Tình Yêu là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Tình Yêu là gì

Tình Yêu là gì? Tình yêu là lòng thương yêu mà chấp luyến trên hình thức, nên kết quả bị sợi giây tình ái buộc ràng. Sợi dây này nhà Phật gọi là nghiệp lực: Một cách rất tự nhiên, bạn thấy yêu một người vô cùng, mặc người ngoài nhìn nhận hay đánh giá về người ấy ra sao. Người thế gian bị sợi dây vô hình này trói buộc, che chướng nên suốt một kiếp người: Hạnh phúc thì ít mà khổ đau thì nhiều.

Đứa cháu vừa ly hôn, kết thúc tình yêu mà ai cũng bảo là đẹp! Một hành trình thanh mai trúc mã và vô cùng lãng mạn: 10 năm yêu thương mặn nồng, 5 năm chung sống và hai đứa con một trai một gái.

Chúng nó yêu nhau từ lúc học cấp 3. Tốt nghiệp, thằng bé đi xuất khẩu lao động còn nó vào Đại Học. Sau 3 năm nhớ nhung, theo tiếng gọi của tình yêu và bỏ ngoài tai mọi lời khuyên dạy. Nó bỏ học xin cha mẹ chạy chọt đi lao động cùng thằng bé. Ba năm sau chúng nó về rồi tổ chức cưới hỏi. Khi đứa con thứ 2 ra đời thì chồng bồ bịch. Cãi vã nhau, sỉ nhục nhau, rồi đánh đập nhau…Rốt cuộc, không biết cái tình yêu đẹp đẽ ấy bay đi đâu mất, chúng nó kéo nhau ra tòa.

*

Một ngày nó mếu máo hỏi tôi: “Tình yêu là gì? Đức Phật dạy về tình yêu như thế nào hả chú?”

Tôi bảo: “Đức Phật dạy chúng sanh phải biết thương yêu và nhường nhịn lẫn nhau. Ngài dạy người ta buông lơi bám chấp, hạ thấp cái bản ngã và giảm thiểu tham cầu…để cuộc sống được bình an, hạnh phúc.

Đức Phật cũng dạy đại ý rằng: Chúng ta vô lượng kiếp đến nay trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Ngày nay gặp lại nhau, hết thảy đều không ngoài bốn nhân duyên: Báo ân, báo oán, trả nợ và đòi nợ. Tình yêu, dẫu thanh khiết hay uế trược, cũng không ra ngoài bốn nhân duyên ấy.

Người đến là do duyên mà đến, người đi là do hết duyên mà đi. Nếu duyên chẳng còn, mọi tham cầu hay níu kéo chỉ là vô ích. Tự ta làm khổ chính mình chớ chẳng phải tại ai. Vì sao thế? Vì sự bám chấp của cái tôi quá lớn nên che mờ tâm tánh vậy! Vậy nên cần phải biết buông bỏ những bám chấp đang trói buộc mình. Nếu buông được thì cuộc sống sẽ an yên mà thôi…”

*

Rộng khuyên hết thảy những bậc làm cha mẹ: Con trẻ đến tuổi yêu đương cũng là lẽ tự nhiên của cuộc sống. Bạn có thể lựa lời khuyên dạy con giữ đạo, để nó không phạm tà dâm mà tổn phước tổn mạng. Nhưng chớ can thiệp và chớ cấm đoán. Bởi can thiệp vào hại nhiều hơn là lợi, chẳng ích chi đã đành, lại thêm phiền não vào thân!

Rộng khuyên các bạn trẻ duyên đọc bài này: Tình yêu vốn hàm nghĩa về sự cao đẹp và đức hy sinh. Tuy nhiên bởi đấy là duyên nợ mà bạn đã gieo trong nhiều đời nhiều kiếp. Nếu còn duyên hãy yêu thương và tôn trọng nhau. Nếu hết duyên cũng xin đừng đau khổ mà làm điều dại dột. Việc ấy chỉ khiến bạn tự làm khổ mình, làm khổ gia đình mình chớ nào có ảnh hưởng đến ai đâu?

  • Vì sao cuộc đời là bể khổ.
  • Từ Bi là gì.
  • Âm đức là gì.
  • Tham sân si là gì.
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Sự thật về hạn tam tai.
  • Phụng dưỡng Cha mẹ là phước báu trong đời.
Tình yêu là gì
Tình yêu là gì

Tình Yêu là gì

Bạn đã bao giờ tự hỏi mình: Thế gian có đến hơn 7 tỉ người, tại sao ta chỉ gặp người này mà chẳng gặp người kia? Tại sao ta lại yêu người này mà chẳng yêu người khác? Tại sao có người mới gặp một lần mà ta cảm thấy thương mến; và tại sao có người vừa gặp mặt ta đã sanh tâm khinh ghét?

Bạn chẳng biết rằng: Hết thảy đều là nghiệp duyên đã gieo trong tiền kiếp, gặp lại nhau âu cũng là duyên nợ cả mà thôi. Bởi vậy nên đức Phật dạy đại ý rằng: “Những người xa lạ không tự nhiên đi chung trên một chuyến đò. Gặp nhau tình cờ như thế, cũng phải là duyên sâu trong nhiều đời nhiều kiếp.”

Vậy nên, tình yêu hay hôn nhân đều là kết quả của định nghiệp. Không ai, không thế lực nào có thể can thiệp được vào quá trình ấy. Người ta cứ lầm tưởng rằng tự mình lựa chọn người yêu, tự mình chọn được người làm vợ. Không có chuyện ấy đâu, nghiệp lực dẫn dắt cả đấy, chỉ là bạn không biết đấy thôi!

*

Tình yêu là sự Yêu thương một cách “Vô Điều Kiện”. Yêu thương vô điều kiện nghĩa là yêu thương mà không có một điều kiện nào; không có mong muốn và cũng không có bất kỳ sự đòi hỏi nào. Do sự chi phối của nghiệp lực, tự nhiên bạn thấy yêu một người vô cùng, mặc người ngoài nhìn nhận hay đánh giá về người ấy ra sao. Sức nghiệp này khủng khiếp đến mức: Người khác bảo vị ấy xấu xa, ác độc. Và sự thực là như thế, nhưng do nghiệp chướng ngăn che, bạn cũng không cho là đúng.

Ví như một người mẹ có thể cho rằng đứa con tật nguyền, khờ khạo của mình là một trừng phạt từ những quyền năng cao hơn. Nhưng biết đâu đứa trẻ đó lại là một ơn phước. Biết đâu nó đến là để dạy cho người mẹ một tình yêu thương vô điều kiện chân thật? Tình thương vô điều kiện là khi ta sẵn sàng trải lòng yêu thương một đứa con tật nguyền, không biết nói lời cho mình vui, không làm cho ta hãnh diện – Bởi vì nó không có địa vị và những thành đạt trong xã hội.

*

Thế nào là yêu một người nam hay người nữ một cách vô điều kiện? Đó là khi ta yêu tất cả mọi xấu, tốt, hay, dở của người đó. Không so đo, không tính toán và cũng không mong cầu bất cứ sự đền đáp nào. Khi ta yêu vô điều kiện, ta có khả năng dõi nhìn người đó đang sống trọn vẹn chính cuộc đời họ; mà ta không cảm thấy người đó cần phải thay đổi bất cứ điều gì nơi họ cả. Thậm chí, ta yêu mà không cần người ấy thuộc về mình, bất kể là người ấy có yêu mình lại hay không; hoặc bất kể người ấy có đang ở với mình, có mặt trong đời mình hay không – Đó mới thực sự gọi là tình yêu! 

Tình yêu là gì: Đừng ngộ nhận Tình yêu và Nhu cầu

Làm sao ta biết rằng ta đang yêu một người? Chúng ta thường hay nói “Tôi biết tôi yêu nàng vì tôi không thể sống thiếu nàng. Cô ấy mà bỏ tôi, tôi sẽ đau khổ ghê lắm”. Hoặc ta nói “Khi tôi không có bên anh ấy, tôi nhớ anh ấy lắm. Lúc nào tôi cũng muốn ở bên cạnh anh ấy”. Thế nhưng những điều này không hề nắm bắt được cái tinh túy của tình yêu vì tình yêu không hề gây đau khổ hay đau đớn.

Điều gây ra đau đớn cho chúng ta, điều mà những câu nói trên thực sự diễn tả là cần, là nhu cầu. Chỉ có “cần” mới đòi hỏi, mong cầu. Chỉ có “cần” mới giới hạn và trói buộc. Và “cần” là sản phẩm được câu thúc bởi tâm trí của ta. Tình yêu không buộc người khác phải có một cách đối xử hay cảm xúc nào đó. Tình yêu không đòi hỏi gì cả. Tình yêu hân hoan và giải phóng – Nó là sự tự do cho cả người đang yêu lẫn người được yêu.

Một trong những trải nghiệm đau đớn nhất là khi người thương yêu bỏ rơi ta; hoặc người ta không đáp lại tình cảm của mình. Thế gian gọi là thất tình mà chẳng biết rằng: Duyên nợ giữa ta và người đã hết. Và cái cảm giác đau khổ ấy thực ra là vì ta ngộ nhận giữa nhu cầu và tình yêu – Ta không đau khổ vì tình yêu, ta đau khổ vì ta cần mà không được đáp ứng. Tâm trí của ta bị bám chấp vào nhu cầu và đòi hỏi, thay vì cho phép chúng ta được trải nghiệm niềm hỷ lạc của yêu thương.

Tình yêu là gì: Bản chất của Tình yêu

Trong cuốn “Hiểu về Trái Tim”, Thầy Minh Niệm có bài viết khá tinh tế về chủ đề Tình yêu, xin trích đăng cho bạn cùng rộng đọc:

“Ta còn quá yêu bản thân mình thì làm sao ta có thể yêu thêm người khác. Dù có yêu người khác cũng chỉ để phục vụ cho bản thân mình mà thôi. Người ta thường hay nói đùa với nhau: “Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ. Thà chịu khổ còn hơn chịu lỗ”. Nói đùa mà thật. Dù được cảnh báo yêu là khổ như một nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng hầu hết ai cũng chấp nhận khổ để có được cảm giác yêu.

Thi sĩ Xuân Diệu bảo:

Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào.

Sống mà không yêu thương thì sự sống đâu còn ý nghĩa gì nữa. Hãy cứ yêu đi. Càng yêu ta sẽ thấy cuộc đời này càng thêm mầu nhiệm. Nếu sợ khổ mà không dám yêu thì ta có chắc là mình sẽ sống hạnh phúc hơn không? Đời sống còn nhiều thứ khác khiến ta khổ chứ đâu chỉ có mỗi tình yêu. Xung quanh ta có biết bao người dám “chịu khổ” để yêu thì tại sao ta phải sợ? Tình yêu có thật đáng sợ như ta nghĩ không?

*

Yêu thương vốn là bản năng tự nhiên của con người. Nhưng nếu ta yêu thương con sông, yêu thương cánh đồng, yêu thương quê hương, yêu thương kẻ bất hạnh thì ta đâu có khổ. Đằng này đối tượng yêu thương của ta quá hấp dẫn, có thể đánh động vào cảm xúc khát khao của ta, có thể làm cho ta đêm nhớ ngày mong hay mất ăn bỏ ngủ, có thể khiến ta bất chấp tất cả để sở hữu được nó.

Thi hào Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng này rất hay trong đoạn thơ:

Đã mang lấy một chữ tình

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn ngồi không vững vàng

Ma đưa lối quỷ đưa đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.

Khi cảm xúc yêu đương bùng vỡ thì ta không còn tự chủ được nữa, mọi nhận thức hay phản ứng đều vượt tầm kiểm soát. Ta cứ lầm lũi lao tới phía trước như kẻ mộng du, không ý thức được mình đang đi đâu dù sắp bước vào hầm hố chông gai. Người Tây phương gọi trạng thái ấy là “fall in love”  – Tức là đang bị cuốn vào tình yêu, mà cũng có thể hiểu là đang bị té ngã trong tình yêu. Cảm xúc yêu đương mãnh liệt đến thế, nên nó lấn át lý trí và lấn át cả những liên hệ tình cảm sâu sắc khác.

*** Tình yêu là gì ***

Chẳng trách sao ai yêu rồi thì ít nhiều cũng trở nên mù quáng. Ta thấy ở đối tượng mình yêu toàn một màu hồng tuyệt hảo, rất khác với cái thấy của mọi người. Vì thế, ta muốn tháo tung ranh giới cái tôi của mình ra, để mời người ấy bước vào. Dĩ nhiên, ta cũng muốn người ấy nhường chỗ cho ta một nửa trong trái tim họ. Thậm chí ta còn muốn dâng tặng cả cuộc đời mình cho họ, nên ta đã mạnh dạn tuyên bố “yêu hết mình”.

Thật ra, không ai đem hết con người của mình ra để yêu thương kẻ khác mà không mong muốn nhận lại điều gì cả. Lời tuyên bố ấy chẳng qua vì không kiềm chế nổi cơn cảm xúc muốn được thỏa mãn; hoặc vì muốn thấy giá trị của mình qua sự nâng niu của kẻ khác mà thôi. Bởi khi màu hồng ấy trong mắt ta nhạt phai thì trái tim ta không còn rung cảm nữa.

*

Tình yêu như thế cũng chỉ là sự trao đổi cảm xúc. Một tình yêu đích thực phải chứa đựng tình thương, phải có thái độ muốn hiến tặng và chia sớt để nâng đỡ cuộc đời của nhau. Có thể ta đã từng lầm tưởng tình yêu là cung bậc cao hơn tình thương. Sự thật, tình yêu chỉ mạnh hơn tình thương về mặt cảm xúc thỏa mãn; nhưng tình thương lại lớn hơn tình yêu về mặt thấu hiểu và cảm thông. Tức là tình yêu nghiêng về phía hưởng thụ, còn tình thương lại nghiêng về phía trách nhiệm.

Trong liên hệ tình cảm lứa đôi, nếu tình yêu lấn át đi tình thương thì tình cảm ấy cũng giống như lửa rơm – bạo phát bạo tàn; còn nếu tình thương lấn át được tình yêu thì tình cảm ấy sẽ như lửa than – mãi âm ỉ cháy. Dù khởi điểm là vì tiếng sét ái tình, nhưng nếu ta biết nhận diện và buông bỏ bớt những đòi hỏi không cần thiết; ta hết lòng quan tâm đến cuộc đời của người mình thương; ta thấu hiểu những khó khăn hay ước vọng của họ mà tận tình giúp đỡ… thì ta sẽ có được tình yêu chân thật.

Tình yêu là gì: Yêu không đúng cách

Thi sĩ Xuân Diệu đã từng phát hiện ra những lý do thường khiến tình yêu rạn vỡ:

Người ta khổ vì thương không phải cách

Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người”.

Hãy luôn nhớ rằng, mọi hiện tượng trên thế gian này đều phải nương tựa vào nhau mới có thể tồn tại. Tình yêu cũng không ngoại lệ. Sẽ không có cái gì gọi là tình yêu nếu nó tách biệt với những yếu tố khác như: sự bình an, vững chãi, bao dung, cởi mở, lắng nghe… Thậm chí, nếu không có gia đình, bạn bè, xã hội, kinh tế, chính trị, đạo đức và cả thiên nhiên; thì tình yêu cũng không có chỗ để tồn tại.

Cho nên, nếu ta biết quay về chăm sóc những yếu tố tưởng chừng như đứng ngoài tình yêu thì cũng chính là chăm sóc tình yêu. Vậy mà khi yêu ta thường chỉ để ý tới sự ham thích nhau; suốt ngày cứ quấn chặt vào nhau không dám rời nửa bước. Đến khi một bên không thể đáp ứng sự thỏa mãn, thì sự nhàm chán và phản bội nhau là điều tất yếu sẽ xảy ra. Khi ấy, bên ở lại sẽ dễ dàng ngã quỵ vì họ thấy không còn gì để sống. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng than thở:

Người đi một nửa hồn tôi chết

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”.

*

Thật ra, ta chẳng bao giờ trao nửa linh hồn cho ai đâu. Chỉ vì một nửa (hay cả) đời sống của ta đã lỡ phụ thuộc vào cảm xúc của đối phương. Cho nên khi họ đi rồi ta không còn chỗ bám. Cơn nghiện đang hành hạ ta đó thôi. Lắm lúc ta cũng rất thực dụng, đến với tình yêu theo kiểu tranh hơn tranh thua như trong chiến trường kinh tế. Hễ đòi hỏi được là đòi hỏi. Ta xem người ấy như sự bảo an vững chắc cho cuộc đời mình. Thành ra, cụm từ “đi tìm bến trong” bây giờ có nghĩa là tìm một nơi có thể bảo đảm cho mình một cuộc sống sung túc, không thua sút bạn bè.

Quan điểm này cũng bị ảnh hưởng sâu sắc từ tâm thức xã hội. Nhìn kỹ, ta sẽ thấy những đòi hỏi kia chỉ mang tới những cảm xúc tạm bợ qua sự tán thưởng của những người sống bằng hình thức, nhưng nó lại là thứ mộng tưởng điên đảo làm phương hại đến tình yêu. Vậy mà ta vẫn tin chắc rằng nếu có tất cả những thứ đó thì đời sống lứa đôi sẽ hạnh phúc hơn. Vì thế sự ham thích của ta không dừng, còn năng lực của người ấy lại bị ta vắt đến cạn kiệt, nên hai tâm hồn ngày càng cách xa nhau.

*

Nếu người ấy vì đam mê mà vẫn cố gắng chiều chuộng ta, thì chính họ cũng đang sống trong cơn mộng tưởng. Cả hai đều không cắm rễ vào nền tảng của tình yêu chân thật. Như thế thì đừng hỏi tại sao chỉ vì bất đồng quan điểm với nhau; chỉ vì lỡ gây tổn thương nhau; chỉ vì không tiếp tục làm thỏa mãn nhau… là đôi bên dễ dàng bỏ nhau. 

Cũng có lần thi sĩ Xuân Diệu tự thú nhận:

Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá

Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì”.

Tình yêu cũng như một loại cây xanh. Nếu ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi thì nó sẽ héo tàn và lụn bại. Cảm xúc thỏa mãn ai mà không thích. Nhưng sự thỏa mãn ấy phải đi liền với trách nhiệm thì ta mới có thể giữ gìn mãi được. Mà nếu ranh giới cái tôi thật sự được tháo tung để nhường chỗ cho người ấy; thì trách nhiệm dìu dắt nhau đi về hướng thảnh thơi và hạnh phúc chân thật, không phải là gánh nặng hay là sự miễn cưỡng nữa.

*

Vấn đề là ta có khả năng nới rộng trái tim của mình ra không? Nếu ta còn quá coi trọng vật chất, vướng kẹt danh vọng; hoặc ta đam mê hình thức hấp dẫn, mà lại muốn có một tình yêu bền vững thì đó chỉ là tham vọng. Ta còn quá yêu bản thân mình thì làm sao ta có thể yêu thêm người khác. Dù có yêu người khác thì cũng chỉ để phục vụ cho bản thân mình mà thôi. Còn lỡ như đối tượng ấy xem tất cả những phương tiện kia là lý do chính để tình yêu có mặt, thì ta biết rằng đó chẳng phải là một nửa đáng tìm.

Tuy nhiên, nếu ta đủ giỏi và bản lĩnh thì vẫn có thể dẫn dắt mọi đối tượng đi về hướng mình chọn mà không sợ: “Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người”. Tình yêu có thật hay không là tùy thuộc vào sức mạnh và dung lượng trái tim của mỗi người. Bí quyết là ta phải luôn tỉnh táo để nhận ra mình và hiểu được người mình thương. Yêu như yêu lần đầu

Xin nâng đỡ đời nhau

Bằng con tim hiểu biết

Lo sợ gì thương đau.

Tình yêu thương rộng lớn

Luôn đem tới niềm vui

Cùng sớt chia nỗi khổ

Dìu nhau về thảnh thơi”

( Tình yêu là gì – Theo Hiểu về Trái Tim)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn- Chuyện hiển linh ở Việt Nam

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog