Tứ Diệu Đế là gì
Pháp Giới 10 tháng trước

Tứ Diệu Đế là gì

Tứ Diệu Đế là gì? Tứ là bốn; Diệu là hay đẹp, quý báu, hoàn toàn; Ðế là sự chắc chắn, rõ ràng đúng đắn nhất. Tứ Diệu Đế là bốn sự thật chắc chắn, quý báu, hoàn toàn nhất, không có một giáo lý ngoại đạo nào có thể sánh kịp, bao gồm: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế

Tứ Diệu Đế là một trong những giáo lý căn bản bản của Phật pháp, chớ không phải dành riêng cho Tiểu Thừa như nhiều người lầm tưởng. Người Phật tử không thể không biết tầm quan trọng của Tứ Diệu Ðế. Bởi nếu không hiểu biết về Tứ Diệu Ðế nghĩa là không hiểu biết gì về giáo lý đạo Phật cả.

  • Luật Nhân quả là gì.
  • Luân hồi là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Lời Phật dạy về Đạo hiếu
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Sự thật về Cầu cơ.
Tứ Diệu Đế là gì
Tứ Diệu Đế là gì

Tứ Diệu Đế là gì

Với bốn sự thật về Tứ Diệu Đế mà Ðức Phật đã giảng. Người tu hành có thể từ địa vị tối tăm, mê mờ, đi dần đến quả vị giác ngộ một cách chắc thật, không sai chạy. Như một ngọn đuốc thiêng có thể soi đường cho người bộ hành đi trong đêm tối đến đích. Vì cái công dụng quý báu, mầu nhiệm, vô cùng lợi ích như thế nên mới gọi là Diệu. Chữ Ðế còn có nghĩa là một Sự Thật lớn nhất, cao nhất; Bao trùm tất cả các Sự Thật khác, và muôn đời bất di bất dịch. Không phải là sự thật hạn cuộc trong không gian và thời gian

Ðức Phật Thích Ca, sau khi thành đạo dưới cội cây bồ đề. Ngài liền nghĩ đến việc đem giáo lý vừa chứng được truyền bá cho chúng sanh. Nhưng giáo lý của Ngài là giáo lý cao siêu, thâm diệu; Còn chúng sanh phần đông căn cơ còn thấp kém, khó có thể giác ngộ nhanh chóng như Ngài được. Nhưng không lẽ vì giáo pháp của Ngài thậm thâm vi diệu mà không giáo hóa chúng sanh?

* Tứ Diệu Đế là gì *

Ðể làm tròn nhiệm vụ hóa độ, Ngài phương tiện nói pháp Tứ Diệu Ðế là Tiệm giáo để cho chúng sanh dễ bề tu hành. Khi quán sát căn cơ năm người bạn đồng tu với Ngài trước kia là nhóm ông Kiều Trần Như, có thể khai ngộ được với pháp Tứ Diệu Ðế. Đức Phật đi đến Lộc Uyển là nơi họ đang tu hành để nói pháp Tứ Diệu Ðế.

Sau khi nghe Phật thuyết pháp Tứ Diệu Ðế, thánh kiến mê lầm tan vỡ, trí huệ siêu thoát xuất hiện. Năm vị này được ngộ đạo, chứng nhập quả vị A La Hán. Ðó là năm vị đệ tử đầu tiên của đức Phật Thích Ca. Từ đây về sau, Tứ Diệu Ðế là giáo lý căn bản về Tiệm giáo (Phương pháp tu chứng từ từ) và đã giác ngộ cho không biết bao nhiêu đệ tử của Phật.

Tứ Diệu Ðế là gì: Tứ Diệu Ðế Gồm Những Gì

Tứ diệu đế là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo đế.

1. Khổ Đế.

Khổ đế là chân lý chắc thật. Trình bày rõ ràng cho chúng ta thấy tất cả những nỗi đau trên thế gian này mà mỗi chúng sinh đều phải chịu như: Sống là khổ, Ðau là khổ, Già là khổ, Chết là khổ vv..Những nỗi khổ dẫy đầy trên thế gian. Chúng bao vây chúng ta, nhấn chìm chúng ta như nước biển. Do đó, Ðức Phật thường ví cõi đời là một bể khổ mênh mông.

2. Tập Đế.

Tập đế là chân lý chắc thật, trình bày nguyên nhân của bể khổ trần gian. Là lý do vì đâu có những nỗi khổ ấy. Khổ đế như là bản kê hiện trạng của chứng bệnh; Còn Tập đế như là bản nói rõ nguyên nhân của chứng bệnh, lý do vì sao có bệnh.

3. Diệt Đế.

Diệt đế là chân lý chắc thật. Trình bày rõ ràng hoàn cảnh quả vị an lành, tốt đẹp mà chúng sanh sẽ đạt đến, khi đã diệt trừ được những nỗi khổ và những nguyên nhân của đau khổ. Diệt đế như là một bản cam đoan của lương y: Nói rõ sau khi người bệnh lành thì sẽ ăn ngon, ngủ yên như thế nào; Thân thể sẽ tráng kiện, tâm hồn khoan khoái ra sao.

4. Ðạo Đế 

Ðạo đế là những phương pháp đúng đắn, chắc thật để diệt trừ đau khổ. Ðó là chân lý chỉ rõ con đường quyết định đi đến cảnh giới Niết Bàn. Nói một cách giản dị: Đó là những phương pháp tu hành để diệt khổ và được vui. Ðạo đế cũng như cái toa thuốc mà vị lương y đã kê ra để người bịnh mua và những lời chỉ dẫn mà bịnh nhân cần phải y theo để lành bệnh.

Tứ Diệu Ðế là gì: Giáo lý căn bản của Phật pháp

Tứ diệu đế đã được Ðức Phật sắp đặt theo một thứ tự rất khôn khéo, hợp lý, hợp tình. Ngày nay các nhà nghiên cứu Phật học Âu Tây, mỗi khi nói đến Tứ Diệu Ðế. Ngoài cái nghĩa lý sâu xa, nhận xét xác đáng, còn tóm tắt tán thán cái kiến trúc, cái bố cục, cái thứ lớp của toàn bộ pháp môn ấy.

Giai đoạn 1.

Trước tiên, đức Phật chỉ cho chúng sanh thấy cái thảm cảnh hiện tại của cõi đời. Cái thảm cảnh bi đát nầy có nằm ngay trước mắt ta; Nằm bên tai ta và ngay trong chính mỗi chúng ta; Những sự thật có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, rờ được, chứ không phải những sự thật xa lạ ở đâu đâu. Ðã là một chúng sanh, ai không có sanh, ai không đau ốm, ai không già, ai không chết v.v…? Và những trạng thái ấy đều mang theo tánh chất khổ cả. Ðã có thân, tất phải khổ. Ðó là một chân lý rõ ràng, giản dị, không ai là không nhận thấy.

Giai đoạn 2.

Khi chỉ cho mọi người thấy cái khổ ở trước mắt, ở chung quanh và chính trong mỗi chúng ta. Đức Phật mới đi qua giai đoạn thứ hai: Chỉ cho chúng sanh thấy nguồn gốc, lý do của những nỗi khổ ấy. Ngài đã từ hiện tại đi dần về quá khứ, đã từ bề mặt đi dần xuống bề sâu, đã từ cái dễ thấy đến cái khó thấy. Như thế là lý luận của Ngài đã đặt căn bản lên thực tại, lên những điều có thể chứng nghiệm được; Chứ không phải xa lạ, mơ hồ.

Giai đoạn 3.

Ðến giai đoạn thứ ba, đức Phật nêu lên trình bày cho chúng ta thấy cái vui thú của sự hết khổ. Giai đoạn nầy tương phản với giai đoạn thứ nhứt: Giai đoạn trên khổ sở như thế nào, thì giai đoạn nầy lại vui thú như thế ấy. Cảnh giới vui thú mà Ngài trình bày cho chúng ta thấy ở đây, cũng không có gì là mơ hồ, viển vông. Vì nếu đã có cái khổ là có cái vui. Khi đã thấy rõ được cái khổ như thế nào, thì mới hăng hái tìm cách thoát khổ và khao khát hướng đến cái vui mà đức Phật đã giới thiệu.

Giai đoạn 4.

Ðến giai đoạn thứ tư là giai đoạn Phật dạy những phương pháp để thực hiện cái vui ấy. Ở đây chúng ta nên chú ý là đức Phật trình bày cảnh giới giải thoát trước. Sau mới chỉ bày phương pháp tu hành sau. Ðó là một lối trình bày rất khôn khéo, đúng tâm lý: Trước khi bảo người ta đi, thì phải nêu mục đích sẽ đến như thế nào. Cho người ấy suy xét, lựa chọn có nên đi hay không. Nếu người ta nhận thấy mục đích ấy cao quý, đẹp đẽ; Khi ấy người ta mới hăng hái, nỗ lực không quản khó nhọc, để thực hiện cho được mục đích ấy.

Tứ Diệu Ðế là gì: Bức họa toàn cảnh Thế gian và Xuất thế gian

Như thế, chúng ta có thể phác họa lại cái bố cục của bức họa Tứ Diệu Ðế như sau: Chúng ta đang đứng trước một bức họa vĩ đại gồm có hai phần chính: Phần dưới là một bể thẳm mênh mông, sóng gió tơi bời. Trong ấy thuyền bè đang bị đắm chìm, với vô số nạn nhân đang lặn hụp, kêu la, khóc lóc…(Khổ đế).

Trong cái phần nầy của bức tranh, ta cũng thấy được những nguyên nhân gây ra những thảm họa ấy: Đó là những luồng gió dục vọng, tham, sân, si.. Những đám mây vô minh đen nghịt, che khuất cả mặt trời (Tập đế).

Nhìn đến phần trên của bức họa, ta thấy quang cảnh dần dần sáng sủa, yên tĩnh. Ở đây, giông tố không đến được. Không có những vực sâu, hố hiểm. Không có những nạn nhân đang rên siết, khóc than…Đây là một miền cao nguyên, càng lên cao, cảnh trí càng đẹp đẽ, yên vui. Người ở đây trông có vẻ bình tĩnh, thảnh thơi, vui vẻ lắm; Và cũng như cảnh trí, những người càng ở tầng bậc cao thì lại càng có dung mạo đẹp đẽ, cốt cách phương phi, giải thoát…(Diệt đế).

* Tứ Diệu Đế là gì *

Trong phần nầy, nếu chúng ta chú ý nhìn rõ, thì thấy từ một cảnh ở dưới lên một cảnh trên. Có những con đường đi với những cái bản đề tên đường đi, rất hay như: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, tứ như ý túc, Bát chánh đạo v.v…Trên những con đường ấy, có rất nhiều người đang đi lên, và rất ít người đi xuống. Và càng lên cao thì con đường lại càng rộng rãi mát mẻ, tốt đẹp; Và những khách bộ hành lại càng mang rất ít hành lý…(Ðạo đế).

Bức họa ấy có ghi mấy chữ ở phần dưới là: “Thế gian” và phần trên là “Xuất thế gian”. Ðây, bức họa Tứ Diệu Ðế rõ ràng trình bày ra trước mắt chúng ta hai cảnh giới: Thế gian và Xuất thế gian, tương phản như thế đó. Những ai đã nhìn được bức họa ấy, tất đều muốn xa cảnh ở phần dưới và mong ước được sống trong cảnh giới trình bày ở phần trên.

Tứ Diệu Ðế là gì: Sự Quan Trọng Của Tứ Diệu Đế

Tứ Diệu Ðế là giáo lý căn bản của đạo Phật, không phải riêng đối với Tiểu Thừa mà chung cho cả Ðại Thừa. Người tu hành muốn có một kết quả chắc chắn, không thể bỏ qua Tứ Diệu Ðế được. Pháp môn nầy, tuy tiến chậm, nhưng khi tiến được bước nào là chắc bước nấy.

Pháp môn nầy tuy không đưa thẳng người tu hành đến quả vị Phật. Nhưng với một sự tinh tấn và quyết tâm nó có thể dễ dàng đưa người tu hành đến quả vị A La Hán. Rồi từ quả vị A La Hán, hành giả sẽ tu thêm một pháp môn khác của Ðại Thừa, để tiến đến quả vị Phật.

Căn cơ nào, trình độ nào cũng có thể tu theo pháp môn nầy được. Không phải như một số pháp môn khác, phải cần có một trình độ học thức cao và một trí tuệ trên mức trung bình mới có thể theo được. Vì thế, nó là một pháp môn phổ thông cho cả hai phái Tiểu Thừa lẫn Ðại Thừa.

Ngày nay pháp môn này là pháp môn được phổ biến nhất trên thế giới. Các Phật tử Âu Mỹ hầu hết đều tu theo pháp môn nầy. Những tập sách nghiên cứu về đạo Phật, của Tây phương đều nói nhiều nhất về Tứ Diệu Ðế.

Tứ Diệu Ðế là gì: Lời Kết

Một giáo lý căn bản, quan trọng như Tứ Diệu Ðế, người Phật tử không thể không hiểu được. Không hiểu biết về Tứ Diệu Ðế là không hiểu biết gì về giáo lý đạo Phật cả. Người Phật tử, hơn ai cả, phải thấu triệt cõi đời là khổ. Muốn thế, không gì hơn là hãy lắng nghe đức Phật dạy về Khổ đế. Vì chỉ có Khổ đế mới nói lên một cách tường tận đầy đủ, chính xác về mọi nỗi khổ đau của cõi đời.

Thấy rõ được mọi nỗi khổ đau rồi, ta cần tìm hiểu nguyên nhân vì đâu có khổ. Vì chỉ khi nhận thấy được nguồn gốc ta mới có thể diệt trừ nó được. Ðiều này, cũng không chỗ nào nói rõ ràng, phân tích ràng mạch bằng Tập đế. Thấy được mọi nỗi đau khổ của cõi đời và nguồn gốc của nó, ta phải tìm cách để diệt trừ.

*

Nhiều người tưởng lầm đạo Phật là yểm thế bi quan, bởi họ đã dừng lại ở hai phần đầu của Tứ Diệu Ðế. Nhưng người Phật tử không dừng lại đó. Ðã thấy đau khổ làm cho cuộc đời xấu xa, đen tối, thì phải diệt trừ đau khổ. Hạnh phúc không đâu xa, hạnh phúc hiện ra sau khi đã diệt trừ được đau khổ. Ðau khổ lùi chừng nào thì hạnh phúc đến chứng ấy. Như bóng tối tan đi đến đâu thì ánh sáng thay vào đến đó.

Muốn thấy ánh sáng của Niết Bàn thì phải thực hiện những lời dạy của Phật trong Diệt đế. Muốn thực hiện Niết Bàn thì phải có đủ phương tiện. Những phương tiện nầy, đức Phật đã cung cấp một cách đầy đủ trong trong Ðạo đế. Như thế, đức Phật Thích Ca đã làm đầy đủ nhiệm vụ của kẻ dẫn đường cho chúng ta đi từ cõi đời đen tối đến quả vị A La Hán. Ngài đã đặt vào tay chúng ta một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng về cuộc hành trình và ban cho chúng ta đầy đủ phương tiện cần thiết trong chuyến đi vĩ đại ấy. Việc còn lại chỉ là: Chúng ta có chịu tinh tấn thực hành hay không mà thôi!

(Tứ Diệu Đế là gì – Theo Phật Học Phổ Thông)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) tổ chức "Đêm hội trăng rằm" đến các em thiếu nhi P.Võ Thị Sáu

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog