Tam Tạng Kinh Điển và 12 Bộ Kinh Đại Thừa là những gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Tam Tạng Kinh Điển và 12 Bộ Kinh Đại Thừa là những gì

Tam Tạng Kinh Điển là toàn bộ giáo pháp của đức Phật. Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Pháp của Ðức Phật nói đều là diệu pháp, diệu pháp bao hàm tất cả, cho đến ba tạng 12 bộ kinh đều bao quát ở trong diệu pháp. Tam Tạng Kinh Điển là: Tạng Kinh, Tạng luật và Tạng luận. Trong đó:

  1. Tạng Kinh là nói về Định học.
  2. Tạng Luật là nói về Giới học.
  3. Tạng Luận là nói về Huệ học.

Kinh, luật, luận, bao quát giới định huệ ba học vô lậu. Mười hai bộ Kinh là: 1. Trường hàng. 2. Trùng tụng. 3. Phúng tụng. 4. Nhân duyên. 5. Bổn sự. 6. Bổn sinh. 7. Vị tằng hữu. 8. Thí dụ. 9. Luận nghị. 10. Tự thuyết. 11. Phương quảng. 12. Thọ ký.

  • Tam vô lậu học giới Định Huệ.
  • Từ bi là gì.
  • Bố Thí là gì.
  • Tham sân si là gì.
  • Tự lực và Tha lực niệm Phật.
  • Thế nào là phước huệ song tu.
  • Ngũ Ấm Ma – Kinh Lăng Nghiêm.
Tam Tạng Kinh Điển và 12 Bộ Kinh Đại Thừa là những gì
Tam Tạng Kinh Điển và 12 Bộ Kinh Đại Thừa

12 Bộ Kinh Đại Thừa giảng giải

Kinh điển Phật giáo được trình bày qua mười hai thể loại. Mười hai thể loại này đều được trình bày trong mỗi một bộ kinh. Mỗi một bộ kinh đều có một trong mười hai thể loại này:

1. Bộ Trường hàng:

Phần kinh văn, không có ngắt đoạn, gồm nhiều hàng rất dài nên gọi là trường hàng.

2. Bộ Trùng tụng:

Phần thi kệ, tóm lại nghĩa lý đã diễn bày trong phần trường hàng. 

3. Bộ Thọ ký:

Trong Kinh điển đề cập đến việc Đức Phật trước thọ ký cho Đức Phật sau, ví như nói: “Ông ở kiếp nào đó sẽ được thành Phật tên là gì? Thọ mạng bao lâu? Chúng sanh giáo hóa được nhiều ít? ở trong quốc độ nào?…” đều là dự báo trước, đó gọi là Thọ ký. Trong kinh văn, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni  nói với một vị bồ-tát: “Trong chừng đó kiếp, các ông sẽ được thành Phật, huệ mạng của ông rất dài, trong quốc độ đó ông sẽ giáo hóa vô số chúng sinh.”

Một ví dụ là Đức Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sẽ được thành Phật. Trong đời quá khứ, khi còn tu hành trong “nhân địa”, Đức Phật Thích-ca đã tu tập bồ-tát đạo rất tinh nghiêm. Trong khi Ngài khẩn cầu được học tập giáo pháp, Ngài đã “trải tóc mình phủ kín mặt đường bùn lầy.” Để làm gì? Trong một kiếp vào thời quá khứ, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang đi trên đường, thấy phía trước mình cũng có một vị tỷ-khưu đang đi về phía mình. Ngài không biết đó chính là một vị Phật. Con đường dưới chân vị tỷ-khưu đầy bùn lầy: “Nếu vị tỷ-khưu già kia đi qua vũng bùn này ngài sẽ bị ướt sũng.”

*

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni  tương lai nghĩ như vậy. Xuất phát từ lòng kính trọng Tam bảo, nhà khổ hạnh đã trải mình nằm phủ trên đường lầy, dùng thân như chiếc chiếu phủ trên vũng nước bùn rồi cầu thỉnh vị tỷ-khưu già hãy bước qua thân mình mà đi. Thấy vẫn còn một khoảng đường bị sình lầy, sợ rằng vị tỷ-khưu già phải lội qua vũng lầy ấy, Ngài xõa tóc mình ra rồi trải qua vũng bùn cho vị tỷ-khưu già đi qua. Không biết người tỷ-khưu già ấy là một vị Phật.

Chứng kiến việc cúng dường cung kính như vậy, Đức cổ Phật Nhiên Đăng hài lòng vô cùng. Ngài nói: “Như thị, Như thị.” Chữ “Như thị” thứ nhất có nghĩa là: “Ông đã làm việc cúng dường bằng cách đem thân trải con đường bùn lầy để cho tôi bước đi.

Chữ “Như thị” thứ hai có nghĩa: “Trong quá khứ, tôi cũng đã từng làm như thế, tôi cũng đã từng tu hạnh bồ-tát, nay ông làm như vậy.” Rồi Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Ngài: “Vào đời tương lai, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Tại sao Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký như vậy? Vì Ngài xúc động với lòng chân thành của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tương lai. Dù Đức Phật Nhiên Đăng thường ít để ý đến chuyện của người khác, nhưng Ngài đã đặc biệt chú ý đến hành vi cung kính này và thọ ký cho Ngài sẽ thành Phật.

4. Bộ Nhân duyên:

Do có nhiều nhân duyên nên Đức Phật giảng giải bằng nhiều loại pháp khác nhau.

5. Bộ Thí dụ:

Những thí dụ được dùng để minh họa cho tính chất vi diệu của Phật pháp. Dùng một sự vật nào đó, tỷ dụ cho một sự vật nào đó, để thuyết minh chỗ nhiệm mầu của Phật pháp.

6. Bộ Bổn sự:

Phần này nói đến những công hạnh trong kiếp trước của chư Phật và các vị Bồ -tát. Hoặc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự thuật việc tiền thân, hoặc thuật lại những sự tích tiền thân của một vị Phật hay một vị Bồ tát nào đó.

7. Bộ Bổn sinh(Bổn sanh):

Ghi chép những công hạnh của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong kiếp này; hay công hạnh của những vị Bồ-tát nào đó.

8. Bộ Phương quảng:

Phương là bốn phương, quảng là lớn rộng, biểu thị cho Phật pháp vô cùng rộng lớn và tinh thâm vi diệu.

9. Bộ Vị tằng hữu:

Phần kinh văn đề cập đến những việc chưa từng được nói đến từ trước tới nay.

10. Bộ Tự thuyết:

Không cần có sự cầu thỉnh, mà Đức Phật tự phóng quang làm chấn động thế giới rồi giảng nói kinh pháp. Như Kinh A Di Đà, do bộ Kinh này rất trọng yếu, tất cả hàng Thanh văn không thể hiểu được, cho đến các vị Bồ tát cũng chưa có thể đạt đến cảnh giới này, nhơn đó Đức Phật tự phóng ra ánh sáng chấn động cõi đất để diễn nói bộ Kinh này.

Thông thường người ta cho rằng pháp môn Niệm Phật là của mấy bà già, người có trí thì không cần đến, đây là ý nghĩ rất sai lầm. Nếu anh không niệm Phật thì anh luôn luôn vọng tưởng, hết tưởng Đông tưởng Tây đến tưởng Nam tưởng Bắc, tạp niệm lăng xăng, dục niệm khởi lung tung, có dùng được gì đâu? Niệm Phật có thể trừ được những vọng tưởng này. Có một khắc niệm Phật thì có một khắc không vọng tưởng, cho đến từ sáng đến tối niệm niệm không lìa Phật, thì ngày ấy không vọng tưởng. Vọng tưởng không nổi lên tức là Diệu pháp, cho nên niệm Phật hay đối trị được các thứ bịnh vặt: Vọng tưởng, tán loạn, tham sân si…

*

Nhứt cú Di Đà vạn pháp vương

Năm thời, tám giáo phán tinh tường

Hành nhơn chỉ việc chuyên trì niệm

Sẽ nhập Tịch Quang bất động trường. 

Bài kệ này tôi viết hồi năm 17 tuổi. Niệm Phật có thể dứt hết cuồng tâm, cho nên Kinh này là cảnh giới cao nhất, Bồ tát đều không thể thưa hỏi được, vì họ không biết được chỗ vi diệu của niệm Phật cho nên Đức Phật không đợi thưa hỏi mà tự nói ra pháp môn vi diệu này. Thế thì tự hỏi mà nói có phải là pháp môn vi diệu hay không? – Đúng thế, đều là pháp môn vi diệu thậm thâm cả!

11. Bộ Cô khởi( Phúng tụng):

Còn gọi là phúng tụng. Đây là phần kệ mà ý nghĩa không có sự liên tục với nhau giữa đoạn đầu và đoạn giữa cùng đoạn cuối. Trong một bộ Kinh, đó là những kệ tụng đứng riêng một mình, không liên quan gì đến văn trước hay sau cả, hoặc nói ra riêng rẻ về đạo lý, như Kinh Kim Cang.

12. Bộ Luận nghị:

Phần kinh đề cập đến việc nghiên cứu bàn luận về sự sâu mầu của Phật pháp.

Có bài kệ tóm tắt mười hai bộ kinh như sau:

 Trường hàng, trùng tụng tinh thọ ký

 Cô khởi, vô vấn nhi tự thuyết.

 Nhân duyên thí dụ cập bổn sự.

 Bổn sinh phương quảng vị tằng hữu.

 Luận nghị cộng thành 12 bộ.

Mỗi bộ kinh đều có đủ mười hai thể loại này. Điều này không phải có nghĩa là kinh tạng Phật giáo chỉ có mười hai bộ, nhưng mỗi phần trong kinh văn đều có đủ, hoặc có ít nhất là một trong mười hai thể loại này.

12 Bộ Kinh Phật giáo

Kinh, luật, luận, bao hàm đạo lý vô lượng vô biên, vô cùng vô tận, mà công đức ở trong giới định huệ cũng vô cùng vô tận. Tất nhiên, Kinh luật luận là diệu pháp, thì giới định huệ cũng là diệu pháp. Về giới định huệ các bạn đã nghe qua rất nhiều, vậy thử hỏi cứu kính làm được tới đâu rồi? Chúng ta nghe Phật pháp, không những phải minh bạch mà còn phải y theo pháp tu hành thì mới thật sự có sở đắc.

Biết mà chẳng tu hành thì cũng như không biết. Tại sao? Vì đó cũng như biết thức ăn là ngon, nhưng phải ăn thì mới thật sự thọ dụng. Phật pháp cũng như thế, biết một chút thực hành một chút thì đó mới là người thực hành. Nếu biết mà không thực hành thì đối với bạn, đối với Phật pháp chẳng có ích gì, giống như người bằng đá không khác, hình dáng tuy là người mà chẳng nói được, chẳng đi được.

Tuy mười hai bộ Kinh ý nghĩa thâm sâu, nhưng chủ yếu là nhớ và hiểu rõ nghĩa lý của Phật. Phật pháp không nhất định chú trọng về học vấn, mà chú trọng về chân thật hành trì. Lục Tổ Huệ Năng chưa từng đi học, chẳng biết chữ, thế mà Ngài giảng Kinh thuyết pháp. Vì Ngài chẳng biết chữ, khi giảng Kinh thì nhờ họ đọc Kinh văn, họ đọc một câu thì Ngài giảng một câu. Pháp của Ngài giảng rất hợp với ý của Phật, họp với Phật pháp.

*

Lục Tổ tuy không biết chữ mà giảng Kinh thuyết pháp. Đấy là vì Ngài đắc được tâm ấn của Phật, của Tổ, diệu pháp dùng tâm ấn tâm; cho nên pháp của Ngài nói đều là diệu pháp. Lục Tổ đắc được tâm pháp của Ngũ Tổ; y bát của Ngũ Tổ được truyền cho Ngài; Ngài ở với đám thợ săn mười lăm năm, trong đoạn thời gian đó, Ngài dụng công tu hành, khai mở đại trí huệ.

Chúng ta người tu đạo nên nhớ đừng muốn mau. Người xưa có nói: “Ðừng muốn mau, muốn mau tất không thành”. Dụng công tu hành cũng giống như bắn cung: Căng quá thì đứt, chùng quá thì lỏng lẻo. Đừng căng đừng chùng mới thành công. Do đó có câu: “Tiến nhanh thì lùi cũng mau”. Ở Trung Quốc có con phù du. Con phù du nầy sáng sớm sinh ra, chiều tối thì chết đi, sinh ra nhanh mà chết cũng sớm.

Do đó, chúng ta người tu đạo phải lão thật dụng công, ngàn vạn đừng đi đường tắt nhỏ của bàng môn tả đạo, để mong thành tựu cho nhanh, trên thật tế thì chẳng đạt được mục đích. Chúng ta phải y chiếu theo con đường lớn lục độ vạn hạnh mà tu hành, đây mới là diệu pháp. Trung đạo tức là diệu pháp, lìa xa trung đạo thì chẳng phải là diệu pháp.

*

Vào đời nhà Hán, có hai người đều làm quan trong triều. Một người là Viên Án và người kia là Triều Thố. Viên Án tìm cách giết hại Triều Thố, về sau Viên Án xuất gia làm Hoà Thượng. Vì ông ta luôn luôn thấy quỷ, thấy hồn quỷ của Triều Thố muốn đến để giết ông ta, dù ban ngày hay ban đêm cũng thế, khiến cho ông ta cảm thấy chính mình đã làm việc sai lầm, do đó mà sám hối đi xuất gia.

Sau khi ông ta xuất gia rồi, thì chẳng còn thấy hồn quỷ nữa, mới quyết tâm dụng công tu hành. Vì một niệm sai lầm giết người mà xuất gia, cho nên ông ta hy vọng đời sau cũng muốn làm hoà thượng chứ chẳng muốn làm quan. Quả nhiên, đời thứ hai ông ta trở thành một đại Pháp Sư đi hoằng pháp khắp nơi. Là một vị khổ tu hành chẳng tham danh lợi dưỡng. Ðời này ông ta cũng chẳng thấy hồn quỷ của Triều Thố.

*

Trải qua mười đời như thế, vì ông ta khổ công tu hành, có chút đạo đức, cho nên mỗi đời thân phận càng cao. Ðến đời thứ mười một thì ông ta làm Quốc sư, là thầy của Hoàng Đế. Hoàng đế thưởng cho ông ta chiếc ghế báu làm bằng gỗ trầm hương. (Đương thời gỗ trầm hương ở bên Tàu là một thứ gỗ quý trọng nhất. Chỉ có hoàng đế mới ngồi ghế tạo bằng gỗ này).

Khi Quốc sư ngồi trên ghế báu thì tinh thần cảm thấy quá sung sướng, ông ta nghĩ: “Hiện tại trên đời Pháp Sư tôn quý được ngồi trên ghế báu này chẳng mấy vị. Thật là tốt biết bao”! Khi ông ta sinh một tâm niệm cống cao, cho rằng hiện nay chỉ mình ta tôn quý trong thiên hạ, liền lúc đó oan hồn của Triều Thố mười đời về trước chưa siêu thoát, nay đến tìm ông ta: Đột nhiên trên đầu gối ông ta nổi lên mụt ghẻ mặt người. Mụn này có miệng, mũi và biết nói, nó luôn luôn nói với ông ta: “Ông đừng nghĩ cách trốn tôi nữa. Tôi đã theo ông mười đời, ông chưa đền mạng cho tôi”.

Quốc sư Ngộ Ðạt mắc phải bệnh mụt nhọt này, ngày đêm la đau, thật khó mà chịu đựng. Dù ông tụng Chú Ðại Bi, Chú Lăng Nghiêm và tụng Kinh cũng chẳng tiêu tội được, vì ông ta nghiệp quá nặng. Ðó là do ông ta sinh một tâm niệm cống cao ngã mạn, cho nên thần hộ pháp cũng xa lìa, không bảo hộ nữa.

*

Khi đó, ông ta nhớ đến Tôn Giả Ca Nặc Ca, ông ta đã từng hầu hạ Tôn Giả. Đương thời Tôn Giả toàn thân bị bệnh ghẻ, chảy máu chảy mủ lại có mùi hôi thối. Quốc Sư Ngộ Ðạt vẫn hầu hạ Tôn Giả hết mình. Ông rửa ráy thuốc thang phục dịch mọi việc, khiến cho Tôn Giả lành bệnh.

Kỳ thật, Tôn Giả Ca Nặc Ca chẳng phải thật có bệnh, Ngài thị hiện để độ Quốc Sư Ngộ Ðạt. Quả nhiên Quốc Sư đối tốt với Ngài. Sau khi Tôn Giả lành bệnh mới nói với Quốc Sư: “Khi ông có nạn thì đến núi Trà Sơn ở Tứ Xuyên tìm ta. Ta sẽ có biện pháp giải quyết”.

Lúc đó Quốc Sư Ngộ Ðạt bị mụt ghẻ mặt người chẳng cách chi trị được, bèn nhớ đến tìm Tôn Giả Ca Nặc Ca. Tôn Giả dùng nước tam muội tắm cho ông ta thì mụt ghẻ mặt người lành khỏi. Cho nên người tu đạo bất cứ như thế nào cũng đừng sanh tâm cống cao ngã mạn.”

( Tam Tạng Kinh Điển và 12 Bộ Kinh – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng giải )

Tuệ Tâm 2022.

Xem Thêm:   Hư Không Tạng Bồ Tát – Ngài là ai

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog