Một bạn đạo nhắn rằng: “Tôi thấy nhiều người sơ cơ nhầm lẫn giữa Cổ Phật Ca Diếp và Tôn giả Ca Diếp, bạn có biết kinh nào đức Phật thuyết về đức Phật Ca Diếp không?” Tôi bảo: “Tuệ Tâm trí huệ cạn cợt, mà kinh sách đức Phật thuyết vô lượng vô biên, sức phàm phu chẳng đọc được bao nhiêu cả. Trong một ít kinh may mắn từng đọc, chỉ thấy thông tin về đức Phật Ca Diếp trong kinh Đại Bản Duyên – Thuộc Bộ Trường A Hàm, được dịch bởi Ngài Tuệ Sỹ.”
Bạn đọc sơ cơ thân mến: Tôn giả Ma Ha Ca Diếp là đệ tử của đức Phật, hiện Ngài vẫn còn sống và đang nhập định nơi núi Kê Túc – Vân Nam – Trung Quốc, chờ đức Di Lặc thành chánh giác! Còn đức Phật Ca Diếp là Cổ Phật, Ngài là vị Phật thứ ba trong Hiền Kiếp này. Ngài thành Phật trước đức Phật Thích Ca và sau hai đức Phật: Phật Câu-lưu-tôn và Phật Câu-na-hàm. Bạn hãy ngồi ngay ngắn, giữ thân tâm thanh tịnh, duyệt qua một phần Kinh Đại Bản Duyên để biết rõ thông tin về đức Phật Ca Diếp nhé:
- Kinh Pháp Diệt Tận.
- Kinh Lăng Nghiêm.
- Kinh Vô Lượng Thọ.
- Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
- Kinh Quán Vô Lượng Thọ
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Kinh Địa Tạng.
Đức Phật Ca Diếp là một trong bảy đức Phật quá khứ
***
Kinh Đại Bản Duyên
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: TT Thích Tuệ Sỹ
(Lược trích)
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở động Hoa lâm vườn cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi khất thực, tụ họp ở Hoa lâm đường, cùng nhau bàn luận rằng:
“Các hiền giả Tỳ-kheo, duy chỉ đấng Vô thượng tôn, rất kỳ diệu, oai lực lớn lao, thần thông viễn đạt, mới biết rõ quá khứ vô số đức Phật nhập Niết-bàn, dứt sạch các kết sử, tiêu diệt các hý luận, và cũng biết rõ kiếp số các đức Phật ấy dài hay ngắn, cho đến danh hiệu, dòng họ thác sinh, sự ăn uống, thọ mệnh dài ngắn, cảm thọ lạc và cảm thọ khổ như thế nào; lại biết rõ các đức Phật ấy có giới như vậy, có pháp như vậy, có trí tuệ như vậy, có giải thoát như vậy, an trụ như vậy. Thế nào, này chư hiền? Đó là do đức Như Lai thông rõ các pháp tính mà biết được hay do chư thiên kể lại?”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở chỗ thanh vắng, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, nghe rõ các Tỳ-kheo luận bàn như thế, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Hoa lâm đường, ngồi vào chỗ ngồi dọn sẵn. Bấy giờ, đức Thế Tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi:
“Này chư Tỳ-kheo, các ngươi tụ tập nơi đây bàn luận chuyện gì?”
Các Tỳ-kheo bèn đem hết mọi việc bạch lại với Phật. Rồi thì, đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
*
“Lành thay, lành thay! Các ngươi đã với tâm chánh tín xuất gia học đạo, nên làm hai việc: một là nói năng theo pháp Hiền Thánh, hai là im lặng theo pháp Hiền Thánh. Những điều các ngươi luận bàn phải nên như thế. Như Lai thần thông oai lực lớn lao, biết khắp mọi việc từ vô số kiếp quá khứ, như thế là do thông rõ các pháp tính, đồng thời cũng do chư thiên nói lại.” Bấy giờ Phật nói bài tụng:
Tỳ-kheo họp pháp đường
Giảng luận pháp Hiền Thánh.
Như Lai từ am vắng
Nghe rõ bằng thiên nhĩ.
Mặt trời Phật rọi khắp,
Phân tích nghĩa pháp giới.
Cũng biết việc quá khứ,
Chư Phật bát Niết-bàn,
Tên, dòng họ, chủng tộc.
Cũng biết thọ sanh phần.
Vị ấy ở nơi nào,
Ghi nhận bằng tịnh nhãn.
Chư thiên uy lực lớn,
Dung mạo rất đoan nghiêm,
Cũng đến bẩm báo Ta
Chư Phật bát Niết-bàn,
Chỗ sinh, tên, chủng tộc
Âm thanh vi diệu tỏ.
Đấng Chí Tôn trong đời
Biết rõ Phật quá khứ.
Phật lại bảo các Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo! Các ngươi có muốn Như Lai, bằng trí túc mạng biết nhơn duyên của chư Phật quá khứ, nói cho nghe chăng?”
Các Tỳ-kheo liền bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, nay chính là lúc. Chúng con muốn nghe. Lành thay, Thế Tôn, lúc này thích hợp để giảng thuyết.
Chúng con phụng hành.” Phật bảo các Tỳ-kheo:
*
“Hãy lắng nghe, hãy suy gẫm kỹ. Ta sẽ phân biệt giải thuyết cho các ngươi nghe.”
Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.
Phật nói:
“Này các Tỳ-kheo! Quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp có đức Phật hiệu là Tỳ-bà-thi, Như Lai, Chí chân, xuất hiện ở thế gian.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, trong quá khứ cách đây ba mươi mốt kiếp có đức Phật hiệu là Thi-khí , Như Lai, Chí chân, xuất hiện ở thế gian.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, cũng trong ba mươi mốt kiếp đó có đức Phật hiệu là Tỳ-xá-bà Như Lai, Chí chân, xuất hiện ở thế gian.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, trong hiền kiếp này có Phật hiệu là Câu-lưu-tôn, Câu na-hàm, Ca-diếp.Ta nay cũng ở trong hiền kiếp này mà thành Tối Chánh giác.”
Bấy giờ, Phật nói bài tụng:
Qua chín mươi mốt kiếp
Có Phật Tỳ-bà-thi.
Ba mươi mốt kiếp kế
Có Phật hiệu Thi-khí.
Cũng ở trong kiếp này,
Xuất hiện Phật Tỳ-xá.
Nay trong Hiền kiếp này,
Vô số na-duy tuổi,
Có bốn Đại Tiên nhân,
Xuất hiện vì thương đời:
Câu-lưu-tôn, Na-hàm,
Ca-diếp, Thích-ca-văn.
“Các ngươi nên biết, thời đức Phật Tỳ-bà-thi, nhân loại sống đến tám vạn tuổi; thời đức Phật Thi-khí, nhân loại sống đến bảy vạn tuổi; thời đức Phật Tỳ-xá-bà, nhân loại sống đến sáu vạn tuổi; thời đức Phật Câu-lưu-tôn, nhân loại sống đến bốn vạn tuổi; thời đức Phật Câu-na-hàm, nhân loại sống đến ba vạn tuổi; thời đức Phật Ca-diếp, nhân loại sống đến hai vạn tuổi, và nay Ta ra đời, nhân loại sống đến một trăm tuổi, tăng thì ít mà giảm thì nhiều. Rồi Phật nói bài tụng:
*
Người thời Tỳ-bà-thi,
Thọ tám vạn bốn nghìn,
Người thời Phật Thi-khí
Thọ mạng bảy vạn tuổi.
Người thời Tỳ-xá-bà
Thọ mạng sáu vạn tuổi.
Người thời Câu-lâu-tôn
Thọ mạng bốn vạn tuổi.
Người thời Câu-na-hàm
Thọ mạng ba vạn tuổi.
Người thời Phật Ca-diếp
Thọ mạng hai vạn tuổi.
Người thời Ta hiện nay
Tuổi thọ không quá trăm.
“Đức Phật Tỳ-bà-thi sinh về dòng Sát-lỵ, họ Câu-lị-nhã, Phật Thi khí và Phật Tỳ-xá-bà, dòng họ cũng vậy. Phật Câu-lưu-tôn sinh về dòng Bà-la-môn họ Ca-diếp. Phật Câu na-hàm, Phật Ca-diếp, dòng họ cũng vậy. Còn nay Ta, Như Lai, Chí chân thì sinh về dòng Sát-lỵ, họ Cồ Đàm”. Phật lại nói bài tụng:
Tỳ-bà-thi Như Lai,
Thi-khí, Tỳ-xá-bà,
Ba vị Đẳng chánh giác,
Sinh họ Câu-lị-nhã.
Ba đức Như Lai kia,
Sinh vào họ Ca-diếp
Ta nay, bậc Vô thượng,
Dẫn dắt các chúng sanh,
Bậc nhất trong trời người,
Họ Cù-đàm dũng mãnh.
Ba đức Chánh giác đầu,
Sinh vào dòng Sát-lỵ.
Ba đức Như Lai sau
Thuộc dòng Bà-la-môn.
Ta nay đấng Tối tôn,
Dòng Sát-lỵ dũng mãnh.
*
“Đức Phật Tỳ-bà-thi ngồi dưới cây ba-ba-la chứng thành bậc Tối chánh giác. Phật Thi-khí ngồi dưới cây phân đà-lỵ, thành bậc Tối chánh giác.
Phật Tỳ-xá-bà ngồi dưới cây sa-la thành bậc Tối chánh giác. Phật Câu-lâu-tôn ngồi dưới cây thi-lị-sa thành bậc chánh giác. Phật Câu-na-hàm ngồi dưới cây ô-tạm-bà-la thành bậc chánh giác. Phật Ca-diếp ngồi dưới cây ni-câu-luật thành bậc chánh giác.
Ta nay, Như Lai, Chí chân, ngồi dưới cây bát-đa thành bậc Chánh giác.”
Rồi Phật nói bài tụng:
Tỳ-bà-thi Như Lai
Đi đến cây ba-la
Và ngay tại chỗ ấy
Đắc thành Tối Chánh giác.
Thành đạo, dứt nguồn hữu.
Tỳ-xá-bà Như Lai
Ngồi dưới gốc sa-la
Đắc giải thoát tri kiến.
Thần túc không trở ngại.
Câu-lâu-tôn Như Lai
Ngồi gốc thi-lị-sa
Vô nhiễm, vô sở trước.
Câu-na-hàm Mâu-ni
Ngồi dưới gốc ô-tạm
Và ngay tại chỗ ấy
Diệt các tham, ưu não.
Đức Ca-diếp Như Lai
Ngồi dưới Ni-câu-luật
Và ngay tại chỗ ấy
Trừ diệt gốc rễ hữu.
Ta nay, Thích-ca Văn
Ngồi dưới cây Bát-đa
Đấng Như Lai, mười lực,
Đoạn diệt các kết sử,
Hàng phục đám ma oán,
Diễn ánh sáng giữa chúng.
Bảy Phật, sức tinh tấn,
Phóng quang, diệt tăm tối;
Mỗi mỗi ngồi gốc cây,
Ở đó thành Chánh giác.
*
“Đức Phật Tỳ-bà-thi có ba hội thuyết pháp. Hội đầu có mười sáu vạn tám ngàn đệ tử. Hội hai có mười vạn đệ tử. Hội ba có tám vạn đệ tử. Phật Thi-khí cũng có ba hội thuyết pháp: Hội đầu có mười vạn đệ tử. Hội hai có tám vạn đệ tử. Hội ba có bảy vạn đệ tử. Phật Tỳ xá-bà có hai hội thuyết pháp. Hội đầu có bảy vạn đệ tử. Hội hai có sáu vạn đệ tử. Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử bốn vạn người. Đức Câu-na-hàm Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử ba vạn người. Đức Ca-diếp Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử hai vạn người. Ta nay một hội thuyết pháp, đệ tử một nghìn hai trăm năm mươi người.”
Bấy giờ Phật nói bài tụng rằng:
Tỳ-bà-thi tên Quán,
Trí tuệ không thể lường,
Thấy khắp, không sợ hãi,
Ba hội chúng đệ tử.
Thi-khí, sáng, bất động,
Diệt trừ các kiết sử,
Vô lượng đại oai đức,
Không thể trắc lượng được,
Ngài cũng có ba hội,
Tụ hội các đệ tử.
Tỳ-xá-bà đoạn kết,
Đấng Đại tiên tụ hội,
Tiếng tăm khắp các phương,
Pháp mầu được tán thán;
Chúng đệ tử hai hội,
Diễn rộng nghĩa thâm áo.
Câu-lưu-tôn một hội,
Thương xót trị các khổ,
Đạo sư dạy chúng sanh,
Chúng đệ tử một hội.
*
Câu-na-hàm Như Lai,
Bậc vô thượng cũng vậy,
Thân sắc vàng ròng tía,
Dung mạo thảy toàn hảo,
Chúng đệ tử một hội,
Rộng diễn pháp nhiệm mầu.
Ca-diếp, mỗi sợi lông,
Nhất tâm không loạn tưởng,
Một lời không phiền trọng,
Chúng đệ tử một hội.
Năng nhân Ý Tịch Diệt,
Ta, Sa-môn họ Thích,
Chí Tôn, Trời trên Trời,
Có một hội đệ tử;
Hội ấy, Ta hiện nghĩa,
Quảng diễn giáo thanh tịnh.
Trong tâm thường hoan hỷ,
Lậu tận, không tái sinh,
Tỳ Bà, Thi-khí, ba;
Phật Tỳ-xá-bà, hai;
Bốn Phật mỗi vị một
Hội tiên nhân diễn thuyết.
“Đức Phật Tỳ-bà-thi có hai đệ tử là Khiên-trà và Đề-xá. Đức Phật Thi-khí có hai đệ tử là A-tỳ-phù và Tam-bà-bà. Phật Tỳ-xá-bà có hai đệ tử là Phò-du và Uất-đa-ma. Phật Câu-lưu-tôn có hai đệ tử là Tát-ni và Tỳ-lâu. Đức Phật Câu-na-hàm có hai đệ tử là Thư-bàn-na và Uất-đa-lâu. Đức Phật Ca-diếp có hai đệ tử là Đề-xá và Bà-la-bà. Còn nay Ta có hai đệ tử là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên”
Bấy giờ, Phật nói bài tụng:
*
Khiên-trà và Đề-xá
Đệ tử Tỳ-bà-thi.
A-Tỳ-Phù, Tam-bà,
Đệ tử Phật Thi-khí.
Phò-du, Uất-đa-ma,
Bậc nhất hàng đệ tử.
Cả hai hàng ma oán,
Đệ tử Tỳ-xá-bà.
Tát-ni và Tỳ-lâu,
Đệ tử Câu-lâu-tôn.
Thư-bàn, Uất-đa-lâu,
Đệ tử Câu-na-hàm.
Đề-xá, Bà-la-bà,
Đệ tử Phật Ca-diếp.
Xá-lợi-phất, Mục-liên,
Bậc nhất đệ tử Ta.
“Đức Phật Tỳ-bà-thi có vị đệ tử chấp sự là Vô Ưu; Phật Thi-khí có vị đệ tử chấp sự là Nhẫn Hành; Phật Tỳ-xá-bà có vị đệ tử chấp sự là Tịch Diệt; Phật Câu-lưu-tôn có vị đệ tử chấp sự là Thiện Giác; Phật Câu-na hàm có vị đệ tử chấp sự là An Hòa; Phật Ca-diếp có vị đệ tử chấp sự là Thiện Hữu; còn Ta có vị đệ tử chấp sự là A-nan”
Vô Ưu và Nhẫn Hành,
Tịch Diệt và Thiện Giác,
An Hòa và Thiện
Hữu Thứ bảy là A-nan.
Ấy là thị giả Phật
Đầy đủ các nghĩa thú;
Ngày đêm không buông lung.
Bảy Thánh đệ tử ấy
Hầu tả hữu bảy Phật
Hoan hỷ và cúng dường,
Tịch nhiên vào diệt độ
*
“Đức Phật Tỳ-bà-thi có con tên Phương Ưng. Phật Thi-khí có con tên Vô Lượng. Tỳ-xá-bà có con tên Diệu Giác. Câu-lâu-tôn có con tên Thượng Thắng. Câu-na-hàm có con tên Đạo Sư. Ca-diếp có con tên Tập Quân. Ta nay có con tên là La-hầu-la”
Phật lại nói bài tụng:
Phương Ưng, và Vô Luợng,
Diệu Giác và Thượng Thắng,
Đạo Sư và Tập Quân,
Thứ bảy La-hầu-la.
Các con hào quý ấy
Nối dõi hạt giống Phật;
Yêu Pháp, ưa bố thí,
Trong Thánh Pháp, vô úy.
“Đức Phật Tỳ-bà-thi có cha tên Bàn đầu, dòng vua Sát-lỵ; mẹ tên Bàn đầu-bà-đề. Quốc thành của vua trị tên là Bàn-đầu-bà-đề”
Phật bèn nói bài tụng:
Biến Nhãn cha Bàn-đầu,
Mẹ Bàn-đầu-bà-đề.
Thành Bàn-đầu-bà-đề,
Phật thuyết pháp trong đó.
“Đức Phật Thi-khí có cha tên Minh Tướng, dòng vua Sát-lỵ; mẹ tên Quang Diệu; quốc thành vua cai trị tên là Quang tướng”
Phật lại nói tụng:
*
Thi-khí, cha Minh Tướng,
Mẹ tên gọi Quang Diệu;
Ở trong thành Quang tướng,
Uy đức dẹp ngoại địch.
“Đức Phật Tỳ-xá-bà có cha tên Thiện
Đăng, dòng vua Sát-lỵ; mẹ tên Xưng
Giới, quốc thành vua cai trị tên Vô dụ”
Phật nói tụng:
Cha Phật Tỳ-xá-bà,
Vua Sát-lỵ Thiện Đăng;
Mẹ tên gọi Xưng Giới;
Quốc thành tên Vô dụ.
“Đức Phật Câu-lưu-tôn có cha tên Tự Đắc, dòng Bà-la-môn; mẹ tên Thiện Chi; vua tên An Hòa và quốc thành cũng theo đó mà có tên là An hòa” Bà-la-môn Tự Đắc, Mẹ tên gọi Thiện Chi. Vua tên là An Hòa, Cai trị thành An hòa.
“Đức Phật Câu-na-hàm có cha tên Đại Đức, dòng Bà-la-môn; mẹ tên Thiện Thắng, vua tên Thanh tịnh và quốc thành này cũng theo đó mà có tên là Thanh tịnh” Bà-la-môn Đại Đức,Mẹ tên là Thiện Thắng; Vua tên là Thanh Tịnh, Ở trong thành Thanh tịnh.
“Đức Phật Ca-diếp có cha tên Phạm Đức, dòng Bà-la-môn; mẹ tên Tài Chủ; vua thời đó tên Cấp-tỳ, trị vì quốc thành tên Ba-la-nại .”
Bà-la-môn Phạm Đức,
Mẹ tên là Tài Chủ;
Thời vua tên Cấp-tỳ,
Trị thành Ba-la-nại.
“Còn Ta có thân phụ tên là Tịnh Phạn dòng vua Sát-lỵ, mẹ tên Đại Thanh Tịnh Diệu; trị sở thành của vua là Ca-tì-la-vệ.”
Cha, Sát-lỵ Tịnh Phạn,
Mẹ tên Đại Thanh Tịnh;
Đất rộng, dân sung túc;
Ta sinh ra ở đó.
“Đó là nhơn duyên, danh hiệu, chủng tộc và chỗ xuất sinh của chư Phật. Kẻ trí nào nghe đến nhơn duyên đó mà không vui mừng sinh tâm ưa muốn!”(…)