“Vua cà phê Việt Nam” Đặng Lê Nguyên Vũ là cái tên không còn quá xa lạ đối với đông đảo những người đã và đang sử dụng các sản phẩm cà phê hàng ngày. Ông khiến nhiều người ấn tượng không chỉ bởi tài năng, phong cách mà còn bởi những tư duy đột phá, mới mẻ trong kinh doanh mà ít người làm được.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là ai?
Đặng Lê Nguyên Vũ là một vị doanh nhân vô cùng nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên Việt Nam. Ông chính là người đặt nền móng cho sự phát triển vùng cà phê khu vực Tây Nguyên, nhờ đó giúp Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu cà phê top đầu thế giới. Chính vì vậy ông đã được vinh danh là “Vua cà phê Việt Nam” bởi tạp chí National Geographic Traveller và Forbes Asia.
Bắt đầu khởi nghiệp bằng cà phê và kinh doanh cà phê, ông Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ luôn thấm nhuần tư tưởng muốn nâng cao ý nghĩa của việc kinh doanh cà phê và muốn thể hiện sự đóng góp của cà phê đối với nhân loại. Ông có một khát vọng to lớn là muốn đưa Việt Nam trở thành cường quốc, là thánh địa cà phê của thế giới, khiến thế giới mỗi khi nhắc đến cà phê là phải nhắc đến Việt Nam.
Quá trình hoạt động của ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971 tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, trong một gia đình nông dân nghèo. Vào năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam.
Từ nhỏ, do đã phải chứng kiến cảnh mình mẹ vất vả lo toan mọi việc trong nhà, cùng với đó là gia đình luôn sống trong cảnh nghèo khó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã phụ giúp mẹ và kiếm tiền cho gia đình. Ông đã đi làm thuê từ rất sớm, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như là bẻ ngô, chăn lợn hay giúp mẹ đóng gạch,…
Năm 1992, ông nhập học tại Khoa Y, Đại học Tây Nguyên. Trong giai đoạn này ông đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê. Từ đó cho đến nay, các hoạt động của ông đều gắn liền và xoay quanh niềm đam mê với cà phê.
Năm 1994, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chính thức bỏ học và vào TP.HCM để tìm kiếm con đường làm giàu với số tiền trong túi khi đó chỉ vẻn vẹn 100.000 đồng. Tuy nhiên người chú ở TP.HCM đã bắt ông quay lại Đắk Lắk với câu nói: “Học cho xong đi đã, rồi làm gì thì lam”. Ông đồng ý trở lại trường vài ngày sau đó. Tuy nhiên, ông vẫn luôn nung nấu ý tưởng kinh doanh của mình.
Năm 1996, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng bà Lê Hoàng Diệp Thảo hợp tác cùng 3 người bạn để thành lập nên hãng cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột.
Năm 1998, lần đầu tiên công ty Trung Nguyên mở quán cà phê tại Thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Lúc này bắt đầu xuất hiện phổ biến các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên trên khắp toàn quốc.
Năm 2000, thương hiệu cà phê Trung Nguyên được nhiều người chú ý và bắt đầu được biết đến.
Năm 2003, Trung Nguyên dần khẳng định được chỗ đứng của thương hiệu mình trên thị trường Việt Nam.
Năm 2005, Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương, vượt qua tất cả các đối thủ nước ngoài, do vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên. Cà phê Trung Nguyên được Bộ ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại Sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.
Năm 2006, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập hệ thống cửa hàng G7 Mart, mô hình siêu thị kiểu mới với mức đầu tư 475 tỷ VNĐ cho mục tiêu 10.000 điểm bán lẻ.
Năm 2011, thất bại của mô hình hệ thống cửa hàng G7 Mart khiến ông chuyển hướng sang cộng tác nhượng quyền với Ministop của Nhật Bản nhưng cũng thất bại sau 4 năm sau đó.
Ngày 27/4/2011, cái tên “Cà phê Trung Nguyên” được xuất hiện trên tờ báo Financial Times (Thời báo Tài chính) danh tiếng của Hoa Kỳ như một trường hợp nghiên cứu điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công. Trong đó có đoạn viết: “Ông Vũ khơi dậy khát vọng của người dân Việt Nam. Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên đã chấp nhận thương hiệu này và các quán cà phê Trung Nguyên trở thành những trung tâm xã hội quan trọng”.
Vào tháng 2/2012, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller là “Vua Cà phê Việt”
Tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi: “Zero to hero” (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).
Năm 2013: Cà phê Trung Nguyên hành trình lập chí vĩ đại. Cà phê hòa tan G7 Trung Nguyên kỷ niệm 10 năm ra đời, 3 năm dẫn đầu thị phần và được yêu thích nhất. Hành trình lập chí vĩ đại lan tỏa rộng khắp với cuộc thi Sáng tạo tương lai và ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt lần 2 thu hút 100.000 người tham gia.
Năm 2015: Ra mắt mô hình Trung Nguyên Legend – Café của Giàu có và Hạnh phúc, trở thành chuỗi quán cà phê lớn nhất Đông Nam Á. Trao tặng 1,2 triệu cuốn sách đổi đời trong hành trình Lập chí vĩ đại – Khởi nghiệp kiến quốc.
Năm 2016: Công bố tổ chức hợp nhất Trung Nguyên Legend và danh xưng, Tầm nhìn sứ mạng mới. Ra mắt mô hình Trung Nguyên Family – Café năng lượng – Café đổi đời.
Năm 2017: Tiếp tục khẳng định và nâng tầm vị thế Thương Hiệu Việt ra quốc tế. Truyền cảm hứng khởi nghiệp thông qua “Hành trình Lập chí Vĩ đại – Khởi nghiệp Kiến quốc”
Năm 2018 đến nay: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục công việc phát triển kinh doanh cà phê và đưa thương hiệu cà phê Việt đến với nhiều quốc gia hơn nữa trên khắp thế giới.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có những thành tựu gì nổi bật?
Với những gì mà ông Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm với Trung Nguyên nói riêng và với cà phê của Việt Nam nói chung đều vô cùng cao cả và đáng ngưỡng mộ. Ông đã góp phần biến Việt Nam hiện lên trên bản đồ cà phê thế giới, sánh ngang hàng với các cường quốc châu lục về xuất khẩu cà phê.
Dưới đây là các thành tựu mà ông Vua cà phê, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã đạt được:
– Năm 2007, ông được chủ tịch nước trao tặng huân chương lao động hạng III
– Cũng vào năm 2007, thủ tướng chính phủ trao tặng bằng khen cho doanh nghiệp “Đã có thành tích nhiều năm liền được bình chọn danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc”
– Được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm đứng đầu ngành thức uống không cồn trong cuộc bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2007
– Đạt danh hiệu 8 năm liền Hàng Việt Nam chất lượng cao (2000 – 2007)
– Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2003 và 2005 do Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam trao tặng
– Đạt giải thưởng nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN do hiệp hội các nhà doanh nghiệp Đông Nam Á trao tặng năm 2004
– Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ được trao tặng giải thưởng Sao Đỏ của Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam năm 2000
– Là doanh nghiệp cà phê duy nhất của Việt Nam đạt chứng chỉ EUREPGAP do Institute for Marketecology năm 2005
Vụ ly hôn tiền tỷ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ
Suốt cuộc đời của Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ không ngừng phấn đấu và sống với tình yêu cà phê mãnh liệt. Ông luôn khát vọng được cống hiến cho đất nước và từ đó gặt hái được nhiều thành công vang dội. Tuy trên thương trường ông là một anh hùng, thế nhưng với tình trường thì ông lại là một bại tướng. Nhất là thất bại trong chính cuộc hôn nhân với người vợ đã cùng ông chung sống hơn 20 năm qua.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 5/2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khi đó đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên ký ngày 21/4/2016. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận kinh doanh này đã được thay đổi tên người đại diện theo pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM, yêu cầu của bà Thảo đã được chấp thuận.
Về phía mình, ông Vũ cũng gửi đơn kiện bà Thảo vì bị chiếm đoạt con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Với tình trạng này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của công ty; chấm dứt hành vi nhân danh công ty để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền. Ngày 21/3/2018, Tòa án Kinh tế TAND TP.HCM trong phiên xét xử sơ thẩm cũng đã chấp thuận yêu cầu của ông Vũ.
Đến nay, phía bà Thảo đã rút lại đơn ly hôn và nung nấu giấc mơ tái hợp với chồng. Về phần mình, ông Vũ cũng tỏ rõ quyết định cứng rắn rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đã gây ra nhiều tội lỗi và phải “sám hối” mới hết tội. Do đó mà chắc mãi mãi sau này hai con người này sẽ không thể tái hợp được với nhau.
Gia đình của ông Đặng Lê Nguyên Vũ gồm những ai?
Vợ của ông tên là Lê Hoàng Diệp Thảo, bà là người đã cùng với Vua cà phê trải qua biết bao nhiêu khó khăn, thử thách từ lúc khởi nghiệp đến khi có sự thành công mơ ước như ngày hôm nay. Tuy nhiên, tình cảm vợ chồng hay xảy ra xích mích, bất hòa, đỉnh điểm là vụ tranh chấp quyền điều hành công ty từ năm 2015 đến năm 2018. Điều này khiến 2 người không còn chung tiếng nói với nhau và quyết định ly hôn.
Việc tranh chấp khối tài sản khổng lồ giữa ông và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau khi ly hôn đã làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước trong suốt một thời gian. Trải qua 20 năm chung sống, vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã ly hôn vào ngày 27/03/2019.
Ông và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có với nhau tất cả 5 người con, bao gồm Đặng Lê Trung Nguyên, Đặng Lê Bình Nguyên, Đặng Lê Thảo Nguyên, Đặng Lê Tây Nguyên, Đặng Lê Minh Vũ. Hiện tất cả những người con này đều được sống cùng với mẹ sau khi hai vợ chồng ly hôn.
Tóm tắt tiểu sử ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Từ những thông tin được đề cập trong bài viết này, chúng ta có thể tóm tắt được tiểu sử khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Vua cà phê như sau:
– Tên thật: Đặng Lê Nguyên Vũ
– Ngày sinh: Ngày 10 tháng 2 năm 1971
– Quê quán: thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam
– Nơi cư trú: Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Tp. Hồ Chí Minh
– Nghề nghiệp: Doanh nhân
– Chức vụ: Nhà sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam.
– Danh hiệu: Vua Cà phê Việt Nam
– Tôn giáo: đạo Phật
– Vợ: Lê Hoàng Diệp Thảo (từ năm 1998 – 2019)
– Con cái: Đặng Lê Trung Nguyên, Đặng Lê Bình Nguyên, Đặng Lê Thảo Nguyên, Đặng Lê Tây Nguyên, Đặng Lê Minh Vũ.
– Tổng tài sản: Hơn 4.600 tỷ đồng. (sau khi đã chia với bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau ly hôn)
Những câu nói để đời của ông Đặng Lê Nguyên Vũ
– Tiền nhiều để làm gì?
– Những gì mà STARBUCKS đang làm dở tệ, họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường.
– Không cần phi thường, chỉ cần đồng cảm. Dĩ nhiên tôi là người nghiêm khắc, nhưng tôi cũng là người sẵn sàng tin và dám chấp nhận trả giá.
– Đàn ông cần nhất là mạnh mẽ, còn bao dung thì hãy để cho phụ nữ. Tốt nhất, đàn ông chỉ nên là đàn ông và phụ nữ chỉ nên là phụ nữ.
– Nếu đặt mục tiêu xóa nghèo thì cứ nghèo mãi. Còn nếu đặt mục tiêu làm giàu, thì cái nghèo tự khắc sẽ biến mất lúc nào không biết.
– Dân thành phố và thế hệ thanh niên hiện nay quá yếu ớt. Mới áp lực một chút đã phải giảm stress, phải tìm kiếm sự cân bằng, thế là không được. Muốn phát triển phải tự gây sức ép cho mình.
– Người khác làm được thì ta làm được. Nước khác làm được. Ta nhất định làm được.
– Muốn thành công thì phải có khát vọng. Muốn hạnh phúc phải phụng sự. Trách nhiệm càng cao vinh quang càng lớn.
– Tôi và Trung Nguyên muốn góp phần tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt – có khát khao vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ.