Quán Thế Âm Bồ Tát – Ngài là ai?
Pháp Giới 11 tháng trước

Quán Thế Âm Bồ Tát – Ngài là ai?

Quán Thế Âm Bồ Tát là một trong những Đại Bồ Tát nổi tiếng bậc nhất trong Phật pháp. Theo kinh dạy thì Ngài là Thầy của đức Phật Thích Ca và thành Phật đã vô lượng kiếp về trước – Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai.

Một số nơi trích dẫn kinh Bi Hoa giảng rằng: “Tiền thân của Ngài là Thái Tử Bất Thuấn, được đức Phật Bảo Tạng Thọ ký và Ban cho danh hiệu Quán Thế Âm.” Theo Tổ Ấn Quang thì sự việc không đơn giản như vậy. “Bởi thực ra, Quán Thế Âm Bồ Tát thành Phật đã từ vô lượng kiếp trước. Thái Tử Bất Thuấn chỉ là một hóa thân của Ngài mà thôi.

Người học Phật đa phần chỉ biết về Ngài qua hai phương điện:

  1. Ngài là vị Bồ Tát biểu trương cho tâm Đại Từ Đại Bi, Tầm Thanh Cứu Khổ. Hễ ai có khổ đau, hoạn nạn gì, niệm danh hiệu của Ngài đều được âm thầm gia bị cho thoát nạn.
  2. Ngài là một trong Tây Phương Tam Thánh. Cùng với đức Đại Thế Chí Bồ Tát hộ trì đức Phật A Di Đà, tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật sanh về Thế giới Cực Lạc.

Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa thì Đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm ở thế giới Ta Bà này có hai nơi: Phổ Đà Sơn – Trung Hoa và Vạn Phật Thánh Thành – Mỹ Quốc. Hai nơi này đều là Thánh địa, được Bồ Tát hiển tích, cứu độ và giáo hóa chúng sanh.

*

Phổ Đà Sơn là nơi năm xưa Ngài hiện thân hàng phục rồng độc để cứu dân. Còn Vạn Phật Thánh Thành là nơi hóa thân của Ngài giảng pháp và giáo hóa chúng sanh.( Tuyên Hóa Thượng Nhân là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm vậy).

Sự linh ứng và tầm thanh cứu khổ của Ngài được sách vở lưu lại vô lượng vô biên, không thể dùng bút mực mà ghi chép cho hết được. Chỉ xin trích một câu chuyện ngắn làm điển hình:

Tổ Ấn Quang kể: “Năm 1922 Nhật Bản động đất rất nặng. Đại biểu của Phật Giáo Phổ Tế Nhật Tai Hội (hội Phật giáo cứu tế tai nạn tại Nhật Bản) là các ông Bao Thừa Chí, Dương Thúc Cát v.v… sang Nhật cứu trợ, gởi thư cho Tổ Ấn Quang, trong ấy có đoạn:

“Số người chết ở Nhật Bản lần này ước chừng hơn ba mươi vạn, hài cốt chất như núi. Khu Thiển Thảo (Asakusa) ở Đông Kinh gần như hoàn toàn hủy hoại, công viên, ao nước bị thiêu cạn. Trong công viên có Quán Âm Đường, gồm ba gian xây theo lối cũ. Nạn dân bị lửa bao vây, ùa nhau chạy vào đó ước chừng hơn ba vạn người. Trong chánh điện và các gian nhà phụ đều đầy ắp người, cùng niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Kỳ diệu là tất cả đều được thoát nạn ấy, mà cũng chỉ có ngôi điện đường ấy là còn nguyên. Do vậy, người Nhật ca ngợi không ngớt lời”.

*
  • Quán Thế Âm Bồ Tát Cảm ứng chuyện.
  • Chú Đại Bi Linh cảm ứng.
  • Chú Đại bi nhiệm mầu.
  • Chú Đại Bi và kiết Đại Bi Ấn
  • Linh ứng Quán Thế Âm.
  • Phẩm Phổ Môn.
  • Khi khẩn cấp nhớ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm.
Quán Thế Âm Bồ Tát – Ngài là ai?
Quán Thế Âm Bồ Tát – Ngài là ai?

Quán Thế Âm Bồ Tát Là Ai

Quán Thế Âm Bồ Tát nghĩa là gì? Quán Thế Âm nghĩa là quán sát âm thanh của chúng sanh trong mười phương thế giới. Bồ Tát là tiếng Phạn, nói đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa. Bồ Ðề là giác, Tát Ðỏa là hữu tình. Bồ Tát nghĩa là bậc đã giác ngộ, đã không còn bị sanh tử luân luân hồi chi phối. Ngài dùng phương pháp và đạo lý giác ngộ, đi giác ngộ những hữu tình khác, giúp chúng hữu tình lìa khổ được vui như mình.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản: Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát có bản nguyện quán sát âm thanh của chúng sanh trong mười phương thế giới, để cứu khổ, ban vui và giúp chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi.

*

Theo Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni: “Bồ Tát Quán Thế Âm từ vô lượng kiếp về trước đã thành Phật. Ngài có danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Việc Ngài hiện thân Liệt Ứng là để hành hạnh Từ, độ hết chúng sanh rồi mới hiện rõ tướng thành Phật.

Liệt Ứng nghĩa là Thân ứng hiện kém hèn, tức là những thân ứng hiện chỉ tốt đẹp hơn người thế gian đôi chút. Chẳng hạn như Phật Thích Ca hiện thân trượng sáu, ba mươi hai tướng đẹp, tám mươi tùy hình. Chứ thực ra Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp về trước. Thắng Ứng Thân của Ngài có vô lượng tướng, thường được nói đại lược là ‘sát hải vi trần tướng’; trong mỗi tướng lại có vô lượng vi trần sát tùy hình hảo.

Còn theo Quán Âm Tam Muội Kinh, đức Thích Ca bảo: “Thị Quán Thế Âm, tại ngã tiền thành Phật, danh Chánh Pháp Minh Như Lai, ngô vi đệ tử dã” – Nghĩa là Vị Quán Thế Âm Bồ Tát này đã thành Phật trước ta, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, ta là đệ tử.

Thân Tướng của Quán Thế Âm Bồ Tát

Dưới đây là thân tướng thật của Quán Thế Âm Bồ Tát, thuật theo kinh Quán Vô Lượng Thọ. Ngoài ra những hình khác như người đời thường nhận thấy, đều là thân ứng hiện theo cơ cảm của chúng sanh thôi.

 “Thân của Quán Thế Âm Bồ tát cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, da màu vàng tử kim. Trên đỉnh đầu có nhục kế. Có vầng sáng tròn mỗi phía rộng trăm nghìn do tuần. Trong vầng sáng tròn ấy có năm trăm vị Hóa Phật, mỗi vị Hóa Phật tướng tốt như Phật Thích Ca Mâu Ni và có năm trăm vị Hóa Bồ tát chầu chực. Toàn thân ánh sáng chiếu suốt mười phương, hình tướng của tất cả chúng sanh trong lục đạo đều hiện rõ bóng trong ánh sáng ấy.

*

Trên đầu Bồ tát có thiên quan. Trong thiên quan có một vị Hóa Phật cao hai mươi lăm do tuần. Mặt Bồ tát sắc vàng diêm phù đàn. Lông trắng giữa đôi mày đủ bảy màu báu đẹp, chiếu ra tám muôn bốn nghìn thứ tia sáng thấu khắp mười phương. Trong mỗi tia sáng có vô số vị Hóa Phật và vô số Hóa Bồ tát. Cánh tay của Bồ tát màu như hoa sen hồng, tám mươi ức tia sáng đẹp kết thành chuỗi ngọc. Bàn tay năm trăm ức màu hoa sen hồng. Đầu ngón tay có tám muôn bốn nghìn lằn chỉ. Mỗi lằn chỉ, có tám muôn bốn nghìn tia sáng. Tia sáng ấy dịu dàng chiếu sáng mười phương.

Quán Thế Âm Bồ tát dùng bàn tay báu này tiếp dẫn chúng sanh về Cực Lạc.

Lúc Bồ tát cất chân lên, từ nơi nghìn xoáy chỉ ở lòng bàn chân tự nhiên hóa thành năm trăm ức quang minh đài. Lúc Bồ tát để chân xuống thời tự nhiên bông kim cương như ý rưới khắp mọi nơi. Muốn quán tướng hảo của Bồ tát, thời nên bắt đầu quán thiên quan trước, rồi sẽ tuần tự quán các tướng khác…

Truyền Thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm

Theo kinh Bi Hoa, khi vua cha Vô Tránh Niệm – Tiền thân của Phật A Di Đà Phật – nghe theo lời khuyên của đại thần Bảo Hải – Tiền thân của Thích Ca Mâu Ni Phật – đã đến quy y, nghe pháp với Bảo Tạng Phật, phát tâm Bồ Đề và các đại nguyện. Trưởng tử là vương tử Bất Thuấn – Tiền thân của Quán Thế Âm, vương tử Ni Ma – Tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát và 888 vương tử đã cùng phát Bồ Đề tâm.

Tổ Ấn Quang dạy: “Trong kiếp Thiện Trì này, Phật hiệu là Bảo Tạng. Lúc ấy đức Phật A Di Đà có hiệu là Ly Tịnh. Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện làm Thái Tử, mang cái tên hư giả là Bất Thuấn. Đại thần Phạm Chí phổ độ trọn khắp các hàng trời rồng. Các tiểu vương tử phát nguyện cầu thoát khỏi tay ma. Khi ấy, do Đồng Sự, Ái Ngữ, Đại Sĩ thị hiện thuộc địa vị phàm phu, cầu giàu có, cầu sanh lên cõi trời, chẳng biết đến Duyên Giác. Sống chết rình ngó cái thân, nghiễm nhiên như sói, hổ, đền thân nợ mạng, truyền mãi cái vỏ là người, là dê.

Khi ấy, ngài Hải Tế đại bi lại khuyên họ hãy phát tâm. Đức Di Đà được thọ ký thành Chánh Giác trước tiên. Đại Sĩ cúng dường Bảo Tạng Phật trong chín mươi ngày, hồi hướng Bồ Đề.

*

Ngài tư duy suốt bảy năm để chọn lấy cõi tịnh. Cảm khái lục đạo xoay vần, tam đồ dễ đọa; thoái thất chánh pháp, hết sạch thiện căn; thâu giữ hạnh tà, phần nhiều vì bạn ác xúi giục… Ngài bèn nguyện khi hành Bồ Tát đạo, sẽ xa lìa những sự sợ hãi. Không nơi nương tựa, không nơi an trụ, chúng sanh phiền não lắm đường; dù thấy, hay nghe, nguyện của ta rộng sâu như biển. Sanh tâm đại bi cứu khổ, bèn hiệu là Quán Âm.

Lại sau này kế thừa Vô Lượng Thọ thành Phật, lại có hiệu là Thức Đức. Đấy là Đại Sĩ suất lãnh một trăm ức người cùng phát đại tâm. Vì thế, trong các cõi mười phương, lại được chư Phật thọ ký.

Cũng theo kinh Bi Hoa, xưa kia, trong số A-tăng-kỳ kiếp nhiều như cát sông Hằng, có một kiếp tên là Thiện Trì. Chuyển Luân Thánh Vương tên là Vô Tránh Niệm, vua có một ngàn người con. Thái Tử thứ nhất tên là Bất Thuấn, suốt trong ba tháng cúng dường Bảo Tạng Như Lai. Các vương tử ai nấy đều phát tâm: Hoặc nguyện làm Đao Lợi thiên vương; hoặc Phạm Vương, Ma Vương, Chuyển Luân Vương; hoặc nguyện giàu to, hoặc cầu làm Thanh Văn…Không một ai cầu thành Duyên Giác, huống hồ cầu Đại Thừa!

*

Khi ấy, đại thần là Bảo Hải phạm-chí, khuyên khắp nam nữ trong thế giới và trời, rồng, quỷ thần v.v… hãy phát Bồ Đề tâm. Ông mộng thấy mặt vua và các vương tử hoặc là như mặt lợn, hoặc như mặt sư tử, cáo, sói, báo v.v… ăn các loại trùng. Lại có vô lượng chúng sanh đến ăn thịt chúng, nhiều lượt thọ thân cũng giống như vậy. Do vậy, khuyên họ hãy cùng phát Bồ Đề tâm.

Thái Tử tư duy tu tập đủ mọi thứ trang nghiêm hợp thành thế giới Phật của chính mình. Trong bảy năm, tâm không ham muốn, cho đến không có ý tưởng nghĩ nhớ hương, vị, xúc. Vì thế, bèn nói:

“Ta xem thấy địa ngục nhiều sự khổ não, trong cõi trời người, lắm phen đọa tam ác đạo. Các chúng sanh này do thân cận ác tri thức nên thoái thất chánh pháp, dứt hết các thiện căn, thâu giữ đủ mọi tà kiến che lấp cái tâm, hành theo tà đạo. Nguyện khi ta hành Bồ Tát đạo, chúng sanh nào hứng chịu các thứ khổ não, sợ hãi, không ai cứu vớt, che chở, không nơi nương tựa, không chốn nương náu, nhưng nếu kẻ ấy có thể nghĩ tới ta, xưng danh hiệu ta thì ta do thiên nhĩ nghe tiếng, do thiên nhãn trông thấy những chúng sanh ấy mà nếu chẳng cứu họ thoát khỏi những khổ não ấy, ta trọn chẳng thành A Nậu Bồ Đề.”

*

Bảo Tạng Phật thọ ký rằng:

– Ông quán sát trời, người, và hết thảy chúng sanh trong tam ác đạo, sanh tâm đại bi, muốn dứt các sự khổ não của chúng sanh, muốn chúng sanh an trụ trong an lạc, nên nay ta sẽ đặt tên cho ông là Quán Thế Âm. Khi Vô Lượng Thọ Phật nhập Niết Bàn thì cõi ấy sẽ đổi tên là thế giới Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu, thế giới An Lạc chẳng sánh bằng được tất cả các thứ trang nghiêm vô lượng vô biên trong cõi Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu! Trong khoảng một niệm, ông thành Đẳng Chánh Giác, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai.

Đức Phật nói kệ rằng:

Bậc đại bi công đức.

Nay hãy dấy khởi lên.

Chư Phật trong mười phương.

Đã thọ ký cho ông.

Ông sẽ được thành Phật.

Cho nên hãy hoan hỷ”.”

Quán Thế Âm Bồ Tát được thọ ký trong Kinh Bi Hoa

Bạn hãy ngồi ngay ngắn, giữ thân tâm thanh tịnh để đọc đoạn kinh Bi Hoa. Nơi đoạn trích dẫn này, Mười phương chư Phật đều chứng minh thọ ký cho đức Quán Thế Âm Bồ Tát!

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì đại vương mà thuyết kệ rằng: 

Khắp mười phương thế giới,

Cõi đất đều chấn động,

Cùng những chốn núi rừng,

Nhiều như cát sông Hằng.

Nay ông hãy đứng lên,

Ông đã được thọ ký,

Là bậc Thiên nhân tôn,

Bậc Thắng pháp, Điều ngự.

Thiện nam tử! Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương nghe được bài kệ ấy thì trong lòng sinh ra hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị thái tử của Thánh vương: ‘Thiện nam tử! Hãy đem công đức cúng dường bảo vật này cùng với việc trước đây cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng đủ các loại trân bảo trong suốt ba tháng để hồi hướng cầu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

*

Thiện nam tử! Với công đức bố thí cúng dường hôm nay, chẳng nên cầu được làm Đao-lợi Thiên vương hay Đại Phạm thiên vương. Vì sao vậy? Hết thảy những gì có được hôm nay do phước báo cũng đều là vô thường, không có tướng nhất định, khác nào như cơn gió thoảng qua nhanh. Vì thế, hãy dùng những phước báo có được do công đức bố thí cúng dường này để khiến cho tâm được tự tại, mau chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, độ thoát vô lượng vô biên chúng sinh, khiến cho đều được nhập Niết-bàn.’

Bấy giờ, thái tử nghe lời khuyên ấy rồi liền trả lời Phạm-chí rằng: ‘Nay tôi quán xét thấy chúng sinh nơi địa ngục chịu nhiều khổ não. Chúng sinh trong hai cõi trời, người nếu có tâm xấu ác, liền vì tâm xấu ác đó mà phải nhiều đời thọ sinh trong ba đường ác.’

Rồi thái tử lại khởi lên ý nghĩ rằng: ‘Những chúng sinh ấy đều là do thân cận với kẻ ác, khiến cho sự hiểu biết chánh pháp bị thối chuyển, phải rơi vào chỗ tối tăm u ám, mất hết các căn lành, lại chấp giữ đủ mọi thứ tà kiến, che lấp chân tâm nên mới làm theo tà đạo.’

*

Thái tử liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nay con sẽ dùng âm thanh lớn để báo cho hết thảy chúng sinh đều biết: Hết thảy những căn lành của con đều xin hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện khi con tu hành đạo Bồ Tát, nếu có chúng sinh nào đang chịu đựng các khổ não, sợ sệt lo lắng; sự hiểu biết chánh pháp bị thối chuyển, phải rơi vào chỗ tối tăm u ám; sầu đau buồn khổ, cô độc không người cứu giúp, không có nhà cửa, không nơi nương tựa;

nếu có thể nhớ nghĩ đến con, xưng tụng danh hiệu của con; sẽ được con dùng thiên nhĩ mà nghe biết, dùng thiên nhãn mà thấy biết; khiến cho những chúng sinh ấy được thoát khỏi mọi sự khổ não. Nếu không được như thế, con quyết sẽ chẳng bao giờ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!

Bạch Thế Tôn! Nay con lại vì tất cả chúng sinh mà phát khởi nguyện lực cao trổi thù thắng.

Thế Tôn! Nếu như con thành tựu được sự lợi ích bản thân, nguyện cho vị Chuyển luân Thánh vương đây trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng rồi, đến khi bắt đầu số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, khi thế giới có tên là An Lạc sẽ thành Phật hiệu là Vô Lượng Thọ, thế giới trang nghiêm, chúng sinh thanh tịnh, làm vị Chánh pháp vương. Đức Phật Thế Tôn ấy đã trải qua vô lượng kiếp làm các Phật sự.

*

Khi mọi việc đã hoàn tất, ngài sẽ nhập Niết-bàn Vô dư. Cho đến suốt thời gian chánh pháp còn trụ thế, con sẽ thường ở đó tu hành đạo Bồ Tát, thường làm các Phật sự. Khi chánh pháp của đức Phật ấy diệt mất vào lúc đầu hôm, thì ngay sau nửa đêm hôm ấy con sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thế Tôn! Nguyện đức Thế Tôn vì con mà thọ ký. Nay con cũng nhất tâm cầu thỉnh chư Phật hiện tại trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Nguyện mỗi vị đều vì con thọ ký.’

Thiện nam tử! Khi ấy đức Phật Bảo Tạng liền thọ ký: ‘Thiện nam tử! Ông quán xét hết thảy chúng sinh trong hai cõi trời, người cùng với trong ba đường ác mà sinh tâm đại bi, muốn dứt trừ mọi khổ não cho chúng sinh, muốn dứt trừ mọi phiền não cho chúng sinh, muốn tất cả chúng sinh đều được trụ nơi an lạc. Thiện nam tử! Nay ta đặt tên cho ông là Quán Thế Âm. 

Thiện nam tử! Trong khi ông tu hành đạo Bồ Tát đã có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chúng sinh được lìa thoát mọi khổ não. Trong khi tu hành đạo Bồ Tát, ông có thể làm nên những Phật sự to tát!

*

Thiện nam tử! Khi đức Phật Vô Lượng Thọ nhập Niết-bàn rồi, về nửa sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai nhiều như số cát sông Hằng, vào lúc đầu hôm chánh pháp diệt mất, thì sau lúc nửa đêm cõi thế giới ấy liền đổi tên là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu. Mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới ấy là vô lượng vô biên, vượt hơn cả thế giới An Lạc.

Thiện nam tử! Vào sau nửa đêm hôm ấy, ông sẽ tự có đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp, ngồi trên tòa báu kim cang dưới gốc cây Bồ-đề, chỉ trong khoảnh khắc một niệm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. 

Thọ mạng của Phật ấy là chín mươi sáu ức na-do-tha trăm ngàn kiếp. Sau khi nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp trụ thế sáu mươi ba ức kiếp.’ 

Khi ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm liền bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, thì nay khi con cúi đầu kính lễ Phật, nguyện chư Phật hiện tại trong số thế giới nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương, mỗi vị đều vì con thọ ký; lại khiến cho ở khắp các cõi thế giới trong mười phương nhiều như cát sông Hằng, đất đai và sông núi đều chấn động đủ sáu cách, phát ra đủ các loại âm nhạc, hết thảy chúng sinh đều được tâm xa lìa tham dục.’

*

Thiện nam tử! Lúc ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm liền cúi đầu sát đất lễ kính đức Như Lai Bảo Tạng.

Bấy giờ, các cõi thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương đều chấn động đủ sáu cách, hết thảy các chốn núi rừng đều phát ra vô số đủ mọi âm nhạc. Chúng sinh nghe âm nhạc ấy rồi liền lìa khỏi mọi tham dục. Chư Phật trong tất cả các thế giới ấy đều phát ra lời thọ ký rằng:

‘Tại thế giới San-đề-lam, trong kiếp Thiện Trì, con người có tuổi thọ tám vạn năm, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Lượng Thanh Tịnh, cai quản Bốn cõi thiên hạ. Thái tử của vua ấy nay tên là Quán Thế Âm, trong suốt ba tháng cúng dường đức Như Lai Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng. Do nơi căn lành ấy, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào nửa sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng liền được thành Phật, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai. Thế giới ấy tên là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu.’

*

Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng vì Bồ Tát Quán Thế Âm thuyết kệ rằng: 

Bậc đại bi công đức,

Nay ông hãy đứng lên!

Cõi đất khắp mười phương,

Thảy đều đã chấn động.

Chư Phật lại vì ông,

Ban cho lời thọ ký.

Ông quyết sẽ thành Phật,

Hãy sinh lòng hoan hỷ.

Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm nghe kệ rồi sinh lòng hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.”

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Thiền là gì? Thiền trong phật giáo và ý nghĩa của thiền trong đời sống

11 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog