Tưởng uẩn là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Tưởng uẩn là gì

Tưởng là nhớ lại sự vui khổ của thân tâm, Uẩn là sự tích tụ thành một khối. Tưởng Uẩn có nghĩa là sự tích tụ kinh nghiệm vui khổ của thân tâm trong từ vô thỉ kiếp đến nay thành một khối.

  • Tam giới là gì.
  • Tham sân si là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Ngũ trược ác thế là gì.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Tưởng uẩn là gì
Tưởng uẩn là gì

Nói cách khác: Tưởng uẩn là cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc hay sự kiện. Đây là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Tưởng uẩn còn gọi là Tưởng ấm tức là kinh nghiệm vui khổ trong tàng thức của ta tạo ra sự ngăn che, khiến ta bị che mất chân tánh nên bị sai lệch khi nhìn nhận vấn đề.

Tưởng uẩn đơn giản là kinh nghiệm của Thấy biết

Tưởng uẩn là nhóm tri giác có khả năng nhận biết đối tượng là cái gì, đây là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sự nhận biết đối tượng có hai loại: Một là nhận biết đối tượng bên ngoài như mắt thấy sắc nhận biết đó là vật thể gì. Tai nghe âm thanh nhận ra và phân loại nó là âm thanh gì. Hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong, tức là các đối tượng tâm lý như những khái niệm, hồi tưởng ký ức…

Như vậy, tưởng uẩn là kinh nghiệm về cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc hay sự kiện. Tri giác là một trong những tác dụng của thức.

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, phàm tri giác gì thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn”. Như vậy, những tri giác về các đối tượng bên ngoài, bên trong, thuộc thời gian, không gian; Đơn giản hay phức tạp đều gồm trong tưởng uẩn.

*

Tri giác là tri giác về cái gì, không thể có một tri giác thuần chủ thể; Vì vậy, tưởng bao gồm mọi nhận thức về thế giới vật lý, tâm lý. Tuy nhiên, thế giới vật lý, tâm lý ấy được ký hiệu hóa, khái niệm hóa. Nên giữa tri giác và thực tại luôn có một khoảng cách.

Sự có mặt của tri giác là sự có mặt của kinh nghiệm. Tri giác tùy thuộc vào những kinh nghiệm đã qua, như khi thấy đóa hoa hồng biết đây là đóa hoa hồng. Cái tri giác về đóa hoa hồng đã có sẵn trong chủng tử nên cái kinh nghiệm đã cho biết đó là đóa hoa hồng. Vì vậy tri giác dễ bị đánh lừa bởi kinh nghiệm, do vì thực tại thì luôn sinh động.

Tri giác tồn tại có điều kiện, vì vậy chúng vô thường, trống rỗng; Và do duyên sinh nên tri giác đầy hư vọng mà ta thường gọi là vọng tưởng.(Thích Viên Giác)

Đức Phật dạy về Tưởng Uẩn

Kinh Lăng Nghiêm đức Phật bảo: “A Nan! Ví như có người nghe nói đến me chua thì nước bọt trong miệng chảy ra. Nghĩ đến cảnh khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn, nên biết tưởng uẩn cũng như vậy. A Nan, cái tiếng chua nầy chẳng từ me sinh ra, chẳng phải từ miệng vào.

A Nan! Nếu từ me sinh ra thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Nếu từ miệng mà vào thì tự nhiên đã nghe tiếng, đâu cần đến tai nghe. Nếu riêng lỗ tai nghe, sao nước bọt không chảy lỗ tai lại tuôn ra miệng? Việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Vậy nên biết rằng tưởng uẩn là hư vọng, không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.”

Sự ảnh hưởng của Tưởng uẩn 

Tưởng là nhớ lại hình bóng vui khổ của thân và tâm. Có lúc con người liên tưởng sự khoái lạc của những món ăn ngon. Cũng đôi khi chúng sinh liên tưởng những cảnh bực bội đau khổ khi người khác mắng chửi mình. Do đó, sau khi lục căn tiếp xúc với lục trần để lãnh thọ các cảnh khổ vui và sau đó sanh ra tưởng nhớ. Phật đưa ra hai thí dụ ở trên để cho chúng ta nhận thấy rằng tác động của tưởng uẩn đối với tâm rất quan trọng.

Thí dụ thứ nhất khi lỗ tai chỉ vừa mới nghe nói đến me chua thì tâm đã tưởng tượng như miệng đang ăn me chua nên nước bọt trong miệng mới chảy ra. Nếu cho rằng vì nhân duyên mà có nghĩa là nước bọt có là do me sinh ra tức là cái biết là do me nói chớ không phải do người nói. Nhưng ở đây đâu thật có me và dĩ nhiên me làm gì biết nói nên do nhân duyên sinh là không đúng.

*

Còn nếu nói tự nhiên thì nếu me mà được đưa vào miệng thì tự nhiên đã nghe tiếng chớ đâu cần phải đến tai nghe. Bởi vì nếu lỗ tai nghe thì đáng lẽ ra lỗ tai phải chảy nước bọt chớ đâu phải miệng.

Khi nghĩ đến cảnh đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn, bắt đầu nổi tóc gáy vì sợ mình sắp rơi xuống vực thẳm. Đây chỉ là do sự tưởng tượng mà ra vì thật sự mình đâu có đứng trên dốc cao. Vậy tưởng uẩn không phải là nhân duyên và cũng chẳng là tự nhiên.

Con người thường đặt tên cho các sự vật trong thế gian này để phân biệt mà gọi, nhưng rồi lại nương theo những tên gọi mà tưởng tượng ra sự vật và từ đó mới phát sinh ra lòng tham đắm si mê cũng vì những danh tướng giả dối, không thật mà tạo ra lắm điều tội ác để phải chịu quả khổ đời đời.(HT. Tuyên Hóa)

Một ví dụ điển hình về tác hại của Tưởng uẩn

Ngày nọ, mẹ tôi mắng tôi rất oan ức, tôi đau đớn và khóc. Sau đó, mỗi lần tôi kể lại cho người khác nghe, tôi cảm thấy đau đớn rồi khóc lần nữa. Thậm chí, khi không có ai bên cạnh để kể, tôi đã nhớ và “sống” lại cảnh tượng, lời nói, cảm xúc lúc mẹ tôi mắng. Rồi tôi đau đớn và khóc như sự việc vừa mới xảy ra.

Sau hai tuần, tôi đã đau khổ và khóc lóc tổng cộng mười tám lần! Nếu tư tưởng trên theo tôi đến hết cuộc đời còn lại thì không biết sẽ còn bao nhiêu lần đau đớn và khóc lóc nữa. Trên thực tế thì trong quá khứ, mẹ tôi mắng tôi chỉ một lần mà thôi”.

*

Lúc vợ chồng còn trẻ, chồng bà ấy có lăng nhăng tình cảm với một cô bạn. Sau lỗi lầm đó thì ông ấy đã sửa đổi và trở thành một người chồng tốt, trung thành và thương yêu vợ hết mực. Tuy nhiên, bà cứ nhớ và nhắc lại chuyện cũ, rồi đau lòng, khóc lóc như vậy suốt … bốn mươi năm chung sống.

Ngay cả sau khi ông đã mất, trí của bà vẫn không thể xóa nhòa những ký ức đau buồn kia. Mỗi lần bà ra thăm mộ, trí bà vẫn tiếp tục hồi tưởng lại chuyện cũ… Mãi cho đến bây giờ, ký ức ấy vẫn xuất hiện mỗi khi bà đi viếng mộ ông.

Hai câu chuyện ngắn trên đây cho ta thấy cái nhìn đơn giản nhất về sự sai lệch của Tưởng uẩn che mất chân tánh. Kinh nghiệm và sự sai biệt của tưởng uẩn nó làm chúng ta khổ như thế đó!

(Tưởng uẩn là gì)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Nguyện ước của mẹ

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog