Thức uẩn là gì
Pháp Giới 10 tháng trước

Thức uẩn là gì

Thức là ý thức, Uẩn là sự tích tụ lại từ vô thỉ kiếp đến nay. Thức uẩn là sự tích lũy của ý thức nhiều đời kiếp vào sâu trong tàng thức. Những thấy biết, kinh nghiệm được tích lũy này tạo ra những hiểu biết và tập quán sai lầm.

  • Sắc uẩn là gì.
  • Thọ uẩn là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Ngũ trược ác thế là gì.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Thế nào là Tự lực và Tha lực niệm Phật.
Thức uẩn là gì
Thức uẩn là gì

Thức uẩn còn gọi là thức ấm. Những hiểu biết và tập quán sai lầm của thức uẩn tạo ra sự ngăn che, khiến cho ta không thấy được sự sáng suốt của tự tánh. Thức ấm có liên quan đến sự phân biệt. Nó nhận rõ sự khác nhau giữa các sự việc; Nó xem xét, suy tính, và tìm kiếm sự lợi thế trong mọi hoàn cảnh

Đức Phật nói về Thức uẩn

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: “A nan, ví như có người lấy một cái bình tần già, bịt kín hai đầu lại, trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm, đến cho nước khác. Nên biết thức ấm cũng lại như vậy.

A nan, hư không nầy chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương nầy vào.

Như vậy A nan. Tại sao Như Lai nói hư không chẳng đi từ nơi nầy đến nơi kia? Hư không vốn chẳng đến chẳng đi. Nếu hư không từ phương nầy vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra.”

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng về thức uẩn

Thức uẩn có liên quan đến sự phân biệt. Nó nhận rõ sự khác nhau giữa các sự việc. Nó xem xét, suy tính, và tìm kiếm sự lợi thế trong mọi hoàn cảnh. Chẳng hạn như A nan, không phát huy công phu tu tập, không có được định lực. Nhưng Ngài ham thích đa văn, có nghĩa là tìm cầu lợi thế trong hoàn cảnh. Sự hoạt dụng của tâm tìm cầu lợi thế trong hoàn cảnh là không có thực. Nay sẽ giảng giải về thức uẩn.

A nan, ví như có người lấy một cái bình tần già. Tần già là tiếng Phạn, có nghĩa là tên một loài chim ở Ấn Độ, có tiếng hót rất hay. Nó có thể hót khi đứng bằng một chân. Tiếng hót của nó hay hơn hẳn những loài chim khác nên người ta rất thích nghe. Cái bình nầy có hình dáng như loài chim ấy nên có tên như vậy.

Bình nầy có hai lỗ ở hai đầu. Người trong ví dụ của Đức Phật bịt kín hai đầu lại. Anh ta nút kín hai lỗ ở hai đầu của chiếc bình tần già lại. Trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm, đến cho nước khác. Một dặm của người Trung Hoa tương đương một phần ba hải lý. Có thể anh ta đi bộ, có thể anh ta đi thuyền.

*

Vào thời ấy, chưa có máy bay, xe hơi hoặc tàu lửa. Ngày nay chúng ta có thể đi được ngàn dặm trong vòng một ngày mà chẳng bận tâm gì cả. Nhưng thời đó, muốn vượt một ngàn dặm thì chỉ bằng cách đi bộ. Anh ta làm gì với hư không trong bình tần già? Anh ta mang tặng cho nước láng giềng. Quý vị nghĩ xem việc nầy hợp lý chăng? Nên biết thức uẩn cũng lại như vậy.

Thức uẩn, tâm phân biệt, cũng giống như câu chuyện cất giữ hư không rồi đem đi xa ngàn dặm tặng cho người khác vậy.

Người kia mang hư không đi tặng, nhưng hư không từ nơi nầy và hư không nơi kia là hai thứ chăng? Vốn là không khác. Hư không chỉ là một thứ. Nếu quý vị nhốt hư không nơi nầy vào trong cái bình rồi mang đi xa ngàn dặm, qua một quốc gia khác rồi đổ nó ra, thì nó sẽ hợp với hư không nơi đó. Có gì khác nhau giữa chúng? Hư không vốn chẳng đến chẳng đi.

Nếu hư không từ phương kia lại, thì do trong bình nầy đã đựng hư không đem đi, thì ở chỗ chiếc bình phải thiếu đi một ít hư không. Quý vị lấy đi một ít hư không chứa vào trong bình, thế nên hư không ở nơi đó phải bị ít đi, phải không? Nơi quý vị mang chiếc bình có chứa hư không đến thì hư không ở đó có tăng thêm không? Đây là trường hợp làm chuyện vô ích và kiếm chuyện để làm.

*

Thức uẩn cũng giống như vậy. Vốn chẳng có việc gì để làm, nó phân biệt bên đông, phân biệt bên tây, phân biệt mọi thứ khác nhau trong mọi tình huống khác nhau. Cũng giống như chuyện nhốt hư không vào trong cái bình rồi mang sang nước khác làm quà.

Nếu hư không từ phương nầy vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra. Nếu hư không có sự đi ra đi vào, nếu ông nói rằng hư không được đem từ nơi nầy đến nơi khác thì ông phải thấy được hư không đi ra khi mở nút và chúc ngược cái bình xuống. Nếu nói không thể thấy được hư không thì hư không chẳng hiện hữu. Nếu ông thấy được hư không thì nó sẽ không phải là hư không. Vì ông không thể nào di chuyển được hư không. Ông không thể nào đem hư không từ nơi nầy đến nơi khác được.

Do vậy hành uẩn không thật. Nó cũng vậy, hư vọng, không thật, vốn chẳng phải nhân duyên. Chẳng phải do nhân duyên mà thức uẩn hiện hữu, chẳng phải tánh tự nhiên. Cũng chẳng phải do tánh tự nhiên mà thức ấm hiện hữu. Nguồn gốc phát sinh của nó vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

Luận thêm về Thức uẩn 

Thức là sự hiểu biết phân biệt. Mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần thì tạo thành sáu thức nghĩa là sáu cái biết phân biệt ở trong tâm của chúng sinh. Nếu lúc nhãn căn mới chạm vào sắc trần thì gọi là “hiện lượng” tức là thể sáng suốt của tám thức. Khi niệm thứ hai khởi tâm phân biệt thì gọi là “tỷ lượng” tức là thuộc về ý thức phân biệt.

Do đó con người vì tính nhạy bén phân biệt nên cái ý niệm thấy ban đầu (hiện lượng) tức là tánh thấy sáng suốt biến mất mà được thay bằng ý thức phân biệt tốt xấu (tỷ lượng)… nên trong tâm chất đầy phiền não khổ đau, bất toại ý.

Bây giờ Phật ví dụ thức uẩn như người lấy một cái độc bình, hình dáng như con chim. Bình được bịt kín cả hai đầu, trong đựng đầy hư không và đem đi xa ngàn dặm mà tặng cho nước khác. Vậy đoạn kinh này Phật muốn nói gì? Cái độc bình mà Phật ví dụ ở đây là ám chỉ cho tấm thân thất đại của chúng sinh. Còn hư không là muốn nói đến thức tâm, bản Ngã, tức là Tàng thức của họ. Và đem đi ngàn dặm mà tặng cho nước khác là ý nói Tàng thức chuyển từ thân cũ sang thân mới, sinh sinh diệt diệt.

*

Trên con đường tái sinh, thức tâm luôn cho nó là một Bản Ngã. Nó là một chủ thể cao thượng hơn tất cả những sự vật khác trong thế gian vũ trụ này. Cái Bản Ngã giả dối hay chủ thể không thật này đem theo tất cả những tập quán, những kinh nghiệm của những kiếp sống quá khứ mà tái sinh vào trong đời sống mới.

Thí dụ như một ông Bác sĩ khi tái sinh vào một thân xác mới thì ông ta đã có sẵn kinh nghiệm và kiến thức y khoa cho nên ông có rất nhiều cơ hội để trở thành bác sĩ hơn những người bình thường khác.

Một thí dụ khác là Lục tổ Huệ Năng khi thành Lục tổ thì Ngài rất trẻ: Chỉ ngoài hai mươi tuổi. Không biết chữ nghĩa, chưa bao giờ học kinh điển và lại là cư sĩ. Nhưng khi nghe những câu trong kinh Kim Cang thì trí tuệ bát nhã của Ngài bừng sáng mà ngộ được chân lý. Trong khi cả ngàn đệ tử của Ngài Hoàng Nhẫn thì ngồi thiền, tụng niệm không biết bao nhiêu năm mà có ai ngộ được đâu?

Thế thì trong tiền kiếp chính Huệ Năng đã trì công tu hành đến chỗ ngộ hay sắp ngộ. Vậy nên qua đến kiếp nầy chỉ cần có thiện duyên thì Ngài giác ngộ ngay. Cũng nên nói thêm, trên con đường tái sinh, thức tâm luôn cho nó là một Bản Ngã, là một chủ thể cao thượng hơn tất cả những sự vật khác trong thế gian vũ trụ này.

*

Khi đến nước được tặng, mở bình ra thì nước đó hư không cũng chẳng thêm ra, còn nước đem tặng cũng vậy, hư không cũng chẳng thiếu chẳng thừa. Khi mê thì chấp có ta, có Bản Ngã nên mới tạo nghiệp để phải chịu sinh tử triền miên. Nhưng khi thức tĩnh giác ngộ, thức tâm vọng niệm biến mất; Bản Ngã không còn thì chơn tâm; Phật tánh hiện bày.

Con người nghĩ rằng trong họ phải có cái ta nên trong tâm thức lúc nào cũng cho rằng cái ta này phải khác với mọi sự vật. Cho đến chết họ cũng bo bo giữ chặt cái ta đến cùng để chuyển từ thân này sang thân khác. Thức uẩn được tích tụ trong vô thỉ kiếp đến nay là như thế đó.

Nhưng tâm thức thì cùng khắp mười phương thế giới, không hề đi đâu. Còn cái ta chỉ là ảo danh, không hề thật có mà con người bám vào kiến chấp mê lầm nên mãi trôi nổi trong sinh tử luân hồi.( Cư sĩ Lê Sĩ Minh Tùng)

(Thức uẩn là gì)

Tuệ Tâm 2021.

Xem Thêm:   1000 Người Niệm Phật Hết 999 Người Niệm Phật Giả

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog