Truyền Thuyết về Áo Cà Sa của Đức Phật
Pháp Giới 10 tháng trước

Truyền Thuyết về Áo Cà Sa của Đức Phật

Áo Cà Sa là y phục của phước điền, giống như tháp Phật tôn kính. Nê Hoàn Tăng là y khoác trên thân người xuất gia, tôn trọng giống như giáo pháp. Y gọi là Tiêu Dũ, chọn lấy công năng loại trừ hết phiền não, khải gọi là Nhẫn Nhục, chọn lấy công năng hàng phục các ma quân. Cũng dụ cho hoa sen, không bị bùn dơ làm vấy nhiễm; cũng gọi là tướng cột đá, không bị các tà ma làm nghiêng ngả.

Cũng gọi là tướng của thửa ruộng, không bị người trông thấy sinh ra ác tâm. Cũng gọi là y phục cứu giúp loài Rồng, không bị Chim cánh vàng ăn thịt. Cũng gọi là y phục chế ngự tà ma, không bị ngoại đạo làm cho hư hoại. Cũng gọi là màu sắc không đích thực, không bị thế tục vấy nhiễm làm cho tham đắm.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Khoác chiếc ca sa là Sa lìa ba độc.” Vì vậy, người xuất gia lúc cạo tóc thì Thiên ma nghe mà từ xa đã kinh hãi; ngày khoác y thì Đế Thích thấy mà lòng hoan hỷ vô cùng. Ba chiếc pháp y dùng để che thân, ba loại sắc kềm chế ái tình nhân ngã; đã giống như ruộng lúa, tự thành tựu đức của Ứng Cúng; xa giống như chư Phật, thật sự theo đạo của Hòa Kính. Xuất trần thoát tục có gì cao quý như điều này chăng?

*
  • Cách tụng kinh cho người mới mất.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • Thiên ma là loại ma gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật ở Việt Nam
  • 10 Chuyện nhân quả báo ứng có thật
Truyền Thuyết về Áo Cà Sa của Đức Phật
Truyền thuyết về áo cà sa của đức Phật

Công đức của Áo Cà Sa không thể nghĩ bàn

Kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu có chúng sinh trì giới, tín tâm thanh tịnh, biết Tăng là phước điền; bởi pháp y cho nên bố thí một quả cây có giá trị làm thành tấm y, tâm luôn luôn yêu thích mà sinh ra tùy hỷ; mạng chung sanh đến cõi Trời Lâm Hý, tự tại dạo chơi tùy ý đến nơi muốn đến. Nếu sanh trong loài người thì thần đức tự tại.

Nếu có chúng sinh tâm phát sinh niềm tin thanh tịnh, vá nhuộm sửa sang ca sa pháp phục; mạng chung sinh lên cõi Trời Thái Địa, cùng với các Thiên nữ hưởng thụ năm dục vui sướng; ăn uống toàn là cam lộ không có gì say mê tán loạn; từ cõi Trời mạng chung được làm thân người, mọi người đều kính mến”.

Về Công đức của Áo Cà sa, kinh Bi Hoa nói: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, xưa kia vào thời quá khứ ở trước đức Phật Bảo Tạng phát tâm Bồ-đề; nguyện rằng lúc con thành Phật, khiến cho ca sa của con có năm loại công đức:

Năm loại Công đức của Áo Cà Sa 

1- Lúc con thành Phật rồi, nếu có chúng sinh nào tiến vào trong giáo pháp của con xuất gia khoác ca sa; hoặc là phạm vào giới cấm nghiêm trọng; hoặc là phạm vào tà kiến; hoặc là đối với Tam bảo mà khinh thường hủy báng không tin; tụ tập các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu bà tắc-Ưu bà di phạm tội nghiêm trọng; nếu ở trong một niệm sinh tâm cung kính tôn trọng Phật Pháp Tăng. Chúng sinh như vậy, thậm chí một người, nhất định sẽ thọ ký cho ở trong Tam Thừa đạt được bất thối chuyển.

2- Lúc con thành Phật rồi, Trời Rộng Quỷ Thần- người và loài chẳng phải người; nếu có thể đối với người mặc áo cà sa này, khởi tâm cung kính cúng dường, tôn trọng ca ngợi; người ấy nếu có thể thấy một phần ít của chiếc ca sa này, liền được bất thối chuyển ở trong Tam thừa.

3- Nếu có chúng sinh bị đói khát bức bách khốn khổ; hoặc là quỷ thần nghèo cùng hay những người hèn hạ, thậm chí ngạ quỷ súc sanh; nếu có được một phần ít thậm chí bốn tấc của chiếc ca sa này, thì người ấy liền được ăn uống đầy đủ; tùy những nguyện ước của mình nhanh chóng được thành tựu.

*

4- Nếu có chúng sinh cùng nhau làm điều sai trái, dấy lên ý nghĩa chống đối thù hận, chuyển sang đánh giết lẫn nhau; nếu lúc các loài Trời rồng tám bộ quỷ thần, người và loài phi nhân cùng nhau tranh đấu; nghĩ đến áo ca sa này lập tức sinh khởi Bi Tâm, tâm mềm mỏng, tâm không oán thù; tâm vắng lặng rỗng rang, tâm khéo léo điều phục.

5- Nếu như có người ở trong chiến trận, tranh giành kiện tụng, phân định sự việc; mang một phần ít Ca sa này đến giữa những nơi ấy, để tự bảo vệ mình. Bởi vì cúng dường cung kính, tôn trọng áo ca sa, cho nên những hạng người này không thể nào xâm phạm, hủy báng, đàn áp, khinh thường được; luôn luôn hơn hẳn người khác, vượt qua những khó khăn này. Nếu như ca sa của con không thể nào thành tựu năm loại công đức linh thiêng như vậy, thì trở thành lừa dối chư Phật hiện tại khắp mười phương thế giới, ở đời vị lai không thành tựu Bồ-đề làm một vị Phật”.

*

Theo Kinh bách Duyên nói: “Thời đức Phật tại thế, trong thành Ca-tỳ-la-vệ có một Trưởng giả, tên gọi Cù Sa. Vợ Trưởng giả sanh một bé gái đoan chánh tuyệt đẹp, có áo vải bông màu trắng quấn thân mà sanh ra; nhân đó đặt thành tên, gọi là Bạch Tịnh. Tuổi dần lớn lớn thì áo cũng lớn lên theo, tươi sáng thanh khiết không cần phải giặt vết bẩn; mọi người trông thấy tranh nhau cùng cầu xin kết bạn. Bạch Tịnh thưa với cha mẹ rằng: Nay con không ham vinh hoa của thế tục, nguyện vui với đời sống xuất gia; cha mẹ yêu thương hết lòng nên không thể làm trái ý của của con gái. Họ tìm dẫn đến nơi đức Phật cầu xin nhập đạo.

Đức Phật bảo: Thiện lai! Tỳ-kheo Ni! Lập tức đầu tóc tự nhiên rụng hết, áo trắng trên thân thay đổi làm thành ca sa; liền trở thành Tỳ-kheo Ni tinh cần tu tập, đạt được quả vị A-la-hán.

A nan trông thấy sự việc, thỉnh hỏi nhân duyên ấy, đức Phật bảo với A nan: Trong hiền kiếp này có đức Phật xuất thế, danh hiệu là Ca-diếp, dẫn các Tỳ-kheo đi khắp nơi làng mạc thôn xóm giáo hóa chúng sinh. Lúc ấy có cô gái gặp đức Phật và chúng Tăng trong lòng vô cùng hoan hỷ; cô mang một tấm vải bông bố thí đức Phật và chúng Tăng, phát nguyện mà đi xa. Nhờ công đức này sanh trong loài người hay trên cõi Trời, thường có áo sạch quấn thân mà sanh; cho đến hôm nay gặp được cơ duyên xuất gia đắc đạo trong đời của Ta. Tỳ-kheo nghe xong hoan hỷ vâng mạng thực hành”.

Tội Hủy báng Người mang Áo Cà Sa cực nặng

Trong kinh Đại Tập Nguyệt Tạng nói: “Đức Phật dạy: Ta xưa kia vì tất cả chúng sinh, tu các hạnh khổ hạnh, khởi tâm đại bi, xả bỏ thân mạng đầu mắt mũi lưỡi…, tất cả giống như Tỳ phước la; và xả bỏ voi ngực thành trì vợ con thân yêu; trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp, thương xót tất cả chúng sinh khổ não, và hạng bài báng chánh pháp hủy nhục Hiền Thánh; hạng chúng sinh bất thiện không có tàm quý; cho đến các hạng chúng sinh mà tất cả quốc độ thanh tịnh của chư Phật không thâu nhận nổi.

Vì các chúng sinh thuộc loại như vậy, cho nên ta phát nguyện ở trong đời ác đầy năm trược thành tựu đạo quả Vô thượng; để cứu độ chúng sinh khổ não trong ba đường; đưa vào nẻo thiện an lành đạt đến niềm vui tự tại của cõi Niết-bàn.

Nếu có chúng sinh, ở trong giáo pháp của Ta, làm đệ tử xuất gia của Ta; trừ bỏ râu tóc thân mang pháp phục áo ca sa; tuy không thọ giới cho đến thọ rồi mà hủy phạm; như vậy có ai hộ trì cúng dường người này, thì đạt được quả báo to lớn; huống là cúng dường đầy đủ cho người trì giới thanh tịnh.

*

Nếu như ở đời vị lai, hàng Quốc vương-Đại thần và người phân định sự việc, đối với đệ tử của Ta và người mang ca sa mà chưởi mắng, làm nhục, đánh đập, giam cầm; hoặc là xúi giục kẻ khác chiếm đoạt tiền bạc đồ dùng và vật dụng giúp đỡ cuộc sống của họ, thì người như vậy đã hủy hoại Báo thân chân thật của chư Phật ba đời; đã làm hại ánh mắt của tất cả Trời người; đã làm cho chánh pháp của hết thảy chư Phật bị che lấp; khiến cho chư Thiên và loài người rơi vào chốn địa ngục.

Lúc ấy Kiều trần như và Phạm Thiên vương bèn thưa với đức Phật rằng: Nếu có người nào theo đức Phật mà cạo bỏ râu tóc; thân mang ca sa nhưng không thọ cấm giới, thọ rồi mà hủy phạm; nếu Quốc vương-Đại thần và người phân định sự việc, bắt bớ-đánh đập-mắng nhiếc-làm nhục thì phải nhận chịu bao nhiêu tội lỗi?

Đức Phật bảo với Phạm vương: Nay Ta tạm nói sơ lược điều ấy cho ông. Nếu có người làm cho vạn ức đức Phật chảy máu thì phải nhận chịu tội lỗi nhiều không?

Phạm vương thưa với đức Phật: Nếu như người nào làm chảy máu trên thân một đức Phật, thì tội lỗi hãy còn nhiều đến vô lượng vô biên; huống là làm cho vạn ức đức Phật chảy máu, thì rốt cuộc không có ai có thể nói tất cả tội nghiệp quả báo của người ấy được.

*

Đức Phật bảo với Phạm vương: Nếu có người não loạn-chửi mắng-làm nhục-đánh đập-giam cầm người vì ta cạo tóc khoác mặc áo cà sa; dù họ không thọ giới hay thọ mà hủy phạm, thì phải nhận chịu tội lỗi nhiều hơn người làm cho vạn đức Phật chảy máu.

Tại vì sao? Bởi vì người này vì Ta xuất gia cạo tóc khoác mặc ác cà sa; tuy không thọ giới hoặc thọ mà hủy phạm, người này hãy còn có thể chỉ rõ đạo lý Niết-bàn cho các hàng Trời người; người này đã ở trong Tam bảo phải được sinh tâm cung kính tin tưởng, hơn hẳn tất cả chín mươi lăm loại ngoại đạo; người đó nhất định có thể nhanh chóng đi vào Niết-bàn, hơn hẳn tất cả người thế tục tại gia; vì vậy cho nên Trời người hãy tùy thuận cúng dường.

Nếu có Quốc vương thấy người xuất gia làm nhiều tội lỗi ác nghiệp, chỉ có thể như pháp đuổi ra khỏi lãnh thổ quốc qua và ở ngoài chùa; không nên đánh đập và chửi mắng làm nhục, tất cả không nên giống như tội lỗi của người ấy đã tạo. Nếu như cố tình đánh mắng thì người này đã thối thất giải thoát và xa lìa con đường tốt lành của tất cả Trời người; chắc chắn quay lại hướng vào địa ngục A Tỳ; huống gì đánh mắng người vì Phật xuất gia trì giới thanh tịnh? Tụng rằng:

*

Ngoài thần khiết trong tâm sáng tỏ,

Giống như vốn liếng về Tịnh độ,

Giới phẩm giữ gìn không thiếu sót,

Pháp phục oai nghi luôn thứ tự,

Đã làm theo đường nét ruộng lúa,

Cũng cứu giúp loài Rồng khốn khổ,

Uy đức dung mạo hãy quán xét,

Mưa pháp tưới thấm ân tốt đẹp”.

Truyền Thuyết về Chiếc Áo Cà Sa của đức Phật

Theo Đạo Tuyên Luật Sư: “Bề tôi của Tứ Thiên Vương thưa với Đạo Tuyên Luật Sư rằng: Trước ngày Như lai sắp Niết-bàn ba tháng, Ngài bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: Ông đến giới đàn đánh chuông, triệu tập Bồ-tát bốn phương, cùng các Tỳ-kheo; và tất cả tám bộ Trời rồng, khiến tề tựu nơi Tinh xá Kỳ-hoàn!

Văn-thù làm theo lời dạy báo cho đại chúng tề tựu. Đức Thế tôn bảo với Văn-thù và đại chúng rằng: Từ lúc Ta vượt thành vào núi học đạo, đem y phục quý báu vô giá đổi được áo lông hươu để mặc; có thọ thần hiện thân, tay cầm y Tăng-già-lê, nói với ta rằng: Thái Tử Tất đạt Đa, nay ngài tu đạo chắc chắn đạt được chánh giác; thời quá khứ vào lúc đức Phật Ca-diếp Niết-bàn, đem Đại y Tăng-già-lê trải ra nơi này gởi gắm dặn dò tôi; khiến cố gắng giữ gìn đợi đến lúc Nhân Giả xuất thế, khiến tôi giao cho Tất Đạt.

Ta vào lúc ấy muốn nhận đại y thì mặt đất chấn động dữ dội. Thọ Thần nói rằng: Nay vì Ngài mở y nêu rõ tướng của phước điền! Thọ Thần mở ra. Ta trông thấy tướng phước điền, liền đi vào Kim cang Tam Muội Định, mặt đất lại chấn động dữ dội. Thọ thần lại nói: Nay Ngài hãy còn là người thế tục, chưa thích hợp để khoác Đại y này; nên đặt trên đỉnh đầu cung kính cúng dường, khiến cho Ngài cầu Phật đạo không bị ma quân nhiễu loạn!

Ta y theo lời Thọ Thần, liền đưa lên đội trên đỉnh đầu.

*

Lúc Ta mới đội lên đầu thì mặt đất chấn động. Địa Thần Kiên Lao ở nơi ấy từ ranh giới Kim cang nhảy ra khỏi núi Kim cang; tùy theo những nơi ta đi, khắp nơi dựa theo ta, mới được an trú.

Lúc ấy ta khổ hạnh 6 năm nên thân thể gầy yếu, Đại y vẫn đội trên đầu không dám rời bỏ xao lãng; chỉ có Phạm vương nhiều lần đến gặp ta. Thấy ta vất vả mệt nhọc nên khởi tâm thương xót sâu sắc vô cùng; liền mang y Tăng-già-lê của ta lên đến cõi Phạm Thiên. Mặt đất lại chấn động dữ dội, mặt trăng mặt Trời không còn ánh sáng.

Địa Thần nói với Phạm vương rằng: Ông nên mang y trở lại đặt trên đỉnh đầu! Phạm vương nghe theo lời khuyên, mặt đất mới yên ổn, mặt trăng mặt Trời tỏa sáng trở lại.

Thái Tử lại bảo với Phạm vương: Ông biết tại sao y Tăng- già-lê ở trên đỉnh đầu ta hay không?

Đáp rằng: Không hề biết!

Thái tử nói rằng: Đây là bởi vì ở đời vị lai các hạng Tỳ-kheo-Tỳ-kheo ni bất thiện, không kính trọng pháp phục giải thoát của ta; ta dùng y đặt ở trên đỉnh đầu để phá tan mọi âm mưu; làm cho Thiên ma ngoại đạo phái hàng phục.

Ta đi vào dòng sông tắm gội, lúc nhận cháo sữa của hai cô gái chăn trâu, khoác mặc Đại y này liền đạt được niềm an lạc của cõi Thiền thứ ba, mọi khổ đau đều không còn.

*

Ta ngồi nơi cội Bồ-đề lần đầu chuyển pháp luân; lúc bấy giờ Thọ Thần mang tháp đến dâng lên; ta cởi y phục này xếp gọn vào trong tháp. Từ lúc ta thành Phật đến nay năm mươi năm, kính trọng đại y này, giữ gìn tự mình giặt giũ; thường khiến cho thần Kim cang nâng lên mang đặt vào tháp báu, chưa hề đặt nơi mặt đất. Cứ mỗi lần chuyển pháp luân thì khoác pháp phục này. Từ lúc thành đạo đến nay khoác mặc năm mươi lần. Nay Ta sắp Niết-bàn cần phải có người để gởi gắm dặn dò.

Đức Phật bảo với Văn-thù và các Tỳ-kheo cùng tất cả Trời rồng tám bộ: Đây là Tăng-già-lê bằng vải của đức Phật Ca-diếp có uy đức vĩ đại; ta dùng Phật nhãn nhìn khắp tất cả Trời rồng quỷ thần và Thập Địa Bồ-tát; không ai có năng lực lay động đại y này.

Đã không có ai có thể lay động thì chỉ có Như lai nâng Đại y này đưa vào tháp, đi quanh giới đàn ba vòng; từ phía Nam hướng về phía Tây theo bậc thềm bước lên phía trên giới đàn; từ phía tây hướng về phía Bắc chuyển đến đứng hướng mặt về phía Bắc; Đức Thế tôn tung tháp y vào giữa hư không, tháp y phát ra ánh sáng chiếu rọi khắp trăm ức quốc độ; tất cả mọi nơi đau khổ nhờ ánh sáng đều được diệt trừ; giống như cây cõi Trời ở quốc độ Diệu Lạc. Như lai phát ra âm thanh bày tỏ với hết thảy chư Phật:

*

Tôi sắp Niết-bàn, có Tăng-già-lê bằng vải thô của đức Phật Ca-diếp xưa kia, giao cho tôi trú trì chúng sinh thời mạt pháp. Chư Phật Như lai khắp mười phương, cầu nguyện các ngài bố thí một chiếc y cùng nhau giữ gìn mạt pháp! Chư Phật mười phương nghe lời này rồi, các Ngài lập tức cởi y Tăng-già-lê để bố thí đức Phật Thích Ca.

Đức Thế tôn tiếp nhận rồi ma vương lại thưa với đức Phật rằng: Cúi đầu nguyện thương xót đồng ý cho, con muốn cúng dường vàng bạc châu báu dùng để làm cho tháp y hưng thịnh; nguyện xin được xem xét đồng ý! Đức Thế tôn đồng ý rồi, liền dùng thần lực trong nháy mắt các tháp đều thành tựu. Tháp đã hiện bày, Đức Thế tôn tự mình mang Đại y đưa vào trong từng tháp báu.

Ma chúng thưa với đức Phật: Không biết tháp này giao phó cho người nào, an trí ở nơi đâu? Ngay sau đó Như lai trước lúc Niết-bàn, liền bảo với La Vân: Ông bảo A nan đến đây! A nan đến, Đức Thế tôn phóng ánh sáng chiếc rọi khắp đại thiên, trăm ức đức Phật Thích Ca cùng tập trung ở Kỳ-hoàn. Chư Phật đã tập trung. Đức Thế tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy bước lên giới đàn.

Lại bảo với A nan: Ông đi đến quốc độ Chấn Đán, ở tại hang núi Thanh Lương, bảo với Văn-thù-sư-lợi: Ta muốn giao phó y Tăng-già-lê của đức Phật Ca-diếp!

*

Các đức Phật Thích Ca, liền cùng với Văn-thù, trong khoảnh khắc đã đến giới đàn. Đức Phật bảo với Văn- thù và các đại chúng tề tựu: Nay Ta Niết-bàn, muốn giao cho ông tháp y của Phật Ca-diếp, giữ gìn giáo pháp của Ta để lại; sau khi ta nhập Niết-bàn, đem tháp y của Phật Ca-diếp đặt về phía Bắc Giới đàn của Ta để mười hai năm! Ngài lại bảo với Tứ Thiên vương: Các ông mang nhạc Trời thường cúng dường tháp y!

Đức Phật bảo với Văn-thù: Có Tỳ-kheo xấu ác cùng nhau tranh chấp hủy diệt chánh pháp của ta; nước Bắc Thiên Trúc có vị vua tàn ác cai trị thế gian, tin nhận Tiểu thừa phỉ báng Đại thừa; người học Tiểu thừa lại kích động làm mê hoặc lẫn nhau, ác ma đã giăng lưới; vì vậy mà giết hại người học Tam tạng Đại thừa.

Đức Phật bảo với Văn-thù: Vì nhân duyên này thuận theo an trú phía bắc giới đàn trong mười hai năm; lúc vị vua tàn ác cai trị thế gian hủy diệt chánh pháp, ông hãy dùng thần lực nâng tháp y mang đi khắp nơi đất nước kia, thâu nhận tất cả giáo pháp Đại thừa đưa vào trong tháp; Tỳ-kheo trì giới nơi ấy bị nhà vua giết hại, đều có y Tăng-già-lê thọ trì đúng như pháp, ông cũng thâu nhận đưa vào bên trong tháp y của Ta. Tỳ-kheo trì giới kia thọ mạng chưa hết, thì ông hãy dùng thần lực tiếp nhận mang đến đặt trên đỉnh núi Tu di!

*

Lúc bấy giờ ma vương thưa với đức Phật rằng: Con ở đời vị lai hộ trì chánh pháp, đến lúc vị vua tàn ác kia diệt trừ đại thừa, con từ trên đỉnh núi Tu di đi xuống dùng núi đá to lớn, đè ép vị vua tàn ác kia và Tỳ-kheo xấu ác, giống như hại bụi nhỏ. Con có một ngàn người con cùng có uy lực to lớn, sanh xuống cõi Diêm-phù-đề làm vua các nước kia; tất cả cùng xây dựng một vạn chốn già lam cúng dường Tăng chúng; khắp cõi Diêm-phù-đề và tất cả các thế giới. Làm cho lo buồn trừ diệt và luôn luôn hộ trì chánh pháp.

Đức Phật bảo với Văn-thù: Ông mang tháp y bát của Ta, đi khắp nơi cõi Diêm-phù-đề và tất cả các thế giới; cho đến an trí khắp nơi Đại Thiên Thế giới; trấn giữ giáo pháp của Ta để lại, có tháp của A Dục Vương; cũng khuyến khích khiến cho xây dựng khắp quốc độ Tam Thiên.

Đức Phật lại bảo với Văn-thù-sư-lợi: Ông dùng thần lực hướng đến trên lầu cao bảy báu phía tây căn phòng trong Tinh xá Kỳ-hoàn, lấy hòm châu ngọc của Ta đem chỉ rõ cho đại chúng. Lúc Ta mới vượt thành xa rời thân phụ và vương cung;, đi qua bốn mươi dặm đến lùm cây kia, thân có phần mệt mỏi uể oải, tạm thời dừng lại nghỉ ngơi; lúc ấy thọ thần nơi đó hiện thân nói với Ta rằng:

*

Nay Ngài tu đạo nhất định đạt được thân sắc vàng, làm bậc Đại Sư của Tam giới; lúc đức Phật Ca-diếp Niết-bàn, gởi gắm dặn dò trao hòm ngọc và y Tăng-già-lê cho tôi, khiến tôi chuyển lại giao phó cho Ngài.

Ta nói với thọ thần rằng: Ông trao y Tăng-già-lê bằng lụa không phải là vật Ta có thể sử dụng; ta nghe các bậc đi trước đã nói: Chư Phật xuất thế không mang y bằng lụa tơ tằm. Nay ta tu đạo làm sao nỡ tổn hại chúng sinh? Đem trao y cho Ta mang, nay ông là ma cho nên đến làm phiền Ta ư?

Thọ Thần nói rằng: Ngài là người Đại Trí sao nhất định phải nói lời trách móc vậy. Chư Phật vì lòng Từ bi thật sự không mang y bằng lụa tơ tằm; tơ này hóa hiện làm ra chứ không phải là hại đến chúng sinh; nay Ngài nhận hòm ngọc này, mở ra trong đó có chữ sẽ rõ.

Ta liền mở hòm trông thấy đầy đủ những điều lạ lùng; có Đại Tỳ- ni và Tu đa la Tạng, giáo pháp để lại của Phật Ca-diếp đều ở trong này; và thấy y Tăng-già-lê cùng thư để lại chính là bút tích của đức Phật Ca-diếp, gởi gắm dặn dò Thọ Thần, khiến giao phó cho Ta. Đức Phật Ca diếp viết rằng:

*

“Lúc Ta mới thành đạo, Đại Phạm Thiên vương bố thí cho Ta loại tơ ấy; là hóa hiện làm ra không phải là ươm tơ mà có. Phạm Thiên vương làm tơ dọc, Kiên Lao Địa thần Vương làm sợ tơ ngang; do hai thí chủ ấy cùng làm thành một pháp y. Bởi vì ý nghĩa này, nay mang đến bố thí cho ta. Từ lúc ta thành đạo đến nay thường khoác y này chưa hề làm hư hoại, nay giao cho Tất Đạt; nếu được thành Phật, thì lấy y Tăng-già-lê của Ta an trí vào trong Tinh xá Kỳ-hoàn; nếu lúc chuyển vận Tỳ-ni thì nên mặc y này thay ta! Nay để lại y này, một trăm năm sau khi ông Niết-bàn, mới có Tỳ-kheo Vô Trí phân Tạng Tỳ-ni ra làm năm bộ.

Đến một trăm năm sau Phân Tạng Tu đa la của ông, làm thành vô lượng Bộ Sự; tranh luận do đó khởi lên khiến cho giáo pháp mau chóng hủy diệt. Bởi vì Tăng ngu si lúc ấy không tìm hiểu Tam Tạng; nghe khai mở được phép mặc y tốt đẹp thì trở thành sát hại kén tằm. Nếu sau khi ông thành đạo, tơ ấy tự nhiên xuất hiện ở các nước chứ không phải là sát hại kén tằm mà có; cho nên ta đem giao cho Thọ Thần, nay chuyển đến giao cho ông. Trong hòm này đều là giáo pháp của Ta để lại; cũng đem giao cho ông trú trì giáo pháp để lại”.

*

Ta đã đọc thư xong, mặt đất tức thì phát sinh sáu loại chấn động; hòm ngọc tự nhiên mở ra đồng thời phát ra ánh sáng rạng rỡ. Thọ Thần lại nói với Ta rằng. Nên đem hòm y này đặt trên vai trái của Ngài; thường khởi tâm cung kính chớ đặt nơi nào khác; hòm ngọc ở trên vai có năng lực phá tan các ma quân và làm cho ngoại đạo phải hàng phục; khiến cho mau chóng thành Phật.

Ta từ lúc tiếp nhận hòm ngọc đến nay, luôn luôn đặt trên vai. Thậm chí lúc ngồi dưới cây Bồ-đề thọ nhận bát cháo sữa; Đế Thích đi đến chỗ Ta lấy chiếc hòm từ trên vai, mở ra lấy y Tăng-già-lê khiến Ta khoác mặc lại; lấy y Tăng- già-lê bằng vải thô của Phật Ca-diếp đặt ở phía trên y bằng lụa tơ tằm. Phạm vương cùng Đế Thích lại bố thí Đại y bằng vải. Ta theo như trước tiếp nhận, đã khoác ba lớp y; hai lớp là y của Phật Ca-diếp, một lớp là y của Ta thừa nhận.

Đại Phạm Thiên vương đến nói với Ta rằng: Con thấy chư Phật quá khứ, cũng khoác ba lớp Đại y mà mặt đất vốn không thể nào hơn được. Đức Thế tôn thích hợp có thể cởi bớt hai lớp Đại y, trả lại đặt vào nơi ban đầu; khoác y của con đã làm, thì mặt đất mới được an trú! Ta liền nghe theo lời Thiên vương nói, mặt đất mới được an trú như vậy.

*

Vả lại, đức Phật Thích Ca từ lúc mới thành đạo cho đến Niết -bàn, chỉ mặc y Tăng-già-lê bằng vải thô và ba y bằng vải bông trắng. Ngài chưa mặc y bằng lụa tơ tằm tốt đẹp. Vì sao những Tỳ-kheo xấu ác bài báng bôi nhọ Ta rằng: Trong giáo Tỳ-ni khai mở cho phép được mặc loại y này?

Lúc mới thành đạo Tỳ-kheo ni Ái Đạo, tay bưng ca sa bằng sợi vàng, mang đến bố thí cho ta; Ta không dám nhận, khiến mang đến bố thí chúng Tăng. Ta làm Đại Sư của ba cõi mà khoác mặc pháp y làm bằng kén tằm ư? Ở trong ba tạng giáo của ta, tuy cho phép sử dụng màu sắc rực rỡ cúng dường Phật pháp Tăng; nhưng căn bản không phải là sợi tơ kéo ra từ miệng tằm.

Ta ở Châu Diêm-phù-đề này và Đại Châu khác, có tám trăm nước lớn, đều có tơ lụa màu sắc rực rỡ; đều làm ra từ bàn tay của những người phụ nữ, chứ không phải làm ra từ trong miệng tằm. Bởi vì không sát hại mạng sống của chúng sinh, cho nên cảm được phước nghiệp, làm ra từ bàn tay của những người phụ nữ.

*

Hỏi: Vì sao biết được?

Đáp: Như lúc cần phải có tơ làm y thì cần phải thắp hương đến dưới cây dâu; sẽ có hai người phụ nữ hóa hiện, từ dưới cây dâu kia lộ rõ hình hài, như bé gái tám tuổi; trong miệng nhả tơ. Những người ở nước kia chỉ làm ra guồng kéo sợi, lấy tơ từ miệng người phụ nữ, chuyển đến trong guồng kéo sợi; lấy đủ thứ dừng lại, phụ nữ hóa thân liền biến mất. Ta cho phép mặc y màu sắc rực rỡ, chính là tơ của người phụ nữ này và màu sắc rực rỡ tự nhiên; vốn không phải làm hại sinh mạng lấy tơ mà sử dụng.

Lúc bấy giờ Văn-thù liền thưa với đức Phật rằng: Nay có chút nghi ngờ cầu xin Thế tôn dạy cho?

Đức Phật bảo với Văn-thù: Có thể tùy theo ý ông!

Con quan sát tâm tư đại chúng đều có nghi ngờ: Hòm ngọc bé nhỏ của Phật Ca-diếp chỉ dài ba tấc ba phân; chứa được một chiếc y Tăng-già-lê ấy cũng sợ rằng không đủ chỗ; huống gì chứa đủ ba tạng giáo của Phật Ca-diếp và dấu tích của tất cả kinh điển được ư?

*

Đức Phật bảo với Văn-thù cùng tất cả đại chúng rằng: Đó chính là năng lực không thể nghĩ bàn được của chư Phật. Chỉ có Phật và Phật mới có năng lực biết được; không phải là phạm vi tính toán của các ông mà biết được.

Văn-thù-sư-lợi nâng chiếc hòm lên, Thế tôn đứng dậy làm lễ. Ngài dùng ngón tay chạm vào chiếc hòm giống như mở cánh cửa của tòa thành đồ sộ; đại chúng đều nhìn thấy tất cả: Tháp ngọc, y lụa, lầu đài vàng bạc…Mấy chục vạn nơi chốn chứa đầy các Tạng kinh pháp của Phật. Lại có nhạc Trời thường xuyên cúng dường; đài cao bốn mươi dặm, tháp cao mười do tuần. Nhưng mà chiếc hòm không hề Tăng giảm, vẫn là ba tấc như ban đầu.

Chư Phật mười phương thảy đều ca ngợi đức Phật mâu ni, có năng lực ở đời ác trược, rộng độ cho mọi chúng sinh; các Ngài đều tặng y Tăng-già-lê và một hòm ngọc, dùng để giúp đỡ Tôn giả mâu ni trú trì giáo pháp để lại; đức Phật bảo với Văn-thù khiến mở chiếc hòm của Phật; trong đó đều có đầy đủ Đại y, đài cao, lầu quán, ba tạng kính pháp-dấu tích giáo hóa; hoàn toàn giống như tòa tháp của Phật Ca-diếp, bình đẳng không có gì sai khác.  Đức Phật bảo với Văn-thù. Ông đem tòa tháp này trở về đến Kỳ-hoàn an trí bên trong đài cao phía Bắc của giới đàn…

( Truyền Thuyết về Áo Cà Sa của đức Phật – Theo Pháp Uyển Châu Lâm )

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chết là gì

16 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog