Sắc uẩn là gì
Pháp Giới 9 tháng trước

Sắc uẩn là gì

Sắc là chỉ vật chất, có hình tướng, những gì mà chúng ta có thể cảm nhận được. Uẩn nghĩa là tích tụ thành một khối. Sắc uẩn nghĩa là những hình tướng của chúng sanh thấy biết, được tích lũy vào tạng thức trong từ vô thỉ kiếp đến nay.

Vô biên các loại hình tướng được tích lũy trong tạng thức này tạo ra sự ngăn che, khiến chúng ta khởi tâm phân biệt nên nhìn nhận không đúng sự vật. Bởi thế nên không nhận ra được trí tuệ và sự thanh tịnh chân chánh của sự vật.

  • Tam giới là gì.
  • Tham sân si là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Chánh kiến tà kiến.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Sắc uẩn là gì
Sắc uẩn là gì

Sắc uẩn là gì

Sắc uẩn là chỉ cho thân xác của con người hay nói rộng hơn là chỉ cho tất cả những vật thể trong thế gian vũ trụ này.  Khi nói về con người thì sắc là sắc thân tứ đại. Còn nói về vũ trụ vạn vật thì sắc là núi sông, mây nước, cỏ cây, hoa lá, mặt trời, mặt trăng, chim bay, cá lặng…

Có bốn yếu tố vật chất căn bản hình thành sắc uẩn là:

1. Địa Đại (Đất)

Bao gồm tóc, lông, móng răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, ruột, lá lách, phèo, phổi, bao tử….

2. Thủy Đại (Nước)

Gồm có mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ, nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu.

3. Phong Đại(Gió)

Là hơi thở ra vào, đem nguồn sống dưỡng khí O2 vào trong cơ thể để nuôi tế bào và sau đó tải thán khí CO2 ra ngoài.

4. Hỏa Đại(Lửa)

Là thân nhiệt tức là năng lượng để nuôi thân và nguồn năng lượng này lấy từ thức ăn, thức uống hằng ngày.

Sự giả tạm của Sắc uẩn

Các yếu tố do Tứ đại tạo ra thuộc về sinh lý như: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và các đối tượng của giác quan như: Hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm. Khi tứ đại kết hợp thì chúng ta có hình dáng và nếu không nhìn bằng cặp mắt trí tuệ thì chúng ta sẽ thêm vào cái hình dáng đó là Tôi, là Của Tôi.

Do ý niệm sai lầm này khiến sự dính mắc phát sinh trong tâm của chúng ta. Như vậy yếu tố vật chất là thân thể hay ngoài thân thể; Thuộc vật chất hay năng lượng; Thuộc thời gian hay không gian đều bao hàm trong sắc uẩn. Thân thể là sắc uẩn, tự nó không phải là một thực thể độc lập mà là một hợp thể vật chất biến động và mâu thuẫn như mảng bọt trên mặt nước. Nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy thân tứ đại chỉ là những bọt vật chất tạm bợ.

Thật vậy, thở ra mà không hít vào thì mất mạng, không ăn uống vài tuần thì cũng chết… Nói chung, thân thể muốn tồn tại phải nương vào các duyên bên ngoài như: Ánh sáng mặt trời, thức ăn thức uống, không khí, nhà cửa, xe cộ…vì thế thân tứ đại là vô thường, vô ngã tức là Không.

*

Con người vì bị vô minh che lấp nên không nhìn thấy biết đúng mà cho rằng thân xác này thực sự là Của Ta. Nếu thân này là Của Ta thì Ta phải làm chủ nó. Ta bảo nó đừng già, đừng bệnh, đừng chết…nó có nghe không? Nếu là Của Ta thì tại sao Ta không mang nó theo khi chết mà tứ đại trở về với cát bụi? 

Đức Phật thật chứng qua các tầng thiền định. Ngài thấu biết rằng thân xác của Ngài không phải thật sự là của Ngài. Ngài thấu hiểu thân là Vô Ngã cho nên mọi sự dính mắc, tham níu cho thân bị diệt. Tham, sân, si diệt tức là nguyên nhân gây ra khổ bị diệt. Khổ diệt thì Niết bàn hiển hiện cũng như có ánh sáng thì màn đêm biến mất hay có nước trong thì ánh trăng hiện.

Vì vậy bất cứ sự chấp thủ, tham ái cho thân thể (sắc uẩn), hoặc bất cứ một đối tượng vật lý, sinh lý nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đau khổ cho nên Đức Phật dạy rằng “Ai cho rằng sắc uẩn là Ta, là Của Ta, là tự ngã Của Ta thì chắc chắn gặt hái đau khổ, thất vọng, sầu muộn, vấp ngã và tai nạn”.

Sự ngăn che của sắc uẩn như thế nào

Thí dụ khi mắt ta thấy chiếc xe thì tâm liền phân biệt: Chiếc xe này tốt hay xấu, đắt hay rẻ, xe sang hay xe cỏ… Nếu cái thấy cho rằng chiếc xe đó là tốt thì tâm tham phát khởi muốn chiếm lấy. Còn cái thấy của con mắt cho rằng chiếc xe xấu, không giá trị nên muốn bỏ đi. Thấy xe sang thì sanh tâm tị nạnh, thấy xe cỏ thì sanh tâm coi thường…

Nguyên lai nó chỉ là chiếc xe, nhưng do sắc uẩn mà tâm ta khởi lên trăm thứ phân biệt. Nên nói sắc uẩn ngăn che bản tâm thanh tịnh là như vậy! Nói tóm lại, sắc uẩn là cho mọi vật thể trên thế gian kể cả sắc thân tứ đại của con người.

Đức Phật dạy về Sắc uẩn

Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy rằng: “Ngũ uẩn chính là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu. A Nan! Ví như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt. Người kia vô cớ nhìn sững chẳng  nháy mắt. Nhìn lâu hóa ra mỏi mệt, nên thấy hoa đốm loạn xạ trong hư không, lại là tất cả tướng giả dối không thật. Nên biết, ngũ uẩn cũng như vậy.

A Nan! các hoa đóm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra. Đúng vậy, A Nan! Nếu từ hư không đến, thì phải trở về với hư không. Nếu có ra có vào tức chẳng phải hư không. Hư không nếu chẳng không thì chẳng được tướng hoa đốm sinh diệt kia. Như thân thể A Nan thì chẳng dung nạp thêm một A Nan nào nữa. Nếu hoa đốm từ mắt mà có thì phải trở về trong mắt. Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu nó thấy được thì khi làm ra hoa đốm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt.

Lại nữa, khi thấy hoa đốm, lẽ ra mắt không mờ. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng. Do vậy nên biết rằng sắc uẩn không thật, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.”

*

Trong đoạn kinh trên tại sao Phật lại nói ngũ uẩn là tánh chân như nhiệm màu của Như Lai Tạng? Đức Phật dạy rằng tất cả các tướng (ngũ uẩn) trong thế gian này đều là huyển hóa. Do phân biệt mà có và cũng theo phân biệt mà diệt. Nhưng thật tánh của các tướng huyễn hóa đó lại là thể tánh chân như. Cho nên tâm Phật và tâm của chúng sinh không hề sai khác, bình đẳng như nhau.

Khi duyên đến, chính cái thể tánh chân như lại phát khởi, tác dụng mà tạo thành thế giới vũ trụ. Vì thế để có thiên hình vạn tướng tức là bất biến tùy duyên. Vì sự biến hóa kỳ ảo này nên mới gọi là thể tánh chân như nhiệm mầu tức là Như Lai Tạng vậy.

Bây giờ Phật mới đưa ra thí dụ sắc uẩn ví cũng như hoa đóm giữa hư không. Nếu một người có nhãn căn thanh tịnh, khi nhìn vào trong hư không thì không thấy gì cả: Nghĩa là chỉ thấy tất cả đều là trong sáng. Nhưng nếu người đó cứ nhìn chăm chăm, không chớp mắt làm cho con mắt bị mỏi mệt. Như thế cái nhìn bây giờ người đó lại thấy hoa đóm hiện ra giữa hư không. Thế thì hoa đóm thật sự không phải từ hư không mà đến và cũng không phải từ con mắt mà ra.

*

Tại sao? Bởi vì nếu nó từ hư không mà đến thì rồi phải trở vào hư không, nhưng nếu hoa đóm có ra có vào thì hư không đâu còn là hư không nữa?Còn nếu nó từ con mắt mà ra thì nó phải trở vào con mắt. Nếu hoa đóm từ con mắt mà ra thì khi trở về, nó phải thấy con mắt. Nhưng có hoa đóm nào thấy được con mắt đâu!

Thêm nữa, hoa đóm hiện ra giữa hư không làm mờ hư không vì hư không không còn trong sáng như trước. Cho nên nếu hoa đóm trở vào con mắt thì nó sẽ làm mờ con mắt. Nhưng nếu hoa đóm đã trở vào con mắt nghĩa là hoa đóm không còn hiện ra giữa hư không nữa. Thế thì hư không bây giờ trở thành trong sáng. Tức là cái nhìn bây giờ là cái nhìn của người có nhãn căn thanh tịnh rồi.

*

Vì vậy nếu thấy hư không trong suốt nghĩa là hoa đóm không làm mờ con mắt thì hoa đóm làm sao có thật được. Do vậy, thì biết tất cả hình tướng sự vật đều do nhận thức sai lầm mà biến hiện ra. Chúng là giả dối, không thật. Không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên mà có. Tướng giả dối của con mắt là do nhìn mệt mỏi sinh ra. Còn tướng giả dối của chúng sinh là do nghiệp lực sinh ra.

Vì thế sắc uẩn là tướng giả dối mà chúng sinh chấp theo trần cảnh nên tin là thật làm che lấp tâm tánh chân như nhiệm mầu. Người mê thì chấp theo tướng trần cảnh nên chạy theo vui buồn, sầu khổ, tham đắm lợi danh. Còn kẻ trí thì biết tướng trần cảnh là không thật cũng như bóng trong gương nên dễ dàng quay về với tự tánh thanh tịnh bản nhiên thì có an lạc Niết bàn. Không còn gì ngăn che cả

(Sắc uẩn là gì – Theo cư sĩ Lê Sĩ Minh Tùng)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Rất cần những phản biện Phật học

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog