Thân trung ấm, tức “Linh Hồn” theo lối dân gian thường gọi. Tổng quan về Thân trung ấm thì: Chúng sanh sau khi mạng chung (chết), đã bỏ thân tiền hữu, chưa thọ thân hậu hữu thì ở vào giai đoạn cảm thân Trung hữu. Thân Trung hữu nầy do năm ấm vi tế kết hợp, nên cũng gọi là thân trung ấm. Có tất cả mười bảy loại thân trung ấm, trong đây, trừ những chúng sanh tạo nghiệp cực thiện thuộc cõi trời Vô sắc. Hoặc nghiệp cực ác thuộc nẻo Địa Ngục A tỳ, thì liền hóa sanh ngay những nơi đó, mà không trải qua Thân trung ấm.
- Chuyện tâm linh có thật ở Việt Nam.
- Sự thật về đồng bóng.
- Sự thật về cầu cơ
- Chúng ta chưa từng biết chết là
- Cận tử nghiệp vô cùng đáng sợ
- Chuyện tâm linh có thật ở Việt Nam.
- Cách giúp những người bị Ma nhập.
Đại Lược Về Thân Trung Ấm
Theo Tử Thư Tây Tạng: “Thân Trung Ấm( còn gọi là Thân Ý Sanh) của chúng ta trong Bardo tái sanh mang một số đặc tính đặc biệt. Nó có đủ tất cả các giác quan. Nó vô cùng nhẹ, sáng suốt và di động; và sự bén nhạy của nó được nói là gấp 7 lần trong đời sống thực. Nó cũng có được một loại thần thông lặt vặt; không được ý thức kiểm soát, nhưng đem lại cho Thân Trung Ấm khả năng đọc được tâm người khác.
Lúc đầu, Thân Trung Ấm này sẽ có một hình dáng giống như thân thể trong đời vừa qua; nhưng không có một khuyết điểm nào, và đang ở độ tuổi xuân xanh. Ngay cả khi bạn bị què quặt hay đau ốm trong đời sống, bạn vẫn có được thân ý sanh toàn hảo trong Bardo tái sanh. Một trong những giáo điển cổ của Dzogchen cho chúng ta biết rằng: Thân Trung Ấm cỡ bằng một đứa bé từ 8 đến 10 tuổi.
Do năng lực của tư duy khái niệm, gọi là “gió nghiệp”, Thân Trung Ấm không thể ở yên dù chỉ trong chốc lát. Nó không ngừng di động. Nó có thể đi khắp nơi nó muốn, không bị trở ngại. Vì Thân Trung Ấm không có cơ sở vật lý nên nó có thể đi xuyên qua tường vách hay núi. Nó có thể thấy suốt những vật thể có ba chiều. Nhưng vì thiếu tinh chất vật lý của cha mẹ, nó không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng; nó chỉ có ánh sáng mờ soi tỏ khoảng không gian ngay trước mặt.
*
Chúng ta có thể thấy những chúng sanh khác trong cõi Trung Ấm. Người sống không thấy chúng ta, ngoại trừ những người đã có thần thông nhờ thiền định. Bởi thế, chúng ta có thể gặp và nói chuyện vài giây phút thoáng qua với nhiều kẻ đang du hành trong thế giới Bardo (Trung Ấm); nghĩa là những kẻ chết trước chúng ta. Do sự có mặt của năm uẩn đang thành hình, nên thân ý sanh đối với chúng ta dường như chắc thực; và chúng ta vẫn còn cảm thấy những cơn đói cồn cào.
Giáo lý Trung Ấm dạy rằng thân ý sanh này sống bằng mùi hương và rút dưỡng chất từ những đồ cúng được đem đốt; nhưng nó cũng có thể hưởng được những đồ cúng đặc biệt nhân danh nó. Trong trạng thái này, hoạt động tâm ý rất nhanh: tư tưởng liên tục trôi qua nhanh, và chúng ta có thể làm một lúc nhiều công việc. Tâm tiếp tục duy trì những mẫu mực thói quen của nó’ nhất là thói bám víu những kinh nghiệm, và thói tin rằng mọi sự tuyệt đối là thực có.
Những kinh nghiệm của cõi Trung Ấm
Suốt trong những tuần đầu trong cõi Trung Ấm (Bardo), chúng ta có cảm tưởng rằng mình là một người đàn ông hay một phụ nữ, hệt như khi ta còn sống đời vừa qua. Chúng ta không nhận ra rằng mình đã chết. Chúng ta trở về nhà để gặp bà con và những người thân yêu. Ta cố nói với họ, sờ vai họ. Nhưng họ không trả lời, cũng không tỏ ra họ biết ta có ở đấy. Dù ta cố gắng bao nhiêu, cũng không gì làm cho họ chú ý ta được. Ta bất lực đứng nhìn họ khóc hay ngồi thẩn thờ với cõi lòng tan nát vì cái chết của ta.
Ta lại còn cố một cách vô hiệu để xử dụng những đồ đạc của ta khi trước. Chỗ ta ngồi nơi bàn ăn không còn dành cho ta nữa, và người ta đang làm những chuẩn bị để thanh toán của cải của ta. Ta cảm thấy tức tối, bị thương tổn, hằn học, “như một con cá quằn quại trên cát nóng”, Tử Thư nói.
Nếu hết sức quyến luyến cái xác của mình, thậm chí ta lại còn cố nhập vào nó hay lảng vảng bên nó. Có những trường hợp quá khích, là thân ý sanh có thể lai vãng gần tài sản hay xác của họ hàng tuần, hàng năm mà vẫn chưa có thể nghĩ rằng mình đã chết. Chỉ khi họ thấy mình không có bóng in trên mặt đất, không in dấu chân bước, cũng không phản chiếu trong gương, họ mới vỡ lẽ. Và nội một nỗi kinh hoàng khi nhận ra mình đã chết, cũng đủ làm cho họ ngất xỉu.
*
Trong cõi Trung Ấm tái sanh, ta sống lại tất cả những kinh nghiệm của đời vừa qua, ôn lại những kỷ niệm đã từ lâu phai mờ trong ký ức, và thăm lại những nơi chốn cũ, “dù chỉ là nơi ta chỉ có khạc nhổ lên đấy”.
Cứ bảy ngày một lần, ta lại bắt buộc phải sống trở lại cái kinh nghiệm chết, với tất cả nỗi đau khổ của nó. Nếu ta đã chết một cách an bình, thì trạng thái tâm an bình đó được tái diễn; nhưng nếu đó là một cái chết vật vã, sự vật vã ấy cũng được tái diễn. Và nên nhớ rằng, mọi sự được tái diễn với một ý thức mãnh liệt gấp bảy lần lúc sống. Và trong giai đoạn thoáng qua của Trung Ấm tái sanh, mọi nghiệp ác của các đời trước trở lại, một cách cô đọng cường liệt, làm cho tâm ta rối bời.
Cứ thế, ta một mình lang thang không ngừng qua thế giới Trung Ấm, kinh hoảng như trong một cơn ác mộng. Và cũng hệt như trong mộng, ta tin rằng mình thực có một cái thân vật lý, và mình thực sự hiện hữu. Tuy thế, tất cả những kinh nghiệm của Bardo này chỉ do tâm ta biến ra, do nghiệp và những tập quán cũ của ta tái diễn. Những ngọn gió của tứ đại trở về, và như Tulku Urgyen Rinpoche nói: “Người ta nghe những âm thanh to lớn của đất, nước, lửa, gió. Có tiếng như núi lở sau lưng ta; tiếng con sông lớn gầm lên; tiếng một khối lửa khổng lồ như hỏa diệm sơn; tiếng của một trận bão lớn”.
*
Khi ta hoảng hốt cố chạy thoát những thứ này, trong bóng tối kinh hoàng, thì trước mặt ta mở ra ba cái hố thẳm trắng, đỏ, đen, “sâu và kinh khủng”. Ðấy là Tử Thư nói, tâm giận dữ, tham dục và ngu si của ta. Ta bị tấn công bởi những ngọn thác đổ, mưa đá bằng máu mủ; bị ám ảnh bởi những âm thanh la hét của quỷ không đầu; bị săn đuổi bởi những yêu quái và thú dữ chuyên ăn thịt. Cứ thế, ta không ngừng bị ngọn gió nghiệp cuốn đi, không thể vin víu vào một căn cứ nào cả.
Tử Thư nói: “Vào lúc ấy, trận cuồng phong của nghiệp thức kinh hoàng, khó chịu xoáy lên một cách dữ tợn, từ đằng sau sẽ đẩy ngươi tới trước”. Bị ngốn ngấu bởi nỗi hoảng sợ, bị thổi giạt qua lại như những hạt nhị hoa bay trước gió; ta lang thang vô vọng qua cõi Trung Ấm. Bị cơn đói khát dày vò, ta tìm nơi trú ẩn chỗ này chỗ khác. Nhận thức của tâm ta thay đổi từng chặp, lúc vui lúc buồn. Bỗng tâm ta đâm ra khao khát có một cái xác thân vật lý nhưng lại không thể tìm được; nó làm cho ta lại rơi vào đau khổ.
*
Toàn thể khung cảnh ấy đều do nghiệp ta un đúc. Cũng như thế giới trung gian, có thể chứa đầy những ảnh tượng ác mộng, do vọng tưởng chúng ta tạo nên. Nếu bình thường lúc sống, ta có hành động tích cực, thì kinh nghiệm và nhận thức chúng ta trong cõi Trung Ấm sẽ là hạnh phúc và an lạc; nếu đời ta tác hại và làm người khác đau khổ thì kinh nghiệm trong cõi Trung Ấm của ta sẽ đầy đau đớn buồn lo.
Bởi thế, Tử Thư nói rằng: Những người đánh cá, đồ tể, thợ săn đều bị tấn công bởi những hình ảnh ghê rợn của những nạn nhân của họ trước kia. Vài người nghiên cứu kỹ kinh nghiệm cận tử, nhất là khi nghiên cứu những “cuộn phim đời” – một đặc điểm chung của tất cả mọi người chết đi sống lại – đã tự hỏi: “Làm sao tưởng tượng nổi sự kinh khủng của những kinh nghiệm trong cõi Trung Ấm của một nhà độc tài, một kẻ chuyên tra tấn? “Cuộn phim đời” cho ta thấy rằng: Sau khi ta chết, ta có thể kinh quá tất cả những nỗi đau khổ mà ta đã gieo, trực tiếp hay gián tiếp” .
Ðộ dài của Thân Trung Ấm tái sanh
Toàn thể Trung Ấm tái sanh kéo dài trung bình 49 ngày, và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ.
Dudjom Rinpoche thường giải thích rằng suốt trong 21 ngày đầu của thời gian Trung Ấm, bạn vẫn còn một số ấn tượng mạnh về đời sống vừa qua, bởi thế đây là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ người chết. Sau đó, đời sống tương lai của bạn dần dần thành hình và trở thành ảnh hưởng chính. Chúng ta phải chờ đợi trong thế giới trung gian (Bardo) cho đến khi nào nghiệp ta bắt liên lạc được với cha mẹ tương lai.
Ðôi khi tôi nghĩ về Bardo này như một thứ hành lang chuyển tiếp. Trong đó bạn có thể chờ đợi đến 49 ngày trước khi chuyển sang đời sống mới. Nhưng có hai trường hợp đặc biệt không cần phải đợi trong cõi Trung Ấm, bởi vì tính cách cường liệt của nghiệp lực họ đẩy ngay họ vào tái sanh mới.
- Trường hợp đầu tiên là những người đã sống một đời vô cùng lợi lạc và tích cực, đã tu luyện tâm đến trình độ năng lực chứng ngộ của họ sẽ đưa họ trực tiếp vào một tái sanh tốt đẹp.
- Trường hợp thứ hai là những người đã sống cuộc đời tiêu cực, tác hại; họ đi rất nhanh xuống đời tái sanh kế tiếp, bất cứ ở đâu.”
Thân trung ấm là gì
Theo Phật Học Tinh Yếu: “Thân trung ấm là thân do quả báo ở khoảng giữa của đời nầy và đời sau, vì quả báo ấy có mà chẳng phải không, nên gọi là “hữu”. Trung hữu cũng gọi là trung ấm, vì thân ấy do năm ấm tạo thành. Đức Phật bảo Nan Đà: “Khi cha mẹ giao hợp là lúc Trung ấm vào thai. Trung ấm có hai loại: Hình sắc xinh đẹp, và dung mạo xấu xa.
Thân trung ấm của Địa ngục hình rất xấu, sắc đen như than, của Bàng sanh sắc nám như khói, của Ngạ quỷ sắc đạm như nước, của người và trời Dục giới sắc như vàng ròng. Trung ấm của chư thiên cõi Sắc rất đẹp, màu tươi trắng sáng rỡ. Của hàng nhơn thiên ở cõi Dục, đại để bằng đứa trẻ năm bảy tuổi, của chúng sanh cõi Sắc lớn bằng thân bản hữu và có y phục vì do nhiều chủng tử tàm tu.
Chúng sanh ở cõi Trời Vô sắc không có trung ấm, bởi vì không hình sắc. Chúng sanh thiện như nghiệp báo cõi Trời Vô sắc và cực ác như nghiệp báo ngục A Tỳ. Khi chết rồi liền thọ sanh ngay!
Trung ấm có loại hai tay hai chân, có loại bốn chân, nhiều chân, hoặc không chân”. Đại khái, chúng sanh tùy theo nghiệp đã tạo, phải thác sanh về nẻo nào, loài nào, thì có hình dáng giống như loài ấy.
*
Thân trung ấm của chư thiên đầu hướng lên, của người, Bàng sanh và quỷ nằm ngang mà bay đi. Nếu là của chúng sanh cõi Địa ngục đầu chúc xuống. Chúng đều có thần thông, nương hư không mà đi. Thị tuyến rất xa và sáng suốt, trong khoảnh khắc đã tìm đến chỗ phải thọ sanh.
Chúng cũng có đủ các căn, nếu là của kẻ tạo nghiệp ác, ánh ra sắc đen xám cũng như đêm tối tăm. Nếu là trung ấm của kẻ tạo nghiệp thiện ánh ra sắc trắng như đêm trong sáng. Mắt của nó nhìn suốt xa như thiên nhãn, không bị chướng ngại, thấy các linh hồn khác và chỗ mình sẽ thọ sanh. Trong giây phút, trung ấm có thể bay vòng quanh giáp núi Tu Di. Lại có thể đi xuyên qua tường vách núi non không chi chướng ngại, trừ ra thai mẹ và tòa Kim Cang của Phật.
Tuổi thọ của Thân trung ấm
Trung ấm chỉ trụ được bảy ngày đêm. Nếu trong thời hạn ấy không tìm được chỗ thác sanh, thì chết rồi sống lại. Nhưng đại khái trong vòng 49 ngày là được thọ sanh. Trung ấm khi chết, hoặc sanh trở lại như thân trước. Hoặc do nghiệp lành dữ chuyển biến, đổi lại thành thân của các loại khác.
Thân trung ấm cũng có tên là Hương hành, vì đi tìm mùi, dùng mùi mà tự nuôi sống. Lại Trung ấm, khi sắp diệt để thọ thân hậu hữu, tùy theo nghiệp đã tạo, thấy nhiều tướng khác nhau: Bấy giờ tâm thức mơ màng dường như ở trong mộng.
Những kẻ tạo nghiệp sát, hay giết heo, dê, gà, vịt, tôm, cá, thì lúc ấy thấy những loài đó. Lại thấy có người đang làm thịt, tùy theo túc nghiệp tự nhiên sanh ra ưa thích muốn đi đến xem. Khi đến nơi liền bị cảnh sắc làm trở ngại không thể thoát ly, liền diệt mà nhập thai. Lúc sắp diệt, Trung ấm thấy nhiều màu sắc sanh diệt liên tục. Như người sắp chết thấy những hình tướng tạp loạn, mắt chăm chú nhìn, tay chỉ chỗ nầy, chỗ khác.
*
Trường hợp nào Trung ấm không vào thai được? Đó là những lúc cha mẹ không giao hợp. Hoặc khi giao hợp tinh cha ra tinh mẹ không ra. Hoặc tinh mẹ ra tinh cha không ra, hoặc đều không ra.
Về phần nghiệp báo. Nếu cha mẹ tôn quý con ty tiện, hay là trái lại, thì không thể thành thai. Hoặc có khi cha mẹ cùng con đều tôn quý hay đều ty tiện, nhưng nghiệp duyên không hợp, cũng không thể thành thai.
Đức Phật bảo: “Nầy Nan Đà! Nếu không có các trường hợp như trên, thì Trung ấm mới vào thai mẹ. Như các duyên đều thuận, khi cha mẹ giao hợp. Trung ấm ở xa trông thấy ánh sáng liền bay đến đó. Lúc ấy, do túc nghiệp, Trung ấm liền khởi ra các sự vọng tưởng: Trung ấm nam thì đối với mẹ sanh lòng mến yêu, với cha lại ganh ghét. Trung ấm nữ thì đối với mẹ sanh lòng ganh ghét, với cha lại mến yêu. Hoặc nam hoặc nữ đều thấy chính mình làm việc ân ái với cha hay mẹ.
*
Bấy giờ Thân trung ấm bỗng có cảm giác nóng hoặc lạnh. Hoặc thấy mưa to, gió lớn, mây mù nổi lên. Hoặc nghe nhiều tiếng huyên náo đáng chán buồn, hay tiếng thanh tao đáng ưa thích.
Khi các vọng tâm, huyễn cảnh nầy hiện ra, tùy nghiệp hơn kém. Thân trung ấm lại khởi sanh mười huyễn tướng khác như: Nay ta vào nhà, ta muốn lên lầu, ta lên đền đài cao đẹp, ta lên ngồi trên giường ghế, ta vào am tranh, ta vào chòi lá, ta đi vô rừng, ta vào lùm bụi, ta xuyên qua lỗ tường vách, ta chui vào hàng rào. Khi khởi các tưởng niệm như trên xong, Trung ấm liền vào thai.
17 loại tái sanh của Thân Trung Ấm
Theo Kinh Chánh Pháp Niệm, đức Phật dạy: “Có mười bảy loại Trung Ấm Hữu Pháp, ông nên luôn luôn nghĩ đến thực hành tu đạo tịch diệt. Hoặc là trời hay là người nghĩ đến đạo lý này, thì hoàn toàn không sợ hãi đối với sự tổn hại do sứ giả của Diêm la. Những gì là mười bảy loại Trung Ấm Hữu.
1. Thân Trung Ấm từ trong loài người chết đi sanh lên cõi trời.
Như trong loài người chết đi, sanh lên trên cõi trời. Trung Ấm trông thấy cảnh tượng vui vẻ, giống như tấm vải bông trắng sắp muốn rơi xuống, mềm mại trắng nõn. Lại trông thấy vườn rừng-hoa lá-ao hồ, nghe những tiếng ca hát cười đùa,. Sau đó ngửi thấy các mùi hương. Cảm thọ tất cả niềm vui với vô lượng chủng loại đồ vật, hòa hợp tiếp xúc mịn màng, lập tức sanh lên cõi trời. Nhờ thiện nghiệp cho nên hiện tại cảm được niềm vui cõi trời, mỉm cười vui sướng-nhan sắc thanh tịnh.
Cha mẹ anh em đau xót khóc lóc kêu gào. Tuy nhiên nhờ thiện tướng cho nên không nghe-không thấy, tâm cũng không nghĩ đến. Vào lúc lâm chung mới sanh vào nơi vui sướng, thân trời tương tự như dấu in vào thì đường nét hiện bày. Thấy cõi trời tốt đẹp liền sanh tâm yêu thích cảnh giới, cho nên thọ thân loài trời.
Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ nhất thọ sanh.
2. Thân Trung Ấm từ trong loài người chết đi sanh vào cõi Uất Đơn Việt
Trung Ấm Hữu thứ hai: Người cõi Diêm Phù Đề, mạng chung sanh đến cõi Uất Đơn Việt, thì trông thấy tấm vải bông đỏ mềm mại, màu sắc thật đáng yêu. Thấy vậy liền sanh tâm tham đắm, dùng tay nắm lấy kéo về phía mình, như kéo giữa hư không. Cha mẹ anh em nói rằng hai tay họ nắm giữa hư không, lại có gió thổi qua.
Nếu người bệnh này, lúc mùa Đông giá lạnh, thì gió ấm thổi đến trừ hết nỗi khổ giá lạnh của họ.
Nếu lúc nắng nóng thì gió mát thổi đến, trừ hết hơi nóng ấy làm cho tâm vui thích. Nhờ duyên vào tâm cho nên không nghe thấy tiếng khóc than buồn bã đau thương.
*
Nếu mọi người tụ tập xáo động thì tâm người ấy cũng tán động. Vì nghe tiếng khóc than buồn thảm ấy mà đưa đẩy sanh đến nơi khác. Vì vậy cha mẹ anh em khóc than đau thương lúc lâm chung, thật là chướng ngại khó lường. Nếu không gây trở ngại cho sự thác sanh đến cõi Uất Đơn Việt, thì trong thời gian ấy lần lượt có tướng tốt lành xuất hiện: Thấy hồ hoa sen xanh, ngỗng vịt-uyên ương bơi khắp trong hồ, liền đi đến nơi ấy dạo chơi nô đùa trong cảnh giới vui thích.
Sắp vào thai mẹ, thì từ hồ hoa bước ra đi đất liền. Trông thấy thân người cha, chính là con ngỗng trống, mẹ là con ngỗng mái. Nếu người nam thác sanh, thì tự thấy thân mình làm thân ngỗng trống. Nếu người nữ thác sanh, thì tự thấy thân mình làm thân ngỗng mái.
Nếu người nam thác sanh, thì sanh ra chướng ngại đối với cha, sanh ra yêu thích đối với mẹ. Nếu người nữ thác sanh, thì sanh ra yêu thích đối với cha, sanh ra chướng ngại đối với mẹ.
Đây gọi là trung Ấm Hữu thứ hai, sanh đến cõi Uất Đơn Việt.
3. Thân Trung Ấm từ trong loài người chết đi sanh vào cõi Cù Da Ni
Trung Ấm Hữu thứ ba. Người trong cõi Diêm Phù Đề chết đi, sanh đến cõi Cù Da Ni, thì có tướng hiện bày: Như lúc lâm chung, thấy có nhà cửa đều làm toàn màu vàng. Giống như màu vàng ròng, che phủ khắp nơi như mây. Thấy giữa hư không có tướng của tấm vải bông vàng, liền đưa tay kéo về phía mình. Anh em bà con đều nói rằng hai tay người bệnh nắm lấy hư không.
Người này lúc bấy giờ thọ mạng sắp kết thúc, thấy thân mình như loài trâu. Thấy những con trâu tụ tập thành bầy như thấy trong mộng. Nếu người nam thọ sanh, thấy cha mẹ mình hòa hợp mà làm chuyện bất tịnh. Tự thấy thân người có nhiều nhà cửa. Thấy tướng người cha giống như con trâu đực, liền loại bỏ người cha mẹ hòa hợp với mẹ. Nếu người nữ thọ sanh, tự thấy thân mình giống như con trâu cái, dấy lên ý niệm như vậy: Tại sao con trâu hòa hợp với con trâu cái kia mà không đến với mình?
Nghĩ như vậy rồi thọ thân người nữ. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ ba, sanh đến cõi Cù Da Ni.
4. Thân Trung Ấm từ trong loài người chết đi sanh vào cõi Phất Bà Đề
Trung Ấm Hữu thứ tư. Người cõi Diêm Phù Đề mạng chung, sanh đến cõi Phất Bà Đề thì có tướng hiện bày. Thấy tướng của tấm vải bông màu xanh. Thấy tất cả đều là màu xanh, bao phủ khắp nơi hư không. Thấy nhà cửa cõi ấy đều giống như hư không. Vì sợ rằng tấm vải bông màu xanh rơi xuống, lấy tay để ngăn lại. Bà con thân thích cho rằng họ ngăn chặn gì ở khoảng không. Mạng chung thấy Trung Ấm giống như hình hài loài ngựa. Tự thấy cha mình giống như con ngựa đực, mẹ giống như con ngựa cái. Cha mẹ giao hội ái nhiễm hòa hợp với nhau.
Nếu người nam thọ sanh, thì dấy lên ý niệm như vậy: Mình nên cùng với con ngựa cái này hòa hợp. Nếu người nữ thọ sanh thì tự thấy thân mình như hình hài con ngựa cái, dấy lên ý niệm như vậy: Con ngựa đực như vậy tại sao không giao hợp với mình? Dấy lên ý niệm này rồi liền thọ thân người nữ.
Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ tư, sanh đến cõi Phất Bà Đề.
5. Thân Trung Ấm ở cõi Uất Đơn Việt
Trung Ấm Hữu thứ năm: Người cõi Uất Đơn Việt vào lúc sắp mạng chung thấy tướng đi lên phía trên. Nếu nghiệp nhiều thì tâm tự tại sanh đến cõi trời. Fùng tay nắm lấy hư không mà giống như thấy trong giấc mộng. Thấy hoa đẹp có mùi hương tuyệt diệu vô cùng. Thấy tay đang cầm đóa hoa thơm ngát màu sắc tuyệt diệu bậc nhất. Thấy hoa sanh lòng tham đắm, nay thấy cây này mình sẽ leo lên cây.
Dấy lên ý niệm này rồi liền leo lên cây to, mà chính là leo lên trên núi Tu Di. Thấy thế giới cõi trời đầy hoa trái trang nghiêm, mình sẽ đi khắp nơi ngắm nhìn.
Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ năm. Thọ sanh thuộc phẩm hạ của người ở cõi Uất Đơn Việt.
6. Thân Trung Ấm ở cõi Uất Đơn Việt sanh lên cõi Trời
Trung Ấm Hữu thứ sáu. Người cõi Uất Đơn Việt, bởi vì Nghiệp trung bình. Lúc sắp mạng chung, muốn sanh lên cõi trời, thì có tướng hiện bày. Thấy hồ hoa sen thật đáng ưa thích, bầy ong trang nghiêm, tất cả đều thơm ngát. Bước lên hoa sen này trong chốc lát cưỡi hư không mà bay đi. Giống như trong mộng, sanh đến cõi trời. Dấy lên ý niệm như vậy: Nay mình đang đến hồ hoa sen tươi đẹp.
Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ sáu. Thọ sanh thuộc phẩm Trung của người ở cõi Uất Đơn Việt.
7. Thân Trung Ấm ở cõi Uất Đơn Việt sanh lên làm Thiên Tử cõi trời Tam Thập Tam Thiên
Trung Ấm Hữu thứ bảy: Người cõi Uất Đơn Việt, nhờ vào nghiệp thù thắng cho nên sanh đến Thiện Pháp Đường ở cõi trời 33. Lúc sắp mạng chung thấy Thắng Diệu Đường trang nghiêm vô cùng tuyệt vời. Người ấy vào lúc bấy giờ liền bước lên cung điện thù thắng, sanh trong cung điện này mà trở thành Thiên Tử.
Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ bảy. Thọ sanh thuộc phẩm Thượng, sanh ở trên cõi trời của người cõi Uất Đơn Việt.
8. Thân Trung Ấm ở cõi Uất Đơn Việt sanh lên làm chư Thiên cõi trời Tam Thập Tam
Trung Ấm Hữu thứ tám: Người cõi Uất Đơn Việt vào lúc sắp mạng chung, thì có tướng hiện bày. Thấy đi vào chốn vườn rừng dạo chơi nô đùa, thơm tho sạch sẽ đáng yêu. Khi ngửi thấy thật là vui sướng, khổ não không còn, tâm tư trong sáng. Dùng tâm thanh tịnh nhanh chóng bước lên cung điện. Thấy rất nhiều chư Thiên đi lại dạo chơi giữa hư không, giống như trong mộng. Cõi trời ba mươi ba thù thắng vi diệu đáng yêu, tất cả năm thứ dục lạc thảy đều đầy đủ.
Từ cõi Uất Đơn Việt chết đi, sanh vào trong cõi trời này. Đây gọi là tướng Trung Ấm Hữu thứ tám. Từ lúc sanh đến cõi trời này huân tập chơi đùa cho đến chết của người ở cõi Uất Đơn Việt.
9. Thân Trung Ấm ở cõi Cù Da Ni
Trung Ấm Hữu thứ chín: Người cõi Cù Da Ni mạng chung sanh đến cõi trời thì có hai loại nghiệp. Những gì là hai loại? Đó là:
- Nghiệp còn lại.
- Nghiệp phát sanh.
Sanh ở trên cõi trời, người ấy vào lúc sắp mạng chung, thì có tướng hiện bày. Nhờ vào thiện nghiệp, lúc sắp xả mạng, hơi thở không hỗn loạn bế tắc. Mạch thông không bị hủy hoại, các căn hoàn toàn thanh tịnh. Thấy hồ nước rộng lớn, nước trong hồ điều hòa thích hợp, rào rạt mà chuyển dời, trôi nổi đến bờ bên kia.
Đã đến bờ bên kia, trông thấy các Thiên Nữ, đoan chánh xinh đẹp. Thấy đủ các loại trang nghiêm, cười đùa ca múa vui vẻ. Người ấy trông thấy rồi, tâm mong muốn gần gũi. Khi tiến về phía trước ôm lấy người nữ, ngay lập tức sanh đến cõi trời. Được hưởng thọ sự vui sướng của cõi trời như trong mộng, thân Trung Ấm liền diệt đi. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ chín. (Người cõi Cù Da Ni thọ sanh có ba phẩm, nghiệp phẩm Thương Trung-Hạ. Cùng một ánh sáng như nhau. Cùng một Trung Ấm. Tất cả đều tương tự chứ không giống như người cõi Uất Đơn Việt, có ba loại tướng thọ sai biệt.).
10. Thân Trung Ấm ở cõi Phất Đà Đề
Trung Ấm Hữu thứ mười: Người cõi Phất Đà Đề vào lúc sắp mạng chung, trông thấy tướng của cái chết. Trông thấy nghiệp của mình, hoặc thấy nghiệp của người. Hoặc thấy cung điện thù thắng trang nghiêm, tâm sanh ra hoan hỷ, muốn đến đó thọ sanh.
Ở bên ngoài cung điện trông thấy những thể nữ, cùng với những người đàn ông ca hát vui vẻ vô cùng. Lúc ấy Trung Ấm Hữu dấy lên ý niệm như vậy: Mong muốn được cùng nhau vui đùa. Liền đi vào đùa với mọi người. Giống như tỉnh giấc ngủ, lập tức sanh lên cõi trời. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ mười.
11. Thân Trung Ấm ở cõi Ngạ Quỷ
Trung Ấm Hữu thứ mười một: Các loài ngạ quỷ đã hết ác nghiệp mà nhận được thiện nghiệp còn lại. Chúng vốn ở trong những đường khác đã làm thiện nghiệp. Giống như cha mẹ, sắp sanh vào trong loài trời thì có tướng hiện bày.
Nếu trong loài ngạ quỷ chết đi muốn sanh lên cõi trời, ở trong loài ngạ quỷ bị đói khát thiêu cháy thân thể, thường tham ăn uống, thường nghĩ đến nước cháo, thì lúc sắp mạng chung không còn khởi niệm. Niệm vốn có đều diệt hết. Tất cả nghiệp thảy đều không gần gũi. Tuy thấy đồ ăn thức uống nhưng chỉ là vì mắt nhìn thấy. Nếu thấy thì như người trong mộng, không ăn không uống. Thấy cõi trời đáng yêu liền chạy đến nơi ấy, đến được nơi ấy thì lập tức sanh lên cõi trời. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ mười một.
12. Thân Trung Ấm ở cõi Súc Sanh
Trung Ấm Hữu thứ mười hai: Bởi vì ngu si cho nên thọ thân súc sanh, vô lượng chủng loại sai khác, nhận chịu trăm ngàn vạn ức thân sanh tử. Rơi vào địa ngục-ngạ quỷ-súc sanh, luân chuyển trong thế gian không thể cùng tận. Nhờ vào thiện nghiệp còn lại, trong súc sanh chết đi, sanh vào hai cõi trời: Hoặc sanh ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Hoặc sanh ở cõi trời ba mươi ba.
Ở đường ác của loài súc sanh, lúc khổ báo sắp hết, muốn được thoát thân thì có tướng hiện bày. Lúc sắp mạng chung thấy ánh sáng hiện rõ ra. Nhờ vào thiện nghiệp còn lại mà tâm ngu si giảm đi rất nhiều. Hoặc thấy nơi vui sướng liền chạy đến chỗ ấy, như thấy trong giấc mộng. Chạy đến chỗ ấy thì lập tức sanh lên cõi trời. Đây gọi là Trung Ấm Hữu mười hai.
13. Thân Trung Ấm ở cõi Địa Ngục sanh lên cõi Trời
Trung Ấm Hữu thứ mười ba: Chúng sanh địa ngục rất hiếm có và khó được sanh lên trên cõi trời. Nhân duyên thiện còn lại, nếu như nghiệp thành thục, thì người địa ngục này, bởi vì nghiệp đã chết, cho nên sắp được thoát ra. Từ địa ngục này vào lúc sắp mạng chung thì có tướng hiện bày.
Lúc mạng sống sắp kết thúc, hoặc bị các ngục tốt ném vào trong vạc sôi, giống như bọt nước, diệt rồi không sanh lại nữa. Hoặc dùng gậy đánh, hễ đánh vào thì chết ngay, không còn sanh lại nữa. Hoặc bị bỏ vào hòm sắt, bỏ vào rồi liền chết, không còn sanh lại nữa. Hoặc bỏ vào sông tro, đưa vào rồi tiêu hết, không còn sanh lại nữa. Hoặc đánh bằng gậy sắt, hễ đánh vào liền chết, chết rồi không sanh nữa. Hoặc các loài chim sắc ăn thịt rồi không sanh nữa. Hoặc các loài thú dữ ăn thịt rồi không sanh nữa.
Người địa ngục này đã không còn ác nghiệp. Sau khi mạng chung không còn trông thấy ngục tốt-Diêm La. Như dầu đã hết thì không còn đèn của nghiệp. Tướng của Trung Ấm Hữu địa ngục không còn hiện ra. Bỗng nhiên thấy ở giữa hư không xuất hiện cảnh tượng ca múa chơi đùa thật vui vẻ. Gió thơm ngát tỏa nhẹ trên thân cảm nhận niềm vui bậc nhất, ý muốn đến gần thì lập tức thác sanh: Hoặc sanh đến cõi trời 33, hoặc sanh đến cõi trời Tứ Thiên Vương. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ mười ba.
14. Thân Trung Ấm ở cõi Người tái sanh về cõi Người
Trung Ấm Hữu thứ mười bốn: Trong loài người chết đi còn sanh lại trong loài người thì có tướng hiện bày. Vào lúc lâm chung thấy tướng như vầy: Thấy núi đá to lớn, giống như hình tướng ấy ở trên thân mình. Lúc bấy giờ người ấy nghĩ như vậy: Núi như hình tướng ấy ở trên thân mình. Lúc bấy giờ người ấy nghĩ như vậy: Núi này có lẽ rơi xuống trên thân của mình. Vì vậy đưa tay muốn ngăn cản núi này.
Bà con thân thích trông thấy nói là người sắp chết nắm lấy hư không. Đã thấy cảnh tượng này rồi lại thấy núi này giống như tấm vải bông trắng, liền bước lên tấm vải bông này, thế là thấy tấm vải bông đỏ. Lần lượt trải qua giai đoạn lâm chung lại thấy ánh sáng. Thấy cha mẹ mình đang vì ái dục làm điều hòa hợp mà khởi tâm điên đảo.
Nếu người nam thọ sanh, thì tự thấy chính mình cùng với mẹ giao hợp. Cho rằng cha làm cho trở ngại. Nếu người nữ thọ sanh, thì tự thấy chính mình cùng với cha giao hợp. Cho rằng mẹ làm trở ngại. Đang lúc bấy giờ, thân Trung Ấm liền diệt đi, Sanh Ấm tiếp tục khởi lên. Như dấu in được vào, dấu in hủy hoại mà nét in đã thành. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ mười bốn: Ở trong loài người mạng chung sanh lại trong loài người.
15. Thân Trung Ấm loài Trời 1.
Trung Ấm Hữu thứ mười lăm: Trong loài trời mạng chung vẫn sanh lại trên cõi trời thì không có khổ não. Như Thiên Tử nơi khác, lúc mạng chung vì nỗi khổ ái ân ly biệt mà rơi vào địa ngục- ngạ quỷ-súc sanh. Nếu Thiên Tử này không mất đồ dùng trang nghiêm trên thân mình. Hoặc không có vị rời khác ngồi vào chỗ trước đó của họ thì sanh vào cõi trời thù thắng hơn. Như ở cõi trời Tứ Thiên Vương sau khi mạng chung đến cõi trứ 33, tướng trạng thù thắng đáng yêu hơn. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ mười lăm, nối tiếp theo chủng loại của mình.
16. Thân Trung Ấm loài Trời 2.
Trung Ấm Hữu thứ mười sáu, chủng loại nối tiếp nhau. Nếu từ cõi trời phía trên mạng chung lại sanh vào cõi trời phía dưới, thấy các loại hoa sen-vườn rừng-sông hồ, cũng đều không sánh được. Đã thấy cảnh tượng đói khát khổ não này, thì khao khát mong muốn có được nơi nương nhờ, liền sanh đến nơi ấy.
Như vậy tuy cùng sanh cõi trời, nhưng mà hai loại Ấm Hữu, hai loại tướng thọ sanh. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ mười sáu, nối tiếp theo chủng loại của mình.
17. Thân Trung Ấm cõi Phất Bà Đề sanh đến cõi Cù Đà Ni
Trung Ấm Hữu thứ mười bảy, chủng loại nối tiếp nhau. Nếu người cõi Phất Bà Đề sanh đến cõi Cù Đà Ni, thì có tướng như thế nào? Người cõi Cù Đà Ni sanh đến cõi Phất Bà Đề, lại có tướng như thế nào? Như vậy người ở hai cõi, hai bên sanh đến cõi của nhau, đều dùng chung một tướng.
Lúc sắp mạng chung thấy hang sâu đen tối. Trong hang này có ánh sáng màu đỏ, buông xuống phía dưới như lá phướn, hoặc là đỏ-hoặc là trắng. Người ấy trông thấy đưa tay nắm lấy, Ấm hiện tại liền diệt đi. Dùng tay nhận lấy lá phướn, lần lượt duyên theo lá phướn, tiến vào trong hang này, nhận lấy thân Trung Ấm, tiếp cận với Sanh Ấm, thấy mình thọ sanh. Cách thọ sanh cũng như trước đã nói: Hoặc thấy hai con trâu, hoặc thấy hai con ngựa. Vì ái nhiễm giao hợp liền sanh tâm ham muốn. Đã sanh tâm ham muốn thì nhận lấy Sanh Ấm. Đây gọi là Trung Ấm Hữu thứ mười bảy.”
( Thân trung ấm là gì )
Tuệ Tâm 2019.