Tứ sanh nghĩa là chúng hữu tình trong pháp giới chúng sinh do bốn cách mà được sinh ra. Bốn cách sanh ra này bao gồm: Thai sinh, Noãn sinh, Thấp sinh và Hóa sinh.
- Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
- Chư thiên là gì.
- Sáu nẻo luân hồi.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Thiên ma là loại ma gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
- Tứ sanh là gì
Tứ sanh là gì
Theo Phật học tinh yếu: “Bốn loài sinh từ thai, noãn, thấp, hóa sinh. Do nghiệp lực chiêu cảm thành sinh ra trong bốn cách gọi là tứ sanh:
- Thai sinh: Loài trong thai mẹ sinh ra.
- Noãn sinh: Loài trong trứng sinh ra.
- Thấp sinh: Từ nơi ẩm thấp mà sinh ra: Như loài trùng, dòi ở nơi ẩm ướt.
- Hóa sinh: Là dựa vào nghiệp lực mà sinh ra như chúng sanh cõi trời và cõi địa ngục.
Chúng sanh cõi quỷ thì có hai loại thai sinh và hóa sinh. Còn tất cả chư thiên cùng chúng ở cõi âm và địa ngục thì thuộc về hóa sinh. Trong sáu nẻo luân hồi, loài hữu tình chết nơi đây sanh nơi kia. Hoặc do thai sanh, hoặc do noãn sanh, hoặc do thấp sanh, hoặc do hóa sanh. (Kinh Giải Thâm Mật)
Thai sanh là chúng hữu tình từ nơi thai tạng mà sanh ra, như loài: Voi, ngựa, trâu, dê, heo, lừa. Noãn sanh là chúng hữu tình từ nơi trứng mà sanh ra, như loài ngỗng, công, se sẻ. Thấp sanh là chúng hữu tình từ nơi chỗ ướt mà sanh ra, như loài trùng, muỗi. Hóa sanh là chúng hữu tình chẳng nương nơi nào, từ nơi không mà bỗng hiện ra đủ thân mình và chi phận, như chư thiên, loài ở Địa ngục.
Loài người có mấy cách sinh ra
Loài người thực ra được sanh ra có đủ bốn cách, chứ không phải chỉ có thai sanh như hiện nay đâu.
- Người do thai tạng sanh ra thì dễ biết, như nhân loại hiện nay.
- Người thuộc về noãn sanh như ông Ô Ba Thế La sanh từ trứng hạc, và trường hợp ba mươi hai người con của bà Lộc Nữ, năm trăm người con của vua Bà Giá La.
- Người thuộc về thấp sanh như các vị: Ô Ba Giá Lư, Cáp Man Am La Vệ.
- Người thuộc về hóa sanh như loài người vào thuở kiếp sơ: Tức là Chư thiên nơi cõi trời Quang Âm Thiên, là tổ tiên của loài người.
Cõi Súc sanh có đủ bốn loại: Thai, noãn, thấp hoá. Chư thiên và chúng sanh nơi Địa ngục duy thuộc về hóa sanh. Ngạ Quỷ chỉ có hai loại: Thai sanh và Hóa sanh. Trong tứ sanh, loài nào nhiều hơn hết? Chỉ có loài hóa sanh là nhiều hơn cả. Vì trong lục đạo, người, súc sanh và ngạ quỷ có ít phần hóa sanh. Còn chư thiên, chúng sanh nơi Địa ngục và tất cả thân Trung ấm đều thuộc về hóa sanh.
Tứ sanh chi từ phụ là gì
Người học Phật hay nghe câu “Tứ sanh chi từ phụ” trong bài Thán Phật mà không biết rằng: Tứ sanh chi từ phụ nghĩa là đức Phật được tôn xưng là cha từ của tất cả chúng sanh trong pháp giới. Ngài xem mọi chúng sanh, dù là ở bất kỳ loài nào cũng như con đẻ. Đều muốn giang tay cứu độ, không có phân biệt ghét khinh.
Tại sao Bồ Tát lại không hóa sanh
Tại sao bậc hóa thân Bồ Tát có thể sanh tự tại mà lại thọ thai sanh? Bồ Tát thọ thai sanh vì có những điều lợi ích như sau: Vì muốn dẫn dắt các hàng Thích chủng và thân thuộc vào chánh pháp. Vì muốn cho mọi người biết Bồ Tát dòng dõi Luân vương mà sanh lòng cung kính, bỏ tà về chánh. Vì muốn cho chúng sanh phát lòng hướng thượng nghĩ rằng: “Ngài cũng là người, ta cũng là người, tại sao ta không siêng năng tu tập để được như ngài?”
Vì nếu không thị hiện như thế, thì khó biết tộc tánh, mọi người sẽ nghi là trời hoặc quỷ. Vì muốn dứt lòng nghi báng của ngoại đạo, bởi họ có truyền thuyết: “Qua một trăm kiếp sau, sẽ có nhà đại huyễn thuật ra đời, dẫn dụ chúng sanh”. Vì muốn lưu thân giới cho chúng sanh cúng dường để được phước sanh cõi trời và gieo nhân giải thoát.
Nếu Bồ Tát thọ hóa sanh thì không tộc tánh. Sau khi chết như ngọn đèn tắt, không còn lưu xá lợi để chúng sanh nương theo đó phát lòng tín ngưỡng. Vậy nên bậc nhục thân Bồ Tát xuất hiện chốn nhân gian đều là thai sanh chứ không phải hóa sanh, như: Hòa Thượng Tuyên Hóa (Quán Thế Âm Bồ Tát); Hòa Thượng Ấn Quang( Đại Thế Chí Bồ Tát)”
Tứ Sanh trong Pháp giới
Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Kinh Bát-nhã nói: “Một là noãn sanh. Hai là thai sanh. Ba là thấp sanh. Bốn là hóa sanh”. Còn kinh A Hàm Khẩu Giải Thập Nhị Nhân Duyên nói: “Có bốn loại sanh: Một là sanh ra từ bụng, đó là người và súc sanh (chính là thai sanh). Hai là nóng lạnh hòa hợp mà sanh ra, đó là sâu bướm rận rệp ( chính là thấp sanh). Ba là sanh ra do biến hóa đó là trời và địa ngục. Bốn là sanh ra từ tướng, đó là các loài chim bay cá lội”.
Lại trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Súc sanh có vô lượng chủng loại, nói tóm lại có ba nơi: Một là loài sống dưới nước, đó gọi là các loài cá tôm…. Hai là loài sống trên đất liền, đó là các loài voi ngựa…. Ba là loài sinh hoạt giữa bầu trời, đó là các loại chim chóc … Hoặc dùng Thiên nhãn thấy các loài súc sanh có bốn loại sanh. Những gì là bốn loại? Đó là:
*
1- Thai sanh, là các loài voi ngựa trâu dê.
2- Noãn sanh, là rắn rít – ngỗng vịt gà chim chóc các loại.
3- Thấp sanh, là các loài rận rệp mối kiến.
4- Hóa sanh, như loài rồng mặt dài.
Vì vậy kinh nói: Sanh là các căn được phát sinh từ đầu, tử là các căn chịu sự hoại diệt”.
Lại trong Kinh Niết Bàn nói: “Phật tánh chúng sanh trú vào trong năm ấm, nếu hủy hoại năm ấm, thì gọi là sát sanh. Nếu có sát sanh thì rơi vào đường ác, dựa theo sự sanh tử này cho nên có bốn loại sanh. Dựa vào vỏ cứng mà sanh ra thì gọi là Noãn. Che chở kín đáo mà sanh ra thì gọi là Thai. Nhờ thấm nhuần mà xuất hiện thì gọi là Thấp. Bỗng nhiên mà hiện bày thì gọi là Hóa. Chúng sanh được thâu nhiếp không ra ngoài bốn loại này”.
Sự Tương Nhiếp của Tứ Sanh trong Tam giới
Luận Bà Sa giải thích rằng: “Trong cõi Dục này thâu nhiếp đầy đủ sáu đường. Cõi Sắc và cõi Vô Sắc đều thâu nhiếp một phần của loài trời. Vì sao khác biệt như vậy? Bởi vì cõi Dục này là nơi tạp loạn, chúng sanh khởi nghiệp xấu ác lẫn lộn không thuần nhất, hoặc là thiện hoặc là ác. Bởi vì không giống nhau, cho nên tùy theo nghiệp nhận báo ứng mà có nhiều sai biệt. Hai cõi phía trên là nơi ổn định, chúng sanh trầm lắng cho nên khởi nghiệp cũng thuần nhất, vì vậy mà không có nhiều nẻo sai biệt.
Hỏi: Bốn loại sanh – sáu nẻo đường thâu nhiếp lẫn nhau thế nào?
Đáp: Như trong Tỳ Đàm giải thích rằng trời và địa ngục luôn luôn là hóa sanh. Đường quỷ có hai loại, đó là thai sanh và hóa sanh. Người và súc sanh đều có đủ bốn loại sanh.
Do đó luận này hỏi rằng: Là sanh thâu nhiếp vào nẻo đường hay là nẻo đường thâu nhiếp đối với sanh?
Đáp rằng: Sanh thâu nhiếp tất cả đường Không phải nẻo đường thâu nhiếp sanh. Nghĩa là sanh trung ấm tăng lên. Nên biết không phải nẻo thâu nhiếp. Do đó biết sanh rộng mà nẻo đường hẹp. Bởi vì hóa sanh rộng, thâu nhiếp toàn bộ hai nẻo và một phần của ba nẻo. Trong nẻo địa ngục luôn luôn là hóa sanh.
*
Hỏi: Các trời sáu cõi Dục đã hành dục giống như loài người, tại sao không có thai sanh?
Đáp: Ái dục tuy giống nhau nhưng việc làm không như nhau. Vì vậy trong các kinh Lâu Thán – Chánh Pháp Niệm nói: “Cõi trời Tứ Vương – Đao Lợi, lúc hành dục thì hình thể nam nữ kết giao với nhau. Tuy giống như loài người không khác, nhưng mà không có tinh khí chảy ra.
Từ Tứ Thiên trở lên luôn luôn hoàn toàn khác nhau.
Trời Diệm Ma hành dục thì ý vui vẻ ôm lấy nhau. Hoặc chỉ là nắm tay mà làm thành kết quả cuối cùng. Không đến mức giao hợp với nhau.
Trời Đâu Suất trong ý vui thích nói cười, thì trở thành kết quả cuối cùng, không cần phải ôm lấy nhau.
Trong cõi trời Hóa Lạc cùng nhau nhìn say đắm, thì trở thành kết quả cuối cùng, không cần phải nói cười.
Trong cõi trời Tha Hóa chỉ nghe tiếng nói, hoặc ngửi mùi hương, thì trở thành kết quả cuối cùng, không cần phải nhìn say đắm”.
Vì thế khác biệt với loài người. Bởi vì loài trời là hóa sanh cho nên từ đầu gối của mẹ hóa hiện mà có. Loại quỷ hóa sanh có thể biết. Thai sanh thì kín đáo một chút như trong Tịnh Quán Âm giải thích: “Xưa trong thành Vương Xá có một người nữ, bị tinh khí loài quỷ dính vào, mang thai sanh ra năm trăm quỷ con.”
*
Lại trong luận Câu Xá nói: “Có con quỷ thưa với Mục Liên rằng: Ban ngày con sanh ra năm đứa con, ban đêm con sanh ra năm đứa con. Cứ sanh ra mà ăn, ăn hết mà không có lúc nào no đủ. Đây là loài quỷ thai sanh. Đường A tu la cũng có thai sanh và hóa sanh, vì có sự phối hợp cho nên có thai sanh. Kiếp ban đầu của Tu la từ loài trời mà xuất hiện, tức là thuộc về hóa sanh”.
Lại dựa theo kinh Quán Phật Tam Muội giải thích: “Nguồn gốc của Tu la nữ vốn phát xuất từ trong chỗ ướt át của loài trứng bùn nơi biển lớn, chung cả thai sanh và hóa sanh nơi ấy, cũng có đủ bốn loại sanh”.
Loài người có đủ bốn loại sanh. Thai sanh thì hiện tại trông thấy có thể biết. Noãn sanh như kinh Niết bàn giải thích: “Như mẹ Tỳ Xá Khư Sanh ra một cục thịt tròn, từ trong đó có ba mươi hai trứng xuất hiện”.
Như luận Tỳ Bà Sa nói: “Hỏi: Tại sao biết trong loài người có noãn sanh?
Đáp: “Như Phật đã nói cõi Diêm Phù Đề có nhiều người buôn đi vào biển thu thập vật quý, gặp được hai con Hạc, hóa hiện tùy theo ý muốn, mất một con còn lại một con, cùng chơi đùa nằm ngủ với nhau trong một căn nhà, cùng giao hợp với con Hạc ấy, liền sanh ra hai quả trứng, trứng dần dần gặp hơi ẩm chín muồi thì sanh ra hai đứa trẻ. Sau lớn lên xuất gia học đạo được quả vị A la hán, một gọi là Thi Bà La, một gọi là Ưu Bát Thi Bà la”.
*
Hỏi: Tại sao biết trong loài có thấp sanh?
Đáp: Như trong kinh đã nói: Hữu Đảnh Sanh Vương, Tôn giả Giá La, Tôn giả Ưu Bà Giá La, Lê Nữ và Nại Nữ…, tức là sự việc ấy vậy.
Hỏi: Tại sao biết trong loài người có hóa sanh?
Đáp: Như loài người ở kiếp đầu tiên là vậy. Đã đạt được Thánh pháp, thì không còn noãn sanh và thấp sanh.
Hỏi: Vì sao không còn noãn sanh và thấp sanh vậy?
Đáp: Bởi vì noãn sanh và thấp sanh là thuộc về loài súc sanh thâu nhiếp.
Súc sanh có đủ bốn loại sanh, là thai – noãn – thấp sanh thì ba loại này mắt nhìn có thể biết. Còn loại hóa sanh thì dựa theo kinh Lâu Thán nói: “Như bốn loại sanh của chim cánh vàng trở lại ăn bốn loại sanh của loài rồng. Hóa sanh ăn bốn loại. Thai sanh ăn ba loại (trừ hóa sanh). Noãn sanh ăn hai loại (trừ hóa sanh và thai sanh). Thấp sanh trở lại ăn một loại thấp sanh (trừ ba loại có thể biết).
Còn trong kinh Khởi Thế nói: “Phía Bắc của biển lớn, là nơi ở của các Long Vương và tất cả chim chúa cánh vàng. Ở đây mọc lên một cây lớn, tên gọi là Cư Tra Xa Ma Ly (Thời Tùy nói là Lộc Tụ). Gốc rễ của cây đó vòng quanh bảy do tuần. Sâu vào đất hai mươi do tuần. Thân cao một trăm do tuần, cành lá che phủ năm mươi do tuần.
*
Phía Đông của cây có loài rồng noãn sanh và loài chim cánh vàng noãn sanh. Phía Nam của cây có loài rồng thai sanh và loài chim cánh vàng thai sanh. Phía Tây của cây có loài rồng thấp sanh và loài chim cánh vàng thấp sanh. Phía Bắc của cây có loài rồng hóa sanh và loài chim cánh vàng hóa sanh. Bốn chỗ này đều có cung điện, dọc ngang sáu trăm do tuần. Bảy lớp tường bao bằng phẳng, bảy thứ báu trang hoàng nghiêm túc. Hương thơm tuyệt vời lan xa, các loài chim cùng hót vang.
Còn chim chúa cánh vàng noãn sanh kia, nếu muốn bắt lấy loài rồng noãn sanh, thì liền bay đến trên cành phía Đông của cây lớn Cư Tra Xa Ma Ly, nhìn nước biển lớn rồi tiếp tục bay xuống. Nó dùng hai cánh quạt nước biển lớn, khiến cho nước tự tách ra hai trăm do tuần. Sau đó bay vào trong ngậm lấy rồng noãn sanh, đem ra ngoài biển tùy ý mà ăn. Chim chúa cánh vàng noãn sanh, chỉ có thể lấy được những loài rồng noãn sanh. Nó không có năng lực lấy được những loài rồng thai sanh – thấp sanh và hóa sanh.
*
Nếu chim chúa cánh vàng thai sanh muốn bắt lấy loài rồng noãn sanh, thì vẫn hướng đến trong biển phía Đông của cây mà bắt lấy. Con chim chúa cánh vàng thai sanh muốn bắt lấy loài rồng thai sanh, thì hướng vào trong biển phía Nam của cây mà bắt lấy, nước tách ra bốn trăm do tuần. Chim chúa thai sanh này chỉ có thể bắt lấy loài rồng noãn sanh và thai sanh, chứ không có năng lực bắt lấy loài rồng thấp sanh – hóa sanh.
Còn chim chúa cánh vàng thấp sanh, muốn bắt lấy loài rồng thai sanh, vẫn hướng về trong biển phía Đông của cây mà bắt lấy để ăn. Còn chim chúa thấp sanh muốn bắt lấy loài rồng thai sanh, thì hướng về trong biển phía Nam của cây mà bắt lấy để ăn, nước tách ra bốn trăm do tuần. Còn chim chúa thấp sanh muốn bắt lấy loài rồng thấp sanh ấy, thì hướng về trong biển phía Tây của cây mà bắt lấy, nước tách ra tám trăm do tuần. Chim chúa thấp sanh chỉ có thể bắt lấy những loài rồng noãn sanh – thai sanh và thấp sanh, chứ không có năng lực bắt được loài rồng hóa sanh.
*
Còn chim chúa cánh vàng hóa sanh muốn bắt lấy loài rồng noãn sanh, thì hướng về trong biển phía Đông của cây mà bắt lấy. Nếu muốn bắt lấy loài rồng thai sanh, thì hướng về trong biển phía Nam của cây mà bắt lấy. Nếu muốn bắt lấy loài rồng thấp sanh, thì hướng về trong biển phía Tây của cây mà bắt lấy. Nếu muốn bắt lấy loài rồng hóa sanh, thì hướng về trong biển phía Bắc của cây mà bắt lấy, nước tách ra một ngàn sáu trăm do tuần, các loài rồng ấy đều bị chim chúa cánh vàng này bắt mà ăn thịt”.
Lại trong Kinh Quán Phật Tam Muội: “Đức Phật dạy: Trong cõi Diêm Phù Đề cho đến Tứ thiên hạ, có chim cánh vàng tên là Già Lâu La Vương, nhanh nhạy tự tại ở trong các loài chim Nghiệp báo của chim này là phải ăn thịt các loài rồng, ở cõi Diêm Phù Đề. Mỗi ngày ăn một rồng chúa, và năm trăm rồng nhỏ. Ngày thứ hai ở cõi Phất Bà Đề. Ngày thứ ba ở cõi Cù Da Ni. Ngày thứ tư ở cõi Uất Đan Việt, đều ăn với số lượng như trước, vòng đi vòng lại trải qua tám trăm năm.
*
Chim này vào lúc bấy giờ tướng chết đã hiện rõ ra, các loài rồng nhả độc không có cách nào ăn thịt được. Chim ấy đói lả bức bách hoảng hốt cầu thức ăn, nhưng hoàn toàn không thể có được. Đi quanh co khắp các núi mà vẫn không yên ổn được, đến núi Kim Cang sau đó tạm thời dừng lại. Từ núi Kim Cang thẳng xuống đến phạm vi mặt nước lớn, từ phạm vi mặt nước lớn đến phạm vi của vòng tròn gió, bị luồng gió thổi trở về đến núi Kim Cang. Như vậy, đến bảy lần sau đó mạng chung.
Chim đó mạng chung rồi nhưng bởi vì chất độc của nó, khiến cho mười núi báu cùng một lúc nổi lửa. Lúc bấy giờ Long Vương Nan Đà sợ núi bị thiêu rụi, liền tuôn mưa lớn, hạt mưa bằng vành xe, thịt chim phân tán hết chỉ có trái tim còn lại. Trái tim đó thẳng xuống như trước bảy lần, sau đó trở lại ở trên đỉnh núi Kim Cang. Long Vương Nan Đà lấy trái tim của chim này, dùng làm minh châu, Chuyển Luân Vương có được trở thành như ý châu”.
Lại trong luật Thiện Kiến nói: “Đức Phật dạy: Rồng có 5 sự việc không thể lìa được thân rồng. Những gì là năm sự việc? Đó là:
- Lúc hành dâm, nếu cùng với rồng hành dâm thì lại có được thân rồng. Nếu cùng với người hành dâm thì không có được thân rồng nữa.
- Thọ sanh không lìa khỏi thân rồng.
- Lúc lột da.
- Lúc ngủ.
- Lúc chết.
Đây là năm sự việc không thể lìa được thân rồng”.
*
Hỏi: Bốn loại ăn thâu nhiếp lẫn nhau như thế nào?
Đáp: Như trong Tỳ Đàm giải thích. Nói tóm lại, trong sáu đường đều có đủ bốn loại ăn nhưng mà có rộng hẹp không giống nhau. Như trong địa ngục cần phải có đoàn thực ấy là giống như có viên sắt và nước đồng sôi, tuy rằng thêm đau khổ, nhưng bởi vì trừ bỏ đói khát cho nên gọi là đoàn thực. Lại như bị giam trong ngục tội nhẹ cần phải có đủ hai làn gió lạnh nóng, thay đổi nhau xúc chạm thân thể cũng gọi là đoàn thực. Chỉ riêng hai cõi trên không có đoàn thực, bởi vì thân thể của họ nhẹ nhàng tuyệt vời, cho nên luận có kệ rằng:
Bốn loại ăn thuộc về cõi Dục
Nơi bốn loại sanh cũng như vậy
Ba loại ăn thuộc hai cõi trên
Đoàn thực thì cõi kia không có”.
Hỏi: Không biết trong mỗi một đường tăng thêm loại ăn nào vậy?
Đáp: Như trong Tỳ Đàm giải thích, ở trong sáu đường nói là toàn bộ đường quỷ và ở noãn sanh cùng với ba loại Vô Sắc trước đều là thiên về tăng thêm tư thực. Vì sao như vậy? Bởi vì trong đường ngạ quỷ kia nhiều về ý hành, chúng sanh loài noãn sanh lúc còn trong vỏ trứng, vì nghĩ đến mẹ cho nên trứng không hủy hoại được.
*
Ba loại Vô Sắc trước cũng như ý hành vốn có nhiều tư duy, vì vậy đều tăng thêm tư thực. Còn đường loài người này và ở trong sáu trời Dục, đều thiên về tăng thêm đoàn thực. Vì sao như vậy? Bởi vì hai chỗ này cần phải nhờ vào cái ăn duy trì thân mạng. Còn toàn bộ đường địa ngục kia và toàn bộ cõi Phi Tưởng đều thiên về tăng thêm thức thực.
Vì sao như vậy? Bởi vì trong địa ngục thì thức là thứ duy trì danh sắc, trong cõi Phi Tưởng dùng thức để duy trì tên gọi. Còn cõi Sắc kia và loài thấp sanh, đều thiên về tăng thêm xúc thực. Vì sao như vậy? Bởi vì trong cõi Sắc tiếp nhận tu tập các pháp thiền định xúc chạm để duy trì thân mạng, trong loài thấp sanh lấy nhân tố ẩm ướt xúc chạm để duy trì thân mạng được sống”
(Tứ sanh là gì)
Tuệ Tâm 2020.