Tứ Thánh Đế giảng giải
Pháp Giới 8 tháng trước

Tứ Thánh Đế giảng giải

Tứ Thánh Đế là Khổ Thánh Đế, Tập Thánh Đế, Diệt Thánh Đế và Đạo Thánh Đế. Nếu y theo bốn Thánh đế mà tu hành, thì sẽ chứng quả nhập vào dòng Thánh. Đế nghĩa là khảo sát chân lý. Tứ Thánh Đế này thuộc phẩm thứ tám trong Kinh Hoa Nghiêm, nghĩa rất sâu rộng.

Lúc Phật còn ở đời, một ngày nọ vào trong rừng cây, cạnh bờ sông Hằng, cầm một nắm lá cây lên và hỏi đệ tử:

– Các con xem! Nắm lá trong tay của ta nhiều, hay là lá cây trong rừng nhiều?

Hết thảy đệ tử đều khác miệng cùng lời đáp:

– Ðương nhiên là lá cây trong rừng nhiều.

– Phật nói: Pháp của ta nói ra cũng giống như nắm lá trong bàn tay của ta. Còn pháp mà ta không nói thì nhiều như lá trong rừng.

Lúc đó, tôn giả Ðại Ca Diếp hỏi:

– Thế Tôn! Pháp mà Ngài không nói, có phải đều bao quát trong bốn Thánh Ðế chăng? Nếu như thế thì đức Thế Tôn đã nói ra hết rồi. Nếu chẳng bao quát trong bốn Thánh đế thì chẳng lẽ có năm Thánh Ðế.

– Phật nói: Tuy nhiên pháp bốn Thánh Ðế bao quát tất cả pháp, nhưng ở trong bốn Thánh Ðế có rất nhiều nghĩa lý ta không nói, chỉ nói chút ít mà thôi.

  • Luật Nhân quả là gì.
  • Luân hồi là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Lời Phật dạy về Đạo hiếu
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Sự thật về Cầu cơ.
Tứ Thánh Đế giảng giải
Tứ Thánh Đế giảng giải

Tứ Thánh Đế giảng giải

Sau khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên tòa kim cang, dưới cội bồ đề thành Phật rồi, thì ứng pháp thân Đại Sĩ thỉnh cầu Ngài diễn nói Kinh Hoa Nghiêm Ðại Phương Quảng Phật. Ðức Phật ở trong hai mươi mốt ngày, diễn nói kinh này rồi, mới đến vườn Lộc Uyển, vì năm anh em Kiều Trần Như mà ba lần chuyển pháp luân (Thị chuyển, khuyến chuyển, chứng chuyển). Người thượng căn thì thị chuyển liền ứng ngộ. Người trung căn thì khuyến chuyển bèn ngộ đạo. Người hạ căn thì chứng chuyển mới khai ngộ. Tôn giả Kiều Trần Như khai ngộ trước nhất, sau đó bốn vị kia cũng khai ngộ.

Phật nói với năm vị Tỳ Kheo rằng:

“Ðây là khổ, tánh bức bách.

Ðây là tập, tánh chiêu cảm.

Ðây là đạo, tánh khả tu.

Ðây là diệt, tánh khả chứng.’’

Ðây là thị chuyển pháp luân.

Lại nói:

“Ðây là khổ, ông nên biết.

Ðây là tập, ông nên đoạn.

Ðây là đạo, ông nên tu.

Ðây là diệt, ông nên chứng.’’

Ðây là khuyến chuyển pháp luân.

Lại nói :

“Ðây là khổ, ta đã biết.

Ðây là tập, ta đã đoạn.

Ðây là đạo, ta đã tu.

Ðây là diệt, ta đã chứng.’’

Ðây là chứng chuyển pháp luân”.

*

Do đó: Biết khổ, dứt tập, mộ diệt, tu đạo. Nghĩa là: Phải biết khổ, phải đoạn trừ Tập, phải hâm mộ cảnh giới tịch tĩnh, phải tu hành con đường của bậc Thánh nhân. Ðây là ý nghĩa đại khái về bốn Thánh Ðế.

Bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy, nói cho các pháp thân Đại Sĩ nghe. Các Bồ Tát hoan hỉ nghe tỉ mỉ về pháp Tứ Thánh Đế, cho nên Phật Thích Ca Mâu Ni bi tâm thiết thiết, nói tỉ mỉ về đạo lý Tứ Thánh đế và tên của Thánh đế. Trong mỗi thế giới, mỗi Thánh Ðế nói ra mười danh từ làm đại biểu. Tại sao phải nói mười? Vì “mười” là biểu thị ý nghĩa trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng. Nghĩa lý Kinh Hoa Nghiêm là như thế. Pháp nầy là tận hư không, biến pháp giới. Nếu muốn chiếu soi thật tướng của các pháp, chiếu soi cảnh giới Hoa Nghiêm, thì phải chân thật tu hành, nghiên cứu sâu vào Phật pháp.

Do đó, tuy trước đây đức Phật nói pháp Tứ Thánh Ðế, nhưng nói rất ít chứ chẳng nói hết. Bây giờ giải thích Tứ Thánh Ðế như sau:

Khổ Thánh Đế

Khổ Thánh Ðế: Chúng ta ở thế giới Ta Bà có rất nhiều sự khổ. Người ở thế giới Ta Bà nầy, một niệm vô minh liền mê hoặc, Do đó, mà đời đời kiếp kiếp luân chuyển trong ba cõi, luân hồi trong sáu nẽo, chuyển đi chuyển lại, lúc chìm lúc nổi, sinh rồi lại chết, chết rồi lại sinh, tuần hoàn không ngừng. Cho nên nói chúng sinh ở thế giới Ta Bà kham chịu đựng những thứ khổ.

Khổ có vô lượng, trong Du Già Sư Ðịa Luận có nói, có một trăm mười thứ khổ, sẽ phân tích dưới đây :

  • Có một thứ khổ: Là khổ về nương tựa nghiệp khác biệt lưu chuyển. Hết thảy tất cả hữu tình chúng sinh, tùy theo nghiệp lực mà lưu chuyển, tự mình chẳng làm chủ đặng, trôi nổi ở trong biển nghiệp. Nghiệp thiện nhiều thì sinh về ba đường lành, nghiệp ác nhiều thì sinh về ba đường ác. Bất cứ là ba đường lành, hoặc ba đường ác đều là khổ.

Làm thế nào để dứt khổ? Thì phải tu hành, mới có thể liễu sinh thoát tử, ra khỏi ba cõi, đắc được sự an vui chân thật.

  • Lại có hai thứ khổ : Một là dục khổ, hai là si khổ.

“Dục khổ”: Là các sự khổ về căn bản, ví như tham tiền tài, thì có tài dục, tham sắc thì có sắc dục, tham danh thì có danh dục, tham ăn thì có ăn dục, tham ngủ thì có ngủ dục, đó là năm dục. Do đó, có câu:

*

“Tài sắc danh thực thùy.

Ðịa ngục ngũ điều căn.’’

Những thứ dục đó chi phối, làm cho bạn điên đảo, hồ đồ, chẳng lúc nào tỉnh táo. Có dục thì có ái, ví như ái về vật chất, ái về nam nữ. Vì dục này mà làm cho thiên hạ đại loạn. Nếu không đoạn dục, thì sẽ muốn uống rượu, muốn ăn thịt, muốn xe hơi, muốn nhà rộng, đều muốn tất cả vật chất hưởng thụ. Suốt ngày khởi vọng tưởng nằm mộng ban ngày; trong đầu óc luôn luôn nghĩ làm thế nào để thăng quan phát tài, làm thế nào để được vợ đẹp thiếp xinh? Ðó đều là “dục” tác quái, vĩnh viễn chẳng ngừng nghĩ.

Một khi người mà mình thương yêu, vật chất mà mình mến tiếc mất đi, thì trở thành sự khổ khó tả được. Cho nên Phật giáo đề xướng “đoạn dục khử ái”, một bình bát, ba tấm y, ngày ăn một bữa, chẳng có tài sản của cải. Ðời sống thanh tâm quả dục như thế, thì thật là thanh cao! Thật là tự tại! Do đó, người có trí huệ, có căn lành, mới có thể xuất gia tu đạo.

*

“Si khổ”: Tức là khổ vì ngu si. Người ngu si thì chẳng rõ thị phi, chẳng màng thiện ác. Việc tốt cho mình thì nỗ lực mà làm, cứ làm việc điên đảo, tương lai chắc chắn sẽ thọ quả báo. Người ngu si chấp trước tất cả đều thuộc về sở hữu của mình, trong hoàn cảnh chẳng phân biệt trắng đen, thì có hành vi oán trời trách người.

Lại có ba thứ khổ đó là : Khổ khổ, hoại khổ và hành khổ, và tám thứ khổ: Khổ về sinh, khổ về già, khổ về bệnh, khổ về chết, khổ về ái biệt ly, khổ về oán tắng hội, khổ về cầu bất đắc, khổ về ngũ ấm xí thạnh. Ngoài ra còn có vô lượng thứ khổ.

Tập Thánh Đế

Tập Thánh Ðế: Tập nghĩa là tập tụ, tức là tập tụ phiền não lại với nhau, khiến cho bạn khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ quả báo. Tuy phiền não là do tập tụ mà thành, song, chủ yếu là do tự tánh chiêu lại. Ví như thân thể chẳng kiện toàn, mới sinh bệnh. Chỗ chẳng sạch mới sinh vi trùng. Do đó, có câu: “Thịt thối sinh trùng”. Nếu rác rến trong tâm mà quét trừ sạch sẽ, thì chẳng khởi vọng tưởng, chẳng sinh phiền não. Khi tâm sáng như gương thì trí huệ sẽ hiện tiền, chẳng làm việc điên đảo mộng tưởng.

Diệt Thánh Đế

Diệt Thánh Ðế: Diệt tức là tịch diệt, đến được cảnh giới nầy thì:

 “Ngôn ngữ đạo đoạn,

Tâm hành xứ diệt’’.

 Do đó, :

 Miệng muốn nói mà lời chẳng còn,

Tâm muốn duyên mà suy nghĩ đã bặt.’’

 Tất cả đều chẳng còn nữa.

Đạo Thánh Đế

Ðạo Thánh Ðế: Ðạo tức là con đường, con đường của bậc Thánh đi. Chúng ta phải tu đạo, tu đạo gì ? Tu bát chánh đạo, tu lục độ vạn hạnh, tu tám vạn bốn ngàn pháp môn. Bất cứ tu con đường nào, cuối cùng đều là bồ đề đại đạo. Thông đạt đại đạo bằng phẳng bên kia Do đó, « Con đường, con đường thông Phật quốc.’’ Bây giờ nói kinh văn.

Tứ Thánh Đế: 1. Khổ Thánh Đế

Kinh Văn: “Các Phật tử! Khổ Thánh đế, ở thế giới Ta Bà nầy, tên là tội. Hoặc tên là bức bách. Hoặc tên là biến dị. Hoặc tên là phan duyên. Hoặc tên là tụ. Hoặc tên là trái. Hoặc tên là y căn. Hoặc tên là hư dối. Hoặc tên là ung thương xứ. Hoặc tên là ngu phu hành.

Giảng giải:

Xem Thêm:   Dấu hiệu người đắc Quả Tu Đà Hoàn

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi gọi một tiếng, các vị đệ tử của Phật! Các vị mọi người thường theo Phật học, nên biết đạo lý pháp Tứ Thánh Ðế, cũng phải biết tên của Tứ Thánh Ðế có bao nhiêu? Hiện tại tôi nói cho các vị mọi người biết. Khổ Thánh Ðế ở thế giới Ta Bà, có đủ thứ tên khác nhau. Bây giờ tóm tắc nói ra mười tên :

*
  1. Hoặc tên là tội: Có tội thì có khổ, chẳng có tội thì chẳng có khổ. Khổ đó giống như sự khổ thọ tội hình.
  2. Hoặc tên là bức bách: Bức bách thân, bức bách tâm, khiến cho thân tâm phiền não, chẳng được giải thoát. Do đó: “Ðây là khổ, tánh bức bách.”
  3. Hoặc tên là biến dị: Tức là biến hóa, từ tốt biến thành xấu, đó là khổ.
  4. Hoặc tên là phan duyên: Tức là truy cầu khổ. Tông chỉ của chùa Kim Sơn chúng ta là “Chết lạnh chẳng phan duyên”. Chết lạnh tuy là khổ, song, so với khổ tạo tội nghiệp vẫn đỡ hơn.
  5. Hoặc tên là tụ: Tức là tụ tập tội nghiệp lại với nhau.
  6. Hoặc tên là trái: Thống khổ giống như thân bị dao đâm.
  7. Hoặc tên là y căn: Khổ vì y chiếu tội căn mà sinh.
  8. Hoặc tên là hư dối: Vì khổ mà tạo nghiệp hư dối, vì hư dối mà chịu khổ báo.
  9. Hoặc tên là ung thương xứ: Ví như thân bị ung thư, sinh ghẻ lở loét chảy máu mủ, đó là khổ.
  10. Hoặc tên là ngu phu hành: Phàm phu ngu si làm gì cũng đều là tội nghiệp, có tội thì có khổ. Ðó là tên khác của mười thứ khổ, tuy tên khác nhau nhưng nghĩa lý giống nhau.

Tứ Thánh Đế: 2. Tập Thánh Đế

Kinh văn: “Các Phật tử! Khổ tập Thánh đế ở thế giới Ta Bà nầy, hoặc tên là trói buộc. Hoặc tên là hoại diệt. Hoặc tên là ái trước nghĩa. Hoặc tên là vọng giác niệm. Hoặc tên là thú nhập. Hoặc tên là quyết định. Hoặc tên là võng. Hoặc tên là hí luận. Hoặc tên là tùy hành. Hoặc tên là điên đảo căn.

Giảng giải: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi sợ rằng, hoặc có một vài Bồ Tát nhập định, chẳng chú ý nghe giảng, hoặc cho rằng pháp Tứ Thánh Ðế nầy quá đơn giản, sớm đã biết rồi. Cho nên lại gọi một tiếng các vị đệ tử của Phật! Các vị biết chăng? Khổ Tập Thánh Ðế, ở thế giới Ta Bà cũng có đủ thứ tên khác nhau, nói tóm tắc cũng có mười tên.

*
  1. Hoặc tên là trói buộc: Phàm là bị tình trói, bị ái buộc đều là tập.
  2. Hoặc tên là diệt hoại: Sự an vui mà tiêu diệt hết, sự khoái lạc mà phá hoại hết thì đương nhiên là khổ.
  3. Hoặc tên là ái trước nghĩa: Ái mà chẳng xả bỏ, lại chấp trước nó, cho rằng là tốt.
  4. Hoặc tên là vọng giác niệm: Tức là giác niệm lầm lẫn, giác ngộ sai lầm.   
  5. Hoặc tên là thú nhập: Nơi thú hướng phiền não, giống như hãm ở trong bùn, chẳng rút hai chân ra được.
  6. Hoặc tên là quyết định: Quyết định có phiền não, mà mình vẫn chẳng biết, chẳng giác ngộ.
  7. Hoặc tên là võng: Bị lưới bao vây chẳng được tự do. Ðó giống như cá ở trong ao hồ sông biển, tiêu dao tự tại, bất hạnh bị mắc lưới, rất nguy hiểm cho tánh mạng.
  8. Hoặc tên là hí luận: Chẳng phải lời chân thật mà là lời tiếu.
  9. Hoặc tên là tùy hành: Tức là tùy theo phiền não mà hành.
  10. Hoặc tên là điên đảo căn: Tập là căn bản của điên đảo.

Tứ Thánh Đế: 3. Diệt Thánh Đế

Kinh văn:Các Phật tử! Khổ diệt Thánh đế, ở thế giới Ta Bà nầy, hoặc tên là vô tránh. Hoặc tên là ly trần. Hoặc tên là tịch tĩnh. Hoặc tên là vô tướng. Hoặc tên là vô một. hoặc tên là vô tự tánh. Hoặc tên là vô chướng ngại. Hoặc tên là diệt. Hoặc tên là thể chân thật. Hoặc tên là trụ tự tại.

Giảng giải:  Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại gọi một tiếng các vị đệ tử của Phật! Các vị phải biết khổ diệt Thánh Ðế, ở thế giới Ta Bà nầy, có đủ thứ tên khác nhau, đại khái cử ra mười tên.

  1. Hoặc tên là vô tánh: Tức là chẳng có tranh luận.
  2. Hoặc tên là ly trần: Xa lìa tất cả trần lao.
  3. Hoặc tên là tịch tĩnh: Lìa phiền não là tịch, hết khổ hoạn là tĩnh.
  4. Hoặc tên là vô tướng: Chẳng có tất cả tướng, do đó: “Quét sạch tất cả pháp lìa khỏi tất cả tướng”.
  5. Hoặc tên là vô một: Chẳng có đọa lạc.
  6. Hoặc tên là vô tự tánh, tức là chẳng có tự tánh.
  7. Hoặc tên là vô chướng ngại: Chẳng có tất cả chướng ngại gì, chẳng có phiền não chướng, chẳng có sở tri chướng.
  8. Hoặc tên là diệt: Diệt sạch tất cả phiền não.
  9. Hoặc tên là thể chân thật: Tức là bổn thể chân thật.
  10. Hoặc tên là trụ tự tánh: Trụ nơi tự tánh, vì bổn lai diệt.

Tứ Thánh Đế: 4. Đạo Thánh Đế

Kinh văn:  “Các Phật tử! Khổ diệt đạo Thánh đế, ở thế giới Ta Bà nầy, hoặc tên là nhất thừa. Hoặc tên là thú tịch. Hoặc tên là đạo dẫn. Hoặc tên là cứu kính vô phân biệt. Hoặc tên là bình đẳng. Hoặc tên là xả đảm. Hoặc tên là vô sở thú. Hoặc tên là tùy thánh ý. Hoặc tên là tiên nhân hành. Hoặc tên là thập tạng.

Giảng giải: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại gọi một tiếng các vị đệ tử của Phật! Các vị phải biết khổ diệt đạo Thánh Ðế, ở thế giới Ta Bà nầy, có đủ thứ tên khác nhau, nói sơ lược thì có mười tên.

*
  1. Hoặc tên là nhất thừa : Tức là một thừa pháp, trong Kinh Pháp Hoa có nói :

Duy nhất một Phật thừa

Chẳng có thừa nào khác.”

Chỉ có Phật đạo, chứ chẳng có đạo tu hành nào khác.

  1. Hoặc tên là thú tịch: Thú hướng cảnh giới tịch tĩnh.
  2. Hoặc tên là đạo dẫn: Lãnh đạo dẫn chúng sinh đi đến vô phân biệt. Nếu đến được nơi cứu kính, thì chẳng còn phân biệt.
  3. Hoặc tên là cứu kính vô phân biệt: Rốt ráo chẳng còn sự phân biệt.
  4. Hoặc tên là bình đẳng: Chẳng có phân biệt cao thấp cạn sâu.
  5. Hoặc tên là xả đảm: Xả bỏ tất cả mọi vật.
  6. Hoặc tên là vô sở thú: Phải đi trên con đường chánh đại quang minh.
  7. Hoặc tên là tùy thánh ý: Phải tùy theo con đường của bậc Thánh nhân đi mà đi theo.
  8. Hoặc tên là tiên nhân hành: Con đường Tiên nhân (Phật) hành tức là đạo Bồ Ðề.
  9. Hoặc tên là thập dạng: Tức là tín, giới, tàm, qúy, văn, thí, huệ, niệm, trì, biện, mười tạng.
    *

Kinh văn: “Các Phật tử! Thế giới Ta Bà nầy, nói về bốn Thánh đế, có như vậy cả thảy bốn trăm ức mười ngàn danh từ, tùy theo tâm của chúng sinh, mà khiến cho họ đều điều phục.

Giảng giải: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại gọi một tiếng các vị đệ tử của Phật! Ở thế giới Ta Bà nầy, nói về Tứ Thánh Ðế, có mười tên như ở trước đã nói. Bốn mươi biến thành bốn trăm, biến thành bốn ngàn, biến thành bốn vạn, biến thành bốn vạn vạn. Cho nên có bốn trăm ức mười ngàn danh từ. Những danh từ đó, đều tùy thuận tâm ý của chúng sinh, chúng sinh nghe rồi đều bị điều phục, tức cũng là thân điều phục, tâm điều phục, phát đại bồ đề tâm, thành tựu vô thượng đạo.

(Tứ Thánh Đế giảng giải – Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Bản Ngã Sai Lầm

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog