Tâm Từ Bi là gì
Pháp Giới 9 tháng trước

Tâm Từ Bi là gì

Tâm từ bi là tâm thương xót, muốn cứu khổ hết thảy chúng sanh một cách vô điều kiện, bình đẳng và không phân biệt chấp trước. 

  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về Hạn Tam Tai.
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.

Cách để phát khởi tâm từ bi đơn giản nhất là quán xét rằng: “Ta cùng chúng sanh đều sẵn đủ đức hạnh, tướng hảo trí huệ của Như Lai. Mà vì mê chân tánh, khởi hoặc nghiệp nên phải bị luân hồi, chịu vô biên sự thống khổ. Nay đã rõ như thế, ta phải dứt tâm ghét thương phân biệt, khởi lòng cảm hối. Khởi tâm từ bi tìm phương tiện độ mình cứu người, để cùng nhau được an vui thoát khổ.”

Tâm từ bi là gì
Tâm từ bi là gì

Nên nhận rõ từ bi khác với ái kiến. Ái kiến là lòng thương yêu mà chấp luyến trên hình thức, nên kết quả bị sợi giây tình ái buộc ràng. Tâm từ bi là lòng xót thương cứu độ, mà lìa tướng, không phân biệt chấp trước. Tâm này thể hiện dưới đủ mọi mặt, nên kết quả được an vui giải thoát, phước huệ càng tăng.

Phát Tâm Từ Bi cũng chính là Phát Tâm Bồ Đề

Muốn cho tâm từ bi được thêm rộng. Ta nên từ nỗi khổ của mình, cảm thông đến các nỗi khổ khó nhẫn thọ hơn của kẻ khác. Tự nhiên sanh lòng xót thương muốn cứu độ, niệm từ bi của Bồ Đề tâm từ đó phát sanh.

Đại khái như trong hoàn cảnh chiến tranh hiện nay: Trẻ thơ phải nhờ cha mẹ nuôi dạy, mà cha mẹ lại bị tử nạn thành ra côi cút bơ vơ. Lại như người già phải nhờ con cái phụng dưỡng. Ngặt nỗi con cái đều bị yểu vong, nên phải buồn đau cô khổ. Thấy những cảnh ấy, động lòng xót thương, muốn cứu độ. Niệm từ bi của Bồ Đề tâm chưa phát bỗng tự phát sanh.

Những thanh niên thông minh khỏe mạnh. Tương lai đầy hy vọng bỗng bị bom đạn làm cho tàn phế. Nhiều thiếu nữ đang hồi xuân sắc, bỗng bị tử thần cướp mất. Khiến nỗi lạc bước sa đọa, hoặc thành cảnh mẹ góa con côi, sanh kế sống còn của ngày mai mờ mịt. Thấy những cảnh ấy, ta động lòng xót thương muốn cứu độ. Tâm từ bi chưa phát bỗng tự phát sanh.

*

Có nhiều người đau yếu, mà vì vật giá cao quý, không tiền thuốc thang. Thành ra kéo dài thân bịnh khổ qua năm tháng, đôi lúc lắm kẻ phải quyên sinh. Có những người nghèo nàn thất nghiệp. Nay vợ đau, mai con bịnh, rách rưới lang thang, nợ nần đòi hỏi. Hằng chịu đói lạnh qua ngày tháng, sống cũng lỡ mà chết chẳng xong.

Lại có những kẻ mang nhiều tâm sự buồn khổ không bạn lành khuyên lơn giải thích. Những kẻ mê tối tạo nghiệp không biết ngày mai mình sẽ khổ, không gặp Phật pháp để tìm lối thoát ly. Thấy những cảnh ấy, động lòng thương xót muốn cứu độ, tâm từ bi  chưa phát bỗng tự phát sanh.

*

Nói rộng ra, như trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền đã khai thị: “Bồ Tát quán sát chúng sanh không nơi nương tựa mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh tánh chẳng điều thuận mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh nghèo khổ không căn lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh ngủ say trong đêm dài vô minh mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh làm những điều ác mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh đã bị ràng buộc, lại thích lao mình vào chỗ ràng buộc mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh bị chìm đắm trong biển sanh tử mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh vương mang tật khổ lâu dài mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh không ưa thích pháp lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh xa mất Phật pháp mà khởi đại bi…” Đã phát đại bi tâm tất phải phát đại Bồ Đề tâm thề nguyền cứu độ. Thế thì tâm đại từ bi và lòng đại Bồ Đề dung thông nhau. Cho nên phát từ bi tâm tức là phát Bồ Đề tâm. Dùng lòng đại từ bi như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm. (Niệm Phật Thập Yếu)

Thế nào là Từ Bi

Từ bi là khi nghĩ đến sự đau khổ của người khác, ta cũng thấy xót xa. Đó là một phản ứng thiện, tự phát, đi cùng với ước muốn làm giảm bớt sự đau khổ của người khác.

Tâm từ bi đòi hỏi phải có một đối tượng. Để vun trồng được tâm từ bi, chúng ta cần quán tưởng lại những đau khổ mà cá nhân chúng ta đã trải qua, cảm nhận sự khổ đau của người khác, và tạo được mối tương quan trực giác giữa các kinh nghiệm đau khổ của ta và của người.

Thí dụ, chúng ta nghe một đứa trẻ bị đánh hay bị lạm dụng. Ta sẽ hướng tâm mình đến nỗi đau của đứa trẻ kia có thể bằng cách nhớ lại những cảm giác đau đớn trong lòng khi ta bị đối xử tệ. Rồi chúng ta phát lời ước nguyện, “Nguyện cho những sự đau đớn như thế không xảy ra cho bất cứ ai trên thế giới này. Cầu mong rằng không có đứa trẻ nào bị ngược đãi như tôi đã từng bị ngược đãi.”

Hay khi có ai đó bị đau bệnh, ta hồi tưởng lại cảm giác khó chịu và đau đớn như thế nào khi bệnh hoạn, và chúng ta mong rằng không có ai nữa phải chịu những sự đau đớn và lo lắng tương tự. Hoặc chúng ta nhớ đến sự đau khổ khi phải chia lìa người mà ta thương yêu. Ký ức này sẽ dẫn đến tâm từ bi đối với bất cứ ai phải bị chia lìa với người thương yêu vì tử biệt, chia ly, hay bị ruồng bỏ, và ta ước muốn rằng không ai phải trải qua những sự đau khổ như thế.

Từ bi và yêu thương

Từ bi và tình thương yêu hỗ trợ lẫn nhau. Khi tâm chúng ta đầy lòng thương yêu, thì lòng ta rộng mở và tâm ta trong sáng đủ để nhìn nhận ra nỗi khổ của người khác. Thí dụ có ai đó đã đối xử với ta bằng thái độ khinh bỉ hay cao ngạo. Bằng tình thương, ta nhận ra rằng thái độ thô lỗ này ắt phải xuất phát từ một người đang có nội tâm đau khổ, vướng mắc.

Vì chúng ta cũng đã trải qua nhiều vấn đề trong đời mình, lòng từ bi của ta sẽ phát khởi, và ta tự nhủ, “Người này chắc hẳn đang đau khổ. Làm sao tôi có thể giúp họ? Nếu tôi giận dữ hay bực tức, tôi sẽ không thể nào giúp họ được. Mà tôi còn có thể làm cho vấn đề của họ thêm nghiêm trọng.” Chúng ta tự tin rằng nếu ta tiếp tục hành động một cách thân thiện, khiêm hạ, thì người này có thể dần dần, hay ngay lập tức, được lợi lộc.

Có thể một lúc nào đó sau này, người đó sẽ ngưỡng mộ việc chúng ta làm thế nào mà vẫn duy trì được sự tử tế, hòa nhã, thân thiện dầu bị khiêu khích, xúc phạm và họ bắt đầu bắt chước cách đối xử tử tế khi giao tiếp với người khác. Là đệ tử của Phật thì lòng từ bi của ta càng rộng lớn, như trong một câu chuyện kể của Kinh Đại thừa:

Câu chuyện điển hình về tâm từ bi

Xưa có một vị tăng tu thiền tâm từ, muốn có đủ công đức để được gặp Phật Di Lạc, Đức Phật của lòng thương yêu. Sự tu tập của vị tăng này đã làm tâm ông trở nên hiền dịu đến nỗi ông không làm hại đến bất cứ sinh vật nào.

Một ngày kia, ông gặp một con chó nằm bên vệ đường rên la đau đớn. Một vết thương hở miệng trên thân con vật khốn khổ này với đầy những dòi bọ. Vị tu sĩ quỳ gối xuống trước con chó. Ý nghĩ đầu tiên của ông là phủi những con dòi bọ khỏi vết thương của con chó. Nhưng rồi ông suy nghĩ, “Nếu ta dùng một cái cây để phủi những con dòi bọ này, ta có thể làm chúng đau đớn. Nếu dùng tay, ta có thể làm chúng chết vì chúng là những sinh vật rất nhỏ nhoi. Và nếu ta bỏ chúng xuống đất, sẽ có người đạp chúng.”

Rồi ông nghĩ ra điều ông phải làm. Ông cắt thịt đùi của mình, đặt xuống đất. Rồi ông quỳ xuống và lè lưỡi ra để đỡ những con dòi bọ khỏi vết thương của con chó và đặt chúng trên miếng thịt của mình. Khi ông làm thế, con chó biến mất. Và thay vào chỗ nó là đức Di Lạc, vị Phật của tình thương yêu.

Tâm từ bi: Lời kết

Chúng ta có thể tự coi mình là những người từ bi, nhưng mức độ từ bi của chúng ta không thể nào so sánh với vị thánh tăng đó! Chung quanh ta có bao nhiêu đau khổ. Mỗi ngày chúng ta có nhiều cơ hội để thực hành tâm từ bi, tuy nhiên ta thường thấy việc đó khó làm. 

Tại sao? Câu trả lời là đứng trước khổ đau -dầu là nỗi đau của người- ta cũng khó chịu đựng nổi. Để tránh né, chúng ta lãng ra chỗ khác, nhắm mắt lại, hay gồng mình chịu trận. Thực tập chánh niệm giúp chúng ta thư giãn và nhu nhuyến trước bất cứ hoàn cảnh nào mà cuộc đời trao cho ta. Khi ta để tâm mình nhẹ nhàng và trái tim rộng mở, thì suối nguồn của tâm từ bi có thể tự do tuôn tràn.

Thực hành tâm từ bi đối với người thân, chắc chắn là một thử thách, nhưng nó rất cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta ngay hiện tại và trong tương lai. Cha mẹ, người hôn phối, và con cái rất cần đến lòng bi mẫn của chúng ta. Chúng ta cũng cần có lòng bi mẫn đối với bản thân.

Tuệ Tâm 2020.

 

Xem Thêm:   Tự lực và tha lực niệm Phật là gì

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog