nghĩ tùy duyên đói ăn mệt ngủ, rồi đói lúc nào lôi cơm ăn lúc ấy, mệt lúc nào nằm ì ra ngủ lúc đó, không biết giờ khắc tu hành gì hết, thì không được. Hiểu như thế chúng ta mới thấy tinh thần tu của Sơ tổ Trúc Lâm…”

( Vạn sự tùy duyên nghĩa là gì )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tham sống sợ Chết – Vì sao chúng ta sợ cái Chết

29 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog