Thế nào được gọi là Nguyện thiết với Tin sâu
Pháp Giới 11 tháng trước

Thế nào được gọi là Nguyện thiết với Tin sâu

Thế nào được gọi là nguyện thiết với tin sâu? Tổ Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do tín nguyện có hay không? Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn”. Đây là lời phán định sắt đá, ngàn năm cũng không thay đổi được (Tổ Ấn Quang). Thời mạt pháp đẫy rẫy phiền trược, người nhiếp được tâm niệm Phật rất hiếm, đa phần là ” Tán tâm niệm Phật”. Vì ai cũng” Tán tâm niệm Phật” nên Tín Nguyện vô cùng quan trọng!

  • Bản nguyện niệm Phật – Trọng yếu đường tu thời mạt Pháp.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Niệm Phật Tông Yếu.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Khuyến tu môn niệm Phật
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Thế nào được gọi là Nguyện thiết với Tin sâu
Nguyện thiết với tin sâu

Tin sâu Nguyện thiết: 1. Tin sâu

Điểm căn yếu của pháp môn Niệm Phật, được chư tổ nhắc đi nhắc lại là: Nguyện thiết với tin sâu. Trong đó, Tín được chư Tổ sư cho là quan trọng nhất “với người sơ cơ”. Bởi nếu không Tín, làm sao khởi được Nguyện, làm sao lập được Hạnh? Vậy tin thế nào được gọi là Tin sâu? Tổ Ấn Quang khái lược cơ bản gồm:

– Tin đức Thích Ca không bao giờ nói dối. Tịnh độ chắc chắn là đường tắt để đưa chúng sinh vượt qua tam giới.

– Tin đức A Di Đà không bao giờ Nguyện dối. Chỉ cần ta chân thật niệm danh hiệu của Ngài là ” chắc chắn được vãng sinh”, vì tiếp dẫn chúng sinh niệm Phật là Bổn Nguyện của Ngài.

– Tin chư Tổ sư không dối gạt chúng sinh. Các Ngài bất kể là ở Tông nào, bất kể là ở thời đại nào, sau khi Đại triệt Đại ngộ, đều hoằng dương Tịnh Độ.

– Tin mình dẫu có là phàm phu, gia quyến buộc ràng, giới định huệ không có, vẫn nương nơi Bổn Nguyện của Phật A Di Đà mà lìa xa tam giới.

Tin sâu Nguyện thiết: 2. Nguyện thiết

Người đã khởi tín tâm, xem kỹ lại Kinh A Di Đà sẽ thấy đức Thế Tôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần về phát nguyện. Thế thì hiểu ngay rằng: “Phát nguyện vãng sinh là vô cùng khẩn yếu”. Vậy thế nào thì được gọi là Nguyện thiết?

Chư Tổ sư dạy, đại ý:” Nguyện thiết nghĩa là chỉ nguyện cầu vãng sinh Tây Phương Tịnh Độ, không một mảy may mong cầu phước báo nhân thiên. Phải tha thiết như bị rớt xuống hầm xí, cầu được gấp thoát ra; Như đang bị giam cầm trong ngục, chỉ đau đáu nghĩ đến về nhà”. Muốn hiểu lực hướng dẫn của” Nguyện” sâu xa hơn xin hãy đọc phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm: “… Duy có nguyện vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả các thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc”.

Đên đây thì bạn đã hiểu thế nào được gọi là Nguyện thiết với Tin sâu rồi phải không? Nguyện bạn giữ chắc hai nhân duyên này mà niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật, là chắc chắn được vãng sanh!

Luận về Nguyện Thiết với Tin Sâu

Về Nguyện Thiết với Tin Sâu, trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, Tổ Thiện Đạo là Hóa Thân của Đức Phật A Di Đà dạy rằng: “Lòng tin sâu, có hai loại:

  1. Quyết định tin sâu rằng thân hiện tại của mình là phàm phu tội ác, từ vô thỉ đến nay, chìm đắm, trôi lăn trong sinh tử, không có nhân duyên để xuất ly.
  2. Quyết định tin sâu, không còn nghi ngờ đắn đo, rằng Ðức A Di Ðà có bốn mươi tám lời nguyện, nhiếp thọ chúng sinh, nương vào nguyện lực của Ngài ắt được vãng sinh.

Lại quyết định tin sâu rằng Ðức Phật Thích Ca giảng nói về ba phước, chín phẩm, định thiện, tán thiện, cùng chứng minh, tán thán y báo chánh báo của cõi Cực Lạc là để cho chúng sinh hâm mộ.

Lại quyết định tin sâu rằng trong kinh A Di Ðà, mười phương chư Phật khuyến khích, chứng minh tất cả phàm phu quyết định được vãng sinh.

Ðối với lòng tin sâu này, ngưỡng nguyện tất cả hành giả, một lòng chỉ tin lời Phật, không luyến tiếc thân mạng, quyết định phụng hành. Phật bảo xả bỏ, nhất định phải xả bỏ, Phật bảo hành trì, nhất định phải hành trì, Phật bảo vãng sinh, nhất định phải vãng sinh, đây gọi là tùy thuận lời Phật dạy, tùy thuận ý muốn của Phật, tùy thuận bổn nguyện của Phật. Ðây gọi là Phật tử chân thực.

*

Tất cả hành giả, chỉ cần y theo Kinh này, tin tưởng hành trì, chắc chắn sẽ không bị sai lầm. Vì sao? Ðức Phật là Bậc đầy đủ tâm đại bi, là Bậc nói lời thật. Từ Phật trở xuống, tất cả phàm thánh khác, trí hạnh chưa đầy đủ, vẫn còn trong giai đoạn học tập, chưa trừ sạch phiền não chướng và sở tri chướng, nguyện hạnh chưa tròn, những người như vậy, giả sử muốn suy lường trí của Phật, cũng chưa chắc suy lường nổi; tuy có bình luận, phán đoán, nhưng phải qua sự ấn chứng của Phật mới trở thành định án.

Nếu như xứng ý của Phật, Ngài sẽ ấn khả: “Ðúng vậy! Ðúng vậy!”; nếu không xứng ý Phật, Ngài sẽ bảo: “Lời của ông nói, ý nghĩa không phải như vậy!” Không được ấn khả thì bị xem như lời nói không đáng ghi chép, hoàn toàn không lợi ích. Những điều Phật ấn khả, tức là tùy thuận chánh giáo của Phật; còn những lời Phật nói, thì tức là chánh giáo, chánh nghĩa, chánh hành, chánh giải, chánh nghiệp, chánh trí; dù ít dù nhiều, cũng không cần hỏi Bồ tát, trời người là đúng hay sai! Nếu những lời Phật nói là liễu nghĩa, thì những lời của chư Bồ tát nói đều không liễu nghĩa. Phải nên biết như vậy!

Hiện nay ngưỡng mong quý vị có duyên với pháp Vãng sinh, chỉ nên tin sâu lời Phật, chuyên chú phụng hành; không nên tin những lời dạy không tương ưng của chư vị Bồ tát; không khởi tâm nghi ngờ, tự làm chướng ngại, cố chấp mê mờ, mà đánh mất sự lợi ích lớn lao của sự vãng sinh.

*** Luận về Nguyện Thiết Tin Sâu ***

Người có lòng tin sâu thiết, quyết định kiến lập tự tâm; thuận theo giáo pháp tu hành, vĩnh viễn dứt trừ nghi hoặc, lầm lẫn; quyết không vì tất cả giải ngộ khác biệt; hành trì khác biệt, sở học khác biệt, kiến giải khác biệt, sở thích khác biệt, mà làm cho mình thoái thất dao động.

Hỏi:

Phàm phu trí tuệ nông cạn, tội chướng sâu dày; nếu gặp phải những người tu pháp môn khác đem những kinh luận khác ra dẫn chứng rằng: “Tất cả phàm phu tội chướng không thể vãng sinh”. Làm thế nào để đối phó, hòng giữ vững lòng tin, quyết định tiến bước, không sinh khiếp nhược?

Ðáp:

Nếu có người đem kinh luận ra dẫn chứng rằng không có sự vãng sinh, hành giả nên trả lời với họ rằng: “Ông tuy đem kinh luận ra dẫn chứng sự không thể vãng sinh; nhưng theo thiển ý của tôi, quyết không tiếp thọ lời nói của ông. Vì sao? Tôi không phải không tin những lời ông nói; thực sự, tôi tin tưởng tất cả kinh luận đó; thế nhưng lúc Ðức Phật giảng nói những kinh đó, xứ sở khác, thời gian khác; đối tượng thuyết pháp khác, sự lợi ích cũng khác; lại nữa, lúc Ðức Phật giảng nói những kinh đó, không phải là lúc Ngài nói Quán Vô Lượng Thọ Kinh, A Di Ðà Kinh, v.v..

Vả lại, Ðức Phật nói pháp thích ứng cơ nghi, thời tiết không đồng; những kinh luận đó là nói chung về các giải hạnh cho hàng trời người và chư Bồ tát; còn hiện nay nói hai công hạnh định thiện và tán thiện trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh là cho hoàng hậu Vi Ðề Hy; cùng cho tất cả chúng sinh ở trong đời ác năm trược sau khi Ðức Phật diệt độ, xác chứng cho sự vãng sinh.

Do nhân duyên này, hiện nay tôi nguyện một lòng y theo lời dạy của Phật, quyết định phụng hành. Giả sử ông dẫn chứng trăm ngàn vạn ức kinh luận nói không vãng sinh; điều này chỉ càng làm tăng trưởng, thành tựu lòng tin của tôi đối với sự vãng sinh Cực Lạc”.

*

Hành giả nên nói với đối phương: “Ông hãy lắng nghe, tôi nay nói thêm cho ông biết về lòng tin quyết định của tôi. Giả sử địa tiền Bồ tát, La hán, Bích chi phật; dù một hay nhiều người đầy khắp mười phương; đều dẫn chứng kinh luận nói không có sự vãng sinh, tôi cũng không khởi một niệm nghi ngờ; và điều đó cũng chỉ làm tăng trưởng thành tựu lòng tin thanh tịnh của tôi đối với sự vãng sinh. Vì sao? Vì lời Phật là quyết định thành tựu liễu nghĩa; tất cả thế gian đều không thể phá hoại được.

Ông nên nghe cho kỹ: Gả sử chư Bồ tát từ Sơ địa đến Thập địa, dù một hay nhiều người đầy khắp mười phương, cùng nhau nói rằng: “Ðức Phật Thích Ca tán thán Phật A Di Ðà, quở trách ba cõi sáu đường; khuyến khích chúng sinh chuyên tâm niệm Phật và tu tập các công hạnh lành khác; sau khi lâm chung nhất định sẽ vãng sinh Cực Lạc; đây quyết là lời hư dối, không thể tin được”.

Tôi tuy nghe những lời như thế, cũng không hề sinh khởi một niệm nghi ngờ, mà chỉ làm tăng trưởng thành tựu lòng tin quyết định bậc thượng thượng của tôi. Vì sao? Bởi vì lời của Phật là quyết định liễu nghĩa. Phật là Ðấng Thực trí, Thực giải, Thực kiến, Thực chứng, không phải là người dùng tâm nghi hoặc mà nói; lại nữa, lời dạy của Ngài không thể bị những dị kiến, dị giải của các vị Bồ tát phá hoại; nếu như thật là Bồ tát, những vị ấy quyết không đi ngược lời Phật dạy.

*

Hành giả nên biết, giả sử như Hóa thân Phật, Báo thân Phật; hoặc một hoặc nhiều vị, đầy khắp mười phương; mỗi vị đều phóng ánh sáng, hiện tướng lưỡi rộng dài biến khắp mười phương, đều nói rằng: “Ðức Phật Thích Ca tán thán Cực Lạc; khuyến phát tất cả phàm phu chuyên tâm niệm Phật; cùng tu các hạnh khác để được vãng sinh Cực Lạc; đây là điều hư dối, quyết định không có việc này”. Hành giả tuy nghe chư Phật nói lời như vậy, nhất định không khởi một niệm nghi ngờ, thoái chuyển, sợ rằng không vãng sinh Cực Lạc.

Vì sao? Bởi vì một vị Phật, hay tất cả các vị Phật, các Ngài có cùng tri kiến, giải hạnh, chứng ngộ, quả vị, đại bi, v.v.., hoàn toàn giống nhau, không một chút sai biệt. Cho nên điều mà một vị Phật chế định, tất cả vị Phật khác cũng đều chế định. Chẳng hạn như vị Phật trước cấm chế mười điều ác như sát sanh, v.v..; nếu rốt ráo không làm ác, không phạm ác, thì gọi là thập thiện, thập hạnh, và có nghĩa là tùy thuận lục độ; nếu có vị Phật sau ra đời, chả lẽ ngài lại sửa đổi mười điều thiện, khiến chúng sinh làm mười điều ác hay sao? Dựa vào đạo lý này để suy nghiệm, có thể biết rõ rằng lời nói, hành động của chư Phật không trái nghịch nhau.

*** Luận về Nguyện Thiết Tin Sâu ***

Nếu như Ðức Thích Ca chỉ dẫn, khuyến khích tất cả phàm phu, trọn cuộc đời họ, chuyên niệm danh hiệu Phật, siêng tu các công hạnh; sau khi mạng chung, quyết định vãng sinh Cực Lạc. Tức là các Ðức Phật khác ở mười phương ắt cũng đều phải tán thán, khuyến khích, chứng minh cho sự giáo hóa này.

Vì sao? Vì các Ngài đều chứng đắc đồng thể đại bi! Lời dạy của một Ðức Phật tức là lời dạy của tất cả chư Phật; lời dạy của tất cả chư Phật cũng tức là lời dạy của một Ðức Phật. Chẳng hạn như Kinh A Di Ðà nói: “Ðức Thích Ca tán thán cảnh giới trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Lại khuyến khích tất cả phàm phu, một ngày cho đến bảy ngày, một lòng chuyên niệm danh hiệu của Ðức A Di Ðà, quyết định sẽ được vãng sinh”.

Kế đó, đoạn dưới nói: “Trong mười phương thế giới, mỗi phương có hằng hà sa chư Phật, đồng lên tiếng tán thán Ðức Phật Thích Ca ở cõi ngũ trược, ác thời, ác thế giới, ác chúng sinh, ác kiến, ác tà… Lúc chúng sinh không có lòng tin, mà có thể chỉ dẫn, tán thán danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà; khuyên chúng sinh xưng niệm, quyết được vãng sinh, ..”. Ðây là một chứng minh cho sự nhất trí của chư Phật.

*

Mười phương chư Phật e rằng chúng sinh không tin lời dạy của Phật Thích Ca. Cho nên các Ngài bèn đồng tâm, đồng thời, hiện tướng lưỡi rộng dài; bao trùm các cõi tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thực: “Tất cả chúng sinh đều phải nên tin nhận lời dạy dỗ, tán thán, chứng tín của Phật Thích Ca. Tất cả phàm phu, bất luận tội phước nhiều ít, căn cơ cao thấp, chỉ cần trọn cả một đời; hoặc ít nhất là một ngày cho đến bảy ngày, một lòng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà; quyết định sẽ được vãng sinh, chắc chắn không còn nghi ngờ”.

Bởi thế, lời dạy của một Ðức Phật ắt sẽ được tất cả chư Phật chứng thành. Ðây gọi là từ người mà thiết lập lòng tin. 

Kế đến, từ công hạnh thiết lập lòng tin. Công hạnh có hai loại: một là chánh hạnh, hai là tạp hạnh, v.v.., như phẩm Hai Hạnh ở trên đã nói, cho nên không ghi ra ở đây, xin người đọc hiểu ý.

*

Ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Nghĩa là đem tất cả thiện căn thế gian, xuất thế gian; hoặc do thân khẩu ý nghiệp tự tu tập; hoặc do thân khẩu ý nghiệp tùy hỷ công đức tu tập của tất cả phàm thánh, từ đời quá khứ cho đến hiện nay; dùng lòng tin thâm sâu chân thực, hồi hướng nguyện sanh Cực Lạc. Đây gọi là hồi hướng phát nguyện tâm.

Lại nữa, sự hồi hướng phát nguyện vãng sinh này, phải là do tâm chân thực quyết định, hồi hướng phát nguyện cầu sinh; lòng tin thâm sâu chân thực này, cứng chắc như kim cương; quyết không bị những người dị kiến, dị học, biệt giải, biệt hành, làm động loạn phá hoại. Chỉ nên một lòng quyết định, thẳng đường tiến bước; không được nghe lời kẻ khác, rồi phân vân lưỡng lự, sinh lòng sợ hãi, làm mất đi lợi ích lớn của sự vãng sinh.

( Thế nào được gọi là nguyện thiết với tin sâu )

Tuệ Tâm 2019.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tiền Giang: Trường Mầm non Tịnh Nghiêm khai giảng năm học 2024-2025

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog