Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm giảng giải
Pháp Giới 8 tháng trước

Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm giảng giải

“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là khởi tâm niệm song chẳng trụ trước vào đâu cả. “Chẳng trụ trước” tức là khởi tâm động niệm mà chẳng trụ trước vào bất kỳ quan niệm, tình cảm hay hình tướng gì cả. Câu này nằm trong Kinh Kim Cang và gắn liền với điển tích khai ngộ của đức Lục Tổ. 

Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm là một công án nổi tiếng trong Thiền Tông. Trong Thiền tông, lúc Tổ Bồ -đề-đạt-ma truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả, Tổ trao bốn quyển kinh Lăng-già để làm tâm ấn. Đến đời Ngũ Tổ, thấy Kim Cang là quyển kinh tối yếu trong nhà Thiền, Ngài dạy: Chẳng những Tăng Ni mà cả cư sĩ đều nên trì tụng kinh Kim Cang.

Ngũ Tổ chủ trương dùng kinh Kim Cang để ấn tâm. Thế nên khi Lục Tổ đến học, vào trước giờ truyền y bát, Ngài đem kinh Kim Cang ra giảng. Khi giảng đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Lục Tổ hoàn toàn liễu ngộ. Như vậy Lục Tổ ngộ đạo và được truyền y bát cũng nhân nơi kinh Kim Cang. Do đó chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của kinh này đối với Thiền tông. Sau này kinh Kim Cang được xem như tâm ấn trong nhà Thiền. Trong các chùa, các Thiền viện bộ kinh này được xem như kinh Nhật tụng.

  • Thập Thiện nghiệp là gì.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Âm đức là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Kinh Địa Tạng.
  • Chuyện nhân quả báo ứng.
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm giảng giải
Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm

Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm

Hòa Thượng Thanh Từ giảng: “….Tóm tắt lại xem bộ kinh Kim Cang dạy chúng ta những gì? Toàn bộ kinh Kim Cang chia làm ba mươi hai phần. Trong ba mươi hai phần này, chủ yếu có hai điểm chánh:

  1. Điểm thứ nhất là ngài Tu-bồ-đề hỏi làm sao hàng phục tâm
  2. Điểm thứ hai là hỏi làm sao trụ tâm.

Khi ngài Tu-bồ-đề hỏi hàng phục tâm, an trụ tâm là hỏi cho ai? – Cho người cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Có người thiện nam, thiện nữ phát tâm tu hành, cầu giác ngộ làm sao hàng phục tâm, làm sao an trụ tâm?

Hàng phục tâm, an trụ tâm là hai điểm chủ yếu của bộ kinh. Đức Phật dạy như thế nào? Lý đáng thì câu hỏi đầu là an trụ tâm, câu hỏi kế là hàng phục tâm. Nhưng khi trả lời, Phật dạy hàng phục tâm trước rồi an trụ tâm sau.

Đức Phật dạy: Muốn hàng phục tâm thì phải phát tâm độ tất cả chúng sanh, thai sanh, thấp sanh v.v… vào Vô dư y Niết -bàn mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Nói tóm lại muốn hàng phục được tâm thì phải độ tất cả những niệm tưởng về: Có sắc, niệm tưởng về không sắc, về có tưởng, về không tưởng v.v… vào chỗ vô sanh, đưa chúng vào chỗ vô sanh không còn tăm dạng. Muốn an trụ tâm phải làm sao?

*

Đức Phật dạy: Muốn tâm an trụ thì đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tức là đối với sáu trần, Bồ-tát bố thí không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, tức là không để cho tâm kẹt vào sáu trần.

Tâm không dính với sáu trần thì đó là trụ tâm. Như thế sáu trần là cái cớ để tâm mình động. Nghĩa là mắt thấy sắc, tâm chạy theo sắc, là tâm động. Trái lại mắt thấy sắc mà tâm không chạy theo sắc, là tâm trụ, tai nghe tiếng mà tâm không chạy theo tiếng; là tâm trụ, trụ mà không trụ, trụ chỗ không trụ. Còn thấy sắc mà chạy theo sắc là không phải trụ; trụ nơi sắc tức là kẹt nơi sắc thì tâm mình động chớ không phải trụ; không trụ nơi sắc thì tâm mới thật an trụ.

Như thế muốn trụ tâm, thì đừng dính với sáu trần. Muốn hàng phục tâm thì buông xả mọi vọng tưởng. Vọng tưởng hết, đó là hàng phục được tâm; không theo sáu trần, đó là an trụ tâm. Tuy nói hai mà dường như không phải hai. Vì an trụ tức là hàng phục, hàng phục tức là an trụ. Nhưng tại sao lại nói thành hai? Hàng phục với an trụ, quý vị thấy cái nào sâu hơn? Nếu chữ hàng phục có công năng là phải dùng sức để đàn áp thì chữ trụ là chỉ buông xả rồi thôi.

*** Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm  – HT Thanh Từ giảng ***

Thế nên hàng phục là giai đoạn đầu, giai đoạn sơ cơ: Khi tâm còn chạy theo cảnh, theo người, tức là theo sáu trần một cách mạnh mẽ. Nếu mình không có phương tiện, không khéo dùng sức mạnh để trị nó thì dừng không được. Vì thế mỗi một niệm tưởng nào dấy lên thì trong giai đoạn đầu mình phải nhìn, phải phá nó bằng mọi phương tiện; hoặc biết nó là vọng rầy la nó; hoặc thấy nó giả dối buông bỏ nó, đó gọi là hàng phục.

Vì lúc đó tâm còn hung hăng, cho nên phải tận dụng khả năng đập đánh nó, nó mới dừng. Còn nói đến an trụ là đối với sáu trần không dính mắc; thấy sắc mà không theo sắc, đó là lúc tâm hơi thuần rồi; nghe tiếng mà không theo tiếng, đó là thuần rồi. Thế nên giai đoạn an trụ là giai đoạn thứ hai khi nó thuần thục.

Vì thế Phật trả lời từ hàng phục đến an trụ, vì giai đoạn hàng phục là giai đoạn dụng công nhiều, còn giai đoạn an trụ là thấy nghe đều buông nên nhẹ nhàng hơn. Tỉ dụ như chúng ta vừa thấy cảnh, tâm liền duyên theo cảnh – Tức thì mình phải nói đây là vọng, là giả dối. Theo cái vọng này là sai, dụng công la rầy, quở phạt nó, đó là hàng phục. Còn an trụ thì chỉ là buông xả. Thế là hai giai đoạn khác nhau rõ ràng, từ hàng phục chúng ta đi đến chỗ an trụ. Một bên dụng công mạnh, một bên dụng công nhẹ, nhẹ là vì nó hơi thuần rồi. Cả hai phần này đều nhắm vào nội tâm”

*

Tuy nhiên nếu chỉ có hai phần trên thì quyển kinh Kim Cang chưa ứng dụng được. Cần phải có phần thứ ba, tức là phải dùng Trí tuệ Bát-nhã thấy tất cả pháp là tướng duyên hợp, không có Tự tánh, chỉ có giả danh. Bởi chỉ có giả danh nên không một pháp nào thật. Do đó không chấp vào pháp và không chấp pháp thì mới có thể hàng phục, an trụ được tâm.

Thế nên điều thứ ba là phải dùng trí tuệ thấy tất cả pháp không thật, chỉ có giả danh. Thế giới không phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Chúng sanh không phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh… Phật lặp đi lặp lại ý nghĩa đó để chúng ta hằng dùng Trí tuệ Bát nhã quán chiếu tất cả pháp là hư giả; rồi sau đó mới hàng phục được tâm, mới an trụ được tâm. Như thế phần thứ ba dường như là sau mà lại ở trước.

Bài kệ cuối cùng đức Phật dạy:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như lộ diệc như điện,

Ưng tác như thị quán.

Phật bảo phải thấy, phải khởi quán như vậy thì mới hàng phục, mới an trụ được tâm. Còn nếu không thấy như thế thì không thể nào làm được hai việc trên. Vì vậy phần này ở sau mà thành ra trước, bởi vì đức Phật phải trả lời hai câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề trước; rồi Ngài mới chỉ cách tu dùng lối quán chiếu để việc hàng phục được dễ, việc an trụ thực hiện được.

*** Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm  – HT Thanh Từ giảng ***

Nếu thiếu phần quán chiếu không thể nào hàng phục tâm và cũng không thể nào an trụ tâm. Vì thế học Bát-nhã chúng ta phải dùng trí tuệ quán chiếu các pháp do duyên hợp, không có Thật thể, chỉ có giả danh. Đó là triết lý “Tánh không duy danh”. Thể tánh các pháp là không thật, chỉ có giả danh; vì giả danh nên nó không phải thật có, cũng không phải thật không. Không kẹt hai bên, đó là tinh thần Trung đạo của đạo Phật. Trái lại nếu kẹt một bên nào hoặc có, hoặc không đều là chưa giải thoát.

Như vậy Kim Cang là Trung đạo, chớ không phải chấp không. Hiểu lý Kim Cang là hiểu lý Trung đạo, không kẹt vào có và không. Thế nên đúng ra chúng ta tu thì trước phải dùng trí tuệ thấy các pháp Tự tánh là không, duyên hợp giả có; kế đó mới hàng phục tâm rồi sau mới an trụ tâm. Thứ tự là như thế, nếu chúng ta không ứng dụng thì không thế nào có kết quả.

*

Nhiều khi học một bộ kinh rồi muốn ứng dụng tu, ta không biết ứng dụng thế nào, không biết chỗ nào là then chốt của sự tu hành. Nay chúng ta phải thấy rõ đầu tiên là ta dùng bốn câu kệ cuối: Quán tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ, như điện, hằng quán như thế là chúng ta đã có Trí tuệ Bát-nhã rồi mới không chấp tướng.

Không chấp tướng rồi mới hàng phục tâm, hàng phục tâm rồi mới an trụ tâm, như thế mới như như bất động và như như bất động là thọ trì kinh Kim Cang, là đọc tụng kinh Kim Cang, là diễn nói kinh Kim Cang. Được như vậy thì phước đức như thế nào? Ở đây tôi nói phước đức sau cùng phải không?

Tôi nhắc lại đứng về không gian, người đem của báu bằng tam thiên đại thiên thế giới bố thí cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Đứng về thời gian, dù đem của báu bằng quả địa cầu bố thí trong muôn ngàn kiếp cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang.

*

Ngay nơi thân mạng, giả sử buổi sáng đem số thân bằng số cát sông Hằng, buổi trưa đem số thân bằng số cát sông Hằng, buổi chiều đem số thân bằng số cát sông Hằng bố thí, cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Nói tóm lại là bố thí nội tài, ngoại tài, dù bao nhiêu đi nữa cũng không bằng ứng dụng trì kinh Kim Cang.

Như thế là đức Phật so sánh tất cả pháp hữu vi không bì được với pháp vô vi bất sanh bất diệt. Không thủ tướng như như bất động, đó là vô vi, còn chấp tướng là hữu vi. Do đó, quý vị thấy từ giai đoạn thứ nhất là hàng phục tâm đến giai đoạn thứ hai là an trụ tâm; giai đoạn thứ ba là quán các pháp huyễn hóa; giai đoạn thứ tư là so sánh công đức trì kinh.

Giờ đây chúng ta đổi lại, đầu tiên là phải quán tất cả pháp hữu vi là hư giả huyễn hóa, kế đến mới hàng phục tâm; kế là an trụ tâm và sau hết mới nói đến công đức vô lượng vô biên, sánh với tất cả công đức hữu vi không công đức nào bì kịp. Đó là trọn vẹn tinh thần quyển kinh Kim Cang. Bốn điều này nếu quí vị nhớ ứng dụng tu được mới biết khả năng, diệu dụng, kết quả sau khi mình tu như thế nào.

Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm giảng giải

Trong Khai Thị, Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Phải làm như chẳng hề làm. Khi làm xong việc gì, đừng chấp trước rằng có được công đức gì.” Ngài giảng kệ: 

Tác lễ vô trụ hóa vãng sanh.

Vô cùng vô tận nghĩa di phong.

Thập phương Như Lai đồng nhiếp thọ.

Ly khổ đắc lạc xuất hỏa khanh.

Nghĩa là:

Không trụ lễ lạy, độ vãng sanh.

Nghĩa lý phong phú chẳng tận cùng.

Mười phương Như Lai đồng tiếp thọ.

Thoát hầm lửa khổ được an vui.

*

Ðạo Phật thường có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (khởi tâm niệm mà chẳng trụ trước vào bất kỳ quan niệm, tình cảm hay hình tướng gì cả). Do đó khi giảng Chú Lăng Nghiêm, tôi có nói rằng: “Tác lễ vô trụ hóa vãng sanh.” Chữ “sanh” này có nghĩa là sanh sanh không ngừng, hóa hóa chẳng dứt. Tác lễ là lễ lạy chư Phật. Vô sở trụ có nghĩa là không chấp trước. Quý-vị nói: “Nếu tôi không tu hành gì hết thì sẽ chẳng có gì chấp trước!” Như vậy là lầm!

Khi tu hành, quý-vị chớ chấp trước là mình có tu. Quý-vị nói: “Nếu lúc không ăn uống mà tôi chẳng chấp trước là tôi không ăn uống, thì cái bụng tôi có chịu đồng ý đâu.” Song le nếu quý-vị ăn no rồi, mà cứ muốn ăn thêm, thì cũng chẳng đúng. Kinh Kim Cang nói: “Khởi tâm niệm song chẳng trụ trước vào đâu cả.”

Hôm nay có một người nghĩ rằng câu “Khởi tâm niệm song chẳng trụ trước vào đâu cả” thì cho rằng không cần tu hành, không cần niệm chú, cũng chẳng cần tụng kinh; vậy thì mới không chấp trước. Không phải vậy đâu!

*

Mình phải “hành sở vô sự” – làm mà như chẳng hề làm. Khi làm việc gì rồi, quý-vị đừng nên chấp trước rằng mình được công đức này nọ, thì đó chính là vô sở trụ. Khi có chỗ trụ trước thì có chỗ dính mắc, chỗ kẹt cứng, không thể siêu thoát được. Do đó, thâm tâm mình chớ trụ trước vào đâu cả, quét sạch hết mọi pháp, xa lìa hết mọi tướng. Lúc đó thì sự sanh sanh hóa hóa (cảnh do chân tâm hiển hiện) sẽ vô cùng vô tận. Do đó câu: “Vô cùng vô tận nghĩa di phong” là nói sự vô cùng tận của ý nghĩa câu Chú Lăng Nghiêm. Ý nghĩa của câu Chú nhiều đến nỗi không còn gì nhiều hơn nữa.

Bởi vì thế khi mình niệm một câu Chú Lăng Nghiêm thì “Thập phương Như Lai đồng nhiếp thọ,” mười phương chư Phật đều nhiếp thọ mình, hệt như khi mình đối xử với một em bé vậy: “Con ơi đừng khóc nữa! Ta cho kẹo đây nè. Ðừng khóc! Chờ một tí ta sẽ cho con trái táo!” Khi em bé nghe trái táo tai nó vểnh lên, chú ý nghe. Cũng vậy, chư Phật mười phương nhiếp thọ quý-vị, khiến quý-vị “ly khổ đắc lạc, xuất hỏa khanh.”

( Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm giảng giải ) 

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chuyện Quán Thế Âm Bồ Tát cảm ứng

41 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog