Phiền não là gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Phiền não là gì

Hết thảy chúng ta đều là phàm phu, do đó nên cả cuộc đời luẩn quẩn ở trong vòng phiền não. Bị nó mê hoặc sai khiến, lắm lúc không tự chủ được. Phiền não có nghĩa là: “Khuất động thiêu đốt”, làm cho tâm niệm không yên, ngăn trở bước tu hành, nên gọi nó là phiền não chướng. Pháp thân huệ mạng ta bị phiền não phá hại, nên cũng gọi nó là phiền não ma.

  • Vì sao cuộc đời là bể khổ
  • Sự thật về Hoa Ưu Đàm.
  • Tham sân si là gì.
  • Khẩu nghiệp là gì.
  • Thị phi là  gì.
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
Phiền não là gì
Phiền não là gì

Xóa bỏ phiền não đứng thứ hai trong bốn điều hoằng thệ nguyện của Phật tử:

Chúng sanh vô biên thề nguyện độ.

Phiền não vô tận thề nguyện dứt.

Pháp môn vô lượng thề nguyện học.

Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.

Do đây thì biết phiền não nhiều vô biên, vô tận. Cuộc sống bị phiền não vây chặt mà hầu hết chúng ta không nhận ra: Nếu không phải ốm đau tật bệnh thì gia cảnh cũng nghèo khó chẳng an. Nếu gia đình không xung khắc, thân không vướng phải thị phi thì cũng nhọc nhằn mưu sinh hôm sớm..

Tập đế là tập họp tất cả phiền não. Phiền não so với khách trần còn lợi hại hơn nhiều. Khách trần chỉ là hình thức khiến chúng ta thọ khổ bên ngoài thôi, nhưng chúng có thể khiến cho phiền não công kích chúng ta từ bên trong. Tại sao có phiền não? Phiền não vốn là ông chủ của chúng ta, hiện nay đang diêu động.

Bị gì mà diêu động? Phiền não bị khách trần làm náo động. Lại vì không biết ông chủ của mình, nên phát khởi bực tức nóng giận, tức là phiền não. Chư vị hãy nói xem phiền não có lợi hại hơn khách trần không? Chư vị có thể nói : “Này khách trần! Các ngươi hãy đi khỏi mau lên! Nếu các ngươi không đi, Ta thật quá khổ!”

Phiền não là gì

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chư vị có thể đuổi chúng ra ngoài. Ông chủ phiền não này, chư vị muốn đuổi hắn đi chỗ nào, đến chỗ nào? Ðuổi mãi mà hắn không đi vì hắn vẫn còn ở trong nhà của chư vị. Thế nên bảo rằng hắn thật là lợi hại.

Tôi không muốn giảng về phiền não. Tại sao? Vì nếu tôi giảng thì chư vị sẽ thấy phiền não sao quá nhiều. Lúc không giảng, chư vị không biết phiền não có ít hay nhiều, lại vì không biết nên phiền não tùy tiện phát khởi, không biết không rõ để cho chúng đi qua. Nếu tôi giảng rõ, thì chư vị nói: “Ðấy là phiền não à!”

Chính là chúng. Phiền não này chồng chất lên phiền não khác. Vì vậy, tuy giảng giải và thuyết pháp đã lâu mà tôi ít giảng về phiền não. Tôi đã từng nghe chư vị giảng về phiền não rồi. Có phải chư vị bảo là có tám muôn bốn ngàn phiền não không? Không sai! Tôi cũng đã giảng qua tám muôn bốn ngàn phiền não rồi. Tám muôn bốn ngàn phiền não thật quá nhiều, mà tôi chưa giảng từng danh tự của mỗi phiền não.

Nay, tôi sẽ kể rõ danh tự của phiền não cho chư vị nghe. Chư vị nghe danh tự, tên của chúng rồi thì sẽ dễ dàng sanh phiền não. Sanh phiền não dễ dàng hơn trước khi nghe về phiền não, nên tôi không muốn giảng, sợ chư vị phát khởi phiền não dễ dàng.

*

Nhưng nay đã đến lúc phải giảng, cơ duyên thành thục rồi. Hôm nay tôi sẽ giảng từng chi tiết về tên của phiền não. Phiền não có ít hay nhiều? Có hai mươi loại phiền não. Hai mươi loại phiền não này gọi là tùy phiền não. Tùy tức là cân tùy (đi theo). Ði theo ai? Chúng đi theo tôi và chư vị. Tôi và chư vị đi đâu thì chúng đi theo đó.

Lại nữa, có sáu phiền não. Chúng là gì? Tức là sáu phiền não căn bản. Hai mươi tùy phiền não cũng là tiểu phiền não, trung phiền não, và đại phiền não. Tiểu phiền não có nhiều hay ít? Có mười loại. Trung phiền não có hai. Ðại phiền não có tám. Ðối với hai mươi loại phiền não này, chư vị hãy nói xem chúng là nhiều hay ít? Chư vị muốn nhiều thì tôi cho nhiều. Chư vị muốn có một loại thì tôi cho một lại, muốn mười loại thì tôi cho mười loại, muốn mười lăm thì tôi cho mười lăm, muốn hai mươi thì tôi cho hai mươi.

Sao gọi là tiểu phiền não? Tôi vốn muốn miêu tả hình dung phiền não cho chư vị xem, nhưng vì tốn rất nhiều thời gian nên tôi chỉ nói đơn giản thôi.

*

Thứ nhất là phẫn. Phẫn tức là phẫn nộ bất bình. Chư vị hãy nói xem đó có phải là phiền não không? Phẫn nộ bất bình tức là tâm chư vị hỗn độn, tâm ác nỗi lên cực điểm. Chư vị có thích hay không thích? Nếu thích thì cứ giữ lấy, còn tôi thì không thích. Giả như tôi đem phiền não cấp cho người khác. Vậy, có ai dám nhận lấy không? Không ai dám tiếp nhận. Từ từ rồi tôi sẽ cho người.

Thứ hai là hận. “Tôi hận chư vị. Hận đáo để, thấu trời”. Nhưng sao lại gọi là hận? Hận tức là ngược lại với luyến ái. Sao chư vị lại hận người khác? Vì thương họ, nhưng không thành nên trở lại oán hận. Tôi có cô đệ tử. Trước khi xuất gia, cô ta có bạn trai. Nghe cô ta đi tu nên anh chàng trở nên oán hận cô này. Vì vậy, anh ta gọi điện thoại đến chùa nói với cô ấy:” Tôi rất oán hận cô.”

Thứ ba là lợi hại, tức là không những oán hận mà còn não hại nữa. Não tức là khổ não, hay cũng là phiền não, hoặc não oán. Tất cả đều không tự tại. Sao gọi là não? Não tức là óc não, hay đầu não. Chư vị bị phiền não thì đầu cũng bị nhức, đôi mắt cũng nóng rực lên. Khi ấy có biết đầu lớn hay nhỏ ? Càng bị phiền toái chừng nào thì đầu to và nặng chừng ấy. Ðau đến cực điểm thì bị đứt màng não, rồi sẽ chết. Có ai thích loại phiền não này không? Nếu có ai muốn thì tôi nay sẽ bố thí cho.

*

Thứ tư là phục, nghĩa là phục tàng (che giấu), cái tàng. “Thiên phục địa tàng (trời che đất chứa)”. Phục tàng (che giấu) còn lợi hại hơn phiền não, phẫn hận nữa. Phẫn hận phát xuất ra ngoài, còn che giấu thì không nói không ai biết, chỉ tự giấu kín thôi, nên gọi là che giấu. Che giấu tổn hại chính mình rất nhiều, khiến sanh bệnh loét bao tử. Người Mỹ bị bệnh này rất ít, nhưng người Tàu thì rất nhiều, cho đến người xuất gia lại càng nhiều hơn nữa.

Tại sao? Vì họ thường che giấu, giữ kín trong bụng, không để cho người khác biết rằng họ có phiền não mà lại che giấu, không dám để lộ ra ngoài. Do đó bên trong sanh bệnh loét bao tử. Nếu ai bị bệnh này thì chư vị biết chắc rằng người đó có che giấu phiền não chi trong bụng. Ðây là cách giảng pháp rất chính xác. Tôi nói rõ, cặn kẻ cho chư vị nghe về loại phiền não này rồi đó!

Thứ năm là cuống (nói dối). Kế bên chữ ngôn là chữ cuồng (vọng). Phục tàng (che dấu) khiến người khác không biết. Vã lại, không có người hỏi, và là việc không quan trọng, nên chỉ cố giữ kín. Cuống tức là vọng ngữ (nói láo). Vốn có phiền não, nhưng khi người khác hỏi: “Vì sao anh sanh phiền não?”

Ðáp :”Không! Tôi đâu có sanh phiền não ! Ai sanh phiền não vậy?”

*

Họ hỏi lại người đó. Tự họ bị vô minh phiền não đốt cháy rực cả trời đất, mà khi chư vị hỏi thì họ nói láo và bảo rằng không có phiền não. Vì vậy tôi không muốn giảng cho chư vị nghe vì sợ đến lúc đó thì sẽ nói láo. Nếu tôi không giảng, lại không biết phương pháp, thì làm sao chư vị tránh khỏi lỗi nói láo! Ðầu tiên thì che giấu, đến cuối cùng thì lại nói láo.

Thứ sáu là siểm mị (nịnh bợ). Sao gọi là nịnh bợ? Người thường hay nịnh bợ tức là trong tâm rõ ràng không thích người kia, nhưng khi gặp họ thì liền nói lời khen tán tụng, ngọt ngào. Hiện tại gọi là “vuốt đuôi ngựa”. Giống như kẻ nghèo hèn, thấy người giàu có liền chào đón: “A! Trương tiên sinh, xin hỏi thăm Ngài đi đâu vậy?”

Ðó là lời nịnh hót tổng quát.

Thứ bảy là kiêu ngạo. “Chư vị giàu sang thì mặc chư vị. Việc của tôi thì tôi lo. Việc của chư vị thì chư vị tự lo. Trên thế giới này, tôi là đệ nhất. Thân thể tôi lớn tựa như núi Tu Di. Tại sao tôi phải khách sáo với chư vị? “

Ở trên là nịnh hót, còn ở đây thì không nịnh hót người khác. “Chư vị hãy lo vuốt đuôi kẻ khác đi, còn tôi thì xem thường họ.”

Do đó biến thành kiêu ngạo.

*

Thứ tám là hại, nghĩa là tổn hại. “Chư vị có tiền có thế lực. Một nhát đao của tôi là chư vị lìa đời, xem coi chư vị dùng tiền và thế lực như thế nào?”

Ðó là hãm hại người khác, mà không phải kiêu căng ngạo mạn, chỉ là nghĩ tưởng, tức là trong tâm muốn hãm hại người khác.

Thứ chín là đố kỵ. “Vì đời trước tôi không bố thí nên không có. Chư vị ai ai cũng có hết, nhưng không biết ăn cắp từ chỗ nào?”

Như tôi đã giảng ở trên là rất nhiều người có tâm đố kỵ. Chư vị đố kỵ, ganh ghét họ. Họ đố kỵ ganh ghét chư vị. Nhưng chư vị không biết rằng đố kỵ phát sanh từ đâu. Vì không biết nó phát sanh từ đâu nên tôi nói là chư vị ăn cắp nó. Vì không biết nó từ đâu đến nên giống như là ăn cắp vậy. Chư vị không biết nó, nên nay tôi sẽ chỉ cho.

Thứ mười là san tham (keo kiệt). Gọi keo kiệt là vì xả bỏ không được, không dám bố thí. Có một đồng xu nào thì giữ gìn nắm chặt trong bàn tay. Bóp chặt mãi cho đến khi nó biến thành nước luôn. “A! Tiền tôi mất rồi! Tôi không thể dùng được nữa, vì nó biến thành nước rồi!”

Trên đây là mười tiểu phiền não.

*

Hai trung phiền não là gì? Ðó là vô tàm và vô úy, nghĩa là không biết tàm úy (hổ thẹn). Chữ tàm có chữ tâm một bên, và kế bên là chữ trảm tức trảm đầu (chém đầu). Chém đoạn phiền não, cũng là nói về chữ sát (giết). Ðối với phiền não này, chính tâm mình sai quấy mà không nhận là mình sai. Như bảo rằng chư vị đã giết người thì chính là phạm pháp. Tự chư vị biết mình đang giết hại chúng sanh, mà lại không biết sám hối sửa đổi.

Chữ tàm nghĩa là chư vị lý ra phải chém đứt phiền não, mà lại không làm, nên gọi là vô tàm. Tâm giết hại còn nằm ẩn bên trong, không biết tự sửa đổi, nên gọi là vô tàm (không hổ thẹn). Sao gọi là hổ thẹn? Nghĩa là không thể đối mặt nhìn người khác. Chư vị làm việc không quang minh chính đại, nên không dám nhìn mặt người khác. Nhưng chư vị lại không nhận rõ việc đó là không đúng. “Có quan hệ gì đâu?”

Tạo việc sai trái rồi tự mình làm luật sư biện hộ cho mình, bảo rằng tôi có lý do này lý do nọ, chân thật đúng đắn. Ðó là vô tàm (không hổ thẹn).

*

Quý. Sao gọi là quý? Bên phải của chữ quý là chữ quỷ, tức quỷ thần; nghĩa là tâm chư vị không quang minh chánh đại. Vì không quang minh mà chư vị cho là đúng, nên gọi là quý. Quý tức là quý cứu, tựa như tâm chư vị có thiếu sót chi, không thể đối mặt với người, nhưng khi ấy lại không dám nói là mình không thể đối mặt với người, nói: “Tôi có làm gì sai trái đâu!”

Vô tàm, vô quý (không hổ thẹn), là hai phiền não của trung phiền não.

Lại có tám loại tùy phiền não lớn. Thứ nhất là bất tín. Chư vị không nghĩ rằng bất tín không phải là phiền não à! Chư vị có giảng gì đi nữa, họ cũng không tin là không đúng. Càng nói càng không tin. Tổng quát, dầu chư vị có nói gì đi nữa, họ cũng vẫn không tin.

Chư vị bảo rằng trên trời mưa hoa rơi khắp đất, dưới đất hoa sen vàng phóng vụt lên. Dầu đang nghe nhưng họ vẫn giả bộ như không nghe. Chư vị giảng giải có lý lẽ, họ không tin. Chư vị giảng giải không có lý lẽ, họ lại càng không nghe thêm. Chư vị giảng một việc nhiều lần, nhưng họ không tin. Chư vị giảng việc đó ít lần, họ cũng không tin. Giảng nhiều họ không tin. Không giảng họ cũng không tin. Giảng về lý không, họ không tin. Giảng về lý chẳng có không, họ cũng không tin. Nói chung, tông chỉ, đường hướng của họ là không tin gì hết.

*

Tùy phiền não lớn thứ hai là giãi đãi, tức là làm biếng. Ðâu có ai nghĩ rằng làm biếng là tùy phiền não lớn. Sao gọi là giãi đãi? Giãi đãi, làm biếng nghĩa là không chuyên cần học Phật pháp. Cho dầu làm việc gì cũng giãi đãi. Thậm chí ăn cơm cũng làm biếng nữa. Ăn một muỗng rồi đợi đến năm phút sau mới ăn muỗng thứ hai. Khi ngủ cũng làm biếng, mộng mị. Khi nào họ mới không làm biếng? Chỉ khi đánh cờ bạc thì họ mới có tinh thần.

Có người, đối với Phật pháp rất giãi đãi, tu hành cũng rất giãi đãi. Không những tự làm biếng mà lại ảnh hưởng đến những người khác nữa. Không những ảnh hưởng xấu mà họ cũng lại không muốn người khác làm việc nữa. Như tôi có một đệ tử, ngủ mãi cho đến tám giờ sáng.

Tại sao? Vì người ngủ bên cạnh phòng thức dậy sớm, nên hắn chạy qua phòng đó ngủ tiếp. Ðó là một loại làm biếng. Loại làm biếng này phát sanh ra một loại phiền não. Hắn biết chư vị đều tu hành, nên nói: “Tôi không muốn tu hành. Tôi muốn chư vị không tu hành như tôi. Chư vị nỗ lực hai ngày, nhưng đến ngày thứ ba nên làm biếng đi!”

Hắn đã làm biếng rồi mà lại gây ảnh hưởng đến những người khác nữa.

*

Tùy phiền não lớn thứ ba là phóng dật. Sao gọi là phóng dật? Phóng tức là phóng khai (mở toang). Dật tức là tản mác. Phóng dật tản mác cũng là không thủ quy củ, luật lệ. Không những không giữ quy củ mà lại còn hy vọng người người đều không giữ quy luật. Chính họ thích uống rượu, cũng muốn mọi người đều đến biển rượu để uống. Họ thích việc gì liền rủ kéo người khác đi theo. Họ muốn nhảy đầm, liền kéo mọi người đi theo. Họ thích đi xem chiếu bóng, liền kéo mọi người mà họ quen biết đi xem.

Họ thích xuống địa ngục, liền kéo mọi người xuống địa ngục. Họ thích làm ngạ quỷ, nói: “Làm ngạ quỷ hay lắm. Chư vị hãy mau đi theo tôi!”, nên dẫn tất cả thân bằng quyến thuộc đi vào đường ngạ quỷ. Họ muốn loài loài vật, nói: “Tôi làm người hay làm chó cũng được, nhưng làm chó lại hay hơn. Chư vị thấy mấy con chó, chúng đâu cần phải làm việc, mà lại có người hằng ngày cấp cho đồ ăn, được người che chở bảo hộ. Vậy có vui lắm không!”

Không những muốn làm chó mà lại khiến thân bằng quyến thuộc nhập vào dòng chó nữa.

*

Thứ tư là hôn trầm. Mọi người phải nên tránh đi. Nghe giảng kinh, ngồi tọa thiền, họ đều nhập định cả, nhưng kỳ thực là hôn trầm, nói: “Tôi nghe giảng kinh rất rõ ràng. Ðầu tôi chỉ nghiêng xuống, muốn làm bạn với đôi chân thôi”. Ðó là hôn trầm. Hôn trầm cũng là khi chư vị làm bất cứ việc gì mà tinh thần không thể khởi lên được, nên muốn ngủ. Nói rằng ngủ, nhưng không giống ngủ. Bảo rằng không ngủ, lại không tỉnh táo. Nghe giảng “Như thị ngã văn (tôi nghe như vầy)”, nói: “Tôi đâu có nghe gì đâu!”. Ðó gọi là hôn trầm.

Thứ năm là trạo cử. Trạo nghĩa là nghiêng qua một bên. Cử là khởi cử dậy. Như đang nghe kinh, đầu chư vị lại động đậy. Ðây không phải như ngài A Nan, vì muốn xem hào quang của Phật Thích Ca, nên nghiêng đầu qua phải trái để xem. Nếu tự mình động đậy cũng không biết ai bảo mình động đậy, thì đó gọi là trạo cử. Nếu tâm luôn bị phiền não thì phát sanh trạo cử.

Một khi phiền não phát sanh, thì tâm không an, không biết chi là hay là dở, nghe giảng kinh mà không để ý đến, ngồi thiền mà cảm giác như thân đang ngồi trên bàn châm, thống khổ, đau nhức. Tâm bất an lạc cũng gọi là trạo cử. Chư vị hãy xem, nếu tôi không giảng thì chư vị không biết những tật xấu này, nhưng nó chính là phiền não lớn trong tám thứ tùy phiền não.

*

Chư vị hãy nói xem trạo cử là gì? Chư vị bảo trạo không phải là trạo sao? Cử không phải là cử sao? Nếu chư vị trạo mà không trạo, đó là cử. Không cử, chính là trạo.

Thứ sáu là thất niệm. Thất nghĩa là mất. Thất niệm tức là quên mất chánh niệm. Hoặc giả chư vị nói rằng thất niệm chính là không còn vọng tưởng, vậy rất tốt. Tại sao có phiền não? Chỉ vì quên mất chánh niệm. Tựa như chư vị muốn niệm Phật, nhưng khi niệm đến câu thứ ba “Nam mô A Di Ðà Phật”, thì tuy niệm mà quên mất chánh niệm. Chư vị muốn tụng chú Lăng Nghiêm, niệm câu “Diệu trạm tổng trì bất động Tôn, thủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu … A! Lại đến câu gì?”

Giống như tụng kinh, niệm chú, tụng niệm đến lúc mọi người đều dừng lại hết, không biết niệm đến chỗ nào. Ðây không phải hiển thị là chư vị nhập định, như vậy là gì? Ðó là quên mất chánh niệm. Niệm kinh, niệm chú, dần dần quên mất chánh niệm, lại không phải là chư vị đều không niệm, mà niệm không ra tiếng, mọi người đều nhập vào tam muội (định), không âm thanh. Ðấy là chư vị quên mất chánh niệm.

*

Thứ bảy là không có chánh tri kiến (bất chánh tri). Không có chánh tri tức là tà tri tà kiến. Không có chánh tri chánh kiến, việc đúng bảo là sai, việc sai bảo là đúng, trắng bảo là đen, đen bảo là trắng, việc tốt bảo là hư hoại, việc hư hoại bảo là việc tốt. Như tôi có vài đệ tử thường nói: “Ăn nhiều là hành khổ hạnh”.

Thế nên, họ ăn nhiều thục mạng, mà lại bảo đó là hành khổ hạnh. Họ giống như những người mà tôi đã giảng ở bên trên. Họ bảo: “Tôi không màng, không quản chư vị. Khổ hạnh của chư vị là khổ hạnh. Muốn làm gì thì cứ làm”.
Hôm nay tôi nói cho chư vị biết đó đều là tà tri tà kiến.

Thứ tám là tán loạn. Tán loạn tức là không có định lực, cũng là lo ra, để tâm chạy ra ngoài, như dùng kiếng để rọi người. Chiếu kiếng bên phải bên trái, soi này soi nọ, chiếu người này người nọ, mà không tự chiếu chính mình. Ðó là không có định lực, nên gọi là tán loạn. Thiền định trị tâm tán loạn.

Bên trên đã giảng hai mươi loại tùy phiền não, lớn có tám loại, trung có hai loại, nhỏ có mười loại, cộng thành hai mươi.

*

Ðối với sáu phiền não căn bản, tôi tin rằng chư vị rất quen thuộc, có thể nói chúng là những người bạn rất thân thiết với chư vị. Thứ nhất là tham. Tôi tham lam, chư vị tham lam. Tham tuy là giống nhau, nhưng cũng bảo là khác nhau. Tại sao khác nhau? Chư vị tham nhiều, còn tôi tham ít. Chư vị tham ít, còn tôi thì tham nhiều. Mỗi người đều có cái tham của chính mình. Tham lam hại chúng ta rất nhiều.

Tại sao? Chư vị vẫn chưa biết rõ sự tổn hại của tham lam. Tại sao cho đến hôm nay, chư vị vẫn chưa thành Phật? Có phải vì còn ngu si, không có đủ trí huệ phải không? Tham lam không bao giờ biết đủ. Cái gì cũng không sợ nhiều như tiền bạc, vật chất, hình trạng, phiền não, càng có chừng nào thì càng tốt chừng đó. Như cách dụng binh của Hàn Tín đời Hán, ông bảo rằng càng dùng binh lính nhiều chừng nào thì tốt chừng đó. Ðó là biểu hiện cho sự tham lam.

Thứ hai là sân hận, giận tức. Sân hận tức là vô minh, cũng là sự giận nổ lên như pháo bông. Pháo bông còn nhỏ lắm. Hiện tại có bom nguyên tử và bom khinh khí đều đã được phát minh ra, vì do oai lực của tâm vô minh, sân hận. Sân hận cũng là loại nóng giận, tức tối.

*

Thứ ba là si mê. Tại sao chúng ta thường làm việc sai lầm? Chỉ vì ngu si mà khiến cho chúng ta làm những việc không đáng làm, học những gì không đáng học. Ví như ngày nay có một số thanh niên thường thích hút thuốc phiện, vốn không nên hút mà lại hút. Càng hút càng ghiền, không biết gì hết, lại hút thêm. Tại sao? Vì do ngu si. Họ nghĩ rằng hút thuốc phiện thì nhất định sẽ phát hiện ra việc kỳ lạ, như Kha Luân Bố phát hiện ra Tân thế giới. Chư vị hãy nói xem, đó có ngu lắm không? Ngu si khiến cho họ điên đảo.

Thứ tư là ngã mạn hay kiêu mạn, là một loại phiền não.

Thứ năm là nghi hoặc, tức sanh tâm không tin. Việc gì cũng hoài nghi hết. Nghi thần nghi quỷ, nghi đúng, nghi sai, nghi mình nghi người. Ðối với chính mình cũng hoài nghi. Ðối với người khác cũng hoài nghi. Ðạo lý chân thật chính xác hay không chân thật chính, đều hoài nghi hết.

*

Thứ sáu là tà kiến tức tri kiến không chánh đáng, chỉ giữ tà tri tà kiến.

Hôm nay tôi giảng về phiền não. Tôi hy vọng mọi người đều dứt tận, đừng nhận chúng làm thân thuộc hay bạn hữu. Phải nên dẹp trừ chúng, Chớ để chúng tạo thêm nghiệp tội. Chư vị giúp đỡ phiền não, phiền não giúp chư vị tạo nghiệp tội. Chư vị chuốc lấy nghiệp tội vào thân mà phiền não “ta bà ha” không quản chư vị. Chúng không quản là chư vị thọ nghiệp tội hay không thọ nghiệp tội, thọ quả báo hay không thọ quả báo. Khi thọ quả báo, phiền não chạy mất. Khi chư vị đọa xuống địa ngục, phiền não cũng không đi theo.”

Trừ phiền não với người học Phật

Theo Niệm Phật Thập Yếu: “Có những Phật tử mỗi ngày sau khi tụng kinh niệm Phật đều quỳ đọc bài hồi hướng: “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não…”. Nhưng rồi trong hành động thì trái lại: Nay tham lam, mai hờn giận, mốt si mê biếng trễ. Bữa kia nói xấu chê bai chỉ trích người. Đến bữa khác lại có chuyện tranh cãi gây gổ buồn ghét nhau. Như thế, tam chướng làm sao tiêu, phiền não làm sao trừ được?

Chúng ta phần nhiều chỉ tu theo hình thức ít chú trọng đến chỗ khai tâm, thành thử lửa tam độc vẫn cháy hừng. Không hưởng được hương vị thanh lương giải thoát của đức Phật đã chỉ dạy.

Có những Phật tử tuy ăn chay, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, nhưng chỉ chú ý về hình thức, không quan tâm đến việc dứt trừ phiền não vọng duyên. Nên biết, nếu phiền vọng tăng một phần, tất đạo tâm phải thối một phần. Dù có tụng kinh niệm Phật cũng không được thanh tịnh.

*

Cho nên trong Kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ đã bảo:

Người mê tu phước chẳng tu đạo.

Bảo rằng tu phước ấy là đạo.

Bố thí cúng dường phước không lường.

Nơi lòng ba ác vẫn còn tạo.

Chữ Đạo của đức Lục Tổ nói, chỉ cho chân tâm thanh tịnh. Tất cả đường lối tu hành đều là phương tiện trở về chân tâm ấy. Chứng được chân tâm mới hoàn phục tánh bản giác, thoát nỗi khổ luân hồi. Mà điểm căn bản để tu chứng, là phải dứt trừ phiền não vọng niệm.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật cũng dạy: “Bậc sa môn hành đạo đừng giống như con trâu kéo chiếc cối xay, thân tuy hành đạo mà tâm đạo chẳng hành. Nếu tâm đạo được hành, cần gì dùng thân hành đạo?” Niệm Phật, sám hối, ngồi thiền, lễ bái, kinh hành, đều là phương tiện phá trừ vọng nghiệp, mở rộng chân tâm. Nếu thân, miệng áp dụng hình thức ấy, mà lòng còn dẫy đầy nghiệp chướng tham, sân, si, thì đâu gọi là hành đạo? Trái lại, tuy không dùng hình thức đó, nhưng tâm vẫn luôn luôn trong sáng như gương nguyệt hồ thu, mới thật là người hành đạo.

*

Khi xưa vua Hương Chí hỏi Tổ Bát Nhã Đa La rằng: “Các vị tu hành khác đều tụng kinh, sao Ngài lại không tụng?”

Tổ đáp: “Bần tăng hơi thở ra không tiếp xúc các duyên, hơi thở vào không ở trong ấm giới. Thường chuyển thứ kinh ấy đã ngàn muôn ức quyển rồi!”

Tổ muốn nói rằng mình hằng tụng vô tự tâm kinh, tâm kinh ấy là chẳng trụ trước muôn duyên bên ngoài, bên trong hằng vắng lặng không thấy có năm ấm mười tám giới. Cả tướng trong, ngoài, chính giữa cũng đều dứt tuyệt. Đây là ý nghĩa “tâm hành đạo”. Tuy nhiên, cũng đừng chấp theo điều nói trên, mà bác bỏ ăn chay, bố thí, sám hối, niệm Phật, tụng kinh. Bởi các sự kiện ấy về mặt huệ nó giúp cho hành giả mau tiêu nghiệp chướng, sớm ngộ bản tâm. Về mặt phước nó lại khiến cho người tu được quả báo đẹp vui, sanh về các cõi lành. Hoặc sanh miền Tịnh Độ để tiếp tục đường tu không còn thối chuyển.

Mà phước huệ lưỡng toàn mới thành Phật được. Cho nên các bậc đại Bồ Tát tuy đã ngộ suốt nguồn tâm, nhưng vẫn tu muôn phước để trang nghiêm Phật độ. Như đức Di Lặc Bồ Tát tuy đã lên ngôi Nhất Sanh Bổ Xứ, xong mỗi ngày vẫn sám hối sáu thời để cầu tiêu trừ tế chướng, mau chứng quả Diệu Giác của Phật Đà. Nên biết lời dạy trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương và lời của Tổ Bát Nhã Đa La ở trên, chỉ có tánh cách phiến diện hoặc bán dụ, để phá trừ lối tu chấp tướng quên tâm mà thôi.

*

Người tu tịnh nghiệp ngoài phương diện niệm Phật, trì chú, tụng kinh, sám hối. Còn phải chú trọng về phương diện “khai tâm”. Muốn cho tâm mở mang sáng suốt, giúp niệm Phật mau thành tựu, phải dứt trừ phiền não. Nếu nhận thức sâu thêm, câu niệm Phật tuy là tướng mà cũng chính là tánh. Bởi lý không ngoài sự, tức niệm là Phật, tức niệm là tâm.

Cho nên trong sáu chữ hồng danh, phước huệ gồm đủ, sự lý viên dung. Vừa đưa người tu mau đến thể viên giác diệu tâm, vừa khiến hành giả được tịnh báo vãng sanh cõi Phật.

Cách hóa giải phiền não

Các phiền não về tham không ngoài sự đắm nhiễm ngũ dục lục trần. Từ cội gốc tham, sanh ra các chi tiết xấu khác như: Bỏn sẻn, ganh ghét, lường gạt giả dối… gọi là Tùy phiền não.

Ngũ dục, chỉ cho năm món nhiễm gồm: Sắc dục, tiền của, quyền danh, ăn mặc, ngủ nghỉ. Lục trần là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Trong lục trần đã thâu nhiếp ngũ dục, nhưng sở dĩ lập riêng danh từ ngũ dục, là muốn nêu ra năm món nhiễm nặng của chúng sanh trong cảnh lục trần. Lục trần nói với tánh cách bao quát, ngũ dục với tánh cách đặc biệt. Nơi đây nói thêm lục trần là để chỉ cho các thứ nhiễm khác mà trong ngũ dục không có như: Thích âm nhạc ca hát, mê tiểu thuyết nhảm nhí v.v… Khi tâm tham nhiễm ngũ dục lục trần khởi động, cách đối trị tổng quát, là nên quán sát thuần thục bốn lý: Bất Tịnh, Khổ, Vô Thường, Vô Ngã.

Bất tịnh là gì

“Bất Tịnh” là chỉ cho thân không sạch, tâm không sạch, và cảnh không sạch. Thân không sạch, là phải quán xét thân ta và người bên ngoài nhờ có lớp da che giấu, bên trong chỉ toàn những thứ hôi tanh nhơ nhớp như: Thịt, xương, máu, mủ, đờm, dãi, phẩn, nước tiểu v.v…Đã thế mà các thứ nhơ nhớp bên trong còn bài tiết ra cửu khiếu bên ngoài. Suy xét kỹ, sắc thân của chúng sanh không có chi đáng ưa thích.

Tâm không sạch, là khi tâm sanh tham nhiễm tất nó đã thành xấu xa nhơ bợn, chẳng khác chi hồ nước trong bị cáu bùn làm bẩn đục. Hồ nước đục không thể soi bóng sắc cây núi trời mây, tâm nhơ bợn mất hết thần thông trí huệ. Nên nhớ câu: Biết tu hành chớ phí uổng công. Tâm bình tịnh thần thông trí huệ! Người đã phát nguyện bước lên đường tu, phải lập chí lần lần dứt trừ tâm phiền não nhiễm dục từ thô đến tế.

Cảnh không sạch, là cảnh giới cõi ngũ trược này dẫy đầy bùn đất, đá sỏi, chông gai. Lại dung chứa vô số chúng sanh từ thân đến tâm đều nhơ bợn. Cho nên cảnh Uế Độ này không có chi đáng say mê tham luyến.

Khổ là gì

“Khổ” là chỉ cho thân khổ, tâm khổ và cảnh khổ. Thân khổ, là thân này đã nhơ nhớp, lại bị sự sanh già bịnh chết, nóng lạnh, đói khát. Vất vả cực nhọc chi phối, làm cho khổ sở không được tự tại an vui.

Tâm khổ, là khi tâm ta khởi phiền não, tất bị lửa phiền não thiêu đốt. Dây phiền não trói buộc, roi phiền não đánh đuổi sai khiến, khói bụi phiền não làm tăm tối nhiễm ô.

Cho nên người nào khởi phiền não tất kẻ đó thiếu trí huệ, vì tự làm khổ mình trước nhứt. Cảnh khổ, là cảnh này nắng lửa mưa dầu, chúng sanh vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi ngày ta thấy trước mắt diễn đầy những hiện trạng nhọc nhằn bi thảm.

Vô thường là gì

“Vô Thường” là thân vô thường, tâm vô thường và cảnh vô thường.

Thân vô thường là thân này mau tàn tạ, dễ suy già rồi kết cuộc sẽ phải đi đến cái chết. Người xưa đã than:

“Nhớ thuở còn thơ dong ngựa trúc.

Thoát trông nay tóc điểm màu sương”.

Mưu lược dõng mãnh như Văn Chủng, Ngũ Tữ Tư. Sắc đẹp dễ say người như Tây Thi, Trịnh Đán, kết cuộc:

“Hồng nhan già xấu, anh hùng mất.

Đôi mắt thư sinh cũng mỏi buồn.”

Tâm vô thường, là tâm niệm chúng sanh thay đổi luôn luôn, khi thương giận, lúc vui buồn. Những niệm ấy xét ra huyễn hư như bọt nước. Cảnh vô thường, là chẳng những hoàn cảnh xung quanh ta hằng đổi thay biến chuyển, mà sự vui cũng vô thường.

Món ăn dù ngon hay dở, qua cổ họng rồi cũng bằng nhau. Cuộc sum họp dù đầm ấm, kết cuộc cũng phải chia tan. Buổi hát vui rồi sẽ vãng. Quyển sách hay, lần lượt cũng đến trang cuối cùng…Vạn vật vô thường là vậy, nào có chi đâu mà sanh tâm phiền não?

Vô ngã là gì

“Vô Ngã” nghĩa là không có ta, không tự thể, tự chủ. Điều này cũng gồm có thân vô ngã, tâm vô ngã và cảnh vô ngã. Thân vô ngã là thân này hư huyễn không tự chủ, ta chẳng thể làm cho nó trẻ mãi, không già chết. Dù cho bậc thiên tiên cũng chỉ lưu trụ được sắc thân trong một thời hạn nào thôi.

Tâm vô ngã, chỉ cho tâm hư vọng của chúng sanh không có tự thể. Như tâm tham nhiễm, niệm buồn giận thương vui thoạt đến rồi tan, không có chi là chân thật. Cảnh vô ngã là cảnh giới xung quanh ta như huyễn mộng, nó không tự chủ được, và bị sự sanh diệt chi phối. Đô thị đổi ra gò hoang, ruộng dâu hóa thành biển cả, vạn vật luôn luôn biến chuyển trong từng giây phút, cảnh này ẩn mất, cảnh khác hiện lên.

Khi quán xét từ thân tâm đến cảnh giới đều bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, hành giả sẽ dứt trừ được tâm tham nhiễm. Bởi chúng sanh thiếu mất trí huệ, thường sống trong sự điên đảo: Không sạch cho là sạch, khổ cho là vui, vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã, rồi sanh ra mê say đắm nhiễm.

*

Vậy nên đức Phật dạy phải dùng bốn pháp này để quán phá bốn sự điên đảo đó. Chẳng hạn như phẩn uế, ta cho là thối tha nhơ nhớp, nhưng loài chó lợn vì nghiệp mê nhiễm, thấy là thơm sạch ngon, nên đua nhau tranh giành. Sự dục nhiễm ở nhơn gian, loài người cho là vui sạch đáng ưa thích, nhưng chư thiên cho là hôi tanh nhơ nhớp, chẳng khác chi ta thấy loài chó lợn ăn đồ ô uế. Sự dục nhiễm của chúng sanh rất si mê điên đảo nên tự mình gây phiền não cho mình, nên người tu phải cố gắng lần lượt phá trừ.

Phiền não ma là gì

Phiền Não Ma chỉ cho các phiền não tham nhiễm, hờn giận, si, mê, khinh mạn, nghi ngờ, ác kiến. Cho đến các thứ ma: Năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới. Loại ma này cũng gọi là Nội ma, do lòng mê muội điên đảo sanh ra, nên phải dùng tâm chân chánh sáng suốt giác ngộ mà giải trừ.

Phàm phu tự mình đã có những nghiệp riêng, lại do công nghiệp sống chung trong khung cảnh: Người xung quanh phần nhiều tánh tình hiểm ác, nghiệp chướng lẫy lừng, nên dễ động sanh phiền não.

Có kẻ không chịu đựng nổi sự lôi cuốn của ngũ trần, nên bị sa ngã. Có người vì nghịch cảnh, khiến cho bi thương sầu não, chí tiến thủ tiêu tan. Những sự việc này xui khiến người tu nhẹ thì ưu sầu, uất ức sanh đau bịnh. Nặng thì chán nản bỏ đạo, hoặc phẫn chí tự tận. Nguy hại hơn nữa, tất đến chỗ đối với hàng xuất gia tại gia đều mất hết mỹ cảm, tránh xa chán ghét. Sanh việc khinh rẻ chê bai, không tin nhân quả, làm điều ác rồi phải đọa tam đồ.

Cách vượt qua phiền não ma

Muốn đối trị thứ ma này, hành giả phải quán xét phiền não là hư huyễn. Những dao động, nóng bức, trói buộc, tối tăm, chỉ làm khổ cho người và mình. Dứt phiền não, ta sẽ trở về chân tâm tự tại giải thoát, mát lặng sáng trong, an vui mầu nhiệm. Đối với sự mê chấp từ năm ấm cho đến mười tám giới cũng nên quán như thế.

Trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật bảo: “Các ngươi chớ nên tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thô tệ. Nếu mê đắm tham trước, tất bị nó thiêu đốt.” Khi xưa đức Văn Thù hỏi một vị thiên nữ: “Ngươi xem mười tám giới như thế nào?” Thiên nữ đáp: “Như thấy kiếp lửa đốt thế gian!” Đây là những lời cảnh giác để phá trừ loại ma phiền não.

Phiền não ma hay Nội ma, nếu không chế phục được, tất sẽ chiêu cảm đến Ngoại ma ở ngoài đến phá. Lời xưa nói: “Trong cửa có tiểu nhơn, ngoài cửa tiểu nhơn đến. Trong cửa có quân tử, ngoài cửa quân tử đến.” Lại như khi ăn trộm đào ngách muốn vào nhà, gia chủ hay được tỏ ra bình tỉnh răn trách, tất nó phải sợ hãi bỏ đi. Nếu chủ nhà kinh sợ rối rít năn nỉ, đó chính là thái độ khuyên rước trộm vào nhà vậy.”

( Phiền não là gì )

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Phật thuyết Kinh Nhân quả ba đời

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog