Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa – Cẩn thận kẻo phạm Đại Vọng Ngữ
Pháp Giới 11 tháng trước

Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa – Cẩn thận kẻo phạm Đại Vọng Ngữ

Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa hay còn gọi là Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông. Hòa Thượng Thiền Tâm bảo: “Phật pháp theo sự tùy hóa, thông thường có hai cấp bậc là Tiểu Thừa và Đại Thừa. Tiểu Thừa nói những pháp với trọng tâm hướng về mục tiêu gấp cầu liễu sanh tử cho chính mình, đi đến quả vị A La Hán hoặc Duyên Giác. Đại Thừa nói các pháp rộng lớn, hướng về hoằng nguyện độ thoát tất cả chúng sanh, và đi đến quả vị Toàn Giác của Như Lai.

Luận về pháp, những pháp nào đi đến Phật quả cứu cánh, giảng thuyết rộng về giới ngoại và sự lợi tha, đó là pháp Đại Thừa. Trái lại, chính là pháp Tiểu Thừa. Nhưng điểm chủ yếu để phân định Tiểu Thừa hay Đại Thừa, là thuộc về tâm chớ không phải pháp. Nếu dùng pháp Tiểu Thừa hoằng hóa làm phương tiện để dẫn đến Phật quả thì đó chính Đại Thừa. Còn nếu dụng pháp Đại Thừa mà tâm chẳng biết đến lợi tha thì nào khác chi tu Pháp Tiểu thừa? Lại pháp nào chẳng là Phật pháp, pháp nào chẳng phải là đức Phật thuyết ra? Chẳng thế, khi đức Như Lai giảng dạy về Tiểu Thừa giáo, Ngài cũng là hạng Tiểu Thừa hay sao?”

  • Đã tu sao còn Phân biệt.
  • Tứ Diệu Đế là gì.
  • Thất Bồ Đề Phần là gì.
  • Tứ Thánh Đế giảng giải.
  • Tập Đế là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì
  • Luật Nhân quả là gì.
  • Luân hồi là gì.
Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa – Cẩn thận kẻo phạm Đại Vọng Ngữ
Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa

Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa

Người học Phật chân chánh đừng khởi tâm phân biệt Đại Thừa và Tiểu Thừa làm gì, chỉ gây tranh cãi vô ích mà thôi. Ngoài tâm danh lợi, môn đình ra thì việc tranh cãi này chẳng mang đến lợi lạc chi cho chánh pháp. Căn tánh và tập khí của bạn thuộc pháp nào thì cứ y theo pháp đó mà hành trì. Học Phật quan trọng ở Tu Tâm, đừng để tâm mình loạn động theo danh lợi ở bên ngoài.

Ta đã mỏi mệt, đã khổ hải với lợi danh thế tục mới tìm đến Đạo. Nay gặp được chánh pháp chỉ nên chí tâm mà hành trì; đưa lợi danh, hơn thua, đúng sai, tranh cãi…vào đạo làm chi nữa?

Bởi phàm chưa phải là bậc chứng đạo, tu hành vẫn còn trong vòng mê. Trí huệ chưa được khai mở thì mọi lời nói vẫn trong trí phàm phu tệ lậu.

Gương biết bao nhiêu vị tu hành còn đó, thế gian đọc biết mà chẳng lạnh gáy đấy ư: Cả đời lao tâm khổ tứ tranh cãi pháp hơn pháp kém. Nào trước tác, nào giảng văn, nào thuyết giảng, cặm cụi một đời với luận này sách kia…rốt cuộc trước khi bỏ thân, chỉ ao ước có một điều đơn giản: Giá có thể đem hết những gì mình viết đốt bỏ một lần. Không để sự lầm lạc của mình làm dây trói cứng hàng hậu học! Bậc ngộ ra được chỉ mong có vậy. Hàng chẳng ngộ được ra ắt trầm luân trong địa ngục, đền trả bao giờ cho hết tội vọng ngữ?

Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa: Tranh cãi có ích lợi gì?

Bạn nhìn xem, thời mạt pháp, người biết đến Phật pháp được bao nhiêu đâu? Trong hơn 7 tỉ người trên quả địa cầu này, được bao nhiêu người biết đến pháp giải thoát của Như Lai? Tranh cãi để làm gì? Hơn thua để làm gì? Thời gian và tâm trí dành cho tranh cãi hơn thua giữa Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa ấy, ta để tu học chẳng phải là tốt hơn hay sao?

Bạn tu Pháp nào thì cứ thế mà tu. Việc sanh tử cho mình còn chửa đến đâu, gieo thêm tội vọng ngữ và báng pháp nữa để làm gì? Ta nhìn gương những bậc Chân tu xưa, có vị nào phân biệt, chê bai, có vị nào dạy học trò tranh cãi chuyện Đại Thừa và Tiểu Thừa đó chăng?

Thời cận đại, Hòa Thượng Tuyên Hóa là bậc Long tượng trong Phật pháp, ai cũng biết ngài là Hóa Thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Vậy mà lúc còn tại thế, Ngài luôn mời các Cao Tăng Tiểu thừa đến Vạn Phật Thành để cùng nghiên cứu và tu tập. Tâm của bậc Thánh nhân bình đẳng như thế, nào có phân biệt chi đâu? Nay ta phận phàm phu, không học hạnh ấy của Ngài, lại cứ một hai phân biệt Đại thừa với Tiểu thừa. Như thế chẳng phải là vô ích lắm ư?

Đừng phân biệt Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa

Chư Tổ dạy: “Tâm còn khởi phân biệt, cách với đạo rất xa”. Nay xin trích lời giảng của Hòa Thượng Trí Tịnh, một bậc Chân tu, giới hạnh tinh nghiêm, về chủ đề tu học. Nguyện bạn đọc hữu duyên nắm vững chánh pháp. Ai tu gì cứ thế mà tu, xin đừng hơn thua, xin đừng tranh cãi. Cái tâm loạn động ấy phá hoại Phật pháp nhiều lắm đấy, ngàn lần xin chớ vọng động! 

“…Muốn được quả báo của cõi Vô sắc phải tu tứ thiền, tứ định, tứ vô lượng tâm. Thành tựu thập thiện và 12 định đó gọi là định thế gian hay thiền của thế gian; đó là tột đỉnh của pháp thế gian. Nếu thêm lên nữa là pháp xuất thế gian, ở pháp xuất thế, người đó phải trọn vẹn nhân thừa và thiên thừa, cho nên các bậc tiến lên Thánh vị đều phải tu năm giới, thập thiện, tứ thiền, tứ định, tứ vô lượng tâm.

Nếu ta không bước nấc thang dưới này, làm sao lên nấc thang cao hơn được. Do đó, người học đạo phải có giới điều và những thiền định như vậy. Từ mức đó bước lên tam thừa. Pháp tam thừa xuất thế gian này có pháp Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, pháp Bồ tát. Đại thừa Bồ tát nối hai thừa: Tiểu thừa (Thanh văn thừa) và Trung thừa (Duyên giác thừa).

Luận về Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa

Ta đừng ngại tiểu thừa và trung thừa, vì hai thừa này được nói đến trong kinh; mà kinh nói là Phật dạy rõ ràng, không vì tự ái hay vì lý do gì mà giấu nó. Trường học của mình cũng có 3 cấp: tiểu, trung, đại; pháp Phật cũng có tuần tự như vậy.

Vị Thánh xuất thế ở bậc tiểu, bậc trung thì kết quả ở hạng tiểu, hạng trung, là đại thì kết quả ở hạng đại. Trong kinh Duy Ma Cật ghi các Thanh văn và Bồ tát đến thất của Duy Ma Cật thấy việc làm của đại Bồ tát. Các vị tiểu thừa A la hán khóc như mưa, vì thấy việc làm của Bồ tát mà vô lượng kiếp họ làm cũng không được.

Thấy Tiểu thừa và Đại thừa rõ như vậy thì mình đừng ngại. Nếu có người vì tự ái nói thì mình đừng cãi với họ, vì trong cuộc đời này chấp ngã lớn lắm. Tự là ngã, tự ái là ngã ái. Trong Phật pháp ngã ái là điều bị cấm, người tu phải diệt trừ nó trước nhất. Vì vậy, mình học đạo không nên nói tự ái, người đời nói được. Học đạo mà không trừ ngã ái thì nhứt định không được gì, mà còn để nó lớn thêm nữa là nghĩa sao?

Trong tam thừa, mình nghe nói rằng Tứ đế hạn cuộc cho Thanh văn thừa, Thập nhị nhân duyên hạn cuộc cho Duyên giác thừa (Trung thừa) và Lục độ vạn hạnh cho Bồ tát thừa (Đại thừa).

*

Nhưng nên nhớ Đại thừa phải tu đầy đủ các pháp: Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ vạn hạnh; không phải tu Lục độ vạn hạnh, rồi bỏ Tứ đế, Thập nhị nhân duyên. Đường đời như bài toán phải từ cộng trừ nhân chia, rồi tới phân số, đại số. Nếu nghe đại số rồi làm đại số, bỏ cộng trừ nhân chia không học, thì làm sao được.

Người tu Đại thừa phải tu tập tất cả pháp của Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa mà mình đang luyện tập. Ví dụ như Bồ tát tu tập Tứ đế thì Tứ đế vẫn là Đại thừa Tứ đế. Cũng giống như quý huynh đệ học trường đời, tốt nghiệp Đại học thì người đó cũng có làm toán cộng trừ; nhưng là cộng trừ của người đại học.

Do đó, Bồ tát cũng phải tu tập Tất cả pháp. Mình thuộc Đại thừa Phật giáo phải hiểu điều đó, phải tôn trọng các pháp Tiểu thừa, tôn trọng giới Tỉểu thừa, hình thức Tiểu thừa; vì đó là những điều mà mình phải học, phải làm. Nên hiểu rõ cái đích là Đại thừa, tức thành Phật, không phải cái đích ở A la hán, Tu đà hoàn; trong khi Tiểu thừa đặt cái đích ở Tu đà hoàn cho đến A la hán mà thôi. Người ta gọi A la hán là Phật, vì theo họ, cái đích tới đó là cao nhất rồi.

Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa: Đừng lầm tưởng

Thí dụ đại lược danh từ Tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo) là cả vấn đề, không phải chuyện thường. Phật nói đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo; các ông phải biết. Nhưng biết thế nào là khổ, cả vấn đề. Phải biết cho rành, biết chừng nào nó nhàm, ghê sợ.

Nếu biết sơ sơ như mình, nó còn ham thêm nữa, chứ đâu có sợ, có nhàm. Biết đến chừng nào không có niệm quyến luyến đến nó nữa. Phải sợ, phải nhàm, mới nghĩ đến khổ này từ đâu có ra. Nhân của khổ mình thường gọi là phiền não; nó làm chủ, nó gây nghiệp mới có cái khổ là quả. Mà đã biết nhân rồi thì phải trừ cái nhân đó cho hết cái khổ, mới là chứng quả “diệt”.

Muốn được quả Niết bàn tịch diệt như vậy, tất nhiên phải làm cái gì trừ được nhân đó, chứ không phải muốn là được. Tất cả đạo hạnh phải tu đại khái có 37 phẩm trợ đạo (4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 chánh đạo). Khởi đầu tu tập 4 niệm xứ không phải chuyện thường. Nếu không vào chánh định thì không thể quán được. Cái quán đó phải phát trong chánh định.

*

Như quán thân bất tịnh, phải quán làm sao thân dơ nhớp từ ngoài da đến trong xương, tủy, lục phủ ngũ tạng rất là dơ. Bây giờ ai thử lấy dao rạch da mỏng bên ngoài quẹt lên mặt người khác coi họ chịu không. Chắc chắn không ai chịu, máu tanh hôi dơ quá, chứ phải thường đâu, phải rửa sạch thôi. Còn trong người chứa phân, nước tiểu đầy hết, không có gì là không tanh hôi.

Thân của mình chết rồi thì còn thúi hơn nữa, không có xác của con thú nào thúi bằng xác người. Tôi biết rõ vì nhà ở bờ sông, con trâu chết sình ở sông, người đi trên bờ cũng không sao, mà có thây ma thì cách 50 – 70 thước là không chịu nổi mùi rồi.

Mình thấy con người lúc sống đã dơ, chết cũng rất dơ, dơ nhớp lắm, không phải chuyện thường. Rồi phải quán sao từ dơ đến dòi tủa ra, rã ra thành những đống máu mủ, đến lòi xương, đến xương tan ra. Cả vấn đề mà phải quán như trong kinh nói rõ là nhắm mắt, mở mắt cũng thấy rõ ràng như vậy, chứ không thấy gì khác nữa. Nếu người đó nhập vào cái quán như thế thì dầu sấm sét nổ một bên cũng không nghe, dầu có mùi thật thơm nổi lên cũng không biết. Nếu lúc đó thấy xương trắng thì chỉ thấy xương trắng mà thôi, không thấy cái gì khác nữa.

Quán thân bất tịnh là như vậy, không phải chỉ nói suông. Quán thân bất tịnh tới mức tham tâm mất di. Mang cái thân bọc thúi như vậy đây, dơ thế này, thử ba ngày không tắm coi ai dám đến gần không.

*

Nó như vậy, nói chi trong đó lòi ra thứ gì. Phải quán như vậy, không phải quán sơ sơ là được. Rồi tới quán “thọ thì khổ”như thế nào? Kinh Pháp Hoa nói: “Tất cả là khổ,chúng sanh mê lầm lấy khổ làm vui”. Chẳng có gì là vui, toàn là khổ, phải quán làm sao thấy thực cái khổ đó.

Thí dụ như quán tâm vô thường thì nhận thấy tâm của mình, rồi thấy nó vô thường. Nhưng không thấy tâm mình, làm sao thấy nó vô thường được. Mà cái tâm còn lăng xăng lộn xộn thì làm sao thấy tâm được. Vì vậy, phải trụ định, có định tâm mới quán tâm vô thường được.

Và kế đến là quán pháp vô ngã. Trong Tứ niệm xứ có quán riêng biệt từng phần mà được cái riêng đó, như người được định thấy bất tịnh, thấy trong định như vậy, cho đến thấy vô ngã. Có cái riêng là biệt tướng niệm xứ và tổng hợp những riêng biệt này thành tổng tướng niệm xứ. Những phiền não tập khí của mình khó trừ lắm, nếu không quán cái phiền não đó, cái tham, sân, si, mạn, nghi, phú, hận, não, tật, xan… khó trừ lắm, không phải dễ đâu vì những thứ đó có sẵn một cách sâu thẳm, cứng rắn, bền bỉ. Nếu không dùng pháp đối trị thì khó mà trừ được nó.

*

Qua Tứ niệm xứ tới Tứ chánh cần, nếu ta cứ đọc như thế này: “Việc ác đã có ráng trừ, việc ác chưa sanh đừng cho nó sanh. Việc lành chưa có thì cho nó sanh, sanh rồi cho nó tăng trưởng”. Cứ đọc như vậy hoài, ác vẫn còn, thiện vẫn không có. Phải làm cách nào chứ. Có những ác thế gian và những lỗi mà bậc Thánh vẫn còn, cho đến cái thiện cũng vậy, có cái thiện thế gian và thiện xuất thế gian. Phải làm sao để ác được ngăn trừ, làm sao cho thiện sanh ra. Thiện căn công đức sanh ra không phải là chuyện thường, dễ đâu.

Phải học, phải siêng năng, phải luôn luôn không rời, phải làm sao tăng trưởng nó lần lần. Mình phải có khả năng thật sự như vậy, nghĩa là nó tự nhiên ngăn ác, dứt ác, tự nhiên nó sanh thiện và giữ thiện. Không sanh thiện là không được rồi, cho nên trong Tứ chánh cần, cái sanh thiện là cái mở đầu. Nếu có thiện sanh thì ác không sanh được, thiện sanh thì ác tự nhiên dứt.

Trong Tứ niệm xứ, vô ngã đứng đầu; cho nên có người tu tắt quán vô ngã, không quán cái kia. Nếu quán vô ngã thì các pháp quán kia nằm trong vô ngã, nên không cần phải quán nữa. Vì vậy mà ngã đứng sau, nhưng chủ chốt của nó là vô ngã. Tứ chánh cần cũng vậy, dứt ác, ngăn ác, sanh thiện đều cần thiết. Thí dụ sanh thiện là việc cần, vì biết bao nhiêu điều lành mà mình không có, không làm cho nó có thì không thể được. Phải làm sao cho thiện sanh ra.

*

Rồi kế đó là Tứ như ý túc hay còn gọi là Tứ thần túc không phải chuyện thường, vì người có thần thông mới được. Thí dụ nghe nói là dục niệm, tinh tấn, nhứt tâm thì thấy thông thường quá, chẳng dè những thành quả đó thuộc về thần thông, nên mới gọi là như ý.

Túc nghĩa là thần thông, như ý là muốn cái gì thì hiện cái đó; muốn bay là bay, muốn xuống đất là xuống đất, muốn qua vách là qua vách, muốn lớn thì như núi, muốn nhỏ thì như kiến, muốn nhiều thì vô lượng; tùy theo lực của người đó, muốn không hiện diện thì người kế bên cũng không nhìn thấy. Có chỗ gọi đó là thần túc thông. Rồi rèn luyện đến 5 căn, 5 lực, Thất giác chi.

Thất giác chi nằm trong giác ngộ, cho nên mấy chi đó ở trước cũng có, như tinh tấn, niệm ở 5 căn, 5 lực cũng có. Tứ như ý túc cũng có tinh tấn. Niệm cũng vậy, nó ở trong phạm vi của giác ngộ, nên gọi là phẩm chi của giác ngộ hay giác chi. Chưa giác ngộ thì chưa gọi được như vậy. Từ đó mới lên Bát chánh đạo hay Bát Thánh đạo.

Ở đây mình đi tắt, giảng Bát chánh đạo nói các người phải cố gắng tu Bát chánh đạo; trong khi mấy cái kia chưa có thì làm gì có Bát chánh đạo. Nó chánh rồi mới thành đạo, phải không? Nó thành thứ này, thứ kia, nhưng thứ nào cũng có tên chánh trong đó; như kiến gọi là chánh kiến, chỉ nói “kiến” thôi thì không được.

*

Thế nào là chánh kiến? Phải trải qua đủ các thứ bậc trước và hoàn thành Thất giác chi rồi, mới nói đến Bát chánh đạo. Đến Bát chánh đạo đều là bậc Thánh cả, không phải bậc phàm nữa, nên cũng gọi là Bát Thánh đạo; trong đó có ngữ, có nghiệp, có mạng. Như vậy không phải mình không có ngữ, nghiệp, mạng. Nhưng mình là phàm phu tục tử đâu thế gọi là chánh ngữ, Thánh ngữ; vì phải là bậc Thánh mới được Thánh ngữ.

Vì thế người ta phải rèn luyện từ chưa viên mãn đến viên mãn. Cho nên mình không hiểu, trong 37 trợ đạo phẩm mình cứ nắm lấy Bát chánh đạo, luôn luôn đi giảng Bát chánh đạo thôi. Mấy cái trước chưa có làm gì giảng Bát chánh đạo, làm sao gọi bằng chánh, bằng Thánh.

Thí dụ như chánh kiến chẳng hạn, cũng nói sơ sơ, đừng có tà kiến vậy thôi. Không phải vậy. Định huệ phải được viên thành, kể cả Tứ như ý túc, Tứ niệm xứ chưa có thì làm sao nói đến Bát chánh được. Vì vậy phải biết mấy điểm đó rồi thực hành mới thành công, còn không biết, chỉ nói suông thôi, chưa đạt được vị trí đó mà cứ nghĩ đã được, rồi làm cái khác thì không thể thành công. Nó khó là vậy.

Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa: Trong Đại có Tiểu

Ngoài ra, trong kinh nói Phật thành tựu 10 trí lực mới độ sanh toàn vẹn, khắp cả pháp giới không có sơ sót. Chỉ Phật mới có thập lực, tứ vô sở úy; nghĩa là trong đại chúng không ai có thể chứng minh là Phật không toàn vẹn. Phật cũng đầy đủ từ bi hỷ xả, huynh đệ biết rồi. 18 bất cộng pháp thì chỉ có Phật được mà thôi.

Như vậy thấy rằng thành Phật quả vô thượng không đơn giản dễ dàng. Tuy nhiên, Bồ tát phải thệ nguyện thành Phật. Tứ hoằng thệ nguyện như vậy có khác với các thừa khác hay không? Nó chỉ là tăng thắng vô thượng mà thôi, chứ không khác; nghĩa là nó hơn lên và đạt đến mức vô thượng; mà các thừa khác như Tứ đế Thanh văn thừa, mình gọi là Tiểu thừa, cũng có vậy.

*

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ thuộc Khổ đế nằm trong Tứ đế. Nhưng ban sơ Bồ tát vì chúng sanh khổ mà phát nguyện độ chúng sanh, thì nguyện này nằm ở Khổ đế. Khổ đế được tăng thượng lên thành ra đại thệ nguyện của đại Bồ tát.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn nằm ở Tập đế. Tập là nhân, nhân là phiền não, nên có quả khổ đây. Tiểu thừa coi nó là Tập đế, Bồ tát thì khai triển rộng ra, gọi là tăng thắng vô thượng; nghĩa là nó thù thắng thêm đến mức vô thượng, không còn có tên nữa.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học là Đạo đế. Đạo đế là tu tập tất cả pháp môn của Tiểu thừa có 37 phẩm trợ đạo. Bồ tát cũng vẫn tu vậy.

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, là thành Phật quả, chứng Niết bàn, thuộc Diệt đế. Diệt đế là Niết bàn người tu phải chứng, Bồ tát cũng chứng Niết bàn là Vô dư đại Niết bàn. Cũng là những pháp đó, mà nó tăng thắng vô thượng thêm hơn lên, không còn cái gì trên nữa.

*

Cho nên pháp Phật dạy thấy có khác, nhưng nếu đã biết rõ thì pháp Tiểu thừa vẫn là pháp Đại thừa. Nếu biết dụng công và tâm đi đúng hướng thì sẽ tiến qua Đại thừa.

Vì thế trong kinh Pháp Hoa, các A la hán, dẫn đầu là Xá Lợi Phất, nói rằng họ tưởng là ở Tiểu thừa, nên đối với Phật quả, không có hy vọng gì. Không ngờ Phật dạy rằng nếu còn một chúng sanh nào không thành Phật quả thì Ngài phạm lỗi bỏn xẻn. Mà Phật thì không bao giờ bỏn xẻn, Ngài muốn ai cũng thành Phật cả. Nhưng nếu nói Phật quả, các ông sẽ ngán sợ, không dám tu hành pháp Phật.

Do đó phải nói pháp như vậy, quả như vậy, gần gần nhỏ nhỏ như vậy, để các ông có thể phát tâm tu được. Tuy nhiên thành quả mà các ông được cũng nằm trên con đường đi đến thành Phật. Cho nên Phật nói Hóa thành dụ, mệt mỏi quá thì giữa đường phải có chỗ nghỉ; nhưng con đường đó dẫn đến con đường Phật quả. Nếu nghỉ khỏe rồi, rời bỏ thành đó tiến nữa thì đến Bảo sở thôi, tức Phật quả. Các A la hán Thanh văn chịu bỏ chỗ đó, tiến lên tu Đại thừa, hành Bồ tát hạnh, cũng thành Phật. Vì thế các vị này cũng được Phật thọ ký sau này thành Phật.

*

Như Ngài Xá Lợi Phất được Phật thọ ký về sau cũng thành Hoa Quang Phật; đâu phải tiểu thừa A la hán không được thành Phật, chỉ cần họ tiến lên. Cần lưu ý trong kinh Pháp Hoa nói các vị đó cần trải qua thời gian dài lắm mới đến Phật quả. Vì các vị đó đã vào chỗ nghỉ “Hóa thành” rồi, khó có thể bỏ chỗ nghỉ đó mà lên đường đi tới; phải hiện thân trong lục đạo để thực hành lục độ vạn hạnh. Cả một vấn đề khó khăn vô cùng.

Các vị đó đã vào Hóa thành, an vui trong Niết bàn của nhị thừa; họ không muốn rời tịch tĩnh an vui đi vào chỗ khổ trong lục đạo để độ chúng sanh. Thế nên, thiếu hạnh Bồ tát độ sanh thì không thành Phật được. Cho nên các vị đó được Phật thọ ký thành Phật phải mất thời gian lâu hơn các vị tu Đại thừa thành Phật.

Vì người tu Đại thừa cứ tuần tự tiến tới, không ghé chỗ nào nghỉ cho nên mau. Còn các vị kia cũng đi con đường đó, nhưng vì ghé vào Hóa thành để nghỉ trong Niết bàn Tiểu thừa. Nhưng từ bỏ nơi an vui tạm nghỉ đó mà bước chân lên con đường khó khăn thành Phật thì cả vấn đề – Phải phát đại nguyện đại tâm mới thoát ra. Do đó Phật nói rõ để các vị này thấy họ cũng hy vọng thành Phật. Vì cũng đi trên con đường tiến đến Phật quả, chớ không có con đường nào khác.

*

Chỉ tại các vị này ban đầu nghĩ sai, cho rằng chỗ nghỉ tạm là điểm cuối cùng, nhưng sự thật nó chỉ là điểm tạm dừng ở giữa đường mà thôi. Do đó các Ngài phát tâm, phát nguyện vào Đại thừa, nên được Phật thọ ký về sau sẽ thành Phật.

Còn các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa là đại Bồ tát hiện thân Thanh văn. Vì các vị ở Đại thừa đều hiện đủ các thân trong lục đạo chúng sanh, hiện thân Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật… để tu hành hạnh Bồ tát cũng như để ứng thân theo căn cơ chúng sanh.

Giống như Ngài Quán Thế Âm Bồ tát trong phẩm Phổ Môn hiện thân người nam, nữ; cho đến các thân Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật để độ chúng sanh. Tất nhiên đó là thân thị hiện quyền, không phải thân thật. Do đó trong kinh Pháp Hoa, Phật thọ ký các vị A la hán thành Phật mau, đó là các vị đại Bồ tát quyền hiện thành A la hán. Còn các vị thực sự là Thanh văn A la hán muốn thành Phật phải trải qua thời gian lâu hơn, vì họ ham chỗ tạm.

Do đó Phật nói tam thừa vẫn là nhứt thừa, chứ không có 3, chính là nghĩa đó. Tam thừa là quyền phương tiện cho chúng sanh để thích ứng với ham muốn của chúng thì chúng mới chịu làm. Do đó phải nói đủ các thừa, nhưng đều đạt đến Phật thừa.

*

Thí dụ Bồ tát tu giới, định, huệ thì hàng Thanh văn cũng tu giới định huệ; nhưng chỉ khác nhau là tạm hay đi thẳng. Người thực phát tâm Đại thừa Bồ tát bắt đầu đi tu thì giới định huệ đi thẳng; còn các vị kia cũng giới định huệ ở mức tạm. Nhưng sai lầm nhứt là tạm mà không biết tạm. Do đó, hội Pháp Hoa Phật nói rõ, trước kia không nói vì nói thì hư chuyện. Người ta đang sợ đường dài xa, khó mà cứ nói thẳng ra đường khó dài xa thì có một số ngán không tiến thân. Cũng có người mạnh dạn di; nhưng số đông người không dám, nên Phật chưa nói cái đó mà chỉ nói việc dễ.

Tuy nhiên, nói dễ mà đối với mình không dễ chút nào. Như sơ thiền mình tu tập cho thành cũng không phải dễ. Niệm Phật tam muội ngang với sơ thiền cũng không dễ được. Phải nhập Niệm Phật tam muội, rồi phải ly dục, phải dứt được phiền não tham dục; nhờ sức Niệm Phật tam muội dứt được phiền não về tham dục. Dứt là dứt cái hiện hành, tức là ly dục thì lúc đó ngang với sơ thiền. Việc đó không phải đơn giản được.

Cho nên mình đừng nghe nói đó là Tiểu thừa, mình là Đại thừa, rồi coi thường, trở thành tăng thượng mạn, ngã mạn, kiêu mạn, không tốt đâu. Mình là phàm phu sanh tử rõ ràng, phải cố gắng lắm, nếu không mình chập chững thế này, rồi lẫn lộn trong lục đạo chúng sanh mãi như vậy.

Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa: Lời Kết

Cái biết mà mình không nhắc đi nhắc lại cũng dễ quên lắm. Phải hiểu và nhớ, như 37 phẩm trợ đạo phải biết rõ danh số của nó (4 niệm xứ, 4 chánh cần…). Cứ theo đó tuần tự mà tu, không phải thình lình đem Bát chánh đạo giảng mà bỏ các pháp kia. Bỏ các pháp kia làm sao Bát chánh đạo thành; nghĩa là 37 nấc thang mà mình lên tám nấc thang chót mà thôi; 29 nấc thang dưới mình không kể đến thì chỉ là không tưởng, làm sao gọi là chánh được.

Trong kinh có chỗ gọi Bát Thánh đạo nữa, lúc đó chưa phải ông thánh nhưng cũng bước vào gần ông thánh rồi. Phật gọi là “chánh” thì cái đó không phải thường, phải qua mấy từng kia mới tới từng này. Người có thực tâm để hiểu để tu thì phải hiểu rành. Còn lộp chộp thì trọn đời không thành cái gì hết, phải tuần tự, không thể vượt bực được. Chưa được cái này muốn đạt cái trên thì khó lắm. Ngoại trừ các vị nhiều đời nhiều kiếp tu hành, đời này của họ là đời sau của nhiều đời đã tu rồi thì khác.

*

Phổ thông mà nói là phàm phu trơn để mình luận, lấy cái đó để tự xét lấy mình. Phải cố gắng lắm, nếu không, chập chững sanh tử luân hồi cũng như con rận, con bọ ché: Từ thuở xa xưa mà nay chúng đã thành Phật, thành đại Bồ tát; còn mình bây giờ vẫn sanh tử luân hồi trong lục đạo chúng sanh.

Tương lai nếu không tu nữa thì càng ngày càng đi sâu vào mạt pháp, mạt kiếp thì lẩn quẩn ở đây càng đi sụt hơn nữa. Chánh pháp sụt như vậy thì thiện căn cũng khó phát triển, tạo nghiệp ác lại dễ thì lại lún sâu thêm nữa. Các duyên ở ngoài làm cho mình đi lùi nhiều hơn là tiến lên, cho nên phải cố gắng trong đời này.

(Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa – Theo Trí Tịnh Toàn Tập)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Sám Hối là gì

18 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog