Thanh Tịnh nghĩa là trong sạch. Sự trong sạch này được kết tinh bởi hai hạt nhân căn bản: Thân Thanh Tịnh và Tâm Thanh Tịnh. Mà Thân tâm thanh tịnh chính là “quả” được cảm thành bởi giữ dìn thân khẩu ý mà ra. Như thế, Thanh Tịnh chính là sự trong sạch của ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý, bên trong không còn sự vọng động của tham sân si, bên ngoài là sự tịch tĩnh, như như bất động.
- Từ Bi là gì.
- Tinh Tấn là gì.
- Âm đức là gì.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Thiền Tông: Sự hiểu lầm về Cơ phong chuyển ngữ
- Chuyện tâm linh có thật.
Thanh Tịnh là gì
Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Ba nghiệp thanh tịnh tức là Thánh nhân; ba nghiệp chẳng thanh tịnh tức là phàm phu. Ba nghiệp hợp với tiêu chuẩn tức là thiện, chẳng hợp tiêu chuẩn tức là ác.” Như vậy, Thanh Tịnh cũng được hiểu là “quả” được cảm thành bởi Thập Thiện Nghiệp, gồm:
- Ba thiện nghiệp của thân là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm.
- Bốn thiện nghiệp của miệng là: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đôi chiều, không nói thô ác.
- Ba thiện nghiệp của ý là: Không tham lam, không giận hờn, không si mê tà kiến.
Thanh Tịnh: 1. Thế nào là không sát sanh
Sát sanh có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không sát sanh. Năm tướng ấy là:
- Cố tâm.
- Sanh mạng khác.
- Nghi tâm.
- Thân làm hoặc miệng bảo.
- Dùng phương tiện.
Ðiều thứ nhất: Cố tâm: Nếu có tâm giết hại, dù giết sanh mạng lớn nhỏ, cũng đều mang tội. Như vô tâm ngộ sát thì không thành tội. Nếu vô tâm giết mà thành tội thì bậc A la hán cũng không ưng đắc Niết bàn. Bởi bậc A la hán, đã đoạn nhân thế gian, như vô tâm giết rồi bị đọa luân hồi, thì không thành A la hán. Nhưng sự thật chẳng phải thế. Vì nghĩa nầy nên biết vô tâm giết không thành tội sát.
Ðiều thứ hai: Sanh mạng khác: Nói “sanh mạng khác”, tức không phải chính mình. Nếu giết sanh mạng khác mới đắc tội, còn tự sát thì không thành tội sát sanh.
Ðiều thứ ba: Nghi tâm: Nếu dùng nghi tâm mà giết hại, cũng mang tội sát, bởi kẻ ấy đã thiếu lòng từ bi.
Ðiều thứ tư: Tự làm, miệng bảo: Tự mình giết, hoặc dùng tay chân, dao gậy, cung tên, thuốc độc, thư ếm, đã đành đắc tội. Như không tự giết mà bảo kẻ khác giết, nếu sự giết thành, người bảo liền mang tội sát.
Ðiều thứ năm: Dùng phương tiện: Tuy thân không làm, miệng bảo, nhưng khởi ý giết hại, dùng mưu mô phương tiện để đưa người đến chỗ chết, nếu kết quả thành cũng mang tội sát.
Thanh Tịnh: 2. Thế nào là không trộm cướp
Trộm cướp có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không trộm cướp. Năm tướng ấy là:
- Vật kẻ khác.
- Biết vật của kẻ khác.
- Nghi tâm.
- Tự lấy hoặc bảo kẻ khác.
- Dùng phương tiện.
Ðiều thứ nhất: Vật kẻ khác: Vật thuộc quyền sở hữu của kẻ khác, trọng như vàng bạc châu báu, khinh như mũi kim, ngọn rau, nếu người không cho mà lấy, là mang tội trộm.
Ðiều thứ hai: Biết vật kẻ khác: Biết vật của kẻ khác mà lấy, là cố tâm trộm cướp, tất nhiên đắc tội. Trừ ra như khi để đồ chung, của kẻ khác lầm tưởng là của mình mà lấy thì không đắc tội.
Ðiều thứ ba: Nghi tâm: Trường hợp hai món đồ giống nhau, đối với vật kẻ khác nghi ngờ không biết là của người hay của mình, vội lấy đi là đắc tội, vì có tâm mờ ám tham lam.
Ðiều thứ tư: Tự lấy bảo người: Tự mình lén trộm, hoặc dùng sức mạnh cướp giựt, cho đến dùng pháp thuật mà lấy, đều đắc tội. Nếu mình không làm, song xui sử kẻ khác lấy đem cho mình, cũng mang tội trộm cướp.
Ðiều thứ năm: Dùng phương tiện: Nếu dùng mưu mô phương tiện, như ăn hối lộ, đầu cơ bán chợ đen, giả đạo đức để gạt người lấy của…, cũng đều mang tội trộm.
Thanh Tịnh: 3. Thế nào là không tà dâm
Tà dâm có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không tà dâm. Năm tướng ấy là:
- Của kẻ khác.
- Biết của kẻ khác.
- Nghi tâm.
- Tự hành, phi đạo.
- Phi xứ, phi thời.
Ðiều thứ nhất: Của kẻ khác: Đối với vợ hoặc chồng của kẻ khác, hay thanh nam, thiếu nữ còn non dại dưới quyền thủ hộ của cha mẹ, mà dẫn dụ, cưỡng bức làm việc phi hạnh, là mang tội tà dâm; kể đến sự nhiễm phạm cùng Quỷ thần, Súc sanh.
Ðiều thứ hai: Biết của kẻ khác: Nếu biết là vợ chồng hay con cái của kẻ khác mà xâm phạm, tất nhiên đắc tội, vì cố ý. Như trường hợp lầm tưởng là chồng hay vợ của mình thì không phạm; Điều nầy tuy ít khi xảy ra, nhưng chẳng phải là không có.
Ðiều thứ ba: Nghi tâm: Như có nam hoặc nữ song sinh rất giống nhau, nghi không biết là vợ hay chồng của mình mà làm tà hạnh thì đắc tội vì có tâm gian nhiễm.
Ðiều thứ tư: Tự hành, phi đạo: Như nam hay nữ tự làm việc thủ dâm, hoặc hành dâm, chẳng phải chỗ nam căn, nữ căn (phi đạo), đều đắc tội.
Ðiều thứ năm: Phi xứ, phi thời: Tuy vợ chồng chánh thức, nhưng ăn nằm không phải chỗ, gần gũi không phải thời, không chừng độ, cũng phạm tội tà dâm. Phi xứ ở đây, còn chỉ cho nơi lầu xanh, nhà chứa.
Tâm Thanh Tịnh: 4. Thế nào là bốn nghiệp lành của miệng
Vọng ngữ gồm có một tướng chánh và bốn tướng phụ, nếu không phạm năm tướng đó, là không vọng ngữ. Năm tướng ấy là:
- Như tướng vọng ngữ.
- Nghi tâm.
- Vô nghĩa.
- Phi thời.
- Tương ưng với ác pháp.
Ðiều thứ nhất: Như tướng vọng ngữ: Là chỉ cho bốn điều ác của miệng: nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói thô ác. Ðây là bốn điều chánh của vọng ngữ.
Ðiều thứ hai: Nghi tâm: Lòng còn nghi ngờ chưa biết việc ấy có thật hay không, liền vội nói ra với tánh cách quả quyết rằng có, tất phạm tội vọng ngữ.
Ðiều thứ ba: Vô nghĩa: Nói những lời bông lông không chủ đích, trái với thật nghĩa, đã vô ích còn làm mất thời giờ của mình và người, đều là nói vọng.
Ðiều thứ tư: Phi thời: Lời nói tuy có nghĩa lý, nhưng không phải thời phải lúc, rốt cuộc duy thành hư thuyết, chỉ làm người chán, không đem lại lợi ích cho ai, cũng là lỗi vọng ngữ.
Ðiều thứ năm: Tương ưng ác pháp: Nói những lời châm biếm xa gần làm cho người khó chịu, hoặc lời bỡn cợt khiến cho người sanh buồn giận, sợ hãi, tán tâm, hay hát ca điều phi pháp, khích động dục niệm cho đến tâm háo sát căm thù của kẻ khác, đều là những lời tương ưng với ác pháp cũng mang tội nói vọng. Bốn tướng sau đây là những điều phụ của vọng ngữ.
Tâm Thanh Tịnh: 5. Thế nào là ba nghiệp lành của ý
Ðó là không tham, không sân, không si mê tà kiến. Không tham là không luyến trước theo ngũ dục, hằng giữ lòng trong sạch. Không sân là không giận trong những trường hợp vô lý hay hữu lý, mà hằng giữ lòng trung thứ, xót thương. Không si mê tà kiến là không tối tăm hàng động trái với lẽ phải, hoặc chấp theo thiên kiến rồi khinh hủy chánh pháp, bài bác nhân quả, mà hằng tìm hiểu Kinh điển, suy nghiệm lẽ thật, làm cho trí huệ phát sanh.
Giữ Tâm Thanh Tịnh cho lòng bình an
Khi Tuệ Tâm đọc “Tám Quyển Sách Quý” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Thấy Hòa Thượng viết về chủ đề “Thanh Tịnh” rất hay, nay trích đăng vào đây cho bạn đọc cùng thưởng lãm. Lời dạy của Hoà Thượng mộc mạc, giản dị và dễ hiểu vô cùng.
“Thanh tịnh là tánh đã được gạn lọc khỏi những gì xấu xa ô uế tạp nhạp, lăn xăn trong cõi đời ô trọc nầy. Không phải ở được nơi yên tĩnh, mát mẻ, mà đã cho đó là thanh tịnh. Không phải chỉ ăn mặc sạch sẽ, tắm gội luôn luôn mà đã vội tưởng đó là thanh tịnh. Thanh tịnh của đạo Phật là trong sạch từ bên ngoài đến bên trong, từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói tới việc làm.
Tánh chất Thanh Tịnh trong đạo Phật
Như trên đã nói, thanh tịnh theo lời Phật dạy là sự trong sạch, vắng lặng hoàn toàn về mọi phương diện:
Thân tịnh
Thân thể phải luôn luôn tắm rửa sạch sẽ: Không chải chuốt vuốt ve, cũng không tô son trét phấn. Áo quần phải luôn luôn thay giặt: Không rách rưới, nhưng cũng không xa hoa, lòe loẹt, kiểu cách. Thức ăn uống phải giản dị: Không rượu chè, trộm cướp, sát hại, dâm ô, hút sách, không cao lương mỹ vị. Chỗ nghỉ ngơi phải hợp vệ sinh: Không giường cao nệm ấm, không trướng rủ, màn che xa hoa.
Khẩu tịnh
Lời nói luôn luôn chân thật: Không thêm không bớt, không ngọt như mật, không cay như tiêu, chua như dấm; Không suồng sã, bỡn cợt như bướm hoa; Không sừng sộ, gầm thét như hùm như hổ; Không hỗn hào như hổ như beo; Không độc dữ như rắn, như rít; Không nhọn hai đầu như đòn xóc; Không sắc bén như gươm đao; Không nặng nề như búa tạ. Trái lại, lời nói trong trường hợp nào cũng phải trong sạch, ôn tồn, đúng đắn, lợi ích cho mọi người, mọi vật ở chung quanh.
Ý tịnh
Ý là phần quan trọng, chi phối tất cả những lời nói, cử chỉ, hành động, đời sống của con người. Ý trong sạch, thì đời sống dễ trong sạch, ý nhiễm ô thì đời sống bị xấu xa, hoen ố. Ý trong sạch là thế nào? Là không vẩn đục bởi nhũng tánh tham lam giận dữ kiêu căng, si mê, nghi ngờ. Mỗi khi ta suy nghĩ, tưởng nhớ một điều gì, mà tư tưởng ta không bị trộn lẫn bởi những tánh xấu nói trên, như thế là ý nghĩ ta cũng tịnh rồi.
Ý ta không nhiễm mùi hôi tanh của những tánh ấy, không nghe tiếng gào thét, kêu gào, xúi giục, của dục vọng; Ý ta trong sáng như thủy tinh, vắng lặng như mặt nước hồ; Ý ta chói sáng mặt trời Trí tuệ, thơm ngát hương Từ bi. Như thế là ý thanh tịnh.
Hành động thanh tịnh
Việc làm không vì danh lợi riêng cho mình. Không vì thù oán, không vì khoe khoang, không vì dâm ô…Nói tóm lại là không vì dục vọng mà làm, như thế là hành động thanh tịnh. Người có hành động thanh tịnh không mưu mô lừa đảo; Không ỷ mạnh hiếp yếu, không ỷ giàu hiếp nghèo, không ỷ thế hiếp cô; Không xu nịnh ai, không bợ đỡ ai; Không sợ hãi ai để phải làm theo ý muốn bất chính của họ. Mọi hành động bao giờ cũng thẳng thắn, đường đường, chính chính; Không bao giờ có một hậu ý đen tối nào trong lúc làm việc.
Công năng của Thanh Tịnh
Như chúng ta đã thấy: Mặc dù con người có Phật tánh nhưng vẫn mê mờ và trôi lăn trong cảnh giới tối tăm đau khổ. Đấy là vì con người đầy cả dục vọng, con người bị nhiễm ô, tánh Phật bị che lấp dưới bao nhiêu lớp bụi bặm của tánh xấu. Nên chúng ta cần phải có một đời sống thanh tịnh. Xem tánh ấy như một cái chổi để quét hết rác rến đang bao phủ lấy ta, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Tánh Phật như nước trong, dục vọng như cáu bẩn. Muốn làm cho tánh Phật không bị nhiễm ô, phải cần đến thanh tịnh.
Thanh tịnh rất cần thiết cho người tu hành. Thiếu đức tánh ấy, thì dù cố công trì chí bao nhiêu trong việc tu hành cũng vô ích, như nấu cát mà mong thành cơm. Thiếu nó thì dù ta có làm bao nhiêu việc bố thí lợi tha đi chăng nữa, cũng mất hết ý nghĩa cao quý và hiệu quả của chúng.
Người thanh tịnh sẽ có một đời sống nhẹ nhàng, thanh thoát. Tâm không bận bịu một ý nghĩ đen tối nào nên thân khoan khoái, dể chịu. Dù đi đến đâu như mang theo một vừng ánh sáng, một làn khí trong, như tỏa ra một mùi hương mát dịu. Người thanh tịnh chẳng khác gì một đóa hoa sen, cánh trắng, nhị vàng, hương dịu. Nó được người đời quý chuộng mến yêu, đặt lên bàn thờ tôn kính như thế nào, thì người thanh tịnh cũng được như thế ấy.
Sự Thanh Tịnh của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Khi còn tại gia, Đức Thích Ca sống giữa cảnh xa hoa, trong cung đàn tiếng nhạc, trong nệm gấm, mền nhung. Giữa hương sắc dục lạc, thế mà Ngài vẫn không bị nhiễm ô; Không chìm đắm trong biển xa hoa, sa lầy trong vũng bùn nhục dục ấy. Ngài là hòn ngọc quý, rơi trong bùn mà không nhiễm bùn.
Như đóa hoa sen quyết trồi đầu lên khỏi đám bùn thối tha. Ngài quyết thoát ra khỏi cảnh dục lạc ô uế trong cung vui để sống cuộc đời phóng khoáng, thanh thoát. Trong khi đi tìm đạo, mặc dù sống trong cảnh tối tăm nguy hiểm, Ngài vẫn luôn luôn giữ tâm ý trong trắng bình thản. Trước khi thành đạo, Ngài còn bị Ma Vương đem cung đàn tiếng nhạc, đem hương sắc mỹ nhân đến khuấy phá Ngài dưới gốc Bồ đề. Nhưng bao nhiêu cố gắng phá hoại của ma vương đều vô ích: Tâm hồn Ngài vẫn trong sáng như gương, bình thản như mặt nước hồ thu…
Mặc dù Đức Phật đã nhập diệt trên 2500, nhưng đức tánh thanh tịnh của Ngài còn phảng phất trong cõi trời Á Đông, trong các đền chùa, điện tháp. Mỗi khi chúng ta đến viếng một cảnh chùa theo đúng chánh pháp, chúng ta thấy trong người nhẹ nhàng, khoan khoái; Chúng ta nghe như bao nhiêu tiếng kêu gào của dục vọng lắng xuống, im đi…Để nhường chỗ cho một nỗi thanh thoát êm đềm lan dần trong tâm hồn ta.
Giữ Tâm Thanh Tịnh cho lòng Bình An
Như chúng ta đã thấy, tánh chất của thanh tịnh bao gồm tất cả mọi phương diện của đời sống. Cho nên, muốn dưỡng nó, chúng ta không thể chú trọng đến phần vật chất mà bỏ phần tinh thần; Hoặc ngược lại, chú trọng phần tinh thần mà bỏ vật chất.
Đừng bắt chước những người ngụy biện, hay bừa bãi, thường nói rằng: “Tu là cốt ở tâm, hình thức không đáng kể. Ta thanh tịnh ở trong lòng là đủ rồi”. Nói như thế là không nhận rõ ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn cảnh. Nếu chúng ta muốn có thanh tịnh mà sống giữa cảnh xa hoa trụy lạc. Thường ngày bày ra trước mắt ta bao nhiêu trò ô uế; rót vào tai ta bao nhiêu nhạc điệu, lời lẽ dâm ô; xông vào mũi ta bao nhiêu mùi vị béo bùi; đắp vào mình ta bao nhiêu tơ lụa mơn trớn…Nếu sống trong cảnh ấy mà ta không bị nhiễm ô, thì ta là một vị thánh. Những thánh nhân ở đời nầy thật quá hiếm hoi. Cho nên ta rất dễ thành quỷ sứ.
*
Cảnh tịnh bên ngoài giúp ta dễ tịnh bên trong. Tất nhiên trong cõi đời đã gọi là ô trọc nầy, khó có cảnh hoàn toàn thanh tịnh. Nhưng trong phạm vi tương đối, ta có thể tạo ra, hoặc tìm kiếm một hoàn cảnh tạm gọi là thanh tịnh. Ví như: Ta tập sống có vệ sinh, điều độ, thứ tự. Ta tập xua đuổi những ý nghĩ xấu xa, đen tối. Ta tập hành động theo lẽ phải, theo bác ái, vị tha. Ta tìm những kinh sách có những tư tưởng trong sáng, tiến bộ để đọc; tìm thầy bạn có đạo đức để học hỏi kết giao; Ta tìm những cảnh chùa theo đúng chánh pháp để tới lui tu dưỡng.
Khi chúng ta tìm được một hoành cảnh tạm gọi là tịnh ấy. Khi ta làm những việc có tánh cách an tịnh thì cũng đừng vội thỏa mãn. Chúng ta cần phải đề phòng những ý nghĩ nhỏ nhiệm sâu kín, đen tối, xấu xa…Chúng vẫn không ngừng lén chen vào trong những công việc tốt đẹp của chúng ta. Chúng làm cho chúng trở thành hữu lậu, nhiễm ô.
Sau đây là vài ba thí dụ thường thấy hằng ngày: Chẳng hạn khi ta cho kẻ hành khất một vài đồng bạc, vì lòng thành thật thương xót họ. Đó là một việc thiện quý báu; nhưng bên cạnh động lực chính ấy, ta còn có ý mong cho người xung quanh biết mình là kẻ nhân từ. Như thế là bố thí mà còn bị phiền não tham danh chen vào.
*
Khi một người hành khất đeo riết ta xin cho được, ta bực tức vất vào nón người ấy vài đồng để khỏi bị quấy rầy: Như thế là bố thí mà không phải vì từ thiện, mà là vì sân hận. Khi ta giúp đỡ ai một điều gì, mà ta mong ước một ngày kia người ấy sẽ giúp đỡ lại ta: Như thế là làm việc lợi tha với mục đích ích kỷ.
Khi ta mang ơn của ai mà vội vàng tìm cách để trả ơn. Vì sợ để lâu ơn sẽ nặng, hay người làm ơn sẽ có dịp nhờ vả ta nhiều hơn: Như thế là trả ơn mà động lực chính là bội bạc.
Khi ta là một kẻ giàu có, hay có địa vị cao mà ta ăn mặc xoàng xĩnh, rách rưới; với dụng ý để cho người ta trầm trồ, khen ngợi. Như thế là ta làm vẻ khiêm hạ với dụng ý khoe khoang.
Khi ta làm điều gì hay đẹp mà vì háo thắng hay cốt cho mọi người khen ngợi: Như thế là ta ngạo mạn, muốn được hơn người.
*
Khi ta đến chùa, thành thật vì mục đích muốn hiểu đạo và cầu giải thoát. Nhưng vì đến chậm hay thiếu chỗ, ta phải đứng lạy sau người; Hoặc ngồi nghe giảng vào hàng ghế cuối; hoặc ăn uống không được trọng đãi… Ta đâm ra buồn phiền trách móc: “Tôi như thế này mà nhà chùa để tôi đứng sau, ngồi dưới. Thực là xem thường, coi khinh…” Như thế là đến chùa để tìm bình an mà lại hóa ra đi ôm ấp thêm phiền não vào thân.
Những thí dụ trên cho chúng ta thấy hoàn cảnh thì tịnh, việc làm thì đẹp đẽ, mà động cơ thì bất tịnh, nhiễm ô.
Vậy trong đời sống hằng ngày, mỗi lúc nghĩ, mỗi lúc nói, mỗi lúc làm, mỗi lúc nằm, ngồi, đi, đứng, chúng ta phải luôn luôn tự xét xem đã thanh tịnh chưa. Trong trường hợp những nhiễm ô thô thiển dễ trừ, ta hãy mạnh dạn trừ ngay; trong trường hợp những nhiễm ô sâu xa, vi tế khó trừ, ta hãy tập phép quán “nhị không” để phá trừ ngã chấp và pháp chấp. Làm được như thế là ta đã dưỡng tánh thanh tịnh của Phật mà mỗi chúng ta đều sẵn có, ở trạng thái tiềm tàng trong ta.
Tuệ Tâm 2021.