Thập thiện nghiệp là mười nghiệp lành, gồm có: Ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng và ba nghiệp của ý.
- Âm đức là gì.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Chuyện nhân quả báo ứng.
- Chuyện tâm linh có thật.
Theo đó ba thiện nghiệp của thân là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Bốn thiện nghiệp của miệng là: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đôi chiều, không nói thô ác. Ba thiện nghiệp của ý là: Không tham lam, không giận hờn, không si mê tà kiến.
Trên đây là mười nghiệp lành, trái lại mười nghiệp ác. Trong mười nghiệp thiện ác này lại chia làm ba phẩm: Thượng, trung và hạ. Hết thảy chúng sanh do sáu phẩm thập thiện nghiệp đạo này mà chia đường trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi!
Thập thiện nghiệp đạo là căn bản của mọi pháp lành
Mười thiện nghiệp nầy là căn bản của các pháp lành gọi là Thập thiện nghiệp đạo. Kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn nói: “Nếu chúng sanh nào làm mười nghiệp bất thiện, sẽ bị đọa vào ba đường ác. Nếu tu mười nghiệp lành, sẽ được hưởng phước nhơn thiên”.
Thế nào là không sát sanh
Sát sanh có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không sát sanh. Năm tướng ấy là:
- Cố tâm.
- Sanh mạng khác.
- Nghi tâm.
- Thân làm hoặc miệng bảo.
- Dùng phương tiện.
Ðiều thứ nhất: Cố tâm: Nếu có tâm giết hại, dù giết sanh mạng lớn nhỏ, cũng đều mang tội. Như vô tâm ngộ sát thì không thành tội. Nếu vô tâm giết mà thành tội thì bậc A la hán cũng không ưng đắc Niết bàn. Bởi bậc A la hán, đã đoạn nhân thế gian, như vô tâm giết rồi bị đọa luân hồi, thì không thành A la hán. Nhưng sự thật chẳng phải thế. Vì nghĩa nầy nên biết vô tâm giết không thành tội sát.
Ðiều thứ hai: Sanh mạng khác: Nói “sanh mạng khác”, tức không phải chính mình. Nếu giết sanh mạng khác mới đắc tội, còn tự sát thì không thành tội sát sanh.
Ðiều thứ ba: Nghi tâm: Nếu dùng nghi tâm mà giết hại, cũng mang tội sát, bởi kẻ ấy đã thiếu lòng từ bi.
Ðiều thứ tư: Tự làm, miệng bảo: Tự mình giết, hoặc dùng tay chân, dao gậy, cung tên, thuốc độc, thư ếm, đã đành đắc tội. Như không tự giết mà bảo kẻ khác giết, nếu sự giết thành, người bảo liền mang tội sát.
Ðiều thứ năm: Dùng phương tiện: Tuy thân không làm, miệng bảo, nhưng khởi ý giết hại, dùng mưu mô phương tiện để đưa người đến chỗ chết, nếu kết quả thành cũng mang tội sát.
Thế nào là không trộm cướp
Trộm cướp có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không trộm cướp. Năm tướng ấy là:
- Vật kẻ khác.
- Biết vật của kẻ khác.
- Nghi tâm.
- Tự lấy hoặc bảo kẻ khác.
- Dùng phương tiện.
Ðiều thứ nhất: Vật kẻ khác: Vật thuộc quyền sở hữu của kẻ khác, trọng như vàng bạc châu báu, khinh như mũi kim, ngọn rau, nếu người không cho mà lấy, là mang tội trộm.
Ðiều thứ hai: Biết vật kẻ khác: Biết vật của kẻ khác mà lấy, là cố tâm trộm cướp, tất nhiên đắc tội. Trừ ra như khi để đồ chung, của kẻ khác lầm tưởng là của mình mà lấy thì không đắc tội.
Ðiều thứ ba: Nghi tâm: Trường hợp hai món đồ giống nhau, đối với vật kẻ khác nghi ngờ không biết là của người hay của mình, vội lấy đi là đắc tội, vì có tâm mờ ám tham lam.
Ðiều thứ tư:Tự lấy bảo người: Tự mình lén trộm, hoặc dùng sức mạnh cướp giựt, cho đến dùng pháp thuật mà lấy, đều đắc tội. Nếu mình không làm, song xui sử kẻ khác lấy đem cho mình, cũng mang tội trộm cướp.
Ðiều thứ năm: Dùng phương tiện: Nếu dùng mưu mô phương tiện, như ăn hối lộ, đầu cơ bán chợ đen, giả đạo đức để gạt người lấy của…, cũng đều mang tội trộm.
Thế nào là không tà dâm
Tà dâm có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không tà dâm. Năm tướng ấy là:
- Của kẻ khác.
- Biết của kẻ khác.
- Nghi tâm.
- Tự hành, phi đạo.
- Phi xứ, phi thời.
Ðiều thứ nhất: Của kẻ khác: Đối với vợ hoặc chồng của kẻ khác, hay thanh nam, thiếu nữ còn non dại dưới quyền thủ hộ của cha mẹ, mà dẫn dụ, cưỡng bức làm việc phi hạnh, là mang tội tà dâm; kể đến sự nhiễm phạm cùng Quỷ thần, Súc sanh.
Ðiều thứ hai: Biết của kẻ khác: Nếu biết là vợ chồng hay con cái của kẻ khác mà xâm phạm, tất nhiên đắc tội, vì cố ý. Như trường hợp lầm tưởng là chồng hay vợ của mình thì không phạm; Điều nầy tuy ít khi xảy ra, nhưng chẳng phải là không có.
Ðiều thứ ba: Nghi tâm: Như có nam hoặc nữ song sinh rất giống nhau, nghi không biết là vợ hay chồng của mình mà làm tà hạnh thì đắc tội vì có tâm gian nhiễm.
Ðiều thứ tư: Tự hành, phi đạo: Như nam hay nữ tự làm việc thủ dâm, hoặc hành dâm, chẳng phải chỗ nam căn, nữ căn (phi đạo), đều đắc tội.
Ðiều thứ năm: Phi xứ, phi thời: Tuy vợ chồng chánh thức, nhưng ăn nằm không phải chỗ, gần gũi không phải thời, không chừng độ, cũng phạm tội tà dâm. Phi xứ ở đây, còn chỉ cho nơi lầu xanh, nhà chứa.
Thế nào là bốn nghiệp lành của miệng
Vọng ngữ gồm có một tướng chánh và bốn tướng phụ, nếu không phạm năm tướng đó, là không vọng ngữ. Năm tướng ấy là:
- Như tướng vọng ngữ.
- Nghi tâm.
- Vô nghĩa.
- Phi thời.
- Tương ưng với ác pháp.
Ðiều thứ nhất: Như tướng vọng ngữ: Là chỉ cho bốn điều ác của miệng: nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói thô ác. Ðây là bốn điều chánh của vọng ngữ.
Ðiều thứ hai: Nghi tâm: Lòng còn nghi ngờ chưa biết việc ấy có thật hay không, liền vội nói ra với tánh cách quả quyết rằng có, tất phạm tội vọng ngữ.
Ðiều thứ ba: Vô nghĩa: Nói những lời bông lông không chủ đích, trái với thật nghĩa, đã vô ích còn làm mất thời giờ của mình và người, đều là nói vọng.
Ðiều thứ tư: Phi thời: Lời nói tuy có nghĩa lý, nhưng không phải thời phải lúc, rốt cuộc duy thành hư thuyết, chỉ làm người chán, không đem lại lợi ích cho ai, cũng là lỗi vọng ngữ.
Ðiều thứ năm: Tương ưng ác pháp: Nói những lời châm biếm xa gần làm cho người khó chịu, hoặc lời bỡn cợt khiến cho người sanh buồn giận, sợ hãi, tán tâm, hay hát ca điều phi pháp, khích động dục niệm cho đến tâm háo sát căm thù của kẻ khác, đều là những lời tương ưng với ác pháp cũng mang tội nói vọng. Bốn tướng sau đây là những điều phụ của vọng ngữ.
Thế nào là ba nghiệp lành của ý
Ðó là không tham, không sân, không si mê tà kiến. Không tham là không luyến trước theo ngũ dục, hằng giữ lòng trong sạch. Không sân là không giận trong những trường hợp vô lý hay hữu lý, mà hằng giữ lòng trung thứ, xót thương. Không si mê tà kiến là không tối tăm hàng động trái với lẽ phải, hoặc chấp theo thiên kiến rồi khinh hủy chánh pháp, bài bác nhân quả, mà hằng tìm hiểu Kinh điển, suy nghiệm lẽ thật, làm cho trí huệ phát sanh.
Trên đây là lược thuyết về Thập thiện nghiệp đạo, tức mười nghiệp lành thuộc nhân thiên thừa. Cũng mười điều nầy, đối với hàng Nhị thừa và Bồ Tát, còn có những tầm mức sâu xa hơn nữa.
Nhân quả của Thập thiện nghiệp đạo
Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Ðạo, Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không sát sanh, tất được thành tựu mười pháp ly não. Mười pháp ấy là:
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không Sát sanh
- Bố thí vô úy cho tất cả chúng sanh.
- Ðối với hữu tình thường khởi lòng đại từ.
- Dứt hết tập khí giận hờn.
- Thân thường không bịnh.
- Thọ mạng lâu dài.
- Hằng được loài phi nhân thủ hộ.
- Giấc ngủ yên ổn không ác mộng.
- Giải trừ hết oán thù.
- Không sợ đọa vào ác đạo.
- Mạng chung sanh lên cõi trời.
Ðó là mười pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ được thọ mạng tùy tâm tự tại.”
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không Trộm cướp
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không trộm cướp, tất được thành tựu mười pháp bảo tín. Mười pháp ấy là:
- Tiền của đầy đủ, không bị vua, giặc, nước, lửa, con hoang phá hoại.
- Ðược nhiều người yêu mến.
- Người không khi phụ.
- Các nơi đều khen ngợi.
- Không lo bị tổn hại.
- Tiếng tốt đồn xa.
- Ở giữa quần chúng không sợ hãi.
- Tài, mạng, sắc, lực đều tốt, biện tài tham lợi đầy đủ.
- Hằng có lòng bố thí.
- Mạng chung sanh lên cõi trời.
Ðó là mười pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ chứng được trí đại bồ đề thanh tịnh.”
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không Tà dâm
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không tà hạnh, tất được bốn pháp mà người trí khen ngợi. Bốn pháp ấy là:
- Các căn đoan chánh.
- Hằng khỏi sự phiền phức.
- Ðược mọi người khen ngợi.
- Thê thiếp không bị ai xâm phạm.
Ðó là bốn pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ được tướng trượng phu ẩn mật tàng của Như Lai.”
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không nói dối
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không nói dối, tất được tám pháp hàng chư thiên hằng khen ngợi. Tám pháp ấy là:
- Miệng thường thơm sạch, có mùi hương Ưu Bát La.
- Ðược tất cả thế gian tin phục.
- Lời nói có chứng thật, trời người kính mến.
- Hằng dùng ái ngữ an ủi chúng sanh.
- Ba nghiệp thanh tịnh, được sự vui xứng ý.
- Lời không lầm lỗi, tâm thường an vui.
- Lời nói tôn trọng, trời người tuân hành.
- Trí huệ thù thắng, không ai chế phục được.
Ðó là tám pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ được chân thật ngữ của Như Lai.”
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không nói đôi chiều
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không nói đôi chiều tất được năm pháp không thể hoại. Năm pháp ấy là:
- Được thân bất hoại vì không ai hại được.
- Được quyến thuộc bất hoại vì không ai phá được.
- Được tín tâm bất hoại vì thuận theo nghiệp đã có.
- Được pháp hạnh bất hoại vì sự tu tập kiên cố.
- Được Thiện tri thức bất hoại vì không hề lừa dối.
Ðó là năm pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ được quyến thuộc chân chánh, các ma ngoại đạo không thể phá hoại.”
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không nói lời thô ác
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không nói lời thô ác, tất được thành tựu tám pháp tịnh nghiệp. Tám pháp ấy là:
- Lời nói không trái độ.
- Lời nói có lợi ích.
- Lời nói khế lý.
- Lời nói êm đẹp.
- Lời nói được vâng thuận.
- Lời nói được tin dùng.
- Lời nói không ai chê.
- Lời nói được mọi người ưa thích.
Ðó là tám pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ được đầy đủ tướng Phạm âm của Như Lai.
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không nói thêu dệt
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không nói thêu dệt, tất được thành tựu ba pháp quyết định: Ba pháp ấy là:
- Quyết định được người trí yêu mến.
- Quyết định có thể dùng trí như thật để hỏi đáp.
- Quyết định có oai đức tối thắng trong hàng nhơn thiên.
Ðó là ba pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ được thọ ký không hư dối của Như Lai.”
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không tham dục
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không tham dục, tất được thành tựu năm pháp tự tại. Năm pháp ấy là:
- Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ.
- Tài vật tự tại, tất cả oán địch không thể cướp được.
- Phước đức tự tại, tùy tâm mong muốn, các vật đều đầy đủ.
- Ngôi vua tự tại, cái nơi đều dâng hiến kỳ trân dị vật.
- Những vật thu được còn tốt đẹp hơn ý mong muốn trăm bội phần, do bởi túc nhân không ganh ghét bỏn sẻn.
Ðó là năm pháp, nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ là bậc tối tôn trong ba cõi, được tất cả cung kính cúng dường.”
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không giận hờn
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không giận hờn, tất được tám pháp vui đẹp. Tám pháp ấy là:
- Không có lòng tổn não.
- Không có lòng giận hờn.
- Không có lòng tranh kiện.
- Tâm hằng nhu hòa chất trực.
- Ðược tâm từ của bậc thánh.
- Tâm hằng nghĩ đến sự làm cho chúng sanh được lợi ích an vui.
- Thân tướng đoan nghiêm, chúng đều tôn kính.
- Do lòng hòa nhẫn, mau sanh về cõi Phạm Thiên.
Ðó là tám pháp, nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô hượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ được tâm vô ngại, mọi người chiêm ngưỡng không nhàm chán.”
Phước báo của thập thiện nghiệp đạo: Không tà kiến
Đức Phật bảo: “Nầy Long vương! Nếu không tà kiến, sẽ được thành tựu mười pháp công đức. Mười pháp ấy là:
- Ðược bạn chân thiện, sự vui chân chánh về ý.
- Tin sâu lý nhân quả, thà bỏ thân mạng quyết không làm ác.
- Chỉ quy y Phật, không quy y thiên thần, quỷ loại.
- Lòng ngay thẳng có chánh kiến, xa lìa tất cả lưới nghi.
- Thường sanh cõi nhơn thiên, không đọa lạc vào ác đạo.
- Vô lượng phước huệ thù thắng ngày càng tăng thêm.
- Xa lìa đường tà, hằng đi nơi đường thánh.
- Không khởi thân kiến, xả các nghiệp ác.
- Trụ nơi chánh kiến vô ngại.
- Không bị đọa vào các nạn.
Ðó là mười pháp, nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô thượng bồ đề, về sau khi thành Phật, sẽ mau chứng tất cả Phật pháp, thành tựu sức thần thông tự tại.”
(Thập thiện nghiệp đạo là gì – Theo Phật học tinh yếu)
Tuệ Tâm 2021.