Quả Báo Mụn Ghẻ Mặt Người
Pháp Giới 9 tháng trước

Quả Báo Mụn Ghẻ Mặt Người

Mụn ghẻ mặt người là chuyện điển hình về sức khủng khiếp của nghiệp chướng. Người thế gian không hiểu đạo chẳng nói làm chi, nhưng người học Phật: “Nếu chẳng lấy khiêm hạ giữ mình, chỉ một niệm cống cao ngã mạn khởi lên, ngay ấy mà chiêu cảm quả báo thống khổ.”

Xin trích đăng hai câu chuyện điển hình về quả báo mụn ghẻ mặt người: Một cổ và một kim. Một là kinh điển trong Phật pháp và một được kể lại bởi bậc Hóa thân Bồ Tát: Ngài Tuyên Hóa Thượng Nhân. Bạn đọc nếu tin được thì thật tốt lành, bằng như chẳng tin cũng xin chớ sanh tâm hủy báng mà mang tội.

Trong Niệm Phật Thập Yếu, Tổ Thiền Tâm bảo: “Mấy ai được như Ngộ Đạt quốc sư: Mười kiếp làm cao tăng tu thiền định. Ở kiếp sau rốt mới mười bốn tuổi đã giảng suốt Kinh Niết Bàn. Nhưng vì một niệm đam mê trước tòa trầm hương nên bị túc báo ghẻ mặt người. Về sau Ngài trở lại niệm Phật mới được vãng sanh giải thoát.”

*

Những vị ỷ mình cao minh, ngoài miệng nói suốt lý huyền. Những vị tinh thông huyền lý cao siêu, nếu có duyên đọc bài này cũng xin giữ mình chớ vọng ngữ. Giác ngộ hay Đắc quả là từ nơi giới hạnh tinh nghiêm trong nhiều kiếp tu hành, không phải từ nơi cửa miệng của hạng phàm phu mà có.

Người học Phật nếu không giữ tâm khiêm hạ, rất dễ lạc vào cảnh giới của “Thế trí biện thông”. Sa chân vào đó rồi, chắc chắn tương lai lấy địa ngục làm nhà! Mình là phàm phu, khi chưa lo được sanh tử cho mình thì chỉ nên tùy duyên tùy phận. Chớ vọng động chuyện danh lợi, độ sanh; chớ tranh cãi thị phi; chớ phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa; chớ phân biệt pháp hơn pháp kém…

Chư Tổ dạy: “Tâm còn khởi phân biệt, cách với Đạo rất xa.” Ngàn lần xin lưu tâm để ý!

  • Lời Phật dạy về Hiếu đạo.
  • Quả báo câu cá.
  • Quả báo tội bất hiếu.
  • Từ Bi Thủy Sám.
  • Lương Hoàng Bảo Sám
  • Quả báo tội ngoại tình tà dâm.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Quả Báo Mụn Ghẻ Mặt Người
Quả báo mụn ghẻ mặt người

Mụn ghẻ mặt người ngày nay

Hòa Thượng Tuyên Hóa kể: “Vào năm 1945, tại Thừa Thiên Tự, Tô Châu, Trung Quốc. Có vị Hòa Thượng trụ trì tuy là Phật giáo nhưng lại tin theo ngoại đạo. Ông ta thờ cúng Hồ Tiên (hồ ly), cho nên Hồ Tiên ra vào chùa tự do. Người và Hồ Ly sống hài hòa với nhau.

Hòa Thượng Thủ tọa Đại Minh đã từng triều bái tứ đại danh sơn, là vị rất có đức hạnh. Khi Hòa Thượng nhập thất duyệt đọc Kinh Đại Tạng, Hồ Ly tinh cũng tới chỗ nhập thất của Ngài mà đồng tu. Lúc Hòa Thượng xem kinh thì nó nằm ngủ trên tấm nệm lễ Phật của Ngài.

Khi Ngài muốn lễ Phật thì Ngài bảo nó: “Ta muốn lạy Phật đó! Ngươi tránh ra coi!” thì nó ngoan ngoãn đi ra khỏi phòng. Đợi khi Thủ Tọa lạy Phật xong, nó quay trở về ngủ trên đệm đó. Ngày nào cũng vậy trải qua một thời gian dài, hai bên trở thành đôi bạn đạo.

*

Một ngày kia, Hòa Thượng Thủ Tọa hơi bực dọc nên lúc muốn lạy Phật nói xẵng với Hồ Ly: “Nếu ngươi không tránh ra, ta đánh ngươi chết bây giờ!”

Hồ Ly trừng mắt nhìn không nhúc nhích, xong nhắm mắt lại, giả vờ ngủ mê. Nó nghĩ: Thầy là người xuất gia có tâm từ bi, mở cửa phương tiện, cho nên nó làm biếng không đi.

Bấy giờ Thủ Tọa nóng giận nói: “Ngươi có lý nào là khách mà muốn lấn át cả chủ hả! Ta đánh chết ngươi đây!” Thủ Tọa vừa nói vừa lấy cây hù dọa nó, nhưng Hồ Ly vẫn ngủ lì trên đệm. Thủ Tọa trong phút nóng nảy lỡ xán cây xuống làm vỡ đầu Hồ Ly.

Hồ ly tinh báo oán 

Thế là Thủ Tọa phạm giới sát nên trong tâm rất hối hận không biết phải làm sao? Nghĩ tới nghĩ lui, hốt nhiên Thủ Tọa nhớ ra có người nói: Nếu đánh chết Hồ Ly nên lấy thịt nó cho người khác ăn tức sẽ tiêu nghiệp sát. Vì thế, Thủ Tọa vội lột da nó rồi biếu xác nó cho người và nghĩ rằng, thế là xong việc. Bảy ngày sau, trong thiền định Thủ Tọa hốt nhiên nghe tiếng của Hồ Ly nói: “Tôi đã đến Diêm Vương thưa Thầy, bắt Thầy phải bồi thường sanh mạng cho tôi.”

Nghe xong Thủ Tọa hết sức kinh hãi, bắt đầu niệm chú Đại Bi. Bởi có thần lực của chú Đại Bi gia hộ, nên Hồ Ly tinh không đến gần Thủ Tọa được. Hồ Ly bèn chiêu tập một số âm binh tử trận Nhật Bổn bắn pháo đạn vào Thủ Tọa. Thế nhưng chúng bắn nhiều ngày cũng không trúng Thủ Tọa. Tại vì sao? Vì Thủ Tọa đã tập trung tư tưởng tụng Chú Đại Bi. Ông không rời chỗ ngồi cho nên pháo đạn chỉ rơi hai bên trái phải của Ông mà thôi!

Trải qua nhiều ngày, Thủ Tọa không ăn không uống. Ngay phút chốc sức cùng lực tận, tinh thần hoảng hốt đó: Đầu gối Thủ Tọa không may bị trúng đạn và âm binh Nhật Bổn lập tức phân tán. Thấy chúng rút lui Thủ Tọa rất đắc ý, tưởng là sau này sẽ được bình yên vô sự.

*

Ai ngờ vừa mới khởi vọng tưởng này, Thủ Tọa lập tức cảm thấy đau nhối ở chỗ bị trúng đạn. Ông cúi xuống nhìn thì thấy đầu gối mình bỗng sanh mụn ghẻ mặt người: Nó có miệng có răng, vừa sưng vừa đau.

Thủ Tọa trị liệu thuốc men gì cũng vô hiệu quả. Có người bày với Thủ Tọa rằng: “Nếu đắp thịt lên mụn ghẻ mặt người thì sẽ bớt đau nhức.” Thủ Tọa thử xem, quả nhiên có hiệu nghiệm. Nhưng đến lúc mụn ghẻ mặt người ăn hết thịt rồi, nó lại hành nhức nhối trở lại. Cứ vậy mà Thủ Tọa bị mụn ghẻ mặt người hành hạ, khổ không kể xiết.

Qua nhiều ngày thống khổ, Thủ Tọa giác ngộ rằng: Chỉ khi nào tiêu trừ được nghiệp chướng mới miễn trừ được sự đau khổ. Do đó Ngài chân thật tu hành, không còn so đo tới sự đau nhức nữa. Ngài nhẫn chịu trăm phần khổ sở, nhất tâm lạy Phật sám hối nghiệp sát. Qua 3 năm sau, vết thương của Thủ Tọa mới lành. Do đây, chúng ta mới biết rằng, nghiệp báo sát sanh là lợi hại nhất. Các vị nhớ đừng sát sanh mà làm nhiều công đức phóng sanh.

Mụn ghẻ mặt người: Ngộ Đạt Quốc Sư

Theo Từ Bi Thủy Sám. Triều vua Đường Ý Tôn có một vị quốc sư hiệu là Ngộ Đạt, tên là Tri Huyền. Lúc chưa hiển đạt, ngài thường gặp gỡ một nhà sư ở đất Kinh sư trong một ngôi chùa nọ. Nhà sư ấy mắc bệnh ca-ma-la (bệnh cùi) ai cũng gớm; chỉ có ngài Tri Huyền là thường gần gũi hỏi han, không hề nhàm chán. Nhân khi chia tay, nhà sư vì quá cảm kích phong thái của ngài Tri Huyền mới dặn rằng:

– Sau này ông có nạn chỉ nên qua núi Cửu Lũng, tại Bành Châu đất Tây Thục tìm tôi. Nhớ trên núi ấy có hai cây tùng làm dấu chỗ tôi trú ngụ.

Sau đó, ngài Ngộ Đạt quốc sư đến ở chùa An Quốc, đạo đức của ngài càng vang khắp. Vua Ý Tôn thân hành đến pháp tịch nghe ngài giảng đạo. Nhân đó vua mới ân từ rất hậu cho ngài cái pháp tọa bằng gỗ trầm hương.

Khi Quốc sư ngồi trên ghế báu thì tinh thần cảm thấy quá sung sướng, ông ta nghĩ: “Hiện tại trên đời Pháp Sư tôn quý được ngồi trên ghế báu này chẳng mấy vị. Thật là tốt biết bao”!

*

Khi ông ta sinh một tâm niệm cống cao, cho rằng hiện nay chỉ mình ta tôn quý trong thiên hạ; Liền lúc đó oan hồn của Triều Thố mười đời về trước chưa siêu thoát, nay đến tìm ông ta. Đột nhiên trên đầu gối ông ta nổi lên mụn ghẻ mặt người.

Mụn này có răng, có miệng, mũi và biết nói. Nó luôn luôn nói với ông ta :”Ông đừng nghĩ cách trốn tôi nữa. Tôi đã theo ông mười đời, ông chưa đền mạng cho tôi”.

Quốc sư Ngộ Ðạt mắc phải bệnh mụt nhọt này, ngày đêm la đau, thật khó mà chịu đựng. Dù ông tụng Chú Ðại Bi, Chú Lăng Nghiêm và tụng Kinh cũng chẳng tiêu tội được. Vì sao? Vì ông ta nghiệp quá nặng. Ðó là do ông ta sinh một tâm niệm cống cao ngã mạn, cho nên thần hộ pháp cũng xa lìa, không bảo hộ nữa.

Khi đó, ông ta nhớ đến Tôn Giả Ca Nặc Ca, là người bệnh mà ông ta đã từng hầu hạ. Đương thời Tôn Giả toàn thân bị bệnh ghẻ chảy máu chảy mủ lại có mùi hôi thối. Quốc Sư Ngộ Ðạt vẫn hầu hạ Tôn Giả hết mình, rửa ráy thuốc thang phục dịch mọi việc, khiến cho Tôn Giả lành bệnh.

*

Kỳ thật, Tôn Giả Ca Nặc Ca chẳng phải thật có bệnh, Ngài thị hiện để độ Quốc Sư Ngộ Ðạt. Quả nhiên Quốc Sư đối tốt với Ngài. Sau khi Tôn Giả lành bệnh mới nói với Quốc Sư: “Khi ông có nạn thì đến núi Trà Sơn ở Tứ Xuyên tìm ta, ta sẽ có biện pháp giải quyết”.

Lúc đó Quốc Sư Ngộ Ðạt bị mụn ghẻ mặt người chẳng cách chi trị được, bèn nhớ đến tìm Tôn Giả Ca Nặc Ca. Tôn Giả dùng nước tam muội tắm cho ông ta thì mụn ghẻ mặt người lành khỏi. Cho nên người tu đạo bất cứ như thế nào cũng đừng sanh tâm cống cao ngã mạn.

Nhân ngài nhớ lời dặn trước bèn đi vào núi mà tìm. Trên đường đi, trời đã mờ tối, trong khoảng âm u mây bay khói tỏa mịt mù, ngài nhìn xem bốn phía, bỗng thấy dạng hai cây tùng, ngài mới tin rằng lời ước hẹn xưa không sai. Ngài liền đến ngay chỗ đó, quả nhiên thấy lầu vàng điện ngọc lộng lẫy nguy nga, ánh quang minh chói rọi khắp nơi.

Trước cửa, nhà sư đang đứng chờ đón ngài một cách thân mật. Nhân ở lại đêm, ngài Ngộ Đạt mới tỏ hết tâm đau khổ của mình. Nhà sư ấy nói: Không hề gì đâu, dưới núi này có một cái suối, sáng ngày rửa mụn ghẻ ấy khỏi ngay. Mờ sáng hôm sau, một chú tiểu đồng dẫn ngài ra ngoài suối. Ngài vừa bụm nước lên rửa thì mụn ghẻ kêu lên:

*

– Đừng rửa vội. Ông học nhiều biết rộng, đã khảo cứu các sách cổ kim mà có từng đọc đến chuyện Viên Áng, Triệu Thố chép trong bộ Tây Hán chưa?

– Tôi có đọc.

– Ông đã đọc rồi có lẽ nào lại không biết chuyện Viên Áng giết Triệu Thố vậy. Thố bị chém ở chợ phía Đông oan ức biết dường nào. Đời đời tôi tìm cách báo thù ông, song đã mười kiếp ông làm bậc cao Tăng, giới luật tinh nghiêm, nên tôi chưa tiện bề báo oán được. Nay vì ông được nhà vua quá yêu chuộng nên khởi tâm danh lợi làm tổn giới đức, tôi mới báo thù được ông. Nay nhờ ngài Ca Nặc Ca Tôn giả lấy nước pháp Tam muội rửa oán cho tôi rồi, từ đây trở đi tôi không còn báo oán ông nữa.

Ngài Ngộ Đạt nghe qua, hoảng sợ liền vội vàng bụm nước dội rửa mụn ghẻ làm nhức nhối tận xương tủy, chết giấc hồi lâu mới tỉnh. Khi tỉnh lại thì không thấy mụn ghẻ ấy nữa. Nhân đó ngài mới biết Thánh hiền ẩn tích, kẻ phàm tình không thể lường được. Ngài muốn trở lên lạy tạ vị sư, nhưng ngó ngoảnh lại thì ngôi bảo điện kia đã biến mất tự bao giờ.

*

Từ ngày ấy, Đại sư tự răn trách tâm niệm danh vị của mình, làm văn Thủy Sám trừ tội chướng, tinh nghiêm giới luật, thiểu dục tri túc. Đại sư tự xét ở Ta bà khó thành nhẫn lực nên ngày đêm sáu thời tinh tấn hành đạo cầu sanh Cực Lạc.

Một hôm, bỗng nghe trên không có tiếng xướng to rằng: “Chắc đặng vãng sanh Tịnh Độ!”. Đại sư liền hỏi là tiếng ai nói.

Trên không đáp: “Phật đấy!”

Một bữa khác, Đại sư lại thấy một vị Bồ tát giáng lâm cặn kẽ khuyên nhắc. Giờ lâm chung Đại sư dặn đem thây mình bỏ nơi bãi biển để thí cho chim cá; Đại sư lại bảo mọi người: “Từ lâu tôi mong được về Tây phương Tịnh độ. Bây giờ chính là lúc được mãn nguyện!”. Dứt lời, Đại sư xoay mặt về hướng Tây mà tịch. Thọ 73 tuổi.

Ngài Ngộ Đạt cũng vì cảm điềm dị ứng của đức Ca Nặc Ca nên về sau trước tác bộ Từ Bi Thuỷ Sám pháp. Sự linh nghiệm của pháp sám hối này được lưu truyền đến ngày nay.

( Quả báo mụn ghẻ mặt người )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Công đức Phóng sinh vô cùng lớn

23 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog