Tinh tấn là gì
Pháp Giới 8 tháng trước

Tinh tấn là gì

Tinh là tinh chuyên, thuần nhất, không xen tạp. Tấn là đi tới không thoái lui. Tinh tấn là luôn luôn chuyên tâm nhất trí, cố gắng không ngừng để đạt được mục đích của mình. Người học Phật nếu không tinh tấn ắt tu hành giải đãi. Mà tháng năm trôi nhanh như sương khói, độ mình còn chưa nổi bàn chi đến chuyện độ chúng sanh. Thế chẳng phải cô phụ ơn Phật lắm đó ư?

  • Bố thí là gì.
  • Trì giới là gì.
  • Lục thần thông là gì.
  • Ngũ giới là gì.
  • Thập thiện nghiệp đạo là gì.
  • Tam giới là gì.
Tinh tấn là gì
Tinh tấn là gì

Thích Luận nói: “Người tại gia lười nhác làm mất đi lợi ích thế gian. Người xuất gia lười nhác làm mất đi giáo pháp quý báu. Vì vậy Tư Na dũng mãnh được chư Phật khen ngợi nêu cao. Ca Diếp tinh tấn được Như Lai ngợi khen rõ ràng.”  Lại sách xưa nói: “Thức khuya dậy sớm, dốc hết sức mình, mới gọi là trung thần, mới xưng là hiếu tử.” Vì vậy buông thả tùy tiện lười nhác qua ngày vốn là điều đáng trách, tinh tiến cần cù chịu khó chịu khổ không có lúc nào không thích hợp.

Tinh tấn là gì

Người học Phật lẽ nào có thể buông thả lòng dạ ngu si, mặc cho tình ý rong ruổi; Khiến cho chủng tử thiện căn không thể tiếp tục nảy chồi đâm lộc, cành nhánh cây đạo sum suê ngày càng héo hon tàn tạ.

Nếu chẳng tinh tiến tu trì thì một mai vô thường đến, Diêm vương ngục tốt tra hỏi, lấy gì đối đáp trình thưa? Đang lúc như vậy có hối hận cũng đã muộn rồi! Vì vậy cho nên bây giờ nên tinh tấn thực hành. Luôn luôn cần phải giữ gì kiểm xét ba nghiệp, đừng để cho sai trái trong mọi lúc mọi nơi.

Từng ngày từng đêm, từ sáng đến trưa, từ trừa đến chiều, từ chiều đến đêm, từ đêm đến sáng; Thậm chí một thời một khắc, một niệm một sát na cũng giữ gìn kiểm xét tam nghiệp xem: Có bao nhiêu tâm hành thiện, có bao nhiêu tâm hành ác? Đừng để cho buông thả tùy tiện rơi vào mạng lưới tà vạy. Luôn luôn tự kiểm lại ba nghiệp, tâm và miệng khuyên răn dạy bảo lẫn nhau.

Tâm nói với miệng rằng: “Ông thường nói điều thiện đừng nói điều phi pháp.”

Miệng trở lại nói với tâm: “Ông suy nghĩ chánh pháp đừng suy nghĩ phi pháp.”

Tâm lại nói với thân: “Ông chịu khó tinh tấn đừng làm cho lười nhác.”

Như vậy tâm mình tự kiềm thúc miệng mình, tự cẩn thận thân mình, tự mình đốc thúc lấy mình. Giữ thân tâm như vậy mà tu trì mới tạm gọi là tinh tấn tu hành!

Thành phần của Tinh Tấn 

1. Tinh tấn ngăn các điều ác đừng sanh.

Nghĩa là các điều ác, từ trước đến giờ mình chưa làm đến, thì từ nay về sau cũng phải đừng cho nó phát sinh. Thí dụ như từ hồi nào đến giờ, ta không hề sát sinh hại vật; Không trộm cướp gian giảo, trêu hoa ghẹo nguyệt, không nói lời dối trá hung ác và cờ bạc rượu chè v.v…Thì từ đây về sau ta cũng phải tinh tấn thêm lên, cố gắng giữ gìn cho đừng sanh khởi.

2. Tinh tấn diệt cho mau các điều ác đã sanh.

Nghĩa là các điều ác mà mình đã lỡ làm rồi, thì phải diệt trừ cho mau. Thí dụ như ta lỡ tạo những tội ác tham lam trộm cướp, đa mê sắc dục, giận dữ kiêu căng…Thì nay ta đừng cho nó tăng trưởng thêm nữa, mà trái lại phải diệt trừ cho chóng.

3. Tinh tấn làm cho các điều lành phát sinh.

Nghĩa là từ trước đến nay có những điều lành ta chưa thực hiện được, thì nay ta phải để cho nó phát hiện ra trong hành động. Thí dụ, lâu nay ta chưa làm những việc thiện xã hội; Chưa bỏ công bỏ của ra giúp người nghèo đói tật nguyền; Hoặc ta chưa quy y thọ giới, ăn chay niệm Phật, học đạo nghe kinh v.v…Thì từ ngày hôm nay ta phải tinh tấn làm cho các điều làm này được phát sanh.

4. Tinh tấn làm cho các điều lành tăng trưởng.

Nghĩa là các điều lành đã được phát sanh rồi, nay ta phải làm cho nó tăng trưởng hơn nữa; Hoặc ta đã quy y rồi, bây giờ phải phát nguyện trì giới. Nếu ta đã thọ Ngũ Giới rồi, bây giờ phải tu Bát quan trai…Tóm lại, tất cả việc lành từ ngoài đời cho đến trong đạo, mình đã làm thì phải tinh tấn thực hiện hàng ngày.

Thế nào là Tinh Tấn đúng Chánh Pháp

Tinh tấn, cũng như bố thí và trì giới, đều có hai phương diện:

1. Tinh tấn có chấp tướng.

Có người trước mặt mọi người, thì rất tinh tấn, lăng xăng làm việc này việc khác, tỏ ra cần mẫn chăm chỉ để được tiếng khen; Nhưng khi không ai nhòm ngó, thì lại rất giãi đãi. Có người vì sợ người trên la rầy, quở phạt mà tinh tấn; Nhưng khi được tự do, không ai kiểm soát thì lại buông lung. Có người tinh tấn với một tâm lý háo thắng, quyết hơn người để tự cao tự đại. Tinh tấn với một dụng tâm không trong sạch, như vì danh, vì lợi, vì sự kiêu căng v.v…đều là tinh tấn chấp tướng, không đúng là tinh tấn Ba la mật.

2. Tinh tấn không chấp tướng.

Tinh tấn không chấp tướng tức là tinh tấn một cách chân thành; Không vì dục vọng mà chính vì mình nhiều tội lỗi, nên quyết tâm sửa chữa; Thấy mình cần giải thoát ra khỏi luân hồi, nên phải gấp rút chuyên cần tu luyện. Người tinh tấn không chấp tướng thì dù ở giữa đám đông người hay ở một mình, dù có người nhắc nhở kiểm soát hay không, dù đạt được quả vị cao hay thấp v.v…cũng không bao giờ thay đổi ý chí và thái độ quyết tiến của mình.

Lợi ích của Tinh Tấn

Trong tất cả sự nghiệp, vĩ đại ở đời, hay kết quả vẻ vang trong đạo, cái bí quyết duy nhất để thành công là pháp tinh tấn. Hạnh này như là chất dầu xăng làm cho chiếc xe hơi chạy. Ðộng cơ dù tốt, người lái dù giỏi, con đường dù bằng phẳng, mục đích dù gần, mà không dầu xăng thì chiếc xe vẫn ở nguyên một chỗ. Cho nên câu nói cuối cùng của đức Phật Thích Ca với các Ðệ tử trước khi nhập diệt là: “Hỡi các người, hãy tinh tấn lên để giải thoát”.

Nếu một lòng bền bỉ tinh tấn tu trì thì:

  • Người thọ trì Tam quy, giữ năm giới và làm các điều phước thiện, thì sẽ được sanh lại làm nhân đạo, phúc thọ song toàn.
  • Người tu Thập thiện và tu Tứ thiền, Bát định, thì sẽ sanh về cõi Trời Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
  • Người thấy các khổ cảnh sanh lòng nhàm chán cảnh đời, quyết tâm dứt trừ các phiền não, tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, kết quả sẽ chứng được bốn quả Thanh văn.
  • Người quán thấy mười hai nhân duyên là nguồn gốc của nhiều kiếp sanh tử luân hồi, quyết đoạn trừ mười hai nhân duyên, sẽ thành quả Duyên giác. 
Xem Thêm:   Ai cũng có thể thành Phật
*

Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội, Đức Phật dạy: “Nếu có Bồ tát luôn luôn thực hành tinh tiến, thì có mười điều lợi ích. Những gì là mười điều? Đó là:

  1. Người khác không làm khuất phục được.
  2. Được chư Phật gia hộ.
  3. Được loài Phi nhân bảo vệ.
  4. Nghe pháp không quên.
  5. Điều chưa nghe có thể nghe.
  6. Tăng thêm biện tài.
  7. Đạt được tánh Tam muội.
  8. Ít tật bệnh ít buồn phiền.
  9. Tùy những thứ được ăn, ăn rồi có thể tiêu hóa dễ dàng.
  10. Như hoa Ưu bát la không để cho hư hoại.

Còn trong kinh Bồ Tát Bổn Hạnh nói: “Đức Phật bảo với A nan: Người lười nhác thì làm liên lụy đến các hành. Ở nhà lười nhác thì cơm áo không cung cấp, sản nghiệp không phát triển. Xuất gia lười nhác không thể nào thoát ra được nỗi khổ của sanh tử. Tất cả mọi việc đều do tinh tấn mà được hưng khởi”.

Thế nào là Tinh tấn niệm Phật

Về Tinh tấn niệm Phật, trong Niệm Phật Thập Yếu, Tổ Thiền Tâm có luận rất hay: “Có người niệm Phật không thích lần chuỗi, chỉ ước định mỗi thời khóa là bao nhiêu giờ. Niệm như thế được điểm lợi là dễ dưỡng tâm, mỗi câu Phật hiệu đều rành rẽ thâm nhập. Nhưng nếu không phải là người có tâm lực mạnh, chí kiên quyết, thì sẽ lạc vào khuyết điểm: Niệm lực trì trệ khó thành tựu, mau sanh chán mỏi, thường nhìn vào đồng hồ để xem coi gần mãn giờ hay chưa?

Còn lần chuỗi mà niệm theo định số, thì sức niệm tinh tấn mau thuần thục, ví như người tuy yếu chân nhưng nhờ nương nơi cây gậy, nên dễ tiến lên núi cao. Song nếu không khéo giữ đúng theo điểm căn bản của sự niệm Phật là: “Câu niệm rành rẽ rõ ràng, tâm cùng tiếng dung hòa nhau,” tất lại bị khuyết điểm bởi ham mau ham nhiều mà thành ra niệm dối!

Nên biết lúc hành giả khởi niệm, thì mỗi câu Phật hiệu đều đi sâu vào tạng thức. Khi sức dồn chứa huân tập đã nhiều, tức câu niệm Phật từ nơi tạng thức tự phát hiện ra trong khi thức hoặc lúc ngủ. Đây gọi là cảnh giới “không niệm tự niệm.” Nếu bình thường niệm rành rẽ thì nó phát hiện rành rẽ, niệm giả dối không rõ ràng, tức câu Phật hiệu hiện ra không rõ ràng.

*

Điểm thất bại của người niệm Phật là tại chỗ đó, nên phải dè dặt ngay từ lúc đầu. Lời tục thường nói: “Đa hư bất như thiểu thật.” Nếu vì ham mau ham nhiều để cầu danh là mình niệm mỗi ngày được mấy muôn câu rồi niệm hư dối không rõ ràng, tâm không bắt kịp tiếng, chẳng thà niệm ít mà chắc còn hơn.

Bút giả có biết một bà Phật tử tu Tịnh Độ. Bà này có lòng tin Tam Bảo, nhưng tánh còn thích rong chơi. Mỗi khi về tối, con cháu mời lại bàn cùng ăn cơm, bà nói: “Thầy dạy tao phát nguyện mỗi ngày niệm Phật mười chuỗi, nếu tao không giữ đúng lời hứa thì có tội với Tam Bảo. Bây hãy chờ một chút cho tao ‘làm đủ số’, rồi sẽ dùng cơm.” Nói đoạn, bà vội mặc áo tràng, niệm Phật lia lịa gấp như chữa lửa, chỉ mười lăm phút là xong việc. Niệm Phật như thế thì làm sao mà vãng sanh được?

Chẳng những một bà này, mà còn nhiều Phật tử khác cũng niệm Phật theo lối “làm cho đủ số” đó. Vậy nên biết niệm Phật quýở nơi phát tâm chân thật, câu niệm chắc chắn rõ ràng, gọi là “lão thật niệm Phật” mới mong có kết quả.

*

Vào khoảng cuối đời nhà Thanh bên Trung Hoa, ở Hàng Châu có một bà Phật tử đến am Hiếu Từ hỏi Đạo Nguyên hòa thượng: “Con niệm Phật đã lâu, nhưng chưa thấy có chi tiến bộ, không biết tại sao?”

Hòa thượng bảo: “Niệm Phật không khó, mà khó ở giữ cho được bền lâu. Chắc có lẽ bà niệm không được đều và bền nên mới như thế.”

Bà thưa: “Quả đúng như vậy. Con vì mắc gia duyên bận buộc, nên niệm Phật thường hay gián đoạn không được tinh tấn. Từ đây xin gát hết mọi duyên, nguyện giữ đúng như lời thầy dạy.”

Cách ít lâu sau, bà lại đến hỏi: “Từ khi nghe lời chỉ giáo đến nay, con dẹp hết mọi việc ngoài, mỗi ngày niệm Phật đều đều, sao vẫn chưa thấy có hiệu lực?”

Hòa thượng dạy tiếp: “Niệm Phật không khó, khó ở bền lâu. Niệm bền lâu không khó, mà khó ở nơi nhứt tâm. Bên ngoài tuy bà gác hết mọi duyên, nhưng trong tâm còn lo đến việc nhà cửa ruộng vườn, luyến tưởng đến cháu con quyến thuộc. Ý lo lắng chưa dứt, gốc tình ái vẫn còn, làm sao mà được nhứt tâm thấy Phật?”

Bà nghe nói liền than: “Thật quả có như vậy! Con duyên ngoài tuy bỏ, nhưng tâm tưởng vẫn còn vấn vương. Từ đây xin trăm việc không quản đến, để nhứt tâm niệm Phật.”

*

Sau khi lãnh giáo về nhà, con cháu hoặc người ngoài có bày tỏ hỏi han điều chi, bà đều bảo: “Tôi muốn yên tâm, trăm việc xin không quản đến.” Do duyên cớ này, mọi người đều gọi là bà lão Bá Bất Quản. Vài năm sau, bà đến am Hiếu Từ lạy ngài Đạo Nguyên thưa: “Nhờ ơn chỉ dạy, nay con tinh tấn niệm Phật nên được nhứt tâm và đã thấy Phật. Xin đến lễ tạ giả từ hòa thượng, vì con sắp sẽ vãng sanh.”

Bà Bá Bất Quản trên đây, do lãnh ngộ hai nguyên tắc: Bền lâu và nhứt tâm mà được kết quả giải thoát. Cho nên người niệm Phật muốn đi đến mức tinh thuần, phải xem từ nhà cửa ruộng vườn đến thân tình quyến thuộc như cảnh duyên giả tạm, hợp rồi lại tan. Nếu có lòng thương quyến thuộc, trước tiên phải làm sao cho mình được vãng sanh giải thoát, rồi sau sẽ độ người thân, mới là tình thương chân thật.

Cho nên muốn tinh tấn niệm Phật, suy ra chẳng những trăm việc không quản, mà ngàn việc, muôn việc đều không quản đến mới được.

(Tinh tấn là gì)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Quả báo bán dâm

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog