Tam tạng Kinh Phật cho người mới
Pháp Giới 12 tháng trước

Tam tạng Kinh Phật cho người mới

Tam Tạng Kinh Phật thuyết rất nhiều, nội dung và thế giới quan vô cùng vô tận. Theo như chư Tổ Sư thì: Sau khi trải qua mấy kỳ kiết tập, nội dung Kinh Phật cực kỳ phong phú, sách vở rất nhiều. Hiện thời pháp tạng đang lưu truyền gồm có 5000 cho đến 8000 quyển. Nhìn khắp tất cả tôn giáo trên thế giới, không có đạo nào Kinh điển nhiều bằng ba tạng của Phật giáo.

  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Cách tụng kinh cho người mới mất.
Tam tạng Kinh Phật cho người mới
Tam Tạng Kinh Phật giáo

Tam tạng kinh Phật là gì

Tam Tạng Kinh Phật tức là Kinh, Luật và Luận. Trong đó: “Kinh” Là những pháp về giáo lý, giải, hạnh, do Ðức Như Lai nói ra, hoặc hàng Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác hay Hóa nhân nói mà được Phật ấn chứng. Đạo pháp nầy hợp với chân lý, căn cơ, để cho người học Phật tu hành dứt trừ phiền não.

“Luật” Là những giới luật của Phật chế định, để cho hàng đệ tử y theo đó ngăn trừ những phi hạnh. Từ đó tu tập các pháp lành, thân tâm lần lần được thanh tịnh. “Luận” Có nghĩa bàn luận. Đây là những sách do các đệ tử Phật viết ra, để phát huy nghĩa lý nhiệm mầu trong kinh luật. Đây là bộ phận triết học của Phật giáo, có công năng quyết đoán tánh tướng các pháp, phân biệt lẽ chánh tà, khiến cho học giả khỏi nhận lầm. Luận Tỳ Bà Sa nói:

“Sao gọi là “tạng”. Chữ “tạng” có nghĩa là Trùm, chứa. Kinh, Luật, Luận sở dĩ được gọi là tạng vì nội dung trùm chứa vô lượng nghĩa lý nhiệm mầu, vì là giáo pháp thuyết minh tạng tánh của Như Lai. Trong ba tạng, riêng về giáo pháp của Phật nói ra hoặc ấn chứng, được gọi là Kinh. Còn bao nhiêu thì là Luật hay Luận. Nhưng ba tạng đều là giáo điển của đạo Phật. Đều có liên quan với lời Phật dạy, nên theo nghĩa rộng, cũng thông gọi là Kinh. Vì thế, nên lại có những danh từ như: Nhất thiết kinh, Đại tạng kinh, với ý nghĩa gọi chung cho ba phần giáo điển.”

Tam tạng kinh Phật: Thế nào gọi là Mười hai bộ kinh

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: ” Tam Tạng tức là Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng. Kinh Tạng nói về cái học của Ðịnh, Luật Tạng nói về cái học của Giới và Luận Tạng nói về cái học của Huệ.

Sau khi Ðức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp lãnh đạo 500 vị chứng quả A La Hán ở nơi Thất Diệp Quật để kết tập Ba Tạng Kinh Ðiển. Bấy giờ, Tôn giả A Nan ghi lại lời Pháp mà Ðức Phật đã dạy lúc còn tại thế và làm thành Kinh Tạng; Tôn giả Ưu Bà Ly đem những giới luật mà Ðức Phật đã dạy sắp xếp lại thành Luật Tạng; Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đem tâm đắc của các vị đệ tử học Kinh, nghiên cứu Luật, mà kết tập lại thành Luận Tạng.

Mười hai bộ tức là 12 đề mục phân biệt văn thể của Kinh, được tóm tắt trong bài kệ sau đây: 

Trường Hàng, Trùng Tụng tịnh Cô Khởi,

Tỷ Dụ, Nhân Duyên, dữ Tự Thuyết,

Bổn Sự, Bổn Sinh, Vị Tằng Hữu,

Phương Quảng, Luận Nghị cập Thọ Ký. 

  1. Trường Hàng: Kinh thuộc loại này thì viết bằng văn xuôi từng hàng, từng hàng.
  2. Trùng Tụng: Tức là nghĩa lý ở văn xuôi được diễn tả bằng thể kệ tụng, để lập lại ý chính.
  3. Cô Khởi: Là những bài kệ, bài tụng viết ra độc lập, chẳng liên quan gì tới ý văn phía trước và phía sau của Kinh.
  4. Tỷ Dụ: Là dùng ví dụ để thuyết minh nghĩa lý của kinh văn.
    *
  5. Nhân Duyên: Là phần tường thuật các nhân duyên liên quan đến những chuyện xảy ra.
  6. Tự Thuyết: Thường thì có người thỉnh Pháp, Ðức Phật mới thuyết Pháp; duy chỉ có bộ Kinh A Di Ðà thì không có người thỉnh mà Ðức Phật tự thuyết.
  7. Bổn Sinh: Là phần Ðức Phật kể về quá khứ kinh lịch khi Ngài hoằng Pháp lợi sinh.
  8. Bổn sự: Là phần kể lại những việc mà các vị Bồ Tát, A La Hán đã làm lúc tu nhân.
  9. Vị Tằng Hữu: Là nói về những chuyện thần thông biến hóa mà xưa nay chưa từng nghe thấy.
  10. Phương Quảng: Là phần kinh phương chính quảng đại nói đến cảnh giới viên dung vô ngại.
  11. Luận Nghị: Là phần báo cáo về sự nghiên cứu Kinh, Luật của các vị đệ tử, hoặc là phần ghi chép lời thảo luận của Ðức Phật và các đệ tử.
  12. Thọ Ký: Là phần đề cập đến việc Ðức Phật thọ ký cho những vị Bồ Tát, như lúc nào thì họ thành Phật, khi nào thì họ sinh Tịnh độ, thành Phật ở cõi Tịnh độ nào, hay là những dự ngôn v.v….

Tôi giới thiệu mười hai bộ Kinh Tam Tạng đơn giản như vậy để các vị có một ấn tượng sơ khởi. Chúc các vị thâm hiểu Kinh Tạng, và phát trí huệ rộng lớn như biển.  

Tam tạng kinh Phật: Bí Quyết Học Thuộc Lòng Kinh Ðiển

Nhất thốn quang âm nhất thốn kim,

Thốn kim nan mãi thốn quang âm,

Thốn kim thất khứ dung dị đắc,

Quang âm quá khứ nan tái tầm!

Dịch là:

Một tấc thời gian: một tấc vàng,

Vàng không mua được tấc thời gian,

Tấc vàng mất đi dễ kiếm lại,

Thời gian qua mất khó lòng tìm!

Người đời từ sáng tới tối, cạnh tranh, phấn đấu đều không ngoài việc kiếm cơm ăn, áo mặc, tài vật, chỗ ở và danh lợi, vì năm thứ này mà ai nấy điên điên đảo đảo, từ sáng sớm đến chiều tối không có thời giờ để nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng có lúc không phải đi làm, được ở nhà, thì họ lại bận rộn với đủ thứ tiết mục như coi Tivi, chơi com-pu-tơ (computer), chơi cổ phiếu, xem xi-nê, đi du lịch v.v…

Người ở Vạn Phật Thánh Thành cũng bận rộn, song sự bận rộn ấy thì hoàn toàn khác biệt. Ở đây, không ai vì chuyện ăn uống, áo quần, hay chỗ ở mà bận rộn cả. Người ở Vạn Phật Thánh Thành không chú trọng những thứ đó tạm đủ là được rồi; còn đối với danh lợi thì họ lại càng thờ ơ hơn nữa. Tuy nhiên, ai nấy đều rất bận rộn. Nhưng bận chuyện gì chứ? Bận rộn học Phật, học Pháp, học Tăng; bận rộn tu Giới, tu Ðịnh, tu Huệ tính chất hoàn toàn khác biệt với người đời.

*

Ở đây, chúng ta hằng ngày nghiên cứu kinh điển thì cần phải đặc biệt chuyên tâm chú ý, chứ không phải thân ở đó mà tâm thì chạy mất, chẳng biết chạy tới phương nào! Các bạn không nên cho rằng người này giảng Pháp hay nên chú ý nghe, còn người kia giảng không hay nên lơ đãng, không chú ý nghe. Nếu các bạn cứ ở nơi nhân, ngã, thị phi mà dụng công thì tâm thương ghét của các bạn rất là nặng, tâm để ý tới chuyện đúng, sai, tốt, xấu cũng rất lớn, các bạn chưa hoàn toàn khắc phục hoặc tẩy trừ nó được.

Khi nghe giảng Kinh thì các bạn cần phải hết sức thành khẩn, chăm chú. Nếu người ta giảng hay thì mình nên học hỏi, bắt chước phương pháp của họ. Nếu người ta giảng không hay thì mình càng nên chú ý lắng nghe, dùng Trí Diệu Quán Sát để nhận xét xem họ giảng có đúng hay không, có phù hợp với giáo pháp, với chân lý hay không; chứ đừng dùng thức tâm mà phân biệt, so sánh để tìm lỗi lầm.

Ðối với mọi cử chỉ mọi hành động của bất kỳ người nào, các bạn đều phải đặc biệt chú ý, lưu tâm mà học hỏi, đừng để lãng phí; như vậy các bạn mới có chỗ sở đắc, mới khai mở được trí huệ. Việc khai mở trí huệ không phải một ngày một đêm mà thành tựu được, nó đòi hỏi chúng ta sáng phải tu như vậy, chiều cũng phải tu như vậy, từ sáng tới tối phải liên tục học tập, không gián đoạn; như thế mới có cơ hội thành tựu.

*

Bây giờ mọi người đều đang học Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm. Các bạn cần phải biết rằng Kinh Lăng Nghiêm là chân-thân của Phật, và cũng chính là Phật, chính là Pháp, chính là Tăng, chính là Giới, chính là Ðịnh, chính là Huệ. Các bạn muốn cung kính Tăng, thì trước hết phải cung kính Kinh Lăng Nghiêm. Các bạn muốn học Giới, tu Ðịnh, phát Huệ, thì trước hết phải học Kinh Lăng Nghiêm.

Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, song Kinh Lăng Nghiêm thì đầy đủ, vừa đúng, không dư không thiếu. Chúng ta phải học bộ Kinh này, và phải học cho thuộc, cho nhuần nhuyễn. Phương pháp học là mỗi ngày các bạn học một đoạn kinh văn, và hằng ngày đều phải ôn lại những phần đã thuộc. Ðừng ham học nhiều, học mau, phải mỗi ngày ôn tập một lần thì mới có thể thuộc lòng được. Ðến khi đã làu thông, thành thục rồi thì trở nên tinh xảo, khéo léo; có tinh xảo thì mới sinh ra linh động, nhạy bén. Có câu: “Thục năng sinh xảo, xảo năng sinh linh.” Nghĩa là: “Quen rồi thành thạo, thạo sanh linh hoạt.”

*

Ðiều thiết yếu là các bạn đừng bao giờ bỏ cái gần kề mà chạy đi tìm cái xa xôi, cũng đừng hướng tâm ra ngoài mà truy cầu, săn đuổi; bởi đó chỉ là sự tu hành ở ngoài da, chứ không phải là phương pháp để thâm nhập Kinh Tạng, khai mở trí huệ.

Chúng ta nên lợi dụng giờ giấc nào để học thuộc kinh? Buổi sáng khi vừa thức dậy thay áo quần, hoặc khi đang đánh răng rửa mặt, đều là những lúc có thể thầm tụng kinh văn. Buổi tối lên gường đi ngủ, tuy là đầu kê gối nhưng các bạn vẫn có thể im lặng mà đọc nhẩm được cả. Nếu các bạn có thể dụng công học kinh liên tục, không gián đoạn, thì có thể học thuộc lòng rất nhanh.

Phương pháp học kinh có “ba tới.” Thứ nhất là “mắt tới”; thứ nhì là “miệng tới”; và thứ ba là “tâm tới.” Khi cả mắt, miệng và tâm đều chuyên nhất, chăm chú hướng tới kinh, thì các bạn sẽ học thuộc rất dễ dàng.

Lại còn có ba chỗ có thể để học thuộc kinh. Thứ nhất là trên đường đi, thứ nhì là trên gối, thứ ba là tại nhà tiêu. Ba chỗ này là những nơi rất thuận tiện cho việc học thuộc kinh. Nếu các bạn áp dụng phương pháp này thì có thể học thuộc kinh rất là nhuần nhuyễn. Các bạn hãy thí nghiệm xem! “

Người mới học Phật nên đọc Kinh nào

Người mới bắt đầu tìm hiểu về Phật pháp, đa phần đều bị choáng ngợp trước vô biên các kinh sách. Lại các cảnh giới và thế giới quan của Đạo Phật vô lượng vô biên. Người ta không biết học Phật phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Phải đọc bản Kinh Phật nào trước, phải làm thế nào để học Phật tốt nhất..vv và vv…

Kinh Phật có đến gần 8000 quyển. Từ cổ kim đến nay, duy có bậc Tổ Sư mới đọc được hết toàn bộ Đại Tạng Kinh. Người thường không thể nào xem hết được. Không phải là người ta không có thời gian để đọc, mà bởi vì Kinh Phật nghĩa lý sâu thăm thẳm.

Nhiều bản Kinh Phật khó hiểu vô cùng như: Kinh Kim Cang, Kinh Bát Nhã…Chỉ có bậc chân tu, đã khai mở trí huệ, mới có thể thâm nhập được ý kinh. Người bình thường như tôi và bạn, đọc những bộ kinh này, được khoảng 3 trang mà không buồn ngủ mới là chuyện lạ! Thế nên, nếu bạn mới tìm hiểu về Phật pháp. Tốt nhất nên bắt đầu đọc những bản kinh dễ đọc, dễ hiểu.

Lại Phật Pháp tùy bệnh mà cho thuốc, kinh sách lẫn pháp tu phải phù hợp với từng thời điểm, nhân duyên. Chư Tổ Sư dạy: Trong thời mạt pháp này, tốt nhất nên đọc các bộ kinh sau đây:

  1. Kinh A Di Đà.
  2. Kinh Vô Lượng Thọ.
  3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
  4. Kinh Bản Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng. 
Đại cương về bốn bản kinh

Kinh Địa Tạng cho ta cái nhìn tổng quan về nhân quả và tội phước. Một bộ kinh vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay. Nhiều người nhờ chí tâm tụng kinh này mà khai mở trí tuệ và một số khả năng thần dị khác. Ba bộ kinh còn lại được gọi là Tịnh Độ Tam Kinh. Là những bản kinh trọng yếu về niệm Phật và cõi Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Quan trọng còn bởi đây chính là đường tắt, là đạo lộ duy nhất để chúng sanh thời mạt thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Bạn đọc đến đây, có nghĩa là đã nắm được cơ bản thông tin về kinh Phật. Điều cuối cùng Tuệ Tâm muốn nhắn nhủ bạn: Tất cả kinh dù bạn đọc online hay đọc sách in cần phải hết sức lưu ý những điều sau đây:

Bất cứ nơi đâu có kinh Phật, ở đó có chư tôn Long Thần Hộ Pháp hộ trì kinh, do đây là bản nguyện hộ trì chánh Pháp của chư vị. Chỉ là chư vị ở trong vô hình, bạn không thấy mà thôi. Trong nhà có kinh thì luôn được Long Thần Hộ Pháp gia trì, nên an lành, may mắn, ma quỷ tránh xa. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà khi có kinh trong nhà, bạn phải giữ tâm hết sức thanh tịnh, tuyệt đối không sát sinh trong nhà.

Lưu ý khi xem kinh Phật

Lại nữa, khi đọc kinh, để được lợi ích và không bị Chư Hộ Pháp trách phạt, bạn cần phải:

  1. Quần áo chỉnh tề, sạch sẽ, tốt nhất là nên tắm gội trước khi đọc kinh.
  2. Giữ tâm trang nghiêm thanh tịnh, không được để suy nghĩ bậy bạ khởi lên trong đầu.
  3. Qùy hoặc ngồi ngay ngắn để đọc. Tuyệt đối không được nằm đọc hoặc có hành vi không cung kính, trang nghiêm. Kể cả là bạn đọc online bằng điện thoại.
  4. Khi đọc xong phải cất kinh nơi cao ráo, sạch sẽ nhất ở trong nhà. Không được để bừa bãi, không để nơi phòng ngủ.

Nguyện hết thảy những ai có nhân duyên đọc được bài này, đều phát tâm niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Nương vào bản nguyện của Phật A Di Đà, cùng được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. 

Tuệ Tâm 2019.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Hồ ly tinh là gì

56 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog