Tứ Nhiếp Pháp là bốn phương pháp để thâu nhiếp, thu phục chúng sanh, đó là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Kinh Bồ Tát Tạng nói: “Nếu biết rằng Bồ tát ma ha tát đầy đủ pháp Tứ nhiếp như vậy. Nhờ vào pháp này cho nên Bồ tát luôn ở trong đêm dài tăm tối tiếp nhận các chúng sanh.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Ngũ Ấm ma trong Kinh Lăng Nghiêm
- Âm đức là gì.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Chuyện tâm linh có thật.
Người thực hành Tứ nhiếp pháp trước thỏa mong cầu cho người, sau dẫn vào biển trí tuệ Phật. Đối với người nghèo thường hành bố thí. Đối với người cần an ủi thì ban cho lời dịu dàng. Đối với người cần hỗ trợ thì giúp đỡ làm lợi. Đối người hữu duyên gặp gỡ thì làm đồng sự. Đây là áp dụng “Tứ nhiếp pháp” tùy duyên mà hóa độ. Rồi dẫn người vào chánh đạo, giúp chúng sinh quy hướng Phật đạo.
Đại lược về Tứ nhiếp pháp
Kinh dạy: “Để nhiếp chúng sanh giới, người hành Bồ Tát đạo cần phải lấy Tứ Vô lượng làm tâm. Lấy Tứ nhiếp pháp làm hạnh.” Bốn vô lượng gọi là Từ Bi Hỷ Xả, trong đó:
- Từ có năng lực mang lại niềm vui tràn đầy.
- Bi có năng lực diệt trừ tất cả khổ đau
- Hỷ là chúc mừng chúng sanh xa lìa tận cùng khổ đau cảm được pháp an lạc tràn đầy.
- Xả là làm cho chúng sanh thực hành ở trong công hạnh của Phật, đạt đến cảnh giới của Phật mới phát sanh tâm niệm xa rời.
Lấy Tứ nhiếp pháp làm hạnh thì Bồ Tát mong muốn thâu nhiếp mọi loài: Trước hết dùng tài sản cứu giúp tránh khỏi sự khổ đau về cuộc sống. Sau dùng lời nói yêu thương chỉ bày thức tỉnh tâm tư, khiến cho họ tin hiểu đối với lời nói và việc làm. Lợi hành là dựa vào sự tin hiểu trước đây tiếp theo làm cho phát khởi công hạnh. Hạnh nghĩa là giới định tuệ, khiến cho tất cả tôn trọng tu tập, chính là công hạnh thâu nhiếp bằng lợi ích. Đồng sự là tu hành đã đầy đủ, chuyển sang dựa vào cuối cùng thành tựu 3 thân, giống như sự chứng đạt của bậc Thánh.
Vì vậy trong luận Địa trì nói: “Bố thí ái ngữ thì người chưa phát tâm khiến cho phát tâm. Lợi hành thì người chưa thành thục khiến cho thành thục. Đồng sự thì người chưa giải thoát khiến cho giải thoát.”
*
Nhiếp chúng sanh giới, nghĩa là cứu độ mọi chúng sanh, phát khởi hạnh không trú vào đạo, là nhân của Ân đức, cuối cùng thành tựu Ứng thân.
Trong An sĩ toàn thư, Chu Tiên sinh bảo hành Tứ nhiếp pháp đơn giản như: “Giúp người già không chỗ nương hoặc kẻ tù tội mất đi quyền thuộc nương tựa. Gặp người không tiền trị bệnh thì phát tâm cứu tế, khiến họ được an vui. Thấy người xâm hại lợi ích tha nhân và quốc gia, thì phải dũng mãnh ngăn cản cho họ không phạm tội. Nếu gặp kẻ giả thần lộng quỷ, mạo danh đệ tử Phật để lường gạt tiền tài. Ta phải giảng cho họ hiểu. Phải dùng tiếng sư tử uy dũng để nhiếp phục, khiến họ cải tà quy chính…”
Tứ nhiếp pháp: 1. Bố thí
Hòa thượng Tuyên Hóa dạy: “Có ba loại bố thí là tài thí, Pháp thí, và vô úy thí. Có tiền, đem tiền ra bố thí, đó gọi là tài thí. Hiểu được Phật Pháp rồi đem giảng cho người khác nghe, đó là Pháp thí. Có người sợ hãi, khủng hoảng, quý vị bèn đến bảo vệ, trấn an, khuyên lơn làm cho họ không còn khiếp sợ nữa; Đó là vô úy thí, tức ban phát sự không sợ hãi. Tuy nhiên, người thực hành hạnh bố thí không nên tham lam, mong cầu sự báo đáp;
Chớ nên nghĩ rằng: “Bây giờ mình bố thí cái này thì trong tương lai mình sẽ được nhiều lợi lộc!” Qúy vị đừng nên có tâm thái ấy! Bố thí là bố thí. Bố thí xong rồi thì hãy quên đi, coi như mình không hề bố thí vậy. Phải hiểu “tam luân thể không”: Không thấy có người bố thí, không thấy có người thọ nhận, và không thấy có vật được đem cho hoặc vật được thọ nhận. Ở giữa phải không có cái gọi là “năng thí sở thí, năng thọ sở thọ”; Tất cả đều không có.
*
Phải nghĩ rằng mình bố thí là vì đó là việc mà mình nên làm. Ðừng bao giờ nghĩ rằng mình làm được việc thiện này, thì một mai, công đức mình “thu hoạch” được sẽ “sinh sôi nảy nở,” phước báo mình được hưởng hẳn phải rất to lớn. Quý vị chớ nên nuôi dưỡng cái tâm ấy. Cần phải “vô tâm bố thí”– bố thí một cách vô tư mới được!
Pháp thí cũng tương tự như vậy. Khi nói Pháp cho người khác nghe, quý vị chớ nên có cái tâm “mình đang thuyết Pháp cho người ta nghe,” cũng đừng tự phụ: “Phen này tôi tạo được công đức lớn lắm; Quý vị phải biết cúng dường cho tôi!” Tuyệt đối không nên có thứ tâm thái ấy. Phàm làm hạnh bố thí thì không nên nghĩ đến lợi ích cá nhân, cũng đừng quan niệm rằng phải có lợi cho bản thân thì mình mới bố thí, còn nếu không có lợi lộc gì cho mình thì không làm.
Tứ nhiếp pháp: 2. Ái ngữ
Ái ngữ là lời nói nhẹ nhàng, chân thật. Chư Bồ tát và A la hán thường dùng lời lẽ hòa nhã, dịu dàng để thâu nhiếp chúng sanh. Thí dụ, Ðức Phật có nhiều lúc đã khen ngợi ngài A Nan: “Lành thay! Hay thay!”; Và chư Bồ tát cũng khuyến dụ chúng sanh như thế: “Các con là những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh. Các con thật là có thiện căn!” Ðó là bố thí ái ngữ. Ái ngữ nghĩa là đối với tất cả những người đến cầu pháp thì Bồ tát đều thường xuyên dùng ái ngữ hỏi han chỉ bày. Nói là Ái ngữ, thì dùng tâm vô nhiễm phân biệt chỉ bày rõ ràng.
Tứ nhiếp pháp: 3. Lợi hành
Lợi hành tức là làm lợi ích cho người khác, chứ không phải cho cá nhân mình. Lợi hành nghĩa là luôn luôn đầy đủ tất cả ý niệm vui vẻ của mình hoặc là người. Đối với người thì giảng dạy đọc tụng kinh điển, cho đến thuyết pháp không có gì chán nản mệt mỏi.
Tứ nhiếp pháp: 4. Đồng sự
Ðồng sự tức là người ta làm việc gì thì mình cũng làm việc nấy. Có thể có vị Bồ tát muốn cứu độ người dâm nữ có nhiều thiện căn và thấy căn cơ của cô ta cũng đã thành thục. Điển hình là trường hợp người con gái của Ma Ðăng Già được đề cập trong bộ Kinh Lăng Nghiêm. Tuy con gái của Ma Ðăng Già trước kia là một kỹ nữ song căn cơ đã thành thục, vì thế khi ngài A Nan quay trở về Vườn Kỳ thọ Cấp cô độc thì cô cũng chạy theo. Nhưng vừa được nghe Ðức Phật giảng Pháp là cô ta lập tức chứng đắc Tam quả A la hán; Và về sau cô ta cũng chứng được Tứ quả A la hán.
Vậy, để độ những dâm nữ, chư Bồ tát có thể hiện thân làm dâm nữ. Bởi nếu các ngài làm cùng công việc và là bạn bè của họ thì họ mới tin lời các ngài. Thí dụ, một sinh viên Ðại học nói với chúng bạn: “Tôi tin theo đạo Phật. Giáo Pháp do Ðức Phật tuyên thuyết là thâm áo nhất, vi diệu nhất. Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu Phật Pháp, tìm hiểu kinh điển!” Những sinh viên khác nghe nói như thế đều hưởng ứng: “Chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu kinh điển!” Và thế là mọi người cùng nhau nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm.
*
Nói là Đồng sự, tùy theo trí tuệ và công đức vốn có của mình mà diễn giảng giải thích cho người. Hoặc tiếp nhận xây dựng tất cả chúng sanh, làm cho họ được an trú như trí như pháp. Nói là Đồng sự, thì dùng tâm Nhất thiết trí không rời bỏ, an trí hàm sinh vào nơi Chánh pháp.
Trong tứ nhiếp pháp thì bố thí đứng đầu. Vì vậy Bồ tát ở trong tất cả mọi lúc luôn luôn thực hành pháp thí. Nếu tự mình không có tiền của thì tùy hỷ hạnh thí của người khác. Nếu tự mình có tiền của thì cúng dường người trí, vẫn có được quả báo thông minh”.
Phước báu bố thí trong Tứ nhiếp pháp
Kinh Hiền Ngu nói: “Lúc ấy các Tỳ kheo đều nảy sinh nghi ngờ: Hiền giả A nan vốn tạo ra hạnh gì mà được đa văn tổng trì như vậy? Nghe Đức Phật thuyết giảng không quên mất một lời? Họ bèn cùng hướng về nơi Đức Phật mà thưa với Đức Phật rằng: “Hiền giả A nan, vốn tạo ra phước thiện gì mà có được vô lượng tổng trì như vậy? Nguyện Đức Thế Tôn, khai thị cho biết điều ấy!”
Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: “A tăng kỳ kiếp quá khứ trước đây, có một Tỳ kheo độ cho một Sa di. Tuy vậy ông ta luôn luôn dùng sự chỉ bày nghiêm khắc. Phàm dạy cho tụng kinh, hạn định thời khóa hằng ngày: Nếu tụng kinh đầy đủ thì rất hoan hỷ, nếu không đủ số thì quở trách hết sức khắc khe. Bởi thế nên Sa di thường mang lòng buồn phiền, đọc kinh tuy đầy đủ mà ăn uống lại không điều độ được.
Nếu đi khất thực, lúc có được thức ăn sớm, thì đọc đủ số. Nếu khất thực được thức ăn muộn hơn, thì đọc kinh không đủ. Nếu đọc kinh không đủ thì sẽ bị quở trách khắt khe. Lòng dạ buồn rầu khóc tấm tức mà đi.
*
Lúc ấy có Trưởng giả trông thấy Sa di như thế, tiến đến gọi mà hỏi nguyên do? Sa di trả lời rằng: Trưởng giả nên biết. Thầy tôi rất nghiêm khắc, dạy tôi đọc kinh thường hạn định thời khóa hằng ngày. Nếu đủ số ấy thì rất hoan hỷ, nếu không đủ số ấy thì bị quở trách hết sức khắt khe. Tôi đi khất thực nếu sớm có được thì đọc kinh đủ số, nếu khất thực có muộn hơn thì đọc kinh không đủ số. Nếu kinh không đủ số tất bị quở trách khắt khe, bởi điều này cho nên tôi sanh phiền não.
Trưởng giả liền nói với Sa di: Hàng ngày hãy đến nhà tôi, tôi sẽ cúng dường thức ăn khiến ông không còn lo lắng. Ăn rồi dốc lòng chịu khó tinh tấn đọc kinh hơn nữa. Từ đó Sa di dốc hết tâm ý chịu khó đọc kinh, hạn định thời khóa hằng ngày luôn luôn đầy đủ. Thầy trò từ đó trở đi luôn luôn được hoan hỷ.
Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Vị Thầy lúc bấy giờ chính là Định Quang Phật. Sa di lúc ấy nay chính là thân Ta. Đại Trưởng giả cúng dường thức ăn lúc ấy nay chính là A nan. Chính là nhờ quá khứ tạo ra công hạnh này, cho nên nay đạt được tổng trì không có gì quên mất sai sót”.
(Tứ nhiếp pháp là gì)
Tuệ Tâm 2021.