Năm nay doanh nhân Vũ Chầm đã bước qua tuổi 88. Mặc dù tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút, thế nhưng ông vẫn sinh hoạt điều độ, giữ vững sức khỏe để có thể giúp đỡ được thêm nhiều người khác trên hành trình tu hành, học tập và làm việc.
Doanh nhân Vũ Chầm là ai?
Doanh nhân Vũ Chầm có tên đầy đủ là Vũ Văn Chầm. Ông sinh năm 1934 tại làng Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Quê hương mà ông vốn sinh ra và lớn lên được lưu truyền là quê hương của 3 vị tổ sư nghề thuộc da, làm giày dép của nước ta từ đời vua Lê Thánh Tôn, vào cuối thế kỷ thứ 15. Do đó mà dòng họ của ông sinh sống bằng làm nghề giày dép và tuần tự cha truyền, con nối, đến thế hệ của ông Vũ Chầm là đời thứ 18.
Do thuộc đời thứ 18 nên doanh nhân Vũ Chầm đã sớm làm quen với nghề đo ni đóng giày ngay từ thuở nhỏ. Cha mất sớm, thương mẹ vất vả nên sau thời gian bôn ba, lặn lội khắp đất Hà Nội, Hải Phòng, thì vào năm 1952, ba anh em ông đưa mẹ vào miền đất hứa Sài Gòn để xây dựng cơ nghiệp.
Quá trình hình thành thương hiệu Vina Giầy nổi tiếng của doanh nhân Vũ Chầm
Khi vào trong Sài Gòn, doanh nhân Vũ Chầm bắt đầu bươn chải đi làm công cho các chủ hiệu giày trong một thời gian ngắn, bắt đầu từ năm 18 tuổi để tìm hiểu thị trường giày dép tại đây. Mất 5 năm, vào năm 1957, ông cùng 2 anh em của mình có cửa hiệu giày Thanh Bình đầu tiên ở số 263, đường Phan Đình Phùng. Tay nghề giỏi, phục vụ tận tình, giày đẹp nên chẳng bao lâu hiệu giày Thanh Bình đã có hơn 200 nhân viên, sản xuất giày da chất lượng cao bán cho 50 thương hiệu giày tiêu thụ khắp các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào. Ông cũng hay mở lớp dạy nghề cho hơn 100 người, mua nhà, sắm xe,… Thương hiệu này của ông cũng một thời nổi tiếng khắp thế giới do được hãng giày Bata của Pháp đặt sản xuất hàng gia công giày da chất lượng cao.
Sau năm 1975, Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất, doanh nhân Vũ Chầm chấp nhận trở về vạch xuất phát. Tài sản của ông sung vào hợp tác xã, tiêu chuẩn mỗi tháng 13 kg gạo, ông vào làm công nhân của tổ sản xuất Hoàng Diệu (quận 4), thời gian rảnh thì đặt chiếc tủ nhỏ nhận sửa chữa giày dép ở nhà, số 55, đường Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, cạnh xe bán rau má xay của vợ để cùng nuôi sống gia đình, nuôi 8 người con ăn học đàng hoàng.
Đến năm 1986, đất nước ta bắt đầu những bước đi đầu tiên trong công cuộc đổi mới. Thế nhưng phải đợi đến năm 1990, doanh nhân Vũ Chầm mới quyết định khởi nghiệp một lần nữa bằng việc thành lập Công ty Giầy Việt. Từ đây, thương hiệu Vina Giầy bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên thị trường da giầy thành phố Hồ Chí Minh.
Phương châm mà doanh nhân Vũ Chầm chia sẻ và yêu cầu 8 người con cũng như hơn 500 cộng sự của mình ở Vina Giày phải luôn tâm niệm rằng: khách hàng là thượng đế, mọi lỗi lầm đều thuộc về nhà sản xuất. Lợi ích của khách hàng lên trên hết. Ông bảo: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”, muốn xây dựng thương hiệu phải giữ chữ tín với người tiêu dùng.
Vina Giầy luôn hướng tới sự đầu tư hàng loạt các công nghệ hiện đại, chủ động trong tay nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, tiết giảm các khoản chi phí cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề người lao động. Với sự chuẩn bị dài hơi từ những năm vừa qua, thương hiệu Vina Giày hoàn toàn có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm giày lên đến hơn 80%, đủ sức cung cấp số lượng lớn phụ kiện giày dép cho các doanh nghiệp da giày trong ngành.
Đối với máy móc, Vina Giày tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với công nghệ tiên tiến được nhập khẩu từ nước ngoài. Với hệ thống nhà xưởng hiện đại, được thiết kế theo chuẩn quốc tế và máy móc tối ưu, nguyên phụ liệu của Vina Giày không chỉ đáp ứng được nguyên liệu cho xưởng sản xuất giày dép mà còn cung ứng cho rất nhiều đối tác lớn nhỏ khác trên thị trường. Không những tạo ra một sản lượng nguyên phụ liệu lớn, dây chuyền đóng giày này còn có tính tự động hóa cao, hoạt động ổn định giúp tiết kiệm thời gian và nhân công lao động nên góp một phần rất lớn để hạ giá thành của sản phẩm.
Đối với yếu tố con người, trong nhiều năm qua, Vina Giầy đã liên tục đầu tư để xây dựng nên một đội ngũ cán bộ, công nhân đủ năng lực, chất lượng và kinh nghiệm để tạo ra các sản phẩm giày dép có chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất, được quản lý bởi hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và đã tiến tới ISO 9001:2008.
Tại Vina Giầy, tất cả vật liệu và thành phẩm đều phải được kiểm nghiệm lý tính và hóa học trước khi được tiến hành sản xuất và xuất xưởng. Từ đó giúp nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng. Với tiêu chí, chất lượng tạo nên uy tín, Vina Giày đã và đang mang lại sự hài lòng cho mọi khách hàng lớn nhỏ từ khắp mọi nơi.
Những thành tựu mà doanh nhân Vũ Chầm đạt được
Một số thành tựu mà doanh nhân Vũ Chầm đã đạt được kể từ khi bắt đầu sự nghiệp của bản thân tại thành phố Sài Gòn:
– Mở tiệm giày Thanh Bình ở khu vực chợ Vườn Chuối (quận 3).
– Mở tiệm giày gia công thay thế cho tiệm Thanh Bình bị cháy do hỏa hoạn. Tiệm gia công này chuyên gia công cho hãng giày Bata của Pháp.
– Tạo dựng thương hiệu Giày Sài Gòn, xây dựng nên 50 mẫu sản phẩm giày da chất lượng cao nhất khắp thị trường các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ.
– Thành lập nên công ty Giày Việt, là đơn vị chủ quản cho thương hiệu Vina Giày nổi tiếng khắp Việt Nam ngày nay.
– Chủ tịch công ty Giày Việt.
– Cố vấn cao cấp cho công ty Giày Việt sau khi nghỉ hưu.
– Được bầu chọn làm Chủ tịch hiệp hội da giày thành phố Hồ Chí Minh.
– Thành lập hiệp hội du lịch tỉnh Hải Dương.
– Sở hữu 4 thương hiệu khác nhau về giày dép: Vũ Chầm, Vina Giày, Vinagico, Giày Việt.
– Các sản phẩm giày của ông đã đoạt 8 huy chương vàng trong hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam.
Cái duyên kinh doanh gắn liền với Phật pháp của doanh nhân Vũ Chầm
Mặc dù là một vị doanh nhân tài ba. Thế nhưng doanh nhân Vũ Chầm lại có cơ duyên thú vị đối với Phật pháp. Kể từ đó đã khiến ông thay đổi cách nhìn nhận về đời sống, triết lý kinh doanh của ông cũng mang nặng giáo lý Phật pháp bên trong.
Ông mang tư tưởng đó vào việc quản lý kinh doanh khi đưa ra bản đồ 8 nhánh bát chính đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chánh niệm, chính định) để đánh giá chất lượng một con người, một doanh nghiệp nói chung.
Doanh nhân Vũ Chầm cho rằng: “Người lãnh đạo phải luôn như con tằm nhả tơ, phải biết yêu thương nhân viên của mình, làm sao để họ xem công ty là của họ, có như vậy họ mới gắn bó và làm việc hết mình”. Đối với ông: “Dù lãnh đạo một gia đình, doanh nghiệp hay một đất nước cũng đều cần phải có hai yếu tố, là trí tuệ và đạo đức. Ở nơi nào có tài và đức thì ở nơi đó có thành công, ở đâu chỉ có sự ngu dốt và không có đức thì ở đó bại vong”. Đức Phật chỉ dạy con người sống ở đời phải: giỏi nghề, bảo quản tài sản, làm bạn với người tốt và sống thăng bằng là gì! Có phải thế chăng mà khi tôi cật vấn chuyện tài sản, thu nhập, ông nằng nặc không nói. Ông nhỏ nhẹ, nhu cầu vật chất của mình chả cần gì nhiều nên cũng không như nhiều doanh nhân thích nói đến tiền, doanh nhân Vũ Chầm chỉ khoe công ty vui như gia đình, ai cũng có nhu cầu được cống hiến và sống tốt. “Sống là phải biết phấn đấu, đam mê, làm việc hết mình. Vật chất chỉ là thứ tạm dùng qua ngày, chết không mang theo được. Làm sao để lại cái tiếng tốt ở đời. Một doanh nhân thành công không phải kiếm được bao nhiêu tiền, mà ở việc mang lại được gì cho cuộc sống”, ông tâm niệm.
Doanh nhân Vũ Chầm tự ví mình là một ông già quê mùa đi làm kinh tế, người nông dân đi học Phật. Đạo Phật là đạo như thật, đạo Phật là đạo đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin. Thật ra con người sống với ảo tưởng quá nhiều, tham sân si và chạy theo vọng tưởng. Thân chúng ta nhơ nhớp, là tổ hợp những máu mủ xương thịt phân mà chúng ta không biết. Chúng ta mải mê chăm sóc dục lạc của thân mà quên mất chăm sóc tâm, tâm mới chính là ông chủ, còn thân chỉ là khách. Tất cả những gì không thường hằng, chịu vòng sinh tử đều là khách. Lạc thế gian là lạc hỷ như phân, lạc xuất thế gian là lạc hỷ vĩnh viễn.
Doanh nhân Vũ Chầm cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi là người làm sách, tức người tri thức thì phải biết tìm hiểu về Đức Phật lịch sử, nhận ra được tính Phật trong chính bản thân mình. Hầu hết chúng ta hiện nay đều là người tìm hiểu và lễ lạy Đức Phật tôn giáo, Đức Phật của cầu xin và đó không phải là cách hiểu đúng. Chúng ta đã chấp thủ tà kiến từ lâu đời. Chúng ta đi từ sáng vào tối mà không biết, nhiều tập tục do người đầu đàn suy tưởng ra nên người sau cứ thế theo mà không chịu tư duy. Ví dụ như tục đốt vàng mã hay cúng ông công ông táo, tục cầu xin…. Mọi pháp học phải đem vào ứng dụng trong cuộc sống để cuộc đời mình hạnh phúc thì mới được gọi là chánh pháp.
Thân sinh tử này ai cũng như ai. Con người chúng ta là một tiểu vũ trụ, khi con người giác ngộ được rồi thì hòa mình vào vũ trụ lớn, phải sống thuận ứng với vũ trụ quan. Đức Phật là người chỉ đường sáng tối, còn đi vào lối nào là do mình tự chọn. Nhân và quả luôn song hành cùng nhau, trong nhân sẵn có quả, trong quả sẵn có nhân. Đã tu thì lúc nào thần thái cũng vui tươi, từ bi hỷ xả, chánh niệm tỉnh giác mọi lúc mọi nơi, trong mọi thân khẩu ý…..người tri thức tu tập lại càng phải ý thức được những điều trên, bởi họ là người có ảnh hưởng tới nhiều người khác. Con trâu phải đeo cái ách để đi cày và liệu con người có cái ách không? Câu trả lời rằng con người chúng ta cũng có ách nhưng là cái ách vi tế. Con trâu hư và phá phách thì ông chủ sẽ làm cái ách tốt hơn, còn con người hư hỏng và phá phách thì cái ách của chúng ta chính là nhân quả”.