Treo Tràng Phan Bảo Cái cúng dường Chùa Tháp có ý nghĩa gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Treo Tràng Phan Bảo Cái cúng dường Chùa Tháp có ý nghĩa gì

Nếu ta phát tâm treo Tràng Phan, Bảo Cái, để cúng dường nơi Chùa hoặc Tháp thờ Phật, sẽ chiêu cảm được mười loại công đức. Còn như ta vì người thân đau ốm hay mới mất mà treo, thì người đã khuất được tiêu nghiệp tăng phước, không bị đọa lạc vào nẻo ác.

Bởi thế nên kinh Phổ Quảng nói: “Nếu như bốn hạng nam nữ, hoặc vào lúc sắp mạng chung, hoặc đã mạng chung; vào ngày qua đời của họ, làm tấm phan màu vàng treo lên trên chùa tháp; sẽ khiến họ được nhiều phước đức; được xa rời tám vạn khổ; được sanh đến Tịnh Độ của chư Phật mười phương.

Tràng Phan cúng dường tùy theo tâm đã nguyện, cho đến thành tựu Bồ-đề. Phan theo gió chuyển động rách tan hết, cho đến trở thành bụi nhỏ; lúc phan vừa chuyển động thì trở thành địa vị Chuyển-luân-vương; cho đến thổi bụi nhỏ thì trở thành địa vị Tiểu Vương, phước báo ấy thật vô lượng.

Thắp đèn cúng dường chiếu rọi những nơi tối tăm mờ mịt, khiến chúng sinh đau khổ được nhờ ánh sáng này, trông thấy lẫn nhau. Nhờ phước đức vượt lên, chúng sinh kia đều được thoát khổ”.

  • Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách đi lễ Chùa đúng Pháp.
  • Cách cúng về nhà mới.
  • Cách hồi hướng công đức.
  • Khuy Cơ Pháp sư, nhục thân Bồ Tát huyền tích truyện.
Treo Tràng Phan Bảo Cái cúng dường Chùa Tháp có ý nghĩa gì
Treo Tràng Phan, Bảo cái có ý nghĩa như thế nào

Công đức Treo Tràng Phan, Bảo Cái cúng dường

Theo Kinh Bách Duyên: “Xưa thời Phật tại thế. Trong thành Ca-tỳ-la vệ có một Trưởng giả nhà rất giàu có; tiền của châu báu vô lượng không thể tính được. Nhà ấy sanh một bé trai, đoan chánh khôi ngô tuyệt vời, hơn hẳn so với mọi đứa trẻ khác.

Bé trai ấy mới sanh ra, ở giữa hư không xuất hiện một tấm phan lớn che khắp phía trên thành. Cha mẹ trông thấy rồi vô cùng hoan hỷ, vì vậy đặt tên cho con là Ba đa ca. Ba Đa Ca trưởng thành, cầu Phật xuất gia, đạt được quả vị A-la-hán; đầy đủ Tam Minh-Lục thông và Bát giải thoát.

Tỳ-kheo thấy rồi bèn thưa với đức Phật rằng: Ba đa ca này xưa kia gieo trồng phước thiện gì mà sanh ra đã đoan chánh hơn hẳn so với mọi đứa trẻ khác? Vì sao ở giữa hư không xuất hiện tấm phan lớn che khắp phía trên thành? Vì sao lại được gặp Thế tôn mà xuất gia đắc đạo?

*

Đức Phật bảo với Tỳ-kheo: Trong chín mươi mốt kiếp quá khứ trước kia, sau khi đức Phật Tỳ-bà-thi nhập Niết-bàn; lúc ấy có vị vua tên gọi Bàn đầu mạt đế, thâu nhận Xá-lợi của Phật xây dựng bốn tòa tháp báu, cao một do tuần để cúng dường. Lúc ấy có người làm một tấm phan dài treo lên trên tháp, phát nguyện mà đi xa.

Nhờ công đức này, từ lúc ấy đến nay, trong chín mươi mốt kiếp không rơi vào đường ác; sanh trong loài người hay trên cõi Trời thường có phan lớn che rợp phía trên; thọ nhận phước thiện vui sướng cho đến ngày nay gặp được Ta đã cầu xuất gia mà đắc đạo”.

10 Công đức cúng dường Tràng Phan

Theo Kinh Bồ-tát Bổn Hạnh: “Xưa thời Phật tại thế cùng với các Tỳ-kheo và A nan, từ nước Uất ti la diên đi khắp mọi thôn xóm. Lúc ấy tiết thời rất nóng mà không có bóng mát nào, có một người chăn dê thấy đức Phật trải qua cái nóng, liên khởi tâm thanh tịnh đan cỏ làm tàn che mát, đem che phía trên đức Phật đi khắp mọi nơi theo đức Phật, cách bầy dê rất xa, bèn thả tàn che xuống đất, trở về bên cạnh bầy dê.

Đức Phật thì cười mỉm với A nan rằng: Người chăn dê này đem tâm cung kính, mà lấy cỏ làm tàn che mát phía tên đức Phật. Nhờ công đức này trong 13 kiếp không rơi vào đường ác, sanh trong loài người hay trên cõi Trời thường ở gia tôn quý vui sướng vô cùng, thường có tàn che tự nhiên bằng bảy báu, mà che mát ở phía trên đầu. Cuối kiếp thứ 13 thì xuất gia tu đạo, thành vị Bích-chi-Phật tên là A nậu bà đạt”.

*

Kinh Pháp Hoa, đức Phật nói kệ dạy về công đức cúng dường Tràng phan như sau:

Nếu người nơi tháp miếu

Tượng báu và tượng vẽ

Dùng hoa, hương, phan, lọng

Lồng kính mà cúng dường

Hoặc khiến người trổi nhạc

Đánh trống, thổi sừng ốc

Tiêu địch, cầm, không-hầu

Tỳ-bà, chụp-chả đồng

Các tiếng hay như thế

Đem dùng cúng dường hết

Hoặc người lòng vui mừng

Ca ngâm khen đức Phật

Nhẫn đến một tiếng nhỏ

Đều đã thành Phật đạo

*

Lại “Đức Phật dạy: Nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào, phát tâm cúng dường tràng phan được mười món công đức như sau:

  1. Ở đời giống như cái tràng phan, từ quốc vương đại thần, thân hữu tri thức cung kính cúng dường.
  2. Giàu có tự tại, đầy đủ tài sản lớn.
  3. Tiếng tốt truyền khắp bao trùm các phương.
  4. Tướng mạo đoan nghiêm, thọ mạng lâu dài.
  5. Thường ở chỗ mình, thi hành kiên cố.
  6.  Có danh xưng lớn.
  7. Có oai đức lớn.
  8. Sanh nhà thượng tộc.
  9. Thân hoại mạng chung được sanh lên trời.
  10.  Mau chứng Bồ Đề.”

Treo Tràng Phan lợi lạc cho người thân ốm hoặc đã khuất

Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Tại sao trong kinh nói là nên vì người chết làm tấm tràng phan màu vàng, treo lên trên chùa tháp? Trong năm màu sắc lớn này thì màu vàng ở chính giữa, dùng để biểu thị cho lòng trung thành, dẫn dắt thân trung ấm không hướng về biên địa mà sanh vào trung tâm. Vả lại màu vàng ví như vàng; quỷ thần nơi cõi u minh lấy vàng để sử dụng. Lúc cúng tế cắt tiền giấy trắng thì quỷ có được tiền bằng bạc để sử dụng; cắt tiền giấy vàng thì quỷ có được tiền bằng vàng để dùng.

Cho nên trong kinh Thí Dụ nói: “Lúc ấy có Cốc Tặc trộm lấy hết ngũ cốc của người chủ, người chủ bắt được trách rằng: Vì sao ông trộm hết ngũ cốc của tôi, ông là thần nơi nào?

Cốc Tặc nói: Đem tôi đến bên đường sẽ có người biết tên của tôi!

Lát sau trên đường xuất hiện người ngồi trên cỗ xe vàng, áo quần đều màu vàng. Người mặc áo vàng hỏi rằng: Cốc Tặc, sao ông ở nơi này?

Người chủ nghe mới biết là Cốc Tặc. Người chủ lại hỏi rằng: Người cưỡi ngựa mặc áo vàng là ai?

Cốc Tặc nói: Là tinh hoa của vàng ròng. Vì đền trả giá trị ngũ cốc đã ăn mà tôi gọi đến đây.

Người chủ vì vậy mà được nhiều vàng, sử dụng không thể hết.

Bởi vì người và quỷ khác nẻo, cho nên cảm ứng nhìn thấy đều sai khác. Bậc Thánh chế định phan màu vàng, vì người đã mất ấy, treo trên chùa tháp, khiến cho tìm được nẻo ngay để cứu giúp cho vong linh vậy.

*

Như kinh Ca-diếp Cật A nan nói: “Xưa kia A Dục Vương xây dựng một ngàn hai trăm tòa tháp. Sau đó nhà vua lâm bệnh nặng. Có một Sa-môn thăm viếng bệnh tình nhà vua. Vua nói: Trước đây làm một ngàn hai trăm tòa tháp, dệt tràng phan bằng sợi vàng nhưng chưa treo lên được. Nay muốn tự tay mình treo phan rải hoa, nhưng bệnh nặng. Sợ rằng không thể toại nguyện!

Sa môn nói với vua: Ta sẽ giúp nhà vua toại nguyện. Kế đó thị hiện hiện thần thông khiến một ngàn hai trăm tòa tháp đều ở trước mặt nhà vua. Nhà vua trông thấy rất hoan hỷ, liền sai người lấy tràng phan vàng treo lên trên trên các chùa tháp. Treo tràng phan xong liền khỏi bệnh, thọ thêm được hai mươi lăm năm. Bởi vậy cho nên Tràng phan còn gọi là tục mạng thần phan”.

Treo Tràng Phan theo Kinh Dược Sư

Xin trích dẫn lời đức Phật dạy về công đức treo Tràng phan trong Kinh Dược Sư cho bạn đọc cùng rộng biết:

“Đức Phật bảo: Này A Nan! Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai tu không biết bao nhiêu hạnh Bồ Tát; dùng không biết bao nhiêu phương tiện khéo léo; phát không biết bao nhiêu nguyện rộng lớn; nếu ta nói ra trong một kiếp hay hơn một kiếp thì kiếp số có thể mau hết; chớ những hạnh nguyện và những phương tiện khéo léo của đức Phật kia, không khi nào nói cho hết được.

Lúc bấy giờ trong chúng hội có một vị đại Bồ tát tên là Cứu thoát liền từ chỗ ngồi đứng dậy; vén y để bày vai bên hữu, gối bên mặt quỳ sát đất cúi mình chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Đến thời kỳ tượng pháp có những chúng sanh bị nhiều hoạn nạn, khốn khổ; tật bịnh luôn luôn, thân hình gầy ốm; ăn uống không được, môi cổ khô rang, mắt thấy đen tối; tướng chết hiện ra, cha mẹ, bà con, bè bạn quen biết vây quanh khóc lóc. Thân người bịnh vẫn còn nằm đó mà đã thấy sứ giả đến dẫn thần thức đem lại trước mặt vua Diêm Ma vương; rồi liền khi ấy vị thần Cu sanh đem sổ ghi tội phước của người đó dưng lên vua Diêm Ma.

*

Lúc ấy vua phán hỏi rồi kê tính những tội phước của người kia đã làm mà xử đoán. Nếu trong lúc đó, những bà con quen biết, vì người bịnh ấy, quy y với đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; và thỉnh chúng tăng đọc tụng kinh nầy đốt đèn bảy từng; treo tràng phan năm sắc; thì hoặc liền trong lúc ấy, hoặc trải qua bảy ngày, hai mươi mốt ngày, ba mươi lăm ngày, bốn mươi chín ngày;

thần thức người kia được trở lại như vừa tỉnh giấc chiêm bao; tự mình nhớ biết những nghiệp lành, nghiệp dữ và sự quả báo đã thọ. Bởi chính đã rõ thấy nghiệp báo như vậy, nên dầu có gặp phải những tai nạn nguy hiểm đến tánh mạng, cũng không dám tạo những nghiệp ác nữa. Vậy nên những tịnh tính thiện nam tín nữ đều phải một lòng thọ trì danh hiệu và tùy sức mình cung kính cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”.

Lúc bấy giờ ông A Nan hỏi Cứu Thoát Bồ Tát rằng:” Nầy thiện nam tử! Nên cung kính cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai như thế nào? Còn đèn và tràng phan phải làm cách sao”.

*

Cứu Thoát Bồ Tát nói: “Thưa Ðại Ðức, nếu có người bịnh nào, muốn khỏi bịnh khổ thì quyến thuộc họ phải thọ trì tám phần trai giới trong bảy ngày, bảy đêm; tùy theo sức mình sắm sửa đồ ăn uống và các thứ cần dùng khác cúng dường chư tăng; ngày đêm sáu thời, lễ bái cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; đọc tụng kinh nầy bốn mươi chín biến và thắp bốn mươi chín ngọn đèn;

lại tạo bảy hình tượng đức Dược Sư trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn; mỗi ngọn lớn như bánh xe, đốt luôn trong bốn mươi chín ngày đêm đừng cho tắt; còn cái tràng phan thì làm bằng hàng ngũ sắc; bề dài bốn mươi chín gang tay và phải phóng sanh bốn mươi chín thứ loài vật; thì người bịnh ấy qua khỏi ách nạn, không còn bị hoạnh tử và bị các loài quỷ nhiễu hại.

Lại nữa, A Nan nếu trong dòng sát đế lỵ có những vị quốc vương đã làm lễ quán đảnh mà gặp lúc có nạn; nhân dân bị bịnh dịch, bị nước khác xâm lăng, bị nội loạn; hay bị nạn tinh tú biến ra nhiều điềm quái dị nạn nhựt thực, nguyệt thực; mưa gió trái mùa, hay bị nạn quá thời tiết không mưa; thì lúc ấy các vị quốc vương kia phải đem lòng từ bi thương xót tất cả chúng hữu tình, ân xá cho tội nhơn bị giam cầm; rồi y theo phép cúng dường đã nói trước mà cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai;

*

thì do căn lành này và nhờ sức bổn nguyện của đức Dược Sư khiến trong nước liền được an ổn, mưa hòa gió thuận, lúa thóc được mùa, tất cả chúng hữu tình đều vui vẻ, không bịnh hoạn, không có thần Dược Xoa bạo ác, não hại lê dân. Tất cả ác tướng ấy đều ẩn mất và các vị quốc vương kia được sống lâu sức mạnh, không bịnh hoạn, mọi việc đều thêm lợi ích.

Nầy A Nan, nếu các hoàng hậu, hoàng phi, công chúa, thái tử, vương tử, đại thần phụ tướng, thể nữ trong cung, bá quan và thứ dân mà bị bịnh khổ cùng những ách nạn khác thì cũng nên tạo lập thần phang năm sắc, chong đèn sáng luôn, phóng sanh các loài vật, rãi hoa đủ sắc, đốt các thứ danh hương để cúng dường đức Phật Dược Sư, sẽ được lành bệnh và thoát khỏi các tai nạn.

Lúc ấy ông A Nan hỏi Cứu Thoát Bồ Tát rằng:” Thiện nam tử, tại sao cái mạng đã hết mà còn sống thêm được”.

Cứu Thoát Bồ tát nói: “Nầy Ðại đức, Ðại đức há không nghe Như Lai nói có chín thứ hoạnh tử hay sao? Vậy nên ta khuyên người làm phan và đèn tục mạng, tu các phước đức và nhờ có tu các phước đức ấy nên suốt đời không bị khổ sở hoạn nạn”.

*

Ông A Nan hỏi: “Chín thứ hoạnh tử là những thứ chi:”

Cứu Thoát Bồ tát trả lời:” Một là nếu có chúng hữu tình nào bị bịnh tuy nhẹ, nhưng không thầy, không thuốc, không người săn sóc, hay giá có gặp thầy lại cho uống lầm thuốc, nên bịnh không đáng chết mà lại chết ngang. Lại đang lúc bịnh mà tin theo những thuyết họa phước vu vơ của bọn tà ma ngoại đạo, yêu nghiệt trong đời, sanh lòng rúng sợ không còn tự chủ đối với sự chân chánh, đi bói khoa để tìm hỏi mối họa rồi giết hại loài vật để tấu với thần minh, vái van cùng vọng lượng để cầu xin ban phước, mong được sống lâu, nhưng rốt cuộc không thể nào được.

Bởi si mê lầm lạc, tin theo tà kiến điên đảo nên bị hoạnh tử, đọa vào địa ngục đời đời không ra khỏi. Hai là bị phép vua tru lục; ba là sa-đắm sự chơi bời, săn bắn, đam mê tửu sắc, buông lung vô độ, bị loài quỷ đoạt mất tinh khí; bốn là bị chết thiêu; năm là bị chết đắm; sáu là bị các thú dữ ăn thịt; bảy là bị sa từ trên núi cao xuống; tám là bị chết vì thuốc độc, êm đối, rủa nộp, trù ẻo và bị quỷ tử thi làm hại; chín là bị đói khát khốn khổ mà chết.

Ðó là chín thứ hoạnh tử của Như Lai nói. Còn những thứ hoạnh tử khác nhiều vô lượng không thể nói hết được.

*

Lại nữa, A Nan! Vua Diêm Ma kia là chủ lãnh ghi chép sổ bộ, tên tuổi tội phước trong thế gian. Nếu có chúng hữu tình nào ăn ở bất hiếu, ngũ nghịch; hủy nhục ngôi Tam Bảo, phá hoại phép vua tôi, hủy phạm điều cấm giới; thì vua Diêm Ma pháp vương tùy tội nặng nhẹ mà hành phạt. Vì thế ta khuyên chúng hữu tình nên thắp đèn làm tràng phan, phóng sanh, tu phước; khiến khỏi được các khổ ách, khỏi gặp những tai nạn.

Lúc bấy giờ, trong hàng Ðại chúng có mười hai vị Dược Xoa đại tướng đều ngồi trong hội như:

  1. Cung tì La đại tướng.
  2. Phạt chiếc La đại tướng
  3. Mê súy La đại tướng
  4. An Ðể La đại tướng
  5. Át Nể La đại tướng
  6. San để La đại tướng
  7. Nhơn Ðạt La đại tướng
  8. Ba di La đại tướng
  9. Ma hổ La đại tướng
  10. Chơn đạt La đại tướng
  11. Chiêu đô La đại tướng
  12. Tỳ yết La đại tướng
*

Mười hai vị đại tướng nầy, mỗi vị đều có bảy ngàn Dược Xoa làm quyến thuộc, đồng cất tiếng bạch Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Hôm nay chúng tôi nhờ oai lực của Phật mà được nghe danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; không còn tâm sợ sệt trong các đường ác thú nữa. Chúng tôi cùng nhau, đồng một lòng trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng; thề sẽ gánh vác cho chúng hữu tình; làm việc nghĩa lợi đưa đến sự nhiêu ích an vui.

Tùy nơi nào hoặc làng xóm, thành, nước, hoặc trong rừng cây vắng vẻ; nếu có kinh này lưu bố đến, hay có người thọ trì danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; và cung kính cúng dường Ngài; thì chúng tôi cùng quyến thuộc đồng hộ vệ người ấy thoát khỏi tất cả ách nạn; và khiến họ mong cầu việc chi cũng đều được thỏa mãn. Nếu có ai bịnh hoạn khổ ách, muốn cầu cho khỏi thì cũng nên đọc tụng kinh nầy; và lấy chỉ ngũ sắc gút danh tự chúng tôi; khi đã được như lòng mong cầu thì mới mở gút ra…”.

( Treo Tràng Phan, Bảo Cái cúng dường Chùa Tháp Phật -Theo Pháp Uyển Châu Lâm )

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Mạt Na Thức là gì

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog