Tâm sanh tướng là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Tâm sanh tướng là gì

Tâm sanh tướng nghĩa là thần sắc con người do tâm địa sanh ra, không phải đơn giản chỉ là xấu đẹp ở bên ngoài. Như có kẻ mặt mũi khôi ngô xinh xắn nhưng tâm địa hiểm ác, tất người nhìn thấy sanh tâm kiêng dè sợ hãi, đề phòng. Lại có kẻ tướng mạo tầm thường nhưng tâm thiện lương, ai gặp cũng tự nhiên sanh tâm yêu mến. Vậy nên cổ nhân dạy: “Có tâm không tướng, tướng tùy tâm sanh. Có tướng không tâm, tướng theo tâm diệt.”

Tướng đẹp không phải chỉ riêng nói đến vẻ đẹp bề ngoài mà quan trọng hơn là vẻ đẹp của tâm hồn. Người có tâm hồn đẹp thì dung mạo đoan trang xinh đẹp!

  • Lời Phật dạy về Hiếu đạo.
  • Chú đại bi tâm đà ra ni.
  • Âm đức là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Quỷ thần là gì.
  • Chuyện tâm linh có thật ở Việt Nam.
  • Chuyện nhân quả báo ứng.
Tâm sanh tướng
Tâm sanh tướng
*

Tổ Ấn Quang bảo: “Người thiện lương, tâm địa hành vi thảy đều chánh đại quang minh nên tướng mạo cũng hiện vẻ tươi sáng, hiền từ, rạng rỡ. Cố nhiên họ chẳng có tâm mong cầu dung nhan tướng mạo đẹp đẽ nhưng tự nhiên được đẹp đẽ. Người tạo nghiệp ác tâm địa cáu bẩn, ô uế, hung ác, nên diện mạo cũng tăm tối, dữ dằn theo. Cố nhiên họ chỉ muốn vẻ mặt mình đẹp đẽ, khiến người khác tưởng mình là thiện nhân chánh đại quang minh. Nhưng vì tâm địa chẳng lành dù có muốn thế cũng chẳng được.

Đấy là ước theo con mắt của phàm phu, chứ trong mắt quỷ thần, họ sẽ thấy thiện nhân thân có quang minh. Quang minh lớn hay nhỏ tùy thuộc người ấy đức lớn hay nhỏ. Quỷ thần thấy người ác thân có các tướng hắc ám, ác bạo… Tướng ấy lớn hay nhỏ cũng do kẻ đó ác nhiều hay ít mà hiện” 

Tâm sanh tướng

Bởi tâm sanh tướng nên tướng mạo và thần thái con người thay đổi luôn luôn. Tùy theo tâm thiện hay ác của từng người mà biến hiện. Người đại thiện hoặc người đại ác tướng mạo có thể thay đổi cực nhanh. An Sĩ Toàn Thư chép lại chuyện anh em nhà Tống Giao, Tống Kỳ là một điển hình:

Một hôm hai anh em đang cùng ngồi đọc sách, có vị tăng nhìn thấy, xem tướng mạo rồi nói: “Người em sẽ chiếm bảng khôi nguyên, người anh cũng sẽ đỗ cao.”

Mùa xuân năm sau, vị tăng ấy gặp lại, vui mừng nói với người anh là Tống Giao rằng: “Con hẳn đã từng cứu sống được trăm vạn sinh mạng!” Tống Giao bật cười nói: “Con là học trò nghèo khổ, có sức đâu làm được việc như thế!” Vị tăng nói: “Không nhất thiết phải là việc cứu người, dẫu muôn loài trùng bọ có sự sống đều kể là sinh mạng.” Tống Giao nói: “Có một tổ kiến bị mưa lớn tràn ngập, con lấy cành trúc làm cầu cứu sống đàn kiến. Có lẽ là việc ấy chăng?” Vị tăng nói: “Quả đúng vậy rồi. Do chuyện này mà năm nay em con tuy vẫn chiếm khôi nguyên, nhưng cuối cùng rồi con không thể kém nó.”

Đến kỳ công bố kết quả thi, quả nhiên Tống Kỳ đỗ trạng nguyên. Triều đình lập biểu chương trình lên Thái hậu. Thái hậu xem qua, cho rằng em không thể đặt trên anh. Bà liền phóng bút sửa bài Tống Giao thành đệ nhất, còn Tống Kỳ thì từ đệ nhất (一) thêm vào một nét thành đệ thập (十). Khi ấy mới biết lời vị tăng đã nói quả nhiên không sai.

Tướng tùy tâm sanh, trong sát na thay đổi vận mạng

Tâm sanh tướng, tướng tùy tâm sanh, vận mạng của con người theo đó mà cũng chuyển đổi theo.

Tỉnh Hà Nam có vị Giải Nguyên họ Phan. Lúc trước, khi lên tỉnh dự kỳ thi Hương, Phan sinh cùng đi với hai người bạn. Đến chỗ trọ lại, có một thầy tướng rất giỏi nói riêng với hai người bạn rằng: “Tôi xem tướng Phan sinh sắp gặp đại nạn. Tốt nhất hai người nên khuyên anh ấy lánh đi nơi khác để tránh vạ lây.”

Hai người bạn nghe vậy liền lấy cớ chỗ trọ chật chội. Mỗi người tặng cho Phan sinh 2 đỉnh bạc rồi bảo anh đi tìm chỗ trọ khác. Phan sinh nghe lời một mình đi tìm được một chỗ trọ khác.

Đến đêm lại đi dạo ven bờ sông thì bỗng nhìn thấy một người phụ nữ sắp nhảy xuống sông tự vẫn. Phan sinh liền ngăn lại, gạn hỏi nguyên nhân, người ấy kể rằng:

“Chồng tôi buôn bán vải lụa, thu gom được một số khá nhiều. Gặp lúc anh ấy vừa đi vắng, có người vào mua tôi bán hết được 4 đỉnh bạc. Chẳng ngờ sơ ý không xem kỹ, đều là bạc giả. Chồng tôi trở về nhất định thế nào cũng trách mắng, nên tôi chỉ còn cách tìm đến cái chết mà thôi.”

Phan sinh liền lấy trong tay áo ra 4 đỉnh bạc đưa cho cô ấy để bù vào chỗ bạc bị lừa mất. Sau đó trở về nhà trọ, thiếu tiền chi trả liền bị chủ quán trọ nhiếc mắng nhiều lời khó nghe. Vì thế họ Phan đành phải dọn đi, tìm đến xin trú ngụ trong một ngôi chùa.

*

Đêm ấy, có vị tăng trong chùa mộng thấy nhiều vị thần từ trời hiện xuống. Một vị nói: “Bảng vàng khoa này vốn đã định. Nhưng người được chọn đỗ Giải nguyên gần đây lại làm việc tổn đức nên bị Ngọc Đế xóa tên rồi. Hiện vẫn chưa có người thay thế.” Một vị thần khác nói: “Phan sinh đang ngụ trong chùa này có thể thay thế được.”

Lại nghe tiếng một vị nói: “Tướng của Phan sinh là sắp chết bất đắc kỳ tử, làm sao có thể chọn thay Giải nguyên?” Một thần khác đưa hai tay xoa mặt Phan sinh rồi nói: “Bây giờ chẳng phải đã là tướng Giải nguyên rồi sao?” Vị tăng ghi nhớ những lời đã nghe, sau đó khoản đãi Phan sinh hết sức trọng hậu.

Sau khi dự thi xong, Phan sinh tìm đến chỗ hai người bạn để cảm ơn. Người thầy tướng hôm trước vừa nhìn thấy Phan sinh đã kinh hãi kêu lên: “Ông làm được công đức gì mà tướng mạo đổi khác thế này? Giải nguyên khoa thi Hương này, ngoài ông ra không thể là ai khác.”

Khi công bố kết quả kỳ thi, quả nhiên đúng vậy.(An sĩ toàn thư)

Luận về Tâm sanh tướng

Khi mới sanh ra chúng ta hết thảy đều thiện lương trong sáng. Khi lớn lên va đập với cuộc đời nhiều gian trá phiền trược, thần sắc lẫn khuôn mặt sẽ thay đổi dần theo tâm tính của mình. Đây gọi là tướng do tâm sinh vậy.

Người có tấm lòng khoan dung thì phần lớn sẽ có khuôn mặt phúc hậu. Người hiền lành thần sắc nhu hòa thánh thiện, dẫu khuôn mặt không đẹp vẫn khiến người thiện cảm. Người có lòng dạ thâm hiểm, dẫu khuôn mặt xinh đẹp cũng khiến người thầm kinh sợ. Kẻ lòng dạ hẹp hòi phần lớn sẽ có tướng mạo xấu xí, khó coi. Người hành thiện tích đức thân tướng hồng hào, quỷ thần kính nể.

Tóm lại thì dù muốn hay không, tâm tốt xấu của con người luôn thể hiện qua thần thái. Người từng trải hoặc tinh ý, thoáng nhìn sẽ nhận biết được ngay. Đây chỉ là luận theo cách nhìn của thế tục.

Góc nhìn từ tâm linh

Nếu luận theo góc độ tâm linh: Xung quanh mỗi người có một trường hào quang mỏng. Người giầu sang có trường hào quang sắc đỏ. Người tôn quý quyền thế có trường hào quang sắc tía. Kẻ xấu ác hoặc sắp chết tất được bao phủ mởi một màu đen kịt. Người chân chính học Phật có trường hào quang rất rộng và sáng. Kẻ học tà đạo có lớp năng lượng bao bọc bên ngoài xám ngắt như trét than. Trường hào quang này định hình nên thần thái và vận mạng của con người. Cho nên nói tâm sanh tướng chính là như vậy!

Bởi thế nên trẻ em dưới 3 tuổi tánh linh trong sáng, cảm nhận về người thiện kẻ ác vô cùng chính xác. Nếu là người tâm linh trong sáng, các bé vui vẻ chơi đùa. Nếu gặp kẻ xấu ác tất sẽ sợ hãi khóc lóc, việc này rất dễ nhận ra.

Kinh Phật thuyết tội phúc báo ứng, đức Phật dạy: “Người xấu xí là do thường xuyên tức giận, oán trách mà thành. Người đoan trang trắng trẻo, vẻ mặt rạng ngời, ai gặp cũng mến thích là kết quả của tu nhẫn mà nên.” Vậy nên vẻ bề ngoài của một người có liên quan mật thiết với nội tâm bên trong của người đó. Tướng do tâm sanh là như thế đó!  

(Tâm sanh tướng là gì)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Kết hợp kinh Pháp hoa và kinh Nguyên thủy

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog