Tứ Trọng Ân là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Tứ Trọng Ân là gì

Tứ Trọng Ân là bốn ân sâu nặng mà chúng ta không bao giờ có thể báo đáp cho trọn vẹn được, bốn ân đó là:

  1. Ân Cha mẹ.
  2. Ân Chúng sanh.
  3. Ân Quốc vương.
  4. Ân Tam Bảo. 
Tứ Trọng Ân là gì
Tứ Trọng Ân là gì
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Tự lực và Tha lực niệm Phật
  • 10 điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời& Đạo nghiệp
  • Hòa Thượng Hư Vân, Cuộc đời và Đạo nghiệp
  • Chuyện tâm linh có thật.

Lời Phật dạy về Tứ Trọng Ân

Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán, đức Phật dạy: “Ơn của thế-gian và xuất-thế-gian có bốn bậc: Một là, ơn cha mẹ. Hai là, ơn chúng-sinh. Ba là, ơn Quốc-vương. Bốn là, ơn Tam-bảo. Bốn ơn như thế, hết thảy chúng sinh đều bình-đẳng gánh chịu.

Tứ Trọng Ân: 1. Ân Cha mẹ

Thiện-nam-tử! ƠN CHA MẸ: Cha có “từ-ân”, mẹ có “bi-ân”. Bi-ân của mẹ, nếu Tôi ở đời trong một kiếp để nói về ơn ấy cũng không thể hết được. Nay Tôi vì các ông nói một ít phần về công ơn ấy để các ông hiểu: Giả-sử có người vì việc phúc-đức, cung-kính, cúng dàng một trăm vị Đại-bà-la-môn tịnh-hạnh, một trăm vị Đại-thần-tiên được năm pháp thần-thông, một trăm người bạn lành, xếp đặt cho các vị ấy ở yên trong nhà thất-bảo rất đẹp;

Đem trăm nghìn thứ đồ ăn ngon quý, y-phục bằng mọi thứ báu tua rủ các chuỗi ngọc, dựng các phòng xá bằng gỗ chiên-đàn, trầm-hương, chăn gối, giường nằm trang-nghiêm bằng trăm báu, cùng trăm thứ thuốc thang chữa khỏi các bệnh và nhất tâm cúng-dàng trọn trăm nghìn kiếp, cũng không bằng một niệm để tâm hiếu-thuận, đem chút ít vật nuôi nấng sắc-thân bi-mẫu. Và, theo chỗ cúng dàng hầu hạ ấy, đem so-sánh với công-đức trước thời đến trăm nghìn vạn phần cũng không thể nào xét lường kịp.

Sự thương nhớ con của bi-mẫu ở thế-gian không gì sánh được. Ân ấy đến với con ngay từ khi chưa có hình-hài. Nghĩa là bắt đầu từ khi thụ-thai, trải trong mười tháng, đi đứng, ngồi, nằm, mẹ chịu mọi khổ-não, không thể dùng miệng mà nói hết được. Tuy có những sự dục-lạc, ẩm-thực, y-phục nhưng, mẹ vẫn không sinh tâm ưa thích, mà tâm mẹ chỉ luôn luôn lo nghĩ đến con không quên nhãng.

*

Hãy tự suy-nghĩ: khi sắp sinh-sản, mẹ âm-thầm chịu đựng mọi khổ, ngày đêm sầu-não. Nhưng, đến lúc lâm-bồn, sự đau-khổ ấy quá đỗi, như trăm nghìn mũi nhọn bâu vào cắt xé, thực không thể nào kể xiết được, có khi đến chết. Sinh nở rồi, mẹ không còn bị khổ-não gì nữa, lúc đó họ hàng thân-thích vui mừng vô tận, cũng như người đàn bà nghèo được ngọc Như-ý. Khi đứa con cất tiếng khóc chào đời, mẹ như là người nghe được âm-nhạc.

Mẹ dùng ngực mẹ làm nơi ngủ-nghỉ của con và trên hai đầu gối mẹ, thường thường là nơi chơi giỡn của con. Trong nơi ngực mẹ tuôn ra những dòng sữa như nước suối cam-lộ để nuôi lớn con. Ơn nuôi lớn ấy nhiều hơn trời đất và đức thương-xót ấy rộng lớn không gì sánh được. “Thế-gian, núi non là cao, ơn bi-mẫu còn cao hơn thế – cao hơn cả núi Tu-di. Thế-gian cõi đất là nặng, ơn bi-mẫu còn nặng hơn thế!”

Thảng-hoặc có con trai, con gái nào bội-ân, không hiếu-thuận với cha mẹ, làm cho cha mẹ sinh tâm oán-niệm, mà mẹ bực-bội, thốt ra một lời nói ác, tức thời con phải sa-đọa theo lời nói ấy, hoặc vào địa-ngục, hay ngã-quỷ, súc-sinh. Thế-gian, nhanh gì hơn gió dữ, một chút oán-niệm của cha mẹ còn nhanh hơn gió ấy, hết thảy Như-Lai, chư Thiên, Kim-cương cùng các vị Tiên được năm pháp thần-thông… không cứu-hộ được.

*

Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào theo lời dạy bảo của bi-mẫu và thừa-thuận không trái, thời được chư Thiên hộ-niệm, phúc-lạc vô-tận. Những nam, nữ ấy tức là dòng giống tôn-quý của Thiên, Nhân, hoặc là Bồ-tát vì độ chúng-sinh, hiện làm nam, nữ đem lại lợi-ích cho cha mẹ.

Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào vì báo ơn cha mẹ, suốt một kiếp mỗi ngày ba thời, tự cắt thịt mình để nuôi cha mẹ, cũng chưa trả được công ơn một ngày của cha mẹ. Sở-dĩ thế là sao? – Hết thảy nam, nữ ở trong thai mẹ, miệng nút cuống vú, uống huyết mẹ, khi ra khỏi bào-thai, trước thời ấu-trĩ, uống hết một trăm tám mươi hộc sữa của mẹ; mẹ được chút vị bổ nào đều cho con cả, ngay đến những y-phục quý tốt cũng đều như thế. Và, dù rằng bị người con ngu-si, xấu-xí đi nữa, tình yêu con của mẹ cũng chỉ là một không hai.

Xem như xưa kia, có người đàn bà đi chơi xa tại nước người, bế con lội qua sông Hằng, không ngờ nước sông lên to, chảy mạnh, sức yếu không vượt qua nổi, lại yêu mến con quá, không nỡ rời bỏ con, nên cả hai mẹ con đều chết chìm. Song, bởi sức từ-tâm, thiện-căn ấy, tức thời người mẹ được sinh lên cõi Sắc-cứu-cánh-thiên, làm Đại-phạm-vương.

*

Do nhân-duyên ấy, mẹ có mười đức: Một là, như đại-địa: vì trong thai mẹ là chỗ nương-tựa của con. Hai là, năng-sinh: mẹ phải trải qua mọi sự khổ-não mới sinh được con. Ba là, năng-chính: thường do tay mẹ ve-vuốt, uốn-nắn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân con. Bốn là, dưỡng-dục: mẹ phải theo hợp bốn mùa mà nuôi-nấng con khôn lớn.

Năm là, trí-giả: mẹ thường dùng phương-tiện, làm cho con sinh trí-tuệ. Sáu là, trang-nghiêm: mẹ lấy những chuỗi ngọc đẹp trang-sức cho con. Bảy là, an-ẩn: mẹ ôm-ấp con, làm cho con nghỉ-ngơi an-lành. Tám là, giáo-thụ: mẹ dùng phương-tiện khéo dắt-dẫn con. Chín là, giáo-giới: mẹ dùng lời nói lành để con xa-lìa những điều ác. Mười là, cho gia-nghiệp: mẹ thường đem gia-nghiệp giao lại cho con. 

Thiện-nam-tử! “Ở thế-gian này gì là rất giàu? gì là rất nghèo? -Bi-mẫu tại đường, là giàu; bi-mẫu bất-tại là nghèo; bi-mẫu còn sống là mặt trời giữa trưa, bi-mẫu mất đi là mặt trời đã lặn; bi-mẫu còn sống là mặt trăng sáng, bi-mẫu mất đi là đêm tối! Thế nên, các ông nên siêng-năng tu-tập về sự hiếu-dưỡng phụ-mẫu thêm, thời như người cúng Phật, phúc-báo ấy và phúc-báo này bằng nhau không khác! Các ông nên báo ơn phụ-mẫu như thế!”

Tứ Trọng Ân: 2. Ân Chúng Sanh

Thiện-nam-tử! ƠN CHÚNG-SINH: Hết thảy chúng-sinh, từ đời vô-thủy đến nay, luân-chuyển trong năm đường: thiên, nhân, địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh, trải trăm nghìn kiếp và ở trong nhiều đời thường làm cha mẹ lẫn nhau. Vì làm cha mẹ lẫn nhau nên hết thảy nam-tử là từ-phụ, hết thảy nữ-nhân là bi-mẫu. Và, trong đời đời kiếp kiếp xưa kia cũng có tâm đại-bi như ơn của cha mẹ hiện-tại không khác.

Như thế, các ơn xưa chưa trả được, rồi, hoặc nhân vọng-nghiệp sinh ra các sự thuận, nghịch, vì sự chấp-trước trở lại thành ra oán-hại lẫn nhau. Sao vậy? -Xưa có trí-tuệ sáng-suốt nhưng, vì vô-minh che-lấp, không hiểu đời trước mình đã từng làm cha mẹ lẫn nhau, chỗ đáng trả ơn là làm lợi-ích lẫn nhau, mà không làm lợi-ích lẫn nhau là bất-hiếu! Bởi nhân-duyên ấy, các loài chúng-sinh trong hết thảy thời, cũng có ơn lớn, thực là khó trả. Những sự như thế là ơn chúng-sinh!

Tứ Trọng Ân: 3. Ân Quốc Vương

ƠN QUỐC-VƯƠNG: Vị đứng chủ một nước là người có đủ phúc-đức tối-thắng. Vị ấy tuy sinh trong cõi nhân-gian nhưng, được tự-tại, các Thiên-tử trong cõi Tam-thập tam-thiên thường giúp sức, thường hộ-trì và đối với quốc-giới, sơn-hà, đại-địa, tận cùng bể cả đều thuộc quyền nơi Quốc-vương. Vị ấy là một người có phúc-đức tối-thắng hơn hết thảy phúc của chúng-sinh. Vị ấy là vị Đại-thánh-vương dùng chính-pháp giáo-hóa, khiến chúng-sinh đều được yên vui.

Ví như hết thảy điện đường của thế-gian, trụ (cột) là căn-bản; nhân-dân thịnh-vượng, vui-vẻ, Quốc-vương là căn-bản, vì phải y vào chính-pháp của Quốc-vương mới có. Như ngoại-đạo cho Phạm-vương sinh ra muôn vật, thì đây, Thánh-vương đặt ra pháp-luật trị nước, làm lợi-ích chúng-sinh cũng vậy. Như mặt trời soi sáng thế-gian, Thánh-vương cũng hay quan-sát thiên-hạ, đem lại sự yên-vui cho nhân-dân.

Quốc-vương làm mất chính-trị, nhân-dân không có chỗ nương tựa. Nếu Quốc-vương đem chính-pháp giáo-hóa, tám sự khủng-bố lớn-lao không xâm-nhập vào trong nước được. Tám sự khủng-bố ấy là: nước ngoài xâm-bức, phản-nghịch trong cõi, ác-quỷ tật-bệnh, đất nước đói thiếu, gió mưa trái thời, gió mưa quá thời, nhật-thực, nguyệt-thực và tinh-tú biến-quái. Nhân-vương dùng chính hóa, lợi-ích nhân-dân, tám nạn như thế không xâm-phạm được.

*

Ví như ông Trưởng giả chỉ có một con, yêu-mến hơn hết, ông luôn luôn thuơng-xót con, cho con sự lợi-ích cho con sự yên vui, ngày đêm không rời. Vị Đại-thánh-vương trong nước cũng như thế, đồng coi quần sinh như con một, tâm ủng-hộ họ ngày đêm không rời. Nhân-vương như thế hay khiến chúng-sinh tu mười điều thiện, nên gọi là “Phúc-đức-vương”, vị nào không làm cho chúng-sinh tu thiện là “phi-phúc-chủ”. Sở dĩ thế là sao?

– Nếu một người tu thiện ở trong Vương-quốc, sự tác phúc của họ chia làm bảy phần, người làm thiện được năm phần, Quốc-vương kia được hai phần. Trái lại, nhân lành của Quốc-vương tu, nhân-dân cũng đồng được phúc-lợi. Và, nếu tạo mười nghiệp ác cũng như thế, nghĩa là, cũng đồng như sự ấy. Hết thảy những vật sinh nơi ruộng đất, vườn, rừng trong nước đều chia làm bảy phần, cũng lại như thế.

Nếu có Nhân-vương thành-tựu chính-kiến, như pháp dạy đời, thời gọi vị ấy là “Thiên-chúa” – vì vị ấy đem pháp lành của cõi Thiên dạy thế-gian -; chư Thiên, Thiện-thần cùng Hộ-thế-vương thường lại giúp-đỡ và giữ-gìn vương-cung. Nhân-vương tuy ở nhân-gian nhưng, tu-hành theo nghiệp của cõi Thiên, nên tâm thưởng, phạt không thiên-lệch. Chính-pháp của hết thảy Thánh-vương đều như thế!

*

Thánh-vương như thế gọi là “Chính-pháp-vương”. Và, bởi nhân-duyên ấy Chính-pháp-vương thành-tựu mười đức: Một là, soi sáng (năng-chiếu): đem mắt trí-tuệ soi-sáng thế-gian. Hai là, trang-nghiêm: đem phúc-đức, trí-tuệ trang-nghiêm đất nước. Ba là, cho vui (dữ lạc): đem đại-an-lạc cho nhân-dân. Bốn là, dẹp oán (phục-oán): hết thảy giặc oán tự-nhiên chịu nép. Năm là, khởi sợ (ly bố): đánh lùi tám nạn, lìa khỏi sợ-hãi.

Sáu là, trụ-hiền (ở với người hiền): họp các người hiền bàn-bạc việc nước. Bảy là, pháp-bản (gốc của chính-pháp): muôn họ an-cư nương nhờ Quốc-vương. Tám là, trì-thế (giữ-gìn thế-gian): đem pháp của Thiên-vương giữ-gìn thế-gian. Chín là, nghiệp-chủ (chủ của mọi nghiệp): các nghiệp thiện-ác đều thuộc Quốc-vương. Mười là, nhân-chủ: hết thảy nhân-dân, Quốc-vương là chủ. Hết thảy Quốc-vương, bởi phúc-đức đời trước thành-tựu mười thắng-đức như thế”.

Vì thế, Đại-phạm-thiên-vương cùng Đao-lỵ-thiên thường giúp Nhân-vương hưởng-thụ những sự vui thắng-diệu; các La-sát-vương và chư Thần… tuy không hiện-thân giúp-đỡ nhưng, ngấm-ngầm lại vệ-hộ Nhân-vương cùng quyến-thuộc Nhân-vương.

*

Nhân-vương thấy nhân-dân tạo các nghiệp ác không ngăn-cấm được, chư Thiên, Thần…đều xa-tránh. Nếu thấy nhân-dân tu thiện chư Thiên, Thần…vui-mừng, tán-thán và hết thảy đều xướng rằng: “Thánh-vương ta!…” long, thiên vui-mừng, rưới nước mưa Cam-lộ, ngũ-cốc thành-thục, nhân-dân vui-vẻ, thịnh-vượng.

Nếu Nhân-vương không gần những người ác, chăm làm lợi-ích cho khắp thế-gian đều theo chính-hóa, thời ngọc báu Như-ý hiện ngay trong vương-quốc, các vua nước láng-diềng đều quy-phục, nhân, phi-nhân đều khen-ngợi. Và, nếu có ác-nhân ở trong vương-quốc sinh tâm phản-nghịch, trong chốc-lát, phúc của người ấy tự suy-diệt, mất đi, phải sa-đọa trong địa-ngục, qua sang súc-sinh chịu đủ mọi thứ đau-khổ.

Sở-dĩ thế là sao? Bởi vì không biết ân-đức Thánh-vương, khởi ra những sự ác-nghiệp, nên phải quả-báo như thế. Nếu có nhân-dân thực-hành thiện-tâm, cung-kính, giúp-đỡ Nhân-vương và tôn-trọng như Phật, hiện-thế người ấy được yên-ổn, thịnh-vượng, vui-vẻ, có mong-cầu gì đều được vừa lòng. Sở-dĩ thế là sao? Hết thảy Quốc-vương trong thời-gian quá-khứ đã từng thụ-giới cấm thanh-tịnh của Như-Lai và đã thường làm Nhân-vương hưởng sự an-ổn, khoái-lạc. Bởi nhân-duyên ấy, quả-báo trái hay thuận đều như vang ứng tiếng. Ân-đức Thánh-vương rộng lớn như thế!

Tứ Trọng Ân: 4. Ân Tam Bảo

Thiện-nam-tử! ƠN TAM BẢO: Ơn Tam-bảo là ơn không thể nghĩ, bàn được, vì Tam-bảo luôn luôn đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh không có thời nào và chỗ nào dừng nghỉ.

Thân chư Phật là chân-thiện vô-lậu, do tu nhân trong vô-số đại-kiếp mà chứng được. Chư Phật dứt hết nghiệp-quả ba cõi, công-đức như núi báu rực-rỡ, không gì so-sánh kịp, mà hết thảy hữu-tình không biết. Phúc-đức chư Phật rất sâu như bể cả, trí-tuệ vô-ngại như hư-không, thần-thông biến-hóa tràn đầy thế-gian, ánh sáng soi khắp mười phương ba đời.

Hết thảy chúng-sinh bị phiền-não nghiệp-chướng ngăn-che không hiểu biết gì, nên phải chìm-đắm trong bể khổ sinh-tử vô cùng. Tam-bảo ra đời làm Đại-thuyền-sư, ngăn chặn dòng ái-dục, để chúng-sinh vượt lên bờ Niết-bàn. Những bậc có trí ai cũng đều chiêm-ngưỡng!

Thiện-nam-tử! Duy một ngôi PHẬT-BẢO đầy-đủ ba thân: Một là, tự-tính-thân. Hai là, thụ-dụng-thân. Ba là, biến-hóa-thân.

Phật thân thứ nhất có ĐẠI-ĐOẠN-ĐỨC, là chỗ hiển-lộ nhị-không, hết thảy chư Phật đều bình-đẳng.

Phật thân thứ hai có ĐẠI-TRÍ-ĐỨC chân thường vô-lậu, hết thảy chư Phật đều đồng-ý.

Phật thân thứ ba có ĐẠI-ÂN-ĐỨC định-thông biến-hiện, hết thảy chư Phật đều đồng-sự.

Thiện-nam-tử! Tự-tính-thân của chư Phật vô-thủy, vô-chung, lìa hết thảy tướng, dứt mọi hí-luận, tròn đầy, cùng khắp không còn bờ mé và lắng-im thường-trụ.

*

Thụ-dụng-thân ấy có hai tướng: Một là, TỰ-THỤ-DỤNG-THÂN. Hai là, THA-THỤ-DỤNG THÂN.

Tự-thụ-dụng-thân do tu muôn hạnh , đem lại lợi-ích yên-vui cho các chúng-sinh trong ba vô-số kiếp, được Thập-địa mãn-tâm, vận-dụng thân-lực đi thẳng đến cõi Sắc-cứu-cánh-thiên, vượt quá quốc-độ thanh-tịnh vi-diệu trong ba cõi, ngồi trên hoa sen vô-số lượng đại-bảo, mà các Bồ-tát số nhiều không thể nói được, ở trong hải-hội vây quanh trước sau, đem lụa vô-cấu kết trên đỉnh đầu, cúng-dàng cung-kính, tôn-trọng, tán-thán, như thế gọi là “lợi-ích hậu-báo”.

Khi ấy, Bồ-tát nhập Kim-cương-định, dứt bỏ hết thảy sở-tri-chướng, phiền-não-chướng vi-tế, chứng được vô-thượng chính-đẳng, chính-giác; diệu-quả như thế gọi là “lợi-ích hiện-tiền”. Chân-báo-thân ấy hữu thủy (có trước), vô chung (không sau), thọ mệnh tùy theo sự mong-muốn, kiếp số không có hạn-lượng. Và, lại từ khi bắt đầu thành chính-giác cho đến lúc tận cùng thuở vị-lai, các căn-tướng tốt trang-nghiêm cùng khắp pháp-giới.

Bốn trí viên-mãn là chân-báo-thân thụ-dụng-pháp-lạc:

*

Một là, ĐẠI-VIÊN-CẢNH-TRÍ: Chuyển Dị-thục-thức, được trí-tuệ này, như tấm gương tròn lớn hiện đủ các sắc-tướng. Như thế trong gương trí-tuệ (kính-trí) của Như-Lai, hay hiện ra các nghiệp thiện, ác của chúng-sinh. Bởi nhân-duyên ấy, trí-tuệ này gọi là “Đại-viên-kính-trí”. Y vào đại-bi nên thường duyên với chúng-sinh, y vào đại-trí nên thường như pháp-tính, quán-sát song-song cả chân-đế, tục-đế, không gián-đoạn, thường chấp giữ căn-thân vô-lậu và là chỗ y-chỉ của hết thảy công-đức.

Hai là, BÌNH-ĐẲNG-TÁNH-TRÍ: Chuyển Ngã-kiến-thức được trí-tuệ này. Vì chứng được ngã-tính tự-tha bình-đẳng không hai, như thế nên gọi là “Bình-đẳng-tính-trí”.

Ba là, DIỆU-QUÁN-SÁT-TRÍ: Chuyển Phân-biệt-thức, được trí-tuệ này. Hay quán-sát tự-tướng, cộng-tướng của mọi pháp và ở trước chúng-hội nói mọi pháp nhiệm-mầu, làm cho chúng-sinh chứng được Bất-thoái-chuyển. Bởi thế nên gọi là “Diệu-quán-sát-trí”.

Bốn là, THÀNH-SỞ-TÁC-TRÍ: Chuyển nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân-thức được trí-tuệ này, hay hiện ra hết thảy mọi hóa-thân, làm cho chúng-sinh thành-thục thiện-nghiệp. Bởi nhân-duyên ấy nên gọi là “Thành-sở-tác-trí”.

Bốn trí ấy là trí-tuệ trên hết, đầy-đủ tám vạn bốn nghìn trí-tuệ-môn. Hết thảy các công-đức-pháp như thế gọi là “Tự-thụ-dụng-thân” của Như-Lai.

*

Thiện-nam-tử! Hai là, Tha-thụ-dụng-thân của Như-Lai đầy-đủ tám vạn bốn nghìn tướng tốt, ở nơi chân-tịnh-độ, nói pháp Nhất-thừa, làm cho các Bồ-tát thụ-dụng được pháp-lạc vi-diệu của Đại-thừa. Hết thảy Như-Lai vì hóa-độ các Bồ-tát-chúng nơi Thập-địa, hiện ra mười loại tha-thụ-dụng-thân: Phật thân thứ nhất ngồi trên hoa sen trăm cánh vì Bồ-tát Sơ-địa nói về trăm pháp-minh-môn; Bồ-tát ngộ rồi, hiện ra thần-thông biến-hóa lớn-lao, cùng khắp trong trăm thế-giới của chư Phật, đem lại lợi-ích yên-vui cho vô-số chúng-sinh.

Phật thân thứ hai ngồi trên hoa sen nghìn cánh, vì Bồ-tát Nhị-địa nói về nghìn pháp-minh-môn; Bồ-tát ngộ rồi, hiện ra thần-thông biến-hóa lớn-lao, cùng khắp trong nghìn thế-giới của chư Phật, đem lại lợi-ích yên-vui cho vô-lượng chúng-sinh. Phật thân thứ ba, ngồi trên hoa sen muôn cánh, vì Bồ-tát Tam-địa, nói về muôn pháp-minh-môn; Bồ-tát ngộ rồi, hiện ra thần-thông biến-hóa lớn-lao, cùng khắp trong muôn quốc-độ của chư Phật, đem lại lợi-ích yên-vui cho vô số chúng-sinh.

*

Như thế, Như-Lai tăng-trưởng dần dần, cho đến tha-thụ-dụng-thân nơi Thập-địa, ngồi trên hoa sen diệu-bảo không thể nói được, vì Bồ-tát Thập-địa nói về các pháp-minh-môn số nhiều không thể nói được;

Bồ-tát ngộ rồi, hiện ra thần-thông biến-hóa lớn-lao, cùng khắp quốc-độ vi-diệu của chư Phật, số nhiều không thể nói được, đem lại lợi-ích yên-vui cho vô-lượng, vô-biên chủng-loại chúng-sinh với con số nhiều không thể tuyên-thuyết, không thể tuyên-thuyết được. Mười thân như thế, đều ngồi nơi cây Bồ-đề bằng bảy báu, chứng được vô-thượng chính-đẳng, chính-giác.

*

Các thiện-nam-tử! Mỗi một cánh hoa đều là một tam-thiên thế-giới, trong đó đều có trăm ức núi Diệu-cao cùng bốn đại-châu, mặt-trời, trăng, sao và chư thiên trong ba cõi cũng đầy-đủ cả. Các Nam-thiệm-bộ-châu ở trên mỗi cánh sen, có tòa Kim-cương, cây Bồ-đề, có trăm nghìn vạn, đến số nhiều không thể nói được những hóa Phật lớn, nhỏ, đều ở dưới gốc cây, phá ma-quân rồi, nhất thời chứng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác.

Các thân của các hóa Phật lớn, nhỏ như thế đều đầy-đủ ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt, vì các Bồ-tát trong hàng Tư-lương và Tứ-thiện-căn cùng Nhị-thừa, phàm-phu, tùy nghi vì họ nói ra diệu-pháp Tam-thừa. Vì các Bồ-tát nói về sáu Ba-la-mật khiến các vị ấy được Vô-thượng chính-đẳng chính-giác cứu-cánh Phật-tuệ. Vì các vị cầu Bích-chi-Phật nói về mười hai pháp nhân-duyên.

Vì các vị cầu Thanh-văn nói về pháp Tứ-đế, qua sinh, lão, bệnh, tử đến cứu-cánh Niết-bàn. Vì các chúng-sinh khác nói về Nhân-thiên-giáo, khiến họ được diệu-quả an-lạc trong Nhân, Thiên. Các hóa Phật lớn, nhỏ như thế gọi là “Biến-hóa thân của Phật”. Thiện-nam-tử! Hai loại ứng, hóa-thân Phật như thế, tuy hiện ra diệt-độ (nhập Niết-bàn) nhưng, thân Phật ấy vẫn nối tiếp thường-trụ.

*

Các thiện-nam-tử! Như một Phật-bảo có vô-lượng, vô-biên không thể nghĩ, bàn được những ân-đức rộng lớn đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh như thế, nên cũng bởi nhân duyên ấy mà gọi là Như-Lai, Ứng-cúng, Chính-biến-tri, Minh-hành-túc (viên-mãn), Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật, Thế-Tôn.

Thiện-nam-tử! Trong một Phật-bảo đầy-đủ sáu thứ công-đức vi-diệu: Một là, là ngôi vô-thượng có ruộng công-đức lớn-lao trên hết. Hai là, là ngôi vô-thượng có ân-đức lớn. Ba là, là ngôi chí-tôn trong những chúng-sinh không chân, hai chân cho đến nhiều chân. Bốn là, là bậc rất khó gặp, như hoa Ưu-đàm. Năm là, là ngôi độc nhất xuất-hiện trong Tam thiên đại thiên thế-giới. Sáu là, là ngôi đầy-đủ hết thảy nghĩa trong công đức thế-gian và xuất-thế-gian. Y vào chỗ đầy-đủ của sáu thứ công-đức như thế và thường đem lại lợi-lạc cho hết thảy chúng-sinh, thế gọi là ơn “Phật-bảo không thể nghĩ, bàn được!””

( Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán)

Tứ Trọng Ân khó báo

Qua đó thì ta thấy Tứ trọng ân thật khó báo đáp hết được. Kinh Quán Phật Tam Muội Hải dạy rằng: “Nếu có ơn mà không báo đáp, đó chính là nhân đọa vào địa ngục A Tỳ.” Thế nhưng, việc báo đáp bốn ơn sâu nặng, há có thể nhanh chóng sơ sài được sao?

Báo đáp ơn cha mẹ, phải hết lòng hết sức phụng dưỡng, làm cho cha mẹ được vui lòng. Lại phải dẫn dắt cha mẹ vào đường tu tập giáo pháp xuất thế, thoát khỏi luân hồi. Được như vậy mới có thể xem là trọn vẹn.

Báo đáp ơn thầy truyền dạy Chánh pháp: Phải nỗ lực làm đúng theo lời thầy dạy, lại phải cung kính cúng dường hết thảy mọi nhu yếu như thực phẩm, y phục, thuốc men, chỗ ở… Được như vậy mới có thể xem là trọn vẹn.

Đến như ân đức của Phật, thật khó có thể nói đến việc báo đáp cho trọn. Chỉ biết phải nên phát tâm Bồ-đề, lập nguyện sâu rộng cứu độ chúng sinh; Cung kính học theo hạnh nguyện của hàng Bồ Tát.

Bởi thế Đại sư Liên Trì dạy rằng: “Cha mẹ thoát ly được sinh tử luân hồi thì đạo hiếu của người con mới có thể được xem là thành tựu.” Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Đem tấm lòng thành sâu xa này phụng sự hết thảy chúng sinh trong vô số thế giới nhiều như số hạt bụi nhỏ, như vậy gọi là báo đáp ơn Phật.”

Chuyện về báo đáp Tứ Trọng Ân: Lễ Tháp Phật cứu mẹ.

Đời Đường có một người họ Phạm, mẹ là Vương thị vốn hoàn toàn không tin Tam bảo. Tuy ông đã nhiều lần khuyên giải nhưng mẹ ông không chịu nghe theo. Sau ông đến Đông Đô theo Luật sư Chỉ Khánh ở chùa Quảng Ái xuất gia tu hành, pháp hiệu là Tử Lân.

Khi thầy Tử Lân trở lại quê nhà, người mẹ đã mất trước đó 3 năm rồi. Nhân khi có đến miếu thờ Đông Nhạc Đại Đế, thầy Tử Lân ở đó chí thành tụng kinh Pháp Hoa; Nguyện cho gặp được Nhạc Đế để hỏi xem mẹ mình sau khi chết sinh về cõi nào.

*

Một đêm nằm mộng thấy Nhạc Đế hiện đến nói rằng: “Mẹ thầy hiện ở trong địa ngục, chịu khổ vô cùng. Thầy nên đến Mậu sơn lễ bái tháp vua A Dục ở đó, có thể nhờ công đức ấy cứu thoát được mẹ.”

Thầy Tử Lân liền y lời đến lễ tháp vua A Dục. Tại đó, thầy rơi nước mắt mà khấn nguyện, lễ bái rất lâu. Bỗng nghe có tiếng người mẹ tạ ơn rằng: “Nhờ sức con cầu nguyện, nay mẹ đã được sinh lên cõi trời Đao lợi.”

Sau khi đức Phật nhập Niết bàn hơn trăm năm, vua A Dục ra đời. Ông là vị Thiết luân vương cai quản một cõi Diêm phù đề, có khả năng sai sử được quỷ thần. Nhà vua đã tạo 84.000 bảo tháp để tôn trí phụng thờ 84.000 phần xá lợi của đức Phật để lại. Theo sự phân chia của vua thì cứ nơi nào có 100.000 dân sẽ xây dựng một tháp. Tại Trung Hoa, theo những ghi chép được thấy trong sách vở thì có cả thảy 19 tháp. Tháp ở Mậu sơn là một trong số đó.

Chuyện về báo đáp Tứ Trọng Ân: Lòng thành cảm ứng Di cốt của Cha

Vào đời Hậu Chu, tại làng Quý Trụ ở Trường An có một người họ Lý, vốn thật là người thuộc hoàng triều tông thất đời Đường. Người này lên 7 tuổi đã xuất gia tu hành, pháp danh là Đạo Phi.

Năm lên 19 tuổi, gặp lúc vua Đường Trang Tông dời đô về Lạc Dương. Trường An lửa cháy khắp nơi, làng Quý Trụ bị thiêu sạch. Ông liền cõng mẹ chạy vào Hoa sơn. Bấy giờ là lúc lương thực khan hiếm đắt đỏ, Đạo Phi khất thực được rất ít, tự mình không ăn chỉ mang về dâng lên nuôi dưỡng mẹ. Khi mẹ hỏi đã ăn chưa, ông luôn nói là đã ăn rồi.

Mẹ ông thường nói: “Cha con đi đánh trận chết ở Hoắc sơn, hài cốt phơi giữa sương gió. Con có thể tìm đem về an táng được chăng?”

Vì thế, về sau ông liền tìm đến Hoắc sơn, thu nhặt những hài cốt nơi ấy gom về một chỗ rất nhiều. Kế đó ngày đêm tụng kinh, vì cha mà sám hối nghiệp giết hại. Ông lại đứng trước số hài cốt đã thu nhặt được mà khấn rằng: “Trong số rất nhiều hài cốt này, nếu quả có di cốt của cha ta thì xin chuyển động.” Khấn như vậy rồi lại nhất tâm trì tụng kinh điển, mắt nhìn vào đống hài cốt không lúc nào xao lãng.

*

Trải qua nhiều ngày như vậy. Một hôm bỗng có một cái sọ khô nảy vọt ra từ đống xương cốt, rồi lay động rất lâu. Đạo Phi nhìn thấy đầu lâu ấy, đau đớn thống thiết. Ông liền thu nhặt đúng bộ hài cốt từ chỗ đầu lâu nảy ra, rồi mang về.

Đêm ấy, người mẹ nằm mộng thấy chồng quay về. Sáng ra quả nhiên Đạo Phi mang hài cốt về tới. Về sau, pháp sư Đạo Phi được Hoàng đế ban chiếu triệu thỉnh vào kinh đô thuyết pháp hoằng hóa. Danh tiếng ngài vang dội khắp trong triều ngoài nội. 

Sự hiếu thảo có thể phân chia hai loại, hiếu thảo theo pháp thế gian và hiếu thảo theo pháp xuất thế gian. Trường hợp của Pháp sư Đạo Phi là đã bao gồm cả hai loại đó. Đến như pháp sư Đạo Kỷ đời Bắc Tề mỗi lần giảng pháp đưa mẹ đi theo nghe; Pháp sư Pháp Vân đời Lương để tang mẹ hình hài gầy ốm suy kiệt; Pháp sư Giám Tông đời Đường, vì trị bệnh cho cha mà tự cắt thịt ở hai bắp đùi mình; Pháp sư Trí Tụ đời Tùy trong 3 năm để tang mẹ, khóc thương đến nỗi nước mắt chảy ra toàn là máu…

Những trường hợp hiếu thảo như thế thật rất nhiều, sách vở xưa nay không thể nào ghi chép hết. Bảo rằng sau khi đã xuất gia tu hành, không cần phải lo việc phụng dưỡng cha mẹ là sai. Như vậy sao gọi là hiểu được ý nghĩa của câu: “Hiếu với cha mẹ là trì giới” như trong kinh Phạm Võng đã dạy?

Chuyện về báo đáp Tứ Trọng Ân: Bảo vệ Chánh Pháp để Báo ân

Đời nhà Tống có người tên Lữ Mông Chánh, tên tự là Thánh Công. Vào thời Tống Thái Tông, dự thi đỗ tiến sĩ, đứng đầu khoa ấy. Sau làm quan trải qua nhiều lần thay đổi, thăng đến chức Tham tri chính sự; Được phong tước Hứa Quốc công.

Lữ công vào thuở thiếu thời hàn vi từng đến nương náu trong tự viện. Nhờ đó mới được chuyên tâm đọc kinh thư sách sử. Sau khi đã ra làm quan: Trong vòng mười năm, những lúc triều đình cấp cho bổng lộc phí tổn để lo việc tế tự; Ông đều không nhận mà tự mình bỏ tiền ra lo.

Hoàng đế hỏi nguyên nhân, ông đáp: “Hạ thần có chút ơn riêng còn chưa báo đáp.”

Hoàng đế lại muốn biết rõ nên gạn hỏi tiếp, ông liền đem sự thật trình bày. Hoàng đế nói: “Trẫm thật không ngờ từ nơi tự viện có thể phát xuất được bậc nhân tài như thế này.”

Liền truyền ban cho ông áo bào màu tía để tuyên dương tưởng thưởng. Lữ công nhận được bao nhiêu bổng lộc ân thưởng của triều đình…Ông đều mang cúng dường tăng chúng trong chùa để báo đáp ân đức ngày trước.

*

Mỗi ngày ông đều dậy sớm lễ Phật, khấn nguyện rằng: “Nếu là người không tin Phật pháp, xin đừng sinh vào nhà tôi. Nguyện cho con cháu tôi đời đời thọ hưởng bổng lộc phước đức, đều sử dụng để hộ trì Tam bảo.”

Về sau, cháu ông là Lữ Di Giản được phong đến tước Thân Quốc công. Vào mỗi ngày đầu năm mới, sau khi lễ bái trong nhà thờ gia tộc, đều không quên đốt hương khấu lễ thiền sư Quảng Huệ Nguyên Liễn. Con trai của Lữ Di Giản là Lữ Công Trước sau cũng được phong tước Thân Quốc công. Ông ta cũng cung kính đối đãi với thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài giống như vậy.

Sau đến Lữ Hảo Vấn làm quan Tả thừa, lại cũng đối đãi cung kính với thiền sư Viên Chiếu như vậy. Con trai của Hảo Vấn là Lữ Dụng Trung cũng cung kính đối với thiền sư Phật Chiếu như vậy… Quả đúng như lời nguyện của Lữ Mông Chánh, con cháu đều đời đời được phú quý vinh hiển, phụng sự Phật pháp.

Tứ Trọng Ân: Lời kết

Kinh Phật dạy rằng: “Ơn đức chư Phật còn hơn cả ơn cha mẹ.” Nhưng công ơn cha mẹ đã gọi là hết sức sâu nặng, nay lại nói ơn đức chư Phật còn hơn thế nữa là ý nghĩa gì? Nói chung, công ơn cha mẹ tuy sâu nặng, nhưng chỉ giới hạn trong một kiếp sống. Trong khi đó, ơn đức của chư Phật còn xuyên suốt đến tất cả những kiếp sống trong tương lai. Công ơn cha mẹ chỉ là nuôi dưỡng thân thể này; Còn ơn đức của chư Phật là cứu giúp sinh mạng trí tuệ, tâm linh của chúng ta.

Lại như sự dạy dỗ giáo huấn của cha mẹ, bất quá cũng chỉ là dẫn dắt ta đi lên trên đường danh lợi, nếu mê lầm mà vận dụng sai lệch thì ngược lại tạo thêm nghiệp báo. Chư Phật, Bồ Tát có thể chỉ dạy cho chúng ta pháp môn  giải thoát rốt ráo, chỉ cần làm theo lời dạy của các ngài ắt sẽ nhanh chóng thoát khỏi luân hồi.

*

Cha mẹ nếu gặp phải đứa con ngỗ nghịch liền khởi tâm sân hận. Chư Phật, Bồ Tát tuy có gặp những kẻ hủy báng Phật, hủy báng Chánh pháp, vẫn khởi lòng từ bi thương xót vô cùng. Không chỉ là như thế, mà đến như cha mẹ thương yêu con cái cũng không tránh khỏi sự kỳ vọng mai sau sẽ nuôi dưỡng; Lo việc hậu sự tống táng, tế tự cho mình. Còn chư Phật, Bồ Tát thì tuyệt nhiên không có chút mong cầu nào. Dù cứu độ cho hết thảy chúng sinh, nhưng ngay từ đầu đã không hề thấy có tướng trạng chúng sinh được độ.

Cho nên, trong thế gian này thì bội ân bạc nghĩa nặng nề nhất không gì hơn những kẻ không tin Phật, hủy báng Phật pháp. Lữ Mông Chánh phát lời nguyện cho những kẻ như thế không sinh làm con cháu của ông, quả thật đã có được một nhận thức vô cùng sáng suốt sâu rộng hơn người.

( An Sĩ Toàn Thư)

(Tứ Trọng Ân là gì)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tưởng niệm 22 năm ngày Hòa thượng Thích Thiện Huê, viện chủ chùa Đại Giác (Q.Phú Nhuận) viên tịch

17 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog