Con người mỗi ngày tạo ra vô biên các loại nghiệp mà chẳng biết. Vậy tạo nghiệp là gì? Tạo nghiệp nghĩa là bất cứ gì ta làm, qua thân, lời hay ý, đều sẽ có một hậu quả tương ứng. Mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm, dù nhỏ nhất, cũng đều tạo nên nghiệp thiện ác tương ưng. Tạo nghiệp thiện thì cảm được phước lành, tạo nghiệp ác thì chiêu lấy tai họa.
Nghiệp không hư hoại như những vật thể ở ngoài. Nó không thể bị thời gian, lửa hay nước phá hoại. Năng lực của nghiệp sẽ không bao giờ biến mất cho đến khi nó chín mùi. Mặc dù những hậu quả của nghiệp chúng ta có thể chưa chín, nhưng chúng chắc chắn sẽ chín, khi gặp điều kiện thích hợp.
Người ta thường hiểu lầm nghiệp với định mệnh hay tiền định. Tốt nhất nên hiểu nghiệp là luật nhân quả tất yếu điều khiển vũ trụ. Danh từ karma, nghiệp, có nghĩa là “hành động,” và karma vừa là năng lực tiềm tàng trong hành động vừa là hậu quả mà hành động đem lại. Có nhiều loại nghiệp: Nghiệp quốc tế, nghiệp quốc gia, nghiệp đô thị, và nghiệp cá nhân. Tất cả đều tương quan mật thiết với nhau, và chỉ có một người đã giác ngộ mới hiểu được sự phức tạp của chúng.
- Lời Phật dạy về báo ứng của Thập ác.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Tánh hóa linh tàn là gì.
- Giàu sang phú quý do đâu mà có
- Pháp sư Cưu Ma La Thập chuyện.
- Hàn Sơn Thập Đắc là Bồ Tát thị hiện.
- Cách cúng thần linh tại nhà đúng pháp.
*
Nghiệp lực từ đâu sinh ra? Nghiệp lực được sinh ra từ thân khẩu ý của chúng ta. Trong đó, ý dẫn dắt và nắm phần cốt lõi tạo nên nghiệp lực. Trong cuộc sống hằng ngày, khi chưa hiểu biết Phật pháp và nhân quả, ta thường tạo vô biên các ác nghiệp. Những ác nghiệp này làm cho tâm của ta càng ngày càng tối tăm, lu mờ; như một tấm gương bỏ lâu ngày, không ai chùi rửa, không thể soi được nữa.
Nghiệp ác không ở đâu xa, chúng phát sinh trong thân, khẩu, ý của mỗi chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn nhớ nghĩ như vầy: Sát sanh làm hại cho người lẫn vật nên tạo nghiệp tổn thọ. Trộm cướp làm khổ cho người bị nghèo đói, rách rưới, buồn rầu đau khổ không thể kể xiết. Tà dâm là điều không hợp lễ tiết, thường gây sự rối ren trong gia đình; và nhất là mang tiếng xấu, làm mất phẩm giá con người.
Nói dối mất lòng tin cậy. Nói thêu dệt làm chia lìa ân nghĩa. Nói lưỡi hai chiều làm tăng trưởng oán thù. Nói lời hung ác, trước dơ miệng mình, sau chiêu lấy họa. Ham muốn quá sức thì luôn thấy mình thiếu mãi, càng khổ thân nhọc trí. Giận hờn tức tối, lửa sân nổi lên, làm hư công hỏng việc và bao nhiêu rừng công đức đều tiêu tan. Si mê không rõ chánh tà, mờ ám chân lý gây đủ các tội.
Tạo nghiệp là gì
Ngài Quả Khanh bảo: “Chúng ta từ khi sinh ra trong cõi dục giới này, vì chấp trước ái luyến mà biến thành ngu si, do ngu si nên chìm đắm trong tình yêu nam nữ, hám danh mê lợi, sa vào đầm lầy ái kiến, do vậy mà mất đi chánh lộ. Cũng do tham ái, bị sân, si, mạn, nghi trói buộc vì vậy trôi lăn trong tam giới lục đạo, chìm trong biển khổ sinh tử chẳng biết hồi đầu, càng khó biết được nghiệp duyên kiếp trước. Đời này không những tự tạo đủ ác nghiệp làm ô nhiễm bản tâm, còn dạy người tạo ác, tàn phá tịnh mệnh.
Chẳng hạn như hướng dẫn người sát sinh ăn thịt, các chương trình gia chánh dạy giết vật chế biến… ca ngợi giết, hoặc giới thiệu, chỉ điểm các chỗ ăn nhậu, uống rượu, tà dâm, xúi giục vọng ngữ, trộm cắp, nói phải thành trái v.v… đều thuộc tội phá tịnh mệnh người. Trong Kinh Địa Tạng giảng: Người trong thế giới Ta bà “cử tâm động niệm không chi là chẳng phải tội”.
Có những chuyện nhìn theo phàm phu thì thấy hỗ trợ người là tốt, nhưng nhìn theo con mắt xuất thế thì là tội! Thế gian như mộng huyễn, đều là không cứu cánh, mà pháp xuất thế là pháp chân chánh giúp người giác ngộ.
*
Chẳng hạn như việc bạn giết gà mổ cá cho cha mẹ dùng, nếu nhìn theo con mắt thế gian thì bạn là hiếu tử, nhưng nhìn theo pháp xuất thế ắt sẽ định là: Bạn phạm tội sát sinh bao gồm cả tội giới thiệu hoặc mời thỉnh, xúi giục người ăn nhậu hải sản v.v… vì vậy mà khi báo, đài, các chương trình quảng cáo cho trình chiếu cảnh giết thịt làm thức ăn… đều là tạo nghiệp trong vô hình mà không hay.
Do không hiểu Phật pháp nên ngu muội, thành ra làm việc thiện ác lẫn lộn không biết phân biệt. Hiếu thuận đương nhiên là tốt, tương lai bạn sẽ sinh được con hiếu thuận. Nhưng do bạn phạm lỗi sát sinh ăn thịt, tội này nhất định kiếp sau bạn phải đem thân hoàn trả. Vậy bạn nói xem? Chuyện này có quan trọng không?
Không ai phủ nhận nết tốt: Bạn đã tiết kiệm nhín nhút để mua thịt cá, hải sản về cho cha mẹ dùng. Nhưng chính vì nghiệp sát này mà sẽ có một con hoặc vài con vật tìm đến báo oán và sẽ đầu thai làm con bạn, để tương lai chúng sẽ dồn bạn vào cảnh thống khổ tận cùng. Đến lúc đó, do bạn không hiểu nên sẽ khởi tâm oán trời trách người: Vì sao một kẻ hiếu thuận như bạn lại sinh ra nghịch tử? Mà hoàn toàn không biết đó là do bạn tự làm tự gánh.
*
Thế nên, đã muốn hiếu thuận cha mẹ đúng pháp trọn vẹn, thì phải học thuộc câu Phật dạy: “Các điều ác không làm” và sáng suốt hành theo, đây mới là chánh đạo. Bạn cần khuyên cha mẹ giữ ngũ giới, tu thập thiện, niệm Phật. Đó mới là hiếu chân chánh.”
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Từ sáng đến tối mình tạo thân nghiệp, tạo khẩu nghiệp, tạo ý nghiệp. Thử xét tư tưởng của mình: Hết tưởng người nầy không tốt lại tưởng người kia đối với mình không đẹp; tưởng người nọ đối với mình nghĩ như vầy, nói thế kia, cho nên trong lòng tạo ra đủ thứ nghiệp tham, sân, si. Ở nơi miệng, mình cũng tạo nghiệp, nào là nói thị phi, hoặc là nói láo, nói lời thêu dệt, nói điều ác ôn, nói điều đâm chọc hai đầu làm cho người nầy người kia bất hòa.
Có những người một ngày không nói những chuyện thị phi thì giống như một ngày họ không sống vậy. Một ngày không nói láo giống như ngày đó họ không có cơm ăn vậy, họ cảm thấy rất là khó chịu, nên từ sáng tới tối phải nói chuyện thị phi, nói chuyện láo lếu thì họ mới sống được. Các vị coi thử mấy người nầy có kỳ quái chăng? Thật làm cho người ta tốn công giải thích!
*
Những người có tật xấu mà tự mình không nhận lỗi, lại còn che đậy, bao che cho cái tội của mình. Cho rằng mình đâu có nói dối, mình nào có vọng tưởng, mình cũng chẳng có dục niệm, đeo cái mặt nạ giả để đi lừa người khác. Kỳ thật ở đời nầy làm sao mình có thể lừa được ai? Chẳng những mình không lừa được người khác mà tự mình cũng không lừa được chính mình. Tại sao vậy? Tại vì khi mình có vọng tưởng, thì thử hỏi xem mình có biết hay không? Nếu mình biết thì mình không cách gì lừa được mình. Nếu không lừa được chính mình, thì làm thế nào để lừa người khác chứ? Chỉ có người ngu si thì mới đi lừa kẻ khác thôi.
Người không thật sự tu hành thì mang mặt nạ, lòng dạ đen tối, không giữ quy luật, chẳng làm chuyện quang minh chính đại, song không chịu thừa nhận. Do đó trong sự sinh hoạt hằng ngày, y giống như kẻ được sinh ra trong say đắm, chết đi trong mộng mị.”
Tạo nghiệp là gì? Nghiệp lực từ đâu sinh ra
Vì chúng sanh tạo nghiệp nên trên thế giới mới thấy xuất hiện bao nhiêu là tai nạn. Có câu nói: “Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo,” ba thứ này liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu không khởi hoặc thì sẽ không tạo nghiệp, và từ đó không có quả báo.
Khởi hoặc là khởi lên sự mê lầm, do thiếu trí huệ chân chánh nên không sáng suốt khi đối diện với sự lý, nghĩa là tâm điên đảo. Nói rõ hơn, đây là trường hợp không biết phân biệt rõ ràng các điều thị phi, thiện ác, ngay đến trắng đen cũng không phân định, chánh tà cũng không biết. Tóm lại, tất cả đều do sự thiếu xét đoán minh bạch mà nguồn gốc chính là sự tác quái của vô minh.
Tạo nghiệp thì phải kể cả tạo thiện nghiệp và tạo bất thiện nghiệp. Tạo thiện nghiệp sẽ được quả sanh ở trên thiên, tạo ác nghiệp thì bị đọa địa ngục. Bởi không phân biệt rõ nên mới tạo ra nào nghiệp trộm cắp, nghiệp tà dâm, nghiệp nói dối, nghiệp uống rượu v.v.. nhưng trong các nghiệp này thì cũng có sự khác biệt về mức độ nặng nhẹ.
Tạo nghiệp từ sát sanh
Như hành động giết những con muỗi, con kiến chẳng hạn, đó gọi là sát sanh. Giết bò giết heo là sát sanh. Nhưng trong trường hợp này nghiệp báo không nặng lắm, bởi súc sanh là loài ngu si, nhất thời không kiếm ra được kẻ giết mình, mà có kiếm ra thì cũng không biết phương cách gì để báo thù.
Thế nhưng, trong thế gian, luật nhân quả rất là công bình. Trong sự mông lung của đời sống, chẳng biết từ đâu và do đâu, ta sẽ thấy nhân quả kiếm tới, có thể ta sẽ mắc phải một quái tật, hay sẽ bị bệnh hành hạ, đó là một thí dụ về sự báo cừu có tính cách tiêu cực. Như ngày nay những người mắc bệnh ung thư, phần đông là do kiếp trước hay kiếp này đã tạo ra các nghiệp trọng về sát sanh, nên mới gặp loại bệnh không có thuốc chữa này.
Trong các nghiệp sát sanh thì nghiệp sát nhân là nghiêm trọng nhất. Nạn nhân bị giết biến thành oan hồn, tức khắc theo dõi anh, oan cừu chẳng báo, chẳng cam tâm, nên nhất định sẽ chờ, có cơ hội là báo oán xưa. Kẻ sát nhân ắt bị pháp luật trừng trị, hoặc giả tâm thần không an ổn, đứng ngồi không yên, luôn luôn ở trong một hoàn cảnh bị đe dọa, chẳng chóng thì chầy tinh thần sút kém, nếu chẳng chết thì cũng bị điên loạn.
Tạo nghiệp từ Trộm cắp
Phàm là kẻ trộm cướp, tâm thường phập phồng sợ hãi. Người ta thường nói: “Tặc nhân đởm hư,” kẻ trộm thì gan mật suy yếu. Nếu chẳng có hành vi trộm cắp thì ngửng lên chẳng hổ, cúi xuống chẳng thẹn, có gì đâu mà hãi sợ? Việc ta làm, ta tạo tác, rất là đường hoàng quang minh, còn sợ gì nữa?
Tạo nghiệp từ Tà dâm
Hành dâm là điều cấm tuyệt đối với người xuất gia, còn đối với các đệ tử Phật tại gia thì việc tà dâm chỉ cấm nếu không phải là giữa vợ chồng. Ngoài ra, tư tưởng dâm dục cũng phải giới, không thể nào cứ từ sáng đến tối hồ tư loạn tưởng, suốt ngày để cho tư tưởng dâm dục ám ảnh cho đến bạc cả tóc, rụng cả răng! Có biết đâu, tới kiếp sau những tư tưởng đó vẫn còn theo đuổi, rồi kiếp kế tiếp mãi mãi không thôi, đúng là “vì dâm dục mà sanh, vì dâm dục mà tử.”
Tạo nghiệp từ Nói dối
Người nói dối, không bao giờ tin vào lời nói của bất cứ ai. Bởi chính mình không nói lời chân thực nên cứ nghĩ rằng người khác cũng không nói thực. Có câu nói: “Lấy cái tâm tiểu nhân, đo lòng người quân tử.” Chính mình chuyên nói dối để gạt người khác do đó mới cho rằng người khác cũng nói lời dối gạt như mình.
Tạo nghiệp từ Uống rượu
Phàm người uống rượu dễ bị mất lý trí. Ðương lúc hăng say không kịp nghĩ tới hậu quả nên dễ tạo ra những việc thương luân bại lý. Lý do là “tửu hậu vô đức” lý trí lúc bấy giờ không kềm hãm được tình cảm nữa.
Tạo nghiệp nên phải chịu quả báo
Chúng sanh do khởi hoặc nên tạo nghiệp, thọ báo, trồng nhân nào thì gặt quả ấy, đó là đạo lý rất tự nhiên. Nếu trồng nhân Phật thì đặng quả Phật, trồng nhân Bồ Tát thì gặt quả Bồ Tát, trồng nhân Duyên Giác thì gặt quả Duyên Giác, trồng nhân Thanh Văn thì gặt quả Thanh Văn. Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác là bốn Thánh Ðạo.
Trong sáu đường phàm thì có ba đường thiện là Thiên, Nhân, A-tu-la; còn ba đường ác là Súc sinh, Ngạ quỷ, Ðịa ngục. Nói tóm lại, nếu trồng nhân của ba đường thiện sẽ gặt quả của ba đường thiện, trồng nhân của ba đường ác sẽ gặt quả của ba đường ác. Ðạo lý đó đúng, không sai sót một mảy may và cũng không bao giờ thay đổi; và tuyệt nhiên chẳng có sắc thái mê tín nào cả.
Người si mê thì không biết sự lợi hại của đạo lý nhân quả nên cứ tùy tiện hành động, chẳng tin nhân quả, thậm chí họ còn bác bỏ. Người có trí huệ thì biết nhân quả báo ứng hết sức lợi hại nên sợ làm những điều sai lầm với nhân quả. Bất luận làm chuyện gì đều phải ba lần suy nghĩ rồi mới thực hành.
Bậc thánh nhân xuất thế tu hành là để chấm dứt vòng nhân quả. Kẻ phàm phu thì tạo thêm tội lỗi trong chuỗi nhân quả. Không có tội thì tạo thêm tội; tạo ra tội rồi thì chẳng chịu nhận đó là tội, còn cho là chuyện đương nhiên, chẳng có mảy may hổ thẹn. Thật là chồng chất thêm tội lỗi, chẳng thể tha thứ đặng!
*
Chúng sanh có nhiều loại dị biệt; bao quát thì chỉ có hai loại là thiện với ác, nhưng mỗi thứ đều khác nhau. Mỗi loại, mỗi thứ tạo những nghiệp riêng, rồi thọ những quả báo riêng; nhưng nói chung thì tất cả chúng sanh đều ở trong pháp Ngũ Uẩn ( Tức là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.) mà hình thành nghiệp quả sai biệt của mình. Nếu ta quan sát và thông đạt được nghiệp quả báo ứng sai biệt này thì sẽ thấu suốt tất cả pháp tánh mà chẳng hủy hoại đạo lý của pháp tánh đó:
Trí giả liễu tri chư Phật Pháp,
Dĩ như thị hạnh nhi hồi hướng,
Ai mẫn nhất thiết chư chúng sanh,
Linh ư thực Pháp chánh tư duy.”
Dịch là:
Người trí thấu rõ mọi Phật Pháp,
Vậy nên tu hành để hồi hướng,
Với lòng thương xót mọi chúng sanh,
Khiến họ nghĩ đúng nơi chân lý.”
*
Kẻ có trí huệ thì liễu giải Pháp của Phật nói ra, cho nên họ tu hạnh Bồ Tát, hồi hướng tất cả thiện căn mà họ tích tập được. Vì sao mà hồi hướng thiện căn cho chúng sanh? Vì họ ai mẫn tất cả chúng sanh! Bồ Tát thấy chúng sanh quá mê muội; những điều chúng sanh làm đều điên đảo. Bất luận là giáo hóa chúng sanh như thế nào thì chúng sanh cũng không lãnh hội được.
Nếu dạy họ phải quên mình vì người, bỏ ngọn theo gốc, ủng hộ Chánh Pháp, làm cho Chánh Pháp trụ thế, thì họ chẳng bao giờ tin tưởng. Chúng sanh thật đáng thương hại. Cho nên các ngài khuyên chúng sanh đừng làm chuyện ác, mà làm chuyện thiện; đối với Pháp chân thật thì phải làm theo cho đúng.
Thế nào là điều chẳng đúng? Các vị hãy tự phản tỉnh và suy nghĩ một cách chi ly, không những một lần mà phải thường thường suy nghĩ, coi thử các vị có phạm lỗi lầm nhân quả không? Ở mọi nơi, mọi lúc, các vị phải hồi quang phản chiếu, phản tỉnh lại phản tỉnh, kiểm thảo rồi kiểm thảo, như vậy thì mới đúng là tín đồ chân chánh của đạo Phật!
Về tạo nghiệp đối với người học Phật
“Người tu hành chân chính, cần làm chủ tâm mình, khiến tâm luôn bảo trì chánh niệm, nếu tâm chạy lệch, phải kéo về chính niệm ngay, nếu giữ được tâm không lăng xăng tà vạy, ắt là không tạo nghiệp.
Pháp môn tu hành tuy có vô số, nhưng chỉ cần làm chủ mình, quản tâm không hướng ác, bảo trì chính niệm thì tu pháp gì cũng đúng. Ngược lại, nếu chỉ chú trọng tu ngoài miệng mà tâm không tu, nghĩa là tuy miệng có niệm Phật, trì chú, tụng kinh… mà không lưu ý điều tâm ly ác hướng thiện, bội trần hiệp giác, thì cho dù có tu pháp gì cũng vẫn là sai, vì đây gọi là ngoài tâm cầu pháp, nên muốn thành tựu thì không có lý đó. Trong Phật môn có câu: Tâm chánh tu tà pháp, tà cũng biến thành chánh. Tâm tà tu chánh pháp, chánh cũng biến thành tà.”
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy:
Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thủy tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chi sở sanh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối.”
Dịch là:
Tất cả ác nghiệp tạo từ xưa,
Ðều do vô thủy tham, sân, si,
Theo thân miệng ý mà phát sanh,
Con nay hết thảy xin sám hối.”
*
Chúng ta từ xa xưa đến nay tạo nghiệp ra có thứ ác, thứ thiện; thiện ác trộn lẫn chẳng rõ ràng. Cho nên có lúc thì mình sinh tâm lành, có lúc thì sinh ra ý niệm ác. Một niệm thiện thì “không làm điều ác mà làm tất cả điều lành.” Nhưng khi khởi niệm ác thì chỉ nghĩ “làm tất cả điều ác, không làm điều lành.”
Bởi vì từ vô lượng kiếp đến nay lẫn lộn thiện ác như vậy, nên ngày nay làm thiện song ngày mai lại muốn làm ác, rồi ngày mốt thì tạo ra điều chẳng thiện chẳng ác.
Ðến khi tu Ðạo thì mình khó mà thoát khỏi nghiệp báo. Nên có lúc thì muốn tu hành, có lúc thì chẳng muốn tu, có lúc muốn thanh tịnh, có lúc lại muốn nhiễm ô. Cứ mặc cho ngọn sóng đưa đẩy, không biết phiêu lưu tới chỗ nào. Ðó đều do những ý niệm dấy khởi hồi xa xưa bây giờ kết thành cái quả. Có ý niệm lúc đầu muốn tu hành, mà ý niệm sau thì muốn hoàn tục; ý niệm trước thì muốn hoằng dương Phật Pháp nhưng ý niệm sau thì muốn hủy diệt Phật Pháp. Thật là vô cùng phức tạp. Như vậy thì phải làm sao? Thì cần phải học trí huệ Bát Nhã; nghĩa là:
Trạch thiện nhi tùng,
Phi thiện tắc cải.
Thị Ðạo tắc tiến,
Phi Ðạo tắc thối!”
Dịch là:
Lựa điều lành mà theo,
Hễ điều xấu thì sửa.
Nếu là Ðạo thì tiến tới,
Không phải là Ðạo thì thối lui!”
*
Lúc nào mình cũng phải đề cao cảnh giác tựa như là đi bên bờ vực thẳm, hệt như là đi trên mặt băng mỏng. Tu hành cần phải vô cùng cẩn thận như vậy! Nên nói: Sai chi hào ly, mậu chi thiên lý. (Sai một ly đi một dặm.)
Cho nên tu hành là: “Cử động hành vi quản tự kỷ, Hành, trụ, tọa, ngọa bất ly gia “.( Phải quản chế cử động, hành vi của chính mình, Ði, đứng, nằm, ngồi thì không rời “nhà.”) Lúc nào mình cũng cần có ý niệm thanh tịnh, ý niệm sáng suốt quang minh; đừng khởi ý niệm nhiễm ô, đừng khởi ý niệm hắc ám. Phải hết sức cẩn thận trong mỗi một suy tư, mỗi một ý nghĩ. Mỗi ý niệm nếu là thiện thì quang minh càng nhiều, nếu ý niệm là ác thì mình càng hắc ám. Người thiện thì có ánh hào quang trắng, người ác thì chỉ toàn là khí đen. Thế nên làm thiện hay làm ác đều tự nhiên biểu hiện nơi hình tướng của mình.
Các vị có thể lừa người nhưng không thể lừa quỷ, thần, Phật, Bồ Tát. Do vậy, bất luận là kẻ xuất gia hay kẻ tại gia, nếu lừa dối như vậy thì chỉ tạo ác nghiệp, chẳng có công lao gì với Phật Giáo. Phải hiểu rằng vì sao mà từ vô lượng kiếp đến nay mình không thoát khỏi cái khổ luân hồi sinh tử, luôn luôn hồ đồ ngu tối như vậy? Là bởi vì cái “trương mục ngân hàng” của mình không có rõ ràng; đầy những thứ hỗn tạp, cái thanh tịnh và cái nhiễm ô mỗi thứ một nửa, cho nên không ra khỏi Lục Ðạo luân hồi!
*
Nếu mình muốn chân chính tu hành thành Phật thì trước khi thành Phật mình phải dũng mãnh tinh tấn, không được tùy tiện. Cần phải biết rằng: Một ngày đã qua, Mạng cũng giảm dần, Như cá cạn nước, Thử hỏi gì vui? Ðại chúng! Hãy siêng tinh tấn, Như đầu bị đốt. Chỉ nhớ vô thường, Chớ mặc buông lung.
Có người hoài nghi: “Phải chăng có ông Diêm La Vương và có con quỷ Vô Thường (Thần Chết) thật?” Cái đó phải xét coi các vị có thể chẳng chết hay không? Nếu các vị có thể chẳng chết tức là không có con quỷ Vô Thường. Nếu các vị có bản lãnh ghê gớm, không thọ quả báo thì tức là không có ông Diêm La Vương. Bạn có thể chẳng chết hay không? Nếu không thể được thì đương nhiên là có ông Diêm La Vương và con quỷ Vô Thường; các vị đừng cho rằng mình hết sức thông minh, “tự bịt tai đi ăn cắp chuông, vừa rung chuông vừa chạy” tự mình lừa dối chính mình.
Các vị phải biết, từ vô lượng kiếp đến nay bởi vì không tin có ông Diêm La Vương hay có quỷ Vô Thường cho nên mình mới ở trong Lục Ðạo luân hồi, quay đi quay lại, chẳng cách gì thoát khỏi vòng sinh tử được!”
(Tạo Nghiệp là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )
Tuệ Tâm 2022.