Trì giới là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Trì giới là gì

Trì giới là gì? “Trì” là giữ chặt chẽ; “Giới” là những điều răn dạy, ngăn cấm, mà đức Phật đã chế ra để hướng dẫn các Ðệ tử của Ngài đi vào con đường chánh. Như thế Trì giới là giữ dìn một cách miên mật và trọn vẹn các điều răn dạy và ngăn cấm mà đức Phật đã đặt ra cho hàng Phật tử.

Trì Giới cũng được hiểu là giữ gìn một cách nghiêm ngặt các “Giới” mà mình đã thọ nhận. So với Giữ giới thì Trì giới được hiểu ở mức độ miên mật hơn, vi tế hơn. Ví như giới không tà dâm chẳng hạn, người trì giới này ngay đến một niệm dâm trong tâm cũng chẳng cho khởi lên lên, đó gọi là trì giới. Người trì giới được ở mức độ Tế hoặc ở mức Vi tế thì được gọi là Trì giới Ba la mật.

  • Ngũ giới là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Tam giới là gì.
  • Sự thật về hạn Tam Tai.
  • 10 điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.

Tuệ Tâm tôi từ ngày khảo cứu lời chư Tổ dạy về giữ giới, mới hiểu tại sao trong kinh Đại Tập đức Phật dạy: “Trong đời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo. Chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi.” (Mạt pháp ức ức nhơn tu hành, hãn nhứt đắc đạo. Chỉ y Niệm Phật pháp môn, đắc liễu sanh tử.) Tại sao thế? Bởi nay đang thời mạt, người giữ giới ở dạng thô thôi cũng đã cực hiếm người. Nói chi đến giới hạnh tinh nghiêm ở mức Tế và Vi tế.

Trì giới là gì
Trì giới là gì

Mà giới hạnh chẳng tinh nghiêm thời không thể vào được Định. Không vào được Định tất Trí Huệ vô phương khai mở. Do đó Tam vô lậu học, thành hay bại ngay ở bước trì giới này!

Trì giới là gì

Người cư sĩ tại gia thọ trì từ một đến năm giới (Ngũ Giới) hay tám trai giới (bát quan trai). Người xuất gia phải giữ giới nhiều hơn. Trong năm chúng: Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na ni, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Các chúng này tùy theo sự tu hành thấp hay cao, nam hay nữ mà giữ giới nhiều hay ít:

  • Sa di và Sa di ni phải giữ 10 giới.
  • Thức xoa ma na ni phải giữ 6 điều giới và tập 296 hạnh giới.
  • Tỳ kheo phải giữ 250 giới.
  • Tỳ kheo ni phải giữ 348 giới.

Phật xếp “Giới” đứng đầu trong tam vô lậu học: Giới, Định và Huệ. Thế thì biết giữ giới trong tu học trọng yếu như thế nào. Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Trì Giới tức là cử tâm động niệm, bạn không được sinh ra bất kỳ một thứ gì xấu ác cả. Nếu được như vậy thì lâu ngày chày tháng bạn sẽ có Định lực. Bởi Ðịnh tức là thành tích của tu giới. Nếu bạn trì giới cho lâu thì sẽ có định lực.

Ðạo Phật lấy mục đích đưa người đến chỗ giác ngộ, thoát khỏi sanh tử luân hồi. Cho nên những giới luật được đức Phật chế ra là vô cùng quan trọng. Giới là nền tảng để sanh ra Định và Huệ. Trì giới sự liên quan mật thiết đến giải thoát, nên đức Phật luôn dạy phải nghiêm trì giới luật. Ngài thường dạy: “Gặp thời không có Phật, hãy lấy giới luật làm thầy”. Kinh Phạm võng cũng có chép: “Giới sáng như mặt nhật, quý báu như ngọc châu anh lạc. Các vị Bồ Tát đều do trì giới thanh tịnh mà thành Chánh giác”.

Phải Trì Giới Như Thế Nào Mới Ðúng Chánh Pháp 

Trì giới có hai cách: Trì giới sai chánh pháp và trì giới đúng chánh pháp, hay nói theo danh từ nhà Phật là: Trì giới chấp tướng và trì giới không chấp tướng.

1. Trì giới chấp tướng.

Trì giới chấp tướng là trì giới mà chỉ có hình thức bên ngoài, chứ bên trong thì rất nhiễm ô. Chẳng hạn trì giới vì háo thắng để được người đời khen ngợi; Trì giới với một tâm lý tự cao tự đại, cho mình hơn người, và khinh dễ người phàm giới; Trì giới vì bị ép buộc, nên thiếu hoan hỷ mà sanh tâm buồn phiền, miễn cưỡng…Trì giới như thế là thiếu thành tâm, là giả dối, đánh lừa mình và người. Trì giới như thế chẳng ích lợi gì trên bước đường tu học, lại bị quỷ thần ghét khinh.

2. Trì giới không chấp tướng.

Trì giới không chấp tướng là nghiêm giữ trọn vẹn các điều răn cấm mà đức Phật đã chỉ dạy. Không vì danh lợi, không vì háo thắng, không vì bị hoàn cảnh ép buộc mà làm. Trong khi trì giới, hành giả không hề nghĩ mình giỏi hơn người; Không chấp nê theo giới luật và không khinh dễ người phạm giới. Hành giả chỉ vì thuận theo đức tánh vốn không nhiễm trước mà làm điều lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hành giả nhìn nhận “trì giới” là bổn phận của mình, là sinh mạng của mình. Trì giới như thế gọi là trì giới Ba la mật, công đức sẽ vô lượng vô biên.

Công Ðức Trì Giới

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Chúng ta thấy trong lịch sử, chư đại đức cao tăng từ ngàn xưa đều từ trong khổ hạnh mà tu hành đắc đạo. Không có một vị nào do hưởng thọ mà khai ngộ. Các bạn đọc hết Ðại Tạng Kinh, cũng tìm không ra một vị. Giới nghĩa là quy luật giúp mình đề phòng phạm tội. Khi chưa phạm tội, mình cần tu Ðạo. Mà bí quyết tu đạo là ở định lực. Có định lực thì sinh trí huệ, từ đó mới có thể liễu đạo thành Phật.

Nên Giới, Ðịnh, Huệ là điều kiện tất yếu mà người tu Ðạo phải có. Không trì giới thì có thể tạo tội nghiệp, thiếu định lực thì tu Ðạo không thành, không trí huệ thì ngu si vô trí. Vậy nên Giới, Ðịnh, Huệ là việc học vô lậu, người tu hành cần phải có đầy đủ.”

Lợi ích của việc trì giới đến ngay tức khắc, đó chính là các Giới Thần. Người trì giới được lợi ích đầu tiên là có các Giới Thần che chở hộ trì. Trong 5 giới cơ bản, mỗi giới có 5 Giới Thần. Vị chi người trì giới cơ bản thôi cũng đã được 25 Giới Thần che chở. Bởi thế nên đường tu học ít gặp chướng ngại, dễ thành tựu đạo nghiệp.

Trì giới có một hiệu lực rất lớn lao cho việc tu hành của người Phật tử. Phật tử thọ trì giới luật nghiêm trang thanh tịnh thì lúc hiện tiền tâm được tịch tĩnh an vui. Ðối với xã hội, hành giả được niềm nở kính nhường; Đối với đồng tu, lúc nào cũng được hoan hỷ, quý trọng. Trong kiếp vị lai, hành giả chắc chắn được chứng quả Bồ đề, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. 

Trì giới và giải thoát sanh tử

Như trên đã nói, trì giới là bước đầu tiên trong Tam vô lậu học nên vô cùng quan trọng. Tuy vậy giữ được Giới lại không phải là việc dễ dàng, nhất là trong thời mạt Pháp này. Mà tam vô lậu học không thành tất vẫn y nguyên trong sáu nẻo luân hồi. Trong Niệm Phật Thập Yếu, Hòa thượng Thiền Tâm kể lại một số gương về giữ giới tu hành. Nay xin chép vào đây hầu bạn đọc. Ngõ hầu tăng trưởng thêm chút kiến văn trên bước đường học Phật.

“Liễu sanh thoát tử không phải việc dễ dàng. Như thuở xưa, Hương Lâm thiền sư dụng tử công phu trong bốn mươi năm mới dung luyện thành một khối. Ngài Trường Khánh Nhàn ngồi rách mười mấy chiếc bồ đoàn mới được thấy tánh bản lai. Người đời nay, trừ một vài vị Thánh nhơn ứng thân thị hiện để làm mô phạm cho quần chúng, ngoài ra các vị khác tu thiền, chỉ tạm được thân tâm an tĩnh hoặc thấy thiện cảnh giới là cùng!

Chuyện trì giới tinh nghiêm

Đời Đường bên Trung Hoa, nơi chùa Hương Sơn đất Lạc Dương có sư Thích Giám Không. Sư nguyên tục tánh thọ Tề, người ở Ngô Quận.

Thuở còn nhỏ ông nghèo khổ, tuy học hành siêng năng nhưng ít ghi nhớ. Lớn lên, ưa làm thi văn song chỉ tầm thường. Ông hay đi lại vùng Ngô, Sở yết kiến hàng hầu bá, nhưng không được sự giúp đỡ bao nhiêu. Khi có tiền đầy xâu thì sanh đau yếu, tiền hết bịnh mới lành.

Đầu niên hiệu Nguyên Hòa, ông dạo chơi xứ Tiền Đường, gặp năm mất mùa, nghĩ đến chùa Thiên Trúc để cầu thực. Nhưng vừa đi tới phía tây Cô Sơn Tự, ông đói quá không thể tiến bước nổi, liền lại ngồi bên bờ suối tuyết, rơi lệ ngâm vài câu bi phẫn. Thoạt có vị Phạn tăng theo dòng suối đến ngồi nhìn ông mĩm cười hỏi:

“Pháp sư đã nếm đủ hương vị lữ du chưa?”

Ông đáp: “Hương vị lữ du có thể gọi đã nếm đủ, nhưng bỉ nhơn tục danh là Quân Phòng, đã từng làm pháp sư đâu?”

Phạn tăng nói: “Ông không nhớ lúc giảng kinh Pháp Hoa ở chùa Đông Đức hay sao?”

Đáp: “Tôi từ khi sanh thân đến nay đã bốn mươi lăm tuổi, hằng bàng hoàng nơi vùng Ngô, Sở, chưa từng để bước đến kinh đô, đâu lại có chuyện giảng kinh ở miền Lạc Trung như thế?”

Phạn tăng bảo: “Chắc ông bị lửa đói thiêu đốt, nên quên cả việc xưa rồi!”

*

Nói xong, liền lần trong đãy lấy ra một quả táo lớn ướt bằng nắm tay, trao cho và bảo: “Quả táo này sản xuất ở nước của ta, bậc thượng trí ăn vào biết rõ việc quá khứ vị lai. Người hạ căn cũng có thể nhớ được chuyện kiếp trước.”

Ông tiếp lấy quả táo ăn xong, vóc nước suối uống, thoạt mờ mệt muốn ngủ, liền tựa đầu, gối vào đá mà nằm. Giây phút tỉnh dậy, nhớ tiền thân làm pháp sư giảng kinh, cùng những bạn đồng tu, rõ rệt như việc ngày hôm qua, nhân rơi lệ hỏi rằng: “Chấn Hòa Thượng bây giờ ở đâu?”

Phạn tăng đáp: “Công chuyên tinh chưa tới mức, nên chuyển sanh làm vị tăng ở đất Tây Thục, nay cũng đã dứt được vọng duyên.”

Lại hỏi: “Thần thượng nhơn và Ngộ pháp sư hiện thời ra sao?”

Đáp: “Thần thượng nhơn túc duyên trả chưa xong. Còn Ngộ pháp sư bởi đứng trước tượng đá chùa Hương Sơn phát nguyện giỡn: “Nếu kiếp này tu không chứng đạo, thân sau nguyện là bậc quý thần,” nên hiện đã sanh làm đại tướng. Trong năm người bạn vân thủy khi xưa, duy ta được giải thoát, ba vị kia thì như thế, riêng ngươi còn đói khổ nơi đây!”

Ông thương khóc nói: “Tôi kiếp trước hơn bốn mươi năm, ngày chỉ ăn một bữa, thân duy đắp một y, việc phù tục quyết dứt căn nguyên, cớ sao còn kém phước để đến nỗi hôm nay phải ra người đói khổ?”

*

Phạn tăng đáp: “Khi xưa ông ngồi trên pháp tòa hay nói nhiều việc dị đoan, khiến cho thính chúng sanh lòng nghi hoặc. Lại việc trì giới còn có chỗ kém khuyết, nên phải bị báo ứng như hôm nay.”

Nói đoạn, lấy trong bát ra một chiếc gương hai bề đều trong suốt, bảo rằng: “Việc đã qua ta không làm sao hơn được, nhưng ông muốn biết số phận sang hèn thọ yểu về tương lai, cho đến việc đạo pháp hưng suy, nên nhìn vào sẽ rõ.”

Ông tiếp lấy gương xem hồi lâu rồi giao lại tạ rằng: “Sự báo ứng, lẽ vinh khô, nhờ ơn đức của Ngài, nay đã biết được.”

Phạn tăng cầm gương cất vào bát, nắm tay ông cùng đi, độ mười bước liền biến mất.

Đêm ấy ông vào chùa Linh Ẩn xin xuất gia, hiệu là Giám Không, sau khi thọ giới Cụ Túc liền đi du phương tu hành, sự khổ tiết, cao hạnh ai cũng khen ngợi. Về sau Giám Không thiền sư gặp ông Liễu Sính ở chùa Thiên Trúc, tự trần thuật tiền nhân và bảo: “Tôi sống được bảy mươi bảy, tăng lạp ba mươi hai, nay chỉ còn chín năm nữa là thọ số mãn. Sau khi tôi tịch, Phật pháp còn được như ngày hôm nay chăng?”

*

Sính nghe nói lạ, gạn hỏi. Sư không đáp, chỉ đòi bút viết mấy hàng nơi vách bắc lầu Tàng Kinh như sau: “Hưng hạt cát, suy cát sông Hằng. Thỏ đã bị lưới, chó vồ săn. Trâu cọp giao tranh sừng với răng. Ánh hoa đàm vẫn sáng nghìn năm.”

Đây là lời tiên tri của sư. Câu trước nói về đạo pháp sẽ suy. Câu thứ hai chỉ cho sự phá đạo rất tàn khốc. Câu thứ ba ghi rõ thời gian hủy pháp ở vào năm Ất Sửu tiếp qua Bính Dần. Câu sau cùng nói: Tuy nhiên Phật pháp vẫn còn, ánh đạo không bị hủy diệt. Lời sấm trên ứng vào việc phá Phật pháp của Đường Võ Tôn. Ông vua này đã ra lịnh hủy hoại bốn mươi bảy ngàn ngôi chùa, ép buộc hơn hai mươi vạn bảy ngàn tăng ni hoàn tục.

Xem sự tích trên, ta thấy như ngài Giám Không kiếp trước từng làm giảng chủ; Phù tục đã dứt căn nguyên, tu trì cũng nhiều tinh khổ. Nhưng vì chưa chứng quả lại trì giới còn chút tì vết, nên phải chuyển thân làm kẻ sĩ đói khát khốn cùng. Kiếp xưa năm bạn đồng tu, chỉ một mình Phạn tăng được giải thoát. (Niệm Phật Thập Yếu)

(Trì giới là gì)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Rồng có thật hay không

7 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog