Phật thuyết Kinh Nhân quả ba đời
Pháp Giới 5 tháng trước

Phật thuyết Kinh Nhân quả ba đời

Kinh nhân quả ba đời là bộ kinh đức Phật thuyết về Nhân quả thông suốt ba đời: Quá khứ, hiện tại và Vị lai. Bao gồm nhân đời trước, quả đời này, nhân đời này, quả đời sau. Tổ Ấn Quang dạy: “Hai chữ Nhân Quả gồm trọn hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian không sót chút gì”. 

Chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi, do nhân thiện ác đã gieo mà chịu quả báo phước họa tương ứng. Quả báo này thâu trọn trong “thông báo ba đời”, nghĩa là:

Đời này làm thiện, làm ác, ngay đời này được phước, mắc họa, đó gọi là Hiện Báo.

Đời này làm thiện, làm ác, trong đời sau hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Sanh Báo.

Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc mười, trăm, ngàn vạn đời, hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Hậu Báo. Hậu Báo sớm – trễ không nhất định. Hễ gây nghiệp quyết định không thể không thọ báo.

  • Kinh Pháp Diệt Tận.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Cách niệm Phật tại nhà
  • Âm đức là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Kinh Địa Tạng.
  • Kinh Thập Thiện Nghiệp.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết
Phật thuyết Kinh Nhân quả ba đời
Phật thuyết Kinh Nhân quả ba đời

Phật thuyết Kinh Nhân quả ba đời

Hán dịch: Ngài Đại Sư Pháp Hiền

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Một hôm, Tôn Giả A Nan Đà, ở trên hội Linh Sơn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ Kheo câu hội. Khi ấy A Nan Đà Tôn Giả, chắp tay đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi quỳ xuống thưa thỉnh Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn rằng:

Bạch Thế Tôn!

Đến thời Mạt Pháp, tất cả chúng sinh ở cõi Nam Diêm Phù Đề, nhiều kẻ sinh niệm chẳng lành. Không kính Tam Bảo. Không trọng cha mẹ. Không có tam cương. Năm giềng rối loạn, nghèo khó, thấp hèn, sáu căn chẳng đủ. Trọn ngày sát sinh hại mạng cho đến nghèo giàu sang hèn không đồng nhau.

Do nhân duyên quả báo gì khiến nên như thế?

Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi, vì chúng con giải thích mọi sự việc.

Đức Phật bảo A Nan cùng các đại đệ tử:

Lành thay!

Lành thay!

Các ông hãy lắng nghe!

Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ. Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng, đều do nhân duyên từ đời trước mà cảm quả báo. Cho nên tất cả chúng sinh, trước phải hiếu kính cha mẹ.

Kế đó phải tin trọng ngôi Tam Bảo. Thứ ba nên bỏ giới sát mà phóng sinh. Thứ tư cần ăn chay bố thí mới có thể gieo giống ruộng phước về sau.

*

Phật liền nói bài kệ nhân quả rằng:

Giàu sang đều bởi mạng

Đời trước có tu nhân.

Ai thọ trì Kinh này,

Đời đời hưởng phước lộc.

Thiện Nam, Tín Nữ nghe ta nói:

Suy nhớ Kinh Nhân Quả Ba Đời.

Nhân quả ba đời việc chẳng nhỏ

Phật nói lời Phật chớ chê khinh.

*

Đời này làm quan do nhân gì?

Kiếp trước vàng ròng thếp Tượng Phật.

Đời nay hưởng phước bởi nhân xưa

Đai vàng, áo tía, cầu nơi Phật.

Vàng trang nghiêm Phật, trang nghiêm mình.

Làm đẹp Như Lai, đẹp từ thân.

Đừng bảo làm quan là chuyện dễ,

Không tu phước ấy đến từ đâu?

Cưỡi ngựa, ngồi kiệu do nhân gì?

Kiếp trước làm cầu, bồi đắp lộ.

Do nhân duyên gì mặc gấm vóc?

Đời trước thí áo giúp Tăng Ni.

Có ăn, có mặc do nhân gì?

Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống.

*

Ăn mặc thiếu thốn bởi nhân chi?

Kiếp trước một nửa không xả thí.

Lầu cao nhà lớn do nhân gì?

Xưa lên Chùa Am cúng thí gạo.

Phước lộc đầy đủ cho nhân gì?

Xưa lập Chùa Am cất nhà mát.

Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?

Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.

Thông minh trí tuệ do nhân gì?

Kiếp trước ăn chay, thường niệm Phật.

Người thấy vui mừng do nhân gì?

Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.

Chồng vợ bền lâu do nhân gì?

Đời trước Tràng Phan nghiêm cúng Phật.

*

Cha mẹ song toàn do nhân gì?

Đời trước kính trọng người cô độc.

Không cha mất mẹ do nhân gì?

Kiếp trước là người đánh bẫy chim.

Con cháu đông nhiều do nhân gì?

Đời trước mở lồng thả chim thú.

Nuôi con không được do nhân gì?

Xưa sinh con gái dìm cho chết?

Đời nay không con do nhân gì?

Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa.

Đời nay sống lâu do nhân gì?

Kiếp trước mua vật phóng sinh nhiều.

Đời nay mạng yểu do nhân gì?

Kiếp trước xẻ thịt giết hại chúng sinh.

*

Đời nay không vợ do nhân gì?

Kiếp trước tham mưu gian vợ người.

Đời nay ở góa do nhân gì?

Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.

Làm thân tôi đòi do nhân gì?

Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa.

Đời nay mắt sáng do nhân gì?

Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.

Đời nay đui mù do nhân gì?

Kiếp trước chỉ đường chẳng phân minh.

Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?

Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.

Đời nay câm điếc do nhân gì?

Xưa từng ác khẩu mắng cha mẹ.

*

Đời nay lưng gù cho nhân gì?

Kiếp trước chê cười người lễ Phật.

Tay bị cong quẹo do nhân gì?

Đời trước đều là người tạo nghiệp.

Chân bị co rút do nhân gì?

Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.

Làm thân trâu ngựa do nhân gì?

Xưa thiếu nợ người không chịu trả.

Đọa làm heo chó do nhân gì?

Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.

Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?

Xưa đem rượu thịt bày cúng Phật.

Đời nay không bệnh do nhân gì?

Xưa thí thuốc men cứu bệnh nhân.

*

Hằng bị lao tù do nhân gì?

Kiếp trước làm ác chẳng nhượng người.

Đời nay chết đói do nhân gì?

Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột.

Bị thuốc độc chết do nhân gì?

Kiếp trước giăng lưới giết hại cá.

Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?

Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.

Đời nay lùn bé do nhân gì?

Kiếp trước xem Kinh để dưới đất.

Nay thường thổ huyết do nhân gì?

Xưa ăn thịt rồi đi tụng Kinh.

Đời nay ngu điếc do nhân gì?

Kiếp trước tụng Kinh không lắng nghe.

*

Ghẻ lác phong điên do nhân gì?

Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.

Thân có mùi hôi do nhân gì?

Xưa bán hương thơm trọn dối gian.

Đời nay chết treo do nhân gì?

Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.

Quan, quả, cô độc do nhân gì?

Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.

Sét đánh lửa thiêu do nhân gì?

Cân non, già, thiếu lòng gian xảo.

Rắn cắn cọp ăn do nhân gì?

Kiếp trước gây oan tạo đối đầu.

*

Muôn việc mình làm lại mình chịu

Thọ khổ địa ngục oán trách ai?

Đừng nói nhân quả người không thấy

Xa trả con cháu, gần trả mình.

Chỉ nhìn trước mắt người hưởng phước

Sẽ tin bố thí với trì trai.

Kiếp trước tu nhân nay hưởng quả

Đời nầy tu tích để về sau.

Nếu ai hủy báng Kinh Nhân Quả

Kiếp sau đọa lạc mất thân người.

Người nào thọ trì Kinh Nhân Quả

Chư Phật, Bồ Tát đều chứng minh.

Người nào biên chép Kinh Nhân Quả,

Truyền đời tu học đạo nhà hưng.

*

Ai mà mang đội Kinh Nhân Quả,

Tai hung hoạnh họa chẳng vào thân.

Nếu người giảng nói Kinh Nhân Quả

Đời đời kiếp kiếp được thông minh.

Người nào đề xướng Kinh Nhân Quả

Đời sau người thấy sinh cung kính.

Người nào ấn tống Kinh Nhân Quả

Kiếp sau sẽ được thân Đế Vương.

Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời trước

Chính sự thọ hưởng của đời nay.

Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời sau

Chính sự gây nhân của kiếp này.

Nếu như nhân quả không cảm ứng,

Do đâu Mục Liên cứu được mẹ?

*

Người nào tin sâu Kinh Nhân Quả

Đồng sinh Tây Phương Cõi Cực Lạc.

Nhân quả ba đời nói không hết

Thiên Long chẳng bỏ ý người lành.

Nên ngôi Tam Bảo ruộng phước lớn,

Nhân tu tuy một, hưởng muôn ngàn.

Gởi kho bền chắc không hư mất,

Nhiều đời thọ dụng phước vô cùng.

Muốn biết nhân đời trước,

Xem sự hưởng đời nay.

Muốn biết quả đời sau,

Xem việc làm kiếp này.

(Phật thuyết kinh nhân quả ba đời – Hết)

Kinh Nhân quả ba đời Vô cùng quan trọng trong thời mạt pháp.

Tổ Ấn Quang bảo: “Hết thảy những kẻ chẳng hiểu thấu tột cùng lý sâu và những kẻ vô tri, vô thức. Nếu bảo cho họ biết nhân quả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai dù thiện hay ác đều có quả báo. Họ ắt sẽ sợ ác quả mà đoạn ác nhân, tu thiện nhân hòng được thiện quả.

Thiện – ác chẳng ngoài ba nơi thân – khẩu – ý. Đã biết nhân quả sẽ tự phòng giữ thân – miệng, rửa lòng gột ý. Dù ở trong nhà tối, phòng kín, vẫn luôn như đang ở trước Thiên Đế, chẳng dám móng khởi chút bỉ ổi nào, kẻo vướng phải tội vạ! Đấy chính là đại pháp “trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân” để dạy khắp hết thảy chúng sanh thượng, trung, hạ căn của đức Đại Giác Thế Tôn vậy. Tuy thế, kẻ cuồng sợ bị câu thúc, bảo đó là chấp tướng; kẻ ngu nhằm tránh khỏi bị xấu mặt, bèn bảo đó là chuyện vu vơ. Trừ hai hạng người này ra, có ai lại chẳng tin nhận?

Vì thế, ngài Mộng Đông nói: “Người khéo luận về tâm tánh sẽ chẳng thể bỏ được nhân quả. Người tin sâu nhân quả cuối cùng ắt sẽ thấy cực rõ tâm tánh ấy”. Lý này lẽ tất nhiên phải như thế. Phải biết rằng: Từ địa vị phàm phu cho đến khi viên chứng Phật Quả, đều chẳng ra ngoài nhân quả. Kẻ nào chẳng tin nhân quả đều là hạng tự đánh mất thiện nhân, thiện quả, luôn tạo ác nhân, luôn chịu ác quả, trải kiếp số như bụi trần, luân chuyển trong ác đạo, chưa thể xuất ly vậy!

Truyền bá Kinh nhân quả hòng vãn hồi kiếp vận

Ba cõi chẳng yên hệt như nhà lửa, các khổ đầy dẫy thật đáng kinh sợ! Chúng sanh ngu si dù chịu khổ lớn chẳng cầu xuất ly. Dù sẵn có Phật tánh, nhưng vì mê muội, trái nghịch, lại khởi Hoặc tạo nghiệp đến nỗi trải kiếp số như trần sa không cách nào giải thoát. Chẳng đáng buồn ư? Huống nay thế đạo, lòng người nguy hãm, chìm đắm đến cùng cực, sát kiếp thê thảm từ xưa chưa từng nghe.

Lại thêm trào lưu tân học bác không nhân quả, chê những lời nghị luận đạo đức của thánh hiền là hủ bại, vu vơ, mặc tình đề xướng những ý kiến mình ức đoán. Kẻ quáng dẫn lũ mù, lôi nhau vào lửa, đến nỗi thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống. Lũ dân ngây ngô thật đáng thương xót.

Bởi thế, những người có tâm lo cho đời bèn mạnh mẽ phát đại chí muốn cứu giúp dân. Những nghiệp quả ấy đều do chỉ biết tự tư, tự lợi, chẳng biết nhân quả ba đời, thiện ác báo ứng, tưởng là người chết đi, thần thức liền diệt, chẳng có linh hồn tùy theo nhân duyên tội phước thọ sanh trong trời người hay đọa vào tam đồ, ác đạo! Nếu thiện hay ác cũng đều bị diệt mất như nhau, lẽ nào chẳng tùy ý làm bất cứ chuyện gì cốt sao thân tâm khoái lạc ư?

*

Do vậy, đối với những việc nghịch thiên trái lý, tổn người lợi mình, cùng với giết hại sanh mạng cốt sao thỏa thích miệng bụng, bèn đua nhau tưng bừng làm, chẳng e dè chi!

Nếu như biết đến nhân quả ba đời sẽ liền sợ phải thọ báo, chẳng dám móng khởi chút ý niệm, huống hồ là thực hành những việc ấy ư? Vì vậy, biết rằng: Sự lý nhân quả ba đời, sanh tử, luân hồi do đức Phật ta giảng chính là huệ nhật trong đêm dài vô minh. Niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là thuyền từ trong biển khổ sanh tử. Muốn vãn hồi kiếp vận, bỏ qua pháp này, không còn cách chi! (Theo Ấn Quang Gia Ngôn Lục)

Tuệ Tâm 2021.

 

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Sát Na là gì

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog