Tại sao đức Phật nhập Niết bàn
Pháp Giới 12 tháng trước

Tại sao đức Phật nhập Niết bàn

Đức Phật nhập Niết bàn lúc nửa đêm rằm tháng hai(15/2 âm lịch), lúc đó Ngài 80 tuổi. Nơi đức Phật nhập niết bàn là cội cây Sa La bên mé sông Hi Liên Nhã Bạt Để.

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Tại sao đức Phật nhập niết bàn? Bởi nếu Phật sống lâu ở đời thì: Người đức mỏng chẳng trồng căn lành; bần cùng hạ tiện tham trước năm dục, vào trong lưới vọng kiến nhớ tưởng. Tại sao Phật có diệt độ, mà nói là chẳng có diệt độ?

Phật vốn là chẳng sinh chẳng diệt. Nếu như Phật sống lâu ở đời chẳng vào Niết Bàn, thì người phước mỏng sinh tâm ỷ lại, chẳng muốn trồng căn lành. Tâm nghĩ: ‘’Phật còn ở đời, mình từ từ trồng căn lành cũng chưa muộn, còn có nhiều thời gian.’’ Cho nên, bổn ý của Phật thị hiện Niết Bàn, là khiến cho chúng sinh sớm trồng căn lành, sớm thành Phật đạo.

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Tam giới là gì.
  • Sáu nẻo luân hồi.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Chánh kiến tà kiến.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
Tại sao đức Phật nhập Niết bàn
Tại sao đức Phật nhập Niết bàn

Tại sao đức Phật nhập Niết bàn

Khi nghe Ðức Thế Tôn bảo rằng mình sắp nhập diệt, Diệu Tràng Bồ Tát khởi lòng nghi: “Có hai nhân duyên được sống lâu: Không giết hại và bố thí các thức ăn cho chúng sanh. Ðức Thích Ca Thế Tôn đã tu Thập thiện trong vô lượng kiếp, tại sao Ngài chỉ sống có tám mươi tuổi?”

Trong khi Bồ Tát nghĩ như thế, do oai thần của Phật, tịnh thất ấy bỗng hiện ra rộng rãi trang nghiêm như cõi Tịnh độ. Trên hư không, phương đông có Phật Bất Động; Phương nam có Phật Bảo Tướng; Phương tây có Phật Vô Lượng Thọ; Phương bắc có Phật Thiên Cổ Âm. Ngồi nơi tòa diệu liên hoa, đồng thuyết kệ rằng:

Có thể biết điểm giọt

Của tất cả biển lớn

Không ai đếm biết được

Thọ lượng của Thích Ca.

…Có thể biết số bụi

Của tất cả đại địa

Không ai đếm biết được

Thọ lượng của Thích Ca.

*

Bốn đức Thế Tôn lại bảo:

– Nầy Thiện nam tử! Chúng sanh ở cõi Ta Bà căn lành kém mỏng, có nhiều sở chấp: Nhân, ngã, đoạn, thường… Vì muốn cho họ được lợi ích, mau sanh chánh giải, nên Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện thọ mạng ngắn ngủi.

Thiện nam tử! Đức Như Lai đây muốn cho chúng sanh thấy Phật vào Niết bàn, sanh lòng thương lo mến tiếc; Nghĩ rằng khó còn được gặp, mà đối với chánh pháp phát tâm siêng năng đọc tụng thọ trì; Vì người giảng giải, không còn hủy báng, nên Ngài thị hiện thọ mạng ngắn ngủi. Tại sao thế?

Nếu chúng sanh thấy Như Lai không vào Niết bàn, tất không sanh lòng cung kính, không sanh niệm khó gặp, không siêng năng đọc tụng thọ trì vì người giảng giải. Vì lẽ hằng thấy Phật nên ỷ lại xem thường. Ví như hoa Ưu đàm được người quí trọng vì lâu năm mới nở một lần. Nhân duyên sớm nhập diệt của Ðức Thích Ca Như Lai, ý nghĩa cũng như thế. (Kinh Kim Quang Minh)

Vì Sao Đức Phật Nhập Niết Bàn: Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Tại sao đức Phật nhập niết bàn? Bởi nếu Phật sống lâu ở đời, thì người đức mỏng chẳng trồng căn lành, bần cùng hạ tiện tham trước năm dục, vào trong lưới vọng kiến nhớ tưởng. Tại sao Phật có diệt độ, mà nói là chẳng có diệt độ?

Phật vốn là chẳng sinh chẳng diệt. Nếu như Phật sống lâu ở đời chẳng vào Niết Bàn, thì người phước mỏng sinh tâm ỷ lại, chẳng muốn trồng căn lành. Tâm nghĩ: ‘’Phật còn ở đời, mình từ từ trồng căn lành cũng chưa muộn, còn có nhiều thời gian.’’ Cho nên, bổn ý của Phật thị hiện Niết Bàn, là khiến cho chúng sinh sớm trồng căn lành, sớm thành Phật đạo.

Giảng đến đây, tôi nhớ lúc ở đông bắc bên Tàu. Đệ tử quy y với tôi thì rất đông, song đệ tử tu hành thì rất ít. Dạy họ tu hành thì có người nói: ‘’Tôi chẳng có thời giờ tu, khi về già tu cũng chưa muộn.’’ Sau khi tôi rời khỏi đông bắc đến Hương Cảng, thì có nhận thư của đệ tử gởi đến nói: ‘’Người đó bây giờ tu hành, rất là nỗ lực, chẳng giải đãi nữa.’’

Vì sư phụ không có ở đó, thì họ mới tu hành. Nếu sư phụ ở đó, thì họ chưa chịu tu hành. Sau khi tôi đến Hương Cảng, cũng có rất nhiều người quy y, song tu hành chẳng nhận chân. Tôi rời khỏi Hương Cảng đến nước Mỹ, thì lúc này họ mới biết chẳng có sư phụ, thì phát sinh những việc khó khăn, chẳng cách gì giải quyết được.

*

Do đó, thơ này thì thỉnh sư phụ trở về, thư kia thì thỉnh sư phụ giúp đỡ. Tóm lại, ngày ngày gặp mặt, thì chẳng cảm thấy quan trọng; khi không gặp thì mới biết là quan trọng. Nguyên nhân Phật chẳng ở lại đời, là vì chúng sinh bần cùng hạ tiện, tham trước năm dục; chẳng biết chẳng hay; đọa vào trong lưới vọng kiến nhớ tưởng điên đảo; làm che lấp đi trí huệ quang minh, cứ làm việc điên đảo.

Tại sao người lại bần cùng? Vì kiếp trước chưa làm việc công đức, cũng chẳng trồng căn lành, cứ nghĩ muốn chiếm tiện nghi, cho nên đời này chẳng có phước báo. Nếu thấy Như Lai thường ở đời chẳng nhập diệt, thì họ sẽ sinh tâm kiêu mạn phóng túng, mà ôm lòng nhàm chán giải đãi; chẳng sinh tâm khó được gặp Phật, chẳng sinh tâm cung kính. Do đó, Như Lai dùng phương tiện nói:

Tỳ Kheo nên biết, chư Phật ra đời rất khó được gặp. Chúng sinh tham luyến năm dục, nếu thấy Phật thường ở đời mà không nhập diệt, thì họ bèn sinh tâm kiêu mạn phóng túng, chẳng giữ quy cụ. Họ ngày ngày thấy Phật, thời thời gặp Phật, thì sinh tâm nhàm chán giải đãi, mà chẳng sinh tâm khó được gặp Phật ở đời, chẳng sinh tâm cung kính Tam Bảo. Do đó, cho nên Như Lai phương tiện nói: ‘’Này các Tỳ Kheo ! Các ông nên biết, mười phương chư Phật xuất hiện ra đời, chẳng dễ gì gặp được.’’

*

Tại sao ? Vì những người đức mỏng, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, hoặc có gặp Phật, hoặc không gặp Phật. Nhờ việc đó mà ta nói rằng: Các Tỳ Kheo ! Như Lai khó có thể được gặp, những chúng sinh đó nghe lời như thế, thì sẽ sinh tâm khó được gặp Phật, ôm lòng luyến mộ khát ngưỡng đối với Phật, bèn trồng căn lành. Do đó, tuy Như Lai chẳng thật diệt, mà nói là diệt độ. Vì sao nói rất khó được gặp Phật ? Vì tất cả những người phước mỏng, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, hoặc có gặp được Phật, hoặc không gặp được Phật. Vì lẽ đó, cho nên ta mới nói : ‘’Này các Tỳ Kheo ! Như Lai rất khó gặp được.’’

Những chúng sinh đó, nghe ta nói như thế, thì bèn sinh tâm khó gặp Phật ra đời, trong tâm bèn luyến mộ Phật, khát ngưỡng Phật, bèn trồng xuống căn lành. Vì lẽ đó, cho nên Như Lai tuy chẳng phải thật nhập diệt, mà phương tiện nói là nhập diệt.

Kỳ thật, bây giờ Phật vẫn còn ở tại pháp hội Linh Sơn, diễn nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chưa tan hội. Có gì chứng minh? Vào đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả Ðại Sư, Ngài tụng Kinh Pháp Hoa đến Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự, bèn nhập định thấy được cảnh giới này, do Ngài Huệ Tư Ðại Sư ấn chứng rằng : – ‘’Phi nhữ mạc thức, phi ngã mạc chứng.’’

Do đó có thể biết, thật có việc đó chứ chẳng hư cấu. Tổ Sư đại đức chẳng nói dối.”

Đức Phật Niết bàn và Thiên ma ba tuần

Một hôm, Ðức Thế Tôn cùng thị giả A Nan Đà ở ngôi giảng đường tại thành Ba Tra Lỵ Phất. Sau khi đi khất thực trở về dùng ngọ trai xong, Đức Phật đến ngồi nơi cội cây Cung chế để. Ngài gọi A Nan Đà mà bảo rằng: “A Nan! Thành nầy vật sản hoa lệ, cây cối tốt tươi, ao suối trong mát, hiện tại tuy đơn sơ, nhưng tương lai tất sẽ hưng thạnh. Đây là một kỳ cảnh của châu Nam Thiệm Bộ. Nầy A Nan! Nếu kẻ nào chứng pháp Tứ thần túc, có thể tùy ý trụ thọ một kiếp cho đến nhiều kiếp. Như Lai đã chứng pháp Tứ thần túc, nên muốn sống lâu một kiếp hay nhiều kiếp, đều được tự tại”. Phật nói như thế ba lần, song ngài A Nan vẫn làm thinh.

Lúc ấy, Thiên ma Ba Tuần đến đảnh lễ Phật và thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Thời gian trước Ngài đã nói: Khi nào trong hàng môn đệ có nhiều kẻ thông biện đủ khả năng tuyên dương chánh pháp dẹp phá tà luận thì Ngài sẽ vào Niết bàn. Hiện thời những điều kiện ấy đã có đủ, xin Ðức Thế Tôn nên sớm nhập diệt”.

Đức Phật bảo: “Ngươi hãy gắng chờ ít lâu, ba tháng sau Như Lai sẽ vào cảnh Vô dư y đại niết bàn”. Thiên ma Ba Tuần nghe Phật hứa nhận, sanh lòng vui mừng, liền ẩn thân trở về thiên giới. Sau khi nói lời ấy, Ðức Thế Tôn liền nhập định, thâu ngắn thọ mạng trong vô lượng kiếp chỉ còn lại ba tháng.

*

Lúc đó, đất đai chấn động, tinh quang rơi rớt khắp bốn phương, thiên cổ trên hư không tự nhiên kêu lên vang động. Ðức Thế Tôn xuất định, nói bài kệ rằng:

Tất cả pháp sai biệt

Như Lai đã diệt trừ

Do đó được định tâm

Như chim bay tự tại.

Sau khi ấy, Đức Phật cùng đồ chúng vượt qua sông Hằng, vào thành Tỳ Xá Ly. Nơi đây, nàng kỹ nữ Yêm Ma La dâng cúng khu vườn Nại Thọ lâm và được Phật hóa độ. Bấy giờ đã đến mùa mưa, Ðức Thế Tôn muốn an cư ba tháng ở Trúc Lâm thôn, một vùng phụ cận của đô thành. Nhưng gặp năm mất mùa, e sự cúng dường không được đầy đủ. Phật liền giải tán đại chúng, rồi riêng mình ở tại đó với thị giả A Nan.

Trong thời gian tạm trú nơi đây, ngài A Nan thấy kim thể không an, biết Phật sắp vào Niết bàn, liền thưa thỉnh cách thức y chỉ về sau. Đức Phật bảo: “Ông nên lấy chính mình làm nơi quy y, lấy pháp làm nơi quy y, đừng nương theo ai khác bên ngoài. Hãy tự xét, xem mình tinh tấn hay giải đãi, dứt trừ sự tham nhiễm lo buồn theo thế gian. Hãy quán thân, thọ, tâm, pháp, thấu triệt lý bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, để đối trị bệnh chấp tịnh, lạc, thường, ngã, theo quan niệm chúng sanh. Đây là chân lý tự quán của ta khi thành chánh giác và cũng là căn bản quy y của người học đạo”.

Ngày đức Phật nhập Niết bàn

Mãn ba tháng hạ, Ðức Thế Tôn đến ở Trùng Các giảng đường tại bản xứ. Ngài bảo các đệ tử: “Những giáo pháp ta đã nói khi trước như: Tứ niệm trụ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát thánh đạo, các ông nên thường suy nghĩ tu tập, chớ nên biếng trễ. Các ông phải gắng tu tịnh hạnh, giữ gìn cấm giới để làm phước lợi cho thế gian”.

Rồi từ đó, Đức Phật lại đi về phía Bắc, qua thôn Lộ Càn Trà. Tại nơi đây, Ngài lại khuyên đồ chúng: “Các ông nên biết, nếu người tu không thông đạt bốn pháp, sẽ hằng bị đọa vào nẻo luân hồi. Bốn pháp ấy là gì? Chính là giới, định, huệ và giải thoát”. Từ thôn Lộ Càn Trà, Ðức Thế Tôn đi vào xứ Ba Bà. Ở chốn nầy, Ngài thọ thức ăn nấu bằng nấm chiên đàn của người thợ bạc tên là Thuần Đà, rồi đi sang thành Câu Thi Na Yết La đến chỗ hai đôi cây Sa la bên mé sông Hi Liên Nhã Bạt Để.

Đêm ấy, có người ngoại đạo là Tu Bạt Đà La đi đến chỗ Ðức Thế Tôn, nghe thuyết pháp và chứng thánh quả. Đây là vị đệ tử sau rốt của Phật. Ðức Thế Tôn gọi A Nan và bảo: “Thuở xưa ta làm Chuyển luân vương, đã xả thân sáu lần nơi đây, cho nên nay Như Lai cũng nhập Niết bàn tại chỗ nầy”. Ngài lại bảo đồ chúng: “Các ông đối với Phật, Pháp, Tăng bảo và Tứ thánh đế có điều gì nghi thì nên hỏi, ta sẽ giải đáp cho”. Trong đại chúng vì không nghi vấn nên không ai hỏi.

Phật nhập Niết bàn

Bấy giờ Ðức Thế Tôn do lòng đại bi, tự cởi áo trên bày kim thân ra, và nói: “Nầy Tỷ khưu! Các ông nên nhìn kỹ thân tướng của Như Lai, vì chư Phật cũng như hoa Ưu đàm bát la rất khó gặp gỡ”. Khi sắp nhập diệt, Đức Phật còn bảo: “Các ông chớ cho rằng mình sẽ mất thầy giảng dạy. Sau khi ta nhập Niết bàn, những Pháp và Luật của ta đã nói là thầy của các ông. Các pháp đều vô thường, có sanh tất có diệt. Các ông hãy tinh tấn chớ nên biếng trễ. Đây là lời khuyên dạy sau rốt của ta”.

Khi nói xong lời ấy, Ðức Thế Tôn nhập Tam muội theo thứ lớp chín lần thuận, chín lần nghịch, từ Sơ thiền đến Diệt tận định. Rồi từ Sơ thiền ra, Phật vào Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, và niết bàn ở nơi đó. Lúc ấy, vào khoảng giữa đêm Rằm tháng hai, Ngài được tám mươi tuổi. (Đối chiếu các kinh: Đại Niết Bàn, Du Hành, Trường A Hàm)

(Tại sao đức Phật Nhập Niết Bàn – Theo Phật học Tinh Yếu)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Quả Báo Mụn Ghẻ Mặt Người

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog