Tổ Bồ Đề Đạt Ma Huyền Tích Truyện
Pháp Giới 11 tháng trước

Tổ Bồ Đề Đạt Ma Huyền Tích Truyện

Theo Phật Tổ Đạo Ảnh: Thiền Tông bắt đấu từ tôn giả Ma Ha Ca diếp, nước Thiên trúc. Các tổ nối tiếp nhau đến đời thứ hai mươi tám là Tổ Bồ Đề Đạt Ma thì dòng thiền được truyền sang Trung Quốc. Chính vì vậy Tổ chính là sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người miền nam Thiên Trúc và là con thứ ba của vua Hương Chí, thuộc dòng Sát đế lị. Nhân khi vua cúng dường tôn giả Bát Nhã Đa La, có sự việc bảo châu được đưa ra hỏi thử, Tổ nhân đó phát minh tâm địa. Tôn giả Bát Nhã Đa La bèn truyền pháp cho Tổ và đọc kệ như sau:

Đất tâm sanh các giống

Nhân sự lại sanh lý

Quả chín bồ đề tròn

Hoa nở thế giới sanh

*

Một thời gian lâu sau ngày được pháp, Tổ nghĩ cơ duyên hoằng pháp với Trung Hoa đã tới, Ngài đi đường biển qua, nhằm đời nhà Lương. Khi đặt chân lên đất Quảng, thứ sử Tiêu Ngang dâng biểu báo tin lên Lương Võ Đế. Đế hạ chiếu mời về Kinh đô. Lương Võ Đế hỏi: “Thế nào là thánh đế nghĩa thứ nhất?” Tổ nói: “rổng rang không thánh.” Hỏi: “Đối diện với trẫm là ai?” Tổ đáp: “Không biết.”

Trong lúc luận bàn đạo lý, nhà vua hỏi:

“Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?”.

Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời: “Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!”.

Ý của Tổ muốn giúp nhà vua Phá Chấp. Mong vua nghe lời ấy mà phát tâm cầu quả giải thoát nhưng nhà vua không hiểu. Thấy vua Lương Võ Đế không khế hợp, Tổ đi sang sông, qua đất Ngụy, rồi đến núi Tung Sơn.

  • Cuộc đời& Đạo nghiệp của HT. Tuyên Hóa.
  • Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
  • A Nan Tôn giả.
  • Mục Kiền Liên Tôn giả.
  • Xá Lợi Phất Tôn giả.
  • La Hầu La Tôn giả
  • Đề Bà Đạt Đa Tôn giả là Bồ Tát thị hiện.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma Huyền Tích Truyện
Tổ Bồ Đề Đạt Ma

Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma Tới Trung Quốc

Hòa Thượng Tuyên Hóa kể: “Vào tháng chín, năm Phổ Thông thứ nhất (năm 520 sau Công-nguyên) thời Lương Võ Ðế, Ðức Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ đáp thuyền sang Trung Quốc. Thuyền cập bến ở Quảng châu, Ngài lên bờ tới Kim Lăng (Nam Kinh) cùng vua Lương Võ Ðế đàm luận. Bởi vì vua không khế-cơ, nên Ngài rời Kim-Lăng, đi lên phía Bắc về hướng Lạc Dương.

Khi Ngài đi qua chỗ Pháp-sư Thần Quang giảng kinh thì thuận đường mới vào nghe. Khi Ngài phát hiện Pháp-sư Thần Quang có biện tài vô ngại, đến nỗi “trời mưa hoa xuống, đất trồi bông sen lên,” thì Ngài biết Thần Quang là một bậc Pháp khí. Bấy giờ, Ngài Thần Quang thấy một vị sư Ấn Ðộ đến nghe kinh thì chẳng kềm được lòng ngã mạn, nên giảng kinh xong, Ngài nháy Ðức Bồ Ðề Ðạt Ma một cái.

Tổ-sư hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy đang làm gì ở đây?”

Ngài Thần Quang đáp: “Tôi giảng kinh.”

Tổ-sư hỏi: “Thầy giảng kinh gì?”

Ngài Thần Quang khó chịu, vặn lại: “Thầy từ đâu lại?”

Tổ-sư trả lời: “Tôi từ Ấn Ðộ tới.”

Ngài Thần Quang liền hỏi: “Thế ở Ấn Ðộ chẳng có giảng kinh sao?”

Tổ-sư trả lời: “Ðương nhiên là có giảng kinh, nhưng giảng toàn là ‘Vô tự chân kinh.’ ” (kinh không có chữ).

Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Bậc Thánh không thể đổ máu

Ngài Thần Quang lại hỏi: “Thế nào là vô tự chân kinh?”

Tổ-sư đáp: “Vô tự chân kinh là kinh chỉ có giấy trắng. Kinh mà Thầy giảng thì chữ đen, giấy trắng. Vậy Thầy giảng để làm gì?”

Ngài Thần Quang nghe vậy thì có ý bực bội, bèn nói: “Ta giảng kinh để dạy người ta liễu thoát sinh tử.”

Tổ-sư hỏi: “Thầy dựa vào đâu mà dạy kẻ khác liễu thoát sinh tử? Bản thân Thầy còn chưa liễu thoát được sinh tử kia mà!”

Ngài Thần Quang nghĩ thầm: “Tên Hòa-thượng mặt đen này chắc là hóa thân của Ma vương tới đây để hủy báng Tam-bảo, mình phải thử coi pháp lực của y ra sao mới được!”

Bấy giờ, Ngài Thần Quang lấy xâu tràng hạt (chuỗi hạt làm bằng sắt, là vũ khí hàng ma) đánh mạnh vào mặt Tổ-sư. Ðức Tổ-sư không kịp phòng bị, chẳng may bị đánh trúng, gãy hai cái răng cửa. Ðức Tổ-sư (đã đắc quả thánh) nghĩ thầm: “Răng của bậc thánh mà rớt xuống đất ở nơi nào thì nơi ấy sẽ bị hạn hán ba năm.” Vì lòng từ bi thương xót chúng sinh nên Ngài liền nuốt chửng hai cái răng ấy vào bụng; thế nên mới có câu:

“Ðả lạc môn nha hoà huyết thôn.”

(Nuốt chửng răng gãy lẫn máu me).

Tổ-sư chẳng nói một lời, quay lưng đi ra khỏi chùa, rồi bước lên một cành lan để vượt qua sông Trường-giang, đến Chùa Thiếu Lâm ở núi Tung-Sơn, tỉnh Hà-nam. Tại đó, Ngài ngồi quay mặt vào vách tường suốt chín năm, quán sát Thiền-cơ.

*

Về phần Ngài Thần Quang, thì Ngài rất đắc ý, cho rằng mình đã thắng cuộc, không hề biết rằng Ðức Tổ-sư làm thế là vì tu hạnh Nhẫn-nhục Ba-la-mật. Sau khi Tổ-sư Ðạt Ma đi khỏi chùa, không lâu thì Quỷ Vô-thường tới và hỏi Ngài Thần Quang: “Thầy là Thần Quang phải không?”

Ngài Thần Quang đáp: “Ta là Thần Quang, có chuyện gì không?”

Quỷ Vô-thường nói: “Tôi vâng lệnh vua Diêm-la mời Thầy đến uống trà đồng thời hỏi xem Ngài đã giảng được bao nhiêu bộ kinh, tụng được bao nhiêu bộ, còn bao nhiêu bộ chưa tụng và bao nhiêu bộ chưa giảng.”

Ngài Thần Quang nghe xong thì giật mình, hồn bay lên chín tầng mây. Ngài biết là mình sắp chết nên khẩn khoản hỏi rằng: “Có ai dứt được sanh tử, tránh khỏi sự phán xét của Diêm-vương chăng?”

Quỷ Vô-thường đáp: “Thì chính là vị Hòa-thượng da đen râu rậm bị Thầy đánh gãy hai cái răng cửa đó!”

Ngài Thần Quang nghe vậy thì rất hối hận vì đã không dằn được sự nóng giận và đã xua đuổi một Thánh-nhân. Do đó Ngài xin với Quỷ Vô-thường: “Tôi có thể đi tìm vị Hòa-thượng đó để học pháp “liễu sinh thoát tử” chăng?”

Quỷ Vô-thường đồng ý: “Ðược! Nhưng Thầy phải đi nhanh rồi trở về ngay, bằng không tôi không chịu trách nhiệm đâu!”

*

Ngài Thần Quang liền lên đường, ngày đêm không ngừng nghỉ để đuổi theo Ðức Tổ-sư Ðạt Ma. Khi tới núi Tung-sơn, Ngài thấy Tổ-sư đang day mặt vào vách ngồi Thiền thì mừng quá, liền đến trước mặt Tổ-sư, cung kính đảnh lễ và sám hối: “Xin Thầy từ bi, tha thứ cho đệ tử thô lỗ này không biết Thầy là bậc thánh-nhân nên đã phạm thượng. Xin Thầy dạy cho con pháp tu liễu thoát sinh tử.”

Ðức Ðạt Ma ngoái đầu nhìn lại, rồi chẳng nói năng gì, cứ tiếp tục ngồi Thiền. Ngài Thần Quang liền quỳ xuống; và quỳ trong chín năm liên tiếp.

Chúng ta ngồi Thiền, ngồi chưa đến hai tiếng đồng hồ là đã đau lưng, đau gối, chịu không nổi, hoặc cứ vẩn vơ nghĩ chuyện ăn cơm, uống nước ngọt… Nói tóm lại là không sao khống chế nổi cái “tâm khỉ, ý ngựa” lúc nào cũng muốn chạy rông. Ngài Thần Quang với tinh thần “cầu Pháp quên mình” đã quỳ liên tục trong chín năm. Trong chúng ta đây, có ai có thể quỳ được chín giờ không? E rằng chẳng có một ai!

Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Nhị Tổ chặt tay cầu Pháp

Một hôm, tuyết rơi tầm tả, ngập hơn hai thước, song Ngài Thần Quang vẫn quỳ bên cạnh Tổ-sư. Bấy giờ Tổ-sư mới ngẩng đầu lên, cảm động vì thành tâm cầu Pháp của Ngài Thần Quang nên cất tiếng hỏi: “Thầy quỳ ở đây để làm gì?”

Ngài Thần Quang đáp: “Xin Thầy từ bi truyền Pháp cho con để thoát khỏi tay Diêm Vương!”

Ðức Tổ-sư nói: “Cầu Pháp nào phải là chuyện dễ dàng như vậy! Hãy chờ đến khi trời rơi tuyết đỏ thì ta sẽ truyền Pháp cho ngươi!”

Ngài Thần Quang thầm nghĩ: “Xưa kia lúc Ðức Thích Ca tu Bồ-tát hạnh, chỉ vì cầu nửa câu kệ mà dám xả cả thân mạng…” Nghĩ đến đó thì tâm cơ của Ngài xoay chuyển. Trông thấy một cây giới đao treo trên tường, Ngài liền lấy xuống rồi chặt đứt cánh tay trái của mình. Máu phun ra như suối, làm cho tuyết trắng hóa thành đỏ. Ngài hốt một bụm tuyết đỏ ấy dâng lên trước mặt Tổ-sư Ðạt Ma để thỉnh cầu truyền Pháp.

Tổ-sư nói: “Ngươi vì Pháp mà chặt tay, thật là chân thành cầu Pháp”; rồi truyền cho Ngài Thần Quang pháp “bất lập văn tự, giáo nghĩa biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.” Ðức Tổ-sư lại đặt tên cho Ngài Thần Quang là Huệ Khả.

Ngài Huệ Khải thưa: “Tâm con không an, xin Thầy an tâm cho con.”

Ðức Tổ-sư bảo: “Ðem tâm lại đây, ta sẽ an cho.”

Ngài Huệ Khả suy nghĩ một hồi lâu rồi thưa: “Con đã tìm tâm con, song chẳng thấy được nó ở đâu cả.”

Tổ-sư liền nói: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó!”

*

Ngài Huệ Khả hoát nhiên đại ngộ và trở thành vị Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Hoa. Sau đó Ngài truyền y bát và tâm pháp lại cho Ngài Tăng Xán làm Tổ thứ ba. Ngài Tăng Xán truyền cho Ngài Ðạo Tín là Tổ thứ tư. Ngài Ðạo Tín truyền cho Ngài Hoằng Nhẫn là Tổ thứ năm. Ngài Hoằng Nhẫn truyền cho Ngài Huệ Năng là Tổ thứ sáu. Ðến đây, Thiền tông phân làm hai phái. Ngài Thần Tú đại diện cho Bắc phái, chủ trương “Quét sạch bụi trần, quan sát thanh tịnh,” và trở thành phái Tiệm ngộ. Ngài có kệ rằng:

Thân thị Bồ đề thọ,

Tâm như minh kính đài,

Thời thời thường phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

Nghĩa là:

Thân là cây Bồ đề,

Tâm như đài gương sáng,

Lúc nào cũng quét sạch,

Chớ để dính bụi trần.

Ngài Huệ Năng đại diện cho Nam phái, chủ trương “Lập tức khai ngộ,” và trở thành phái Ðốn ngộ. Ngài có kệ rằng:

Bồ đề bổn vô thọ,

Minh kính diệc phi đài,

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Nghĩa là:

Bồ đề không phải cây,

Gương sáng cũng không đài.

Xưa nay chẳng có vật,

Bụi trần bám vào đâu?

Về sau, Nam phái lại phân làm năm tông là Quy Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Ðộng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Căn cứ vào bài kệ của Tổ Bồ Đề Ðạt Ma:

Ngã bổn lai tư độ,

Truyền Pháp cứu mê tình;

Nhất hoa khai ngũ diệp,

Kết quả tự nhiên thành.

Nghĩa là:

Ta vốn đến đất này,

Truyền Pháp cứu người mê;

Một hoa nở năm cánh,

Kết quả tự nhiên thành.

Quả nhiên đến đời Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông phân ra làm năm tông. Pháp do đó được truyền thừa từ đời này qua đời khác ở Trung Hoa. Bây giờ Pháp lại được truyền tới nước Mỹ, song không ai cần phải quỳ để cầu Pháp. Chỉ cần quý vị thành tâm tu hành, thì có thể đắc được Pháp.”

Truyền Thuyết về Tổ Bồ Đề Đạt Ma hóa độ sáu Tông

Theo Cao Tăng Truyện: ” Khi Tổ thứ 27 là Ngài Bát Nhã Ða La thị tịch, Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma giáo hóa ở bổn quốc. Có hai sư là Phật Ðại Tiên và Phật Ðại Thắng Ða, vốn cùng Ðạt Ma đồng học Thiền quán Tiểu thừa. Sau Phật Ðại Tiên cùng Ðạt Ma gặp Bát Nhã Ða La, tu theo chánh pháp. Còn Phật Ðại Thắng Ða chia đồ chúng làm 6 tông:

  1. Hữu tướng tông.
  2. Vô tướng tông.
  3. Ðịnh huệ tông.
  4. Giới hạnh tông.
  5. Vô đắc tông.
  6. Tịch tĩnh công.

Tổ Ðạt Ma than: – Họ có một thầy đã là lọt vào vết chân trâu, huống là phân làm sáu tông. Ta nếu chẳng trừ, họ sẽ bị cột mãi trong tà kiến. Nói xong, hiện chút thần lực, đến chỗ tông Hữu tướng.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma hóa độ Hữu Tướng Tông

Ngài đến Tông Hữu Tướng hỏi: – Tất cả các pháp, cái nào là thực tướng?

Trong chúng có một tôn trưởng là Tát Bà La đáp: – Ở trong các tướng, không lẫn các tướng đó gọi là thực tướng.

– Ở trong các tướng mà không lẫn thì làm sao định được?

– Ở trong các tướng thật không có định; nếu nhất định các tướng sao gọi là thực?

– Các tướng chẳng định gọi là thực tướng, nay ngươi chẳng định, sẽ được thực tướng chăng?

– Tôi nói chẳng định chẳng phải nói các tướng. Nên nói các tướng, nghĩa của nó cũng thế.

– Ngươi nói bất định là thực tướng, thì định mà bất định vậy là chẳng phải thực tướng.

– Ðịnh đã bất định thì không phải thực tướng, nhưng cái biết tôi chẳng phải, cái đó bất định bất biến.

– Nay ông bất biến, thì cái gì là thực tướng? Ðã biến thì qua rồi, nghĩa này cũng vậy.

– Bất biến sẽ còn, còn mà không chỗ nơi nên biến là thực tướng để định cái nghĩa này.

– Thực tướng bất biến, biến thì chẳng phải thực. Ở trong có, không, sao gọi là thực tướng?

Tát Bà La thầm biết thánh sư huyền giải, thầm đạt ý chỉ. Bèn lấy tay chỉ hư không nói:

– Ðây là hữu tướng của thế gian, cũng có thể thành không. Nên thân này của con, có được như thế không?

– Nếu hiểu thực tướng, tức thấy không phải tướng. Nếu rõ không phải tướng thì sắc này cũng vậy. Nên ở trong sắc mà không mất sắc thể. Ở trong phi tướng mà chẳng ngại có. Nếu hiểu như thế, thì đây gọi là thực tướng.

Chúng kia nghe xong, tâm ý rỗng rang, đảnh lễ tín phục.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma hóa độ Vô Tướng Tông

Bồ Ðề Ðạt Ma lại đến tông Vô tướng hỏi: – Ngươi nói vô tướng, làm sao chứng được?

Trong chúng có Ba La Ðề đáp: – Tôi gọi vô tướng là tâm không hiện.

– Tâm ngươi không hiện, làm sao rõ được?

– Tôi rõ vô tướng, tâm không thủ xả. Ngay lúc rõ cũng không có người đang (rõ).

– Ở các tâm có không, không có thủ xả, lại không có người đang (rõ). Thì các sự rõ biết là không.

– Nhập Phật tam muội còn không sở đắc, huống là vô tướng mà muốn biết nó.

– Tướng đã chẳng biết thì ai nói có không? Còn không sở đắc, sao gọi là tam muội?

– Tôi nói không tướng là chứng mà không chỗ chứng, chẳng phải tam muội nên tôi nói tam muội.

– Chẳng phải tam muội, làm sao có tên gọi? Ông đã chẳng chứng; không phải chứng thì chứng cái gì?

Ba La Ðề nghe xong, ngộ được bổn tâm, lễ tạ và sám hối những sai lầm cũ. Tổ Ðạt Ma thọ ký: Ông sẽ đắc quả, không bao lâu sẽ tự chứng. Nước này có ma, chẳng bao lâu ông sẽ hàng phục chúng. Nói xong Ngài biến mất.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma hóa độ Định Huệ Tông

Ðến tông Ðịnh huệ Ngài hỏi: – Ông học định huệ, là một hay hai?

Trong chúng có Bà Lan Ðà đáp: – Ðịnh huệ của tôi, không một không hai?

– Ðã không một, hai sao lại gọi là định huệ?

– Tại định mà không phải định. Ở huệ mà không phải huệ, một mà không một, hai cũng chẳng hai.

– Ðáng một mà chẳng một, đáng hai mà chẳng phải hai, đã chẳng phải định huệ, thì theo định huệ nào?

– Chẳng một, chẳng hai, mà định huệ hay biết; chẳng phải định, chẳng phải huệ cũng lại như thế.

– Huệ chẳng phải định thì làm sao biết? Chẳng một, chẳng hai thì ai định, ai huệ?

Ba Lan Ðà nghe rồi, tâm nghi tan biến.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma hóa độ Giới Hạnh Tông

Ngài đến tông Giới hạnh hỏi: – Cái gì gọi là giới? Thế nào gọi là hạnh? Giới hạnh này là một hay là hai?

Trong chúng có một hiền giả thưa: – Mộ, hai hay hai, một đều do kia sanh. Y theo giáo không nhiễm. Ðậy gọi là giới hạnh.

– Ông nói y giáo tức có nhiễm, một hay hai đều phá, sao nói y giáo? Hai cái này trái ngược. Hành chẳng đến được, trong ngoài chẳng rõ, sao gọi là giới?

– Ta có trong ngoài, điều đó đã biết rõ, đã được thông đạt, thì đó là giới hạnh. Nếu nói trái ngược; đều phải hoặc đều trái. Còn nói đến thanh tịnh thì tức là giới, tức là hạnh.

– Ðều phải, đều trái sao nói là thanh tịnh? Ðã được thông thì sao lại nói trong ngoài?

Hiền giả nghe xong, hổ thẹn chịu phục.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma hóa độ Vô Đắc Tông

Ngài đến tông Vô đắc hỏi: – Ông nói vô đắc là không đắc cái đắc nào? Ðã không chỗ đắc thì cũng là đắc cái vô đắc.

Trong chúng có Bảo Tĩnh đáp: – Tôi nói vô đắc, chẳng phải đắc cái vô đắc. Nên nói đắc đắc, vô đắc tức là đắc.

– Ðắc đã không đắc, đắc cũng chẳng phải đắc. Ðã nói đắc đắc, thì đắc đắc cái nào?

– Thấy đắc chẳng phải đắc, chẳng phải đắc là đắc. Nếu thấy không có đắc gọi là đắc đắc.

– Ðắc đã chẳng phải đắc, thì đắc đắc chẳng có đắc. Ðã không có chỗ đắc, thì lấy cái đắc nào để đắc?

Bảo Tĩnh nghe rồi, chóng trừ lưới nghi.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma hóa độ Tịch Tĩnh Tông

Ngài đến tông Tịch Tĩnh hỏi: – Sao gọi là tịnh tĩnh? Ở trong pháp này? Cái gì tịch? Cái gì tĩnh?

Có một tôn giả đáp: – Tâm này bất động gọi đó là tịch, ở pháp không nhiễm gọi là tĩnh.

– Bổn tâm nếu không tịch, cần mượn tịch tĩnh; xưa nay đã tịch đâu cần tịch tĩnh?

– Các pháp vốn không, vì không nên không, ở cái không kia không nên gọi là tịch tĩnh.

– Không không đã không, các pháp cũng vậy. Tịch tĩnh không tướng, cái gì tĩnh? Cái gì tịch?

Người ấy nghe chỉ dạy, hoát nhiên khai ngộ. Rồi từ đó năm chúng đều quy y Ngài.

( Tổ Bồ Đề Đạt Ma Huyền Tích Truyện )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Dâng Hoa cúng dường Phật có ý nghĩa gì

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog