Tu Tiên và Đạo giáo – Góc nhìn từ Phật Pháp
Pháp Giới 5 tháng trước

Tu Tiên và Đạo giáo – Góc nhìn từ Phật Pháp

Tu tiên là pháp tu của Đạo giáo, tuy bị chư Tổ quở: “Trường sanh bất lão thì có, nhưng ra khỏi sanh tử luân hồi thì không.” Người xưa nếm mật nằm gai, khổ hạnh tu Tiên mong ngày đắc đạo mà chẳng biết rằng: “Kể cả là đắc đạo thành Tiên nhân, một khi hết phước vẫn đọa Tam đồ; Luân hồi sáu nẻo thế nào vẫn y nguyên như thế.” 

Tuệ Tâm khi đọc Cao Tăng Truyện thấy sách vẫn xếp Lão Tử và Khổng Tử ở đầu tiên thì lờ mờ hiểu rằng: Hai vị nầy khả năng là bậc thị hiện! Bởi Bồ Tát ẩn mật trong nhân gian để độ sanh, lý sâu rất vi tế, trí phàm phu khó hiểu được hành vi ẩn tàng thâm mật của các Ngài.

Ngày nay có phước duyên đọc được “Kinh Hoa Nghiêm giảng giải” của Tuyên Hóa Thượng Nhân. Thấy Ngài lý giải về Đạo giáo mới giải được mối nghi trong lòng. Nay xin trích đăng lời dạy của Ngài cho người hữu duyên cùng đọc, ngõ hầu cùng rộng mở thêm chút kiến văn. Hòa Thượng Tuyên Hóa là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, lời Ngài chân thật không hư dối!

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • A La Hán là gì.
  • Tôn giả Mục Kiền Liên.
  • Tôn giả A Nan.
  • Tôn giả Ma Ha Ca Diếp.
  • Hàn Sơn Thập Đắc là Bồ Tát thị hiện.
  • Ngài Quả Khanh là Hóa Thân Bồ Tát.
Tu Tiên và Đạo giáo – Góc nhìn từ Phật Pháp
Tu Tiên và Đạo giáo

Tổ sư của Đạo Giáo

Hôm nay, tôi nói về một câu chuyện của Đạo giáo. Tuy chẳng phải là chuyện Phật giáo, nhưng chẳng chạy ra ngoài phạm vi Phật giáo. Thế giới có tất cả các tôn giáo, đều bao quát trong phạm vi Phật giáo. Dù là tôn giáo phỉ báng Phật giáo, cũng chẳng vượt ra khỏi Phật giáo.

Vì Phật giáo là tận hư không khắp pháp giới, bao la vạn tượng, chẳng có gì mà chẳng bao dung. Không màng bạn tin Phật cũng tốt, chẳng tin Phật cũng tốt, tóm lại, đều bao quát ở trong Phật giáo. Vì lý lẽ này, cho nên có thể nói về chuyện của Ðạo giáo, để cho mọi người làm tấm gương tu hành.

Phật giáo lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa, chẳng có đố kỵ, chẳng có chướng ngại, đều bình đẳng, chẳng tìm người gây phiền não, chẳng nói thị phi của người khác, đó là chỗ vĩ đại của Phật giáo.

*

Giáo chủ của Ðạo giáo là Lão Tử, ông ta trước tác bộ Ðạo Ðức Kinh, ai ai cũng biết, nhưng kiếp trước của ông ta là đệ tử của Phật, tôn giả Ðại Ca Diếp. Vì Ngài tu hạnh đầu đà, nguyện hóa thân làm Lão Tử, để giáo hóa chúng sinh.

Giáo chủ của Nho giáo là Khổng Tử, ông ta trước tác bộ Xuân Thu, ai ai cũng biết, nhưng kiếp trước ông ta là đệ tử của Phật, hóa thân của Thủy Nguyệt đồng tử. Các vị đó, ở Trung Quốc trước hết đề xướng lý luận Ðạo giáo và Nho giáo, phô trương thế Phật giáo, sau đó lại đưa Phật giáo đại thừa, khiến cho tam giáo hợp mà làm một.

Do đó, về sau có người đề xướng Nho – Thích – Ðạo tam giáo là một nhà, đây chính là chứng cớ. Đáng tiếc người ta chẳng thấu hiểu nội dung triệt để, chỉ biết một chút ngoài da mà thôi.

Huyền Tích Phàm Nhân Tu Tiên: Vương Trùng Dương Chân Nhân

Vào cuối đời nhà Nam Tống ở tỉnh Sơn Tây, có người tài chủ họ Vương tên Triết. Ông ta xuất thân từ nhà võ, vì con người trung hậu, thích làm việc thiện bố thí, cứu khổ tế bần; Có tâm trắc ẩn, chịu làm phục vụ cho địa phương. Phàm là việc công đức, thì làm hết mình. Nhà có ruộng đất ngàn mẫu, nhà cửa rất nhiều, đó là do kiếp trước tu phước nên đời này được phước báo.

Một ngày nọ, Chung Ly Quyền và Lữ Ðộng Tân, thầy trò hai người vân du tứ hải. Khi đi qua Sơn Tây gặp một thôn trang, bạch khí xung thiên. Hai người biết là có người thiện báo đang ở, lại có tiên duyên. Do đó, giả làm ăn mày để độ, đến trước cửa của Vương Triết xin thức ăn.

Lúc đó, trời đổ tuyết nhiều. Vương Triết thấy hai vị ăn mày càng sinh tâm thương hại, mời hai người vào trong nhà ở tạm. Mấy ngày sau hai người ra đi, Vương Triết không nỡ xa lìa họ, đưa họ tới cửa ngoài. Lúc bất tri bất giác đưa họ đến một cái cầu cách nhà hơn hai mươi dặm. Chung Ly Quyền lấy hồ lô ra, bên trong có rượu, đổ ra một ly đưa cho Vương Triết nói : ‘’Chúng ta hai người ở trong phủ nhà anh đã nhiều ngày, nay lấy rượu cảm tạ.’’

Vương Triết bèn cạn ly, cảm thấy cam lồ mát mẻ chạy vào trong bụng. Lữ Ðộng Tân nói: ‘’Tiễn khách đến ngàn dặm, cũng có sự cách biệt, đến đây là ngừng. Ngày 3 tháng 3 năm sau, sẽ gặp nhau tại cây cầu này‘’!

Nói xong lập tức bay đi.

Học Đạo Tu Tiên

Vương Triết về nhà cảm thấy rất kỳ lạ! Chắc có lẽ họ là Tiên, bỏ lỡ cơ hội cầu đạo thật đáng tiếc. Lại nghĩ ngày 3 tháng 3 sang năm còn có cơ hội gặp nhau, lúc đó cầu pháp cũng chưa muộn.

Thời gian như thoi đưa, nháy mắt thì đến ngày 3 tháng 3. Vương Triết bèn đến chỗ cây cầu như đã ước hẹn, thì hai người đã chờ ở trên cầu. Vương Triết cung kính đảnh lễ hai người, khẩn thiết yêu cầu dạy pháp liễu sinh thoát tử và tu Tiên.

Hai người mới truyền dạy cách thức tĩnh tọa như thế nào? Ðiều hơi thở như thế nào? Cách thức luyện đan như thế nào? Ðem chân pháp của Ðạo giáo truyền cho. Vương Triết hoan hỷ vô cùng, lễ lạy cảm tạ, hỏi danh tánh của sư phụ, một người nói là Kim Ðồng, một người nói là Song Khẩu.

Vương Triết nghe thì biết là hai vị Tiên trong tám vị Tiên, càng hoan hỷ. Hai vị Tiên nói: ‘’Tinh tấn siêng tinh tấn mới thành tựu.’’ Nói xong rồi đi. Vương Triết hoan thiên hỷ địa về nhà, chẳng nói với bất cứ ai, dù vợ con cũng chẳng biết tin tức này.

Ông ta ngụy trang làm ma nhập. Thấy người thì chửi, gặp đồ thì đá, lúc khóc lúc cười…Người nhà đều cho rằng anh ta mắc bệnh thần kinh, bèn nhốt ông ta vào trong phòng nhỏ. Ðây là điều mà ông ta muốn, mượn cớ để bế quan, yên lặng tu Tiên. Bế quan mười hai năm sau mới ngộ đạo. Ở trong định quán sát, tại tỉnh Sơn Ðông có bảy người đệ tử, đang ở đó đợi ông ta đến để giáo hóa, độ thành Tiên. Vương Triết thành đạo tức là Vương Trùng Dương Chân Nhân vậy!

Tiên nhân độ sanh

Lúc đó ông ta đã chứng được năm thần thông, bèn dùng thần túc thông để đến Sơn Ðông huyện Phong Lai để độ đệ tử Mã Ngọc. Ông ta nghĩ, năm đó sư phụ độ mình thì hóa trang làm kẻ ăn mày, ta cũng hóa trang làm kẻ ăn mày thi tiện hơn. Bèn ngụy trang làm kẻ ăn mày, hằng ngày đến khất thực. Cứ như vậy một thời gian nhưng chẳng thấy Mã Ngọc, vì nhân duyên chưa thành thục.

Vị Mã Ngọc đó cũng là đại tài chủ, có người vợ rất xinh đẹp. Mã Ngọc đã bốn mươi tuổi mà chẳng có con, đây là việc chẳng được như ý.

Một ngày nọ, ông ta ngồi trong thư phòng than thở, vợ ông ta hỏi ông ta tại sao lại than thở? Ông ta nói: – ‘’Vợ chồng chúng ta đã hơn bốn mươi tuổi mà chẳng có con. Mai mốt trăm tuổi thì chẳng có người thừa kế di sản của chúng ta.’’

Vợ ông ta nghe chồng nói vì chẳng có con mà lo lắng, bèn nói với Mã Ngọc rằng: – ‘’Không con không cái không oan gia. Chúng ta là thân thanh tịnh, tại sao chẳng học đạo? Có thể liễu sinh thoát tử, có thể trường sinh bất lão.’’

– Mã Ngọc nói: ‘’Chủ ý của bà tuy rất hay, nhưng học với ai‘’?

– Vợ của ông ta nói: ‘’Tôi có gặp một người đạo nhân hiền lành, có thể theo ông ta học đạo. Tôi nghĩ ông ta chắc chắn sẽ truyền thọ pháp cho chúng ta.’’

– Mã Ngọc nói : ‘’Người đó đang ở đâu‘’?

*

– Vợ ông ta nói: ‘’Xa thì ở tận chân trời, gần thì ở trước mắt. Tức là lão ăn mày, mà ngày nào cũng đến trước cửa nhà chúng ta xin ăn. Đạo mạo của ông ta chắc chắn có lai lịch, cũng có thể đến vì chúng ta mà hóa độ không biết chừng.’’

Vợ ông ta nói xong thì Mã Ngọc cảm thấy có đạo lý, rất tán thành. Ngày thứ hai Mã Ngọc cung kính mời lão nhân đến thư phòng, hỏi lão nhân tên họ, lão nhân nói: – ‘’Họ Vương, tên là Trùng Dương, người Sơn Tây.’’

Mã Ngọc gọi vợ vào bái kiến lão nhân và giới thiệu nói: – ‘’Ðây là tiện nội, tên là Tôn Uyên Trinh, xin lão tiên sinh chỉ dạy.’’

– Vương Trùng Dương nói: ‘’Không dám! Tôi là kẻ ăn mày, sao lại làm như thế.’’

Lúc này, Tôn Uyên Trinh đem tâm nguyện của họ nói ra, xin lão nhân từ bi thu làm đệ tử. Lão nhân đáp ứng thỉnh cầu của họ. Từ đó ông ta ở trong nhà của Mã Ngọc, bắt đầu giảng Kinh thuyết pháp. Mã Ngọc phát tâm đem tài sản trong nhà bố thí cho lão nhân. Vương Trùng Dương dùng tài sản đó, mà thành lập một đạo tràng lớn.

Chí đồng đạo hợp, mọi người tụ về, có khoảng ngàn người, cùng nhau tu Tiên. Ðiều kiện tu đạo chủ yếu có hai:

  • Một là pháp, pháp tu thân, tức cũng là phương pháp tu hành.
  • Hai là tài, tài dưỡng đạo, phải cúng dường phẩm vật cho người tu đạo.
Thử thách đệ tử

Ðạo tràng đó vừa có pháp, vừa có tài, cho nên mọi người yên tâm tu hành. Do đó đạo nghiệp tiến bộ, nghe pháp hoan hỷ, chẳng cầu đâu nữa.

Một năm sau, Vương Trùng Dương bị bệnh, toàn thân ghẻ lở, chảy máu chảy mủ, hôi hám khó chịu. Ðại chúng đệ tử tâm nghĩ: ‘’Sư phụ chẳng có chân đạo hạnh, cho nên mới sinh bệnh này. Ông ta là Bồ Tát bùn qua sông, tự thân khó giữ, làm sao mà bảo hộ chúng ta.’’

Mọi người tâm nghĩ mà chẳng nói, từ từ bỏ đi hết. Rốt cuộc chỉ còn lại bảy người, luôn bên cạnh Vương Trùng Dương: Tắm rửa mụt ghẻ, thoa thuốc, chẳng hiềm hôi hám. Chẳng bao lâu, Vương Trùng Dương lành mạnh, lại bắt đầu giảng Kinh thuyết pháp.

Bảy người đệ tử này, tức là Mã Ngọc, Tôn Uyên Trinh, Khâu Trường Xuân, Lưu Trường Sanh, Hác Thái Cát, Ðàm Trường Chân, Vương Ngọc Dương. Mỗi người ở mỗi phòng. Mã Ngọc và Tôn Uyên Trinh là vợ chồng cũng ở riêng, vì phương tiện tu đạo nên chẳng qua lại. Ðây là phương pháp đoạn dục khử ái.

Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: ‘’Tâm dục không dứt, nấu cát làm cơm.’’ Người tu đạo, nếu có tư tưởng tâm dục thì vĩnh viễn chẳng thành đạo nghiệp. Giống như nấu cát, chẳng khi nào thành cơm được. Một ngày nọ, Vương Trùng Dương hóa thân đến phòng của Tôn Uyên Trinh nói với cô ta rằng: ‘’Con gái không chồng là oán nữ, con trai không vợ là khoáng phu. Một âm một dương không thể không có, âm dương phối hợp là chánh lý…’’

*

Tôn Uyên Trinh vừa nghe nói, thì hiểu lầm sư phụ khởi tà niệm. Cô ta nổi giận bỏ đi tìm Mã Ngọc. Vừa đến cửa phòng của Mã Ngọc, thì Mã Ngọc cười lớn nói rằng: ‘’Tôi vừa nói chuyện với sư phụ ở trong phòng của sư phụ, thì sư phụ nói: Có người tìm con, con hãy trở về đi! Thì đúng là cô, tại sao lại giận dữ‘’?

Tôn Uyên Trinh đem việc vừa xảy ra thuật lại tỉ mỉ, thì Mã Ngọc bèn an ủi Tôn Uyên Trinh nói: ‘’Ðó là tâm từ của sư phụ, khảo nghiệm đạo nghiệp của cô như thế nào? Oán nữ Khoáng phu, tức là nói rõ đạo lý vũ trụ vạn vật chỉ có âm, thì chẳng thể sinh; Chỉ có dương thì chẳng phát triển. Cô hiểu lầm ý tốt của sư phụ, mau đến phòng của sư phụ để sám hối.’’

Mã Ngọc dẫn cô ta đến trước sư phụ thỉnh tội. Tôn Uyên Trinh quỳ ở trước Vương Trùng Dương khóc lóc nói: – ‘’Sư phụ! Xin thầy hãy từ bi tha thứ cho đệ tử vô lễ,. Được sư phụ hóa thân chỉ thị đệ tử, mà đệ tử không ngộ, xin sư phụ khai thị.’’

Vương Trùng Dương nói: ‘’Tu đạo phải có thắng xứ, mới có thể chứng quả. Hiện tại vùng Lạc Dương ở Hà Nam có thể xuất lộ chân nhân, đáng tiếc con không thể đi.’’

Tôn Uyên Trinh hỏi: ‘’Sư phụ! Tại sao con không thể đến đó tu hành‘’?

Vương Trùng Dương nói: ‘’Vì cô quá xinh đẹp, trên đường đi dễ bị người làm chướng ngại, cho nên cô không thể đi.’’

Hủy nhan cầu đạo

Tôn Uyên Trinh chẳng nói mà bỏ về. Về đến phòng thì cô ta phá hủy sắc đẹp. Ba ngày sau thì cô ta trở thành một phụ nữ xấu xí vô cùng, mặt đầy thẹo. Cô ta đến gặp sư phụ, Vương Trùng Dương gặp cô ta thì cười lớn nói: ‘’Thật xin lỗi cô, cô hủy hoại nhan sắc thì tuyệt đối chẳng có vấn đề gì.’’ Cô ta hạnh khổ đến được thành Lạc Dương, tìm hang động để ở. Kế đến khổ tu hai mươi năm, cuối cùng chứng quả Tiên Nhân.

Tôn Uyên Trinh đi rồi, chẳng bao lâu Vương Trùng Dương mắc bệnh qua đời. Sáu vị đệ tử đem di thể trở về Sơn Tây để mai táng. Sau đó ai nấy tu hành và đều chứng quả, trở thành ‘’Thất chân nhân.’’

Hác Thái Các đến Hoa Sơn tu hành. Ông ta đục một cái động trên núi làm chỗ tu Tiên. Tạo động xong rồi, thì có một vị đạo nhân đến hóa động đi mất. Ông ta đục bảy mươi hai cái động cũng bị người hóa duyên. Cuối cùng ông ta đến trên đỉnh núi chỗ cao nhất của đỉnh núi Hoa Sơn tu hành. Ðây là nơi chẳng có ai lai vãng, biệt lập với môi trường bên ngoài. Nhờ yên tĩnh tu hành, cuối cùng cũng chứng được đạo quả.

Lưu Trường Sinh Tu Tiên

Sự tu hành của Lưu Trường Sinh khác với mọi người. Người ta thì đến chỗ rừng sâu nơi thanh tịnh để tu hành, chẳng ăn đồ người ta nấu bằng lửa, uống nước suối; Tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, không khí thanh tịnh, tất cả đều thanh tịnh. Song, ông ta thì đến chỗ đông người tu hành. Ông ta ở ngay khu những cô kỹ nữ, suốt ngày đến tối ở trong đám kỹ nữ.

Cô kỹ nữ này cắm lên mũ của ông ta một cành hoa, cô kia cũng vậy. Cho nên hàng ngày mũ của ông ta đều đầy hoa. Về sau người ta gọi ông ta là ‘’Cắm hoa lão tổ.’’ Sự tu hành của ông ta như vậy, bị sư huynh đệ biết được, mới đến độ ông ta ra.

Lưu Trường Sinh nói với các huynh đệ: ‘’Các vị ngàn dặm xa xôi đến đây để độ tôi, tôi rất cảm kích. Tôi chẳng có gì đãi, xin hãy uống một ly trà rồi đi.’’ Do đó, bèn dùng da bụng làm cho nước sôi lên để pha trà, mời các sư huynh đệ uống trà để biểu thị cảm tạ.

Lúc đó, sư huynh đệ biết rõ đạo nghiệp của ông ta đã thành tựu, bèn cáo từ ra đi.

Tiên nhân Khâu Trường Xuân

Khâu Trường Xuân là người tu Tiên trẻ nhất trong bảy người. Vương Trùng Dương đặc biệt thương yêu ông ta, nên luôn luôn thử thách ông ta. Bởi vậy cho nên làm gì cũng bị sư phụ rầy la, nhưng ông ta chẳng nóng giận.

Một ngày nọ, Vương Trùng Dương lên cơn sốt muốn ăn thịt. Ông ta sai đệ tử đi mua năm cân thịt, treo ở trong phòng, nhưng cũng chẳng nấu ăn. Ngày qua ngày, thịt thối sinh giòi nhiều vô số. Chúng bò tới bò lui, mùi vị như thây chết, khiến cho muốn ói mửa. Ngày cuối cùng, Vương Trùng Dương nói với sáu người rằng: ‘’Hôm nay ta muốn mời các vị ăn thịt. Mỗi người ăn một miếng, chẳng cho nấu chín, chỉ ăn sống.’’

Năm người kia chẳng dám ăn, chỉ có Khâu Trường Xuân một mình dám ăn. Ông ta chạy vào chỗ treo thịt, lấy xuống một nửa, từ từ bỏ vào miệng; Lạ là ông ta càng nhai càng thấy thơm, càng thơm càng ăn nhiều nên chẳng bao lâu thì thịt hết. Vì mùi vị thơm ngon chẳng gì sánh bằng, nên ông ta lại muốn ăn nửa kia.

Lúc đó, Vương Trùng Dương nói: ‘’Trường Xuân! Không được tham lam. Còn nửa số thịt đó để cho ta ăn. Một thiên tiên trạng nguyên bị ông cướp đi rồi, đủ rồi ! Ðừng ăn hết toàn bộ.’’

Khâu Trường Xuân tuổi trẻ khoẻ mạnh, hành Bồ Tát đạo, chuyên làm việc lợi ích cho người.

*

Có một con sông lớn, chẳng có cầu đi qua. Tuy là nước cạn, nhưng mặt sông rất rộng, khiến cho người đi bất tiện, nhất là người già phụ nữ trẻ con càng bất tiện. Khâu Trường Xuân phát tâm cõng người qua sông chẳng lấy tiền. Ngày ngày như thế, tháng nào cũng vậy.

Một ngày nọ, cõng một người biết xem tướng qua sông. Người đó nói với Khâu Trường Xuân: ‘’Gã thanh niên! Tuy anh làm việc công đức; Nhưng mặt của anh có tướng Mãng xà cản khẩu (rắn cản lỗ miệng), chắc chắn phải chết đói.’’

Khâu Trường Xuân nghe rồi, thì tâm ý nhạt nhẽo, chẳng muốn tu hành. Ông ta cho rằng số mạng phải chết đói, thì thà chết sớm để cho được thanh tịnh. Bèn đến bờ sông tìm một hòn đá lớn, mặt trên bằng phẳng, có thể ngủ được. Ông ta quyết định chết đói ở trên hòn đá đó.

Ðến lúc sắp chết, thì vô duyên vô cớ nước lớn dâng lên ngập trên tảng đá đó. Từ nước trôi vào một quả đào, trôi ngay vào bên miệng ông ta. Trong lúc ông ta bất tri bất giác, liền nuốt quả đào vào trong bụng. Nhờ đó tinh thần lập tức khôi phục lại, sức lực sung túc, bèn nhảy dậy, trong tâm nghĩ: ‘’Lần này về đến đỉnh núi, không chết đói thì không được.’’ Do đó, bèn dùng sắt chế thành vòng tròn treo cổ trên cây. Ông ta chẳng ăn chẳng uống, không biết đã bao nhiêu ngày…Lúc sắp chết thì ông ta bèn nghĩ: ‘’Lần này có thể giải quyết tánh mạng của mình‘’!

Tu Tiên đắc đạo

Lúc đó, có người đi hái thuốc thấy ông ta như vậy bèn hỏi ông ta: ‘’Anh bạn phạm tội gì mà phải chịu cực hình như vậy‘’? – Khâu Trường Xuân thuật lại lý do của ông ta chết.

– Người hái thuốc nói: ‘’Ông vì trường sinh bất lão mà xuất gia tu hành. Hiện tại đã xuất gia, lại muốn chết đói, đó chẳng phải là mâu thuẫn chăng ? Ông phải biết, chuyên tâm tu hành thì sẽ không chết.’’

Do đó, người hái thuốc tìm chìa khóa để mở vòng sắt. Từ đó Khâu Trường Xuân bèn tu khổ hạnh. Một ngày nọ, trời đổ tuyết, ông ta bèn tị lạnh trong đống phân ngựa, làm một cái động phân ngựa để núp, đầu đội vỏ quả bầu. Vỏ quả bầu có thể dùng để ăn cơm, có thể dùng uống nước, có thể tỵ mưa, có thể che gió, nên gọi là ‘’Bầu vạn năng.’’

Lúc đó, nổi hứng làm thơ, bèn làm một bài kệ:

Thân nương đống phân đầu đội bầu.

Gặp được ông trời rơi lông ngỗng.

Nói đến chỗ này, thì có người qua đường nghe được trong đống phân có người nói, lại xướng ra bạch khí. Người đó rất lỗ mãng, bèn lấy ngói ném vào chỗ xướng bạch khí, ném trúng cái bầu, tài sản duy nhất của Khâu Trường Xuân bị vỡ. Ông ta lại nói nửa bài kệ còn lại:

Một nhà ăn no ngàn nhà oán.

Miếng ngói làm vỡ tan quả bầu.’’

Lập tức chứng đạo!

*

Vào thời nhà Nguyên, hoàng đế rất sùng bái ông ta, thường mời ông ta vào cung thuyết pháp. Về sau Khâu Trường Xuân rất lừng lẫy nổi tiếng trong Ðạo giáo. Còn ba vị kia là Mã Ðan Dương, Ðàm Trường Chân, Vương Ngọc Dương, đều tu thành đạo quả.

Cho nên, người tu đạo phải ăn khổ, chịu khổ, nhẫn khổ, mới có thể tu hành thành tựu. Khâu Trường Xuân là gương tốt nhất. Trong thiên hạ chẳng có việc không mệt nhọc mà thu hoạch được; Càng chẳng có chuyện vọng tưởng bánh rớt từ trên trời xuống. Hết thảy đều là cước đạp thật địa mà tu hành, tinh tấn dụng công, do đó: ‘’Trồng trọt một một phần, thì thu hoạch một phần.’’

Hy vọng mọi người nỗ lực dụng công, dũng mãnh hướng về trước, đừng thối lùi về sau.

(Tu Tiên và Đạo giáo – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Bát chánh đạo là gì? Gồm những gì? Ứng dụng trong cuộc sống

81 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog