Tam Tịnh Nhục là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Tam Tịnh Nhục là gì

Tam Tịnh Nhục là phương tiện tạm mà đức Phật dành cho những người sơ học đạo: Do chưa thể một lần dứt tuyệt ngay được đồ mặn để trường chay. Mục đích để người ấy dần dần sanh khởi từ tâm, biết quý tiếc sinh mạng của chúng sanh, rồi trường chay tu tập để nhanh được thành tựu.

Như vậy, Tam Tịnh Nhục là loại thịt mà người học Phật được phép ăn lúc mới bước chân vào đạo, nếu nó thỏa mãn ba điều kiện cốt yếu sau đây:

  1. Loại thịt không do chính Tay ta giết hại vật mà có.
  2. Loại thịt mà Mắt của ta không thấy người giết hại.
  3. Loại thịt mà Tai ta không nghe thấy tiếng rên xiết thê lương của con vật khi bị giết.

Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Vì người ăn thịt dê nên dê chết sinh làm người, người chết sinh làm dê (để trả món nợ ăn dê). Ăn thịt các chúng sinh khác cũng vậy, sinh ra rồi chết đi, đời này sang đời khác ăn thịt lẫn nhau, cùng tạo nghiệp ác, tiếp nối mãi không dứt.” Đức Phật không nói lời dối gạt, sao có thể ngờ vực không tin?

  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
  • Từ Bi là gì.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng kinh cho người mới mất.
  • Lương Hoàng Bảo Sám.
  • Hồng Danh Sám Hối.
Tam tịnh nhục là gì
Tam tịnh nhục là gì

Tam Tịnh Nhục chỉ là phương tiện tạm

Người học Phật chân chánh cần nắm rõ rằng: Tam Tịnh Nhục chỉ là  phương tiện tạm, dùng để hóa độ những người chưa kịp thích ứng để có thể bỏ thịt cá được ngay. Đây hoàn toàn không phải là pháp cứu cánh cho người học đạo. Tại sao thế? Bởi người học Phật biết rằng chúng sanh vốn bình đẳng.

Ta cùng họ vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Nay ta nhờ phước nghiệp nên được làm người; họ do ác nghiệp nên phải đọa vào hàng dị loại. Nay ta lại may mắn biết đến Phật pháp, rõ lý nhân quả luân hồi; biết hết thảy chúng sanh đều có tánh linh, đồng một Phật tánh như ta không sai khác. Nhìn thấy họ phải mang lông, đội sừng, áo vảy…Không phát tâm thương xót, muốn cứu độ thì thôi, nỡ nào còn muốn uống máu ăn thịt chúng nữa hay sao?

*

Bạn nếu tinh tấn hành trì, một mai kia thân tâm tịch tĩnh, trong một niệm Thiên nhãn được khai mở. Lúc ấy nếu nhìn người khắp thế gian, ắt kinh tâm động phách. Vì sao thế? Vì trên thân người người nào cũng có vô lượng thần thức của khắp các loài bị chúng ta ăn nuốt. Chúng ở đó chờ ngày phước báo của ta suy hao thì báo oán.

Đó cũng là lý do căn bản của hết thảy mọi bệnh tật trên thế gian: Cứ hễ nơi nào trên thân của ta bị thần thức động vật bám nhiều, nơi ấy ắt sinh ra bệnh. Nhẹ thì đau nhức, nặng thì mổ xẻ; nặng nữa thì ung bướu hành hạ cho đến ngày thân tứ đại trả về cát bụi. Cuộc sống vốn vô thường, thân tâm ta cũng vô thường. Nay biết pháp lìa sanh tử, không khởi tâm từ bi để đạo nghiệp sớm thành tựu, còn tham tiếc làm gì máu thịt của chúng sanh?

Xin chép lại một câu chuyện trong Nhân quả báo ứng hiện đời, tập 6, làm minh chứng:

Tam Tịnh Nhục: Một buổi quán sát nhân quả

Nghe Viện dịch kinh thong báo có Cư sĩ Quả Khanh và con gái từ Thiên Tân đến chủ trì pháp hội. Họ giải đáp về nhân quả nên tôi vội đến tham dự.

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cư sĩ Quả Khanh và con gái Quả lâm của ông.

Tôi hỏi mình mới hơn 20 tuổi, vì sao tim thường đau? Hơn nữa luôn bị suyễn, cảm thấy hay bị hụt hơi, khó thở… Nhưng y viện tìm không ra nguyên nhân. Tôi biết mình có bệnh, nhưng chẳng hiểu là do nguyên nhân gì?

Khi nghe tôi nêu câu hỏi, cả hai cha con đều nhắm mắt chừng khoảng mười giây, không nói gì. Sau đó thấy Quả Lâm gật gật đầu, rồi lại lắc đầu.

Sau khi mở mắt, cô ta bảo tôi: Trên mình chị có vô số tôm, cá, cua, các loài thủy tộc, hải sản… Tất cả đều tranh nhau tố cáo tội lỗi chị đã gây ra với chúng cho tôi nghe. Do vậy mà chúng không thể để cho chị sống an.

Tôi lập tức phân bua là mình đã ăn chay.

Quả Lâm lại nhắm mắt tiếp, một lúc sau cô mở mắt bảo tôi:

– Những chúng sinh hành bệnh trên than chị giải thích rằng: Dù đã ăn chay, nhưng chị lại sốt sắng chỉ dạy, hướng dẫn người cách nấu đồ mặn. Chẳng hạn như chế biến món tôm như thế nào.

*

Đến đây thì tôi cứng họng, ngẩn ngơ, vì câu đáp nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Cả đời tôi chỉ có một lần dạy người chế biến món tôm. Lúc đó không ai chứng kiến, vậy thì tại sao lại có kẻ biết rành như thế? Lẽ nào, những thần thức loài vật kia đều thấu rõ từng khởi tâm động niệm của tôi?

Lúc đó tôi bật khóc, cảm thấy mình đã quá sai lầm. Ngay khi tôi thốt lời xin lỗi các con vật từng bị tôi ăn, thệ rằng: Sau này chẳng những tôi không ăn, mà còn khuyên người đừng ăn. Khi đó tôi khóc mùi mẫn, nước mắt nước mũi tèm nhem. Không xấu hổ khi tại hội trường đông đến năm, sáu mươi người.

Bây giờ thì Cư sĩ Quả Khanh lên tiếng. Ông nói tôi làm thế mới là chân thành sám hối. Ông khuyên tôi hãy bắt đầu niệm Phật để cầu Phật siêu độ cho các chúng sinh khốn khổ kia. Tôi mới niệm mấy câu Phật hiệu, thì Cư sĩ Quả Khanh nói:

– Phật A Di Đà đã xuất hiện ở phía trên trung tâm của hội trường.

Chúng tôi ngẩng đầu lên nhìn. Lúc này tôi có cảm giác cực kỳ lạ lùng, giống như vừa được nhấc tảng đá to ra khỏi tim. Tôi cảm thấy lồng ngực cực kỳ sảng khoái dễ chịu và đã có thể hít thở một hơi dài thông suốt. Nghe nhẹ nhõm khinh an vô cùng! Tim bây giờ đã hết đau, không còn khó chịu…Thật không sao diễn tả được trạng thái hạnh phúc, hân hoan lúc đó.

*

Ngay khi ấy tôi hướng về mười phương chư Phật, Bồ tát đảnh lễ: Cảm tạ đã ban cho tôi cơ hội trùng sinh. Tôi cũng hướng về Cư sĩ Quả Khanh và Quả Lâm đảnh lễ: Cảm tạ hai vị đã giảng giải, giúp tôi minh bạch nhân quả và còn chỉ cho phương pháp làm tiêu nghiệp. Nếu như trên con đường học Phật, tôi có được thành tựu nào, tất cả đều nhờ công đức to lớn của hai vị đã hướng dẫn.

Tối đó tôi phát hiện hai chân mình trước đây vốn không thể khoanh lại, nay đã có thể xếp bằng, còn có thể ngồi đến cả buổi, nghe toàn thân nhẹ nhàng. Có cảm giác công phu tu học Phật của mình đang tiến một bước dài so với trước đây.

Vì vậy tôi rất tự tin, cho là “Mình không sao rồi”. Nhưng tối đó khi đi ngủ, tôi bỗng phát hiện ra một việc rất kỳ quái: Hình như có nhiều vật lạ đang du hành trên thân tôi. Mục tiêu chuyển động của chúng thảy đều hướng về phía trái tim và lồng ngực tôi. Việc này xảy ra lúc tôi còn chưa ngủ, thần trí cực kỳ tỉnh táo.

* Tam Tịnh Nhục *

Tôi lặng lẽ theo dõi và phát hiện: Đầu tiên có nhiều vật đang bò từ khuỷu tay lên đến bắp tay. Có nhiều loài đang bò từ đầu gối lên tới bắp đùi; có nhiều vật đang bò từ bụng lên, còn những loài ở trên đầu thì đang di chuyển xuống.

Nghĩa là sau lưng, trước mặt, khắp trên thân tôi đều có nhiều vật đang di chuyển. Có loài đi nhanh, có loài đi chậm. Nhưng tất cả đồng nhắm chung đích đến là: Tim và ngực của tôi, hình như chúng quyết chọn hai chỗ đó làm căn cứ trú ẩn.

Cả quá trình này diễn ra chưa đến một phút, tôi không thấy sợ hãi là nhờ đang niệm Phật. Tuy tôi đã đoán được phần nào sự việc. Thế nhưng tôi cũng cần nhờ người có trí tuệ giúp mình xác minh cho chắc chắn.

Mấy ngày sau, tôi đến tham dự hội thuyết giảng nhân quả của Quả Khanh và Quả lâm. Cô gái trẻ (ngồi cạnh tôi) cũng có khả năng lần ra nhân quả giúp người. Tôi bèn nhờ cô xem giùm: Hiện có loài thủy tộc nào chưa chịu theo chư Phật, Bồ tát mà còn đang trú trên thân tôi? Cô này quan sát khắp than một hồi, rồi đáp:

– Trên than bạn có rất nhiều loài thủy tộc, cá, tôm v.v…

Tôi hỏi: Còn bao nhiêu?

Cô nói:

– Nhiều lắm, nhiều không kể xiết. Chúng đeo khắp trên thân bạn. Nhất là hai nơi tim, ngực chứa đầy.

*

Sau đó nhờ cư sĩ Quả Khanh và con gái ông giải thích, tôi đã hiểu rõ và nhận thức được như sau:

Do tôi hơn hai mươi năm nay đã ăn quá nhiều loài vật, nhất là loài thủy tộc. Nên thân luôn bị đau nhức và mắc phải nhiều bệnh. Bởi những con vật này tuy đã chết rồi, song oán khí chưa tan, nên thần thức chúng kéo đến trú cả trên thân tôi. Vì vậy mà nhất ngôn, nhất hạnh, nhất cử, nhất động của tôi… toàn bộ đều bị chúng nắm rõ.

Chúng biết tim là nơi trọng yếu của khí quản, ngực là nơi trọng yếu của tạng khí. Cho nên chúng quyết định đóng đô ở đó! Đầu tiên chúng chọn ngụ ở tim, tiếp theo là ngực; kế đến bụng, đầu và tay chân.

Tùy theo số lượng chúng sinh tôi giết, ăn…mà tim và ngực tôi càng lúc càng bị bệnh nặng. Khi bọn chúng khó chịu thì xúm nhau cắn xé, châm chích, rứt thịt tôi ăn… để giải hận. Đây chính là lúc tôi cảm thấy tim ngực mình phát đau tột cùng.

Sau khi Phật A Di Đà xuất hiện đem các chúng sinh trên thân tôi đi. Số nào đồng ý thì đi, số không ưng thì ở lại, tiếp tục hướng tôi báo thù, đòi nợ. Vì sao mà ngay lúc tôi nghĩ rằng: “Mình đã không sao rồi”, thì ý tưởng đó rất ư là nhầm lẫn. Bởi vì hãy thử nghĩ xem: Tôi có phúc đức công năng gì mà có thể nương vào một vài câu niệm Phật hay chỉ một lần sám hối là có thể tiêu hết đại tội kia chứ?

*

Những chúng sinh quyết ở lại không chịu đi này, đã nhìn thấy tim ngực tôi là hai chỗ trú đóng tuyệt hảo để báo thù. Do vậy mà chúng quyết không lìa xa, còn tranh nhau giành chỗ. Đó là lý do vì sao tối đó khi đi ngủ tôi phát hiện ra có rất nhiều vật đang di chuyển trên thân mình. Có lẽ ban ngày chúng cũng “hành quân” tranh nhau đi đến tim, ngực tôi trú đóng. Nhưng do ban ngày bận rộn, không yên tĩnh bằng ban đêm, nên tôi không phát hiện ra.

Từ khi tôi có “khách không mời mà tự đến đóng đô như thế này rồi, thì kể từ đó tôi vô phương ngồi thiền (thật xấu hổ). Hiện tại tôi chỉ có thể tĩnh tọa khoảng một tiếng thôi.

Do trên thân tôi có nhiều chúng sinh không đi, mà sám hối là phương pháp giải oán rất hữu hiệu, nên tôi quyết định hành pháp sám hối, thỉnh cầu chư oan gia tha thứ, tôi lễ sám, tạo phúc… cầu cho họ cũng là tự giúp mình.

Ngay đây tôi cũng nhớ lại một câu chuyện nhân quả mà Quả Khanh, Quả Lâm cũng khó hòa giải:

* Tam Tịnh Nhục *

Có một vị Sư nọ tu rất tinh tấn, nhưng tim bị đau trầm trọng. Cả hai cha con họ Dương đồng nhìn ra nguyên nhân: Hiện có một con cá lớn đang đóng đô ở nơi tim vị ấy. Cư sĩ Quả Khanh và con gái đồng khuyên con cá, nhưng nó nhất quyết không chịu bỏ đi.

Sau khi Quả Lâm trò chuyện với nó một hồi, thì mới biết con cá này đang yêu cầu vị tu sĩ kia: Tự chính ông phải nhớ lại xem: Ông đã giết nó lúc nào, nơi nào, lý do gì? Nếu nhớ được và sám hối, thì nó sẽ bỏ đi ngay lập tức. Bằng không thì đừng hòng… và cũng miễn bàn hay điều đình chi nữa. Nó cũng không cho Cư sĩ Quả Khanh và con gái xen vào nhớ giúp.

Vị tu sĩ khốn khổ này suy nghĩ mãi mà không thể nhớ ra… do vậy con cá kia không chịu đi.

Tôi chẳng biết đến bây giờ ông ta đã nhớ ra chưa?

Tôi kể câu chuyện này vì muốn nói rằng: Oan có đầu, nợ có chủ. Sau khi tôi sám hối xong thì Phật A Di Đà chỉ đem đi được một phần oan gia trái chủ. Số còn lại còn hơn một nửa, chúng không chịu đi và quyết trụ lại để báo oán ngay trên thân tôi.

*

Tôi tuyệt không nghi ngờ chi việc chư Phật, Bồ tát có thể giúp tôi tiêu nghiệp. Nhưng các Ngài đã giúp rất nhiều rồi, phần còn lại phải do chính tôi tự cứu và hóa giải oán kết cho đến bao giờ chủ nợ chịu tha thứ. Tôi cần phải nỗ lực nhiều, mình làm thì mình chịu… há chẳng phải trong kinh luôn giảng: Chúng ta cần phải sám hối rất nhiều hay sao?

Câu chuyện của vị tu sĩ kia đã cung cấp cho tôi một phương pháp sám hối tốt: Do oan gia luôn muốn chúng ta nhớ lại mình đã phạm lỗi với chúng như thế nào. Vậy nên tôi bắt đầu hồi tưởng lại hết: Cố nhớ cho đủ các loài, bao gồm cả những gà, cá, vịt… tôi đã ăn và giết vào trường hợp nào; ăn bộ phận nào, nơi đâu, xơi nhiều ít, lúc nào? Tôi ráng nhớ tỉ mỉ lại hết. Sau đó vì chúng sinh niệm Phật hoặc tụng chú vãng sinh để sám hối.

Tôi thường vừa khóc vừa niệm Phật. Bởi tôi phát hiện ra mình đã giết hại, làm tổn thương quá nhiều. Do tôi sợ mình nhớ sót các chúng sinh, nên phải tìm quyển Bách khoa toàn thư mà tra thêm. Kết quả tôi phát hiện thêm có một số chúng sinh đã bị tôi ăn qua và quên béng mất. (do đã rất lâu tôi không ăn tới). Vì bây giờ tôi đã ăn chay cho nên có rất nhiều chúng sinh bị tôi lãng quên. Tôi bèn vì chúng sám hối, hồi hướng và phát hiện ra cách này cực kỳ hiệu quả.

* Tam Tịnh Nhục *

Khi tôi vừa bắt đầu sám hối, tu sửa… thì phát hiện có rất nhiều loài đang chuyển động trên thân. Nhưng lần này không giống lúc trước, vì đích nhắm của bọn chúng là: Ra khỏi thân tôi. Chẳng hạn như từ đầu gối chúng di chuyển xuống mắt cá chân. Chưa đến bàn chân thì đã biến mất không còn thấy nữa.

Sau đó, tùy theo số lần sám hối của tôi gia tăng, mà số vật trên thân giảm thiểu dần. Sau này tôi có cảm giác hầu như không còn vật gì chuyển động trên thân mình nữa.

Tôi nghĩ, nếu như có thể mời thỉnh các chúng sinh này đi, thì đấy cũng là nhờ uy lực chư Phật, Bồ tát và công đức của danh hiệu Phật gia trì.

Xin kể thêm một điều hay nữa: Kinh và chú Lăng Nghiêm có uy lực rất lớn, có thể khiến người lập tức bỏ mặn ăn chay, mà tôi là bằng chứng rõ nhất.

Hồi trước khi qua Mỹ du học, đã có nhiều lần tôi muốn ăn chay, nhưng không được mẹ cho phép nên đành chịu. Sau đi đến Mỹ rồi, do việc học quá bận rộn nên tôi chưa nghĩ đến việc ăn chay.

*

Một hôm, nhờ bạn bè rủ đến Vạn Phật Thành tham dự pháp hội. Sẵn dịp tôi thỉnh một bộ kinh Lăng Nghiêm đem về nhà. Khi đó tôi chẳng biết kinh Lăng Nghiêm thuyết gì, chỉ nghe bạn bè nói: “Trong kinh này có bài chú rất hay, nhất là đối với kẻ sống một thân một mình tại Mỹ như tôi, sẽ tỏa lực bảo vệ rất tốt.”

Do vậy mà sau khi về tới nhà thì tôi bắt đầu đọc kinh Lăng Nghiêm. Xem được mấy trang, không hiểu gì nên tôi vội lật đến bài chú và bắt đầu đọc từng chữ, gắng nhiếp tâm trụ niệm nơi đó. Đây là lần đầu tôi đọc chú Lăng Nghiêm. Tất nhiên đọc qua chẳng dễ dàng, bởi có rất nhiều chữ tôi chưa từng thấy qua. Chỉ nương vào từng chú âm, phù hiệu… mà ráng đọc từng chữ một.

Vậy mà kỳ tích phát sinh: Đọc chú chưa được một nửa, thì đột nhiên tôi quyết định phải ăn chay. Hơn nữa tôi còn tin chắc là lần này mình làm được. Ý niệm ăn chay vừa phát thì tín tâm cũng sinh khởi theo, kiên cố đến mức ngay chính tôi cũng ngạc nhiên. Tôi lập tức chạy ra khỏi phòng, mở tủ lạnh kiểm tra tất cả thức ăn mình có, loại bỏ hết đồ mặn đi. Bà chủ nhà trọ nghe tiếng động liền chạy qua hỏi thăm. Sau khi biết chuyện bà nói:

*

– Sao không đợi ăn hết đồ hộp mặn đi rồi hẵng ăn chay? Vứt bỏ như vậy tiếc quá!

Lời lẽ và dáng điệu bà hàm chứa đầy bất bình, có vẻ như bà thấy tôi quá ngu muội. Phải biết là nếu tôi ném bỏ thức ăn đồng nghĩa với việc tự làm hao tổn khá nhiều tiền. Vì chỉ tính nội số đùi gà dự trữ kia thôi, cũng đủ dùng cho một tuần. Nhưng lúc đó tôi chỉ biết là mình không còn muốn ăn những thứ này, nên cương quyết loại bỏ. Khi nghe bà chủ nhà nói bà có thể dùng thì tôi tặng hết cho bà. Việc này làm bà mừng muốn nhảy nhổm.

Một tuần sau, tôi phát bệnh, sốt li bì đến không thể xuống giường. Bà chủ nhà nấu cháo cho tôi ăn, trong đó có chút thịt bằm.

Tôi rất khó chịu, nhưng không ăn thì không được. Kết quả: Mới ăn một ngụm thì đã phải lết vào nhà vệ sinh ói sạch hết. Tôi hiểu ra dụng ý của Bồ tát, nên kể từ đó đến nay đã mười mấy năm, tôi không hề ăn mặn lại. Hơn nữa cũng không thèm gì, đồng thời tôi cũng kiêng cữ luôn ngũ vị tân.

*

Nhờ chư Phật, Bồ tát đại từ đại bi gia hộ, tôi hầu như không phí chút hơi sức nào để thực hiện việc từ bỏ ăn mặn.

Tôi đã hiểu ra: Không nên cho người thức ăn mặn, cũng không nên mua đồ mặn cho người dùng. Giờ đây tôi tự biết tội mình đã tạo, nên thiết tha sám hối. Tôi nghĩ số thức ăn mặn mình muốn ném bỏ kia, đáng lẽ không nên cho bất kỳ ai.

Tôi tốt nghiệp rồi thì đến Cựu Kim Sơn công tác. Trước khi tìm nhà thuê, tôi thầm cầu chư Phật, Bồ tát an bài cho tôi kiếm được một nơi công tác gần nhà, gặp phòng thuê tiện nghi, an ninh, chủ nhà biết ăn chay.

Mối lo nhất của tôi là việc thuê phòng, vì những nơi xem qua tôi đều không vừa ý. Cuối cùng cũng chọn được một chỗ.

Khi tôi xem nhà và quyết định thuê thì phải đến cửa tiệm của chủ nhà để giao tiền. Lúc này tôi kinh ngạc đến ngây người, vì tiệm của chủ nhà là một nhà hàng chay. Sau này tôi mới nhận ra: Những gì tôi nguyện cầu không gì mà không mãn ý. Tôi quá cảm kích tri ân, bèn chí thành đảnh lễ chư Phật, Bồ tát.

Đồng trọ với tôi có một nữ sinh viên. Hôm nọ khi tôi chuẩn bị làm cơm, thì em cũng đang làm bếp. Trong lúc chờ đợi, tôi thấy em muốn làm món tôm nhưng vụng về không rành chế biến.

* Tam Tịnh Nhục *

Trước khi ăn chay, tôi là vua ăn hải sản, nên các món tôm, cá, cua… tôi rất sành ăn, sành nấu. Ngay từ nhỏ tôi luôn được dạy: Ăn hải sản thì phải chọn loại đang còn sống mới ngọt, ngon, bổ dưỡng.

Dòm thấy cô vụng về chẳng biết làm tôm như thế nào. Tuy tôi đã ăn chay nhưng tâm chưa thanh tịnh. Vì thế tôi đã “nổi máu anh hùng, ra tay cứu giúp cho”. Tôi lên mặt thầy, chỉ cô bạn tỉ mỉ cách làm, cách nấu; phải chế biên tôm làm sao cho ngon, cho khoái khẩu…

Đến bây giờ thì tôi đã biết mình sai, nên ngay đây xin thành tâm sám hối. Đúng ra tôi không nên hướng dẫn chỉ dạy người cách làm đồ mặn. Bởi do đó mà tôi bị thần thức con tôm oán trách, đeo theo báo thù.

Sau khi tổng kết, tôi rút ra được tám điều quan trọng:

*
  1. Tất cả những thức mặn đều không nên ăn, kể cả tam tịnh nhục, xin đừng vì khoái ăn mặn mà mượn cớ đó để dùng thịt, cá, chim, hải sản v.v…
  2. Muốn tiến trên đường tu, trước tiên cần giải quyết dứt điểm các tội nghiệp mình đã tạo, đặc biệt là nghiệp ăn thịt chúng sinh. Sám hối là phương pháp tốt nhất.
  3. Đừng một bề ỷ vào uy lực chư Phật, Bồ tát hay tha nhân sẽ giúp đỡ làm tiêu nghiệp tội của mình, bởi đây là việc không ai có thể chịu thay, vì: Oan có đầu, nợ có chủ.
  4. Chúng ta có thành tâm sám hối hay không, Bồ tát và oan thân trái chủ của ta đều biết rõ, chẳng thể gạt được ai.
  5. Đừng dạy người làm thức ăn mặn. Hiện tại tôi bắt buộc mình khi bị người hỏi cách làm món mặn như thế nào, tôi chẳng những không chỉ dạy mà còn khuyên họ: Nên nấu món chay.

Đây cũng bao gồm cả việc: Nếu người khác hỏi tôi một cân thịt giá bao nhiêu, tôi chẳng bao giờ hồi đáp. Tôi không cung cấp cho người bảng giá hay thực đơn thức mặn, không bao giờ tìm tiệm mặn giúp họ; tuyệt đối không cầm hay đem thức mặn đến cho người ăn; không bao giờ thốt lời mời người ăn mặn. Khi công ty đặt món, tôi luôn kiên trì yêu cầu họ đặt thức chay.

*
  1. Nếu phải cùng ngồi chung bàn ăn, mà trên bàn có thức mặn, thì tôi không bao giờ vì lịch sự mà thốt lời mời người dùng.
  2. Nếu không gặp bậc Đại thiện tri thức chỉ giáo cho, thì ta cần phải sám hối rất nhiều lần, mới có công hiệu. Bạn đừng nghĩ sám hối một lần là đối phương sẽ hết oán và tha thứ cho bạn.
  3. Nếu đã thực hành phương pháp sám hối, thì bạn chẳng nên nôn nóng, mà phải hết sức bền tâm, dần dần sẽ thấy có hiệu quả.

Tôi dùng phương pháp phân tích mới không bị thiếu sót, phương pháp này dành cho người ngu khờ (vì tôi vốn là kẻ ngu đần).

Thí như về loài cá, tôi từng ăn qua cá chim, cá chình, cá chép, cá diêu, cá nhám, cá vàng… thì tôi ráng nhớ rõ số cá chim… Mình ăn qua bao nhiêu, ở nơi nào, cá chép tôi ăn qua nhiều ít, ở đâu? Cứ thế mà hồi tưởng và sám hối. Tiếp theo là thịt trâu bò, tôi đã ăn qua bao nhiêu, ở đâu? Kinh nghiệm của tôi là tuyệt đối không nên nhớ sót bất kỳ chúng sanh nào. Cho nên khi nhớ rõ danh sách, sĩ số các loài chúng sinh bị hại thì bạn sẽ hiểu ra mình cần sám hối bao nhiêu biến mới được thanh tịnh.

Tôi đã sám hối rất nhiều, khi thành công thì đêm về nằm an ổn, ngủ rất ngon.

Đấy là kinh nghiệm bản thân tôi, xin chân thành chia sẻ, mong quý vị đều được lợi.

Bỏ Tam Tịnh Nhục là dấu hiệu đầu tiên khẳng định bạn đang tu đúng hướng

Thực ra, người chân chính học Phật, tinh tấn không giải đãi, thì tâm từ bi phát triển. Lúc đầu bạn còn ham ăn thịt. Dần dần, do lực nhiếp hộ của Tam Bảo nên tâm từ bi tăng trưởng không ngừng. Khi ấy, bạn nhìn thấy con kiến, con muỗi cũng thấy xót thương không có ý làm hại. Thêm một thời gian nữa, tự nhiên bạn sẽ thấy Tam Tịnh Nhục cũng không thể ăn được. Chỉ ngửi mùi thịt cá thôi cũng không thể nào chịu đựng nổi.

Khi ấy dù bạn ở trong nhà phiền não, nhưng tâm vốn đã thanh tịnh rồi. Dù gia quyến bận buộc, công việc đa đoan, chẳng thể trường chay…Nhưng trong tâm vẫn thấy nhờm gớm cá thịt, chỉ thích đậu rau. Đây là dấu hiệu điển hình chứng minh rằng: Bạn đang tu đúng pháp!

*

Bạn học Phật lâu ngày nếu tự nhiên sinh bệnh, hoặc xảy ra nhiều điều nghịch ý bất lợi. Khi ấy chớ vội khởi nghi tâm mà cho rằng Phật pháp chẳng linh. Phải biết rằng nguyên nhân chính là vì bạn còn ăn Tam Tịnh Nhục. Như thế, cho đến các việc như: Cắn phải lưỡi, va vào cửa, vấp ngã…đều là do bạn đã phạm lỗi gì đó, nên hộ Pháp nhắc nhở cho biết mà sám hối đó thôi. Lúc ấy, cần nhớ lại xem hôm nay mình đã phạm lỗi nào trong bốn thứ sát, đạo, dâm, vọng mà sám hối.

Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Vì người ăn thịt dê nên dê chết sinh làm người, người chết sinh làm dê (để trả món nợ ăn dê). Ăn thịt các chúng sinh khác cũng vậy, sinh ra rồi chết đi, đời này sang đời khác ăn thịt lẫn nhau, cùng tạo nghiệp ác, tiếp nối mãi không dứt.” Đức Phật không nói lời dối gạt, sao có thể ngờ vực không tin?

Vậy nên nếu bạn đã phát tâm cầu thoát ly sanh tử, xin chớ ăn Tam Tịnh Nhục!

( Tam Tịnh Nhục là gì )

Tuệ Tâm 2021.

Ghi chú: Phần trong ngoặc *…* là để nhấn mạnh chủ đề.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Làm thế nào để biết ai là bậc Chân Tu

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog