Tam Thân Phật là gì
Pháp Giới 8 tháng trước

Tam Thân Phật là gì

Mười phương ba đời chư Phật đều có Tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng. Tam Thân Phật là ba thân của đức Phật, bao gồm: Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân, trong đó:

  1. Pháp Thân: Là thể tánh Phật.
  2. Báo Thân Phật: Là thân quả báo cảm thành do muôn kiếp tu Phật.
  3. Ứng Hóa Thân: Là biến hóa ra từ nơi thân thiệt của Phật. Đức Phật tùy theo cơ cảm của chúng sanh mà biến hóa nhiều thân để độ. Cái thân do biến hóa đó gọi là Ứng hóa thân.
    *

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chư Phật có hằng triệu hóa thân lưu xuất từ chân tánh giác ngộ sáng suốt của các ngài. Phật tánh vốn sáng suốt, điều ấy là chỉ cho tánh sáng suốt vi diệu của bản giác. Bản giác là bản tánh giác ngộ vốn có trong mỗi chúng ta, và đó cũng chính là Phật quang. Từ trong Phật quang nầy mà hóa xuất các loài chúng sinh.

Để minh họa điều nầy, tôi tạm dùng một ví dụ dù chưa được chính xác lắm, nhưng cũng làm cho đạo lý trên sáng tỏ thêm. Hóa thân của chư Phật cũng giống như tấm ảnh của một người, chỉ khác là: Tấm ảnh không biết nó là vật vô tri. Trong khi ảnh tượng của chư Phật là những hoá thân.

Thông qua hoá thân, Đức Phật hình thành một người mà bản tánh của họ thừa hưởng từ Phật; và cá tính của người ấy có những nét giống Phật như đúc. Cũng giống như khi soi trong gương: Khi chúng ta đi qua trước gương liền có sự phản chiếu: Khi chúng ta đi qua rồi thì trong gương mất dạng. Hoá thân của chư Phật cũng y như vậy.”

  • Đức Phật A Di Đà có thật không.
  • Đức Phật A Di Đà khai thị.
  • Âm đức là gì.
  • Nên niệm Phật bốn chữ hay sáu chữ.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 
  • Các cảnh giới trên bước đường học Phật.
Tam Thân Phật là gì
Tam Thân Phật

Tam Thân Phật giảng giải

Về Tam Thân Phật, có nhiều quý Thầy giảng và mức độ hiểu dễ, khó khác nhau. Trong Trí Tịnh Toàn Tập, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có bài giảng rất dễ hiểu về chủ đề này, nay xin đưa lên đây cho bạn đọc sơ cơ cùng được lợi ích:

“Pháp thân là cái tự chứng của Phật và Phật lấy pháp tánh làm thân. Báo thân là do thiện căn vô lượng kiếp tu hành tự thành nhân Phật, mới có các báo, quả Phật. Cũng như mình có nhân người mới có thân người. Phật cũng có nhân Phật mới có thân Phật. Thân đó vô lượng hằng hà sa số tướng hảo trang nghiêm, không phải 32 tướng, 80 tùy hình hảo.

*

Thập địa Bồ tát gần thành Phật mới thấy được Báo thân Phật. Báo thân đó để độ Thập địa Bồ tát. Chính thân đó mới là kết quả của cái nhân thành Phật; cũng như thân người của mình là quả báo của nghiệp nhân người.

Cho nên mình thường nghe nói tu tập dứt hết tất cả cái này, cái kia, đến Niết bàn tịch diệt; nghe vậy sợ lắm. Tịch diệt là dứt những cái sai lầm, cái khổ, điên đảo, không đúng, không thật; không phải dứt cái chân thật. Nhưng người còn sai lầm, mê vọng, điên đảo như thế này mà nói chân thật, thì họ cứ nắm cái điên đảo, sai lầm cho là chân thật.

Ứng hóa thân chia ra ứng thân và hóa thân. Ứng thân có nhiều loại: Thắng ứng thân và liệt ứng thân. Liệt ứng thân như Phật Thích Ca giáng sanh vào hoàng cung… rồi nhập Niết bàn. Đó là liệt ứng thân, vì thân người là thân hạ liệt. Nhưng ở nơi cần phải ứng thân trang nghiêm. Vì ở chỗ đó thân người cao lớn, trang nghiêm tốt đẹp, thanh tịnh, thì Phật cần hiện thân đúng như vậy. Và hơn như vậy nữa, thí dụ Phật hiện thân làm người thì dầu thân người là thân hạ liệt, thì Phật cũng phải có ứng thân với 32 tướng đại trượng phu.

*

Chư Phật đều có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Pháp thân gọi là Tỳ Lô Giá Na. Báo thân gọi là Lô Xá Na. Lô Xá Na chỉ cho phần viên mãn quả đức. Chư Phật đã nhiều kiếp tu hành ở nơi phước và trí. Sự tu hành về phước và trí đó trong nhiều đời thuộc về ở nơi nhơn địa; nhơn địa hoàn mãn thì kết thành quả địa. Nhơn địa là Bồ tát, còn quả địa là Phật.

Quả địa là cái báo mà nhơn địa Bồ tát được. Cũng như mình tạo nghiệp thì có báo: Tạo nghiệp người thì có báo người, tạo nghiệp trời thì có báo trời. Chư vị Bồ tát cũng vậy, tạo nghiệp Phật, cho nên thành báo Phật. Báo Phật thường gọi là thành Phật.

Bây giờ đã có báo Phật, tất nhiên có thân Phật. Thân Phật đó do nơi nhơn Phật mà cảm thành thì gọi là Lô Xá Na. Cho nên Lô Xá Na là báo thân Phật vậy.

Tam Thân Phật: Về Ứng Thân Phật.

Sau khi thành Phật, chư Phật đều tùy theo cơ duyên của chúng sanh. Ở mỗi một thế giới ứng hiện thân cho vừa theo căn cơ của mọi loài chúng sanh để độ, để giáo hóa. Ứng thân đó vô lượng, vì chúng sanh có vô lượng loài, vô lượng căn cơ; cho nên thân Phật ứng hiện cũng vô lượng. Phật ứng hiện trong cõi Ta bà thế giới nầy, trong thời kỳ theo căn cơ của chúng sanh hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Nên biết rằng hiệu Thích Ca Mâu Ni đó chỉ là hiệu Phật theo căn cơ chúng sanh trong một thời kỳ đó thôi. Phật vì rằng đã theo căn cơ chúng sanh. Nếu ở một thế giới khác và căn cơ chúng sanh đó lại khác; ngôn từ cũng khác thì hiệu Phật cũng theo nơi đó mà có khác.

Tóm lại, Phật nào cũng có ba thân: Pháp thân chính là thể tánh Phật. Báo thân Phật là thân quả báo. Từ nơi thân thiệt của Phật, tùy theo cơ cảm của chúng sanh mà biến hóa nhiều thân để độ chúng sanh – Thân đó gọi là Ứng hóa thân.

Tam Thân Phật: Phân biệt Ứng Thân và Hóa Thân

Ứng thân và Hóa thân khác nhau thế nào? Ứng thân mỗi khi hiển hiện ra theo căn cơ chúng sanh để độ thì có từng giai đoạn – Gọi là phần căn cứ về lịch sử. Cũng như đức Thích Ca Mâu Ni Phật, trước đó có: Giáng thân, thọ thai nơi vương cung Tịnh Phạn ở nước Ca Tỳ La Vệ, Thiên Trúc. Rồi sanh ra làm thái tử Tất Đạt Đa. Lớn lên xuất gia tu hành thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Sau khi thành Phật, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh.

Từ khi xuất xứ cho đến kết cuộc, cũng đúng theo căn cơ của chúng sanh; cũng phải từ nơi mẹ sanh ra, rồi lớn lên, tạo sự nghiệp; rồi cũng già chết. Đức Phật cũng vậy. Sau khi thuyết pháp xong, công việc đã hoàn tất, đức Phật nhập Niết Bàn – Đó gọi là Ứng Thân Phật.

Còn Hóa Thân Phật cũng tùy trường hợp, chỉ có trong tùy lúc tùy thời mà thôi. Chúng sanh đủ duyên, cần được khỏi khổ, được vào đạo; Phật tùy theo đó mà hiện thân, để cho chúng sanh được thấy và giáo hóa họ. Không biết thân đó xuất xứ từ đâu, mà không biết đi về đâu; không có sự giáng sanh, cũng không phải có sự nhập Niết Bàn – Đó gọi là Hóa Thân.

*

Ứng Thân và Hóa Thân là những thân tùy theo cơ duyên của chúng sanh để độ. Như vậy, Ứng Thân và Hóa Thân có khác nhau. Ví như đức Quán Thế Âm Bồ tát cũng có Hóa Thân với Ứng Thân. Ứng Thân là… phần lịch sử; hoặc sanh trong nhà vua, lớn lên thế nào, rồi tu hành, rồi đắc đạo. Đó gọi là Ứng Thân của Ngài Quán Thế Âm Bồ tát.

Còn Hóa thân là tỷ như có người đang bị tai nạn, chí tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Lúc đó hoặc thấy có một bà già hiện đến cứu người ra khỏi tai nạn, rồi biến mất đi đâu. Như vậy gọi là Hóa Thân. Sau khi được cứu khổ rồi mới trực nhận rằng mình niệm đức Quán Thế Âm mới gặp được bà già. Lúc ấy biết rằng đức Quán Thế Âm hiện đến cứu khổ cho ta. Đức Lô Xá Na Phật là Báo Thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn Thích Ca Mâu Ni là Ứng Thân của Phật Lô Xá Na vậy.

Như trong kinh thường nói: “Khai môn phương tiện hiển thị tướng chơn thật”, chơn thật tướng là gì: Chính là pháp thân chơn thật mà đức Tỳ Lô Giá Na do nhiều kiếp tu nhơn chứng đặng, cùng cõi Thường tịch quang chơn độ của Phật trụ. Rồi từ pháp thân hiện báo thân Lô Xá Na ở nơi Tịnh Ðộ Thật Báo trang nghiêm; những thân cùng độ trên đây đều chơn thật, cho nên là chơn thật tướng.”

Tam Thân Phật: Đức Phật Thích Ca Là Ứng Thân

Trong Pháp Hoa Cương Yếu, Hòa Thượng Trí Tịnh dạy:

Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn là từ báo thân mà hiện ứng thân. Vì tùy cơ duyên nên cõi của đức Phật ở cũng đồng với chúng sanh – Tức là cõi uế độ Ta bà ngũ trược này, thân cùng độ này đều là giả. Vì giả nên phàm giáo pháp của đức ứng thân Phật thi thiết ra đều thuộc về quyền; bởi tùy theo quyền cơ của uế chúng, quyền là danh từ khác của phương tiện vậy.

Nhơn vì đức Tỳ Lô Giá Na khi thành chánh giác, hiện thân Lô Xá Na ngồi tòa kim cương. Nơi Bồ đề đạo tràng cùng vi trần pháp tánh Ðại sĩ nói kinh Hoa Nghiêm. Đây là cả thân cùng độ đều chơn mà giáo pháp cũng thật. Ngặt vì trong hội Hoa Nghiêm chỉ lợi cho bực viên căn đại thừa thôi. Còn hàng căn khí tiểu thừa cùng bực tích hạnh Bồ tát tuyệt phần, nên có câu: “Hàng nhị thừa đích thân ngồi tại tòa trong hội mà như đui như điếc”.

Vì thế nên đương lúc đức Lô Xá Na thuyết Hoa Nghiêm, chẳng ngại gì hiện thân ứng hóa Thích Ca Mâu Ni tám tướng thành đạo: Bắt đầu từ pháp hội nơi vườn Lộc, đem đạo nhất thừa mà phân biệt nói thành ba thừa, để tiếp dẫn cơ hạng trung và tiểu. Dùng sức phương tiện nói pháp tứ chơn đế, pháp thập nhị nhân duyên, sự lục độ v.v… đồng hóa độ ba căn.

*

Mặc dầu cũng có nói pháp giáo hóa Bồ tát nhưng đều thuộc về quyền giáo. Như ông trưởng giả trong phẩm thí dụ, hứa ba thứ xe để quyền cứu các con, chẳng phải là có thật. Ngày nào trong toàn chúng hội, hàng đệ tử của Phật, còn chưa chứng thấy pháp thân chơn cảnh, thời là ngày đức Thế Tôn, đấng đại bi bình đẳng chưa toại lòng. Như nói: “Ta vốn lập thệ nguyện rằng: Muốn làm cho tất cả chúng sanh đồng như ta không khác”.

Ý của đức Thế Tôn vẫn muốn cho chúng sanh mau chứng chơn cảnh pháp thân của Như Lai; để thẳng đến thiệt quả Hoa Tạng trang nghiêm. Ngặt vì chúng hội hạ liệt một mực chấp quyền là thật mà chẳng chịu thẳng đến trước; vả lại đối với chơn thuyên của đức Thế Tôn đúng thật tuyên bày lại nghi ngờ không tin không nhận. Làm cho đức Thế Tôn phải hao sức nhọc lòng: Hơn bốn mươi năm dùng đủ phương tiện uốn nắn đào thải.

*

Ðến nay căn tánh của chúng hội đã thuần thục, mà cơ duyên giáo hóa của Thế Tôn cũng sắp xong. Cho nên trong hội Pháp Hoa này, đức Thế Tôn thổ lộ bổn hoài khai trừ cả ba quyền giáo ngày trước- Để hiển nhứt thừa chơn thật. Trưởng giả gia nghiệp giàu lớn, chính là dụ cho pháp nhứt thừa viên diệu của hội Hoa Nghiêm.

Hàng Thanh văn chỉ nhận ứng thân Thích Ca Mâu Ni Phật là chơn, mà chẳng biết chính còn có chơn Phật. Chỉ thấy cõi uế độ Ta bà đáng nhàm mà không thể đạt được chơn cảnh thật tướng. Vì thiên nhận thiên kiến như thế nên khư khư một mực nắm chặt chỗ chấp sanh diệt, cùng niệm cho tịnh uế không chịu rời bỏ, bởi do không đạt lý “duy tâm sở hiện” nên đến đổi thế đó.

*

Sắp sửa nói kinh này, đức Thế Tôn trước phóng quang minh soi suốt mười tám nghìn thế giới phương đông: Chỉ toàn chơn cảnh của pháp giới chính là trong hàng ngày của chúng sanh chớ không đâu khác. Cảnh trí này không phải dùng tâm tư mà có thể đến được. Cho nên liền sau đó, đức Thế Tôn từ tam muội dậy, lại dùng ngôn thuyết phương tiện, nhiều cách chỉ bày. Trong đại chúng đều tin tự bổn tâm, đức Thế Tôn liền thọ ký làm Phật cho cả.

Ðúng như trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Lúc mới phát tâm biết tất cả pháp chính là tâm tự tánh, thành tựu huệ thân, tỏ ngộ chẳng do người khác”. Ðây chỉ mới rõ tự tâm chơn, còn chưa đạt được tự cảnh thật. Tâm cùng cảnh chưa dung thông thời chưa phải chơn nhơn thành Phật; còn thuộc về tri kiến của chúng sanh chớ chưa phải là tri kiến của Phật.

Các phẩm trước đức Phật thọ ký cho chúng hội, đã khai hiển tâm chơn. Cho nên nói phẩm này để chỉ cảnh thật, để thị Phật tri kiến. Trong phẩm này ý nghĩa rất xâu xa. Nếu không chính chắn tham cứu thời rất khó lãnh hội diệu chỉ. Ðem dung hội với Hoa Nghiêm lại càng rõ quy thú trong phẩm này thật là thâm huyền vậy…”

( Tam Thân Phật là gì – Theo Hòa Thượng Thích Trí Tịnh)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Đại lược về Giới Luật Phật Giáo – Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

14 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog