Phật giáo ở Nepal
Pháp Giới 2 tuần trước

Phật giáo ở Nepal

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

NSGN – Đức Phật Thích Ca đản sinh ở Lumbini vào thế kỷ VI trước Tây lịch. Lúc bấy giờ, Lumbini tọa lạc ở biên giới giữa hai nước Cộng hòa Shakya và Koliya. Ngày nay, Lumbini thuộc nước Nepal. Qua cuộc khảo cổ, những di tích ở hai kinh thành Kapilavatsu và Devadaha của hai nước này vẫn còn tồn tại. Tháp Ramagama ở Nepal an trí xá-lợi Phật vẫn còn nguyên. 

h1.jpg

Chùa Boundhanath tại Nepal

Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, vua Tỳ Lưu Ly của vương triều Kosala ở phía Nam nước Cộng hòa Shakya đã xâm chiếm Kapilavatsu và sát hại rất nhiều người Shakya. Một số người Shakya đã trốn thoát đến thung lũng Kathmandu và sinh sống bằng nghề trồng lúa. Ngài A Nan đã đến thăm những người này và trở về trình với Đức Phật. Việc này thể hiện rõ nét rằng Phật giáo đã hiện hữu ở Kathmandu vào thời Đức Phật tại thế. 

Sau đây, chúng tôi sơ lược về sinh hoạt Phật giáo ở Nepal.

Phật giáo Newar

Phật giáo Newar kết hợp và biến thể từ Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim cang thừa. Ngoài ra, Phật giáo Newar cũng có vài điểm của Ấn Độ giáo. 

Phật giáo Newar được cộng đồng người Newar thực hành ở thung lũng Kathmandu qua nhiều thế kỷ và phát triển thành tông phái riêng. Người quản lý tu viện ở cộng đồng Newar là người Shakya. Những thành phần khác như công nhân, thợ thuyền, thương gia… là cư sĩ. Đất xây dựng tu viện do giới hoàng gia và thương gia cúng dường. Những người Newar giàu có do buôn bán với Tây Tạng. Văn hóa của cộng đồng này gắn liền mật thiết với nghi lễ Phật giáo. 

Xem Thêm:   Sanh Tử Như Ngủ Thức

Phật giáo Tây Tạng

Dân chúng ở ngọn núi Himalaya thường theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Hiện nay, những tu viện Tây Tạng ở thung lũng Kathmandu được phát triển, đồng thời các giáo phái Phật giáo Tây Tạng cũng đang phát triển mạnh việc đào tạo các tu sĩ Lạt-ma  trẻ. 

Phật giáo Nguyên thủy (Theravada)

Sự du nhập Phật giáo Nguyên thủy vào Nepal trải qua thời gian đấu tranh dài lâu và rất nhiều cam go. Lịch sử cho thấy từ năm 1769, vương triều Shah đã tuyên bố Nepal là nhà nước Hindu và đàn áp Phật tử và các tu viện. Tiếp theo, đến năm 1846-1950 đế chế Rana cai trị và đàn áp Phật tử khốc liệt hơn nữa. 

Từ 1921-1944, trải qua hơn 20 năm, rất nhiều Tăng sĩ và cư sĩ đã đấu tranh cho sự sinh tồn và phát triển của sinh hoạt Phật giáo tại Nepal, họ đã bị chính quyền bắt giam và trục xuất ra khỏi nước.

Đến năm 1946, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng nổi tiếng là ngài Narada Mahasthavira cùng phái đoàn đã gặp Thủ tướng mới được bổ nhiệm bấy giờ. Thủ tướng đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Hòa thượng Narada cho phép những Tăng sĩ lưu vong được trở về Nepal. Và trong chuyến viếng thăm Nepal lần thứ ba của Hòa thượng Narada, Thủ tướng cũng đã chấp nhận lời thỉnh cầu của ngài, theo đó công nhận lễ Vesak là ngày lễ chung của Nepal. Phật giáo Nguyên thủy từ đó đã có vị trí tương đối trong đất nước Nepal và dần dần phát triển.

Xem Thêm:   Thần linh là gì

Tóm lại, Nepal là vương quốc theo Ấn Độ giáo (Hindu) cho đến năm 2006. Vì vậy, Phật giáo ở Nepal chẳng những không được chính quyền nước này khuyến khích mà còn bị đàn áp là điều dễ hiểu. Hiện nay, số Phật tử chỉ chiếm 10% dân số Nepal và tất nhiên tín đồ đạo Hindu chiếm đa số.

Nhưng thiết nghĩ dù số người tín tâm với Phật pháp nhiều hay ít, thì dù ở bất cứ nơi nào có hành giả một lòng sống theo tinh ba Phật dạy, nơi đó luôn luôn có sự hiện hữu của chư vị Bồ-tát dìu dắt, gia hộ và chư thiên Hộ pháp thiện thần đồng ủng hộ, bảo vệ.

Chính vì vậy, mặc dù trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng Phật giáo cũng đã cắm sâu vào mảnh đất Nepal. Với hạnh nguyện phục hưng Phật giáo Nepal của chư tôn đức sở tại và ngoài nước, cùng với sự tín tâm mãnh liệt của quý Phật tử, chúng ta kỳ vọng trong tương lai, Phật giáo Nepal sẽ tạo được nhiều thắng duyên cho người dân của quê hương Đức Phật áp dụng được lời dạy quý báu của Đức Thế Tôn để phát triển đời sống vật chất và thăng hoa đời sống tâm linh. 

Thích Trí Quảng

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog