Thiền định là gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Thiền định là gì

Thiền định là cách giữ thân xác, hơi thở và tâm thức của mình luôn an trú trong hiện tại. Nghĩa là ta nhiếp tâm chẳng để cho ngoại cảnh lay động, xa lìa hết thảy các tán loạn, giữ cho tâm vắng lặng.

  • Thập thiện nghiệp đạo là gì.
  • Bố thí là gì.
  • Trì giới là gì.
  • Nhẫn nhục là gì.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.

Tâm an trú trong hiện tại có nghĩa đơn giản nhất là tâm như như bất động. Cho dù bên ngoài xảy ra bất cứ điều gì: Nóng, lạnh, đói, khát, ồn ào náo loạn… tâm ta vẫn an nhiên tự tại. “Đói ăn, khát uống và mệt thì nghỉ, tâm không khởi phân biệt hay mong cầu gì khác.” Đây là khái niệm cơ bản nhất về Thiền Định. Đạt được mức cơ bản này thôi đã vô cùng khó rồi, chứ không phải ngồi xếp bằng, mắt lim dim là Thiền Định như bạn nghĩ đâu nhé!

Thiền định là gì
Thiền định là gì

Đại lược về Thiền Định

Hòa Thượng Hư Vân bảo: “Chữ Thiền vốn là tiếng Phạn, dịch là thiền na, nghĩa là tỉnh giác. Trong thiền lại có thiền đại thừa, thiền tiểu thừa, thiền cõi hữu sắc, thiền cõi vô sắc, thiền Thanh Văn, thiền ngoại đạo v.v…Thiền trong tông môn, gọi là Vô Thượng Thiền. Nếu có người tham thấu nghi tình, ngồi tòa thiền cắt đứt mệnh căn, tức đồng Như Lai không khác.”

Trong tam vô lậu học “Giới, Định, Huệ” thì Thiền Định đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi nếu không có Định tất Huệ vô phương khai mở. Mà trí Huệ không có thì Khai ngộ chỉ là lời chót lưỡi đầu môi, bàn đến “Kiến tánh thành Phật” làm chi nữa?! Tổ Thiền Tâm nói: “Người đời nay, trừ một vài vị Thánh nhơn ứng thân thị hiện để làm mô phạm cho quần chúng. Ngoài ra các vị khác tu thiền, chỉ tạm được thân tâm an tĩnh hoặc thấy thiện cảnh giới là cùng!” Ngộ đạo còn chẳng có người huống nữa là chứng đạo mà thoát khỏi sanh tử luân hồi đó ư?

Bởi vậy nên thế gian nếu có người từ “Thiền” mà “Nhập Định” thì là việc kinh Thiên động Địa. Nếu chẳng Phải bậc Long tượng trong Phật pháp ắt phải là bậc Hóa Thân Bồ Tát dụng công.

Cho nên nếu bạn tập Thiền Định chơi chơi cho vui khỏe thì chẳng nói làm gì. Nếu vì để giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, nhất định phải đọc bài này!

Thiền Định là gì

Kẻ tu hành muốn đến bờ giải thoát hoàn toàn, cần phải tu cả phước lẫn huệ. Trong đó Thiền định được gọi là Tu Huệ. Vậy  Thiền định là gì? Thiền phiên âm theo tiếng Phạn là Thiền na, xưa dịch là tư duy, nay các học giả dịch là Tĩnh lự. Tu Tư duy có nghĩa là tu tập bằng phương pháp suy nghiệm, nghiên tầm và suy cứu về những đối tượng của tâm thức.

Tĩnh lự có nghĩa là dùng tâm thể vắng lặng để thẩm sát các vấn đề đạo pháp. Còn chữ Ðịnh phiên âm theo tiếng Phạn là Tam muội (Samadhi), có nghĩa là tập trung tâm lý vào một đối tượng duy nhất, không để cho tâm ý tán loạn. Hợp hai chữ Thiền và Ðịnh lại, ta có một định nghĩa chung: Thiền Định là tập trung cao độ tâm ý vào một đối tượng duy nhất không cho tán loạn, để tâm thể được vắng lặng và cho tâm dụng được mạnh mẽ, hầu quan sát và suy nghiệm chân lý.

Các loại Thiền định

Thiền định có thể gọi là một trạng thái của tâm lý, trạng thái ấy gọi là trạng thái Tĩnh lự. Song ở Dục giới, tâm lý không thể có được trạng thái ấy, vì nó chỉ phát hiện ở Sắc giới, và Vô sắc giới. Rõ hơn nữa là Thiền thuộc về Sắc giới và Ðinh thuộc về Vô sắc giới.

Ở mỗi giới, Thiền và Ðịnh đều phân làm bốn cấp bực từ thấp lên cao, cho nên có danh từ là Tứ thiền và Tứ định. Tứ thiền và Tứ định này, tuy là kết quả của công phu tu tập Thiền định, hay gieo trồng thiện căn, nhưng cũng là chung cho cả Phật pháp, cả Thế gian pháp, cả Thánh cả Phàm.

*

Nói rõ hơn, là dù theo phương pháp Ðạo Phật hay phương pháp nào, nếu có đường lối, có công phu đều có thể đạt đến Tứ thiền và Tứ định; Nhưng đây cũng chỉ là thế gian pháp mà thôi. Còn nói về pháp Ðịnh của chư Phật, Bồ Tát và A La Hán thì khác. Ðó là Thiền định thuộc Xuất thế gian pháp, không thể phát hiện trong phạm vi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới được.

Muốn đạt đến trạng thái Tĩnh lự của các bậc ấy, người ta phải đạt đến sự thoát ly tam giới. Còn lẩn quẩn trong tam giới thì tâm ý chỉ có thể đạt đến Tứ định là cùng. Muốn có được Tứ thiền và Tứ định, chỉ phải thoát ly và đoạn diệt phiền não ở Dục giới. Nhưng nếu muốn đạt các pháp Ðịnh vô lậu, thì phải diệt trừ tất cả các phiền não của Vô sắc giới.

Trước khi mong đến được Ðịnh Vô Lậu, phải vấn đến Thiền, bởi vì Thiền là căn bản của Ðịnh. Có được ngũ nhãn, lục thông cũng nhờ Thiền. Vả lại, Thiền có công dụng thẩm sát, nghiên cứu. Nếu muốn quán niệm chân lý, tất phải nhờ đến Thiền. Do đó Thiền là pháp tối yếu cho kẻ học đạo. Ðứng về phương diện các trình độ của Thiền, kinh sách có dạy như sau:

1. Thế gian Thiền.

Thiền này có hai loại: Căn bản vị Thiền và Căn bản tịnh Thiền. Căn bản vị Thiền gồm có mười hai phẩm, phân làm ba: Tứ thiền, Tứ vô lượng và Tứ không. Người phàm chán cảnh tán loạn của Dục giới thì tu Tứ thiền. Người muốn phước lớn thì tu Tứ vô lượng. Kẻ nhàm chán cảnh sắc giới chật hẹp thì tu Tứ không. Vì mười hai phẩm Thiền này có thể làm căn bản cho thịện pháp xuất thế gian, nên gọi là căn bản Thiền.

Với lại, an trú trong mười hai phẩm ấy, người tu Thiền còn ưa thích cảm giác lạc thọ của Thiền, nên gọi là căn bản vị Thiền. Căn bản vị thiền, phân làm hai: Lục diệu môn và Thập lục đặc thắng. Ai có huệ tánh nhiều thì tu Lục diệu môn, kẻ nào có định tánh nhiều thì tu Thập lục đắc thắng. Những ai có huệ tánh và định tánh đều nhau thì có thẻ tu cả hai loại. Vì người ta có thể căn cứ vào pháp Thiền này để phát sinh vô lậu trí, không phải chỉ thuần hữu lậu; Như ở Căn bản vị thiền, nên gọi là căn bản tịnh thiền.

Tuy nhiên, cả hai loại đều chỉ là thế gian thiền mà thôi, vì trước thời Phật giáng thế, phép Thiền này đã có.

2. Xuất thế gian thiền.

Pháp Thiền này là của bậc xuất thế. Có bốn thứ Thiền quán: Cửu tướng quán, Bát bối xả quán, Bát thắng xứ quán và Thập nhất thiết xứ quán. Tu bốn thiền quán này, tuy là lấy các pháp hữu vi làm đối tượng suy nghiệm; Nhưng có thể đi đến kết quả ly dục, phát sinh vô lậu trí, nên gọi là Xuất thế gian thiền.

3. Xuất thế gian thượng thượng Thiền.

Ðây là pháp Thiền cao tột của các bậc đại nhân. Kinh Ðịa Trì có giải về chín môn đại Thiền này như sau:

Một là “Tự tánh Thiền”: Nghĩa là quán sát thật tướng của tự tâm, không cần lấy đối tượng ngoại cảnh.

Hai là “Nhất thiết Thiền”: Có công năng tự hành và hóa tha.

Ba là “Nan thiền”: Môn Thiền gian nan, thâm diệu, khó tu. 

Bốn là “Nhất thiết môn Thiền”: Nghĩa là tất cả các pháp Thiền định đều do môn (cửa) này mà phát xuất.

Năm là “Thiện nhân Thiền”: Môn Thiền của những chúng sanh có đại thiện căn cùng tu.

Sáu là “Nhất thiết hạnh Thiền”: Bao nhiếp tất cả hạnh pháp của Ðại Thừa.

Bảy là “Trừ não Thiền”: Có năng lực trừ diệt phiền não, khổ đau cho chúng sinh.

Tám là “Thử thế tha thế lạc Thiền”: Có năng lực làm cho chúng sinh an lạc trong hiện tại và tương lai.

Chín là “Thanh tịnh tịnh Thiền”: Có năng lực đoạn trừ hoàn toàn các hoặc nghiệp, và chứng được Tịnh báo đại Bồ đề. Ðến môn Thiền này, tâm ý hoàn toàn thanh tịnh và lại cũng không còn thấy cái tướng thanh tịnh ấy nữa, nên gọi là Tịnh báo.

Công Năng Của Thiền định

Theo Bồ Tát hạnh, có thể tu tập Thiền định và đạt đến mười kết quả tốt đẹp sau đây:

  1. Một là được an trụ trong pháp thức uy nghi. Tu Thiền định phải theo pháp thức mà hành trì. Như vậy trải qua một thời gian khá lâu, thì ngũ căn được tịch tịnh, chánh định phát khởi; Không cần có sự cố gắng mà vẫn được an trụ trong pháp thức oai nghi.
  2. Hai là được thực hành cảnh giới từ bi. Khi tu Thiền định, thì giữ được tâm từ bi, thương yêu chúng sinh, muốn cho tất cả được an ổn.
  3. Ba là không còn phiền não. Nhờ năng lực Thiền định mà các phiền não tham, sân, si, không còn phát sinh nữa.
  4. Bốn là gìn giữ được các giác quan. Không cho sắc, thanh, hương, vị, xúc lay động.
  5. Năm là vui vẻ lạc thú. Xem Thiền định là một món ăn ngon lành hơn tất cả các món ăn khác trong thế gian.
  6. Sáu là xa lìa được ái dục. Một khi tâm niệm đã lắng yên, ái dục không còn phát sinh và làm nhiễm trước được nữa.
  7. Bảy là chứng được chân không. Không bao giờ bị rơi vào chỗ chấp đoạn diệt hư vô.
  8. Tám là cởi mở được tất cả những dây trói buộc sự giải thoát.
  9. Chín là khai phát được trí huệ vô lượng và an trú trong cảnh giới của chư Phật. 
  10. Mười là đạt đến sự giải thoát thành thục, đến chỗ mà tất cả hoặc nghiệp không còn nhiễu lại được nữa.
*

Như vậy ta có thể tóm tắt thành quả tốt đẹp của Thiền định như sau: Ngũ căn được tự tại, phiền não được dứt trừ ,từ bi được mở rộng, trí huệ được phát chiếu, cảnh giới giải thoát được phô bày ra trước mắt. Một pháp môn có công năng quý báu, có diệu dụng phi thường như thế, làm sao chúng ta có thể bỏ qua được? Mong rằng vì lợi ích thiết thực nói trên, quý vị Phật tử hãy gắng công tu tập pháp môn Thiền định này cho chúng có kết quả.

Luận về Thiền Định để liễu sanh thoát tử: Vô cùng khó

Đường lối thường thức của các môn tu Thiền là Chỉ và Quán. Khi hạ thủ dụng công, trước tu Chỉ, kế tiếp Quán. Hoặc trước tu Quán, kế tiếp Chỉ. Lần lần tiến đến “trong Quán có Chỉ, trong Chỉ có Quán.” Khi tới trình độ “Chỉ Quán không hai, định huệ tịch chiếu” mới gọi là bước vào cảnh giới tự tâm. Rồi từ đó về sau, nếu mỗi đời đều tiếp tục tinh tấn tu hành, theo như trong kinh luận nói, phải trải qua một muôn đại kiếp mới lên ngôi Bất Thối Chuyển.

Thiền môn có ba cửa ải phải vượt qua là: Bản Tham quan, Trùng quan và Lao quan. Người tu thiền tham thoại đầu đến khi phá được nghi tình, tỏ suốt ý tây lai. Nhìn rõ mặt mày trước khi cha mẹ chưa sanh, tức đã vượt qua cửa ải thứ nhứt, gọi là “Phá Bản Tham”. Đến trình độ này, dù đã dứt được tưởng tâm hư vọng từ vô thỉ. Nhưng còn cảnh giới năng sở đối đãi của quán trí, hãy chưa tuyệt tướng quên tình. Cho nên tuy đã vô tâm cùng thế sự, nhưng đối với đại đạo vẫn cách một lớp cửa dày dặn trập trùng.

Muốn thoát luân hồi, phải dứt trừ kiến hoặc và tư hoặc. Nhưng theo lời cổ đức: “Ngăn được kiến hoặc khó như ngăn chận dòng nước mạnh từ bốn mươi dặm xa chảy lại,” huống chi là diệt trừ và kế đến dứt cả tư hoặc ư?

Người tu Thiền định nên kiêm thêm môn Tịnh Độ

Thời mạt pháp tu Thiền định cực khó để được giải thoát. Bởi môn này duy chỉ dùng tự lực của mình, không nương nơi Tha lực của Phật. Bởi vậy nên Kinh Đại Tập đức Phật huyền ký: “Đời mạt pháp người tu thì nhiều nhưng khó có ai đắc đạo.”

Khi chưa chứng đạo, nếu còn nghiệp lực nhỏ như sợi tơ cũng bị luân hồi. Dù có một vài vị ngộ đạo, nhưng ngộ chưa phải là chứng. Chỉ do sức định chế phục nghiệp thức khiến cho lắng động lại, nên tạm được khai tâm. Dù thế lúc chuyển sanh vẫn còn bị hôn mê không được tự tại. Đến kiếp sau, duyên tiến đạo thì ít cảnh thối đạo lại nhiều, nguyện giải thoát đã thấy khó bảo toàn chắc chắn.

Đời mạt pháp, người tu có mấy ai ngộ đạo? Ngộ đạo không phải là dễ. Như thuở xưa, Hương Lâm thiền sư dụng tử công phu trong bốn mươi năm mới dung luyện thành một khối. Ngài Trường Khánh Nhàn ngồi rách mười mấy chiếc bồ đoàn mới được thấy tánh bản lai. Người đời nay, trừ một vài vị Thánh nhơn ứng thân thị hiện để làm mô phạm cho quần chúng. Ngoài ra các vị khác tu thiền định chỉ tạm được thân tâm an tỉnh hoặc thấy thiện cảnh giới là cùng!

Chỉ duy có Niệm Phật pháp môn là có thế ra khỏi luân hồi. Bởi môn này đã dùng hết tự lực, còn nhờ thêm tha lực. Dù nghiệp hoặc chưa dứt, cũng nhờ sức Phật tiếp dẫn mà được đới nghiệp vãng sanh. Khi đã về Cực Lạc, tất không còn thối chuyển vĩnh viễn thoát luân hồi.

Kiếp trước tu Thiền định

Đôi khi hạng phàm phu do nghiệp duyên đặc biệt cũng nhớ được kiếp trước, nhưng đây chỉ là trường hợp ít có trong muôn một. Hoặc đó là Bồ Tát thị hiện để cho chúng sanh biết có luân hồi, ngoài ra tất cả khi chuyển sanh đều bị mê muội. Khi đã hôn mê, thì bao nhiêu sự hiểu biết về đạo lý và những tâm nguyện nơi kiếp trước, đều vì vô minh che lấp khiến cho lãng quên.

Duyệt qua chỗ kiến văn, bút giả từng nghe có vị thuật lại: Lúc trẻ tuổi mỗi khi nằm mơ thấy mình bay tự do cao vút đi khắp mọi nơi. Tuổi càng lớn lại thấy bay thấp lần lần, sau không còn bay được nữa.

Trong quyển Phật Học Chỉ Nam, có kể chuyện ông Viên Thủ Đồng, người ở đất Trường Sơn bên Trung Hoa. Lúc bốn năm tuổi, trong đêm tối thấy rõ rệt các vật như ban ngày. Mấy năm kế, sự thấy mờ giảm lần. Từ mười tuổi trở lên, ông không còn thấy nữa. Chỉ đôi khi nửa đêm thức dậy ngẫu nhiên thấy rõ được trong giây lát. Khoảng mười bảy tuổi về sau, hai ba năm mới thấy một lần, nhưng chỉ lóe sáng lên rồi liền tắt mất. Những vị này kiếp trước đều có tu nhưng khi chuyển thế bị mê đi, kế đó trần nhiễm càng sâu, thần minh càng tiêu giảm.

*

Có những vị như vị Thiên Đại Hạt Tử ở Nhựt Bản, Ngụy Tịch Phủ ở Trung Hoa. Ngồi một nơi thấy rõ những vật xung quanh cách xa đến mấy mươi dặm. Có nhiều người thấy được vật dưới đất, sự việc cách tường vách. Hoặc thấy đồ để trong túi của quần chúng, mà thế gian gọi là thiên nhãn.

Nhưng vấn đề đáng tiếc nhất là họ không chịu tu. Bởi thế lần lần sự thấy suy giảm, kết cuộc cũng như thường nhơn. Lại có những vị xem sách một lần rồi gấp lại đọc thuộc lòng không sai một chữ. Hoặc văn tài mau lẹ xuống bút thành phú, mở miệng thành thi…Nhưng không chịu tu hành, đôi khi trở lại bài bác đạo Phật.

Cổ đức bình luận những người sau này, kiếp trước tu Thiền định đến trình độ khá cao, đã có chỗ sở đắc. Nhưng bởi những vị hành trì theo tông môn chỉ nhận ngay tự tâm, phá trừ Phật kiến, Pháp kiến. Nghĩa là để tâm rỗng không chẳng thấy có Phật và Pháp. Nên khi chưa chứng đạo phải chuyển sanh trở lại. Duy bằng cứ vào sự thông minh của mình, không ưa thích đạo Phật. Các bậc xưa còn như thế, người tu hiện tại sở đắc phỏng có là bao?

Cho nên muốn bảo đảm được giải thoát khỏi sanh tử tất phải tu thêm môn Tịnh Độ. Dù tu các môn khác cũng nên kiêm niệm Phật phát nguyện vãng sanh về Cực Lạc.(Niệm Phật Thập Yếu)

(Thiền Định là gì – Tại sao tu Thiền nhất định phải kiêm thêm Tịnh Độ)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Nên niệm Phật 4 chữ hay 6 chữ

7 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog